Tiếng Việt
NovelToon NovelToon

Khâm Liệm Tử Thi

Phía Sau Nhà Xác.

" Một đồng, hai đồng, ba đồng ".

Trong tiết trời mát mẻ, giữa buổi chiều mùa thu man mác. Thỉnh thoảng từ đâu đó có cơn gió nhẹ lùa qua, làm cây hồng già trơ trụi trước cửa căn nhà nhỏ, rung rinh lên mấy hồi. 

Sau mấy đợt gió lạnh lùng lùa qua như thế, cây hồng già cũng đành buông xuôi, mà lìa xa chiếc lá vàng vọt cuối cùng.

Chiếc lá rơi xuống, làm trơ ra khung cảnh tiêu điều, hoang vu, trước khoảng sân lát gạch, đã ngả một màu rêu phong, cũ kỹ.

Phía bên kia, cách độ trăm mét. 

Dưới ánh mắt của mấy con quạ đen đang rỉa lông, rỉa cánh trên chóp mái nhà xác, hằn lên bóng dáng của thằng ôn Cồ. Đang vắt vẻo trên cái ghế tựa, kê ở trước cửa gian nhà.

Một chân nó gác lên cái bàn gỗ ọp ẹp, một chân đặt dưới đất mà rung lên từng hồi. Mồm thì không ngừng lầm rầm đếm đếm nắm tiền lẻ trong tay. Thỉnh thoảng nó lại dừng lại, đưa một tay lên, hẩy hẩy cục cứt mũi, rồi cười lên từng tràng dài khoái trí. 

Phía bên cạnh, trên cái bàn bàn gỗ cũ kĩ, chẳng kém phần ngả nghiêng. Điếu thuốc lá hiệu Sa Pa, đặt trên cái gạt tàn làm bằng ống bơ hoen rỉ, đang không ngừng tỏa ra những làn khói trắng ngào ngạt, lơ lửng hòa quyện vào khoảng không gian, đặc quánh những mùi tử khí.

Ngay lúc này, từ đầu phía đầu bên kia của nhà xác, bóng dáng ông Độ thấp thoáng tiến đến. Lượt qua chỗ thằng Cồ, ngó thấy nó đang ngồi vắt vẻo trên cái ghế tựa, không thuận mắt, ông liền dừng lại nhìn nó mà nạt nộ :

-Mẹ cái thằng ranh này, mày làm cái trò gì thế. Có khôn hồn, ngồi lại ngay ngắn cho đàng hoàng tử tế không thì bảo. Tao nói cho mày biết, cái ghế đấy tao dùng cả chục năm nay rồi, mà nó vẫn còn tốt đấy. Mày ngồi thế nó mà gãy ra, thì tao bảo mày... Hừ ...suốt ngày chỉ có biết ngồi chổng dái ra thôi, không làm được cái trò chống mẹ gì cả.

Thằng Cồ thấy tiếng ông Độ, như sấm quát lên ầm ầm phía sau, thì giật mình cái thót. Nó nghển đầu dậy, nhòm nhòm ra, thoáng thấy bóng ông thầy đang tiến đến gần hơn, nét mặt lại chẳng có mấy phần dễ chịu, thì vội vàng giấu nắm tiền vào trong vạt áo. Buông xuôi hai chân xuống đất, ngồi ngay ngắn, mặt làm bộ nghiêm túc, cười cười nói.

-Ấy ấy ! Thế thầy con, nay không sang bệnh viện hay sao, mà đã về sớm thế.

Chưa để Cồ kịp tiếp tục ba hoa, ông Độ đã lại tiếp.

-Sang...sang... cái tiên sư nhà mày.

Thoáng thấy nét mặt ông thầy hơi cau có, bực bội. Biết có chuyện chẳng lành, thằng Cồ bằng cái giọng xảo trá, nó vội đánh trống lảng qua chuyện khác, nhằm tìm cách thoát thân.

-Hề hề... thầy thấy đấy. Con nào có ăn không ngồi rồi, con đang kiểm tra kim quỹ đây này ! À, mà sao con thấy dạo này, tiền cúng lễ nhang đèn, bên bệnh viện cấp cho ít quá. Hề… hề…có khi còn không đủ tiền mua vàng hương đâu ấy chứ!

