Tiếng Việt
NovelToon NovelToon

Mợ Ba

Chương 1: Lễ tang của người vợ mới

Ngoài trời đang đổ cơn mưa rả rích nhưng cũng không thể nào xóa đi cái không khí âm u não nề trong nhà ông phú hộ Lâm lúc này. Tiếng đàn cò văng vẳng bên tai, lúc thăng lúc trầm cũng tiếng ca oán thán của người ca kĩ càng làm cho mọi thứ nặng nề hơn. Mùi nhang khói nghi ngút hòa cùng tiếng ca đau thương, quả là đúng điệu của một đám tang. Nhưng tuyệt nhiên lại không có tiếng khóc nào vang lên cả.

Cũng phải, bởi đây chỉ là tang lễ của một người vợ lẽ của cậu ba Khánh nhà ông phú hộ Lâm. Gọi là tang lễ cho oai chứ cũng chẳng có gì ngoài một mâm cúng và một manh chiếu quấn quanh cỗ thi hài rồi đem đi chôn cất. Vợ lẽ ấy mà, suy cho cùng thì cũng chỉ hơn gia nhân trong nhà một chút, thác đi cũng không được cho một cái lễ tử tế. Huống hồ chi, người vợ thứ ba này của cậu Khánh còn có xuất thân là gái lầu xanh được cậu chuộc về. Chỉ là cậu còn chút thương tình mới gọi người tới đàn tụng, chứ chẳng ai đứng ra khóc cả.

Tiếng guốc tre va trên nền gạch tàu tạo thành âm thanh khe khẽ mà vang vọng. Tiếng đàn ca cũng dừng lại, không gian rốt cuộc cũng đã được yên tĩnh. Từ cái ngày mà cậu rước mợ hai rồi mợ ba về nhà, chẳng mấy khi ngôi nhà rộng rãi này được yên thân. Cái Chi đỡ mợ ba, à không, bây giờ nên gọi là mợ cả về giường, ân cần hỏi: “Mợ có mệt lắm không ạ? Để em đi rót cho mợ ít nước nhé?”

“Thôi được rồi.” Mợ ngồi trên giường gỗ, nhìn màn mưa bên ngoài. Mợ cứ ngồi nhìn như thế cho đến lúc mưa ngừng hẳn mới nói: “Em đi xem coi cậu đã về chưa?”

“Vâng ạ.” Cái Chi nói rồi vội ra ngoài. Mợ lúc này mới thở dài một cái rồi đi lại chỗ gương đồng, cẩn thận tháo trang sức trên người và cái trâm búi tóc ra. Mái tóc đen dài bung xõa xuống sau lưng, vừa mượt vừa bồng bềnh như những áng mây trên bầu trời, cũng là mây trong tên mợ. Mợ tên Vân, Trần Kiều Vân.

“Dạ bẩm mợ, cậu vẫn chưa về. Em nghe nói cậu vẫn còn ở ngoài chỗ chôn mợ ba.” Cái Chi đi vào báo. Nó nhìn sắc mặt mợ vẫn u buồn, nhẹ giọng trách móc: “Cái mợ ba này cũng thiệt là tình! Vào nhà gây rắc rối thì cũng thôi đi, lại còn thác ngay đêm tân hôn, đúng là xui hết chỗ nói!”

“Chi! Đừng có nói bậy, lỡ ai nghe thấy sẽ không hay đâu.” Mợ nhíu mày nhắc nhở. Ai trong nhà cũng biết cậu rất thích người mợ ba tên Cẩm Nhung này. Cậu ba quen biết Cẩm Nhung từ một lầu xanh ở huyện bên, qua lại ở bên ngoài đâu hơn nửa năm rồi cậu mới đưa về nhà. Biết là gái làng chơi, làm sao ông bà ưng bụng cho cậu rước người qua cửa? Nhưng cậu cứ bướng, cứ giữ người lại trong nhà mà yêu thương. Người làng biết chuyện Cẩm Nhung qua cửa rồi cũng là chuyện sớm muộn nên người ta cũng dần gọi là mợ ba.

“Hơn nữa, người ta đi cũng đi rồi, em đừng nói vậy kẻo thất đức.” Mợ lại dặn dò. Cái chết của mợ ba cũng lắm oan khuất quá, ai cũng sợ có điều không hay. Bởi lẽ… là một xác hai mạng. Mợ ba chết trong khi vẫn còn mặc giá y, trong bụng lại còn đang mang thai…

“Dạ vâng em nghe mợ.”

