“Ôm cái nào!”
Nghe giọng con Huyền, tôi chạy một mạch vô lớp, rồi bổ nhào vào người nó. Nhỏ vừa xuất viện hôm nay đã đi học lại, xa Huyền một tuần làm tôi nhớ nó quá. Nó nghỉ thêm một hôm nữa, chắc tôi cũng nghỉ theo nó mất.
“ Nhớ mày ghê, huhu. Lần sau đừng lạng xe qua đường ẩu thả kiểu đó nữa nha, hên một lần không hên được lần hai đâu đấy!”
“ Rồi hên chỗ nào? Nói nghe xem? Gãy xương chân thêm hai cái sẹo ngay tay cũng đủ làm tao khóc ròng nguyên tuần rồi!”
Tôi và nó cứ đứng nói rôm rả như thế suốt cả tiết được nghỉ hôm đó. Chẳng là, hôm ấy nó bị đám con trai trêu, thế là bực mình quá, mới đuổi theo tụi nó. Máu nóng nổi lên làm nó lơ đễnh mất, nó chạy vụt qua đường, rồi chuyện gì đến cũng đến. Chú bảo vệ công trình gần đó đang chạy đến chỗ làm, nó qua đường bất chợt quá,chú thắng không kịp, rồi tông thẳng vô nó luôn. Ôi trời ơi, lúc đó tôi chỉ biết la toáng lên, khóc nấc chạy lại chỗ nó, rồi ngất xỉu trước cái vũng máu ngay chân nó. Mấy đứa con trai tái xanh hết cả mặt mày, rồi cũng phụ mấy người xung quanh đưa nó đến bệnh viện. May là nó không sao. Một trải nghiệm nhớ đời của nó. Nhưng nhìn vậy thôi, tôi chắc nó cũng chẳng chừa đâu. Vì sau đó mấy hôm, nó không đi xe đạp điện nữa, mà nhảy vọt lên xe máy, phóng còn nhanh hơn cả pháo liên thanh. Mẹ nó phải nói là phát ngán vì nó luôn. Mẹ nó thường nói đùa khi tôi đi với nó : “ Nhìn hai đứa mày cứ như mụ bà nấng lộn ấy. Một thằng thì đằm thắm, dịu dàng, giỏi việc nhà biết bao nhiêu, một con thì ở dơ, lười biếng, còn có máu giang hồ nữa! Con Huyền, mày học theo thằng Vinh không được á?”. Hễ nghe mẹ nó nói vậy, nó chỉ toàn bĩu môi. Nhưng nói chung là, chơi với nó, tôi chẳng sợ gì ai hết, vì nó như thần hộ mệnh của tôi vậy. Nó thẳng tay mà “quay đầu dế” mấy thằng to con trong lớp, làm tôi vừa ngưỡng mộ vừa ghen tị. Vì tôi là một đứa chỉ biết học, học, và học. Tôi khá ốm, lùn, không có nhan sắc gì hết, còn vô cùng ít nói, trong lớp tôi chỉ chơi với mỗi nó. Vì cái tật lầm lì, ai sai gì làm nấy, không biết phản kháng mà không ít lần tôi bị mấy đứa trong lớp đùn đẩy, sai vặt. Không những vậy, tôi còn có cả một nhóm “antifan” hùng hậu, chỉ vì chúng nó thường bị so sánh với tôi. Vì thế, nên Huyền là đứa bạn thân duy nhất của tôi. Chúng tôi chơi thân với nhau ngót nghét chắc cũng gần 9 năm trời. Hai đứa hiểu tính nhau đến cái độ mà, chỉ cần quơ tay vài cái là hiểu được đứa kia muốn cái gì. Tôi sinh ngày 8 tháng 6, còn nó sinh ngày 7 tháng 6. Nó luôn tự nhận nó là chị, rồi bắt tôi phải xưng em với nó. Nhỏ dở hơi thật, nhưng nó luôn làm tôi cười, mỗi khi bị bố đánh, hay bị điểm kém. Có thể cũng chính vì như vậy mà chúng tôi thân thiết được đến tận bây giờ, mặc cho bao nhiêu tiếng xấu cũng những tiếng đồn không hay?
