Kí ức của cô về người ấy bắt đầu bởi một tiếng hét lên đầy sợ hãi của một đám nhóc con.
Trong tầm mắt của cô lúc đó chỉ có một nền trời bao la rộng lớn, còn đẹp và kì vĩ hơn cả biển cả.
Mưa mới hết nên khí trời trong mát đến thư thái.
Những dải mây trắng lượn lờ trôi xa và những con chim sẻ vì tiếng động lớn mà bay tán loạn ra khỏi tổ.
Đẹp quá… Cô cũng muốn bay.
“Cẩn thận!”
…
“Hộc… Hộc… Phù…”
“Đủ mười vòng. Được rồi, em đã có thể vào lớp.”
Thầy giám thị ghi lại tên và số lớp của cô vào trong một cuốn sổ theo dõi, trước khi đi, ông nhìn xuống một cô gái vì chạy quá mệt mà nằm bệt ra ở dưới sân tập thể dục, không kìm được mà thở dài ngao ngán, lắc đầu.
“Nằm nghỉ một lát đi rồi lên lớp cũng được. Thật là… Hết thuốc chữa. Thầy chỉ cho con cơ hội cuối này nữa thôi. Lần sau em mà đi học muộn nữa thì thầy sẽ báo cáo lên nhà trường để đình chỉ em.”
Nhiếp Mạch Khanh thở ra hổn hển, trước giọng nói đầy chán nản ấy của thầy giám thị, ánh mắt cô vẫn mở lớn mà nhìn lên khoảng trời xanh trước mắt.
“Lần trước và trước trước đó thầy cũng nhắc em vậy, xong có phạt em đâu?”
“Vì khi ấy thầy còn nghĩ em có thể chỉnh đốn lại được… Thôi, bỏ đi.”
Thầy giám thị để lại một tiếng thở dài xa xăm rồi vác sổ theo dõi lên vai, đưa tay gạt đi mấy giọt mồ hôi lấm tấm ở trên vầng trán cao đã xuất hiện mấy vết nhăn tuổi già.
Tiết trời giữa ngày hè oi bức, mùi nhựa ở trên sân vận dục bốc lên tức thở. Nhiếp Mạch Khanh cũng chỉ dám nằm nghỉ một lúc rồi xiêu xiêu vẹo vẹo đứng lên, cà nhấc tiến vào bên trong trường.
“Chị Khanh! Kỉ lục dành cho chị! Năm mươi ba lần học muộn! Chị sẽ được lưu danh ở trong sổ kỉ yếu của em!!!”
Một đám nhóc lớp mười một đang học tiết thể dục ở bên ngoài sân hô lên rồi cười lớn. Vì cô tên Khanh và năm nay lên lớp mười hai nên mới được cả trường gọi là “chị Khanh”, một người được ví như “Thần mắc lỗi” vì trên dưới năm mươi lần đi học muộn, ba mươi lần đánh nhau cả ở trong trường và ngoài trường, hai mươi lăm lần thiếu bài tập về nhà và mười lần ăn điểm không tròn trĩnh vào trong sổ học bạ.
Ngoài ra, cô còn bị bắt trong một lần lén hút thuốc lá ở trong trường.
Cũng chẳng mấy vẻ vang gì là bao.
“Nhớ viết thêm vào đấy là ‘Chị Khanh rất vinh dự được nhớ tới và trân trọng dành tặng cho em một cú đấm vào mồm’!”
Nhiếp Mạch Khanh hô lên về phía đám học sinh đó rồi thong dong bước lên trên đoạn cầu thang về lớp của mình.
Chuông reo vào lớp đã bắt đầu từ mười lăm phút trước, bây giờ giáo viên đã lên hết trên lớp rồi.
Đã muộn rồi vậy thì cứ muộn như vậy đi, chẳng việc gì phải vội cả.
Ngày đó, khắp các lớp dọc trên hành lang, có mấy đứa ngồi ở bên cạnh cửa sổ đều ngó hết đầu nhìn ra bên ngoài, chiêm ngưỡng một màn catwalk thần thái của Nhiếp Mạch Khanh - một học sinh đội sổ toàn trường tiến dần đến lớp học của mình.
Cô đứng ở trước cửa lớp, nói.
“Cốc cốc!”