“Thôi cũng muộn rồi, em thắp nến cho mợ rồi cũng đi nghỉ đi.” Mợ ra ý mệt mỏi muốn nghỉ ngơi, cái Chi vâng lời giúp mợ sắp lại chăn màn, để lại một ngọn nến mới trong phòng rồi lui ra. Tiếng cửa gỗ kẽo kẹt vang lên, mợ mệt mỏi gác tay lên trán nghĩ ngợi.

Ba tháng trước, cậu đưa Cẩm Nhung về nhà. Ông bà đã cấm đoán từ lâu nhưng cậu vẫn cứ mang tiền ra ngoài nuôi người tình nên cũng đành bất lực mặc cho cậu muốn làm gì thì làm. Dẫu sao, ở trong nhà vẫn dễ quản hơn là người ngoài. Nhưng rồi một ngày, lúc mợ đến gần thư phòng của cậu thì lại nghe được giọng nói bên trong nỉ non: “Cậu ơi em bảo cái này. Em về nhà mình cũng đã lâu, mà sao cậu chẳng cho em cái danh phận nào hết? Gia nhân trong nhà, chúng nó cứ hoạnh họe bắt bẻ em. Cậu bảo em theo cậu hưởng vinh hoa phú quý, mà vào nhà này chẳng ai coi em ra gì cả, chúng nó cứ nghe lời mợ cả, cứ xu nịnh mợ hai chứ có xem em ra gì đâu.”

Có giọng nam trầm thấp đáp lại: “Em đừng vội, cứ gượm thêm ít hôm đã, chờ tôi sắp xếp với cha mẹ.”

“Em chả chịu đâu! Cậu cứ bảo thế ấy! Cậu liệu mà cho em danh phận đi chứ… không thì con mình lại tủi.”

“Con? Em có thai hả?” Cách một lớp màn, mợ vẫn có thể nghe được giọng cậu có bao nhiêu là kích động, Cũng phải, con đầu lòng của cậu mà, cậu không mong sao được?

“Chứ còn sao nữa? Cậu liệu mà tính đi nhé! Người ta về buồng dưỡng thai đây.” Có tiếng guốc tre và hai người phụ nữ chạm mặt nhau ngay trước thư phòng. Không biết do chột dạ hay sao mà cô ta có chút hoảng hồn, mặt tái xanh.

Mợ cười khẽ, hơi nghiêng người thì thầm vào tai cô ta:

“Em ở trong đó, nói cái chi với cậu mà lâu thế?”

“Liên… liên quan gì đến mợ?”

“Đúng nhỉ, liên quan gì đến tôi đâu.” Mợ đứng thẳng người, sau đó đi vào trong.

Chương 2: Cậu ba

Sau, vì chuyện Cẩm Nhung có mang mà cậu quyết tử với ông bà một trận, buộc lòng ông bà phải cho cậu nạp cô ta làm thiếp. Cậu chiều chuộng chấp nhận làm cho cô ta một cái lễ, còn cho cô ta một bộ giá y đỏ rực. Ước nguyện của Cẩm Nhung thành hiện thực nhưng cô ta đâu có ngờ, ngay cái đêm tân hôn, cậu còn chưa vào thì bà đã vào với cái Lành – con hầu của bà cùng một chén thuốc.

“Bà chiều cậu cho mày vào cửa, chứ mày đừng mong mà giữ được cái nghiệt chủng kia.” Con Lành mang chén thuốc tới bên cạnh rồi sau lưng bà có thêm hai ba thằng hầu nữa. Ý tứ của bà rất rõ ràng, cô ta không uống thì bà cũng ép cô ta uống. Cẩm Nhung kháng cự, quỳ xuống khóc lóc cầu xin: “Con lạy mẹ, mẹ tha cho con con. Dẫu mẹ có ghét con gì thì nó cũng là máu mủ của cậu, là cháu nội của mẹ. Xin mẹ thương tình mà tha cho con.”

“Ai mà tin cho được cái loại gái lầu xanh như mày? Giờ mày có uống không thì bảo?” Bà răn đe, nhưng Cẩm Nhung nhất quyết không uống. Rồi bà dùng biện pháp mạnh, hai thằng hầu giữ hai bên cho bà đổ chén thuốc vào miệng cô ta. Bà để cái chén đã cạn sạch lên khay cho con Lành mang đi, nhìn cô ta ôm bụng, gào thét thảm thiết trong đau đớn cho tới khi ngã xuống co quắp dưới sàn rồi bà nói: “Đích trưởng tử, con Vân còn chưa có, sao mày dám có con?”

