VỢ CÓ PHẢI LÀ NHÀ!
TG: Trái Tim Pha Lê
Chương 1:
" Lạch, xạch, xèn xẹt", tiếng chồng ghế nhựa ma sát trên nền sân xi măng thật chói tai. Bà Nội đứng giữa sân, một tay chống nạnh, một tay chỉ trỏ về hướng mẹ tôi chửi rủa.
- Đồ đĩ thỏa, nó ăn nằm với cha chồng, chửi luôn cả mẹ chồng, cái giống gì mà lì hơn chó, đuổi hoài không chịu đi. Đồ đĩ! Nhà tao không nuôi đĩ, mặt mày dày thế hả con kia?
Mẹ cúi gầm mặt, nhặt lại từng cái ghế, cái bàn bị nội quăng ra đường. Từng giọt nước mắt mẹ rơi cũng không làm nội nguôi giận. Bà đứng đó tru chéo. Lôi luôn cả ngoại ra chửi đổng.
- Má chửi con sao cũng được, đừng xúc phạm tới mẹ con.
- Mẹ mày không dạy mày, nên đẻ ra mày làm phường ăn cắp, mày mang đồ nhà này về cho bả, sau bả chết nhét vô mắt bả mở to như cái tô.
Mẹ tôi giận lắm, mặt đỏ gay nhìn nội. Bà nhìn mẹ, trề môi, sấn tới.
- Mày đánh tao à, nè đánh đi. Đồ mất dạy!
Vừa nói, bà vừa nhào tới mẹ. Không biết cô mới đi đâu về, tưởng mẹ đánh nội liền lao tới, tát, cào cấu mẹ. Mẹ tôi phản kháng, vừa đỡ, dằn tay cô ra. Bà nội từ phía sau, giữ tay mẹ lại, cô được nước cào vào cổ mẹ những lằn vết thương sâu hoắm.
- Má muốn đánh, con để yên cho má đánh. Nó là em chồng. Nó hỗn là con có quyền đánh lại. Má nhắm má giữ con được không?
- Mày là chị dâu, chứ chị ruột mà hỗn với má tao cũng đánh.
Nội nghe mẹ nói, cũng nhùn, trừng mắt nhìn cô:
- Thôi, để đó lát thằng Đông về xử. Đánh thứ này đau tay thêm.
Bà buông mẹ ra, cùng với cô đi vô nhà. Mình mẹ ở lại thu dọn bãi chiến trường. Lòng mẹ đau và uất nghẹn, hàng xóm bu đông rồi cũng tản ra, họ bất bình đấy, nhưng đèn nhà ai nấy sáng, họ xem chỉ trỏ bàn tán, rồi tản đi như không thấy chuyện gì. Nhìn từng bịch gạo, mắm muối bột ngọt vương vãi dưới đất, bàn ghế gãy gọng, mẹ lặng lẽ thu gom từng đồng vốn của mình đem vứt bỏ, chỉ giữ được vài cái ghế nhựa vẹn nguyên. Gương mặt mẹ bỗng bình thản, nước mắt cũng cạn khô.
Sau khi dọn dẹp xong, mẹ tắm rửa cho tôi sạch sẽ, mẹ cũng tắm cho mình thật sạch. Hôm nay mẹ lạ lắm, mẹ chải tóc cho tôi, dặn dò đủ thứ, khi ấy tôi ngây ngô nào hiểu mẹ đang trăn trối cho con. Mẹ hỏi tôi thích mặc gì, mẹ cho tôi mặc áo đầm tôi thích nhất, dặn tôi ra ngoài chơi chờ ba về.
Khi tôi đã chạy đi chơi, mẹ cầm lọ thuốc ngủ trên tay cười như ngây dại. Mẹ viết những dòng uất ức cuối cùng trên trang giấy màu vàng nâu gửi lại cho ba. Chỉ có hai tờ giấy đôi, những nét chữ nhòe nhoẹt bởi nước mắt. Rồi mẹ đổ ra từng vốc thuốc viên tròn nhỏ, bỏ vô miệng, uống thêm ít nước. Cứ thế, khi ly cạn nước thì 100 viên thuốc ngủ đã nằm trọn trong bao tử của mẹ.
Đột nhiên tôi cảm thấy bồn chồn lạ. Cảm xúc của đứa trẻ 5 - 6 tuổi nhìn mẹ sụt sùi, tôi cũng khóc theo. Tôi ôm mẹ , vùi đầu vào lòng mẹ như thể đó là lần cuối cùng. Mẹ vỗ lưng tôi xuýt xoa, mắt mẹ bắt đầu lờ đờ, đầu hoa lên nặng trịch. Mẹ nói mẹ muốn ngủ, và mẹ nằm xuống, nhắm mắt an tĩnh đi vào giấc ngủ sâu. Tôi nhìn mẹ, tim nghẹn lại, mà tới khi lớn lên, tôi mới hiểu đó là đau lòng.
