Tiếng Việt
NovelToon NovelToon

Thực Vương Ký Lục

Gã đầu bếp lang thang

Tiếng bước chân dồn dập chạy trên con đường đầy sỏi đá và gạch vữa dội lại sau những kẻ đá đổ. Một cô bé chỉ độ mười hai mười ba tuổi ôm siết lấy bọc vải rách nát trước ngực, hớt hải chạy bằng đôi chân trần đã chai sần của mình trong khi bị đuổi theo sau bởi hai gã đàn ông to lớn. Một vài kẻ lang thang gần đó ló đầu ra khỏi những hốc đá khi nghe tiếng truy đuổi ồn ào, rồi lại rúc vào khoảng tối tăm với cái nhìn lãnh đạm. Con bé Dạ Thảo lại đi ăn cắp gạo.

Chẳng ai buồn giúp đỡ con bé, họ đã quá quen với những gì đang diễn ra: Cứ vài ba ngày một lần, Dạ Thảo lại lủi vào khu chợ rồi thó lấy mấy món thực phẩm đang được bày bán với giá trên trời, lúc thì trót lọt, lúc thì không. Tấm thân gầy gò của nó đôi khi khá được việc trong những khi cần lẩn lút sau các hốc đá, nhưng chỉ được vài ba lần là bọn bảo kê chợ bắt bài ngay. Hôm nay có lẽ nó chẳng thoát đâu, một vài gã thì thầm với nhau như thế, vài gã khác thì vứt mấy đồng coin ra đặt cược.

Dạ Thảo không thoát được thật. Đã bốn ngày nay nó không có gì cho vào miệng ngoại trừ một miếng bánh mì mốc giành được với lũ lang thang ở góc rìa thành phố. Nó bò qua đống đổ nát của chung cư Thanh Đa cũ, trong lúc tính ôm bọc gạo lội qua con sông cạn thì liền bị tóm lấy. Con nhỏ bị đánh nhừ tử, nhưng nó nhất quyết không buông bọc gạo vừa ăn cắp được. Nhân lúc đám người xung quanh bu đen bu đỏ, Dạ Thảo dốc hết sức còn lại bò qua háng của một gã bảo kê rồi chạy thục mạng trong khi tiếng chửi rủa vẫn đeo đẳng phía sau.

Cơn đói của con người là thứ chân thực nhất, ngay cả khi bị đánh đập đến rêm mình, ngay cả khi đôi chân bỏ chạy rớm máu, bụng Dạ Thảo vẫn sôi lên òng ọc đòi được lấp đầy. Cảnh vật xung quanh trôi qua mắt nó nhanh như một lớp bột vung vẩy, đôi chân gầy bị đạp mạnh nhiều lần khiến nó loạng choạng. Dạ Thảo ngã bật về phía trước, đôi tay vẫn siết chặt túi gạo.

Nó ngã sầm vào một người vừa bước ra khỏi quán rượu, một vệt máu kéo dài trên áo người đó đỏ loét, bởi Dạ Thảo đã ập thẳng gương mặt đầy máu me của mình vào đó. Con bé choàng bật dậy rồi lại ngã gục lần nữa, nó đưa một tay bấu lấy vạt áo của người đó cầu khẩn.

“Cứu…”

Dạ Thảo chỉ kịp nói thế rồi ngất đi, bên tai vẫn văng vẳng tiếng gào thét và bước chân rầm rập đuổi ngay sau của bọn bảo kê.

Khi Dạ Thảo mở mắt ra thì trời đã sâm sẩm tối. Một vệt màu đỏ rực quét ngang bầu trời, khiến mọi thứ trở nên mờ nhạt hẳn đi. Phía xa xa là ánh đèn của quán rượu và khu chợ đêm – hai nơi duy nhất có thể sử dụng điện của quận này. Nó nhỏm dậy, nhìn quanh quất. Không có gã bảo kê nào gần đó, túi gạo được đặt ngay ngắn bên cạnh con bé, chẳng mất một nhúm nào.

Có ai đó đã cứu nó, chắc là người bị Dạ Thảo đâm sầm vào chiều nay. Con bé liếm môi rồi khẽ rên rỉ, mùi máu hơi hăng và mặn. Nó chộp lấy túi gạo ghì sát vào ngực, rồi đứng dậy lần mò tìm hiểu nơi mình đang đứng là ở đâu. Nhìn ra phía ngoài, Dạ Thảo hiểu nó đang ở sát bên cầu Kinh Đỏ – cây cầu nối liền bán đảo Thanh Đa và phần còn lại của thành phố. Cây cầu sắt bị gỉ sét theo năm tháng trở thành màu bộc đô, oằn mình rên cót két mỗi khi có chuyến hàng trung chuyển từ quận Phú Nhuận sang Thanh Đa đang trầm mình dưới màu tím sậm của bầu trời đêm.

Dạ Thảo nghe tiếng bước chân lại gần, nó nhảy tót về phía sau, núp dưới tảng đá lớn bên cạnh cái hốc vừa tỉnh dậy. Một người đàn ông to lớn đi về phía nó, trên tay cầm chiếc đèn đi bão lung lay theo nhịp chân. Chiếc áo khoác ngoài sờn rách cho thấy kẻ này là một gã du hành lang thang, phần áo choàng kéo dài đến tận mắt cá chân, trên vai mang một chiếc balo lớn cùng đôi giày bốt đế giày giắt sẵn dao găm.

Vẫn thường có nhiều kẻ du hành đi ngang thành phố này, nhưng đa số toàn lũ du thủ du thực, đôi lúc có cả cướp. Còn đối với người đàn ông đang tiến đến gần mình, Dạ Thảo không cảm thấy có sự đe dọa nào. Con bé chủ động bước ra trước đến gần hơn với người đó, bằng linh cảm của mình, nó có thể biết được đây chính là kẻ đã cứu giúp mình vài giờ đồng hồ trước. Khi đến gần hơn dưới ánh đèn bão, Dạ Thảo nhìn rõ gương mặt của người đàn ông nọ: là một chàng trai tầm hai mươi – hai lăm tuổi, tóc cắt sát đầu, mắt sáng, mũi cao, môi hơi dày, không có cảm xúc cụ thể được bày tỏ qua gương mặt đó, nhưng cũng không khiến đối phương mất thiện cảm.