Cứ tưởng thế là xong chuyện, nhưng ai mà có ngờ, đến lúc cậu vào phòng tân hôn thì Cẩm Nhung chỉ còn là một cái xác đã lạnh trên một vũng máu. Kế bên còn là một bãi nôn lớn, da mặt cô ta thâm tím hết và da tay còn nổi lên những nốt sần trông mà rợn cả gáy. Cậu hớt hãi chạy tới đỡ lấy đầu Cẩm Nhung, cố lay mạnh người và gọi tên cô ta một cách tuyệt vọng như cái cách mà những sợi tóc từ trên mái đầu Cẩm Nhung rơi xuống cánh tay cậu. Một cái chết tức tưởi ngay đêm tân hôn, ám ảnh người ta không chỉ là đôi mắt mở trợn ngược đầy oán hận của Cẩm Nhung mà đó còn là cái chết mà một xác hai mạng…

Mợ tỉnh giấc vì tiếng động bên ngoài và cái lạnh thấu xương. Lúc mở mắt, mợ mơ hồ nhìn thấy có bóng người đứng cạnh giường mình. Cứ tưởng là cái Chi nên mợ hỏi: “Chi đấy à? Sao thế em?”

Chớp mắt một cái lại không thấy người đâu nữa, mợ cho là mình nhìn nhầm nên ngồi dậy, khoác áo rồi ra ngoài xem thử. Vừa vén màn lên, mợ đã gặp ngay cậu ba. Cậu say khướt, cái áo ban sáng cậu mặc còn chưa thay ra, có lẫn mùi đất cát, mùi nhang khói và mùi rượu nồng nặc. Mợ vội đỡ cậu vào trong buồng, nhưng nửa đường lại bị cậu hất ra. Cậu đứng lảo đảo nhưng vẫn chỉ tay, mắng mợ bằng cái giọng bét nhè của người say: “Tránh ra! Ai cho cô lại gần tôi”

Mợ hơi sững sờ, rồi lại nén đau lòng mà lại gần cậu: “Thôi cậu đừng giận, để em đỡ cậu vào buồng đã. Cậu say rồi, ở ngoài gió đêm dễ cảm lắm cậu ạ.”

“Cô biết tôi giận à? Thế mà cô còn làm hại Cẩm Nhung? Trần Kiều Vân! Lúc mang sính lễ dạm ngõ tôi không hề nghĩ cô là loại người ích kỉ thế ấy!” Cậu tức giận mắng to, gia nhân trong nhà cũng lục tục kéo ra. Nhưng rồi thấy cậu đang đứng đó với mợ, chúng nó cũng thức thời mà lui xuống hết, chỉ có cái Chi len lén nấp ở một bên chờ mợ.

“Cậu nói gì em không hiểu. Em nào dám làm hại em ba.” Mợ hơi cúi đầu, nhưng lại không khóc. Hình như mợ cũng đã quen.

“Còn không phải tại cô? Nếu không phải cô không có con thì sao Cẩm Nhung phải bỏ cái thai rồi bỏ mạng luôn chứ?” Cậu vẫn buông lời nặng nề. Lúc này, ông cũng trong phòng đi ra. Ông đã có tuổi, chống chiếc gậy gỗ xuống đất hai cái, hắng giọng: “Thằng Khánh mày đi đâu giờ này mới về? Vừa về lại còn kiếm chuyện mắng vợ mày, mày làm như vậy mà coi được à?”

Cậu im lặng không đáp lời ông rồi lảo đảo bỏ đi mất. Ông tức lắm, còn định mắng thêm nhưng mợ đã lại gần mà can: “Thôi cha ạ, anh ấy còn đang đau lòng lại còn uống say. Cha đừng để bụng, kẻo lại sinh khí ảnh hưởng tới sức khỏe.”

“Con đó, lại cứ bênh nó.” Ông phú hộ thở dài, vỗ vỗ mu bàn tay mợ: “Là cha dạy bảo nó không tốt, để cho con chịu thiệt. Âu cũng là lỗi của cha…”

“Cha đừng nghĩ vậy…”

“Thôi muộn rồi, con vào nghỉ tiếp đi, cứ mặc xác nó.” Ông chống gậy đi về phòng, lại nhìn con Chi đang thập thò trong góc, gọi: “Mày vào hầu mợ đi.”

