Hôm nay là ngày 3.7 âm lịch. Cái tiết trời hanh khô thoảng chút lạnh lẽo khiến lòng người cũng mộng mị mà đượm buồn. Nhưng ngày hôm nay khác hẳn với những ngày thường khi trước bởi hôm nay cậu Phúc về làng.
Phải nói sao nhỉ? Tiết trời như đẹp hơn chăng? Gió thoảng đưa trời xanh lên tận cao vút, thu trọn tầm mắt mà vui vẻ cùng dân làng hơn chăng? Bà con lối xóm tất bật hơn chăng? Đến cả những thân cổ thụ cũng e dè rụng lá hơn chăng? Đường làng sạch bóng rải đều sỏi đá hơn phải chăng?
Tiếng xe kéo ngoài đầu đình vang lên từng tiếng ngựa hí ngân dài. Dưới góc thôn, người dân đã chạy ra tận ngoài cổng ngóng trông:
“Có phải tiếng xe kéo của cậu Phúc không?”
“Hình như không phải! Cậu ấy về đây cũng phải quá trưa. Mới đầu sáng làm sao về kịp!”
“Thế khi nào cậu ấy về qua đây, bà nhớ đánh tôi một tiếng. Tôi chạy ào đưa cậu ít chè đông!”
Cậu Phúc là con nhà ông Hồ Phan. Nhà ông ấy có trại tôm to nhất huyện, nhưng phải đi xuống tận cùng thôn, rẽ qua hơn chục ô ruộng đất bỏ hoang mới tới. Tuy nhà xa như thế nhưng tiếng lành thì không ai sánh kịp. Ông Hồ Phan rất giỏi hàng ma, mỗi khi nhà ai có những chuyện bất thường khó nói đều một mạch chạy tìm ông Phan. Giỏi như thế nhưng ông ấy lại không chuyên, chỉ khi nào có người cần mà ông bấm tay thấy hợp mới giúp, còn không hợp thì đều là cho thêm vài lá bùa loằng ngoằng chữ.
Ông ấy bảo cậu Phúc là mệnh khắc, không hợp, nên từ lâu đã cho cậu đi ở rể ở nhà họ Chu bên xóm. Nhưng tính tốt thì luôn lưu truyền. Ông Phan tốt thế, cậu Phúc cũng không kém cạnh. Cậu được nhà họ Chu cho theo học bốc thuốc ở xa tít tận kinh đô. Nhưng mỗi khi dịp lễ tết hay có thuốc quý đều lén mang về một ít chia cho người làng.
Cũng nhờ thuốc của cậu mà nhiều người tai qua nạn khỏi, khoẻ mạnh đến bây giờ!
Đầu thôn im lặng tiếp tục dỏng tai lắng nghe tiếng ngựa kéo. Lần này nghe có vẻ phải một đàn ngựa khoẻ mạnh. Có chắc là cậu Phúc chỉ cách đầu thôn Hà một đoạn ngắn.
Tiếng ngựa kéo đến ngày càng gần. Quả thật là một đàn ngựa lớn, chỉ tiếc không phải của cậu Phúc.
Xe ngựa thấp thoáng đã thấy tơ hồng giăng kín cửa. Bên trong là một tân nương váy đỏ trùm đầu tấm voan mỏng hờ. Bất cứ ai thấy qua cũng nhận ra khuôn mặt tân nương đang méo dần theo từng bước chân ngựa.
“Sao ai lại cưới dâu tháng này?”
“Cưới tháng cô hồn này không sợ đen đủi ư?”
…
Tiếng xì xào bàn tán hoà vào tiếng gió thổi cuộn lớp voan trùm đầu mỏng tênh. Một thiếu nữ xinh đẹp tuổi độ trăng tròn. Nước da trắng mịn cùng đôi môi đỏ ngọt nhưng rõ ràng trong ngày vui của mình như vậy mà nàng thiếu nữ này lại ướt đẫm lệ. Rõ ràng là khóc cả quãng đường tới độ mắt sưng húp.
Nhưng bà mối bên cạnh vẫn vui cười bước theo cạnh xe, không ngừng rôm rả:
“Tân nương nhà tôi hôm nay xuất giá, của ít lòng nhiều mong được mọi người chúc phúc.”
Vừa dứt câu là cả một bầu trời tiền rơi vung vãi. Cánh tay nải của người mai mối kia không biết đã đi qua bao nhiêu thôn ngõ, qua bao nhiêu cung đường gập ghềnh mà tới đây vẫn có thể rải tiền mua câu chúc nhiều tới vậy? Đám trẻ con thi nhau chạy lại tranh cướp, đám người lớn chỉ lặng lẽ đứng yên một bên ánh mắt ái ngại đầy sự chẳng lành dõi theo từng đoạn.
“Đây có phải con dâu nhà họ Chu bên thôn Ninh hay không? Hôm qua tôi có thấy bên thôn đó nhắc đến nhưng cứ tưởng là đùa. Ai dè hôm nay mới tá hoả!”
Tiếng xì xào lại vang lên một lần nữa:
“Nhà họ Chu mà cậu Phúc ở rể sao?”
“Đúng đấy! Là nhà họ đấy! Lại lấy thêm con dâu về cho cậu cả!”
“Đúng là thương cho cô gái kia quá! Cưới hỏi rỉnh rang linh đình như này nhưng lại không biết trước ngày mai có thể thấy mặt trời ngoài ngõ hay không?”
Tiếng thở dài của đám người kéo dài đến thê lương. Họ đứng đó nói chuyện một lúc lâu khi bóng xe ngựa khuất tầm mắt, khi gà gáy vang trời mới có thể thôi chuyện.