“Ừm…anh đã cứu em lúc chiều đúng không ạ?”

Dạ Thảo lên tiếng. Anh ta không trả lời, nhưng chỉ đáp lại bằng một cái gật đầu. Nói đoạn, anh đưa ra cho nó một ly nước đựng trong ca sắt. Dạ Thảo đón lấy, dùng một hơi nốc sạch. Sau khi nói lời cám ơn với ân nhân của mình, con bé biết được rằng người lữ khách trước mặt chỉ vừa đến thành phố này đúng thời điểm nó bị rượt đuổi, và vì phải coi sóc nó khi ngất đi, anh ta chẳng thể kiếm được một chỗ nghỉ ngơi tử tế. Có lẽ vì việc giúp đỡ một đứa chuyên ăn cắp vặt như nó đã khiến những chủ trọ e dè với anh hơn. Dạ Thảo ngần ngừ một chút rồi mời Đại Hùng – ân nhân của mình về nơi trú ẩn. Cả hai dây dưa một chút rồi cùng tiến về bến tàu Thanh Đa cũ, nơi Dạ Thảo sinh sống qua ngày.

Bến Thanh Đa cũ trước kia vốn là một bến tàu, bao bọc xung quanh là các khu du lịch sinh thái được chào đón bởi hàng ngàn khách muốn hưởng thụ một cuối tuần với cây cỏ thiên nhiên. Sát bên khu sinh thái là những mái nhà lá lụp xụp, ngay cả sau khi đại họa biến đổi xảy ra, khu ổ chuột này cũng không thay đổi nhiều lắm. Nhà của Dạ Thảo nằm ở sát bên con sông đã cạn nửa phần, nước sông đục ngầu, bốc mùi hôi thối này vẫn đang là nguồn nước sinh hoạt chính của dạt nhà lá xung quanh. Con bé nắm lấy gấu áo choàng của Đại Hùng, kéo anh ta vào một gian nhà tranh đã lủng lỗ chổ trên mái.

“Bà ơi!”

Thảo gọi lớn, nhanh chóng chạy lại giữa gian nhà bật lửa nhóm một đống lửa bằng cành khô mới nhặt được trên đường về. Tia lửa từ đá đánh sáng lên loẹt xoẹt, mồi vừa châm, ánh sáng leo lét bùng cháy giúp đôi mắt của người lữ khách nhìn rõ hơn quan cảnh trong nhà: chỉ có một lớp ván ọp ẹp đặt trên nền đất làm chỗ ngủ, còn lại là vài cái xoong đã bị móp méo cùng đống lửa được chặn bằng hai tảng vữa lớn làm bếp, thùng phuy đựng nước đặt ở góc phòng thấy rõ đám muỗi bay vo ve phía trên đầy những vết xước và vết hắc ín bám vào. Người bà của cô bé nhỏm dậy một cách khó nhọc, cả thân người ốm yếu co lại như miếng tảo biển bị vắt cạn nước, bàn tay gầy guộc trơ xương đưa lên vuốt lại mái tóc bạc trắng đã rụng gần hết.

“Thảo, ai vậy con?”

“Dạ…anh này không tìm được chỗ trọ nên là…Đây là bà của em, anh cứ gọi bà là bà Sáu ý ạ.”

Đôi mắt của người bà nhìn Đại Hùng thân thiện, bà gượng ngồi dậy, anh cúi đầu chào rồi bước vào trong căn nhà ọp ẹp được ghép lại bằng những lớp gỗ mục. Cảnh tượng này quá quen thuộc đối với anh qua nhiều vùng đất. Động thực vật bị biến dị đã khiến nguồn lương thực khan hiếm, ngày càng xuất hiện nhiều kẻ đầu cơ, điều này lại làm cho tình hình càng thêm trầm trọng khi giá thực phẩm tăng vọt, dẫn đến việc phân hóa sâu sắc. Những người không có đủ sức để lao động bị vứt bỏ như rác thải, phải ăn cả rác rưởi do những kẻ thuộc tầng lớp trên thải ra.

“Anh ăn cơm chung với bà cháu em nha, hôm nay em có được những năm nắm gạo, đủ cho cả ba người lận nên anh đừng lo.”

Dạ Thảo háo hức nói với anh, sau đó như sực nhớ ra điều gì, con bé bụm miệng lấm lét quay lại nhìn người bà. Lúc này, Đại Hùng phải ngạc nhiên khi thấy người đàn bà già cả đó đột ngột đứng phắc dậy, đôi mắt nghiêm khắc ánh lên sự giận dữ đến mức khiến người khác cảm thấy run rẩy.

“Thảo! Con lại đi ăn trộm nữa à?”

“Con…”

Dạ Thảo hoảng loạn lắp bắp. Có lẽ cô bé không thể đáp lại người bà và bị cơn giận đó áp đảo, thật sự mà nói thì trong tình cảnh của hai bà cháu hiện tại, rõ ràng việc làm của cô bé cũng chỉ vì sự sinh tồn và chẳng ai có thể lên tiếng chỉ trích được. Nhưng qua thái độ của bà cô nhóc thì việc ăn cắp có vẻ là một lỗi lầm không thể tha thứ được.

Người bà bước nhanh tới chỗ Dạ Thảo đang đứng, bàn tay gầy yếu vung lên tát mạnh xuống gò má vốn đã đầy vết xước và bùn bẩn. Dạ Thảo co rúm lại nhưng không hề phản kháng hay đưa tay lên để chống đỡ. Vừa đánh con bé, những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt già nua đó, kèm theo cả sự bất lực.

“Tao đã nói với mày như nào? Không được ăn trộm! Không được ăn cắp! Không được lấy không của người khác! Tại sao vậy Thảo? Tại sao mày không nghe lời bà?”