“Nhiếp Mạch Khanh, tại sao em lại đến muộn?” Cô giáo dạy văn ở bên trong chỉ đẩy gọng kính ở trước sống mũi lên, giọng nói nhẹ nhàng như đã quá quen với việc này rồi.
“Vì…”
“Vì một bà cụ cần sang đường, vì đuổi một tên cướp, vì giúp một đứa trẻ lấy lại một quả bóng trên cây?... Ngày hôm nay, một lí do mới của em là gì?”
Cô dạy văn nhướng mày nhìn Nhiếp Mạch Khanh. Biết là mình không thể tiếp tục bịa lí do được nữa, cô chỉ đành thành thật khai báo.
“Em đánh nhau với một tên trường khác.”
“Ồ…”
“Mà cô ơi! Thằng đó nó trốn học rồi vào quán net chơi, nó thiếu tiền rồi đúng lúc em đi ngang qua, thế là nó lao vào định cướp tiền của em. Em chỉ là tự vệ chính đáng thôi cô ơi!”
“Nó vào quán net lúc nhà trường đã vào học?”
Nhiếp Mạch Khanh gật đầu như gà mổ thóc: “Vâng!”
“Và lúc ấy em mới đang từ nhà đến trường?”
Nhiếp Mạch Khanh: “……”
Cô giáo văn gập lại cuốn sách giáo khoa cầm trên tay, mỉm cười với Nhiếp Mạch Khanh.
“Như bình thường. Em đứng ở bên ngoài hành lang hết hai tiết của tôi nhé?”
Thế là hai cẳng chân tội nghiệp của cô lại tiếp tục phải hứng chịu bị hành hạ trong suốt hai tiết văn dài lê thê như vô tận, chờ mãi cuối cùng cũng bò được vào trong lớp.
Nhưng vừa mới đặt mông xuống dưới ghế, cô đã nằm soài lên bàn mà đánh một giấc ngủ suốt tiết toán tiếp theo.
Thầy dạy toán vừa cầm sách giáo khoa đi về xuống dưới cuối lớp, miệng vừa đọc những công thức dạy toán. Khi đứng ở bên cạnh bàn học của một cô học sinh đang mơ mộng mà cười lên hì hì, thầy thẳng tay đập luôn gáy sách vào trán của cô.
Một phát tỉnh cả ngủ.
Phũ quá luôn.
…
“Mạch Khanh, ngày hôm nay cậu lại chọc giận bao nhiêu thầy cô vậy?”
Ở bên cạnh bờ sông ở ngoài rìa thị trấn, Phó Quan Thượng xé một miếng băng đô rồi dán lên chỗ trán đã nổi lên một khoảng đỏ của cô.
“Thượng Tử, tớ đói quá, cậu có mang gì ăn được không?” Nhiếp Mạch Khanh ngó lơ câu hỏi đó của anh, hai tay chăm chú lần mò ở hai bên túi quần đồng phục học sinh nam.
Phó Quan Thượng cầm lấy hai cổ tay cô giật phắt ra, đôi mắt phượng đẹp đẽ sáng trong nhìn lên khuôn mặt của Nhiếp Mạch Khanh.
“Có một gói bánh.”
“Tuyệt! Cho tớ xin…”
“Nhưng cậu phải trả lời câu hỏi của tớ.”
Nhiếp Mạch Khanh vừa mới tươi tắn chưa được bao lâu liền lập tức xịu mặt xuống.
“Có gì hay đâu mà hỏi vậy…”
“Lúc trước cậu đâu có thế này đâu? Tại sao hiện tại cậu lại thành ra như vậy? Bằng khen giải quán quân cuộc thi toán quốc gia của cậu hai năm trước tớ còn đang treo ở trong phòng.”
“Ý cậu là sao?”
“Mạch Khanh, cậu từng là một cô gái hiền lành…”
“Thôi thôi thôi… Tớ về nhà đây. Không thèm gói bánh đó của cậu nữa đâu.”
Thấy Nhiếp Mạch Khanh nhổm dậy từ trên bãi cỏ, Phó Quan Thượng cũng vội vàng đứng lên.
“Để tớ chở cậu. Tớ sẽ không hỏi gì nữa đâu. Mạch Khanh!”
Anh đỡ lấy chiếc xe đạp rồi gạt đi chân chống, lướt nó đến bên cạnh Nhiếp Mạch Khanh. Cô vì chạy mười vòng quanh sân thể dục vào ban sáng mà hiện tại cả hai chân đều nhức mỏi, ngồi lên yên sau xe anh.