Cậu Phúc quay về thôn Hà lúc trời đã tối sầm. Lác đác bên hông sườn nhà những ngọn đèn dầu chông chênh mờ ảo không đủ thắp sáng. Người dân đã thôi không còn mong ngóng cậu như lúc ban sáng mà quay lại bận rộn cùng bữa cơm gia đình.
Tiếng gà gáy, tiếng trẻ con đọc chữ, tiếng gió thổi gian ruộng vườn trống tuếch đìu hiu cô quạnh. Cậu Phúc lủi thủi bước một mình trên con đường quen thuộc hướng về nhà.
Cậu sẽ chỉ đứng cách trại tôm của ông Phan một đoạn thật lớn mà hướng mắt nhìn vào. Sẽ không quấy rầy đến người trong đó, càng không để ông ấy thấy cậu xuất hiện tại đây.
“Phúc! Cậu về rồi sao?”
Tiếng ông Phan từ sau vọng lại. Không biết ông ấy đã đứng phía sau cậu từ bao giờ mà chính cậu lại không biết.
“Dạ thưa thầy! Con mới về tới nơi! Con muốn qua thắp nhang mẹ nhưng thầy ở nhà thì khi khác con qua cũng được!”
Cậu đang tính lùi vài bước về phía sau rồi quay đi nhưng không ngờ ông Phan lại lên tiếng:
“Đến rồi thì vào đi! Hôm nay cậu hãy từ từ mà qua đó. Nhà họ có chuyện riêng cần làm!”
Cậu Phúc bước theo ông Phan từng bước trên đường ruộng mấp mô. Từ trước tới nay, chưa một lần ông ấy nắm tay cậu dắt đi từng bước. Chuyện duy nhất cậu nhớ về tình cảm giữa hai người chính là lần đầu tiên trong đám giỗ vợ, ông Phan gọi cậu bằng hai tiếng con trai. Cậu cũng quen cái thái độ lạnh nhạt này rồi nên bản thân chưa từng mong muốn bất cứ điều gì, cũng như hiểu nên luôn tránh né mỗi dịp có thể vô tình gặp gỡ.
Hôm nay không phải ngày giỗ bà Hoa nhưng chính ông Phan lại là người đưa nhang cho cậu một cách dịu dàng hiếm thấy:
“Lâu rồi mới tới. Xem nhà có gì thì cứ dùng tạm. Đợi tới khi quá đêm nếu muốn đi hãng đi!”
Ông Phan đặt lại câu nói rồi quay người nhanh chóng tiến sang gian bên cạnh.
Cậu Phúc nhìn bức ảnh thờ mờ nhoè trên bàn. Cậu chưa từng thấy chân dung của bà. Thứ cậu biết đến bà chính là bức ảnh mờ nhòe không rõ mặt này. Nhưng hẳn bà là người con gái rất đẹp, rất dịu dàng và lương thiện. Để tới khi mất đi ông Phan cho dù có bất kỳ ai ngỏ lời cũng chỉ lắc đầu từ chối.
Trời đã quá khuya như lời ông Phan, cánh cửa buồng không biết đã đóng kín từ bao giờ. Xung quanh cũng chỉ lác đác vài ngọn đèn dầu thưa thớt. Ông Phan có lẽ đã ngủ rồi.
Cậu Phúc cầm theo ngọn đèn dầu chơi vơi lần mò đường về thôn Ninh. Nhà họ Chu ở thôn Ninh chỉ cách nơi đâu đâu đó một tuần hương cưỡi ngựa. Hơn nữa về đêm vắng người, đi lại có điều sẽ nhanh hơn chút.
Đèn hồng treo đỏ rực cả bầu trời đêm đen mù mịt. Nhà họ Chu sáng rực một góc trời riêng mình họ.
“Nhà ai có hỷ vậy?”
Cậu Phúc xuống ngựa, quay lại hỏi tên gia nhân.
“Bẩm cậu! Là hỷ của cậu Cả ạ!”
Lại là hỷ cậu Cả. Cậu ta đúng là số lấy vợ. Bao nhiêu người bước chân qua cánh cổng này, sống chết chẳng rõ ràng ấy vậy mà mỗi khi nhà họ Chu đánh tiếng là biết bao người tới tận ngõ làm thân. Chẳng phải cũng là lợi lộc che mờ đôi mắt sao? Bởi vì đâu đâu cũng là tin đồn ma tà trùm lên hỷ sự nhưng người ta lại chọn cách không nghe không thấy thì không buồn.
“Mợ cả lần này về có người rước dâu không?”
“Dạ bẩm cậu, là cậu Hai đi rước, tối nay cũng là cậu Hai làm lễ. Sáng mai, nếu có hỷ sẽ qua đánh tiếng với cậu sau!”
Cậu Phúc gật đầu mấy cái rồi đưa dây ngựa cho tên hầu, quay lưng bước vào trong.
Cậu sống ở đây cũng đã rất lâu rồi, quá không biết bao xuân hạ thu đông, cũng nhiều khi lầm tưởng bản thân là một phần trong cái gia đình này. Nhưng mỗi lúc như vậy cậu lại nhớ đến câu chuyện lần đầu tiên cho bản thân cảm giác đây là nơi cậu cũng không thuộc về.
Đó là một buổi sáng cuối thu, tiết trời không hề ngọt ngào như bây giờ. Khi đang chìm trong giấc mộng đẹp thì tiếng gõ cửa khẩn trương kéo cậu Phúc thức giấc.