Ba và mẹ quen nhau trong đám cưới của người bạn chung. Ba say quá , nhà ngoại có chiếc xích lô của bác, thế là mẹ đạp xích lô chở ba về, vì nhà nội cách nhà ngoại chỉ 2 cây số. Mẹ tôi ấy hả, to cao và khỏe như đàn ông. Còn ba ngược lại nhỏ xương và nhỏ con. Tuy mẹ lớn xác , nhưng còn trẻ con lắm. Hai mươi hai tuổi, mà mẹ còn chơi nhảy lưng gù, tắm dưới trời mưa reo hò như con nít. Những ngày như thế, ba chỉ đứng bên kia đường nhìn qua rồi phì cười.
Quen nhau được mấy tháng rồi giận dỗi tận hai năm. Ba đăng kí đi bộ đội, mẹ ở nhà phụ ngoại buôn bán. Ngày ba về nước, hôm đó trời cũng đổ mưa to, me tắm mưa, còn ba đứng bên đường nhìn mẹ. Dì tôi thấy ba, khều mẹ xem. Mẹ giận dỗi , bỏ vô nhà. Nhà ngoại tôi nằm trong con hẻm sâu, hơi ngoằn nghèo. Về nhà, sau khi tắm rửa sạch sẽ , ngoại kêu mẹ ngồi nói chuyện, làm mai mẹ cho chú công an nào đó. Mẹ lớn tuổi rồi, con gái thời ấy 24 là bị già rồi í, ai xuôi khiến sao mẹ gật đầu.
Đêm đó, mẹ trằn trọc không ngủ được. Mẹ nhớ ba, nhớ rất nhiều. Sáng hôm sau, mẹ viết thư nhờ dì giao cho ba, để làm gì ư, để đòi lại tấm hình khi xưa mẹ đã tặng. Ba lập tức hồi âm, hẹn mẹ đi uống nước mía trả hình, mẹ ra uống gần hết xe nước mía, ba mới nói " anh quên hình ở nhà rồi". Cứ thế, hai người dùng dằng hết nước mía rồi đá chanh, mà tấm hình vẫn chưa đòi được.
Ngày dạm ngõ mẹ tới, đêm trước, ngoại thấy mẹ ngẩn ngơ, biết con có tâm sự nên thì thầm hỏi nhỏ. Mẹ thừa nhận mẹ yêu ba mất rồi. Ngoại chỉ biết xoa đầu con thở dài, "thương con nhưng lỡ hứa với người ta rồi, con ơi". Sáng hôm đó, hẹn 9 giờ mà gần 11 giờ , người bên nhà ấy mới qua báo tin chú bị tai nạn giao thông, xin dời ngày. Ngoại cảm thấy trong cái rủi có cái may, thế là ngoại viện lý do chắc không hợp nên thôi, mắc công lại gặp xui rủi. Bên kia cũng cảm thấy đám này không lành ,nên nhanh chóng đồng ý. Sau khi họ ra về, ngoại lại ngồi bên giường với mẹ, ngoại nắm tay mẹ, nhìn mẹ đăm chiêu lo lắng:
- Con thương thì mẹ gả, chứ mẹ thấy nó ốm yếu, liệu có lo được cho con không? Thằng đó giống như nghiện xì ke vậy, chỉ được cái là hiền thôi.
- Mẹ yên tâm. Con tự chọn nên con sẽ tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình.
Thế là mẹ hẹn ba ra, dứt khoát một lần. Ba về thưa với nội, nhưng nội không chịu vì mẹ là gái gốc Bắc. Nội nói con gái Bắc hung dữ và không chung thủy. Nói sao bà cũng không xuôi. Ba phải đạp xe lên nhà ông nội xin cưới vợ. Ông nội gật gù mừng rỡ "để ba lo cho". Ông nội cho ba 1 chỉ vàng, ba đi cắt ra làm cặp nhẫn cưới. Đích thân ông nội xuống nhà khuyên giải bà nội, còn đưa cho bà một số tiền săm sửa đồ cưới dâu. Nội gật đầu đồng ý, bằng mặt không bằng lòng.