Ông Độ vẫn chẳng thèm đếm xỉa đến thái độ nhờn nhờn của thằng Cồ, giữ nguyên cái nét mặt lạnh tạnh, nhìn y như cái cục sắt, mà lướt qua chỗ thằng ôn này. Vừa đi ông vừa lẩm bẩm, tuy nhiên giọng điệu đã có phần trầm xuống.

-Tiền với chả nong, đừng có mà quá xem trọng, mau lo mà học hành, làm việc cho đàng hoàng, tử tế đi. Còn tiền cúng dường tháng này mà thiếu, thì cắt tiền lương của mày ra mà mua, có thế thôi mà cũng phải nói với tao à.

Nói rồi ông đi thẳng vào trong buồng, bỏ mặc thằng Cồ ngồi đó ngẩn ngơ mãi. Lúc này, mặt nó đã chảy ra như cái bị, nó bĩu môi dè bỉu, khi nghe thấy ông thầy nói đến việc, sẽ cắt giảm tiền lương của nó, để mà mua vàng hương, nhang đèn.

Nghĩ thế nó liền xùy xùy tay, mà chăm chăm nhìn theo bóng ông thầy, đang khuất dần sau cánh cửa buồng tối tăm, trong lòng không khỏi nặng trĩu những lo toan.

Mấy hôm nay ở cái nhà xác này, cũng không có việc gì nhiều, cho nên thầy trò nhà nó cũng rảnh rang, mà có thời gian đi ra đi vào. 

Nhưng thật tình mà nói, thì nó cũng chẳng phải là ăn không ngồi rồi. Thật ra thì, mấy tháng làm việc với ông thầy Độ ở cái nhà xác này, nó cũng học được không ít bản lĩnh, nếu không muốn nói là giờ đây đã có thể tàm tạm, mà tự hành nghề được rồi.

Có điều là ngày nào cũng gặp mặt mấy cái xác khô thế này, thì quả thật là nó cũng có phần, phát chán ngấy.

Thế nên những ngày nào đẹp trời như hôm nay, lại không có cái xác nào được đem đến, là nó mừng như mở cờ trong bụng. Nó dùng suy nghĩ đơn giản của một đứa trẻ, mà nghĩ rằng đấy là phúc, hôm nào không có cái xác nào đến, thì ngày hôm đấy là ngày phúc khí tràn đầy, mọi sự bình an.

Thế nhưng, nghĩ là nghĩ như thế. Chứ thật ra, không làm việc này, thì làm việc khác, vốn ở cái xó này chẳng thiếu việc cho nó làm.

Chẳng qua hôm nay, đúng là nó cũng đang mệt mỏi mà làm biếng thật, lại vừa hay nhắm trúng ngày xấu, khí trời lại chẳng xuôi, mà các ông các cụ, các anh các chú, thì lại chẳng ai chịu chết vào cái ngày xấu cả.

Thế nên nó mới có thời gian ngồi đây mà thơ thẩn, phán xét chuyện đời, mà làm mấy cái trò vớ va, vớ vẩn để rồi bị ông Độ la mắng cho một trận, rồi lại còn nghe ông doạ sẽ cắt giảm tiền lương, để đem đi mua nhang đèn, vàng mã nữa.

Nghĩ đến đây, Cồ cũng đến não hết cả lòng, xót xa cho thay cho cái mớ tiền lẻ, đang lộm nhộm trên tay.

Nghề Khâm Liệm.

Nó thở dài thườn thượt, đoạn lại đưa một tay, với lấy điếu thuốc nhăn nhúm, đã cháy độ phân nửa trên bàn, mà đưa thẳng vào mồm nhấm nháp mấy hơi đến đỏ lửa.

Hơi thuốc vào người, làm nó phần nào thoải mái hơn, cứ thế nó lại trầm ngâm suy nghĩ.