Bên ngoài truyền lại âm thanh khẩn khoản:
“Cậu ơi! Cậu mau qua gian phòng thờ đi! Mau lên cậu! Mợ cả sắp không qua khỏi rồi! Mau lên đi cậu!”
Vừa nghe thấy thế, Cậu Phúc liền một mạch chạy thẳng tới gian thờ tự. Trước mắt cậu chỉ là một thân hình khô khốc, một dáng vẻ kiệt quệ lạnh ngắt trắng bệch. Nếu không phải vẫn đang trong bộ đồ hỷ đỏ thì cậu cũng không thể nào nhận ra đây chính là mợ Cả được nhà họ Chu cưới về ba hôm trước.
Hầu nô theo mợ Cả vừa thấy cậu đã vội chạy đến cầu xin:
“Cậu Phúc, xin cậu hãy cứu mợ Cả nhà con! Con cắn rơm cắn cỏ lạy cậu, cậu làm ơn làm phước!”
“Mợ Cả đã mất rồi! Không thể cứu được nữa! Dù ta có giỏi thế nào cũng không thể cứu được nữa!”
Tiếng khóc thảm thiết của con hầu càng lúc càng to, thấy vậy cậu Phúc chỉ đành nói vài câu an ủi:
“Mày đừng khóc nữa! Có khóc mợ Cả cũng không sống lại được. Bây giờ chỉ có thể mời thầy đến cúng đưa tiễn mợ Cả đoạn đường cuối!”
“Không được! Gọi ông Phan tới đây là được rồi! Không cần thêm thầy! Hơn nữa cô ta cũng chưa được gả vào nhà này, đừng có một mợ Cả, hai mợ Cả làm trướng tai.”
Bà Cả đừng ở một bên từ rất lâu không lên tiếng nhưng khi thấy cậu Phúc có ý muốn đưa mợ Cả lên bàn ma chay mới cật lực phản đối.
Cậu Phúc thấy không đúng mới quay lại:
“Bà Cả sao lại nói vậy? Mợ ấy tốt xấu gì cũng thắp nhang lễ tạ tổ tiên, cũng đã mang danh phânn. Sao lại không cho ma chay đàng hoàng?”
“Thắp nhang xong là mợ Cả? Danh mợ Cả chỉ cần như vậy là có luôn sao? Con trai ta còn chưa bái lễ mà thành ra có vợ đã chết. Cậu muốn nó sống cả đời với linh vị sao?”
Cậu Phúc vừa thấy câu chuyện bị đẩy quá xa mới vội vàng xin lỗi vì không có ý như bà Cả nói.
Nhưng chính trong lúc này cậu mới nhận ra bản thân thực sự là người ngoài trong câu chuyện gia đình đầy rắc rối này.
“Cậu Hồ Kha Phúc! Cậu thực sự nghĩ cậu là người nhà họ Chu này sao? Hay cậu ở rể lâu quá nên quên luôn mất bản thân là ai? Đừng nói cậu có thể là ai trong cái nhà này, đến cả chức con rể cũng chưa chắc cậu có được!”
Kha Phúc nhớ lại câu nói đay nghiến của cậu Hai, bản thân bật cười thành tiếng. Đúng là cái chức con rể cậu cũng không có được. Bởi vì trong nhà này, chưa từng tồn tại bất kỳ một vị tiểu thư nào mang họ Chu, nhưng lại có một thằng ở rể mãi chưa chịu cuốn xéo.
Cậu Phúc ngước mặt nhìn lên bầu trời, lên tiếng thở dài:
“Không biết ngày mai có phát khăn tang?”
Cậu Phúc quay về gian phòng cũ. Mọi thứ lúc trước khi đi vẫn còn nguyên vẹn ngăn nắp như ngày cậu mới chuyển tới. Vẫn là giá sách ấy, từng đấy sách, vẫn là chong đèn đấy, từng ánh lửa bập bùng, vẫn là sào thuốc ấy, ngập tràn hương đượm nắng. Cậu bước quanh gian nhà, đặt chút hành lý mang theo vào tủ, chậm rãi mở cánh cửa sổ đón từng đợt trăng lung linh tràn sáng khắp gian nhà.
Cậu hướng mắt nhìn về phía bên kia cửa sổ. Nơi chỉ cách cậu một rãnh khe nước nhỏ vẫn đượm lửa bập bùng soi sáng.
Cậu quay lại hỏi tên hầu nô bên cạnh:
“Đó có phải gian phòng thờ? Ta đi lâu cũng không chắc còn nhớ rõ.”
“Bẩm cậu! Là phòng thờ ạ! Khuôn viên có từng được tu sửa qua nhưng kiến trúc không thay đổi. Cậu không có nhớ lầm đâu!”
Thằng hầu nô bên cậu Phúc tên Nguyễn Khuyết. Nó bị cha mẹ đem bán cho nhà họ Chu từ thủa mới lên 5 lên 6, hầu hạ biết bao nhiêu người trong nhà nhưng đến khi cậu Phúc tới thì một mực theo cậu. Tính đến nay nó cũng theo cậu gót ghét 10 năm.
Chuyện của cậu Phúc gần như nó lắm lòng không sai đâu được nên vừa thấy cậu đứng dậy nó đã nhanh chân chạy lại ngăn cản:
“Cậu, cậu mới về nhà còn chưa nóng giường mà định đi qua đó sao? Chuyện của nhà lớn thì để họ tự lo, cậu đừng lo chuyện bao đồng nữa!”