Đám cưới ba mẹ rất đơn sơ, mẹ đạp xích lô đi mượn chén bát, bàn ghé. Ba chạy vạy nhờ người nấu đãi khách. Tiền để dành hết sạch mà không sắm nổi bộ nữ trang cưới. Để lên hình, ba nhờ bác dâu cho mượn đôi bông tai. Luống cuống sao chiếc bông bị gãy, như báo trước một điềm không lành. Cũng còn hên là bác không bắt đền chiếc bông gãy. Tiệc tan, mẹ cùng mấy dì rửa cả núi chén, sắp xếp đạp xích lô đi trả đầy đủ. Cứ tưởng được nghỉ ngơi, nhưng khi bước vào phòng tân hôn, cả ba và mẹ đều muốn ngã ngửa.
Căn phòng riêng biệt ở tầng một của ngôi nhà khang trang, bốc lên mùi ẩm mốc , và hôi thối. Chiếc giường sắt cũ kĩ, mục nát kê sát tường. Trên đó không có tấm nệm, hay chiếu gì cả , mà toàn là phân mèo chua lè hôi tanh. Ba và mẹ lại hì hụi lau dọn, để được ngả lưng cũng gần 4 giờ sáng. Mới 5 giờ, nội đã lên đập cửa ầm ầm kêu mẹ dậy nấu cơm. Mẹ uể oải ngồi dậy, nấu xong nồi cơm lại tranh thủ ngủ, vì 6 giờ mẹ đã phải đi làm. Mẹ làm công nhân may, theo ca xoay. 6 giờ đi làm là 4 giờ về. Vừa về đến nhà , mẹ đã nghe nội sốc xỉa "kêu nó nấu nồi cơm, nó giận dỗi không ăn, để bụng ra ăn hàng quán, sung sướng còn gì bằng". Mẹ nghe rồi cũng cố nhịn cho qua, bắt đầu chuỗi ngày làm dâu trong tủi nhục và nước mắt.
VỢ CÓ PHẢI LÀ NHÀ!
TG: Trái Tim Pha Lê
( truyện có thật)
CHƯƠNG 2:
Trong cái ngày định mệnh ấy, ba đi làm cứ cảm thấy bồn chồn, bất an, nên xin về sớm. Tôi vẫn ngây ngô ngồi chơi búp bê, bên cạnh chiếc giường mẹ đang ngủ rất an tĩnh. Tự nhiên, tôi thấy mặt ba xanh mét, ba lay mẹ, kêu rất to nhưng mẹ không dậy, ngay cả trở mình cũng không. Ba vội cầm thìa cà phê, banh miệng mẹ ra , thọt sâu vô họng mẹ móc gì đó. Mẹ nhợn lên nhợn xuống, rồi lại gục vào người ba. Lúc này, tự nhiên tôi lại khóc, tôi sợ hành động ba làm đối với mẹ, mắt ba mở to, ba hết dùng tay rồi muỗng móc họng mẹ, mà mẹ cứ để yên, tôi sợ, thật sự rất sợ. Rồi ba chạy nhanh xuống nhà, mang lên tấm thớt cũ, ba cạo thớt đổ vô ly, chế thêm nước, quậy lên cho mẹ uống. Ba cạy miệng của mẹ, bóp mũi đổ hết hỗn hợp đã cạo trên thớt vào cổ họng của mẹ. Tôi thấy mẹ ho, ho sặc sụa , sau đó mẹ ói, ói ra rất nhiều viên thuốc nhỏ đang tan. Ba lau miệng cho mẹ sạch sẽ, nhanh chóng cõng mẹ xuống cầu thang, hớt hãi chạy đi đâu đó, bỏ mình tôi với nước mắt ràn rụa đứng trông theo.
Cả nhà nội đứng ngó, bà nội lườm tôi , rồi đi vô phòng của bà, mặc cho tôi gào khóc đến khản cổ. Thật lâu sau, dì lên đón, xin phép chở tôi về ngoại. Ngồi trên xe đạp cọc cạch, tôi nghe rõ dì đang thút thít. Nhà ngoại hôm nay tập trung rất đông, vừa thấy tôi, ngoại chạy ra, đỡ tôi xuống xe ôm tôi òa khóc. Ông ngoại nhìn tôi đăm chiêu, lắc đầu ngồi phịch xuống ghế, ông kéo ống tay áo chậm chậm lên đôi mắt già nua. Mấy cậu, mấy dì ngồi bó gối trong nhà, mặt ai cũng lo lắng suy tư. Tôi muốn hỏi ba đã đem mẹ đi đâu, nhưng cũng không dám, chỉ ngồi khép nép bên dì chờ đợi, chờ điều gì tự mình cũng không biết.
