Trời sẩm tối. Mây đen trên nền trời chầm chậm kéo đến ngày càng nhiều, nó khiến cho bầu trời sáu giờ tháng năm của Hà Nội tưởng như đã về đêm.
Gió lộng, cồn cát từ đâu bay mù những tòa nhà chọc trời. Dòng xe máy vội vã tấp vào lề đường, họ lặng lẽ phần phật giũ những chiếc áo mưa xanh đỏ, ai nấy đều khẩn trương.
Mưa. Mưa xối xả. Mưa nhuộm trắng Hà Nội.
Dòng người lại ùn tắc, tiếng còi xe inh ỏi. Những xe máy bực tức hối hả, xe sau đâm chắn bùn xe trước. Con người khó chịu, khẩu trang ướt sũng, mùi nước mưa đã nồng hơn ngày trước. Trên lòng đường, cống tanh hôi rình ồ ạt trào nước lên lại càng khiến cho người ta muốn chửi cha cái Hà Nội.
Trong con hẻm nhỏ, nơi khuất xa sự bộn bề của cuộc sống, có hai bóng hình đang vui vẻ ngồi trú mưa dưới hiên nhà đã bỏ hoang.
Cậu học sinh với bờ vai vững chãi và chất giọng ấm áp nhẹ nhàng đang hát. Tay gẩy tay bấm nhịp nhàng lướt trên khung đàn ghi-ta, cứ thế, giai điệu êm dịu của đồng quê dần bao trùm từng ngóc ngách nơi hiên nhà. Tiếng mưa trên mái ngói rì rào, tiếng lạch cạch của cái máng lợn đập xuống nền gạch cũ và tiếng ộp ộp của mấy con ếch văng vẳng càng thêm vào giai điệu của cậu chất mộc mạc và bình yên.
Rồi cậu ngừng tay lại và cất giọng hỏi: “Sao cậu không hát cùng tớ?”
Câu nói của cậu kéo tâm hồn của cô học sinh ngồi đối diện trở về thực tại. Cô nào có biết rằng bản thân có vinh dự được hát cùng cậu cơ chứ.
Cô bẽn lẽn đỏ mặt, nói: “Tớ… tớ không biết hát.”
Cậu cười trộm một cái, xoa đầu cô và nhẹ nhàng khuyên bảo: “Tớ không quan trọng biết hay không. Chỉ cần cậu hát cùng tớ là được rồi.”
Hai bờ vai mỏng manh của cô run rẩy, cô quay đi. Mái tóc của cô tuy ngắn, nhưng hoàn toàn có thể che được đôi mắt đỏ quạnh lúc này.
Và không nói không rằng, cô chợt quỳ hai đầu gối và lạy rạp xuống đất. Cô xin lỗi cậu.
Cậu vội vàng đặt chiếc ghi ta xuống nền gạch, đỡ cô lên và lúng túng ôm cô vào lòng: “Cậu làm gì mà phải xin lỗi? Lê Long Kiên, thằng đó sẽ không thể đụng vào cậu được nữa đâu. Đừng sợ, có tớ ở đây rồi!”
Cô nghẹn ngào, nước mắt tuôn ra không ngớt. Hai cánh tay chằng chịt những băng gâu vẫn còn đỏ thẫm của cô run run nhấc lên. Cô muốn chạm vào lưng người này, nhưng cô lại không dám ôm cậu nữa.
Bởi cậu là Nguyễn Duy Điền Quân, bạn học cùng lớp với cô, cũng là người mà cô phải lừa dối. Tuy cô vẫn chưa làm gì cả, nhưng nội tâm nhạy cảm và đầy mâu thuẫn không cho phép cô đụng vào cậu.
Nguyễn Duy Điền Quân, mười bảy tuổi, hiện đang là học sinh của trường Trung học Phổ thông chuyên X, trường tư thục lớn nhất Hà thành. Cậu là giám đốc của công ty quản lý và điều phối nhân công lớn nhất miền Bắc Việt Nam, đó là gia sản và vị trí mà bố cậu để lại khi ông đột ngột rời xa cõi đời. Khi phải gồng gánh toàn bộ cơ nghiệp ấy, cậu chỉ mới mười sáu tuổi.
Tuy nói là công ty quản lý nhân sự, nhưng thực chất đó chỉ là cái vỏ cho tổ chức của “gia đình” Điền Quân mà thôi. Bởi bố cậu là ông trùm xã hội đen khét tiếng của miền Bắc. Khi Điền Quân mười hai tuổi, cậu đã cùng bố tham gia vào việc quản lý nhân sự đòi nợ và thanh toán những thành phần khác. Dần dần, cậu trở nên trưởng thành trước tuổi và có những đàn em dưới trướng vô cùng trung thành.
Đến năm cậu mười sáu tuổi, cái chết đột ngột của bố cậu làm cho giới xã hội nổi sóng. Bằng tài năng, sự quyết đoán cùng với hậu thuẫn vững chắc của chú Hưng, chú ruột của cậu, Điền Quân hoàn toàn nhận được sự tin tưởng của băng đảng và trực tiếp lên đảm nhận vị trí giám đốc của công ty. Hay nói theo cách khác, Điền Quân đã trở thành ông trùm trẻ nhất trong lịch sử khi mới mười bảy tuổi.