Tôi chưa từng quan tâm đến điều đó. Nó cũng vậy. Cuộc sống của hai con người , kẻ hướng nội, người hướng ngoại lẫn lộn cứ thế mà trải qua như vậy đấy. Gia cảnh chúng tôi cũng không khá giả gì mấy. Mẹ tôi mất khi tôi 10 tuổi, hiện giờ tôi sống với bố, làm nhân viên văn phòng, với số tiền lương ba cọc, ba đồng, cùng với khoản nợ lúc trước chạy chữa cho mẹ, tiền gửi về cho hai bên nội ngoại khiến bố tôi thường xuyên bực dọc, cau có, uống rượu nhiều hơn, thường đánh đập tôi mỗi khi ông không vừa ý một điều gì đó. Những ngày đầu, tôi đã khóc đến hai mắt sưng húp rồi díp cả lại. Vì trước giờ bố chưa từng đánh tôi. Nhưng giờ đây, tôi đã quen với điều ấy rồi. Mỗi lần bố đánh, tôi lại cố gắng ngồi xổm, áp mặt vào hai gối, nhắm nghiền mắt rồi gồng hết cả người lên. Mỗi lần làm như thế, tôi lại đỡ đau hơn phần nào. Còn không thì chạy sang nhà con Huyền trốn. Bố tôi vì giữ thể diện cho mình, nên chỉ khi tôi thoát ra khỏi nhà, bố sẽ không đuổi đánh nữa. Có hôm, tôi ở nhà con Huyền cả hai ngày trời, không đi học, cũng chẳng chịu gặp ai. Mẹ nó cũng biết điều đó, nên mỗi lần tôi tới với những vết bầm dập trên người, cô luôn là người giúp tôi. Hết cơn men trong người, bố sẽ tự đến nhà con Huyền để đưa tôi về. Men rượu đã bào mòn đi ông ấy. Chỉ khi không có men rượu trong người, tôi mới cảm nhận được sự dịu dàng, chịu khó gánh vác mọi thứ của ông. Tôi luôn tự lấy lí do ấy để buộc bản thân mình không được ghét bố, thế nhưng tôi lại không thể làm vậy được. Tôi đã không còn có thể khóc trước đòn roi của bố nữa. Dù thật ra rất căm hận bố, nhưng tôi cũng chẳng thể làm được gì. Tôi thương bố, nhưng cũng rất ghét bố.
Sau buổi học, chúng tôi lần lượt xếp cặp sách rồi ra về. Tôi đi cùng con Huyền, bởi cái chân của nó vẫn còn khá ê ẩm, mặc dù đã tháo bột. Thấy nó bảo nay tự về bằng xe máy, tôi bất giác ớn lạnh. Cái con điên này, mày bị ấm đầu hả? Thế là, tôi phải giật bằng được chìa khoá xe máy của nó, rồi bảo sẽ đưa nó về nhà. Ban đầu , nó cứ nằng nặc không chịu, nhưng lúc sau cũng phải quy phục trước lời đe doạ “không làm bài giúp môn Hoá” của tôi. Trèo lên xe, mà cứ thấy mặt nó bí xị cả lên. Thôi, thua rồi, có nhăn nhó cũng vậy thôi, ráng mà chịu. Tôi nghĩ thầm. Mẹ nó chịu để nó chạy xe như thế này á? Tài thật đấy, rồi nó cũng chạy thật luôn? Lá gan nhỏ này to thật đấy.
Nắng trưa hôm nay gắt thật đấy. Hoa cả hai bên đường như héo rụi vì chẳng chịu được cái nóng bỏng da. Vì sợ lại gặp tai nạn thêm lần nữa, tôi chạy chầm chậm, một phần cũng vì sợ chạy nhanh vấp trúng ổ gà, cái chân con Huyền bị rách vết khâu, lại thêm khổ nó. Chính vì vậy mà tận ba mươi phút sau, chúng tôi mới về đến nhà. Người hai đứa ướt đẫm mồ hôi, con Huyền với cái tính hay cọc, gõ lên đầu tôi một cái rõ đau:
“ Bảo đề tao chở về, đi chậm như rùa, ngu như con bò.”
