Phương Nhi hấp tấp lao vào quán, vấp phải chân anh ngã nhào, gần như ngồi hẳn vào lòng anh. Sượng chín người, cô lắp bắp:
- Sorry, I'm so sorry!
Dùng cả 2 tay đỡ cô, John hỏi bằng thứ tiếng Việt lơ lớ với giọng trầm ấm:
- Em không sao chứ?
Phương Nhi ngẩn mặt nhìn anh. Người ta vẫn bảo: "Con trai yêu bằng mắt, con gái yêu bằng tai" tai ở đây có nghĩa là con gái thích nghe tán tỉnh, nghe mấy lời đường mật nhưng với cô tai là tai thật, nghe cái chất giọng này có ai mà không chết kia chứ. Rồi chợt giật mình, cô vụt đứng lên nói lí nhí:
- Không sao ạ!
Vội vàng quay sang bàn bên cạnh nơi đám bạn của mình ngồi chứng kiến từ đầu đến cuối đang cười ngặt nghẽo, Phương Nhi đưa chìa khóa cho An, áy náy bảo:
- Tao xin lỗi, đã muộn quá chưa, tại đường tắc ghê quá. Chìa khóa này, xe tao đậu ngay ngoài, 2 vé xem phim đây, mày đi mau đi!
Sau vụ vừa rồi cô cũng muốn bỏ chạy ra khỏi quán nhưng lại sợ đám bạn phải gió lỡ đâu chúng nó nói xấu gì mình thì sao, nói xấu cô ngay trước mặt anh. Mà kì quặc thật, sao cô phải ngại với anh, 1 người xa lạ nhỉ, thật là vô lý.
1 đứa bạn đẩy cho Phương Nhi ly nước:
- Chị! Chị định quay lại với anh An à?
Trong cái đám bạn hỗn hợp này có nhiều đứa thua tuổi cô nên hiển nhiên phải gọi cô là chị. Phương Nhi trợn mắt:
- Đùa kiểu gì vậy mày, tuần sau nó cưới vợ rồi mà vợ nó là bạn thân của tao đấy!
1 thằng khác phụ họa:
- Đúng chuyện tình tay 3 của bọn chị là huyền thoại từ xưa rồi. Nhưng giao cả xe ô tô cho anh An như thế chị không sợ anh ấy mang xe đi bán à?
- Đố nó dám! Nó chỉ cần làm mẻ 1 miếng kính xe của tao thôi, tao đến mách bố mẹ nó ngay!
"Thú vị ghê!" Ngồi ở bàn bên anh dỏng tai nghe ngóng, vốn tiếng Việt vận dụng ra hết, tập trung cao độ, cố không để sót 1 từ nào.
Đúng, An là người yêu cũ của cô, là mối tình đầu của Phương Nhi. Cả nhà An đều biết cô, cô đến nhà cậu ta chơi không biết bao nhiêu lần. Buồn cười là ở chỗ yêu nhau nhưng Phương Nhi vẫn xưng mày tao trong khi An lúc nào cũng anh em ngọt xớt.
Cái thuở 13 14 bảo yêu nhưng cũng chỉ là nắm tay, ôm hôn nhẹ nhẹ chút thôi. Thời xa xưa ấy khác bây giờ, trẻ con lớp 8 đi phá thai ầm ầm.
Lên phổ thông trung học thì Phương Nhi chia tay An. Dù còn tình cảm với cô nhưng An không níu kéo. 2 người vẫn học chung trường nhưng khác lớp và An quen với bạn gái người sắp thành vợ của cậu ta từ dạo đấy.
Cô thấy 2 đứa này thật dở hơi, yêu nhau đến mười mấy năm, chả quen ai khác, chẳng chia tay lần nào vậy mà không cưới quách đi, chờ đến tận gần 30. Hỏi An thì nó bảo nó phải có nhà riêng rồi mới cưới.
Đấy có phải là tiêu chuẩn "thành đạt tuổi 30" không, có nhà riêng, có xe riêng? À, mới có nhà thôi, chưa có xe, xe vẫn phải mượn của cô.
Suốt thời phổ thông An không đi xe. Tới khi vào đại học thì An học ở trường mà bố mẹ cậu ta đều là giảng viên, nhà được phân ngay trong trường. Vậy là cũng không cần đến xe lắm. Chỉ khi nào đi chơi với người yêu thì mượn xe ai đó, Phương Nhi chẳng hạn, quá đơn giản.