Tách nước nóng trên tay chưa kịp rót đầy đã bị thằng Khuyết đỡ lấy. Cậu Phúc chỉ cười nhẹ:
“Tao là đang khát!”
“Vậy hả? Con tưởng cậu định…”
Cậu Phúc uống một hơi hết ấm trà nóng, dáng vẻ sảng khoái “khà” lên một tiếng, rồi quay lại bảo thằng Khuyết:
“Bây giờ tao mới qua đó đây! Tao giúp người ta hết khát mà tao chết khát là sao được?”
Nghe thấy vậy, thằng Khuyết vội vàng ngăn cản:
“Con lạy cậu! Cậu ở đây đi! Muốn đi để con đi cho! Cậu mà để cậu Hai thấy thì không biết bà Cả lại làm khó thế nào!”
Tiếng ngăn cản của thằng Khuyết cứ lải nhải suốt dọc đường mãi không thôi. Không phải cậu không hiểu mà là cậu chỉ đang cảm thấy thương xót lo sợ cho người bên trong nhà thờ đó đêm nay.
Tuy rằng nhìn qua ô cửa sổ chỉ cách đúng một rãnh nước nhỏ, nhưng đi từ phòng cậu Phúc tới trước phòng thờ mà không để ai phát hiện lại phải vòng một đoạn rất xa. Còn phải xuyên qua đoạn rừng bạch đàn cao vút đung đưa xạc xào bên tai tiếng gió thổi. Cả không gian lạnh lẽo trống trải mờ mịt chỉ khi cành bạch đàn rẽ sang hai bên mới vô tình cho ánh trăng sáng chen chân để lộ quãng đường heo hút. Không gian ngột ngạt pha trộn với từng luồng sương mờ quấn cát càng khiến bước chân người đi thêm nặng nề.
Thằng Khuyết bước ngay sau lưng, giật giật vạt áo chủ, cố thấp giọng lo lắng có người nghe thấy:
“Cậu ơi! Mình về thôi! Con sợ lắm rồi! Phía trước toàn sương mờ không thấy cả đường đi! Ngộ nhỡ có chuyện gì chưa chắc ai biết mà tới cứu!”
“Phủi miệng bây giờ! Ta có đi ăn trộm ăn cướp đâu mà sợ.”
“Vậy sao cậu không đi đường chính?”
Cậu Phúc im bặt. Được nước thằng Khuyết làm tới:
“Thấy chưa! Cậu bây giờ là làm chuyện xấu mà, có dám đi đường chính đâu!”
Vừa dứt lời, cậu Phúc đột ngột quay phắt lại, bụm chặt miệng thằng Khuyết:
“Suỵt! Im lặng!”
Vành tai cậu Phúc cố gắng căng hết mọi cỡ, lần theo từng tiếng âm thanh kỳ lạ tiến thật chậm về phía trước. Cái âm thanh này, sao nghe quen đến thế? Cậu Phúc lắc đầu tìm kiếm lại chút hiểu biết của mình về âm thanh đó.
“Tiếng mõ sao? Trời khuya vậy mà ai còn gõ mõ?”
Cậu Phúc quay lại nhìn thằng Khuyết.
Đúng rồi! Là tiếng mõ! Là tiếng mõ đều đều nhàn hạ vang lên trong không gian im ắng lặng gió. Là tiếng mõ kỳ lạ phát ra thật gần, tưởng chừng như chỉ cần tiến lên một bước có thể nghe rõ ràng, có thể thấy rõ ràng người gõ. Nhưng đôi khi nó thật xa, cảm giác chơi vơi không cách nào nhận biết.
Cậu Phúc hỏi sang thằng Khuyết:
“Mày ở nhà có thấy ai thường xuyên gõ mõ không?”
“Có! Ông Phan. Ông ấy thi thoảng tới đây, có mấy lần gõ mõ trong phòng thờ siêu thoát linh hồn các mợ cả.”
“Vậy lúc tao về đây, ông ấy có tới không?”
“Ông ấy mới tới vài ba hôm trước. Đợt đó có nhiều mợ Cả chết bất đắc kỳ tử lắm. Bà Cả bảo hoá sạch sẽ rồi mới đón thêm. Bây giờ sạch sẽ rồi chắc ông Phan không đến đâu!”
Đúng rồi, là các mợ cả. Nhiều người tới mức đến hạ nhân trong nhà cũng chẳng thèm quan tâm tới thực sự là bao nhiêu người. Nhà người ta hạ nhân thay từng năm nhưng nhà họ Chu này mợ Cả thay theo tuần, theo tháng. Nhà họ Chu này ngoại trừ giàu có thì đến kẻ đần cũng biết tiếng xấu vang xa cỡ nào. Nào như vong linh nhà này không sạch sẽ nên thường bắt người vô cớ, những nàng dâu tới đây nếu không hợp thì chết ngay trong đêm đầu, nếu hợp hơn một chút thì vài ba ngày sau mới biến chứng chết không nhắm mắt.
Tin đồn lan xa, qua đến tai người này người khác thì lại thêm thắt nhiều phần. Cho tới khi đến tai cậu Phúc xa tít ngoài kinh đô đã thành nhà họ Chu thờ ngạ quỷ, mỗi tháng đều lần lượt đem người sống hiến tế.
Cậu Phúc chưa từng tin những lời đó, nhưng cái chết của mợ Cả đầu tiên cộng thêm mỗi lần về nhà đều là một lần thông báo có mợ Cả mới càng khiến cậu thêm suy nghĩ. Nhưng cậu chỉ là một thằng ở rể cho nhà không con gái, lấy đâu nhiều tư cách mà xen ngang.