Nguyễn Thị Hậu là người bạn thân nhất của Điền Quân kể từ khi cậu học lớp sáu. Với Quân, Thị Hậu là một cô bé có tính tình hòa đồng, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người và vô cùng hiền lành. Thậm chí, Thị Hậu còn không màng bản thân ốm yếu để vì người khác. Đã một lần, cô nhận lời giúp bạn khác trực nhật cả ngày đến mức ngất xỉu, trong khi đó, người bạn kia chỉ giả vờ ôm bụng để trốn đi chơi.
Lúc ấy, Điền Quân tức giận và trách cô, nhưng Thị Hậu cũng chỉ cười và nói: “Mình giúp người ta thì sau này người ta giúp lại thôi, chắc là buổi đi chơi này rất quan trọng với bạn ấy.”
Nụ cười của cô cũng xoa dịu cậu phần nào. Nhưng trong lòng Điền Quân biết tỏng, rằng Thị Hậu sẽ muôn đời bị lợi dụng mà thôi. Nên cậu luôn tự nhủ rằng cậu sẽ ở đây để bảo vệ cho cô gái ngốc nghếch này.
Chính sự ngây thơ và lương thiện ấy, Thị Hậu đã bước vào cuộc sống căng thẳng của Điền Quân và xoa dịu cậu mỗi khi bản thân cậu rơi vào bế tắc. Rồi tình bạn trong cậu dần trở thành thứ tình cảm đặc biệt mà không ai thay thế được.
Với cậu, người không còn cha mẹ, ngoài chú Hưng và những anh em tốt thì Thị Hậu cũng là gia đình của cậu vậy.
Cậu vỗ về mái tóc mềm thơm của cô và nói: “Nào, cậu đừng khóc nữa. Cậu sẽ lại ngạt mũi tới tối mất. Như vậy khi ngủ lại đau họng bây giờ.”
Điền Quân rất rõ người con gái này, cô có thể chất rất kém, không chỉ bị xoang mãn tính mà còn hay gặp vấn đề về não bộ. Cô rất hay đau đầu, thậm chí có những lúc cô tự hành hạ bản thân để quên đi cơn đau ấy. Những khi như vậy, cậu luôn muốn ở bên cạnh để chăm sóc cho cô.
Nhưng không hiểu sao, mỗi khi bệnh trở nặng, Thị Hậu lại xa lánh và lạnh nhạt với cậu. Điều đó làm Quân rất buồn. Có lẽ đối với Thị Hậu, cậu cũng chỉ như bao người khác được cô bé giúp đỡ.
Nghĩ đến đây, Điền Quân lại càng bực mình một người, đó là Lê Long Kiên. Đây là kẻ lúc nào cũng lăm le Thị Hậu như một con sói đói rình thỏ nhỏ. Hắn và cậu đều thích cùng một người, tất nhiên cậu cũng có cảm tình không tốt với hắn. Nhưng đó sẽ không tác động tới cậu nếu hắn không ngừng dùng những thủ đoạn hèn hạ để làm phiền tới người con gái của cậu.
Mấy ngày đầu, Long Kiên còn tử tế tiếp cận và bắt chuyện. Nhưng rồi hắn ngày một quá đáng, hôm thì giả vờ đau chân để lợi dụng lòng tốt của Thị Hậu mà bám vào người cô. Hôm thì hắn lại giả vờ ốm nặng để cô chăm sóc cho hắn, rồi hắn nhân cơ hội cưỡng hôn cô. Cũng may mà Điền Quân xuất hiện kịp thời, cậu đã ngăn được việc đó xảy ra và đấm cho hắn tới bầm dập mặt mày. Nếu như Thị Hậu không ngăn lại, có lẽ Long Kiên đã không còn lưỡi mà nói rồi.
Nhưng kể ra cũng may, Điền Quân cũng không muốn hành sự trước mặt Thị Hậu, bởi cậu muốn giữ bí mật tuyệt đối về thân phận thực sự của bản thân mình.
Tưởng rằng Long Kiên đã yên phận, nhưng hắn lại không hề ngoan ngoãn như cún chỉ sau một lần như vậy. Nghĩ gì khi bảo một cậu ấm như hắn để yên cho Điền Quân. Gia đình của Long Kiên sở hữu một công ty sản xuất mô tô lớn thứ năm miền Bắc. Hắn thừa sức thuê những tay xã hội để răn đe một người, ngày hôm nay chính là ngày “đẹp” để hắn ra tay. Hắn cho người bắt cóc Thị Hậu rồi đổi tội cho Điền Quân, còn mình thì giả nhân giả nghĩa đem quân tới cứu mỹ nhân.
Chỉ có điều, người tính không bằng trời toán, Long Kiên xui rủi lại đụng phải ông trùm xã hội miền Bắc. Hắn chưa kịp hô một tiếng thì những tên đánh thuê kia đã co giò chạy mất mật, bản thân hắn cũng bị những người lạ mặt đánh đấm cho tơi tả, rồi hòa cái mình tím bầm vào trong dòng nước cống hôi rình của ngày mưa Hà Nội.