Quan hệ giữa cô, An và Thanh người yêu của cậu ta có đôi chút bất thường. Thanh là bạn thân của cô. Thời phổ thông học trò thích kết nghĩa với nhau. Thanh gọi Phương Nhi là chị mặc dù 2 người bằng tuổi mà tính tháng Thanh còn sinh trước cô. Bởi vậy bạn bè vẫn đùa rằng An có 2 bà vợ.
Mọi chuyện giữa An và Thanh cô đều biết hết. Buổi lễ tỏ tình hay cầu hôn đầy lãng mạn An dành cho Thanh do cô tổ chức. Quà tặng Thanh nhân dịp này dịp nọ là cô tư vấn để An mua. Ngay cả việc chọn váy cưới Thanh cũng đi cùng cô không phải đi với mẹ hay chị. Nghe thì có hơi quái lạ nhưng nói thật Phương Nhi thấy khá dễ chịu với mối quan hệ này.
Nấn ná chờ đến khi cô về John mới bước ra theo rồi đi lên chặn trước mặt cô:
- Để anh đưa em về, dù sao thì em cũng không có xe mà!
Phương Nhi hơi hốt hoảng, vẻ bối rối hiện rõ trên khuôn mặt. Tuy nhiên chẳng hiểu vì sao cô lại gật đầu. Lũ bạn của cô thì cứ xì xầm to nhỏ nửa muốn nửa không để Phương Nhi về cùng anh. Ngần ngừ 1 hồi rồi 1 đứa nói to cố ý cho anh nghe thấy:
- Chị về cẩn thận, về đến nhà nhớ gọi điện báo với em!
- Sợ không? - Anh hỏi cô.
Phương Nhi gật đầu sau đó lại lắc nhè nhẹ làm John bật cười. "Không tin nổi, nhìn thế này mà đã 30, trẻ quá!" anh thầm nghĩ. Vậy là John thua cô 5 tuổi trong khi nhìn anh chững chạc, già dặn hơn cô nhiều.
Hóa ra nhà anh thuê gần nhà Phương Nhi, cách khoảng 10 phút đi bộ. Khu phố này có rất nhiều hiệu thuốc mà bấy lâu cô vẫn đến mua. Về gần tới nhà Phương Nhi xin xuống, không thể để hàng xóm thấy cô bước ra khỏi xe của 1 người đàn ông, nhất là đàn ông ngoại quốc.
Khu cô ở là khu biệt thự nhà giàu, trí thức nhà giàu, tò mò tọc mạch kinh khủng, khó tính kinh khủng. Chuyện nhà này nhà kia biết tất, chẳng có gì giấu được.
Trẻ con ra đường gặp người lớn là phải biết khoanh tay chào, không thì không chỉ đứa trẻ bị đánh giá là vô giáo dục mà cả nhà đấy cũng bị cho là vô văn hóa. Đứa nào chơi đùa lỡ mồm hét to quá, chạy nhảy sung quá là bị cộp mác tăng động giảm chú ý ngay. Nhà nào sau 10 giờ tối còn làm ồn ấy à, bị coi là vô học là chắc chắn.
Mà trong số những người khó tính ở khu này chắc bố mẹ Phương Nhi là nhất. Cô lại có tiếng tăm chẳng tốt lành gì nên cẩn trọng vẫn hơn.
Chia tay ngay thế này sao, John chả muốn nhưng cũng không có cách nào giữ cô ở cạnh thêm. Thôi đành vậy, ngày rộng tháng dài vẫn còn đầy cơ hội để gặp lại nhau. Chìa điện thoại ra trước mặt Phương Nhi, anh bảo:
- Cho anh số của em!
Lấy được số điện thoại rồi John mới miễn cưỡng mở cửa xe cho cô xuống.
Lững thững đi vào ngõ rồi dừng lại trước cổng Phương Nhi nghển cổ ngó vào nhà. Bà ô sin chạy ra thì thào:
- Chưa vào được, đợi thêm tý!
Sao phải đợi, bởi vì bây giờ nhà cô y như thùng thuốc súng, cô đi không khéo va phải ai đó nổ banh xác chứ chẳng chơi. Vậy Phương Nhi phải né ai, chính là bố của cô. Ông ghét Phương Nhi, rõ ràng rồi. Mà ngoài mẹ cô ra người nào bố cô chả ghét. Hàng xóm láng giềng đều cho bố cô là gã gàn dở, ai cũng ngại.