Tiếng mõ ngày càng lớn, ngày càng vang vong lại khiến toàn thân cậu Phúc tái nhợt. Cậu nắm chặt cổ áo thằng Khuyết, từ từ bước tiến về phía trước. Đôi mắt cậu ngày một giãn ra hết mức, thi thoảng ngoái nhìn xung quanh một lượt.
Không thấy tiếng mõ nữa, không còn thấy mây mù cuộn trôi mang theo cát trắng xoá. Không gian lại quay về yên tĩnh lạ thường. Cậu Phúc định bụng quay qua thằng Khuyết giục nó đi nhanh, nhưng chưa kịp cất lời cả người đã bật vội về đằng sau ngã sóng soài:
“Mày! Thằng Khuyết, mày… mày đứng yên đấy!”
Cậu Phúc lổm ngổm mãi mới bò được dậy. Nhưng ánh mắt sợ hãi dán chặt bên người thằng Khuyết. Nơi đó, vẫn hiện nguyên một thân hình loắt choắt trắng bệch, hai mắt của nó không hề có đồng tử, cứ dán ngược lên trời nhưng lại nhìn chối chết vào cậu Phúc. Khuôn miệng rộng toe toét thâm thì chẳng khác của một tên chết nghiện rượu.
Thằng Khuyết cõng theo cái dáng hồn tiểu đồng trên vai lúc nào mà chẳng hay biết. Vừa thấy cậu Phúc hoảng sợ kêu đứng im nhưng vẫn một mực muốn chạy lại hỏi tại sao. Mỗi bước thằng Khuyết đi lên, cậu Phúc lại mê man chạy té khỏi, miệng không ngừng lẩm bẩm:
“Con lạy chín phương trời, mười phương chư phật, cầu xin Ngài để chúng con thoát khỏi kiếp này! Cầu xin Ngài đem những thứ kia ném đi!”
Vừa nói vừa chạy, miệng không ngừng lẩm bẩm không dám quay đầu. Đợi tới khi bỏ xa thằng Khuyết, cậu Phúc mới có thể dừng lại thở hồng hộc đứt từng hơi.
“Thế mà đã tới phòng thờ rồi? Lát nữa không dám đi qua vườn bạch đàn luôn.”
Cậu Phúc múc lên một gáo nước đầy, tu sạch một hơi lấy lại sức rồi mới cầm theo gáo nước múc đầy tiến từ từ đến khoảng ô khoét nhỏ trước cửa phòng thờ. Ô khoét này tính đến bây giờ cũng đã theo dõi lịch sử của nhà họ Chu từ rất lâu rồi, từ cái ngày mợ Cả thứ hai được gả vào đến bây giờ. Chỉ có điều các mợ cả trước, người đưa nước không phải cậu Phúc.
Cậu cũng không biết tại sao bản thân lại cố chấp đến đây như vậy. Có lẽ hôm nay là ngày cậu trở về, ngày mai lại phải lặng lẽ đóng cửa đội tang cho người đã khuất. Cậu không muốn như thế.
“Mợ Cả bên trong đấy! Mợ đã ngủ chưa?”
Cậu Phúc gọi khẽ qua khe cửa tối om phảng phất mùi nhang nồng đượm.
“Tôi chưa! Là ai vậy?”
Tiếng giọng bên trong vang lại. Nom có vẻ là một cô gái chỉ trạc đôi mươi, giọng thanh thanh hơi thấp trầm.
“À, tôi mang nước tới cho chị! Kẻo đêm chị khát! Tôi để qua khe nhỏ ngoài cửa, chị lấy vào trong, khi nào cần thì dùng luôn.”
Vừa nói, cậu Phúc vừa đẩy gáo nước vào trong.
Sau một thoáng im lặng mới vang lên tiếng bước chân rón rén tiếng gần tới ô khe nhỏ. Mợ Cả kéo gáo nước nghe thấy âm thanh rõ ràng rồi lại chạy khuất khỏi khe nhỏ.
“Cảm ơn cậu! Khi nào cần tôi sẽ dùng nó!”
Cậu Phúc ngồi ngoài cửa lo lắng hỏi:
“Chị thấy thế nào rồi? Ở trong đó sao không đốt nến?”
“Mắt tôi không tốt! Đốt nến hay không cũng không có gì khác!”
“Vậy nếu có cần thêm gì, chị hãy hét thật to cho tôi! Phòng tôi chỉ cách nơi này một rãnh nước nhỏ.”
Cậu Phúc định bụng đứng lên rời đi, nhưng chưa kịp bước quá một bước đã thấy tiếng gọi lại:
“Cậu có thể nói chuyện thêm với tôi được không? Biết đâu ngày mai tôi không thể nhìn thấy ánh sáng bên ngoài?”
Cậu Phúc ngừng lại một lúc vẫn quyết định ở lại. Mợ Cả này tên Thi, Nguyễn Quân Thi. Người làng thôn Nội, cách đây hơn một ngày đi đường. Mợ là con thứ trong gia đình cũng được coi là khá giả nhưng vì là con thứ của thiếp nên cuộc sống chỉ cao hơn nô bộc là được ngồi ăn trên bàn. Năm nay vừa tròn 17, phụ mẫu liền gả cho một kẻ bệnh để xung hỷ, nhưng chưa kịp bước vào cửa, chồng đầu đã ngã bệnh chết. Nghĩ rằng con gái số mệnh sát, hai người họ liền tìm cho cô mối hôn sự mới cho mau mau gả đi. Nào ngờ biết đến nhà họ Chu, để gả mợ Thi tới đây cũng tốn không ít tiền bạc, chỉ cầu đừng mang hoạ về gia đình cũ.