Còn Thị Hậu thì được Điền Quân đem về chiếc nhà hoang yên bình này, được cậu xoa dịu và an ủi bằng những thứ giản dị và lãng mạn của đời thường.
Lại hỏi vì sao một ông trùm như cậu lại học mấy thứ như hát hò và ghi ta ư? Bởi vì cậu si tình thế đấy. Cậu muốn được yêu và yêu một cách bình thường như vậy thôi.
Điền Quân sẽ học và làm tất cả vì Thị Hậu.
“Bíp! Bíp! Bíp!”
Tiếng còi xe liên tục vang lên inh ỏi. Thấy cái cục lồm ngồm giữa đường mãi chưa đứng dậy và di chuyển, người tài xế trong buồng lái khó chịu thò hẳn đầu ra ngoài và quát tháo: “Này! Thằng oắt dở người kia! Nếu mày muốn chết thì cứ nằm đấy nhé.”
Rồi những người khác cũng bị tiếng mắng chửi làm cho tò mò. Họ dựng xe lại để nghe ngóng hóng hớt, người thì ngó ngó nghiêng nghiêng, người lại chật vật rút điện thoại ra bấm bấm quay quay. Có người lo chuyện bao đồng thì đỗ xe mở cốp, cầm cái áo mưa dự bị và vội vã mang tới chỗ “đống thù lù”.
Người phụ nữ tốt bụng ấy nhờ người cạnh đó cầm hộ cái áo mưa che cho Long Kiên, còn mình thì lay người hắn. Không thấy có phản ứng, người phụ nữ liền xanh mặt sợ hãi, cô nhanh chóng lật người hắn lại.
Lồng ngực Long Kiên vẫn phập phồng nhẹ nhàng, cô ghé tai vào ngực hắn nghe một lúc rồi thở phào nhẹ nhõm: “Thằng bé vẫn còn sống. Chỉ là mệt hay đau quá nên đã ngất đi mà thôi.”
Những người xung quanh bấy giờ mới nhẹ lòng. Họ bảo nhau khiêng Long Kiên vào một quán ăn xập xệ gần đó. Dần dần, nhờ sự chăm sóc nhiệt thành của những người không quen mặt biết lòng, Long Kiên cũng lờ mờ mở mắt.
Thấy bản thân bị bủa vây bởi nhiều người, hắn khó chịu nghĩ ngợi: “Mấy người trông như ninja này là ai thế nhỉ? Sao cứ bao quanh mình thế?”
Long Kiên nhíu mày, tầm mắt của hắn lại càng bị những cô chú lạ hoắc chắn đi. Họ cúi sát rạp xuống mặt hắn mà reo hô: “Thằng bé tỉnh lại rồi đây, không cần xông gừng nữa.”
Long Kiên không thể chấp nhận nổi sự bỗ bã này, hắn khàn giọng lên tiếng: “Mấy ông bà dịch cái mặt ra! Người đâu mà vô duyên thế không biết!”
… … …
Long Kiên có chút bực dọc, hắn cố ngồi dậy rồi lắc cái mình cho đỡ mỏi.
Ngay lập tức, một cú đánh điếng người xuống vai hắn.
Một ông chú quát mắng: “Cháu nói năng cho cẩn thận, ta và mấy cô bác này đem cháu từ ngoài đường mưa bão bẩn thỉu kia vào đây đấy.”
Rồi cô kia lại nhẹ nhàng: “Thôi bác đừng nóng, cháu nó còn bé, không hiểu sự việc…”
Long Kiên xuýt xoa bả vai, hắn bấy giờ mới nhớ ra hoàn cảnh của bản thân lúc này. Chẳng phải hắn vừa bị Điền Quân sai người đánh cho tả tơi đấy sao…
Hừ!
Long Kiên lại thầm thở dài, hóa ra hắn đã ném tiền qua cửa sổ mà đi thuê mấy tên xã hội đen sâu bọ lom dom chưa đánh đã chạy. Lần sau hắn chắc chắn sẽ thuê mấy tay lão luyện trong giới để trả mối hận của ngày hôm nay.
Cứ nghĩ đến việc cái tên lạnh lùng và kiêu ngạo như Điền Quân phải quỳ gối xin tha trước mặt, Long Kiên lại cảm thấy hả hê hơn bao giờ hết. Hắn lấy lại tinh thần và hưng phấn nói: “Dù gì thì ta có tiền nên ta cũng chả sợ đứa nào hết.”
Câu nói ấy tuy không có ý gì với những người ở đây, nhưng lại trực tiếp được thốt ra sau sự hỗn hào khi nãy nên nó khiến cho các cô bác này tức giận vô cùng. Ngay lập tức, Long Kiên bị họ xách tay xách chân quăng ra ngoài vỉa hè kèm theo những câu dị nghị khó nghe:
“Đúng là giới trẻ ngày nay không chấp nhận được.”