Bà Sáu ngồi sụp xuống ôm lấy Thảo, hơi thở của bà trở nên gấp gáp hơn do dùng quá nhiều sức trong khi cơ thể không còn khỏe khoắn. Hai bà cháu cùng ôm nhau khóc nức nở. Đại Hùng nhìn cảnh ấy, không khỏi xót xa. Nhưng anh chẳng thể xen vào bởi lẽ đây là chuyện riêng của hai bà cháu, hơn nữa để cho cô bé thấu hiểu nỗi lòng của người bà cũng là một việc tốt. Bà Sáu ôm chặt Thảo trong lòng, nhìn những vết xước và môi cháu mình bầm tím, nỗi đau trong đôi mắt của bà càng hằn sâu hơn nữa.

“Bà xin lỗi…Cũng tại bà, đáng lẽ bà phải là người chăm sóc cho con ăn mặc no đủ…”

Thảo lắc đầu nguầy nguậy, con bé trải túi gạo vừa ăn cắp được ra mặt đất rồi dụi nước mắt. Nó níu lấy tay người bà của mình năn nỉ.

“Bà đánh con cũng được, nhưng mà bà cho con nấu cháo cho bà ăn. Mấy ngày nay nhà mình không có ăn được bữa nào hết, bà bệnh vầy con đâu biết làm sao…”

Đại Hùng thấy thế liền bước đến bên cạnh hai bà cháu, anh cầm lấy túi gạo dúi vào tay con bé, ra hiệu cho nó đem đi vo và nấu cháo. Đoạn quỳ xuống đỡ bà Sáu ngồi lại tấm ván gỗ mục, an ủi.

“Bà đừng lo. Lúc chiều con đã trả tiền cho túi gạo rồi.”

Anh chỉ giải thích đơn giản, nhưng đó là tất cả những gì khiến hai bà cháu cảm thấy hạnh phúc. Đại Hùng từ chối lời yêu cầu trả lại số tiền anh đã bỏ ra, cho rằng bản thân được ở nhờ lại một đêm cũng đủ xứng đáng rồi. Thảo quay sang cười với anh, hàm răng đã bị đánh sứt hết một chiếc. Gương mặt con bé vẫn còn bầm tím, miệng rách bươm rỉ máu. Anh nhìn sang người bà gầy yếu đã nặng nhọc nằm xuống tấm gỗ cứng, thấy nước mắt của bà lặng lẽ chảy dài trên má. Thấy vậy, Đại Hùng đứng dậy quay lưng bỏ ra ngoài. Dạ Thảo giật mình níu vạt áo khoác, hốt hoảng hỏi.

“Sao vậy anh Hùng? Bộ anh không quen ăn cháo trắng hả?”

Anh quay lại nhìn con bé, khẽ lắc đầu rồi đi ra mé ven sông. Dọc bờ sông là đám cỏ dại mọc um tùm xen kẽ nhau đủ loại cây, có những loại cao quá hông người, vài loại khác lại ẩn mình dưới lớp bùn hôi thối. Cởi bỏ chiếc áo choàng, Đại Hùng lội xuống đám cây mấp mé dưới nước, vạch lớp cỏ lau ra tìm kiếm những cọng cây xanh đét, mọc chia chỉa những mẩu gai nhọn màu đỏ sậm. Anh nhặt lấy chúng một cách cẩn thận rồi đem bọc bằng áo choàng, sau đó tiếp tục lấy một số bắp chuối non màu vàng cam lốm đốm, bên trong chảy ra nước nhựa xanh nhão nhoét từ cây chuối hoang. Đại Hùng tiếp tục lội về phía hạ nguồn, ở phía cuối ven đê có một cây cổ thụ lớn đang ra hoa, đọt cành lia thia những đốm hoa trắng hồng, nhìn kĩ thì trỏn lẳng như quả trứng cá màu trắng nhợt. Anh thuận tay bẻ lấy một cành lớn gần mặt đất nhất rồi quay lại gian nhà lụp xụp của hai bà cháu Dạ Thảo.

Dưới ánh lửa bập bùng, nồi cháo lạt Dạ Thảo trút nấu đại vừa sôi lên ùng ục. Đại Hùng ra dấu cho cô bé ngồi sang một bên, rồi trải áo khoác của mình ra đất, cẩn thận dùng dao găm gọt đi những gai nhọn trên thân rau dài.

“Anh làm gì vậy?”

Dạ Thảo nhổm người về phía trước, thắc mắc. Bà của cô bé cũng khó nhọc xoay sang theo dõi hành động của Đại Hùng. Anh đưa tay thoăn thoắt nhưng vẫn tỉ mẩn gọt từng mẩu gai, đáp lại.

"Nấu ăn."

Món ngon kì dị

Lớp gai nhọn vừa được gọt sạch, từ vùng mọc gai liền ứa ra những mủ rau vàng đặc, giống rau muống dại biến dị này đã gây tê liệt xúc giác của con người nhiều lần thông qua lớp mủ vàng ứa ra từ gai nhọn, rất nhiều người đã phải nằm liệt giường đến cả tuần lễ khi cố chết biến nó để ăn. Dạ Thảo cùng người bà nhìn Đại Hùng xử lý từng vệt mủ đặc một cách lo lắng, anh lấy nước rửa qua lớp mủ bỏ riêng vào một chén nhỏ, rồi cẩn thận lau khô bằng khăn tay mang theo. Sau đó, Đại Hùng lấy bắp chuối cắt đôi, chà xát lên thân rau muống nhiều lần. Sau khi sơ chế các loại thực vật vừa mang về, anh mở chiếc balo của mình và lấy bộ đồ nghề nấu bếp ra trước con mắt ngạc nhiên của hai bà cháu.