“Vậy trên đường tới đây chị đã nghe thấy mọi người nhắc đến gia đình này?”
Cậu Phúc tiếp lời câu chuyện.
“Đúng thế! Không biết có thật hay không, nhưng giác quan thứ 6 của tôi nói rằng nơi đây thực sự không tốt!”
Cậu Phúc bên ngoài chỉ biết lặng im gật đầu.
Trong bóng đêm mơ màng, phía xa xa truyền lại từng tiếng bước chân dồn dập. Là cậu Hai! Cậu ta đang đi tới!
Nơi đây quả thực không tốt, nhưng điều không tốt nhất bây giờ mới đang từ từ tiến đến.
Cậu Phúc đứng nép mình vào cạnh gian phòng thờ tối om. Nơi đây nếu không phải cố tình bước đến thì trong cái không gian tăm tối này sẽ không thể nhận ra có người đang ẩn nấp.
Cậu hướng mặt nhìn về phía đèn đuốc sáng trưng cùng tiếng bước chân dồn dập. Là cậu Hai, và cả ông Phan. Chuyện cậu Hai đến mở cửa cho chị dâu là một chuyện thường tình trong nhà này. Bởi vì những mợ Cả trước đó cũng đều là một tay cậu Hai dắt ra. Chuyện này có vẻ không đúng thuần phong nhưng anh Cả bắt đầu từ 10 năm trước đã rất yếu ớt, nên đành để cậu Hai đại diện.
Chỉ có điều hôm nay lại thêm cả ông Phan. Cậu Phúc chưa từng nghe bất kỳ ai nhắc đến chuyện ông Phan cũng tới. Chẳng lẽ bên trong này vẫn còn những gì không sạch sẽ? Chẳng phải thằng Khuyết nói rằng ông Phan đã một lượt gội sạch mới để đón mợ Cả này sao?
Ông Phan cầm lấy cây đuốc từ tay tên hầu, cất giọng:
"Cậu cảm thấy không ổn sao?"
"Là không hợp! Tôi đã thử qua nhưng không hợp. Nếu đã không hợp thì cũng không cần giữ lại."
Cậu Hai lạnh lùng lên tiếng khiến cậu Phúc núp dưới góc phòng thờ mà toàn thân lạnh toát.
Cái gì không hợp kia chứ? Bây giờ họ đứng trước cửa phòng thờ như vậy, liệu có phải là nói mợ kia không hợp? Nhưng không hợp thì không giữ lại là gì?
Cái hình ảnh mợ đầu tiên được gả về đây đến khi chết toàn thân chuyển một màu trắng bệch, khuôn mặt sợ hãi không nhắm mắt lại hiện lên trong đầu cậu Phúc. Mợ ấy cũng là không hợp như thế sao?
Nhưng chắc không phải hai người này có làm những chuyện trái với luân thường đạo lý chứ?
Ông Phan cầm cây đuốc, tiến lên một bước:
"Tôi thấy vẫn nên giữ cô ấy lại! Không hợp thì ta đi tìm người mới. Một người sống sờ như vậy mà vừa nói không hợp đã...thì không hay. Còn chưa kể ông Chu sắp từ kinh trở về, nhà có thêm hỷ không phải tốt hơn sao?"
Cậu Hai đứng nghiêm trang, gương mặt nhọn hoắt trắng bệnh:
"Vậy ông Phan tìm người cho anh Cả. Sáng mai bái lễ mà không thấy người, tôi..."
"Vâng thưa cậu! Tôi nhất định tìm được! Vậy cậu mau về phòng nghỉ đi. Đêm nay cậu vất vả nhiều rồi!"
Ông Phan chặn ngay họng cậu Hai không để nói tiếp. Một mạch đuổi thẳng cậu về. Đến khi bóng lưng khuất thẳng, tiếng bước chân của đám người xa dần, ông Phan mới hua cây đuốc một lượt xuống dưới đất thành đường thẳng kéo dài chặn ngay lối vào phòng thờ. Rồi tiến đến bên vại nước, múc một bát đầy ngậm trong miệng, mắt nhắm chặt, một tay đưa lên trước ngực thành dấu, lúc sau mới phun vào đúng chỗ ngọn lửa vừa lướt qua.
Ông Phan đứng bên ngoài đường kẻ vừa được tạo thành, ánh mắt dáo dác quan sát xung quanh một hồi mới lên tiếng:
“Cậu ở lại đây đêm nay đi! Sáng sớm mai tôi sẽ tới đón cậu!”
Nói xong ông lặng lẽ quay người đi, không liếc về phía cậu Phúc lấy một cái.
Cậu Phúc rón rén bước, vừa thoát khỏi bóng đen trùm kín đã nhanh chóng chạy lại khe cửa nhỏ, gọi với vào bên trong:
“Chị Thi, chị nghỉ ngơi đi, tôi ngồi ngoài này đợi tới khi trời sáng sẽ về!”
“Tôi không dám ngủ cậu ạ! Lúc vào đây mệt quá, có thiếp đi một lát nhưng…bây giờ có đánh tôi cũng không dám.”
Cậu Phúc ngồi ngay dưới bậc cửa, hướng mặt lên bầu trời. Bây giờ cũng là đầu canh 5, chưa chắc có thể ngủ thêm giấc nữa, thức sớm cung khá tốt.
“Vậy chị thắp lại nhanh cho ấm phòng!”