“Trẻ con ngày nay đã không còn biết thế nào là lòng biết ơn nữa rồi.”
“Con cái nhà ai hư thế không biết, vừa hỗn láo vừa ngu đần.”
“Thế này thì có chó nó thương.”
“Biết thế mình cứ mặc xác nó cho xong.”
Rồi họ cũng lấy xe và tản đi.
Trời ngớt mưa.
Long Kiên không chịu được mà quát lên: “Này! Tôi đã nói gì mấy ông bà mà mấy ông bà dám làm thế với tôi hả? Đừng tưởng mình già tuổi mà thích làm gì thì làm, thích nói gì thì nói nhé!”
Một tiếng trong quán đáp lại cùng với chậu nước lạnh hắt ra: “Cút đi! Cái thằng vô ơn không biết trời cao đất dày kia!”
Long Kiên kịp né, hắn sừng sộ: “Mấy đứa con ngoan của bà cũng chả kém cạnh gì đâu. Ngồi đấy mà nói xấu người khác đi nhé mấy con mụ già mất nết.”
Rồi tiếng của người trong quán lại vang lên dữ dội hơn, tiếng gậy gộc và tiếng dép lép bép đi ra: “Á à! Mày chán sống hả con.”
Nhưng khi người chủ quán lực điền ra tới cửa, Long Kiên đã không còn dạng ở đây nữa. Hắn đã nhanh chóng thoát thân trước khi bị ăn thêm vài gậy mộc.
Đối với Long Kiên mà nói thì hắn không sợ bị đánh, nhưng đứng yên chịu đánh thì hắn không kham vì hắn cóbị ngu đâu. Hôm nay, hắn đã chịu đủ sự nhục nhã từ Điền Quân rồi, đâu còn hơi sức mà rước thêm cái rủi vào thân nữa.
Long Kiên vừa đi vừa rên hừ hừ, trong người hắn chả còn đồng nào mà ví tiền và điện thoại thì lại rơi rớt ở chỗ tám hoánh nào rồi. Hắn đành phải tự lết cái thân xác tàn tạ này về “lâu đài” của mình.
Khi Long Kiên chạm chân tới cánh cổng sắt của cái nhà bề thế nhất khu biệt thự thì cũng là lúc tiếng chó quanh đây tru tréo gọi đàn. Hắn lắc đầu thở dài và tự hỏi: “Sao chưa gì đã đêm rồi?”
Hắn bấm chuông, chiếc màn hình hiện ra một gương mặt quen thuộc. Người cha nghiêm nghị lừ lừ nhìn hắn. Ông chẳng nói chẳng rằng và chỉ nhìn hắn vậy thôi.
Long Kiên sợ mất mật, hắn cố nuốt nước bọt vào họng để lấy can đảm. Được một lúc, hắn mới dám thỏ thẻ nói: “Bố! Con xin lỗi vì về muộn ạ.”
Hắn vừa nói xong, màn hình tắt phụt một cái đen ngòm. Cánh cổng tự động mở ra. Long Kiên vui sướng reo trong lòng.
Có vẻ như bố già đã tha thứ cho hắn nên mới không phạt hắn ngủ ngoài đường như mọi ngày.
Nghĩ đến đây, hắn lại càng phải nhanh chóng chạy vào nhà thật nhanh, để hắn còn úp mặt vào cái giường và oánh chén một giấc ngủ no say. À không, trước đó hắn còn phải ngâm mình vào bồn tắm, nhâm nhi ly nước dâu cùng miếng bánh ngọt mà đầu bếp Pháp nhà hắn thuê tự tay làm nữa.
Long Kiên ngạo nghễ bước vào phòng khách, sau khi cúi mình chào bố già, hắn ngang nhiên đi về phía cầu thang máy để bấm số lên phòng. Chưa vui vẻ được ít lâu, một chiếc giày da đã phi thẳng vào đầu hắn. Thấy sự không lành, Long Kiên ngay lập tức quỳ xuống theo bản năng, hướng người thẳng về phía bàn trà nơi bố già đang nghiêm nghị ngồi.
Ông nhẹ nhàng đặt chiếc máy tính bảng xuống, dứt tẩu thuốc ra khỏi miệng và từ tốn tháo kính. Những động tác tưởng chừng rất nhỏ nhặt nhưng lại làm cho cơ thể Long Kiên run bần bật không ngừng, bởi cậu biết ông già không chỉ đơn giản đặt đồ xuống, mà sắp tới ông còn đặt hắn xuống bàn gai nữa kìa.
Long Kiên ngay lập tức lên tiếng xin lỗi, hắn phải liều mạng đánh phủ đầu trước đã:
“Con xin lỗi bố, con có làm giặc đi nữa thì cũng không dám làm gì gây hại cho bố và tổ tiên gia phả ạ.”
Ngoài ra, hắn đột nhiên hét lên như vậy là vì một nguyên nhân nữa. Sau cú hét vừa rồi, hắn đã đẩy nhanh tình huống và được ăn một cái bạt tai trước khi bị đá một cú đau điếng người. Nhưng nhanh thôi, người cứu rỗi cuộc đời hắn sẽ xuất hiện ngay lập tức để can ngăn cuộc bạo lực này.