Sao bố cô lại ghét cô? Phương Nhi không biết, cô chưa nhận được 1 lời giải thích hợp lí nào. Có phải vì cô là con gái, con 1 nên như hầu hết đàn ông Việt Nam muốn có con trai, cô thành ra đáng ghét? Hay vì những lựa chọn của Phương Nhi luôn đi ngược với ý ông nên ông ghét?
Dù gì thì cô cũng bị ghét và nó trở thành nỗi ám ảnh đối với cô, theo Phương Nhi vào cả những giấc mơ, những cơn ác mộng, nơi cô phải nghe ông rủa xả, rồi khóc ấm ức đến ướt đầm cả gối.
Là vì Phương Nhi sống ở cái nước Việt Nam này con cái chưa lập gia đình dù có đủ tiền mua nhà cũng chẳng thể chuyển ra ngoài vì sợ dị nghị này kia nên cô cứ phải chịu đựng, chịu đựng mãi.
Đã từng có 1 khoảng thời gian ước ao cháy bỏng của cô là kiếm được 1 tấm chồng, vậy là sẽ có thể đường đường chính chính bước ra khỏi nhà. Nhưng không lâu sau đó Phương Nhi lại phát hoảng với ý nghĩ lỡ đâu lại rước phải 1 gã như bố mình thì sao.
Bố cô đối xử với mẹ cô rất tốt. Trừ mẹ cô ra, phần còn lại của thế giới, ôi thôi đừng hỏi. Ngay cả ông ngoại Phương Nhi người đã đứng ra xin cho gã nhà quê là bố cô 1 công ăn việc làm tốt ở Hà Nội cũng bị bố cô làm cho tức chết.
Căn bản mà nói giữa Phương Nhi và bố mẹ không có mối liên kết. Cô bị đưa về sống ở nhà ông bà ngoại từ nhỏ. Tại sao? Câu trả lời thật khó nuốt, đó là bố mẹ Phương Nhi còn bận kiếm tiền. Đến khi vào đại học cô mới quay về sống với họ.
Biệt thự mà ông bà ngoại Phương Nhi sống khá lớn, không phải nhất chỉ to thứ 3 trong cả khu nhà thôi. Ngoài ông bà ra còn có dì với cậu lúc ấy vẫn chưa lập gia đình. Nhà cô toàn kết hôn muộn, không biết do truyền thống hay di truyền, mà cái này có di truyền không nhỉ. Vì vậy Phương Nhi cũng sắp băm đến nơi vẫn chưa thấy rục rịch gì.
Vậy cô ở nhà bà ngoại có được yêu thương không? Sống cùng nhau suốt 8 năm nhưng giờ có hỏi món ăn ưa thích của Phương Nhi là gì cũng không ai biết. Thế là đủ để trả lời câu hỏi cô có được yêu thương không rồi nhé.
Còn ai muốn tìm hiểu thêm thì để cô kể cho chuyện này: khi con bé 10 tuổi là Phương Nhi kêu nhớ mẹ, đòi về với mẹ thì dì cô trả lời ráo hoảnh:
- Bố mẹ mày không cần mày nữa, mày về đấy là họ chặt chân!
Thực sự Phương Nhi không hiểu nổi người thân của mình, đã chẳng yêu thương cô còn nuôi cô làm gì.
Bây giờ quay lại vấn đề chính, sao nhà Phương Nhi thành thùng thuốc súng. Bình thường thì đã có mùi thuốc súng quanh đây, chỉ là giờ đậm đặc thêm chút thôi.
Đã bảo rồi bố cô ghét cô nên khi ở nhà Phương Nhi luôn triệt để tránh ông, nghe tiếng ông bên ngoài thì cô sẽ ngồi lỳ trong phòng không ra.
Tuy nhiên vẫn có những lúc không thể tránh được: bữa ăn. Vậy là việc vừa ăn vừa nghẹn với cô đã quá quen thuộc. Suốt bữa ăn ông luôn chì chiết hoặc bóng gió xa gần, đến lúc Phương Nhi không chịu nổi đứng lên khỏi bàn còn nghe ông nói với theo:
- Ừ nhịn đi, xem có chết không!
Thời phổ thông cô sống trong nhà ông bà ngoại. Hồi ấy thường là sáng học ở trường chiều đi học thêm. 1 giờ chiều Phương Nhi vào học nhưng nhà bà ngoại 2 giờ mới có bữa trưa. Vậy nên cô toàn vạ vật ăn cơm bụi hoặc ăn ở nhà Huy.