Rau muống được cắt thành miếng vừa ăn, rồi bào nhỏ thành sợi ngâm trong nước. Phần bắp và hoa chuối được Đại Hùng dùng các hạt hoa Muối rửa sạch, xắt thành từng vòng lớn. Anh đem rau muống bỏ vào cùng với nồi cháo, sau đó bẻ lấy những hoa muối cho vào cùng rồi dùng đũa khuấy đều. Nồi cháo lạt bỗng chốc tỏa hương thơm ngào ngạt, mùi rau tươi được nấu chín kích thích cơn đói đến độ người bà của Dạ Thảo cũng gượng dậy theo dõi quá trình nấu ăn. Nhấc nồi cháo nóng đặt xuống đất, Đại Hùng rút chiếc chảo của mình đặt trên bếp nóng, đổ phần mủ vàng của rau muống vào khiến chúng chảy ra và tỏa hương thơm phức.

Đoạn, anh đặt từng khoanh bắp chuối vào chảo, rắc lớp hoa Muối lên trên và rán chúng như thịt. Mùi thơm của thức ăn lan tỏa khắp gian nhà tranh, khiến Dạ Thảo càng thấy cơn đói cào vào thành bụng nhộn nhạo. Bắp chuối vốn có vị đắng ngắt, gây rát lưỡi khi chiên lên lại phát ra tiếng xèo xèo như thịt bò hay thịt heo thơm nức mũi. Đại Hùng nhanh chóng để ba khoanh bắp chuối chiên ra đĩa, ra hiệu cho Dạ Thảo dọn bữa. Tối nay cả ba người cùng thưởng thức món cháo rau muống ninh nhừ và bắp chuối chiên giòn được nêm vị đơn giản với hoa cây Muối mặn.

“Anh…có chắc cái này ăn được không thế?”

Dạ Thảo nhìn vào nồi cháo chuyển xanh bốc khói, e dè hỏi. Trong suốt quá trình nhìn ân nhân của mình nấu ăn, con bé vẫn không thể tin được mình vừa gặp một Đầu Bếp. Trong thời đại tất cả các loại động thực vật đều bị biến dị, bên cạnh việc tìm cách nâng cao sản lượng thực phẩm có thể ăn được, vẫn còn nhiều người khác hướng đến phương án tìm hiểu và chế biến các loại động thực vật đã bị biến dị, mà đi tiên phong là những Đầu Bếp. Không cần phải giải thích, người ta cũng sẽ hiểu được rằng Đầu Bếp trong thời đại này là những người được trọng vọng nhất, bởi với kĩ năng và sự hiểu biết về thực phẩm của họ, sẽ trở thành mấu chốt để tìm ra biện pháp cung cấp thực phẩm cho toàn thể nhân loại còn sống sót.

Dạ Thảo có mơ cũng không dám mơ thấy mình có thể thưởng thức một bữa ăn từ một Đầu Bếp, bởi lẽ những người có kĩ năng nấu nướng trong thời đại hiện tại là vô cùng ít ỏi, do Hiệp Hội Đầu Bếp đã thắt chặt việc thu nhận và đào tạo các thế hệ đầu bếp để nắm thêm quyền lực trong tay. Ở thời đại nơi mà đa số mọi thứ đều không ăn được này, kẻ nắm giữa chìa khóa mang tên “thực phẩm” là người có quyền lực hơn tất cả. Tuy vậy, Dạ Thảo và người bà của mình vẫn cảm thấy do dự trước bữa ăn trông rất ngon lành trước mặt. Bất cứ ai cũng biết rằng rau muống và chuối đã bị biến dị, mặc dù không đến mức gây chết người nhưng vẫn sẽ khiến người ăn phải bị tê liệt, có khi còn nặng tới mức phải nằm liệt giường cả tuần lễ. Còn cây Muối là loại thực vật mà người xung quanh đây chưa ai nghĩ đến việc có thể ăn được bởi vị mặn chát của nó.

Đại Hùng nhìn vẻ ngần ngừ của hai người trước mặt hồi lâu, bèn tự lấy cho mình một chén cháo rồi ăn ngon lành. Thấy vậy, bà của Dạ Thảo liền cảm thấy bối rối, liền nhờ con bé múc cháo ra trong khi xin lỗi người đầu bếp trầm tính. Cô nhóc nhìn chén cháo bốc khói trước mặt, khẽ nuốt nước miếng đánh “ực” một tiếng, rồi đưa lên miệng húp một ngụm. Gạo được nấu nở mịn, trôi tuột qua cổ họng cùng với những cọng rau muống xanh nóng ấm vị vô cùng vừa ăn, chất ngọt của gạo và rau quyện lại với nhau, được làm nổi bật lên bởi cái mặn của hoa Muối khiến chén cháo trắng nấu với rau trở nên ngon ngọt vô cùng. Vị ngon của chén cháo được nấu một cách đơn giản khiến hai bà cháu phải há hốc ngạc nhiên, Dạ Thảo húp một hơi hết chén cháo đến nóng rát cổ họng, cô bé vừa giãy nãy vì sức nóng của cháo, vừa cố bụm miệng lại để tránh làm mất chút vị ngon quý giá vừa ăn đến chảy nước mắt.

“Sao thế này? Thật ngon quá!”

“Chỉ là gạo nấu với rau muống mà có thể ngon đến vậy ư?”

Người bà vừa uống một ngụm cháo, liền thốt lên kinh ngạc. Hơi nóng của cháo vừa trôi xuống cổ họng không những làm dịu đi cơn đói, mà còn khiến bà cảm thấy ấm áp hơn rất nhiều. Vị ngọt của rau tuy không bằng thịt cá, nhưng lại vô cùng thanh đạm. Đối với người già mà nói thì rất tốt cho sức khỏe, thậm chí những cọng rau muống cũng được bào nhỏ một cách tỉ mỉ, giúp người ăn không cần phải nhai mà vẫn có thể thưởng thức được trọn vẹn cái ngon ngọt đó.

“Rau muống sau khi biến dị liền xuất hiện những gai nhọn màu đỏ chứa mủ, loại mủ vàng đặc này chứa chất gây tê liệt nên những năm gần đây không có người nào dám ăn, liền mọc hoang phế. Nhưng cách sơ chế rất đơn giản: chỉ cần cẩn thận tách phần gai ra khỏi thân rau, rửa sạch lại với nước là có thể dùng được. Hơn nữa loại mủ vàng này, chỉ cần làm nóng lên trên chào thì các chất gây tê liệt liền bị phân hủy, trở thành một dạng dầu thực vật tự nhiên. Nếu còn sợ dính lại mủ, có thể lấy bắp chuối chẻ đôi chà xát nhiều lần. Trong bắp chuối chứa nhiều chất oxy hóa có thể làm giảm và chống lại các gốc tự do gây bệnh, hơn nữa còn có chứa ethanol trị nhiễm trùng.”

