Cậu cả nhà họ Phùng gương mặt nghiêm nghị, tướng người đĩnh đạc ngồi trên ghế, nhàn nhã phe phẩy chiếc quạt trắng có điểm một chữ “Hữu” bằng mực tàu. Phùng Kiến Hoan khe khẽ nghiêng đôi mày nhìn con nhỏ đang quỳ dưới đất. Tướng nó nhỏ thó, gầy nhom và trông run rẩy thấy tội.
Kiến Hoan xếp quạt lại rồi ôn tồn nói:
- Đừng sợ. Ngẩng mặt lên cho ta xem.
Nhữ nghe thấy tiếng cậu chủ thì ngập ngừng ngẩng mặt lên nhìn. Cô bé vừa tròn mười sáu, đôi mắt trong trẻo ngây thơ như hai viên ngọc. Đôi bím tóc con sam cọ vào má làm cô bé nhột nhạt đưa tay gạt ngang, môi mím chặt không dám để lộ hàm răng.
Kiến Hoan thở dài khe khẽ rồi ngửa người ra sau ghế. Cậu lại mở quạt ra phe phẩy, mắt vẫn không rời Nhữ:
- Ngươi tìm con bé này ở đâu ra thế. Nó trông còn chưa được đến mười sáu. Có làm nổi việc gì không? - Cậu nói với Bần.
Bần là tên người ở đã tìm được Nhữ ở chợ, con bé bị cha định đem bán cho nhà thổ. Bần nhìn con bé thương quá nên ra tay cứu về. Số tiền cậu Kiến Hoan đưa cho vừa đủ mua con bé.
Nhữ thấy mình bị chê, sợ chủ sẽ lại đuổi mình đi rồi phải về chốn nhà thổ kia nên sợ hãi bật khóc, vội vội vàng vàng chắp tay cúi lạy:
- Con xin cậu! Xin cậu đừng đuổi con đi. Con sẽ làm việc gấp đôi, gấp ba người khác. Con sẽ không phụ lòng cậu đâu ạ.
Thấy con bé đáng thương, nhìn qua cũng thấy hiền lành nên Kiến Hoan không bắt bẻ nữa. Cậu với tay rót một ly trà đưa lên môi uống, chép miệng rồi nói:
- Đưa nó qua chỗ mợ ba đi. Nhớ dặn nó chăm sóc mợ ba thật tốt.
Con bé còn chưa kịp cảm ơn cậu chủ thì đã bị Bần xách nách rời đi.
Nhưng nỗi lo này chưa qua thì nỗi lo khác đã đến, Nhữ nhớ đến lời đồn về mợ ba vợ cậu Kiến Hoan. Mợ ba trước là một cô gái xinh đẹp nhưng cưới về không được lâu liền lâm bệnh nặng. Mợ cả không muốn mợ ba lây nhiễm bệnh cho gia đình và cho chồng nên bắt mợ ba ra ở một ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Lưu Ly. Nghe thiên hạ đồn rằng mợ ba vì bị ép xa chồng nên tính khí điên loạn rất đáng sợ, lại còn tự hủy dung nhan của mình làm niềm vui.
Nhớ đến đây, Nhữ có hơi bủn rủn. Cô không biết lựa chọn của mình lần này có đúng hay không.
***
Nhữ đi theo sau Bần, một bên xách tay nải, một bên xách thức ăn tươi mà Bần chuẩn bị từ trước. Lối vào nhà rải đá cuội vô cùng sạch sẽ. Hai bên cổng có treo hai chậu hoa tương tư xinh xắn. Căn nhà nho nhỏ bằng gỗ dựng bên một cái hồ nước nhỏ có rồng vài cụm sen trắng. Cạnh hàng rào là mấy luống rau. Trong sân còn trồng rất nhiều hoa cỏ khác nhau, nhìn qua là có thể đoán biết gia chủ là một người có tâm hồn lãng mạn.
Ấy thế mà người ta đồn nơi ở của mợ ba trông ghê rợn lắm. Có lẽ do bức tường đá cao hơn đầu người ngăn cách thế giới bên trong và bên ngoài đã khiến người ta hiểu nhầm như vậy. Nhìn khung cảnh này lòng Nhữ đã bớt đi những lo lắng. Bần đứng trước bậc thềm nhà, khép nép kính cẩn gọi vào trong:
- Thưa mợ! Con, Bần đây ạ.