Huy là hàng xóm của cô, 2 nhà đối diện nhau. Khi Phương Nhi học năm cuối phổ thông trung học nhà cô còn đang xây, đến lúc cô vào đại học mới xong, nên câu hỏi đặt ra: làm sao Phương Nhi quen Huy được? Đấy là vì nhà cô gần nhà bà ngoại.
Thật ra ông ngoại thấy mảnh đất đẹp đẹp mới bảo bố mẹ cô mua, vậy nên Phương Nhi đã lượn lờ quanh đây trước cả khi nhà cô xây xong và rồi Huy đá bóng trúng người cô do đó Phương Nhi mới quen anh ta.
Biết thế thôi, quen thế thôi chứ khi còn học phổ thông cô chưa yêu Huy. Mà Huy lớn hơn cô 2 tuổi lúc đấy đang yêu người khác.
Mẹ Huy đã mất mấy năm trước do bệnh tim, 3 bố con Huy sống với nhau, Huy còn có 1 đứa em trai. Mọi người trong khu nhà gọi bố Huy là "ông 10 trứng" vì lần nào ghé qua chợ cũng mua 10 quả trứng. Thì tại trứng vừa rẻ, vừa dễ chế biến có thể nấu ra được nhiều món ngon mà.
Là hàng xóm của nhau cũng chẳng có vấn đề gì, cao trào của mọi chuyện là khi thợ xây nhà cô làm ngày làm đêm để cho kịp bàn giao công trình, 11, 12 giờ đêm vẫn xây xây trát trát.
Ở trong khu dân cư ai cho phép thế 10 giờ tối dù có làm gì cũng phải giảm âm lượng, tránh gây phiền đến người khác, do đó bố Huy ra phàn nàn. Hôm sau thợ làm ồn ông lại ra và quát ầm lên.
Lúc này bố Phương Nhi đã rình sẵn xông vào cãi nhau với bố của Huy. Rồi đến Huy, ranh con láo toét, cũng nhảy vào nữa, thật tưng bừng náo nhiệt.
Tới khi Phương Nhi chuyển về sống thì Huy bắt đầu chú ý đến cô hơn. Mà ngẫm lại Phương Nhi cũng chẳng biết Huy để ý tới cô thật không hay đấy chỉ là để chọc tức bố cô, trước đó anh ta chê bai cô đủ điều.
Như đã nói khi Phương Nhi còn học phổ thông Huy đang yêu người khác, bạn học cùng phổ thông trung học. Anh dân kiến trúc, chị dân mỹ thuật, tâm hồn nghệ sỹ đồng điệu lãng mạn, tinh tế không như cô cái loại con gái chuyên toán rồi thành dân kinh tế khô như ngói.
Rồi đùng 1 cái họ chia tay, Huy quay sang cô, cứ xa xa gần gần khiến Phương Nhi nuôi hy vọng. Rồi lại đùng 1 cái anh ta quay lại với người yêu cũ.
Phương Nhi sẽ luôn nhớ mãi ngày mà cô sang nấu ăn ở nhà Huy như mọi khi thì người ra mở cửa là chị ta. Rất đon đả chị ta mời cô vào nhà ăn trưa như thể chị ta là người chủ hợp pháp của căn nhà.
Mặt Phương Nhi lúc ấy chắc phải thê thảm lắm may thay em trai Huy xuất hiện kịp thời cứu nguy cho cô. Nó thoái thác rằng cô và nó có việc phải đi rồi kéo Phương Nhi ra ngoài. Ngồi trong quán cafe cô khóc như mưa mặc cho người xung quanh trố mắt nhìn.
Những ngày kế cô chẳng có dịp bước chân vào nhà Huy nữa vì chị ta luôn ở đó còn em trai Huy thì luôn ở bên cô, nhắn tin, gọi điện, rồi kéo Phương Nhi đi khắp nơi để cô vơi bớt nỗi buồn. 1 năm sau Huy và bạn gái cùng đi du học còn cô và em trai Huy chính thức yêu nhau.
Những tưởng thế là chấm dứt chuỗi ngày bi kịch của cô nhưng không, giống như Huy em trai anh ta rồi cũng đá Phương Nhi.