“Đúng là trong này có cả vị mặn, hóa ra cây Muối lại có tác dụng hay như vậy luôn, thế mà đó giờ em chẳng hay biết gì hết.” – Thảo húp cháo sột soạt trong lúc khen nức nở vị ngon thanh đạm đó. Cô bé thò tay bốc một phần bắp chuối đưa lên miệng. “Hồi trước em đói quá có ăn thử món này, nhưng mà nó tê hết cả lưỡi. Lần này ăn thử lại không thế nữa, mà em lại thấy có vị hơi mặn mà lại không chát, ăn chẳng cần đồ chấm phụ theo luôn, có phải là do cái hoa kia không ạ?”

“Em đoán giỏi lắm. Trước khi chiên hoa và bắp chuối anh đã sơ chế nó và ướp với thứ này.” – Đại Hùng xoa đầu con bé, Dạ Thảo có cái lưỡi rất tốt. Vị ngọt này nhẹ tới vậy mà cũng có thể nhận ra, cho thấy vị giác của cô nhóc nhạy cảm hơn người bình thường. Anh chìa ra cho cô bé tò mò trước mặt một trái chanh vàng. “Anh đã sơ chế chuối bằng cách ngâm nó với nước và hoa Muối, độ mặn của muối giúp hoa và bắp chuối không bị thâm, lại làm nó tiết ra hết các nhựa gây tê. Sau đó ướp chung với cốt chanh và hoa Muối sẽ giúp làm bật cả vị ngọt có trong phần thịt chuối lẫn trung hòa vị mặn nhẹ của hoa Muối. Như vậy thì dù không có nước sốt chấm kèm theo, vị của hoa chuối cũng sẽ vừa ăn hơn.”

Đại Hùng dùng đũa gắp một khoanh bắp chuối chiên, đưa lên miếng cắn một miếng giòn rụm.

“Bắp chuối biến dị chỉ khiến tê lưỡi nếu ăn sống, mà người Việt Nam thường sử dụng bắp chuối cho các món gỏi hoặc trụng sơ. Việc này không thể làm sạch lớp nhựa bên trong được mà phải làm chín kĩ. Lớp lá non của bắp chuối sau biến dị trở nên dày và mọng nước hơn, kết cấu cũng thay đổi ít nhiều, vì vậy lúc chiên lên ăn vào rất giống thịt, lại có vị ngọt của rau. Do không có đủ nguyên liệu và gia vị nên tôi chỉ dùng hoa cây Muối – loài cây có vị mặn như muối và chưa bị biến dị sau Thảm họa."

“Thật không ngờ…chỉ có vài loại rau mà lại có thể có được bữa ăn ngon lành như này!”

Dạ Thảo hào hứng nói trong lúc gặm một miếng bắp chuối thật to. Quả thật mùi vị rất giống với thịt chiên giòn, lúc cắn vào có cảm giác ngập răng, nước trong thân bắp chuối chảy ra có vị hơi mặn do được nêm nếm với hoa Muối rất vừa ăn. Lớp lá non dày mọng nước, mỗi khi nhai lại tiết ra vị ngọt và hơi chát của rau, chẳng hề thấy có chút vị đắng và tê thường thấy. Phần dầu thực vật từ mủ vàng rau muống cũng không có mùi hôi, thậm chí còn thoang thoảng thơm và được trải lên lớp mặt cắt của bắp chuối, ăn vào chẳng thấy béo hay dầu mỡ, mà lại có vị ngòn ngọt kích thích vị giác cực kỳ.

“Thật làm phiền tới anh quá, đã cứu giúp con bé nhà tôi tới vậy, mà còn phải nấu nướng cho hai bà cháu vô dụng này.”

Người bà của Dạ Thảo đặt chén cháo xuống đất, đưa tay lên chùi nước mắt, rưng rưng nói.

“Cháu chỉ đáp lại việc có một chỗ ngủ qua đêm, bà đừng bận tâm.”

Đại Hùng nói gọn lỏn rồi lại lặng lẽ ăn. Dạ Thảo cũng hiểu ý, con bé cúi gằm mặt, húp chén cháo của mình và suýt xoa vì vị ngon của nó. Bữa ăn được ba người xử lý nhanh gọn, nồi cháo được vét sạch sẽ và rửa dọn cẩn thận. Phía bên ngoài trời đã đổ về đêm, những ánh sao ngoài xa sáng lấp lánh. Dù đã được nài nỉ nhiều lần, Đại Hùng vẫn nhất quyết không sử dụng tấm ván gỗ dùng làm chỗ ngủ duy nhất trong nhà. Anh khoác áo choàng của mình vào rồi ngồi tựa vào vách gỗ, gục đầu liu riu ngủ. Một quãng thời gian ngắn sau đó, tiếng thở đều đặn đã vang lên trong gian nhà nhỏ, báo hiệu một đêm yên bình.