Từ trong căn bếp nhỏ đang nhả khói lơ thơ có tiếng phụ nữ kho khan rồi khe khẽ đáp:
- Ừ! Ta đây, đợi ta một lát.
Người phụ nữ mặc một bộ bà ba màu tím hoa cà từ trong bếp bước ra. Một tay cầm đôi đũa cả, một tay đưa lên miệng che cơn ho đột ngột kéo đến.
Trong ánh sáng nhàn nhạt của buổi xế tà Nhữ vẫn nhìn rất rõ vẻ mặt thanh tú hiền hòa của mợ ba. Mái tóc mợ suôn mượt thẳng dài được cột bằng một dải lụa màu xanh lam. Phần tóc mai lơi lả nhẹ nhàng càng khiến cho khuôn mặt mợ trở nên hài hòa dễ chịu. Nhữ còn sợ mình nhìn nhầm, mắt cô chớp chớp liên tục để xác nhận lại lần nữa. Hóa ra tất cả đều chỉ là lời đồn. Mợ ba vợ cậu cả Phùng không hề đáng sợ một chút nào.
- Mợ lên nhà nghỉ đi. Để con Nhữ nấu ăn cho mợ. Từ nay có người làm cho mợ rồi, mợ không cần tự mình xuống bếp nữa đâu.
Nói xong Bần đẩy Nhữ về phía trước. Nhữ vội vàng cúi đầu chào lia lịa:
- Con thưa mợ! Mong mợ cho con được hầu mợ ạ.
Mợ ba nhẹ nhàng nhận lấy phần thức ăn tươi trên tay Nhữ rồi đẩy nhẹ con bé lên thềm nhà trên:
- Hầu hạ gì chứ. Em lên nhà cất đồ đi rồi ra giếng sau rửa mặt. Ta nấu chút canh nữa là xong rồi. - Mợ nhìn qua Bần - Bần ở lại ăn cơm với ta luôn chứ?
Bần xua tay từ chối, nhưng trong mắt lại lộ ra vẻ tiếc nuối:
- Thôi mợ! Con còn phải về nhà. Nhà còn bao việc.
Nghe nhắc đến từ “nhà”, trong mắt Mai Thanh ánh lên chút buồn bã.
- Cậu cả vẫn tốt chứ?
- Dạ thưa mợ! Cậu vẫn tốt ạ, mấy nữa cậu lại lên huyện công tác. Dạo gần đây cậu đi luôn ạ…
Bần cố gắng giải thích thêm để cho Mai Thanh đỡ tủi thân. Cũng là phận vợ chồng, mà nàng không được ở bên chồng. Họa hoằn lắm mỗi năm nàng mới được gặp chồng vài ba lần. Tháng năm đằng đẵng đợi chờ, sống cô độc ở ngôi nhà gỗ trong núi này như một phế phi bị nhốt trong cấm cung.
Nhữ rón rén bước vào nhà trên. Nhà trên có hai buồng, một phòng khách và một phòng ngủ. Phòng khách có một chiếc bàn con kê gần cửa sổ, một tủ gỗ nhỏ xếp đầy sách chữ tây. Trên đầu tủ còn chưng một búp sen tươi. Ngoài bàn làm việc còn có một bộ bàn ghế bằng gỗ bình thường dùng để ngồi ăn cơm và uống trà tiếp khách. Chỉ tiếc nhà này không khi nào có khách nên bộ bàn ghế này chỉ để ăn cơm, uống nước trà.
Liền kề với vách phòng ngủ có đặt một chiếc giường đơn. Có lẽ giường này dùng để ngủ trưa hoặc dành cho khách. Nhưng nhà không bao giờ có khách nên chủ nhân đã sắp đầy sách lên đầu giường cùng với một chiếc gối mây, chắc là dùng để nằm đọc sách.
Đặt tay nải của mình lên giường, Nhữ thở phào nhẹ nhõm, hít thở một hơi thật sâu cái không khí êm dịu dễ chịu của căn nhà đơn sơ này.
- Em tên là gì?