Đó là mẹ của Long Kiên, người phụ nữ hiền hòa, cần cù và chịu thương chịu khó trong việc năn nỉ ông già giúp hắn. Bởi bà biết từ xưa tới nay, con trai và chồng của bà không hề hợp nhau, cứ giáp mặt thì y như rằng sẽ lườm nguýt hoặc thậm chí là đánh nên bà nào có đành lòng ngồi yên mà nghe chứ.
Người đàn ông ngoài bốn mươi nhìn đứa con trai một cách lạnh lùng, nói: “Sao mày không hỏi tại sao tao lại đánh mày đi?”
Long Kiên ôm mặt, hắn đâu cần phải hỏi cái gì đâu. Chắc chắn là ông già biết việc hắn thuê người đánh nhau, đó cũng là thứ mà ông già nhà hắn ghét nhất. Vì ông già không còn muốn dính dáng tới dân xã hội đen nữa.
Long Kiên cũng rất lấy làm lạ, hắn cho rằng làm dân xã hội đen thì có khi ông già còn kiếm tiền nhiều hơn bây giờ. Tại sao ông lại bỏ “nghề” cơ chứ? Đã một lần hắn gặng hỏi, nhưng cuối cùng lại bị ông già cho mấy cú cốc đầu tổ bố, từ đó hắn cũng chừa và không dám hỏi nữa.
Nghĩ là vậy, nhưng lần này Long Kiên cũng đâu đánh được người ta, ngược lại chính hắn bị thương thì có,hắn mếu máo đáp: “Con cũng có làm gì được ai đâu mà…”
Ông nhíu mắt nhìn hắn: “Sao? Mày dám hổ báo cáo chồn? Mày muốn như nào?”
Ông Bình thực sự tức giận, đây là lần đầu tiên đứa con ngỗ nghịch của ông thuê người đánh nhau. Ví như những lần phá phách khác của Long Kiên, khi thì nhà trường gọi lên giải quyết vì trêu bạn, khi thì phụ huynh lạ mặt đến nhà chửi bới thì ông cũng chỉ đuổi con ra ngoài ngủ hoặc cấm ăn. Nhưng lần này khác, ông không muốn con dính dáng tới dân đâm thuê chém mướn. Ông phải đánh cho nó chừa ra mới thôi được.
Vút!
Chiếc roi da quen thuộc được rút khỏi hốc bàn và vụt một cái ngọt vào da thịt Long Kiên. Ông Bình đánh hắn và không hề có ý định dừng lại, trong con mắt lạnh lùng của ông, những vết lằn mới trên da thịt của con trai đã hiện lên và nó nhanh chóng chồng lên mấy vết bầm cũ.
Long Kiên đau đớn kêu lên một tiếng. Vết thương cũ ngày càng rách lớn.
Ông Bình trầm giọng: “Ngậm mồm vào. Mày không có quyền kêu lúc này.”
Long Kiên tự lấy tay bụm miệng lại, dồn những âm thanh đau đớn từ da thịt ứ lại trong họng. Da hắn nứt toác, máu đỏ thẫm chảy ra theo từng vết roi quật, nó nhuộm thêm mùi sắt tanh trên cái áo nhàu bần đen đúa.
Một vòng tay ấm áp ôm lấy Long Kiên, mẹ hắn đã tới và kéo hắn vào lòng. Bà ô ô khóc nức nở.
Ông Bình nhìn bờ vai gầy guộc run rẩy của vợ mà thấy xót xa. Ông dừng chiếc roi đang giơ trên không trung, vội vàng ngồi xuống và nhìn vào mắt vợ, nói: “Bà ra chỗ khác để tôi dạy con.”
Bà Hương lắc đầu nguầy nguậy, bà ú ớ nói không nên câu. Hai tay bà làm động tác chỉ chỏ loạn xạ.
Đúng vậy, mẹ của Long Kiên bị câm điếc sau một trận tai nạn. Mặc dù không nghe thấy, nhưng chỉ cần nhìn vào thái độ, bà đã có thể biết chồng mình muốn làm gì tiếp theo rồi.
Khi nãy, những ký hiệu trên tay của bà như muốn nói với ông rằng: “Đừng đánh con, có gì từ từ nói.”
Ông Bình vứt cái roi xuống sàn, ông không nỡ đánh con trước mặt vợ. Ông đỡ vợ dậy. Về phần Long Kiên, hắn đã được đứa em gái mười tuổi an ủi. Nó cứ sụt sịt khóc thương hắn, nó chả ngại bẩn thỉu gì, cứ thế ngồi bệt ở dưới đất mà ôm chặt lấy hắn.
Rồi cuộc nói chuyện của gia đình ông Bình diễn ra trong im lặng. Họ nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu. Bác Tâm, người giúp việc của gia đình ông Bình bấy giờ mới thở phào nhẹ nhõm. Tuy bác chỉ hiểu mang máng những gì họ nói với nhau, nhưng bác có thể cảm nhận được cơn giận của ông Bình cũng được bà chủ xoa dịu dần.