Lời chia ly đột ngột

Người đầu bếp trẻ đưa mắt nhìn về phía hai bà cháu đang co ro đắp mảnh chăn mỏng trong cái lạnh về đêm, khẽ thở dài. Trên trời xuất hiện nhiều vì sao hơn, dải ngân hà trải dọc nền xanh đen phía cao, tạo thành một bức màn lấp lánh kim sa. Ánh trăng rọi xuống mặt nước đằng xa, tạo thành những lớp sóng bạc trong đêm. Đại Hùng lặng lẽ ngắm cảnh quan trước mặt thầm nghĩ, có lẽ điều tốt đẹp duy nhất thời đại này mang lại, là cảnh tượng thiên nhiên hoang sơ đã lấy lại được vẻ đẹp của nó.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều cảnh báo về sự thay đổi môi trường Trái Đất được đưa ra bởi những chuyên gia nghiên cứu về hiệu ứng nhà kính. Nhưng cho đến hơn năm trăm năm sau kể từ ngày phát hiện sự thay đổi tiêu cực của khí hậu, đất đai và tài nguyên, con người vẫn chưa ngừng sự tàn phá của mình đối với mẹ thiên nhiên. Sau “Trang sử trắng” – một sự kiện đã bị xóa khỏi dòng lịch sử của loài người, thế giới bắt đầu thay đổi, theo một hướng tiêu cực hơn: Mặt đất bị tàn phá nghiêm trọng, các vùng đất có thể canh tác nông nghiệp bị giảm sút và thay vào đó là sự biến đổi về kết cấu đất đai; các giống động – thực vật đột ngột bị biến đổi, nhiều giống loài vốn là nguồn cung thực phẩm chính cho con người trở nên độc hại và nguy hiểm; cho đến năm 3021, số lượng thực vật và động vật có thể tiếp tục sử dụng làm thực phẩm chỉ còn dưới 100 loài. Những biến đổi khí hậu, môi trường và hệ sinh thái kéo theo nhiều cơn khủng hoảng dân số, nạn đói xảy ra khắp nơi để rồi hình thành các chính phủ mới. Các cường quốc trở nên bệ rạc, những thành phố phồn hoa biến mất và trở thành các di tích đổ nát. Việt Nam cũng chẳng thể thoát khỏi kết cục tàn nhẫn mà mẹ thiên nhiên mang lại.

Sài Gòn năm 3021 trở thành một đống tàn tích, dưới sự phát triển kinh tế những năm 2088 đã khiến mảnh đất màu mỡ này bị khai thác quá mức. “Ngày tận thế đẫm máu” xảy ra vào năm 3017 đã khiến mọi vùng đất trở nên hoang tàn quạnh quẽ, mẹ thiên nhiên giáng cơn thịnh nộ của mình xuống những đứa con hoang đàng, gây nên lũ lụt, bão táp và các cơn hồng thủy ở khắp nơi. Sau trận bão khủng khiếp nhất mọi thời đại, mọi sinh vật trên Trái Đất đều bị biến đổi. Hạn hán kéo dài suốt tám tháng sau đó, các loài thực vật phát triển với hình thái hoàn toàn khác trước đây, những nhóm động vật làm thực phẩm chính như heo; bò; gà và ngựa bị biến dị và trở nên hung hãn hơn. Cơn đói bắt đầu tràn ra khi những nhà máy chế biến thức ăn nhanh bị đình trệ do ảnh hưởng sau thảm họa, loài người cố gắng khôi phục nền công – nông nghiệp thực phẩm và thất bại ba năm sau đó, khi xác định được hầu hết các động – thực vật đều bị biến dị, nếu không trở nên hung hãn và nguy hiểm hơn thì cũng chứa đầy độc tố không thể loại thải.

Thế giới gần như đã chết.

Đại Hùng lẩm bẩm. Loài người cũng đang dần chết mòn trong lúc gánh chịu hậu quả của những hành vi tàn phá thiên nhiên do mình gây ra, tiếng khóc than vang lên khắp mọi nơi. Nhưng trách được ai bây giờ, khi hệ quả này là từ chính sự tàn phá mà họ mang lại cho Trái Đất? Thiên nhiên có thể tiếp tục tuần hoàn mà chẳng cần đến con người, nhưng nhân loại sẽ sớm bị tuyệt diệt nếu đất mẹ rút lại những quà tặng mà bà ta đã trao cho họ từ ngàn xưa. Việc động thực vật bị biến dị là đòn giáng mạnh xuống xã hội loài người, món quà quý giá nhất đã bị lấy đi, nhân loại và những thế hệ hậu duệ của chúng sẽ phải chật vật trong một thời gian rất, rất dài nữa. Anh sẽ phải nhìn thấy những mảnh đời như hai bà cháu nằm kia, vùng vẫy trong tuyệt vọng và chờ đợi cái chết đến với mình: hoặc chết đói, hoặc trúng độc thực phẩm mà chết.

“Sẽ còn tiếp tục đến bao giờ?”

Anh hỏi, nhưng chẳng có ai trả lời. Phía trên bầu trời kia, những ngôi sao cứ sáng lấp lánh.

“Cậu còn thức không cậu Hùng?”

Đại Hùng quay lại, bà Sáu đang lần mò trong bóng tối bước về phía anh. Thấy thế, anh nhỏm dậy đỡ lấy người đàn bà già cỗi và theo chỉ dẫn của bà bước ra phía ngoài căn nhà. Chạm vào cánh tay gầy guộc đó, anh bỗng chốc thấy chạnh lòng. Bàn tay nhăn nheo gần như chỉ còn da bọc xương run rẩy trong tay anh, những đường gân xanh xao nổi lên dưới lớp da mỏng, khi Đại Hùng nhìn bà Sáu lần đầu tiên, anh đã hiểu ý định của bà khi tìm anh trong lúc bé Thảo đang say ngủ là gì. Đỡ bà Sáu ngồi xuống tảng đá phẳng trước nhà, anh cởi áo khoác đưa cho bà tránh gió và sương đêm, người bà ngước lên nhìn bầu trời đầy sao, trong đôi mắt ương ướt. Bật chợt, bà quỳ xuống níu lấy anh nài nỉ.

“Tui biết làm vầy cậu khó xử lắm, nhưng cậu làm phước chấp nhận mong muốn ích kỷ này của tui. Cậu chỉ là một người qua đường tốt bụng, nhờ vả cậu chuyện này là quá bất công với cậu, nhưng cầu xin cậu cho cái Thảo đi theo cậu với! Nó chỉ mới mười ba tuổi, nhưng cái gì tui cũng đã dạy cho nó làm, cậu muốn nó làm trâu ngựa cũng được, tui chỉ xin cậu cho nó một bữa ăn no là được rồi.”