Mai Thanh đặt mâm cơm xuống bàn, nghiêng đầu nhìn cô bé mặt mày đang ngơ ngác bần thần nhìn vào tấm chân dung Mai Thanh chụp với Kiến Hoan vào mấy năm trước đặt trên nóc tủ chè. Ngày mà Mai Thanh còn là cô gái phố huyện.
Nhữ giật mình xấu hổ cúi mặt vân vê đuôi tóc, ngập ngừng nhìn Mai Thanh rồi lại cúi đầu. Con bé vẫn sợ Mai Thanh là một kẻ điên như trong lời đồn của người làng. Nó sợ hình dáng dịu dàng xinh đẹp của mợ chỉ là ảo ảnh.
- Dạ… con tên Nhữ ạ.
Mai Thanh ngồi xuống ghế, vẫy tay gọi Nhữ lại:
- Ừ! Nhữ lại ăn cơm. Ăn cơm rồi tắm rửa sau cũng được. Chắc đói bụng rồi phải không?
Con bé thấy Mai Thanh mời nhưng không dám lại, con bé biết mình là phận tôi tớ. Chưa từng thấy chuyện tôi tớ lại ngồi ăn cơm cùng chủ bao giờ.
Nhữ lắc đầu nguầy nguậy:
- Dạ, mợ cứ ăn đi ạ. Lát con ăn sau. Con… con chưa đói.
Làm gì có ai không đói mà ánh mắt nhìn thấy bát cơm trắng bốc khói và đĩa rau cải xào lòng gà lại sáng rực thế kia. Thanh Mai hiểu ý liền thu lại nụ cười, vẻ mặt bỗng chốc trở nên nghiêm nghị:
- Ở đây ta là chủ của em. Chủ nói sao em phải vâng vậy. Em không nghe lời ta bảo thì em có thể đi. Ta không cần người hầu không biết nghe lời.
Thấy Mai Thanh nổi giận, Nhữ không dám trái lời nữa. Ngoan ngoãn đi đến ngồi vào bàn ăn. Lại còn làm hiền bằng cách tranh xới cơm phụ mợ.
- Mợ để con xới cơm cho ạ.
Mai Thanh mặt hiền hòa trở lại, trao muôi cơm cho Nhữ và nhìn nó.
Nhà Nhữ nghèo lắm, làm gì có cơm trắng thế này mà ăn. Ba bữa ngô khoai, họa hoằn lắm mới có được bữa cơm độn. Nhà có đến bảy tám miệng ăn mà cha nó thì lại nghiện rượu, nghiện bài bạc đến mức bán cả con để lấy tiền chơi bời.
Nhữ bưng lấy bát cơm trắng tinh thơm phức lại nhớ đến cảnh mấy đứa em nhỏ ở nhà nheo nhóc không có ăn mà rơm rớm nước mắt. Con bé gắp một miếng cơm nhỏ cho vào miệng, buồn buồn tủi tủi nhai. Mai Thanh thấy thế càng động lòng, cô gắp một miếng cá lóc kho tộ vào bát cho nó rồi nói:
- Em ăn đi. Ăn nhiều vào. Ở đây với ta, em không còn sợ đói nữa.
Lúc nãy khi Nhữ vào nhà thì Bần đã có nói sơ về hoàn cảnh của Nhữ cho cô nghe qua. Mai Thanh đã ở nhà này hơn ba năm, đã đổi mấy cô hầu gái rồi, Nhữ hình như là người thứ tư.
Những cô gái trước đây, cô thì quá đanh đá, cô thì quá lười biếng, cô lại ốm yếu không làm nổi việc. Cuối cùng chỉ có Mai Thanh thêm việc chứ không được giúp đỡ thêm gì.
Vì sao ư? Cái này phải hỏi mợ cả. Những người hầu gái tốt lành ấy đều là do mợ cả sắp xếp. Đến hầu Mai Thanh thì ít nhưng đến hành Mai Thanh thì nhiều.
Mỗi cô gái rời đi lại đơm đặt thêm về người vợ thứ ba của cậu cả Phùng thành một người đàn bà tệ hại và điên loạn. Nhưng Mai Thanh cũng không thấy phận lòng. Nhờ những tiếng đồn ác ấy mà căn nhà cô độc này không ai dám bén mảng đến. Nàng được sống yên bình như cách nàng muốn mà không sợ ai đến quấy nhiễu.