Phó Quang Thượng đạp xe, hai vạt áo đồng phục phấp phới bay trong gió.
Cô và anh bằng tuổi nhau, không những thế còn trùng ngày sinh nữa cơ.
“Này, Thượng Tử.”
“Hứm?”
Nền trời đã nhá nhem sắp tối, mặt trời hiện giờ chỉ còn là những những đám khói đỏ ở phía cuối của tầm mắt. Tuy vậy, không khí nóng vẫn chẳng đỡ hơn được chút nào.
“Thực ra tớ cũng không muốn vậy đâu.”
“Hả?”
Tiếng gió thổi đã át đi một phần giọng nói của cô.
Nhiếp Mạch Khanh nâng giọng nói to hơn nữa.
“Tớ cũng muốn làm một cô gái bình thường, được bằng khen và được thầy cô quý trọng thay vì là những tiếng thở dài lắm chứ.”
“Vậy thì vì sao…?”
“Vì nếu tớ vẫn là tớ,” Đôi mắt màu ngọc long lanh của cô nhìn lên tấm lưng rộng lớn của Phó Quan Thượng, người bạn và cũng như là người thân duy nhất của cô: “Thì lũ người kia sẽ được hưởng lời mất.”
Chiếc xe đạp dừng lại ở đầu khúc rẽ, cách nhà của Nhiếp Mạch Khanh một khoảng.
Cô bước xuống khỏi xe, vẫy vẫy tay tạm biệt Phó Quan Thượng.
“Về đi! Không là lại bị thầy quản lí bắt đấy!”
“Không sao đâu! Tớ có thể trèo tường mà! Về nhà nhớ làm bài tập đấy!”
Nói rồi, Phó Quan Thượng đạp xe trên con đường nhỏ tí tẹo chỉ đủ để cho mấy xe máy chạy qua. Cũng phải thôi, đây là một thị trấn nhỏ bé nằm ở ngoài rìa và cách rất xa thành phố, nghèo nàn và lạc hậu, nhưng yên bình và rất dễ thở.
Ở trong thị trấn có một trường mẫu giáo, một trường tiểu học và hai trường trung học. Một trường trung học dành cho tất cả các học sinh theo học là của Nhiếp Mạch Khanh, còn ngôi trường còn lại dành cho nam sinh kia là của Phó Quan Thượng. Diện tích các trường đều nhỏ bé đến đáng thương vì cư dân ở quanh đây không nhiều.
Nhưng đặc biệt nhất trong số đó là ngôi trường nội trú mà Phó Quan Thượng đang theo học, đó là ngôi trường chỉ dành riêng cho những nam sinh mồ côi.
Ngôi trường ấy đồng ý chu cấp mọi khoản phí sinh hoạt từ ăn ở đến học hành cho học sinh, nhưng đổi lại, những ai học ở trong ngôi trường ấy khi tốt nghiệp phải ở lại để làm việc cho trường, cho thị trấn, không được rời đi.
Nhiều lúc ngồi đú đởn, nói chuyện với nhau ở bên cạnh bờ hồ sau thị trấn, Phó Quan Thượng nhìn về một phía của khoảng trời, nơi có một chiếc máy bay đi ngang qua.
Ở khoảng cách từ dưới đất nhìn lên, nhìn chiếc máy bay đó bé nhỏ chỉ bằng nửa của một đốt ngón tay.
“Tớ muốn bỏ học.”
Nhiếp Mạch Khanh lúc đó vẫn còn là một cô học sinh gương mẫu chuẩn con nhà người ta, nghe anh nói vậy thì đôi mắt thoáng qua tia hốt hoảng.
“Tớ cũng muốn rời khỏi cái thị trấn nhỏ bé bí bức này nữa.”
Nó đang kìm hãm chúng ta.
“Tớ cũng muốn được thử một lần được bay.”
Anh cười.
“Giống như loài chim vậy, có thể bay đi khắp thế giới, tự do tự tại. Không như chúng ta, đang tự sinh tự diệt ở bên trong cái lồng nhỏ bé là mảnh đất nơi này.”
Đó là những lời nói thật lòng của anh, nhưng anh cũng chỉ dám nói với một mình cô thôi.