“Dạ ông.” Cái Chi lúc này mới dám đi lên đỡ mợ vào buồng trong. Nó nhìn gương mặt mợ vẫn bình tĩnh mà đau lòng thay. Mợ quen rồi. Quen với việc cậu lúc mặn lúc nhạt, rồi lại hờ hững với mợ. Mợ cũng quen cậu vì mấy người vợ lẽ mà lớn tiếng với mợ, nhưng mợ chưa từng so đo với họ, cũng luôn bênh vực cho cậu trước mặt ông bà.

“Mợ ơi, hay con mở cửa sổ cho thoáng nhé mợ?” Cái Chi nhìn cánh cửa gỗ đóng kín, thử hỏi. Thời tiết dạo này oi bức lắm, cộng thêm việc bây giờ đang có tang, không khí ngột ngạt lại làm mợ khó chịu thêm thì không hay.

“Ừ.” Mợ gật đầu. Cái Chi đến bên khung cửa rồi tháo chốt, mở cửa ra. Một cơn gió thổi vù vào trong buồng, lạnh ngắt làm nó run lên.

“Làm sao đấy?” Mợ hỏi. Nó lắc đầu, đáp: “Dạ không có gì đâu mợ. Gió đêm hơi độc, để con kiếm lớp màn mỏng giăng ngang cửa sổ cho mợ.”

“Ừ, thế đi.”

Chương 3: Chuyện xưa

Cái Chi nhìn mợ ngủ thiếp đi rồi mới ra ngoài. Nó thương mợ lắm! Thương vì cái tính mợ tốt, lại còn thương cho cuộc đời mợ sao mà bấp bênh. Thuở ban đầu chuyện tình của cậu và mợ đẹp như mơ, như trong câu truyện cổ làm bao nhiêu thiếu nữ ngưỡng mộ. Câu chuyện đó được bắt đầu êm đềm, dịu nhẹ như cơn gió mùa xuân, mang theo chút ấm áp làm muôn hoa chớm nở…

Huyện Đường Lâm, thôn Hoài có nhà ông phú hộ họ Lâm. Nhà ông có tiếng lắm, không phải bởi giàu có, mà ở cái đức hiếu sinh, ở cái tấm lòng với người trong thôn. Ngặt nỗi đường con cái lại không tốt, cô hai sinh ra đến năm sáu tuổi đã chết đuối. Nhà thì lớn, đất vườn nhiều nhưng cũng chỉ có một cậu con trai. Cậu ba gọi là Khánh.

Cậu Khánh tuy học không tài, nhưng lại chí thú làm ăn, vẻ ngoài cũng thư sinh nho nhã. Vận đào hoa của cậu tốt lắm, trong thôn có nhiều cô thầm đem lòng mến mộ, nhưng cậu đều không ưng. Cho đến cái năm mười tám tuổi mới lấy vợ. Người cậu lấy là cô hai Vân nhà ông bá hộ Trần ở thôn Vĩnh.

Sở dĩ cậu quen cô, là bởi trong thôn có một ông đồ, dạy học cho cả nam lẫn nữ. Nữ nhân tuy không thể thi làm quan, nhưng không ít nhà quyền quý vẫn muốn cho con gái mình đi học. Nhà ông Trần cũng nằm trong số đó. Nhưng không giống những tiểu thư chỉ giỏi thêu thùa may vá, phấn son lụa là, cô Vân học rất giỏi. Thầy cũng khen cô rất thông minh. Tiếc thay lại là phận nữ nhi, nếu không ắt sẽ nên công trạng lớn.

Ngày cưới, đám trai làng nhìn theo đám rước mà lòng tiếc hùi hụi. Cô Vân không chỉ thông minh, gia thế tốt, mà nhất cử nhất động đều là dáng vẻ đoan trang, cao quý của tầng lớp quý tộc. Cô ít nói lắm, lại còn trầm tính nữa nên ít ai dám trêu ghẹo. Chỉ có cậu Khánh là thích bám lấy cô không rời.

Đêm tân hôn, thằng Đậu dìu cậu đã ngà ngà say vào phòng rồi tủm tỉm rời đi. Mợ đỡ cậu nằm lên giường, cẩn thận hầu cậu thay áo. Cậu ôm mợ, rồi bằng cái chất giọng trầm ấm mà thủ thỉ:

“Cả đời này, tôi chỉ có mình em là vợ.”