Tiếng bên trong im lặng, chỉ nghe thấy từng bước chân nhẹ nhàng dạo quanh một lúc rồi im bặt. Tiếng gió thổi mang theo những giá lạnh chạm tới tận xương tuỷ người ngoài cửa. Cậu Phúc cứ mông lung nhìn ngắm mọi cảnh vật như thể lời nói của ông Phan vừa rồi chính là lời nhắn nhủ cuối cùng cho cậu thấy nơi đây đêm nay.
Tiếng bước chân từ xa lại vọng vào trong đêm tối. Là tiếng hớt hãi mệt nhọc nhiều phần nặng nề của một thân hình phì nhiêu. Thằng Khuyết chạy tới trước mặt cậu Phúc, lắp bắp không ra hơi:
“Cậu đi nhanh thế, làm con tưởng cậu bị lạc trong đó, phải quay lại mấy lần tìm cậu.”
Cậu Phúc đứng dậy, tiến về phía trước, cổ họng chuẩn sẵn từng âm thanh phát ra nhưng bước chân lại một ngày lùi lại. Thằng bé sau lưng thằng Khuyết thò đầu ú oà trong mập mờ trăng sáng. Nó nhe răng nhọn hoắt lên cười với cậu.
Cậu Phúc quay mặt, chạy thẳng về phía phòng thờ, đập cửa liên hoàn:
“Mở cửa! Mở cửa! Chị mở cửa cho tôi với!”
Vừa nói cậu vừa liếc mắt nhìn khuôn mặt ngạc nhiên của thằng Khuyết. Nhưng cái dáng vẻ không hiểu chuyện ấy cứ từng bước tiến lại, bước qua vạch ngăn ông Phan vừa tạo nên.
-Chết rồi! Sao thằng Khuyết vẫn đi vào được như thế? Không phải cái này ông Phan vừa làm phép hay sao? Chẳng lẽ ông ấy dùng mấy trò huyền bí như thế để làm màu sao?
“Mở cửa! Mở cho tôi với!”
Mợ Cả nói vọng ra ngoài:
“Mở chỗ tay cậu! Trong này tôi không mở được!”
Cậu Phúc sờ soạng hoảng loạn một hồi mới thấy cài cửa. Nhưng cánh tay chưa kịp giật tung đã thấy nặng nề bên vai.
Hơi ấm truyền qua từ vai chạy thẳng xuống thân thể run cầm cập. Cậu Phúc mặt thành mếu máo:
“Tao xin mày đấy Khuyết! Mày đừng đi theo tao nữa. Tao sợ cái thứ sau lưng mày lắm!”
Cậu Phúc vừa nói vừa cúi vái thằng Khuyết trong inh ỏi trong inh ỏi.
Chờ tới khi cậu Phúc im lặng, thằng Khuyết mới hỏi:
“Con có gì sau lưng hả cậu?”
“Thì đây này!”
Cậu Phúc chỉ thẳng về phía sau. Nhưng không hề có khuôn mặt trắng bệch xuất hiện, không có thằng nhỏ bám chặt cổ thằng Khuyết đung đưa. Cậu Phúc xoay xoay người thằng Khuyết một vòng mới cười lớn:
“Không có! Không có thật! Tao mơ ngủ sao? Không có gì cả!”
“Nó đứng bên ngoài kia kìa!”
Tiếng trong gian phòng thờ lạnh lùng vang lên.
Cậu Phúc đưa mắt nhìn theo câu nói. Thằng nhỏ trên cổ thằng Khuyết bây giờ đang lăn lộn cắn xé thứ gì đó phía ngoài sân. Trông dáng ma trắng bệch như vậy nhưng có vẻ thứ gì đó đang làm nó đau đớn lắm. Nó cứ lăn lộn trên sân, lăn về phía phòng thờ rồi lại nhanh chóng bị bật về phía sau. Nó chỉ bé bằng chừng bát tô lớn, còn chưa hoàn chỉnh tay chân mặt mũi nhưng tiếng thét vang bên tai cậu Phúc lại vô cùng thống thiết.
“Cậu đang nhìn gì ngoài kia vậy?”
Thằng Khuyết tò mò lên tiếng hỏi.
“Là thằng nhỏ trên cổ mày! Tao thấy nó bây giờ đang vật lộn ngoài kia!”
Thằng Khuyết nhìn quanh một hồi mới lắc đầu nguây nguẩy:
“Làm gì có thằng nhỏ nào? Cậu đang đùa con sao?”
“Ở giữa sân đó! Nó đang bị cái gì đó đánh thì phải. Trông mặt còn nổi sợ gì xanh luôn!”
Cậu Phúc càng cố chỉ về giữa sân thì thằng Khuyết lại càng lắc đầu. Rốt cuộc làm gì có thứ gì mà cậu lại nhìn trân trân không chớp mắt tới vậy.
“Nó không thấy đâu! Người có căn cơ mới thấy được. Cậu có căn thấy nó còn thằng hầu của cậu lại có căn theo.”
Cách một lớp cửa nhưng tiếng nói bên tai lại rõ ràng rành mạch như thể mợ Thi có thể nhìn xuyên qua. Cậu Phúc bây giờ mới bất giác giật lùi về phía sau từng bước cẩn trọng:
“Bên trong đó là ma hay người? Ông Phan vừa nãy làm phép chặn không cho ma vào đây nhưng hoá ra nó lại ở trong nhà sao?”
Gian phòng thờ vẫn im lặng, thi thoảng bùng lên tiếng lửa cháy thật nhỏ. Mùi hương vẫn không ngừng lan xuyên khe cửa nhỏ, lọt vào tầm cậu Phúc.