Long Kiên được thả về phòng, em gái Phụng Hoa của hắn cũng bám dính theo sau vì nó muốn giúp hắn thoa thuốc dưỡng thương.
Long Kiên tuy rằng hống hách vô lối nhưng hắn rất thương và chiều chuộng mẹ và em gái. Hắn chưa bao giờ quên những ngày lễ của phụ nữ và sinh nhật của họ, và hắn cũng muốn đối xử với Thị Hậu như thế.
Nhắc tới Thị Hậu, Long Kiên lại càng tức tối tên Điền Quân cá cảnh kia, vì cậu cứ suốt ngày lượn lờ quanh người con gái được “định sẵn” của hắn.
Lý do tại sao Long Kiên lại đem lòng thương mến Thị Hậu ư?
Hắn vừa thả mình vào bồn tắm vừa thở dài ngẫm về khoảng thời gian rung động đầu đời.
Long Kiên vốn là cậu ấm muốn gì có nấy, tiền tiêu thả ga nên việc chinh phục phái nữ vô cùng dễ dàng với hắn. Nhưng hắn cũng biết rằng những người đã từng đến với hắn vốn chỉ vì mấy đồng bạc lẻ. Hắn coi khinh chúng vô cùng.
… … …
Nhưng Thị Hậu lại khác biệt, bởi cô làm cho Long Kiên cảm nhận được sự chân thành. Hai người họ gặp nhau trong một đêm mưa bão, khi Long Kiên bị ông bố già của mình nhốt ngoài đường vì một tội vu vơ nào đó.
Hà Nội tối đông trở lạnh, tuy hắn đã được mẹ chu cấp một chiếc áo phao và cái bánh mì lót dạ nhưng chẳng bõ bèn gì, bởi thời tiết của đêm nay còn lạnh hơn thường ngày.
Những tia chớp nhỏ thoắt ẩn thoắt hiện trên nền trời đen thẳm tạo thành những vệt sáng kỳ dị, Long Kiên mím môi nhìn, trong lòng hắn lúc này chỉ mong trời không mưa.
"Hừ! Hừ! Hừ." Hắn rên như chó hóc phải bả, nếu cho hắn một chiếc loa và micro ở đây thì có lẽ cả khu phố này đã được chìm đắm trong "bản tình ca" mùa đông của một con ma đói rồi.
Gió nổi lên, chúng khiến những cát bụi bay cuồn cuộn trên đường. Long Kiên ôm mình, mũi của hắn bắt đầu khó chịu và hắn húng hắng ho. Long Kiên biết bản thân đã dần bị nhiễm lạnh, hắn quay qua quay lại hòng tìm cho mình thứ để quấn thêm vào người. Ngó nghiêng một hồi, cuối cùng hắn cũng tìm được một chiếc chăn rách ở bãi rác cuối đường.
Long Kiên cười sung sướng, hắn reo lên rõ to: “May là hôm nay mấy bà lao công lười chưa dọn rác, không thì ông đây lại chết rét.”
Với hắn mà nói, việc đắp mấy cái rẻ rách này lên người là chuyện quá đỗi bình thường. Vì hắn đã quá quen với việc ngủ lang trong đói nghèo như vậy rồi.
Sau đó, Long Kiên nhanh chóng tìm một chỗ nào đấy thật xa nhà để ngủ. Dù gì thì hắn cũng là cậu ấm của nhà Bình Hương, nên hắn có trách nhiệm giữ thể diện cho gia đình và bản thân trước hàng xóm láng giềng, mặc dù những người ở khu đó còn nắm rõ mọi động thái của nhà hắn hơn ai hết.
Sau khi khấn trời khấn đất cầu không mưa, Long Kiên ngáp một hơi rõ to và dài, có chút mệt mỏi nói: “Được rồi ngủ thôi, đồng chí Long Kiên”.
Hắn tựa đầu cạnh tường và chìm vào giấc ngủ. Trời nổ sấm, những hạt mưa tí tách rơi xuống mái hiên nhỏ. Một hạt, hai hạt rồi mưa rào rào, mưa như trút nước. Long Kiên vẫn ngủ say, mặc cho sấm có rền vang cả khung trời, mặc cho mưa có hắt xối xả vào mình, hắn vẫn ngủ như chết.
Tiếng người ho khù khụ.
Thị Hậu vừa che mưa cho kẻ lang thang khổ sở, vừa đấm ngực xoa đi cơn tức trong lồng ngực. Cô không muốn đánh thức hắn dậy. Chiếc xe bánh chuối An Giang của cô vẫn đậu lề đường, mưa đã gột rửa hết những bột và dầu mỡ. Đêm nay, Thị Hậu định cố bán nốt mẻ bánh rồi mới về nhưng xui rủi thay, trời lại mưa bất chợt. Nó khiến cho cô chạy không kịp và mẻ bánh cũng hỏng.
Thị Hậu quay sang nhìn người đang co ro trong tấm chăn rách mà không khỏi thở dài. Cô lỡ buột miệng mà nói thành tiếng: “Đúng là mình đã khổ mà có người còn khổ hơn, cuộc đời này thật lắm những đau thương.”