Phó Quan Thượng là một đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, không có nơi nương tựa nên để có thể tiếp tục được sống, anh phải chấp nhận những điều khoản của nhà trường và học tập ở trong ấy, cũng tự vây hãm chính mình vào trong thị trấn này và không được đi bất cứ đâu.
Ngoài phải tuân thủ những nội quy nghiêm khắc, anh và hàng chục cậu trai khác phải luôn đạt được thành tích xuất sắc trong học tập, tham gia những buổi lao động để phát triển thị trấn.
Không có quá nhiều giờ nghỉ ngơi, mọi lúc rảnh rỗi, Phó Quan Thượng đều đạp xe ra ngoài trường để đi đến gặp cô.
Hướng Đường Nghi nhìn bóng lưng anh dần biến mất trên đoạn đường chập choạng ánh đèn, cánh tay đang vẫy vẫy dần hạ xuống.
“Tạm biệt…”
Giọng nói của cô nhỏ nhẹ bay đi trong gió. Nhiếp Mạch Khanh siết chặt lấy hai quai cặp sách, quay gót chân tiến vào bên trong một ngôi nhà hai tầng bình thường như bao ngôi nhà bình thường khác lác đác ở trong cái thị trấn này.
Lúc vặn nắm tay cầm để bước vào bên trong, bỗng cô để ý đến một hộp bưu phẩm được đặt ở trên bậu cửa.
Có một tấm giấy nhỏ được dán lên nơ của hộp quà đó, nó viết: “Tiểu Khanh năm nay lại lớn thêm và xinh đẹp thêm một chút. Chúc mừng sinh nhật con!”
Là quà gửi cho cô.
Nhiếp Mạch Khanh còn chưa kịp nhặt lấy món quà đó lên, đột ngột phi từ trong nhà ra một cậu nhóc mười tuổi, nó giành lấy hộp quà đó rồi reo lên.
“Mẹ ơi! Mẹ mua quà cho con có phải không?”
Thấy nó định bỏ đi, Nhiếp Mạch Khanh vội vàng túm lấy cổ áo nó giật lại.
“Đó không phải là quà của mày. Trả lại cho tao.”
“Nhiếp Mạch Khanh! Cô đang làm gì A Lĩnh thế hả?!”
Một người phụ nữ từ trong gian bếp phi ra, bà ta cầm lấy cổ tay cô giật ra khỏi cổ áo của thằng bé đó.
Nó vừa được tự do thì liền quay lại lè lưỡi chế giễu cô rồi cầm luôn hộp quà đó vào bên trong phòng ngủ của mình.
Một lúc sau, ở trong phòng vang lên tiếng hét chói tai của nó.
“Cái gì?! Sao lại là gấu bông?”
Nói rồi nó hậm hực đẩy cửa phòng bước ra, ném món đồ chơi ấy vào trong sọt rác.
Nhìn thấy một cảnh như vậy, Nhiếp Mạch Khanh không tự chủ được mà siết chặt nắm đấm tay, cơ thể tiến lên đằng trước nhưng đã bị người phụ nữ kia cản lại.
“Mày đang tính làm gì thế hả? Mày nên nhớ là mày chẳng là cái thá gì ở trong cái nhà này hết. Tao cho mày chỗ ăn chỗ ngủ là tốt lắm rồi, đừng để tao điên lên rồi đuổi mày ra khỏi nhà. Biết chưa?”
Nhiếp Mạch Khanh lạnh lùng nhìn người phụ nữ này - người mẹ nuôi của mình, khóe miệng nhếch lên cười khẩy một tiếng.
Miệng thì nói vậy nhưng bà ta mà có gan đuổi cô ra khỏi nhà sao?
Cái gia đình khốn nạn này chấp nhận nuôi dưỡng cô là bởi vì có một người nào đó nói sẽ chu cấp hai mươi nghìn tệ hàng tháng để chăm sóc cho cô. Nhưng thay vì dùng nó với đúng những gì mà chúng nói vâng bảo dạ, chúng lại đút túi cho riêng mình.
Một nguồn thu ổn định hàng tháng cao như thế, chúng nào dám đuổi cô đi?
Nhìn vào đôi mắt đen không thấy đáy của Nhiếp Mạch Khanh, bà mẹ nuôi kia bỗng dưng cảm thấy sống lưng mình lạnh buốt, cả người không rét mà run, trong vô thức lùi ra sau hai bước.