“ Ơ, mày nghĩ mày làm lại ai với cái chân què hả?” – tôi bĩu môi
Tôi giúp nó dắt xe vào nhà, sau đó chào mẹ nó rồi đi thẳng về. Đường nhà tôi nằm khuất trong hẻm, vì vậy nên nó có vẻ mát mẻ hơn những chỗ lân cận. Con Mon- con chó lông xù nhà tôi, vẫy vẫy cái đuôi rồi sủa lên mấy tiếng sung sướng. Ngày nào cũng vậy. Tôi ôm nó vào lòng, rồi véo vào cái mặt nó một cái rõ đau. Nhưng cậu nhóc vẫn còn vui vẻ lắm. Cửa sổ vẫn đóng, cửa trước vẫn khoá trái như mọi hôm. Lại một ngày nữa, bố không về. Hôm nay cũng vừa tròn một tuần bố không về nhà. Tôi cũng không lấy làm lạ. Quán nhậu hay mấy bar club, chỉ có thể là những chỗ ấy thôi. Ở nhà một mình. Nghe thật đáng sợ với nhiều người, thế nhưng, đối với tôi, điều ấy lại trở nên thật bình thường. Tôi đã chẳng còn để tâm đến việc bố đến những đâu, bố làm gì hay nghĩ gì về mình. Chắc bố cũng nghĩ điều tương tự khi nhắc đến tôi?
Vì có lớp học chiều, nên tôi tranh thủ đi vào nhà rồi chuẩn bị bắt tay vào nấu cơm. Nhưng trước hết, phải đi tắm một chút cho mát mẻ đã. Tôi rất thích tắm. Nhưng bằng một cách kì lạ nào đó, tôi chưa từng dùng qua các loại dầu gội hay sữa tắm dành cho nam. Thay vào đó là các loại dầu xả, tinh dầu hoa hồng cùng những loại sữa tắm dịu nhẹ chỉ dành riêng cho nữ. Tôi biết, tôi lập dị. Ai nhìn vào cũng nghĩ rằng, tôi là một đứa biến thái, bệnh hoạn. Nhưng tôi không bận tâm, mà cũng chẳng có thời gian để suy nghĩ nhiều. Vốn dĩ, tôi không có bạn, trừ con Huyền, vì vậy cho dù có thêm những kẻ ghét bỏ, hay nói xấu tôi, thì cũng chẳng mảy may đá động gì đến cuộc sống của tôi cả. Có kẻ chê, có người dị nghị, nhưng tôi chọn cách không đáp lại. Dần dần, họ cảm thấy nhàm chán với thái độ thờ ơ ấy của tôi, một phần là nhờ vào sự “dịu dàng đuổi khéo” của con Huyền mà tôi không còn nghe thấy những câu chói tai ấy nữa. Họ nào đâu biết rằng, tôi vốn bị bệnh dị ứng nặng từ nhỏ, và chỉ cần dùng một sản phẩm kích ứng mạnh sẽ khiến cho cả người tôi nóng rát như thiêu đốt, nổi mẩn đỏ rồi ngất liệm đi?
Không nên nghĩ về những thứ tiêu cực, tôi luôn dặn lòng mình phải loại bỏ những điều đó. Nhưng vốn dĩ, nó luôn hiện hữu trong cuộc sống của tôi, mỗi ngày, mỗi giờ, trong chính những trang nhật kí dày cộp mới viết mỗi một ngày đã mất cả ba trang giấy, là những thứ suy diễn linh tinh mà mỗi thứ diễn ra xung quanh đều khiến tôi bận lòng mà chú ý tới? Vậy rằng, tôi đã thờ ơ được trước mọi thứ, hay vẫn như vậy? Tôi không hiểu mình. Và cũng chẳng muốn hiểu. Nhưng tôi vẫn tồn tại. Tồn tại để cảm nhận những thứ mà chỉ có thể cảm nhận được một lần trong đời. Thật mâu thuẫn.