“Bà ngồi dậy đi…”

“Tui cầu xin cậu, cậu không nhận lời tui quỳ miết ở đây thôi cậu Hùng…” – Bà Sáu nước mắt lưng tròng, dập đầu xuống đất trước mắt anh, đôi vai ốm yếu của bà run lên vì lạnh. “…Con Thảo…ba má nó mất hồi nó nhỏ xíu, tui nuôi nó tới giờ cũng biết là không cầm cự nổi thêm bao lâu nữa. Nó mới có mười ba tuổi mà nếu tui chết đi rồi nó biết sống sao…Là tui không chăm lo cho nó được tốt nhưng tui dạy dỗ nó cẩn thận lắm cậu à, nó sẽ không gây rối gì cho cậu đâu tui thề, tui thề nó không gây rối cho cậu đâu…xin cậu cho nó theo cậu với…”

Đại Hùng cúi xuống đỡ lấy bà Sáu, anh biết rõ tình cảnh của hai bà cháu vô cùng éo le, bệnh trạng suy nhược của bà cũng đã tới hồi không thể chống đỡ nổi. Từ làn da tới mái tóc, đôi mắt đục và cách bà ăn từng muỗng cháo đã nói lên tất cả. Nhưng cuộc du hành của anh không phải chỉ để cho vui, nếu bây giờ lại dắt theo một đứa trẻ, chẳng khác nào tự mua dây buộc mình. Hơn nữa, vốn dĩ như bà Sáu đã thừa nhận, anh chỉ là một kẻ qua đường, rồi dễ gì bé Thảo chấp nhận theo một người đàn ông xa lạ? Bà Sáu đã đặt cược vào anh khi quan sát thái độ của Đại Hùng từ khi anh vừa bước vào căn nhà, chính anh cũng biết thế, nhưng việc nhờ vả này khó lòng có thể đáp ứng được. Anh lấy sức trẻ của mình đỡ bà Sáu ngồi lại trên tảng đá, người đàn bà già nua ôm mặt khóc nức nở. Bà cũng hiểu rõ rằng sẽ chẳng ai chấp nhận lời cầu xin này nhưng có lẽ bà vẫn muốn thử một lần, khi nhìn thấy biểu cảm của Đại Hùng, bà chỉ biết khóc. Cơ thể rệu rã này của bà như ngọn nến sắp tắt lửa, sống hôm nay chưa biết tới ngày mai, người thân cũng đều lạc tan tứ xứ, chỉ còn lại Dạ Thảo với bà nương nhau mà sống. Giờ đây nếu nhỡ có sự vụ gì, để một đứa bé mười ba tuổi bơ vơ giữa đời thật quá sức khó khăn.

“Những chuyện này…con không chắc được…”

Đại Hùng ngần ngừ nói, anh chẳng thể từ chối thẳng thừng mà cũng không cách nào đồng ý. Bà Sáu ngước lên nhìn anh với đôi mắt đẫm lệ, tròng mắt đã đục đi mấy phần. Bàn tay như cây đã khô héo vịn vào anh mất đi sức lực. Bà chùi nước mắt, những giọt lệ thấm sâu xuống những nếp nhăn trên gương mặt.

“Không…đáng lẽ tui không nên làm vậy với cậu…chỉ là…”

Bà Sáu thở dài, trăng trên đầu vừa bị mây che khuất lấp. Tiếng thở dài của bà cứ ám ảnh anh suốt đêm, ngay cả trong giấc mơ chập chờn ẩn hiện.

Đại Hùng giật mình tỉnh dậy khi nghe tiếng khóc nức nở của Dạ Thảo. Vừa mở mắt, anh đã nhìn thấy con bé ngồi bên cạnh bà Sáu, dùng hết sức bóp chân tay cho bà của mình. Đại Hùng nhanh chóng đến xem xét tình hình thì thấy cơ thể bà Sáu lên cơn sốt cao, mồ hôi rịn ra như tắm. Gương mặt của bà nhăn nhó lại ra chiều đau đớn lắm, các đầu ngón tay đã thâm tím lại, run lẩy bẩy. Anh kiểm tra đồng tử thì thấy đôi mắt đã đục hẳn hơn so với hôm qua, tròng trắng chuyển sang màu xám nhạt. Căn bệnh suy nhược ngày càng nặng hơn, có lẽ chuyện tối qua đã khiến tinh thần của bà Sáu giảm sút dẫn đến bệnh tình chuyển biến xấu đi.

“Kiểu này, là suy nhược Zenzaber kéo dài nên đã tới mức phát tán bệnh rồi.”

Đại Hùng lẩm bẩm. Suy nhược Zenzaber là căn bệnh xuất hiện từ khoảng ba năm trước, giết chết bệnh nhân một cách dần mòn trong thời gian dài mà việc chữa trị tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Ban đầu người bệnh chỉ xuất hiện những triệu chứng của suy dinh dưỡng bình thường, nhưng càng chữa theo bệnh suy nhược thường lại càng khiến bệnh tình nặng hơn. Đôi mắt sẽ đục dần và chuyển sang màu xám, nội tạng bên trong cơ thể cũng sẽ bị tổn thương và suy kiệt, không thể hấp thụ dinh dưỡng được nữa. Cuối cùng, người bệnh sẽ lên cơn sốt cao, co giật, các cơ quan trọng yếu sẽ ngừng hoạt động dần dẫn đến cái chết đau đớn. Cứ như thế này thì chỉ chừng nửa tiếng nữa, bà Sáu sẽ ra đi vĩnh viễn.

Con Thảo gào khóc gọi tên bà của mình, nhưng đôi mắt đục của bà Sáu chẳng hề phản ứng. Nó siết chặt lấy những ngón tay run rẩy đó, rồi bật dậy bỏ chạy khỏi căn nhà.

“Em đi đâu…?”