Mợ cười, ở cái tuổi mười sáu còn đầy xuân sắc, trong bộ giá y đỏ rực, trông mợ đẹp khiến người ta si mê. Cậu cũng không là ngoại lệ. Tương lai thế nào cậu chưa biết, chỉ biết giờ phút này, người con gái ngồi trong lòng cậu là người cậu yêu nhất trên đời.

Người xưa thường bảo “nữ thập tam, nam thập lục”, vậy mà đến cái tuổi mười sáu mợ mới gả cho cậu. Người ta không sợ mợ không ai rước, nhưng hâm mộ cái tình cảm mợ dành cho cậu, hâm mộ cái sự hy sinh của mợ.

Mợ về làm dâu nhà cậu, tuy không bị cảnh mẹ chồng nàng dâu, nhưng thời gian đầu ai cũng tội cho mợ. Nhà mợ có cậu em trai, tuổi vừa lên bốn, đặc biệt quấn lấy chị mình. Nhìn mấy đứa trẻ con trong xóm, mợ lại nhớ em trai mình, ánh mắt cứ man mác nỗi buồn khiến ai nhìn vào cũng xót. Vẫn may, ông bà Lâm thương mợ, chưa lớn tiếng quát mắng mợ bao giờ. Cậu cũng thương mợ, cả ngày quấn quýt chọc cho mợ vui, cuộc sống của mợ tạm xem là êm ấm.

Đám gia nhân thích nghe mợ kể chuyện, kể về lần hai người gặp nhau, về cách mà mợ phải lòng cậu. Ừ thì nhà ông bá hộ Trần giàu hơn nhà ông phú hộ Lâm, truyền thống cũng trải mấy đời. Trai gái nhà ấy ai cũng ưu tú cả, nào có bình thường giống nhà ông Lâm phất lên nhờ cơ may buôn bán. Mợ ba trước kia cũng kén chọn lắm, con quan huyện xuống dạm ngõ mợ cũng không ưng, chỉ chịu mỗi cậu Khánh. Mợ cười bảo:

“Thôi thì cũng là cái duyên trời định sẵn. Mợ cũng không ham vinh hoa phú quý gì, chỉ mong cả đời được ở cạnh người mình thương.”

Những lúc như vậy, nếu có cậu ở đó, cậu sẽ ôm mợ thật chặt, mỉm cười đầy hạnh phúc.

Nhưng đời mà, chuyện gì cũng phải đến hồi kết thúc. Huống hồ chi, hạnh phúc lại càng mong manh.

Ba mùa hoa mai nở rồi lại tàn, cảnh vật còn thay đổi không ít, nói chi là lòng người vô tình. Câu chuyện cổ tích của mợ rồi cũng đã đến hồi kết. Đó là khi, cậu rước mợ hai vào nhà…

Nhà ông phú hộ Lâm vốn gốc là lái buôn, sau có vốn mới mua đất ruộng rồi cho tá điền thuê. Thỉnh thoảng ông cũng hay theo mấy đoàn thương buôn, cậu tới tuổi rồi cũng theo ông bôn ba. Rồi cái ngày kia, ông có giao thương với một ông thương gia khác. Ông thương gia ấy có một cô con gái thứ, đẹp lắm! Đẹp như mấy đóa hoa hồng rực rỡ chói mắt vậy! Cô ăn nói ngay thẳng, nếu không muốn nói thẳng là chua ngoa và đanh đá, ấy thế mà cậu lại thích mới tài. Chắc do hai mươi mấy tuổi xuân xanh nên cậu ham thích cái mới lạ, và thời gian cũng làm cậu phát chán cái vẻ nhu mì đoan trang của mợ mất rồi.

Cô con gái kia chỉ là con thứ, tức là con của một người vợ lẽ thứ năm thứ sáu gì đó của ông thương gia nọ. Thấy cậu ưng nên ông thương gia nọ ngỏ ý gả luôn, còn để lại cho ông mấy món rất hời. Ông đắn đo mãi, còn hỏi ý bà với mợ, nhưng cậu thì cứ nhất quyết lấy cho kì được mới thôi. Rồi thì… mặc cho mợ buồn tủi, mặc cho bao hẹn thề, cậu vẫn làm lễ đón cô gái nọ về làm mợ hai nhà họ Lâm. Mợ hai đó tên là Kim Ngân.

Download MangaToon APP on App Store and Google Play

novel PDF download
NovelToon
Step Into A Different WORLD!
Download MangaToon APP on App Store and Google Play