Long Kiên ú ớ kêu, hắn chợt giãy nảy và ngồi lên, hai mắt hắn trợn ngược, lồng ngực hắn phập phồng liên tục. Thị Hậu ngơ ngác nhìn hắn, có vẻ như hắn vừa trải qua một cơn ác mộng. Cô hốt hoảng xoa lưng hắn và dịu dàng nói:
“Không sao, không sao rồi.”
Long Kiên trông người con gái dễ thương và hiền hậu trước mặt thì không khỏi ngạc nhiên. Một tràng câu hỏi hiện lên trong đầu hắn:
“Người này là ai? Thần tiên à? Sao lại ở đây giờ này? Sao lại quan tâm mình như thế? Mình đã bị đột tử chết rồi sao?”
Trong cơn ác mộng khi nãy, hắn thấy bản thân bị những người lạ mặt đáng sợ vây quanh và đánh đập cho đến chết. Những người bạn chí cốt của hắn quay lưng với hắn, duy nhất có một người ôm hắn và tình nguyện cùng hắn rơi xuống màn sương đen dày đặc.
Long Kiên ngơ ngác thốt lên: “Đó là em sao? Người cứu anh là em sao?”
Thị Hậu biết Long Kiên vẫn chưa hoàn hồn sau cơn ác mộng, cô phì cười và gật đầu: “Ừ, tất nhiên tớ sẽ làm vậy. Nhưng tớ không phải là tiên đâu.”
Gió lạnh lùa qua một đợt nữa khiến cho Long Kiên rùng mình và tỉnh hẳn. Nghĩ về câu nói cùng với giấc mơ ban nãy, trong một giây ngắn ngủi, hắn thấy xấu hổ và mất mặt vô cùng.
Sao hắn có thể tự nhiên đi cầu cứu một người con gái không quen biết cơ chứ?
Hai tay Long Kiên nắm chặt chiếc chăn, hắn không biết nên nói hay làm gì để lấy lại hình tượng của mình lúc này nữa.
Thấy Long Kiên có vẻ lúng túng, Thị Hậu muốn giúp hắn tự nhiên hơn, cô cười mỉm, nói: “Cậu muốn ăn bánh chuối không?”
Long Kiên nhìn cô, hỏi: “Bánh chuối là gì?”
Thị Hậu xót xa nhìn hắn, trong lòng cô dấy lên sự thương cảm với một người ăn xin đói rét. Một người có lẽ xêm tuổi cô mà lại không biết tới món ăn bình dị này thì chắc hẳn vô cùng khốn khổ. Cô không cầm lòng được, vị cay xộc lên khoang mũi, Thị Hậu cố nén khóc mà vươn ra một tay để vén góc chăn lên đắp cho hắn.
Giọng cô nghẹn ngào: “Ngày mai tớ sẽ đổ đống bột hỏng kia đi, làm cho cậu hẳn một xe bánh chuối nhé. Bây giờ cậu ngủ tiếp đi, trời vẫn chưa sáng đâu.”
Long Kiên ngạc nhiên, hắn tròn mắt nhìn cô.
Đừng bảo là cô ấy đang nghĩ hắn là kẻ ăn xin rách rưới nghèo hèn ấy nhé?
Long Kiên bỗng thấy buồn cười, thật không ngờ lại có người nhầm một cậu ấm như hắn với tầng lớp hạ lưu như vậy.
Nghĩ đến đây, Long Kiên nhìn lại tình huống hiện tại của mình. Trên mặt hắn xuất hiện nét ủ dột. Quả đúng như thế thật, nếu không có bố già thì hắn cũng đâu khác gì kẻ ăn nằm ở đầu đường xó chợ.
Vậy mà cô gái này lại để ý tới hắn, kẻ “tạm thời” nghèo hèn rách rưới. Thật ấm áp, lần đầu tiên hắn cảm thấy bản thân mình được đối xử chân thành đến thế. Những kẻ khác chỉ muốn lợi dụng hắn vì tiền của ông già, còn người này thì không màng trời mưa giá rét mà ở đây với hắn.
Đúng là gian nan mới biết ai là bạn.
Hắn cũng không biết cô gái này che ô cho hắn từ lúc nào, nhưng hắn biết cô cũng đang rét vì bờ vai ướt sũng.
Đôi tay thon gầy của cô vén chăn cho hắn như vừa vén lên một thứ cảm xúc khó tả. Trong lòng hắn lúc này thật nhộn nhạo và đầy sự tò mò về cô.
Cô là ai? Cô tên gì? Nhà cô ở đâu? Cô đã có người thương chưa?
Tất cả những thứ về cô hắn đều muốn biết hết. Thậm chí, hắn đã vẽ ra một viễn tưởng về người vợ tương lai của mình, và đó chính là người con gái này. Hắn muốn có được cô trong cuộc đời.