Cậu hét lớn:
“Là ma hay người trả lời đi để ta còn biết!”
Lời nói vừa xong, bước chân cậu đã chạm sát vạch ngăn ông Phan vừa vẽ. Thằng nhỏ lúc nãy trên cổ thằng Khuyết ngửi thấy hương sợ hãi trên người cậu Phúc mà lao tới chờ chực chỉ cần cậu tự bước ra thì nhất định là tới số.
“Cậu ơi! Con còn chưa lấy vợ! Cậu đừng hù con sợ như thế! Con chưa hiểu chuyện gì cả!”
Cậu cũng thế, nào đã một mối tình văt vai nhưng vẫn phải kiên cường chấp nhận. Chỉ cần…
“Cậu có thấy con ma nào tự thắp hương hay không? Cậu từng thấy con ma nào thắp nhang cho quỷ hay chưa?”
Sáng sớm hôm sau…
Mặt trời còn chưa tỏ, gà chưa gáy đã thấy tiếng bước chân vội vã nặng nhọc của ông Phan đi tới:
“Cậu! Cậu!…mau về thôi!”
Cậu Phúc lay lay thằng Khuyết vài cái mới lững thững tiến tới chỗ ông Phan:
“Thầy tới sớm thế!”
“Tôi tới sớm đón cậu kẻo cậu Hai thấy lại không hay!
Cậu Phúc nhớ lại thằng nhỏ trên cổ Khuyết mới quay lại nhìn xung quanh một hồi, dáng vẻ nghi hoặc lại quay sang ông Phan:
“Thầy đêm qua có ngủ không?”
Ông Phan chẳng nói chẳng rằng cứ thế lủi thủi quay người bước đi. Đến đoạn rẽ sang phong cậu Phúc mới dừng lại:
“Cậu lo bốc thuốc cứu đời, đừng bận tâm những chuyện xung quanh!”
Ông Phan bình thường cũng chẳng nói nhiều với cậu, bây giờ lại vài lời khuyên nhủ làm cậu càng khó hiểu.
Bóng ông Phan đi khuất mới thấy tên nô chạy tới:
“Bẩm cậu Phúc! Lễ đón dâu sắp bắt đầu, bà Cả nhắc cậu mau tới sớm!”
“Tao biết rồi!”
Cậu Phúc đứng sát bên mép cửa phòng thờ để nhường chỗ cho bà Cả cùng cậu Cả Chu Anh Dương và mợ Cả Khúc Kim Thi. Bà Cả thắp bốn nén nhang, đưa cho mợ Thi một nén, cậu Cả một nén còn lại cầm trên tay khấn bái. Ngoại trừ không gian im lặng nghi ngút hương nhang có phần trịnh trọng thì hết thảy mọi người đều mang khuôn mặt đăm chiêu nhìn về cậu Hai Chu Anh Toàn.
Bà Cả khấn bái xong mới cắm nên bát hương một nén trước rồi quay hỏi cậu Hai:
“Thế khi nào tới?”
Ông Phan đứng bên bậc cửa nói vọng vào:
“Nhà họ đang qua đây! Bà đợi thêm chút nữa!”
Nghe thấy xong, bà Cả chỉ gật đầu tỏ vẻ đã biết rồi trưng ra bộ mặt đưa đám nhìn mợ Thi:
“Sắp thành con dâu cả nhà này rồi, mợ thấy tiền nhà mợ cuối cùng sắp hoàn vốn, có vui không?”
Mới nói xong đã thấy một đám người nô bộc dẫn theo một cô gái mang hỷ phục đỏ tươi tiến vào. Bà Cả vừa thấy người đã liếc mắt về cậu Hai, dáng vẻ lập tức đon đả:
“Mợ là Nguyễn Thu Hương đúng không?”
Cô gái gật đầu.
“Đúng là tên giống người! Vừa nhìn đã thấy hợp đôi! Để mợ phải vào sau như này, ta cũng thấy có lỗi, nhưng không sao, sau này chúng ta từ từ bù đắp cho mợ.”
Vừa cầm tay làm thân, bà Cả vừa đặt vào lòng tay mợ mới nén nhang còn đượm.
“Mợ Hương mau đứng vào, cúi đầu một vái tổ tiên rồi thắp nhang!”
Bà Cả đẩy mợ Thi ra một phía, đặt mợ Hương đứng gần ngay bên cậu Cả, lớn tiếng:
“Cúi đầu thành tâm!”
Hai mợ nhanh chóng đặt nén nhang trước ngực, cúi đầu kính cẩn.
Cậu Hai cắm nén nhang đầu tiên cho cậu Cả, mợ Hương tiếp sau rồi cuối cùng là mợ Thi. Nhang vừa cắm xuống, bước chân chưa lùi về sau, lư hương đã vội bùng cháy. Ngọn lửa đỏ rực bùng lên trong tích tắc thiêu rụi tất cả hương trong lư, thiêu rụi tất cả lời hứa hẹn thề độc, tất cả ân vọng cầu xin thành tâm.
Bà Cả hoảng hốt nói với cậu Hai:
“Mau! Mau đưa cậu Cả về phòng! Những chuyện không may sau này một lượt tính cả!”
Ngọn lửa tiếp tục bùng cháy, ánh mắt mờ đục ngoái lại chăm chú nhìn theo. Là bùng trong đáy mắt, bùng lên trong thâm tâm nhưng con người vô lực chỉ có thể để mặc linh hồn thối rữa chiếm hữu.
Download MangaToon APP on App Store and Google Play