Như mọi khi, tôi lên sân thượng để lấy đồ phơi từ sáng. Hôm nay trời nắng đẹp, vì vậy nên đống quần áo khô thật nhanh. Tôi rút từng chiếc áo, từng cái quần ra khỏi móc treo, rồi cẩn thận xếp chúng một cách thuần thục. Sau khi mang hết đống đồ vào nhà, cất ngay ngắn vào từng ngăn tủ, tôi ngồi phịch xuống giường, đưa đôi mắt dán vào bầu trời trong xanh không chút gió, cũng chẳng có lấy một đám mây nào. Nó cứ chói chang mãi, nhưng tôi lại chẳng mong cái nắng ấy vụt tắt đi. Tôi ghét bóng tối. Đêm xuống, tôi lại tự đem đến cho mình những cảm giác sợ sệt không thể nào mà ngớ ngẩng hơn. Thật xấu hổ khi phải nói rằng, tôi thật sự rất sợ ma. Nhưng tôi lại rất thích xem những thứ kinh dị, gây ám ảnh mạnh. Tôi có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ, dành phần lớn thời gian rảnh vào những bộ truyện ngắn trên những trang web tâm linh, khi thì vào Youtube xem những câu chuyện ma, hay thậm chí là ngồi tìm cho bằng được những tài khoản radio ẩn danh kể những câu chuyện tâm linh có thật. Tôi tự nhận mình khác xa mọi người. Nhưng đó không phải điều tốt đẹp gì. Tôi không phải tỏ vẻ mình là một người đi ngược lại số đông, không muốn mình phải ngồi một góc tường cách biệt với những người xung quanh. Chỉ là những sở thích của tôi khiến tôi trở thành một kẻ “đặc biệt”. Mọi người là vậy đấy. Số đông luôn đúng trong mắt nhiều người. Đôi lúc, tôi sẽ cảm thấy thật ngột ngạt, khi những điều mọi người thường làm trở thành quy tắc, và ý nghĩ của mọi người trở thành một khuôn mẫu, áp đặt cái cổ hủ thành tư duy. Tôi không buồn vì điều đó nữa.Tôi chỉ biết rằng, điều mình làm không sai. Tôi không có tội. Chỉ là tôi nghĩ. Nghĩ vẩn vơ…
Ngồi một lúc lâu, tôi quyết định tận dụng cái nắng này để giặt hết đống ga trải giường. Đã bao lâu rồi, tôi không giặt mấy thứ này nhỉ? Lần cuối cùng nó được giặt, chắc là khoảng độ bốn năm trước, khi mẹ tôi vẫn còn? Nghe lâu nhỉ, nhưng biết không, bốn năm cứ như một cái chớp mắt ấy. Nhưng đủ lâu để tôi hiểu được, rằng chẳng có ai có thể ở cùng tôi suốt cả đời. Tôi cũng phải lớn lên, cũng phải học được những thứ mới mẻ, rồi cũng phải chạy theo cái gọi là “tiền bạc”. Tôi ghét điều ấy, không vì lí do gì cả. Tôi ghét phải giống bố.
“Ôi, cái tay tôi, trờiiiii ạaa!!”
Bằng một thế lực nào đó, tôi đã xử lí hết cả đống chăn gối ấy chỉ trong chưa đầy nửa tiếng đồng hồ. Một mớ hỗn độn giờ cứ nằm ngổn ngang trước mặt tôi. Nhìn cả một thau chồng chất nặng trịt, tôi bất giác rùng mình. Lại phải chịu đựng cái ngu của mình nữa rồi. Tôi chẳng sợ phải giặt chúng, chỉ sợ mình không đủ sức mà vác cả ba cái thau to tướng này lên sân thượng. Chưa kể đến việc có vắt ráo từng cái chăn, cái gối, rồi phơi chúng lên sào được hay không nữa. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành phải chạy ngay qua nhà bác Hương, hàng xóm của tôi, để xin sự trợ giúp. Tôi đến, bấm chuông cửa, tiếng bật mở chốt cùng với một giọng ngái ngủ chào đón tôi:
“Ai đấy? Trưa đứng bóng lại bấm chuông thế này!”
Tôi bật lùi lại phía sau, rồi khép mình vào một bên gốc cây. Không có bác Hương ở nhà, thay vào đó là cậu con trai của bác, anh Kiên. Tôi không có thiện cảm mấy với anh ta. Anh ta hơn tôi hai tuổi, rất lì lợm và nhiều khi còn thích chọc phá người khác. Vì thế nên thấy anh ta, tôi càng tránh xa còn hơn là tránh tà…
“ Này, mày làm cái gì mà đứng đó mãi thế? Có việc gì không? Lẹ lên để tao còn ngủ tiếp!”
“ Ơ, dạ…”
“ Nhanh lên đi, lắm chuyện, gì?”- Anh ta gằng giọng.
“ Em… em xin lỗi ạ!”- Tôi sợ hãi, rồi chạy một mạch về nhà, bỏ lại anh ta cùng với sự ngơ ngác, cùng mấy tiếng lầm bầm bực dọc. Tôi đóng sầm cửa lại, vô thức chốt cửa. Tôi nghe thấy tiếng lồng ngực mình đập còn mạnh hơn cái tiếng đóng cửa trời đánh của anh ta.Tên khốn, không thể lịch sự với người khác một chút á?