Long Kiên trấn tĩnh lại trái tim đang đập dữ dội của mình, hắn nở một nụ cười thật lãng tử và trầm giọng nói: “Tớ muốn ăn bánh chuối lắm, nhưng trước hết, cậu hãy kể cho tớ nghe đi… Cậu tên là gì?”
Thị Hậu cuối cùng cũng nhận được sự đáp lại, cô vui vẻ trả lời: “Tớ là Nguyễn Thị Hậu.”
… … …
Tiếng của Phụng Hoa lảnh lót vang lên: “Anh Kiên! Anh đang bị thương đấy! Tắm nhanh lên!”
Nó đứng trước cửa phòng tắm và cau mày đập uỳnh uỳnh vào cửa và cố kéo dài cái âm cuối để thúc giục. Long Kiên phía trong đang mơ màng thì giật mình tỉnh giấc, hắn lại nhớ về ngày mưa lãng mạn hôm ấy nữa rồi. Không biết đến bao giờ hắn mới có thể lấy lại những khoảnh khắc ấy đây?
Long Kiên nói vọng ra: “Được rồi, đừng đập cửa nữa, anh ra ngay đây.”
Hắn nhanh chóng mặc quần áo, cả người hắn đau và ê ẩm lắm, nhưng hắn cũng đã quá quen với nó rồi. Bố già đánh hắn từ khi còn nhỏ, như vậy thì không trơ mới lạ. Thi thoảng lâu không bị đánh, hắn lại thấy nhớ vô cùng.
Phụng Hoa thấy anh ra, nó chuyển ngay thái độ từ gắt gỏng sang mềm mỏng. Nó nhẹ nhàng kéo tay anh trai về phía giường rồi thuần thục giở hộp dụng cụ y tế đồ chơi của nó ra.
Thấy những lọ thuốc quen thuộc, Long Kiên lại nũng nịu: “Thuốc của em trị thương lâu lắm, anh không muốn bôi đâu.”
Phụng Hoa dài giọng: “Lần này có thuốc mới, trị tốt lắm nhé!”
Rồi nó lôi một lọ thuốc lạ ra thật, hũ thuốc mỡ này được dán nhãn hiệu của Ý. Long Kiên nhíu mắt để nhìn cho thật kỹ, con bé vừa quét thuốc lên vết thương trên tay hắn vừa nhẹ nhàng thổi phù. Nó luôn cho rằng khi thổi như vậy, cái đau trên tay hắn sẽ khỏi nhanh hơn.
Xong, nó lấy cái gối mềm nhất và bắt anh nó ngồi dựa vào và chỉnh tư thế cho đến khi hắn cảm thấy thật thoải mái. Sau đó, nó nhẹ nhàng bóp chân bóp vai cho hắn và cẩn thận chừa những chỗ bị thương ra.
Có đứa em như này cũng đủ cho Long Kiên mát lòng mát dạ, hắn thương nó lắm. Nhiều lúc nó như bà cụ non, suốt ngày cằn nhằn hắn, nhưng nó cũng chỉ nghĩ những thứ tốt nhất cho hắn mà thôi.
Tiếng gõ cửa, Phụng Hoa ngừng tay và nhanh nhẹn chạy tới mở nắm đấm cửa. Bà Hương bê khay đồ ăn vào, là một bát phở bò và hai miếng bánh ngọt đẹp mắt, thêm vào đó là ly nước dâu đỏ hồng.
Mùi đồ ăn thơm nức mũi lại khiến cho cái bụng của Long Kiên biểu tình, hắn khập khiễng xuống giường và nhào tới khay đồ ăn của mẹ. Rồi hắn gọi bác Tâm đem lên thêm hai chiếc bát trơn cùng hai đôi đũa nữa, xong, Long Kiên thuần thục chia làm ba bát phở và ép mẹ và em gái ăn cùng. Ba mẹ con lại vui vẻ, mẹ cười con nói.
Bà Hương không nghe thấy lời con nhưng bà cảm nhận được sự ấm áp của hai đứa nhỏ nhà mình. Bà thấy hạnh phúc lắm.
Bác Tâm nhìn ba mẹ con thì cười vui trong lòng. Cả đời bác đi làm giúp việc cho những nhà giàu, chỉ có gia đình này mới chia từng miếng bánh bát phở như vậy.
Ông Bình ngó lên cầu thang, nghe thấy âm thanh hồn nhiên của hai đứa trẻ vọng xuống mà tự thấy an lòng. Trên tay ông bấy giờ vẫn cầm chiếc hộp đựng ngoài của hũ thuốc mỡ sản xuất từ Ý.
Trở về căn phòng làm việc của mình, ông Bình lại ngồi với đống sổ sách. Mười chiếc điện thoại vẫn réo liên hồi, ông lặng lẽ xử lý từng cái một trong sự căng thẳng.
“Alo!”
Đầu dây bên kia đáp lại giận dữ: “Không có tiền xoay thì phá sản đi!”
Rồi ông lại gặm nhấm những áp lực đó một mình. Ông sờ tay lên tường và gõ vào nó, đoạn ông thở phào: “Cũng may là nó vẫn còn cách âm tốt.”
… … …
Download MangaToon APP on App Store and Google Play