Mẹ Huy đã mất, bố anh ta tái hôn với 1 góa phụ có 1 đứa con gái. Sau khi Huy đi du học 1 thời gian, bố và em trai Huy chuyển về sống trong nhà mẹ kế của Huy, còn nhà anh ta thì cho thuê.
Vậy thì sao, chỉ là chuyển đi xa hơn 1 chút chứ có phải là cách núi ngăn sông muốn gặp mà không gặp được đâu. Nhưng trớ trêu thay, em trai Huy lại đem lòng yêu con riêng của mẹ kế.
Nam thanh nữ tú ở chung 1 nhà nên nảy sinh tình cảm với nhau hay cái máy bay bà già là cô không đủ hấp dẫn cậu ta, cô hơn cậu ta 2 tuổi? Chẳng rõ là lí do nào nữa.
Lần chia tay này đau thật là đau, Phương Nhi như muốn chết đi sống lại. Để trốn tránh mọi chuyện học xong đại học cô đi du học, cũng mới về gần đây. Và không biết là trùng hợp hay gì, cậu ta cũng quay lại. Nhà không cho thuê nữa vì cậu ta lấy vợ rồi, không phải con riêng mẹ kế, cần 1 cơ ngơi để sống.
Sao cuộc đời Phương Nhi lại be bét thế này, sao chỉ muốn sống yên ổn 1 chút thôi cũng không được thế. Nào cô có lỗi gì, cậu ta phản bội cô, cậu ta bỏ cô kia mà. Vậy sao 2 vợ chồng cậu ta cứ tìm cách kiếm chuyện với nhà Phương Nhi, từ việc cố ý để cả đống rác trước cửa đến trò hắt nước bẩn từ trên cao xuống.
Toàn chuyện khiến người ta nổi điên thì 1 kẻ điên sẵn như bố cô bực tức cũng chẳng đáng ngạc nhiên.
Còn chuyện này mới thuộc dạng đỉnh cao: phòng Phương Nhi đối diện với phòng ngủ của họ, vậy là họ cứ lôi nhau ra ban công hay cửa sổ mà xếp hình. Bên này là tiếng gầm gừ của bố, bên kia là tiếng rên rỉ của đôi uyên ương, Phương Nhi nghĩ mình sắp quá sức chịu đựng rồi. Phải đấy, bộ óc của cô có dấu hiệu quá tải chập cháy nổ, đã thấy khói trắng lơ lửng bốc lên trên đầu.
Phương Nhi nằm bẹp dí trên giường, đầu nhức như búa bổ, cả thở mạnh thôi cũng không dám, hốc mắt bên phải đau buốt. Cô uống thuốc giảm đau rồi, nhưng phải chờ nửa tiếng thuốc mới ngấm. Mỗi lần cô động đậy các huyệt trên đầu giật giật như thít lại.
Phương Nhi nhớ cái lần cô cũng bị đau thế này nhưng chủ quan uống thuốc muộn rồi nôn thốc nôn tháo phải nhập viện. Tuy vậy trong cái rủi lại có cái may, nhờ đó cô mới phát hiện ra mình bị trầm cảm.
Phương Nhi mà lại bị trầm cảm, thật là ngạc nhiên quá sức. Cô là 1 đứa hoạt ngôn; vui vẻ, xởi lởi, hòa đồng là những gì bạn bè vẫn nhận xét về cô.
Quanh Phương Nhi luôn bu đầy 1 đám bạn nói cười hỉ hả, làm sao cô bị trầm cảm được, chả giống những gì TV hay miêu tả về người mắc bệnh trầm cảm để còn biết mà giúp họ kịp thời. Tuy nhiên đúng đấy đi khám mấy nơi bác sỹ đều cho ra cùng 1 kết luận.
Vậy nên cuộc sống là muôn hình muôn vẻ, đừng lấy 1 khuôn mẫu mà đòi áp dụng cho tất cả. Bệnh của Phương Nhi chắc chỉ nhẹ thôi, không giống như mấy bà trên phim, toàn làm ra những chuyện ấn tượng. Cô không làm được việc ấn tượng gì, dù trí óc đã vẽ ra 1001 cách tự tử cô vẫn chưa dám thử cách nào.
Tuy nhiên bệnh này chắc chắn là không trị dứt điểm được. Sau thời gian uống những đơn thuốc dài như lá sớ, Phương Nhi bình thường trở lại, hình như thế. Rồi đột ngột 1 ngày kia cô lại thấy buồn thối ruột, chỉ muốn chui vào 1 xó xỉnh nào đó mà khóc.