Kể ra thì nó ở với ông Độ này. Tuy là có hay cáu gắt như vậy, nhưng thật ra cũng có nhiều cái hay lắm chứ. Chí ít thì cũng còn có người bầu bạn nói chuyện hàng ngày. Chứ không, cứ ru rú ở cái xó này một mình, thân cô thế cô côi cút sớm hôm, không sớm thì muộn có ngày nó cũng đến phát tự kỷ mất. 

Nghĩ vậy Cồ cười lên khành khạch vì biết trong cái xã hội thiệt hơn này, thì ra vẫn còn có người quan tâm đến nó. Lại vừa hay cho nó cái chỗ ăn chỗ ở, có cái công, có cái việc mà kiếm đồng ra đồng vào.

Chứ không lang bạt bên ngoài, với cái lý lịch vào tù ra tôi của nó, thì giờ này chẳng có nước mà chết đói ngoài bờ ngoài bụi rồi, chứ cũng chẳng đùa. 

Đến đây, Cồ lại vui vẻ thêm mấy phần, nó ngồi đó mà rung chân rung đùi, đưa ánh mắt ngắm nhìn quang cảnh tiêu điều phía trước mà cười khành khạch, như thể trong mắt nó bây giờ, cây thị già đã trơ hết lá cũng có thể đâm chồi, bật hoa ngay lập tức vậy.

Vào đây làm việc với ông thầy Độ cũng đã lâu. Mới đầu thì còn bỡ ngỡ, cảm thấy nơi này có chút kì dị thật đấy. Tuy vậy mà ở lâu, nó mới phát hiện và hiểu thêm về cái nghề này thật sự cũng có khá nhiều điều thú vị.

Với lại ông Độ trước đây đã chẳng nói là nó có duyên, bắt buộc phải theo cái nghề này hay sao ?

Cho nên mấy tháng rồi, dù cũng có lúc thở chẳng ra hơi, có lúc lại rảnh rỗi chảy thây ra, nhưng nó cũng chẳng than vãn nửa lời. Ngày ngày vẫn trung thành với công việc chăm nom mấy cái xác chết trong nhà xác, rồi lại quanh quẩn trang điểm cho mấy cái xác đó. Công việc lặp đi lặp lại cũng gọi là qua ngày qua tháng.

Bình thường, ngoài việc chính là trông coi cái nhà xác, lương lậu cũng chẳng được bao nhiêu. Thì còn có một số việc kiếm thêm thu nhập khác, ví dụ như cái việc chuyển xác, hay thậm chí là cái món nghề trang điểm xác chết, mà nó vẫn thường hay làm. 

Thế nhưng chưa hết. Nó biết, đấy mới chỉ là một trong những thứ nghề, được mệnh danh là nghề hầu còi âm. Hay nói toẹt ra cho dễ hiểu hơn, chính là phục vụ người chết, ăn lộc ăn lá của người chết. Mà cái nó muốn nhắc đến ở đây, chẳng kém phần rùng rợn, chính là nghề.

"Khâm Liệm Tử Thi".

Khâm Liệm Tử Thi, nghe qua thì có vẻ màu mè hoa lá hẹ. Nhưng thật ra thì cũng chẳng khác gì nghề trang điểm tử thi là mấy. Nói cách khác thì chính là một bước làm màu làm mè, tắm rửa sửa soạn, trước khi an táng cho người đã khuất, đưa phần xác về với đất mẹ. 

Và dĩ nhiên do đặc thù công việc như vậy, lên cũng chẳng có thời gian cụ thể, quy định rõ ràng. Lại càng chẳng tuân theo đạo lý luân thường nào.

Thường thì cứ có ai chết lúc nào là làm lúc đấy, ai nhờ lúc nào thì giúp lúc đấy.

Tuy nói là nói chung như thế, chứ ở đây, thì không phải là ngày nào cũng có mấy việc ấy để làm. Bởi lẽ những người mà được an táng tại nghĩa trang riêng của bệnh viện. Phần lớn đều là những cái xác vô chủ, chẳng có người thân, chết lang bạt đầu đường xó chợ. Cho nên bắt buộc mới phải bắt buộc đem đến đây mà an táng tập chung. Mà địa điểm thì chẳng đâu xa lạ, lại chính là ngay tại cái nghĩa địa đằng xa xa kia. 