Nhiếp Mạch Khanh không đôi co lại với mẹ nuôi mà chỉ lách qua người của bà ta rồi bỏ đi lên trên tầng, bước vào trong phòng mình rồi đóng kín cửa lại.
Cô nhìn xung quanh căn phòng ngủ của cô, đơn điệu đến đáng thương.
Trong phòng không có giường nằm, chỉ có một cái đệm cứng trải ở trên nền đất. Một cái bàn gập, một kệ tủ nhỏ đựng sách vở và quần áo, tư trang. Ngoài ra chẳng còn gì nữa.
Nhiếp Mạch Khanh thả chiếc cặp sách đi học dựa vào một góc tường rồi mang tờ giấy nhỏ đó tiến đến chỗ kệ tủ, lấy ra từ trong ngăn kéo một chiếc hộp giấy đựng đầy những tờ giấy chúc mừng như vậy.
Khi bố của cô còn sống, luôn có những hộp quà như vậy được gửi đến cho cô. Cô lúc nào cũng vô cùng phấn khích và hạnh phúc khi nhận được những mảnh giấy nhỏ với những dòng chữ ngắn gọn như thế này, cảm thấy như mình vẫn còn người thân ở bên cạnh.
Nhưng vào hai năm trước, khi nhà tù báo tin về rằng ông ấy đã mất vì bệnh lao ở trong buồng giam, những món quà ấy vẫn đều đặn được gửi tới trước cửa dưới nhà. Năm mới, sinh nhật, lễ tết, giáng sinh, khai giảng… nó vẫn luôn đều đặn được gửi đến như vậy.
Không phải là của bố.
Bây giờ nhìn vào đống giấy viết với những lời nhắn đầy thân mật, cô lại cảm thấy vô cùng xa lạ, thậm trí là cảm thấy bài xích.
Không phải là bố cô gửi về, vậy thì người tặng quà cho cô là ai?
Là người đàn ông đang chu cấp tiền cho gia đình này sao?
Nhưng cô chẳng biết người đó là ai cả. Cô không có nhiều người quen, cũng không nhớ mình còn một người thân nào nữa.
Mấy năm qua ông ta cũng chưa từng một lần xuất hiện, chỉ chuyển tiền về hàng tháng mà thôi.
Ông ta là ai vậy? Và tại sao lại muốn bọn họ chăm sóc cho cô?
Đồng hồ báo thức im lìm nằm ở trên bàn, kim dài và kim ngắn nhích từng giây đều đều phát ra các tiếng tích tắc tích tắc.
Dần dần rồi đến đúng thời điểm, cả hai kim đều chỉ ở số giờ sáu giờ sáng.
Nhưng trước khi chuông trong nó kịp reo lên, Nhiếp Mạch Khanh đã mở trừng mắt bật dậy từ trên đệm ngủ, dập tắt cái đồng hồ ấy rồi lại nằm lăn vào trong chăn ngủ thêm mười lăm phút nữa, sau đó mới ngái ngủ mà bò dậy đi vệ sinh cá nhân rồi xuống dưới nhà ăn sáng.
Phần ăn sáng ngày hôm nay của cô không khác với ngày hôm qua và những ngày trước đó là bao, đều là một đĩa bánh mì gối không kèm theo bất cứ đồ dùng thêm nào cả và một cốc sữa bò chán ngắt uống chẳng đã bụng.
Nhiếp Mạch Khanh không nuốt trôi được bữa sáng kiểu này tí nào bèn gói mấy cái bánh vào trong một cái bọc, trên đường đi đem cho lũ vịt bơi ở ngoài sông.
Hôm nay cô nhận ra ở trong gian nhà này có một điểm khác biệt. Thằng bé A Lĩnh kia vậy mà ngày nay lại dậy sớm rồi ngoan ngoãn ngồi ăn cháo ở trên bàn, không quấy khóc hay hét lên om sòm ở trong nhà.
Tuy thấy lạ nhưng cô rất thoải mái với sự bất thường đó, đeo cặp sách lên vai để đi đến trường học.
“… Hửm?”
Hai tay cô lục tìm ở trong túi áo khoác nhưng không thấy cà vạt ở đâu cả. Nhiếp Mạch Khanh đờ đẫn trong giây lát rồi gáp gáp tháo cặp sách của mình xuống rồi tìm ở bên trong. Cũng không có!