Chẳng gặp chuyện buồn gì, chả có điều không hay nào xảy ra, thậm chí ngay cái lúc cô đạt được 1 phần thưởng nào đấy cô lại cảm thấy buồn không chịu nổi phải khóc mới được.
Có lần đọc trên báo người ta ca tụng 1 cô diễn viên rất tài ba, muốn khóc là khóc, Phương Nhi đã nghĩ nếu cô là diễn viên với tiêu chuẩn dễ khóc cô thành siêu sao mất.
Trầm cảm là mất ngủ, Phương Nhi mất ngủ thường xuyên, chưa già mà đêm nào cũng thức chong chong. Thế muốn ngủ thì làm gì? Sau khi khóc cô hay buồn ngủ, cho nên dĩ độc trị độc, để không mất ngủ vì trầm cảm, Phương Nhi dùng 1 triệu chứng khác của trầm cảm khắc chế: khóc. Ái chà, sao cô lại thông minh đến vậy kia chứ.
Với cái kiểu đau đầu thế này chắc bệnh của Phương Nhi lại tái phát rồi. Mai có lẽ cô nên đi khám, sau đó đi mua thêm vài loại thực phẩm chức năng tốt cho não, đi xuống khu phố gần nơi anh ở.
Rõ ràng là cô có tình cảm với John. Nói ngay từ đầu rồi Phương Nhi thích giọng nói của anh, rõ là mật ngọt chết ruồi. Vì lẽ ấy dạo này cô hay kiếm cớ gọi điện cho John để được nghe anh nói như nghe đọc truyện đêm khuya.
Thêm nữa John rất đẹp trai. Ừ đấy, cô thích trai đẹp. Sao nào, kiện cô đi! Đàn ông thích gái đẹp thì được sao phụ nữ như cô lại không có quyền thích trai đẹp?
Anh đang đi trên phố thì nhận ra bóng dáng quen thuộc, đúng là Phương Nhi. Có vẻ như là 1 vụ va quẹt xe. Người con gái trạc tuổi cô đang phồng mang trợn má gào thét gì đó còn Phương Nhi thì cứ đứng im như trời trồng. Chẳng cần nghĩ ngợi nhiều John nhảy vào can thiệp:
- Này cô, đã biết ngõ nhỏ thấy xe của người ta vào trước thì cô nên chờ 1 chút rồi hẵng đi vào. Cô làm xước hết xe của người ta rồi, cô phải đền tiền đấy!
Cô ta nhìn anh với ánh mắt sắc lẻm đoạn quay qua cô nguýt 1 cái dài trước khi ngoay ngoảy bỏ đi.
Hóa ra không chỉ đơn thuần là 1 vụ tai nạn, đến lúc cúi xuống thấy mắt Phương Nhi đỏ hoe anh mới lờ mờ nhận ra. John nói với cô như ra lệnh:
- Không khóc ở đây, lên xe đi!
Ngồi yên vị trên xe, anh thử đòn:
- Có phải là vợ của An không?
Cô giật mình. Anh tinh ý thật mặc dù không phải. Phương Nhi ngập ngừng:
- Không, là người khác. - Rồi nói tiếp luôn. - Cảm ơn đã giúp đỡ em.
John nắm lấy bàn tay mềm mại của cô rất tự nhiên đưa lên miệng hôn:
- Ổn rồi mà, mọi chuyện qua rồi!
Có cái gì đó trong cô như vừa được ấn công tắc mở, như thể người ta mở cửa xả lũ, bao ấm ức dồn nén bấy lâu được dịp bung ra. Phương Nhi thổn thức nhào tới ôm anh, John ôm lại, miệng dúi vào cổ cô hôn nồng nàn.
Kiên nhẫn chờ đến khi Phương Nhi nín khóc anh mới buông cô ra. Nhẹ nhàng lau đi những giọt nước mắt vẫn còn vương trên khóe mi, John hỏi:
- Đi ăn kem không, ăn kem cho tâm trạng được cải thiện?
Bật cười, Phương Nhi hỏi lại:
- Thật á, kem mà giống như 1 loại thuốc trị liệu như vậy sao?
- Ừ, ăn thật nhiều cho lạnh tê cả đầu lưỡi để đóng băng hết những cảm xúc tiêu cực.
Cô nhìn anh chăm chú không biết phải đáp lời thế nào. Quen nhau chưa lâu John đã hiểu rõ cô đến vậy liệu có hay không.