Rồi ba mẹ cũng về. Cả ba người cùng ngồi trên chiếc xe suzuki, mẹ ngồi giữa, dựa vào ba ngồi sau cùng với đôi mắt nhắm nghiền. Cả nhà ngoại ùa ra, mấy cậu đỡ mẹ, người đỡ đầu, người nắm chân, khiêng mẹ vô nhà, ba chạy theo đỡ lưng mẹ. Cả nhà đặt mẹ nằm trên tấm đi - văng, mẹ vẫn không động đậy. Tôi thấy ông bà ngoại nói gì đó với ba, ba gật gật như sắp khóc, ba xoay nhìn mẹ, đi lại xoa xoa đầu tôi dặn dò:
- Con ở đây với mẹ, với ngoại, mai ba xuống với con. Giờ ba phải về thu dọn đồ đạc.
- Dạ!
- Ừ, ngoan.
Ba gật gù, ôm tôi vỗ về, rồi đứng lên chào ông bà ngoại, đi về nhà nội. Sau khi ba đi khỏi, tôi chạy lại bên mẹ, thử kêu mẹ dậy, nhưng bà ngoại lại ôm tôi sụt sùi. " Bà lớn mà khóc còn nhiều hơn con nít là tôi nữa." Khóc cho đã, bà kêu tôi đi ngủ, "để yên cho mẹ ngủ, mẹ đang mệt lắm, ngày mai mẹ mới dậy".Thế là đêm đó, tôi được nằm ngủ bình yên bên mẹ, mà không phải lo sợ tiếng chửi rủa mỗi sáng sớm của nội. Mẹ tôi cũng không phải thức lúc 2 giờ sáng để nấu cơm bán hàng nữa.
Sáng hôm sau, rồi hôm sau nữa, tổng cộng mẹ ngủ cũng ba ngày rồi, sao mẹ ngủ lâu vậy? Ngoại đi bán, ông ngoại đi làm, chỉ mình tôi ở nhà với mẹ, tôi cứ kêu mãi mà mẹ mê ngủ quá. Ngoài cửa có tiếng gõ, tôi hí hí nhìn qua khe cửa:
- A! Ông nội! Ông nội.
Tôi mở cửa cho ông nội vào, theo sau có ba nữa. Ông nội đi lại đi - văng ngó mẹ, mặt ông buồn buồn lắc đầu, đi ra ghế ngồi đợi bà ngoại. Còn ba thì ngồi lau người cho mẹ, đút nước cho mẹ uống. Ba đút kiểu gì mà tôi thấy mẹ ho bị sặc đỏ hết cả mặt. Mắt mẹ từ từ mở ra, vừa nhìn thấy ba, mẹ lại khóc, xoay mặt quay đi. Ông nội thấy vậy, đến vỗ vỗ vai ba, nói với mẹ.
- Con có giận gì cũng phải nghĩ cho con của con. Bé Ngà còn nhỏ , mồ côi mẹ phải làm sao? Ba cầm trầu cau qua xin hỏi cưới con về, trừ khi ba đuổi, ngoài ra không ai có quyền đuổi con đi. Bây mà không về, đừng gọi ba là ba nữa. Nhà đó của ba, ai dám đuổi con, phải hỏi qua ý của ba.
Mẹ không nói gì, chỉ thấy mẹ gật gật , mím môi kiềm nén tiếng khóc. Ba vẫn ngồi bên cạnh, nắm tay mẹ ủi an. Một lúc sau, bà ngoại về, thấy ông nội dường như ngoại không vui. Ngoại cầm nón lá phe phẩy đi thẳng vô nhà sau. Ngoại bưng lên khay trà mời ông nội, nhưng sao ngoại có vẻ giận ông nội. Ông Nội chào ngoại, ngoắc tôi lại, móc ra 200 đồng cho tôi đi mua bánh. Bởi vậy, có ông nội là sướng nhất, lần nào nội ghé nhà bà nội, ông đều kiếm tôi để cho tiền, có khi cho tận 500 đồng, thường thì cho 200, hoặc 400. Mà tiền ông nội cho mua được rất nhiều bánh kẹo luôn. Lần này, ông ghé nhà ngoại, vẫn kêu tôi cho tiền như thường, thế là tôi hí hửng chạy ra bà Thừa mua bánh. Lát sau về thì ba bảo thu dọn đồ về lại nhà nội. Tôi chưng hửng, nhìn bà ngoại. Bà kéo tay tôi ôm vào lòng.
- Con về ở nhà với ba mẹ và nội nha, nếu thấy mẹ uống thuốc gì như hôm bữa thì điện thoại lên chỗ ba làm, báo cho ba biết liền, nghe không con?
- Dạ! Vậy giờ con không được ở với ngoại nữa hả ngoại?
- Được chứ! Khi nào nhớ ngoại cứ kêu mẹ dẫn về đây, ở bao lâu cũng được.