Tuy nhiên cũng không hẳn là không có ngoại lệ. Vì ngoài những cái xác vô chủ, không có người nhà thân thích đến nhận. Thì thi thoảng cũng có một số gia đình, không mấy khá giả, lại có địa chỉ cư trú gần đây, hoặc vì một vài lý do nào đó. Mà khi chẳng may có người thân vắn số, qua đời thì cũng đều tìm đến, mà thuê luôn chọn gói. Từ trang điểm xác, họa di ảnh, tắm rửa mai táng ở cái phần khuôn viên nghĩa địa, để rồi thỉnh thoảng ghé qua mà thăm viếng, cúng bái nhang đèn.

Đã thế, lại gặp luôn được ông thầy Độ, làm việc rất có tâm. Mỗi lần như thế đều giúp họ xem tướng đọc mạch vị, mà chọn đất chọn hướng. Rồi lại bỏ công bỏ sức, canh chừng chăm nom hương hoả, quản lý, bảo vệ mộ phần người thân giúp. Cho nên nhiều người cũng ưng ý, mà giao trọn cái phần trách nhiệm cho ổng.

Chẳng vì thế mà thầy trò nhà nó cũng kiếm được chút tiền chè thuốc, bánh trái hàng ngày.

Tuy nhiên, đấy là việc của ông thầy Độ nên nó cũng chẳng để ý mấy. Vì riêng phần nó, thường thì nó vẫn chỉ làm công việc quen thuộc là trang điểm, với giữ nhà xác thôi, phần còn lại đều là ông thầy Độ, ổng một tay lo liệu. 

Với lại, nó là cũng chỉ nghe loáng thoáng ông Độ kể lại sau mỗi lần như thế. Nên biết được một chút, chứ cũng chưa một lần đích mục sở thị, ra tay mà thử sức bao giờ.

Nhưng nó cũng đành mặc kệ, chẳng muốn tò mò nhiều cho mệt xác. Nghĩ thế, nó tặc lưỡi mấy cái, rồi liền đứng dậy ôm theo cái hộp thiếc đựng tiền, đi thẳng về buồng của mình.

Lão Già Bảo Vệ.

Cất kỹ cái hộp thiếc đựng tiền vào cái hộc bàn. Cồ liền leo tót lên giường, nằm ngửa bụng mà dạng chân dạng tay ra, định bụng đánh một giấc đến chiều. Sau đó chỉ việc dậy đi ăn cơm, thế là hết ngày một ngày làm việc dài đằng đẵng.

Thế nhưng ngay lúc này...

"CỘC...CỘC…."

Chẳng biết hôm nay nó đã gặp vận tốt hay vận xấu. Mà trùng hợp thế nào, ngay lúc vừa đặt lưng xuống giường, nhắm mặt thiu thiu vào giấc, thì lại có tiếng gõ cửa cành cạch vang lên, làm nó choàng tỉnh. Ngay sau đó, nó nghe thấy cái giọng nói ngọng líu ngọng lô, quen thuộc của lão Tam già bảo vệ, hắt vào từ cái lỗ ở cái cánh cửa bên ngoài.

-Ehemmm. Thầy Lươn Thanh Độ, có trong đó không ấy nhỉ ?

Chõ mồm vào cái lỗ trên cánh cửa gỗ hỏi mấy câu lấy lệ. Thế rồi như đã quen tay, lão liền tự tiện như ruồi, thò một tay qua cái lỗ ở cái cánh cửa gỗ. Mà sờ soạng vào bên trong tìm cái then cài, lạch cạch mở cửa ra, rồi thò đầu nhòm vào.

Từ bên trong gian buồng của ông Độ, tiếng ngáy đều đều cũng vì thế mà ngắt quãng, ngay sau đó là tiếng kèn kẹt rít lên từ cái giường cũ, bên buồng của ông Độ.

Có lẽ ông cũng đã tỉnh giấc, và đoán ra ngay là giọng lão già bảo vệ. Thế nhưng, vốn đã không ưa lão này từ lâu, lại nhân lúc bị phá hỏng giấc ngủ, thì liền gắt lên, rồi quay ra mà đá đểu, xỏ xiên lão Tam mấy câu.