Đang hoảng hốt, đột ngột khi cô ngẩng đầu lên, đập vào trong mắt cô là thằng lỏi con kia nó đang lấy chính cái cà vạt của cô để lau miệng.
“Thằng nhóc chết tiệt này?!”
Nhiếp Mạch Khanh đập mạnh tay lên bàn ăn rồi giật phắt lấy cà vạt của mình từ tay của nó nhưng đã quá muộn mất rồi, một mảng lớn trên cà vạt đã nhem nhuốc thức ăn.
Cô gáp gáp đưa nó xuống dưới vòi xả nước bồn rửa bát nhưng có kì đến cỡ nào cũng không thể xóa đi được vệt thức ăn bẩn ấy.
“Mày lại đang làm gì A Lĩnh đấy hả, con mất dạy kia?! Tao chỉ ném hết đồ đạc của mày ra ngoài đường bây giờ! Có một đứa con như mày ở trong nhà, thảo nào bố mẹ mày đều chết hết không còn một mống!”
Người mẹ nuôi kia ở gần đó vội vã chạy lại ôm lấy đứa con của mình, khuôn mặt dữ tợn hếch lên mắng mỏ cô.
Nhưng hôm nay Nhiếp Mạch Khanh lại không nhẫn nhịn mà lờ đi như trước nữa, dường như là đã đến điểm tận cùng của sự chịu đựng, cô đã đối thẳng vào mặt của bà ta mà hét lớn.
“Vậy thì cứ đuổi tôi đi! Để xem bà còn nhận được bao nhiêu tiền!”
“Mày…!”
Chưa để cho bà ta lắp bắp kịp nói tiếng, Nhiếp Mạch Khanh đã thẳng tay ném chiếc cà vạt không thể nào giặt sạch được nữa vào trong sọt rác gần đấy rồi dứt khoát bước ra khỏi căn nhà rồi đóng rầm cửa lại.
Đi ở trên đường cũng có mấy học sinh đang lục ục chuẩn bị đến trường, những tốp học sinh đang tíu tít rôm rả cũng bất chợt nín im thin thít khi nhìn thấy Nhiếp Mạch Khanh đi ngang qua chỗ đứng của bọn họ.
Sắc mặt của Nhiếp Mạch Khanh hôm nay cực kì tệ, cứ như chỉ cần có kẻ nào đó không biết điều mà động chạm đến cô liền bị cô rút dao ra đâm chết vậy. Tất cả đều không cần nói cũng đều tự ngầm hiểu ý nhau, nhường hết đường cho cô đi.
Đến cả học sinh hống hách nhất trường nhìn thấy cô cũng phải né nhanh sang bên khác.
“Bạn học Nhiếp, em đứng lại đó.”
Vừa mới đặt chân dẫm lên lớp đất đá ở đằng sau cổng trường, thầy giám thị đã một tay kẹp thước, một tay cầm sổ theo dõi bước chân tiến tới gần cô.
“Cà vạt đâu?”
Nhiếp Mạch Khanh mỉm cười nhưng nụ cười ấy không còn vẻ chớt nhả như thường ngày nữa.
“Em giặt rồi treo nó ở trên ban công, không may bị gió thổi bay mất rồi rơi xuống dưới đất, bị một con chó cắn đến rách mất luôn rồi…”
“Lí do ngày hôm nay nghe có lí phết đấy. Năm vòng chạy không thừa không bớt.”
“Thầy à! Thầy xem xem ngày hôm nay em đã không còn đi học muộn nữa, học sinh thầy đã có tiến bộ rồi. Nên là, thầy bớt cho em xuống còn có hai vòng đi.”
Thầy giám thị nhìn vào đôi mắt nài nỉ của cô, cũng mủi lòng xót xa.
“Bốn vòng rưỡi, không thiếu.”
“…..”
“Tặng thêm một chai nước lạnh.”
Chuông vào tiết reo lên, ngay khi thầy giáo dạy ngoại ngữ cầm theo một bình nước giữ nhiệt và cặp đựng đồ dùng dạy học vừa mới chỉ bước lên bục giảng, từ bên ngoài hành lang đã phi vào một cái bóng đen.
“May quá! Kịp giờ rồi!”