Chẳng còn cách nào khác, tôi đành phải huy động hết cả dàn móc treo trong nhà, cố gắng căng đống đồ trên móc, mà chúng cứ trơn tuột, rồi rớt ra mãi, khó khăn lắm mới kẹp chúng, nhưng cứ xiêu vẹo thế nào ấy. Chết dẫm thật, từ sớm, giờ thành sắp muộn giờ học mất rồi. Tôi chạy vội vô phòng, tắt hết đèn quạt, thay vội bộ quần áo, vớ cái điện thoại rồi chạy một mạch ra hẻm lớn. Con Huyền vẫn còn đó, nó cứ ngồi ngáp ngắn, ngáp dài, rồi gục hết cả đầu lên tay lái. Thấy tôi ra, nó vực dậy, nhìn tôi từ đầu tới cuối, như đang muốn phán xét tôi gì đó, nhưng lại thôi. Nó đưa nón cho tôi, tôi liền chộp tay nó:
“ Ê, không được nha mày, mày không có chạy xe nghe chưa! Để tao chạy cho, lui ra sau đi.”
“ Không, điên hả, mày là bạn tao hay là bảo mẫu của tao vậy? Tính làm mẹ thứ hai của tao hay gì?”
Sao cứ thích cãi thế nhỉ? Nhỏ này không biết sợ là gì hay sao vậy. Phá tiền phá của đến là giỏi.
“ Thôi, nghe tao đi, nào khỏi mày có chạy quanh thế giới tao cũng chẳng can đâu.”
“ Mẹ tao chẳng ý kiến gì cả. Lên xe đi trời ơi, mày tính cho hai con hai bản kiểm điểm à? Nói nhiều quá, đã ra trễ còn lắm lời.”
“…”
Rồi, thua…
May là trên đường nó né được kha khá ổ gà, vì lúc chạy xe, tôi đã véo một cái rõ đau, rằng nó mà làm vết thương động trở lại, tôi sẽ nhai đầu nó ngay. Nó chỉ bĩu môi, với một thái độ vô cùng bất mãn. Nhưng nó cũng chẳng dám làm gì tôi cả. Không phải sợ tôi, mà nó biết rằng, tôi chẳng đủ sức đâu mà chống trả lại nó. Nên nó vẫn giữ nguyên cái mặt hầm hầm mà chạy một mạch đến trường.
Nhà xe của trường hôm nay thật chật chội. Các câu lạc bộ của trường bắt đầu đi vào hoạt động sau hơn nửa năm kêu gọi thành viên, cùng những công tác chuẩn bị khác. Tôi không thích chỗ đông người. Nhìn cả đống người xếp dài từ các phòng của những câu lạc bộ làm tôi phát ngán. Tôi chỉ muốn bỏ về ngay bây giờ thôi, nhưng không thể được. Ngày mai là thi cuối kì rồi, và nếu bỏ buổi học hôm nay, tôi sợ rằng mình sẽ đóng băng trong phòng thi mất. Thấy tôi khó chịu, Huyền như đoán được. Nó với tay đến chỗ móc treo trên xe, rồi lấy ra một chai trà ô lông cùng một cái bánh su nóng ấm. Nó đưa cho tôi, rồi xoa đầu tôi một cái:
“ Đừng có sợ, mày sợ là tao không dám tách ra đi qua câu lạc bộ đâu.”
“ Không có chuyện tao sợ đâu! Đi đi, cảm ơn nhiều nhaaaa!!!”
Tôi với tay lên rồi lấy đống đồ ăn thơm ngon trên tay nó. Mỗi lần đi học, nó đều mua cho tôi. “Thực đơn” mỗi hôm mỗi khác. Có hôm là tự nó mua theo ý nó, có hôm thì tôi trực tiếp order luôn. Giờ nó cứ như một thói quen, nên để đáp lại thành ý dễ thương với đống đồ ăn của nó, tôi luôn luôn tìm mọi cách để giúp nó mỗi khi nó gặp khó khăn. Nhưng không phải vì đồ ăn mà tôi mới giúp nó. Chút phí “hối lộ” thôi mà, cả hai đứa chẳng ai câu nệ ai câu nào. Mới đầu, hễ nó mua, tôi thường trả lại tiền. Nó vẫn cầm, nhưng tôi biết nó không vui. Rút kinh nghiệm, những lần sau, tôi không đưa nữa. Nó cũng vui hơn khi nhìn thấy tôi cười tươi mà cắn một miếng bánh. Thật tốt, khi luôn nhận được những điều tích cực từ nó.