Kể từ lúc cô hầu gái tên Đam rời đi thì cũng đã một năm rồi không còn ai đến hầu hạ Mai Thanh nữa.
Khác với những cô hầu gái do mợ cả cử đến, Nhữ là cô gái chân thật đến từng cử chỉ lẫn ánh mắt. Vừa nhìn thấy con bé Mai Thanh đã cảm thấy rất tin tưởng.
Con bé tuy nhỏ nhắn nhưng đôi mắt sáng ngời, linh lợi. Nàng có thể cảm nhận được cô bé này rất thật thà.
Nàng sống một mình ở “lãnh cung” này, gặp người còn khó hơn gặp quỷ. Vậy nên dù cho bị bao nhiêu người lừa gạt và phản bội, nàng vẫn chọn tin đối phương một lần.
Vừa ăn cơm, Mai Thanh vừa tâm sự:
- Ở đây chỉ có ta và em. Vì vậy mong rằng sau này hai chúng ta có thể chung sống hòa hợp. Cứ xem ta như chị của em, đừng ngại. Nếu mà nhớ nhà, ta cho phép em có thể thu xếp về thăm mỗi tuần một lần. Em có chịu không?
- Vâng ạ! Mợ tốt với con quá. Con nhất định sẽ nghe lời mợ dạy bảo ạ.
Ăn cơm xong, Nhữ thu dọn chén bát còn Mai Thanh đi pha trà. Nàng thường hay mất ngủ nên phải uống trà tâm sen để an thần. Xong xuôi nàng châm đèn ở bàn đọc sách rồi lấy sổ tay ra viết nhật ký. Đây chính là thói quen mỗi ngày của Mai Thanh. Nàng không có bạn bè để tâm sự nên chỉ có thể trút hết những tâm tư vào từng con chữ.
“Hôm nay tôi có thêm một người bạn mới. Em là Nhữ…”
Mai Thanh dừng bút, lòng nặng trĩu tâm tư nhưng lại không sao viết thành lời.
Bên song cửa sổ, gió đêm lùa vào mát rượi. Hôm nay là ngày mười bốn, mai đã là rằm. Trăng sáng vằng vặc nhưng chưa tròn. Mai Thanh chống tay lên cằm, nghiêng đầu nhìn khoảng vườn nhỏ bên song cửa. Một nỗi buồn mênh mang tìm đến nàng từ chiều đến giờ. Có lẽ chỉ vì một câu “người của cậu cả gửi đến” mà trái tim đã thôi những mộng tưởng của Mai Thanh lại vô tình sống lại. Ba năm nay, người nói thương nàng đến suốt đời đã không còn thương nàng nữa. Cưới nàng về, cho nàng được hưởng một tuần trăng hạnh phúc rồi mặc cho người vợ đa mưu hãm hại khiến nàng bị giam cầm.
Thể trạng của Mai Thanh từ bé đã không tốt, chỉ cần chút gió lạnh sẽ bị cảm ngay. Nhưng thầy lang lại chẩn đoán nàng mắc bệnh truyền nhiễm. Nếu không mau sống cách ly sẽ ảnh hưởng đến người khác. Vậy mà Kiến Hoan cũng tin, cậu mặc cho vợ cả tự tung tự tác, làm khó làm dễ Mai Thanh suốt bao nhiêu năm.
Nhưng Mai Thanh cũng đã sớm nhìn rõ chân tình của người đàn ông mà nàng yêu sâu đậm ấy. Hóa ra chữ “chân tình” cũng chẳng thể vượt qua được nỗi sợ “sinh lão bệnh tử”.
Thế nhưng sao nay Kiến Hoan lại cho người tới chăm sóc cho nàng? Điều ấy làm nàng phân vân. Mai Thanh hơi nhổm người nhìn Nhữ đang múc nước ngoài giếng. Cái giếng nằm cạnh vườn rau nên cũng vừa tầm nhìn của cửa sổ.
Nhữ đứng xõa tóc bên giếng, hai bím tóc nhỏ tháo tung lòa xòa che hết mặt. Con bé xắn tay áo cao đến vai, để lộ bắp tay gầy nhom nhưng được cái trắng trẻo. Con bé xách quần lên, rồi ngồi xuống chiếc ghế gỗ đã ngấm nước đen thùi và bắt đầu múc từng gáo nước nhỏ trong chiếc thau nhôm ra gội đầu.