Nhiếp Mạch Khanh vì chạy quanh sân trường quá nhiều, nhiều đến nỗi ở môn thể thao chạy bền một trăm mét không ai địch lại được cô đã hoàn thành bốn vòng rưỡi quanh sân vừa xuýt xoát giờ lên lớp.
Nhưng vẫn chậm vài giây.
“…” Thầy dạy ngoại ngữ mặt không biến sắc nhìn cô: “Đứng ra ngoài cửa lớp.”
“… Vâng ạ.”
Nhiếp Mạch Khanh đáng thương lê chân ra ngoài cửa lớp, nhưng cô còn chưa kịp đứng ra ngoài hành lang thì cô giáo chủ nhiệm lớp đã đứng ngay ở trước cửa, biểu cảm cọc cằn, đôi mắt hằn đỏ nhìn chằm chằm vào cô cứ như muốn băm vằm cô ra thành trăm mảnh nhỏ.
“Nhiếp Mạch Khanh, em lên ngay phòng giáo viên cho tôi!”
Cả lớp học ở đằng sau dù có những người đang chăm chú nhìn lên bảng hay làm việc riêng đều đồng loạt nhìn hết về phía cửa lớp đầy ngơ ngác.
Nhiếp Mạch Khanh nhìn khuôn mặt của cô giáo đã phừng phừng đỏ đến muốn nổi một trận tanh bành, nhờ một bạn đầu tổ giữ hộ cặp cho mình rồi đi theo sau người giáo viên chủ nhiệm đó bước lên phòng giáo viên.
Ở bên trong văn phòng làm việc ngày hôm nay lại đông đúc tới lạ thường, ngoài hai người là cô và giáo viên chủ nhiệm mới tới ra thì còn có cả một gia đình ba người, thầy hiệu trưởng, thầy giám thị, một cậu bạn học sinh lớp khác và bố nuôi của cô đang chờ sẵn.
“Quau! Sao đông đúc thế?” Nhìn vào bên trong mà Nhiếp Mạch Khanh muốn thốt lên như vậy luôn.
Toàn những gương mặt cô biết tới, cũng toàn là những gương mặt khiến cho mắt cô cay rát mỗi khi nhìn phải.
Đặc biệt là thằng nam sinh đang ngồi ở bên cạnh bố mẹ mình kia. Nó tên là La Hổ, là học sinh giỏi nhất trường, mới đầu tuần đã bị cô đập đến te tua, hiện đang băng bó khắp người.
“Nhiếp Mạch Khanh. Em mau xin lỗi trò La Hổ mau lên!”
Nhiếp Mạch Khanh nhướng mày nhìn giáo viên chủ nhiệm lớp của mình.
“Tại sao em phải xin lỗi bạn ấy? Em có làm gì sai đâu?”
“Mày còn nói sao?! Mày đánh con tao đến bầm dập mặt mũi như thế này mà còn chối bỏ được hả?! Này, bạn học, có phải như vậy không?!”
Không cần giáo viên lên tiếng, mẹ của tên La Hổ đã hét lên trước rồi.
Vừa nói bà ta vừa quay phắt sang nhìn một cậu học sinh khác đang rúm ró đứng cạnh đó. Cậu ta nói là mình đã tận mắt nhìn thấy Nhiếp Mạch Khanh lôi cổ La Hổ ra đằng sau sân trường, vừa được nêu danh thì hớt hải vội gật gật đầu, sau đó run sợ mà không dám nhìn thẳng vào mắt của Nhiếp Mạch Khanh.
Cả căn phòng, cả chục ánh mắt đều nhìn chằm chằm vào cô, nhìn cô đến phát ngứa.
“Mọi người đều bảo là em đánh bạn ấy, nhưng có ai hỏi rằng kẻ nào mới là người gây chuyện trước không?” Ánh mắt của Nhiếp Mạch Khanh u ám đến lạnh tanh: “Em không phải là một người tự dưng lại đi đánh người khác đâu. Người nào đầu têu người đấy biết, nhể, bạn La Hổ?”
La Hổ cứ tưởng có nhiều người vây quanh bênh vực thì Nhiếp Mạch Khanh sẽ không dám manh động, nhưng cứ mỗi khi đối diện trước mặt cô là cậu ta lại cảm thấy ớn lạnh đến gai người, sợ sệt đến mức cả người run lẩy bẩy.
Download MangaToon APP on App Store and Google Play