Người con gái chua ngoa cố tình va vào xe của cô để lại 1 vết xước dài đấy là Huệ Chi, vợ của Hiếu, người yêu cũ của Phương Nhi. Nhớ không mọi người, cái cặp vợ chồng hàng xóm gần đây cứ luôn chọc tức nhà cô ấy.
Hôm nay là đến giới hạn rồi. Nếu ban nãy John không nhảy vào can thiệp thì chẵc có lẽ Phương Nhi đã cào cho Huệ Chi 1 vết xước dài trên mặt như vết xước cô ta để lại trên xe cô.
Phương Nhi lao vào John như con thiêu thân, bất chấp tất, bỏ qua hết các bước cơ bản. Cô chưa biết gì về anh mấy, tới cả họ của anh còn chưa biết, chỉ biết có mỗi tên, John. Mà cần biết nhiều làm gì, cần cẩn trọng làm gì, cô đâu tìm kiếm 1 mối quan hệ nghiêm túc.
Khác với mẹ cô thấy Phương Nhi càng ngày càng cứng tuổi thì phát hoảng cô ngược lại càng ngày càng thờ ơ. 1 kẻ sỹ diện hão như mẹ Phương Nhi mà lại có 1 đứa con gái bị ế sao, chết vì nhục mất.
Phương Nhi thấy bố mẹ mình đúng là giả tạo nhất thế giới, có yêu thương gì cô đâu, ở trong nhà có quan tâm gì tới cô đâu vậy mà ra ngoài khi nào cũng: "Con gái tôi thế này, con gái tôi thế kia..."
Giờ thì Phương Nhi chẳng còn muốn lấy chồng, chỉ muốn làm sao đi ra khỏi nhà thật nhanh không còn phải sống trong ngôi nhà ấy nữa. Nhưng cách nào đây? Nếu cô có mua nhà rồi chuyển đi thì bố mẹ Phương Nhi cũng sẽ đến nắm cổ lôi về thôi.
Cô là người có thể sống độc lập, không phụ thuộc chút nào vào bố mẹ tại sao cô không tách ra? Như thời xưa khi những nô lệ được giải phóng họ cũng không biết cần sống tiếp thế nào, cầm giữ cái tự do quý báu trên tay rồi loay hoay xoay sở mãi không biết cách sử dụng, cuối cùng lại quay về làm thuê cho chủ cũ.
Cô giờ cũng như vậy chăng, bị chèn ép quá nhiều nhụt hết ý chí rồi, người ta muốn ném cái gì xuống đầu cũng chịu.
John yêu Phương Nhi, yêu từ cái nhìn đầu tiên. Không chỉ vì cô xinh đẹp mà cô thực sự thú vị, tính cách thú vị, các mối quan hệ cũng thú vị, thật khiến cho người ta phải quan tâm.
Anh cũng rất thương Phương Nhi. "Thương", tiếng Việt hay thật, tiếng Anh chẳng có từ tương đương nào. Đằng sau vẻ vô tư lự kia, giấu kín dưới nụ cười rạng rỡ là 1 nỗi buồn khó tả. Cười mà mắt không cười, phải tinh ý lắm mới có thể nhận ra.
Phương Nhi đang phải chịu đựng điều gì? Nỗi đau nào khiến cô chẳng thể hạnh phúc? Anh thật lòng muốn biết và san xẻ cùng cô. Bờ vai anh rộng lớn lắm này, Phương Nhi à, em mau dựa vào đi.
John đi du lịch khắp nơi trên thế giới với dự định ban đầu là cố gắng đi được nhiều nhất có thể. Bởi vậy mỗi nơi anh đến John đều dừng lại không quá lâu. Tới Việt Nam anh làm giáo viên tiếng Anh, công việc tạm bợ, John biết rõ, thì anh cũng chỉ tính ghé qua chút thôi mà. Nhưng giờ chắc phải nghĩ lại rồi.
Quan hệ giữa Phương Nhi và anh là gì, nó chưa phải mối quan hệ yêu đương nhưng có lẽ hơn là tình 1 đêm. Tuy nhiên nếu bây giờ John tỏ tình, nếu anh muốn cô trở thành bạn gái liệu cô có chấp nhận không? John sợ rằng không, anh e là Phương Nhi sẽ chạy mất hút luôn.
Download MangaToon APP on App Store and Google Play