Thế là hôm đó, ông nội chở tôi về lại nhà của bà nội. Còn mẹ thì ngồi trên xe xích lô chung với ba. Mẹ tỉnh nhưng sao tay chân mẹ cứng lắm, không cử động được, nên tới nơi phải nhờ hàng xóm khiêng mẹ lên phòng. Ông nội vô phòng bà nội rất lâu, xong ông ra vỗ vỗ vai ba, xoa xoa đầu tôi rồi ông về nhà của ông nội. Từ đó, mẹ và tôi vẫn phải sống dưới cái nhìn ghẻ lạnh của nội. Mẹ vẫn vậy, thỉnh thoảng dùng nước mắt chan cơm, nhưng mẹ không uống thuốc nữa, và cũng không dọn đồ về ngoại.
Thời gian cứ thế trôi qua, mẹ cũng đã nghỉ làm công nhân may, vì mẹ sinh em. Buôn bán giờ thành nghề chính của mẹ. Do mẹ có giang bán hàng, nên mẹ bán đắt hàng lắm, cuộc sống của gia đình cải thiện dần dần. Thỉnh thoảng vật liệu nấu cơm vẫn bị quăng ngoài cống, nhưng không quăng công khai nên nhìn vào thì bề ngoài cũng êm ấm.
Tôi thì từ khi học lớp 1 đã phải tự lập. Ba mẹ đều đi làm, tôi tự vặn đồng hồ reng để dậy đi học. Đôi khi tôi tự hỏi, vì sao nội kêu anh chị em tôi dậy mỗi sáng, nhưng tôi thì không? Vì sao nội cấm anh chị chơi với tôi, tại sao cứ nhìn thấy mặt tôi là nội lại trề môi chửi rủa. Mấy cô trong nhà cũng không ưa. Cả đám con nít chơi chung với nhau, thế mà chỉ mình tôi bị phạt quì. Con của bác lớn thì không? Tôi bị quì từ sáng sớm đến khi ba tôi đi làm về, ba cho tôi đứng dậy, mà tôi vẫn không dám vì ánh mắt rét lạnh của cô.
- Ba lớn hơn cô, ba cho con đứng lên thì con cứ đứng, không phải sợ.
Và tôi được đứng lên, theo ba lên phòng với hai đầu gối đã bầm tím. Đến khi tôi đủ lớn để hiểu chuyện, cảm xúc của tôi về đại gia đình bị chai sạn, trong trái tim tôi chỉ có một từ "HẬN". Tôi không tin vào tình yêu, yêu là gì khi ngay cả ruột thịt còn tàn nhẫn với nhau.
Tôi bước vào đời với vỏ bọc băng lãnh, bất cần. Tôi tự tin với nhan sắc của mình. Rất nhiều người đến với tôi, từ già gần bằng ba tôi, lớn hơn tôi 4,5 tuổi cũng có, thậm chí nhỏ tuổi hơn tôi vẫn nói yêu tôi. Vậy mà, trái tim tôi dửng dưng. Dù tôi cố gắng vui vẻ, cũng nhí nhảnh như những cô gái tuổi teen khác, nhưng sao đôi mắt của tôi hoàn toàn bán đứng tôi, luôn phảng phất nổi buồn.
Tôi trở nên dị biệt, lúc thì sôi nổi như mùa hè, thỉnh thoảng đằm thắm như mùa thu, đôi khi có cả lạnh lùng kiêu hãnh của mùa đông, nhưng tuyệt nhiên không có chút gì vui vẻ hạnh phúc của mùa xuân dù ở tuổi đang xuân. Tất cả tạo nên sức hút bí ẩn rất nhiều chàng trai muốn khám phá. Nhưng ngoài ba và mẹ, tôi không còn tin vào ai nữa. Tôi cố sống thật mạnh mẽ như loài xương rồng đầy gai góc, để không ai có thể tổn thương mình. Tôi không muốn ba mẹ buồn vì mình. Tôi khép mình với tất cả vệ tinh vây quanh. Họ chỉ có thể làm bạn với tôi, nhưng sẽ không bao giờ được tiến xa hơn. Cuộc đời của tôi vốn dĩ trôi qua nhạt nhẽo và u tối nếu anh không xuất hiện. Mà ở đời làm gì có nếu như...
VỢ! CÓ PHẢI LÀ NHÀ!
TG: Trái Tim Pha Lê
Chương 3
Mẹ tôi bán cơm tấm, mẹ nấu ngon nên bán rất đắt hàng. Trong những vị khách của mẹ có anh. Anh thuê nhà đối diện nhà tôi, mở tiệm sửa xe. Tiệm sửa xe của anh cũng đắt như quán cơm của mẹ tôi vậy. Mẹ tôi bán hai buổi, sáng cơm tấm, chiều cơm bình dân. Tôi thì tranh thủ sáng đi học, trưa về bưng phụ mẹ. Anh là một vị khách khá trung thành với quán cơm của mẹ.