-Đéo mẹ, tiên sư...thằng chết dẫm nào đấy ? Không có mắt hay sao mà còn hỏi, hay bị đui ?

Bên ngoài lão Tam thấy tiếng ông Độ, sắc mặt thoáng chút không vừa lòng. Và tất nhiên lão cũng chẳng chịu thua liền đáp lại, giọng lão vẫn ngọng líu ngọng lô, nghe thôi đã đến phát sôi cả máu.

-Tôi Tam bảo vệ đẹp trai và lịch lãm đây, hề hề. Sợ lão bị cái xì lỏn che mắt, lên tôi mới hỏi vậy, để lão có bị mù không nhìn thấy tôi, thì cũng nghe thấy mà biết đường trả lời...hề hề hề…cũng may lão bị mù chứ không có bị điếc.

Ông Độ từ trong buồng, nghe có đứa vừa rủa mình, thì tức lắm. Ngay sau đó liền tụt ra khỏi giường, mắt nhắm mắt mở mà xồng xộc, mở cửa buồng bước ra. 

Một tay ông chống nạnh, một tay vịn vào cái bản lề, mặt vênh lên một góc 90°, hất hàm.

-Thế làm sao, thế làm sao...ăn no rửng mỡ hay làm sao…!...mỡ đấy ...vào mà húp. Giữa trưa giữa hôm...không ngủ, rảnh quá muốn kiếm chuyện à ?

Đang bận công chuyện, lão Tam dù cũng cay cú không kém phần, nhưng cũng chẳng muốn dây với cái lão, già rồi mà không lên nết này làm gì cho mất thêm thời gian. Lão đành nuốt cục tức, rồi bằng cái giọng nửa phần muốn giải hòa, nửa phần cay cú, bực bội. Lão ấp úng nói hắt vào mấy câu cho xong chuyện.

-Hề hề hề. Hôm nay anh mày không có rảnh, hẹn tình yêu của anh hôm khác nhớ… Còn bây giờ ...mau mà ra đón khách cho tôi nhờ, ngoài kia có mấy người muốn gặp lão đấy. Nhìn đâu có vẻ gấp gáp lắm, lão ra luôn, ra luôn đấy nhá. 

Lão Tam bảo vệ nói gấp gáp mấy câu, nhưng vẫn không quên nhắc ông Độ ra ngay. Bởi hơn ai hết, lão biết thừa cái tính lão Độ này vốn lề mề, cứ mỗi lần mà gọi lão, hay ai có việc mà muốn gặp lão, là cứ phải đợi đến cả tiếng sau mới thấy lão thò mặt ra. 

Mà cứ mỗi lần như thế, lão Tam lại phải tiếp khách hộ, rồi lại tốn cả chè cả thuốc. Xong lại mất thêm cả thời gian, công sức mà chả được cái chó gì.

Thế lên mỗi lần có ai tìm gặp ông Độ, là lão già này có vẻ bực bội, khó chịu lắm. Cứ thế, lão nói hắt vào mấy câu, cũng chẳng thèm quan tâm ông Độ có nghe rõ không. Đã liền quay người bỏ đi, bỏ lại ông Độ đứng đó, vẫn còn bực bội vì ngủ chưa đã giấc.

Sau đó, chẳng biết hà cớ làm sao, mà khi bóng lão Tam lấp ló, khuất dần sau dãy hành lang. Ông Độ lại quay ra, mà trút giận vào cái cánh cửa, khiến nó đánh cái rầm một cái, làm thằng Cồ đang vểnh tai hóng chuyện cũng phải giật mình cái thót.

Ngay sau đó, ông cũng chẳng đứng đó lâu. Một chốc, thì ông Độ cũng vội vàng chỉnh lại cái vạt áo, rồi lóc cóc đi theo lão Tam, ra hướng cổng bệnh viện mà đón khách.

Download MangaToon APP on App Store and Google Play

novel PDF download
NovelToon
Step Into A Different WORLD!
Download MangaToon APP on App Store and Google Play