Sau khi chào tạm biệt, hai đứa tách ra hai hướng khác nhau để đi. Phòng B15 ở đâu nhỉ, tôi nghĩ bụng. Hôm nay, suất học của tôi lại chuyển phòng, vì phòng cũ đang được mấy bạn trong mấy câu lạc bộ chiếm dụng để làm phòng casting. Đây rồi, cuối cùng cũng đến. Lớp học gần như đã chật kín, tận trên dưới sáu mươi người. Ai cũng không dám bỏ buổi học hôm nay, cũng như những hôm khác, vì chúng tôi sắp phải trải qua kì thi chuyển cấp căng thẳng. Hơn nữa, mai cũng là ngày thi khó nhằn. Không nghĩ nhiều nữa, tôi chọn bàn đã có bốn người ngồi ở cuối dãy, rồi ngồi vào đó một cách khúm núm, trước cái nhìn đầy khó hiểu của mấy bạn cùng bàn. Tôi không bận tâm, nhanh chóng lấy sách vở ra rồi chép hết từng bài tập mà thầy đang viết trên bảng.
“ Mấy cái này là sao nhỉ?”
“ Không hiểu mày ơi, cúp không?”
“ Thôi, không dám đâu. Vào đây rồi mà còn đòi cúp hả mày?”
“ Tao đói rồi, lẹ lên, huhuu…”
Mấy tiếng rên rĩ cũng những lời than vãn cứ ngày một lớn hơn. Dù khó chịu, nhưng tôi cũng chẳng biết phải làm gì. Vì thế, tôi chỉ có thể lấy từ trong cặp ra airpods rồi gắn vào tai mình, bật Spotify rồi mở list nhạc yêu thích. Hôm nay không giảng bài gì nhiều, chỉ có giải đề và sửa đáp án, nên tôi chọn cách nghe chút nhạc để thư thả đầu óc, cũng như cản bớt tiếng ồn xung quanh. Tôi bắt đầu tập trung làm bài. Tiếng nhạc khá nhỏ, nên tôi phải với tay bật volume to một chút, không dám bật to hết cỡ vì sợ không nghe thấy khi thầy yêu cầu sửa bài.
\_ “ I still remember…
The third of December, me in your sweater
You said it looked better…
On me than it did you
Only if you knew
How much I liked you
But I watch your eyes…
…
Why would you ever kiss me?
I'm not even half as…”
“ Ui daaaa!!”
Đau quá!! Cái gì thế?? Tôi chỉ biết ôm đầu mình mà rên rĩ một tiếng rõ to. Một cái gì đó vừa va thẳng vào đầu tôi, khiến tôi đau điếng như muốn rớt hết cả não ra ngoài.
“ Ahh, mình xin lỗi bạn nhiều, bạn không sao chứ ạ?”
Tôi ráng nhịn đau, rồi ngước lên nhìn. Một gương mặt xa lạ đang cúi xuống nhìn tôi với vẻ mặt đầy khó xử. Cậu ta cứ nhìn chằm chằm vào tôi, khiến tôi bất giác như quên hết cái đau mà suýt bật ngửa ra khỏi ghế. Tôi không thích bị ai nhìn chằm chằm. Nhưng tôi đã ráng kìm lại, rồi nhỏ giọng mà nói ba chữ “ không sao đâu” một cách tự nhiên và niềm nở hết sức có thể. Cậu ta vẫn nhìn tôi, tôi chắc rằng lúc này cả phòng đều đang đổ dồn hết ánh mắt về phía mình. Ôi, sáu mươi người thêm cả thầy là sáu mươi mốt cặp mắt. Mặt tôi bỗng chốc đỏ phừng cả lên. Tôi cúi đầu, rồi rút người vào cái cặp của mình. Tôi cứ dí sát mặt vào cái đề Vật lí trước mặt như thế. Sao mà vẫn chưa đi vậy trời ơi? Đã nói là không sao rồi mà? Tôi như hoá đá, chẳng biết phải làm gì. Thôi, im lặng là thượng sách. Chẳng biết nói thêm gì nữa, cậu ta cứ gãi gãi cái đầu, trong phát ghét đi mất. Rồi bắt đầu giải thích, rằng hết chỗ nên mang ghế xuống ngồi đỡ. Không nghe nữa! Thật sự, quá xấu hổ!! Chỉ khi thầy mở lời bảo cậu ta về chỗ, cậu ta mới buông tha cho tôi. Không có thầy, chắc tôi đã nổ tung mất…