Năm lớp 9 cuối cấp, tôi lao đầu vào học ngày lẫn đêm. Hôm ấy xui thế nào mà tôi bị xe đụng, đầu đập vô con lươn bất tỉnh trong mấy phút. Mở mắt ra thấy mình nằm trong bệnh viện Chợ Rẫy rồi. Mệt quá lại thiếp đi, tỉnh lại lần nữa thì thấy mình nằm ở nhà, và gương mặt tôi nhìn thấy đầu tiên là bà nội. Nội ân cần hỏi tôi có sao không, vài câu quan tâm khách sáo, thế mà tự dưng tui mừng mừng tủi tủi , nước mắt vô thức rịn ra. Nội nở nụ cười trìu mến, rồi đi ra ngoài. Nằm nghỉ ở nhà hai ngày, tôi phải cố đi học lại, vì kì thi gần kề. Mẹ vẫn lo buôn bán, ba đi làm, xe đạp của tôi đem qua tiệm của chú sửa, thế là chú xung phong đưa đón tôi đi học. Mẹ thấy chú cũng thật thà, nên đành đồng ý. Mẹ có gửi chú ít tiền, nhưng chú không nhận. Chú bảo do chú sửa xe của tôi lâu, tôi không có xe đi học thì chú chở là đúng thôi. Ấy thế mà mẹ đâu có chịu, mẹ dứt khoát dúi tiền vào tay chú, mẹ không muốn mang tiếng lợi dụng, nếu chú không lấy, mẹ sẽ kêu xe ôm chở tôi, thế là chú đành phải cầm.
Thời đó không hiểu sao mà chú sửa xe đạp của tôi lâu kinh khủng, cả tháng trời mà vẫn chưa xong. Hồi ấy, chú lớn hơn tôi 12 tuổi, nên tôi toàn gọi chú. Chú cao gầy, còn tôi ốm nhom, đen nhẻm làn da bánh mật, chỉ được cái gương mặt tròn thôi, có một thứ mà tôi tự hào đó là mái tóc. Tóc tôi nâu hạt dẻ, dài và thẳng. Thời mà duỗi tóc rất thịnh hành, thì tóc tôi thẳng mượt mà ai cũng tưởng duỗi không í.
Tôi vượt qua kì thi học kì xuất sắc, sau những đêm ngủ lúc 12 giờ, dậy lúc 4 giờ sáng, giờ nhớ lại còn ám ảnh.
Thi xong thì Giáng Sinh cũng về, ngoài đường đông đúc hẳn. Mọi người đổ xô ra Sài Gòn, và khu Xóm Đạo bên quận tám rất vui. Nhà nội ở mặt tiền đường lớn, nên chiều hôm đó, tôi lại bắt ghế ra ngồi trước cửa, ngắm dòng xe qua lại. Bình thường thì tôi cũng có nhóm bạn chơi lò cò, nhảy dây, bờ ao sông biển núi, chắc hôm nay là lễ, nên chúng nó được ba mẹ chở đi chơi hết rồi. Tôi vừa nhìn xe, vừa lẩm nhẩm lại những bài học trên lớp. Chợt chú trờ tới, chạy lên thềm nhà, đậu xe ngay trước chỗ tôi ngồi:
- Ngà không đi chơi sao ngồi đây?
- Sao Ngà phải đi chơi?
- Thì lễ mà.
- Ủa, lễ là phải đi chơi hả chú?
Tôi hỏi nghiêm túc , mà chú lại phá lên cười ha hả, nhìn muốn đạp phát cho té xe. Mà công nhận, chú cười rất đẹp, nụ cười vô tư mà giờ muốn tìm lại cũng khó. Cười cho đã, chú dựng chống xe, ngồi xổm trước mặt tôi, không hiểu do ánh đèn đường thời đó không được sáng, hay do mắt tôi sau những đêm ngủ không đủ để học bài, mà tôi lại thấy chú đẹp, đẹp lung linh, mờ ảo.
- Ngà muốn đi dạo Sài Gòn, xem hang đá không? Đẹp lắm đó.
- Ngà cũng muốn, nhưng ba trực đêm, mẹ thì lo chuẩn bị hàng mai bán rồi. Mẹ không thích nơi đông đúc đâu. Ngà ở nhà thôi.
- Ừ. Vậy tôi xin mẹ chở Ngà đi chơi nhé, chịu không?
- Chú chở Ngà?
- Ừ.
Tôi hí hửng gật đầu cái rụp, con nít đấy, 14 - 15 tuổi mà dễ bị dụ lắm cơ. Chú nháy mắt tinh nghịch, đứng lên nhìn tôi.