Trăng sáng trên đầu, bên giếng có một cô bé vừa gội đầu vừa ngâm nga hát. Tóc con bé khô và xù quá, vuốt mãi không xuống được, nước đổ đến đâu liền trôi tuột đi đến đó. Mai Thanh nhoẻn miệng cười, trông điệu bộ con bé mới vụng về làm sao. Nàng gác bút, thổi tắt ngọn đèn dầu rồi bước ra giếng.
Bên ngoài trời mát hơn trong nhà, tiếng dế gáy và tiếng ếch nhái dưới ao sen gọi nhau ý ới nghe vô cùng náo nhiệt. Nhữ bị dọa giật mình khi bàn tay nó và chiếc gáo dừa bị nắm chặt bởi một bàn tay thật ấm. Nhữ quay đầu nhìn qua, mợ ba đã xắn tay áo lên và giành được cái gáo dừa từ tay nó:
- Nào! Đưa đây ta dội nước cho. Em gội đầu nhanh kẻo lạnh lại ốm đấy.
Mai Thanh dội nước không khéo lắm, gáo đầu tiên nước suýt tràn vào gáy của con bé khiến nó hít vào một hơi thật dài, người rợn ngợp như thể vừa bị dìm xuống nước. Mai Thanh xấu hổ đưa tay xe miệng cười:
- Ôi ta xin lỗi. Em bị ướt rồi à?
- Dạ không mợ.
Lần này Mai Thanh cẩn thận hơn, từng chút từng chút một làm ướt hết phần tóc khô cong của Nhữ.
- Em không thích nuôi tóc dài sao?
- Dạ có ạ… nhưng để tóc dài vướng víu lắm. Con không làm việc gì được. Lại còn phải gội thường xuyên.
Mai Thanh rất tự nhiên ngồi xuống bên cạnh giúp con bé gội đầu. Mấy ngón tay nhỏ của nàng khéo léo ấn vào từng huyệt đạo trên đầu khiến Nhữ vô cùng thư giãn. Lần đầu tiên được người khác gội đầu cho mình Nhữ nghe tim mình đập nhanh như mở hội. Hai má con bé lại ửng hồng. Nhưng chẳng lẽ lại từ chối mợ. Nó im lặng để mợ gội đầu cho.
- Ta thích tóc dài lắm. Con gái để tóc dài trông rất thùy mị. Em có thích gội bồ kết không? Hôm nào gội đầu nhớ nấu nước bồ kết mà gội. Như thế tóc sẽ rất thơm và mềm.
Nhữ thích quá đi chứ. Nhưng nghèo như nó đến cơm không có mà ăn, thời gian đâu ra mà nấu bồ kết gội đầu. Mợ ba trong tim nó lúc này đặc biệt quá, mợ làm cái gì nó cũng thấy thật hiền lành phúc hậu. Mợ như cô tiên trong lòng nó vậy.
Mợ gội đầu cho nó xong rồi dẫn nó vào chỉ cho chỗ cất đồ. Nó được mợ cho hẳn một chiếc tủ gỗ bốn ngăn để bỏ quần áo và tư trang cá nhân đặt ngay sát đầu giường nó nằm.
Trời đã khuya hơn. Cái se lạnh của buổi đêm đã tràn vào cửa sổ. Nhữ đang sắp lại đống sách trên giường lên tủ chè gần bàn nước thì thấy Mai Thanh đưa tay lên ôm lấy vai, khe khẽ rùng mình. Nó nhanh trí chạy vào phòng của Mai Thanh lấy tấm khăn choàng màu xám ra khoác lên cho mợ. Mai Thanh nhìn qua nó, mỉm cười biết ơn:
- Cảm ơn em! Mau lau khô tóc đi rồi còn đi ngủ. Trời đã khuya lắm rồi.
Nó trộm nhìn qua bàn làm việc của mợ, nét chữ tây đều đặn chạy trên nền giấy vàng ngà. Những chữ tây chữ tàu mà nó chẳng thể nào hiểu được. Nhưng nó biết, chắc chắn là mợ sẽ viết hay lắm, đẹp lắm.
Download MangaToon APP on App Store and Google Play