Đại Hùng bất ngờ trước hành động của Thảo, nhưng anh không thể bỏ mặc bà Sáu đang hấp hối tại đây được. Điều duy nhất anh có thể làm bây giờ là giúp bà Sáu giảm thiểu cơn đau hết mức có thể. Đại Hùng mở ba lô của mình, lôi ra một chai thủy tinh chứa chất lỏng màu tím sậm. Chai rượu Tử Nho là thứ mà anh dự tính sẽ dùng để trao đổi ở nơi kế tiếp du hành, nhưng trong tình hình này thì không thể có cách nào khác được. Anh đổ rượu ra ca sắt, nâng người bà Sáu dậy rồi ép bà uống từng ngụm một. Trong nho đã có sẵn một hàm lượng cao resveratrol giúp giảm đau nhanh chóng mà không ảnh hưởng tới COX-1 – một loại enzym hỗ trợ làm lành vết thương có trong cơ thể, ngoài ra, rượu còn có thể làm giảm cơn đau dạ dày tốt hơn cả thuốc, mà với bệnh suy nhược Zenzaber, dạ dày và ruột non là hai nơi dễ tổn thương nhất. Bà Sáu nuốt từng ngụm rượu một cách khó nhọc, đôi mắt đục gần như đã mù nhìn trân trối lên trần mái. Bà huơ tay về phía trước, siết chặt lấy bàn tay của anh với vẻ mặt cầu khẩn.

“Con…con sẽ làm vậy.” – Đại Hùng nghiến răng, nắm lấy những ngón tay của người bà sắp từ bỏ cõi đời, hứa hẹn. “Con sẽ dẫn theo bé Thảo.”

“Vùng số 31, làm ơn…”

Bà Sáu nói khó nhọc trong lúc được anh bế lên, Đại Hùng nhanh chóng đưa bà ra phía ngoài. Bầu trời vẫn còn chưa sáng hẳn. Vùng số 31 được đánh dấu trên bản đồ Sài Gòn thuộc quận Phú Nhuận, là nơi đắt đỏ nhất thành phố này. Bởi lẽ nó là nơi duy nhất cung cấp dịch vụ Y tế và dược liệu. Vùng số 31 được điều hành bởi chủ tịch thành phố và chỉ có duy nhất một bệnh viện cung cấp các dịch vụ chữa trị. Bà Sáu hiểu rất rõ Dạ Thảo đã đi đến đâu, và con bé sẽ gây ra chuyện gì. Ngay khi vừa đến được vùng số 31, cả hai đã nghe thấy tiếng náo động.

Dạ Thảo co mình dưới đất, chịu những cú đá liên tiếp vào bụng và mặt. Trong tay con bé là lọ thuốc không rõ nhãn đã vỡ đôi, mảnh thủy tinh sắc cứa vào da chảy máu ròng ròng. Đại Hùng mau chóng đặt bà Sáu xuống rồi chạy lại ngăn cản ba tên bảo vệ lẫn y sĩ đang đánh đập con bé. Chúng đẩy anh ra rồi hét lớn, phun ra những từ đe dọa tục tĩu.

“Làm ơn…ngừng lại! Thảo ơi, con ơi…”

Dạ Thảo nghe tiếng bà của mình liền vùng dậy, con bé húc ngã một gã mặc áo blouse trắng với sức lực mạnh mẽ bất ngờ rồi vừa gào khóc vừa chạy đến bên bà mình. Lọ thuốc vỡ nát, mùi thuốc hòa cùng với máu loang loáng trong lòng bàn tay con bé.

“Đủ rồi! Tôi sẽ trả tiền, tôi trả tiền cho các anh.”

Đại Hùng lên tiếng, chặn lại động thái của những kẻ bạo lực. Một lọ thuốc giảm đau có giá 7 đồng, một số tiền đủ để cho một nhà ba người ăn cả tuần lễ. Những đồng vàng rơi xuống tay bọn y sĩ, chúng phun nước bọt vào áo khoác của anh, lầm bầm chửi rủa.

Khi Đại Hùng giải quyết xong với bọn y sĩ và quay trở lại, thì anh cũng nhận ra thời gian của bà Sáu chỉ còn có thể đếm từng giây. Đôi mắt của bà Sáu đã mù hẳn nên chỉ có thể dùng tay của mình chạm lấy đứa cháu duy nhất, hai bà cháu cùng ôm nhau ngồi khóc.

“Thảo…Thảo à.” – Bà Sáu chạm vào gương mặt hốc hác của con bé, dòng lệ chảy dài trên má bà. Một cách khó nhọc, bà thều thào dặn dò Dạ Thảo những điều sau cuối. “Con đi theo cậu Hùng, nhớ ngoan nghe hông.”

“Bà ơi con không đi đâu, con ở đây với bà mà. Sao bà lại đuổi con?”

“Không được ăn cắp nữa…”

“Bà đừng nói nữa, con nhờ anh Hùng đưa bà về nghỉ ngơi. Bà ngủ một giấc là sẽ khỏe lại thôi mà bà!”

“Không được gây phiền phức…cho cậu Hùng…”

“Bà ơi…!!” Con Thảo gào lớn, nó cảm nhận được cái lạnh lan dần khắp cơ thể bà mình.

“Bà thương con…thương con nhiều…Thảo à…”

“Bà ơi bà đừng bỏ con…Bà ơi…Bà ơi? Bà!!”

Con Thảo khóc lớn, nó cố sức lay người bà Sáu thật mạnh, nhưng cơ thể bà đã nhũn ra chẳng còn sức sống. Cái lạnh từ làn da người chết thấm sâu vào tim của con bé, khiến cả người nó bủn rủn và lệ thì tuôn trào không dừng được. Trời gầm lớn một tiếng, những giọt mưa thi nhau rơi xuống mặt đất như thể khóc thương cho một đứa trẻ vừa mất đi người thân duy nhất. Đại Hùng tiến tới khó nhọc kéo con bé rời khỏi xác người bà, rồi bế cơ thể đã mất nguồn sống của bà Sáu trở lại căn nhà ọp ẹp. Dạ Thảo nước mắt giàn giụa, chạy theo dùng đôi tay bé xíu bấu lấy áo khoác của anh, vừa đi vừa ngửa mặt lên trời khóc thê lương.

Download MangaToon APP on App Store and Google Play

novel PDF download
NovelToon
Step Into A Different WORLD!
Download MangaToon APP on App Store and Google Play