- Ngà chịu khó lên xin mẹ trước, rồi nhờ mẹ xuống nhà xíu nhé. Tôi vô nhà Ngà không tiện.
- Dạ
Tôi chạy lên lầu xin mẹ đi chơi, nói chú chở. Mẹ nhìn tôi hơi cau mày, mẹ lau vội tay rồi đi xuống. Chú nhìn mẹ, cúi đầu chào.
- Xin phép bác cho cháu chở Ngà đi xem hang đá. Tội nghiệp, học xong ở nhà cũng buồn lắm. Cháu hứa chở Ngà về trước 9 giờ tối.
Mẹ nhìn chú, rồi nhìn tôi thở dài. Mẹ thấy cái ghế tôi còn đặt ngay cửa, mắt mẹ thoáng buồn, mẹ xoa xoa đầu tôi.
- Con có muốn đi chơi không? Xem hang đá?
- Dạ. Mẹ cho con đi nha.
- Ừ! Đi tới chỗ đông người cẩn thận.
Mẹ nhìn qua chú "đưa cháu đi trông chừng giùm chị". Chú lại nở nụ cười ngọt ngào, gật đầu đồng ý. Mẹ quay vô nhà, làm tiếp công việc dang dở. Tôi lên lầu, thay bộ đồ đi học, áo trắng, quần tây xanh, vì tôi không có đồ đi chơi đâu. Đồ này mẹ may cho đi học từ lớp 6 cơ, giờ học lớp 9 mặc áo dài rồi, nên đồ tây cất đó, thỉnh thoảng phụ đạo hay đi thi mới mặc thôi. Chạy xuống, chú nhìn bộ dáng tôi, mắt hơi nhếch lên, miệng thì cong chắc chuẩn bị cười tôi nữa đấy, cười nữa tôi giận không thèm cho chú chở nhá. Hên sao, chú không cười, chỉ lấy tay đằng hắng che miệng rồi leo lên xe chờ. Tôi leo lên ngồi sau xe chú, vi vu qua mấy con đường tấp nập, gió đêm thổi tóc tôi bay bay, xe chú lướt êm, làm tôi như bay giữa dòng người hối hả.
Chú chở tôi qua khu xóm đạo ở quận 8, đường đông thật, phải gửi xe tận ở đầu đường rồi đi bộ vô. Hang đá đẹp chưa thấy, chỉ thấy ngột ngạt đầy người. Gửi xe xong, chú nắm tay tôi dắt đi dưới những ánh đèn ông sao lấp lánh. Lần đầu tay tay với chú, tim tôi bỗng đập mạnh, mặt tôi nóng bừng. Rất nhiều người va vào tôi, mà chú không che được hết, có vài lần tưởng chừng chú phải buông tay, nhưng không, tay chú siết chặt, chặt hơn. Lần đầu tường tận những hang đá to cầu kì, tôi không khỏi mắt chữ A, miệng chữ O ngắm nhìn. Có thác nước nữa cơ, có ông già Noel khổng lồ, lắc lư theo điệu nhạc. Hai bên con đường treo rất nhiều đèn hình ngôi sao be bé đủ màu. Tôi cứ mãi ngước nhìn bầu trời đêm chứa đựng những vì sao lấp lánh như mơ vậy, bỏ hết dòng người chen chúc ở thế giới bên ngoài, đến khi tôi đâm sầm vào vòm ngực rắn rỏi của chú. Chú cúi nhìn tôi, thở hắt ra, hình như giận thì phải. Tôi cứ ngơ ngác, mắt chớp chớp chẳng hiểu chú giận gì. Chú cũng không nói, lặng lẽ nắm tay tôi, vòng lại, dắt ngược ra ngoài.
- Chú ơi! Bên trong còn nhiều hang đá lắm. Mình chưa xem hết mà.
- Giống nhau thôi, tôi chở Ngà ra Sài Gòn xem tiếp, còn kịp giờ về nữa. Về trễ Ngà bị mẹ la đó.