Gần ba mươi phút tôi mới có thể định hình lại được. Tôi mới có thể nhặt cây bút dưới đất để tiếp tục làm bài. Nhưng tôi chợt nhận ra, một bên tai của mình đang có một cảm giác thiêu thiếu gì đó. Ôi, thôi! Tai nghe của tôi, mất tiêu rồi. Tôi đảo mắt nhìn xung quanh. Nó ở đâu rồi nhỉ? Không có ở đây, dưới chân, quanh ghế cũng không có nốt. Tôi quay ra sau lưng. Thấy cái cậu ban nãy đang nhìn mình, tôi giật thót như vừa gặp thứ gì đó đang sợ lắm. Tôi quyết định là : khỏi tìm nữa. Quá mệt rồi, huhu. Coi như mất, chứ hiện giờ tôi chẳng thể nào mà đi tìm được. Học ba tiếng, mà tôi đã mất nửa tiếng vô ích. Không được rồi,học tiếp thôi, tôi không thể lãng phí thêm thời gian nữa…
Cuối cùng thì buổi học cũng xong. Tôi mở điện thoại ra, rồi nhắn tin Messenger cho con Huyền, bảo nó chờ tôi một chút. Thầy đang phát một số đề ôn bổ sung, và vì ngồi bàn cuối nên tôi phải chờ khá lâu. Có vài đứa, vì không chờ nổi, nên đã chọn cách chuồn êm khỏi phòng. Tôi nhận đề, rồi đi ra ngoài cửa. “Rắc” một cái, tôi cúi xuống xem mình vừa đạp trúng thứ gì đó. Ơ? Là một bên airpods của tôi? Nó văng ra tới tận cửa? Và giờ, chủ của nó lại làm hỏng chính nó? Trách ai bây giờ đây… Nhưng không sao, vốn tưởng nó đã mất rồi, nên giờ tôi cũng không tiếc lắm. Chỉ hơi xót ví một chút thôi mà, huhu…
“ Bạn ơi, bạn cho mình qua một chút được không ?? ”
Tôi quay lại nhìn, nhận ra giọng nói này thật quen. Á!!! Lại là cậu bạn ban nãy. Tôi bật nhanh như một cái lò xo, rồi chưa để cậu ta kịp mở miệng, tôi đã nhảy bổ xuống cầu thang rồi chạy mất hút, trước sự khó hiểu của cậu bạn. Tôi cắm đầu cắm cổ chạy, chạy một mạch đến cái ghế đá chỗ còn Huyền đang ngồi lướt điện thoại. Nó thấy tôi chạy, cũng vội bỏ điện thoại xuống rồi đỡ lấy tôi.
“ Ê, má, có sao không vậy? Tự nhiên chạy như ai đuổi đánh vậy mày?”
“ Khô…không có…hộc…về liền đi, nha…”
“ Bình tĩnh lại, nghe tao bảo, mày bị ai đánh hả? Nó tới đây, tao nói chuyện với nó.”- Con Huyền bấu tay áo tôi.
“ Không có thật ấy, mình đi về được khôngggg!!”
“…”
Cái vẻ mặt chực chờ khóc của tôi đã khiến cho con Huyền xiêu lòng. Nó cũng không hỏi nhiều nữa, đẩy xe rồi nổ máy. Xe bắt đầu chạy, tôi vẫn còn lấm tấm mồ hôi trên trán. Đi được một đoạn, tôi bất giác điều không đúng lắm…
“ Ể, nãy mày nói vòng về để tao chở mà?”
“ Ừ.”
“ Thế sao tự nhiên lại thế này?”
“ Đứa nào mới mấy phút trước chạy ra với cái mặt lấm lét, bảo tao phải nhanh gọn lẹ phóng xe đi về vậy?”
“…”
“ Rồi, sao, bình tĩnh lại chưa, kể tao nghe xem, ban nay bị cái gì thế, mày làm tao sợ theo mày luôn rồi á.”
“ Gió hôm nay mát thật đấy…mày…”
“ Không có nói lảng qua chuyện khác, kể liền cho chị nghe coi!”
“ Dạ…”
Huhu, người ta doạ tao chưa đủ hay sao, mà giờ mày cũng hổ báo với tao vậy.
Download MangaToon APP on App Store and Google Play