Thế là tôi lại lẳng lặng theo sau chú, hai tay đan chặt, mà mắt vẫn dõi theo dây đèn ông sao đủ màu chớp tắt. Chật vật lắm mới ra tới Sài Gòn, khu nhà thờ Đức Bà. Chú dựng chống đứng, kêu tôi chờ chú đi đâu đó. Ngồi trông xe mà tôi sợ thật sự, xung quanh toàn thanh niên loi nhoi cười nói, họ quăng bông giấy đầy đường. Hồi nhỏ, mẹ hay kể về những bà già chuyên dùng ngải bắt cóc, lột vàng của trẻ con, nên ít khi cho tôi đi đâu một mình lắm. Giờ mình tôi ở đây, tôi sợ như sắp khóc luôn í. Từ đâu có một đám thanh niên tiến về phía tôi, mặt tên nào cũng khinh khỉnh, nhìn như muốn nuốt sống tôi vậy, bọn chúng hốt một đống bông giấy dưới đất, đứng vây xung quanh tôi, bất ngờ thả tất cả bông giấy lên đầu tôi, cười ha hả rồi chạy đi. Tôi nhìn theo bọn chúng, tức không nói được nên lời, mắt tôi long lên, nước mắt chực trào. Bỗng đâu có ly lục trà sủi bọt đặt vào tay mình mát lạnh, tôi xoay lại nhìn chú. Gương mặt chú rất lạ, đôi mắt chú nhìn tôi như thương cảm, lẫn đau lòng, chú phủi phủi bông giấy trên đầu tôi xuống, đột nhiên, chú ôm tôi thật chặt. Tôi vẫn đang ngồi trên xe, còn chú đứng nhé.
- Tôi xin lỗi, Ngà đừng sợ, có tôi ở đây rồi.
Mọi người xung quanh nhìn chúng tôi, bọn thanh niên kia quay lại, chúng tính xả rác lên đầu tôi nữa hay sao í, nhưng tôi có cảm giác chú trừng mắt bọn chúng, thấy chúng nhấp nhấp tới tôi rồi lại thôi, chúng gom rác ( bông giấy) xả lên đầu người khác. Tôi đẩy chú ra, môi cong lên giận dỗi.
- Chú chở Ngà về đi, Ngà mệt rồi.
- Ừ.
Chú chở tôi, nhưng không chở về ngay, mà tắp vô công viên 23/9, tôi trừng mắt nhìn chú. Chú nhìn tôi da diết sao í, nở nụ cười gượng gạo.
- Ngồi ghế đá này đi, tôi gỡ hết bông giấy trên tóc xuống rồi về.
Tôi và chú ngồi xuống ghế đá. Chú kêu tôi xoay lưng để chú gỡ bông giấy cho. Ngồi xoay lưng với chú, tôi lại ngắm xe qua lại, nhìn vòng xoay bùng binh thắp sáng rực rỡ, vô thức tôi mỉm cười một mình. Sau lưng tôi, chú nhẹ nhàng gỡ sợi thun tôi buộc trên tóc xuống, luồn tay vào suối tóc dài suôn mượt của tôi mà gỡ từng miếng bông giấy be bé tròn tròn. Nhiều cơn gió thoảng qua, mùi hương Enchentuer hòa trong không khí từ tóc của tôi phảng phất thật dễ chịu, tôi không thấy chú gỡ tóc mình nữa, xoay lại thì thấy tay chú vẫn lơ lửng trong không trung, dường như đang rờ, thưởng thức mái tóc dài của tôi vậy, chẳng có gì gọi là phủi bông giấy hết. Bực mình, tôi cúi đầu, dùng tay quào quào tóc cho bông giấy rớt lả tả, chú không phụ tôi, mà đờ mặt ra ngó á. Xong xuôi, tôi giật sợi thun trong tay chú, cột lại tóc đuôi gà của mình.
- Chú mơ đã chưa, Ngà muốn về.
- Ừ.
Chú chở tôi về nhà gần 9 giờ. Chú lại nhờ tôi lên kêu mẹ xuống. Tôi nhìn chú mang bực bội, sao thích làm phiền mẹ tôi vậy, chở người ta đi chơi mà toàn mơ ngủ không. Nhưng rồi tôi cũng lên kêu mẹ.
- Dạ, cháu chở Ngà về an toàn. Nhưng lúc nãy bị một nhóm loi nhoi xả bông giấy lên đầu, em phủi chưa kĩ, bác phủi lại giùm cháu.
- À, lát chị kêu nó gội đầu. Cám ơn em.
- Dạ, cháu về.
- Ừ.
Chú đi qua phía tôi, đưa cho tôi ông già Noel bằng bông bé xíu, loại dùng móc khóa, nhoẻn miệng cười, xoa xoa đầu tôi, mới lên xe chạy đi.
Trong mỗi phút giây trong cuộc sống, nếu vui vẻ thì hãy tận hưởng đi, đừng như tôi giận dỗi, và chúng tôi đã lỡ nhau suốt 10 năm trời .Tôi nhìn ông Noel, dễ thương quá. Tôi cũng chẳng bao giờ ngờ rằng, sau lần đi chơi đầu tiên đó, phải tận 10 năm sau, tôi và anh mới tái ngộ.
Download MangaToon APP on App Store and Google Play