Tiếng Việt
NovelToon NovelToon

[Truyện Ma Sau 6 Giờ/Fanfiction] Bán Âm

Khởi đầu: Hỉ sự Diêm La Điện

Chốn âm ti không thiếu sắc đỏ.

Mỗi canh giờ là một biển âm thi trải từ dương gian đến Quỷ Môn Quan, kéo theo đó là một dải máu dài nhuộm lên mớ sỏi đá sắc lạnh. Kẻ có địa vị xã hội nơi dương thế hay không đều phải qua cái ải này, sau để bề trên xét có giấy thông hành không rồi mới được đi qua ải tiếp theo, cũng xem như là căn cứ báo danh trên lộ tuyến xuống âm phủ. Cả quãng đường dài có hai vị là Đầu Trâu Mặt Ngựa, kéo xích sắt, trói tay từng kẻ, ngăn có linh hồn cả gan trở về trần thế, bởi sau khi hai vị tiếp nhận đoàn âm hồn từ hai vị là Hắc Bạch Vô Thường thì xem như toàn bộ trách nhiệm đều thuộc về hai vị Đầu Trâu Mặt Ngựa cả, nhỡ có chuyện gì thì hai vị khó thoát án phạt nặng từ Diêm Vương đại nhân.

Ải thứ hai là Đường Hoàng Tuyền. Cái con đường dài dằng dặc, hai bên bờ là hoa bỉ ngạn rực rỡ sắc đỏ, chuyển mình theo từng làn gió lạnh lẽo chốn âm ti, dẫn đường cho các âm hồn. Đây là nơi có cảnh sắc độc nhất vô nhị, rực rỡ nhất mà cả đoàn phải đi qua để đến được minh giới.

Ải thứ ba, Tam Sinh Thạch. Nói nôm na là một tảng đá to bên bờ Vong Xuyên, khắc lại ba đời của vong linh bằng nét chữ nhuốm huyết sắc, tượng trưng cho ba kiếp luân hồi máu thịt.

Ải thứ tư, Vọng Hương Đài, đây là nơi người chết nhìn về chốn quê cũ, như một sự từ bi để các vong linh thỏa nỗi lưu luyến trần gian.

Ải thứ năm, Vong Xuyên Hà, còn có tên khác là Tam Đồ Hà, con sông nối liền Hoàng Tuyền với cõi u minh, nơi chói lọi cái sắc đỏ phản chiếu từ lòng sông đỏ quạch, vùi chôn máu thịt của những vong linh chưa siêu thoát.

Có cây cầu mà dân gian gọi là cầu Nại Hà, nơi Mạnh Bà ngự ở đó, ngày ngày nấu Vong Tình Thủy, đưa mỗi vong linh để xóa đi kí ức, chuyển kiếp đầu thai, đây gọi là ải thứ sáu. Chỉ là, chọn uống hay không là tùy mỗi kẻ. Không uống thì chính là từ bỏ một kiếp luân hồi, bị dìm xuống sông Vong Xuyên, chờ đợi ngàn năm cô độc cùng rắn rết ác nghiệt, gió tanh mưa máu.

Ải cuối cùng, cũng là cầu Nại Hà, phân là ba bậc, bậc trên cùng cho người tu nhân tích đức, bậc giữa cho kẻ thường, bậc cuối dành cho kẻ phạm đại tội khó dung tha. Nơi dòng sông trôi dạt đều là cô hồn dạ quỷ, mong chờ có ngày tìm kẻ thế mạng cho mình, sơ sẩy một chút là chẳng còn phước đầu thai.

Qua bảy ải là đến Diêm La điện, nơi Diêm Vương đại nhân xét xử, luận công luận tội, sau đưa vào lục đạo luân hồi, người lên trời, người vẫn kiếp làm người, kẻ bị giáng thành kiếp súc vật, mặc cho kẻ khác mổ xẻ.

Bảy ải đều trải dài xương máu của bao kẻ. Không có giấy thông hành xem như kể bỏ, không đủ dương thọ phải làm cô hồn mấy chục năm, không muốn đầu thai phải bị xâu xé. Tiếng rên la vang vọng khắp chốn tu la địa võng, như một bản bi ca oán khúc càng làm dấy lên cái vẻ tang tóc, thê lương.

Nhưng vào một ngày trên bầu trời đen là huyết nguyệt tròn vành tỏa rạng như đêm trăng rằm chốn dương trần, khắp các ải chẳng lấy một tiếng rên la, hay là nói là chẳng dám ca thán nửa lời. Có mấy vạn cô hồn dã quỷ chen chúc, đạp đổ nhau trong mớ xương thịt bấy nhầy, bị lũ quỷ sai xua đuổi, cách ly khỏi một khoảng đường rộng trải dài từ dương thế đến Thập Điện Diêm La.

Mấy chục tấc vải đỏ lượn lờ bay phấp phới, treo lên những tán cây cao đã héo khô héo rục. Bỉ ngạn hoa nở rộ, lan ra khỏi Hoàng Tuyền, mọc đầy dưới từng tấc vải. Hai thứ ấy quyện vào cái sắc đỏ tươi nguyên thủy của Vong Xuyên lại càng thêm chói lọi. Chưa kể các quỷ sai, ai cũng một thân áo vải chỉnh tề, tuy không bằng những vị đại nhân khác, nhưng cũng xem là trịnh trọng lắm.

Bên ngoài, kẻ nào kẻ nấy nhỏ tiếng xì xào, hết chỗ nọ đến chỗ kia, vài tên bạo dạn, khom khom cái lưng trơ xương đã còng xuống, chắp đôi bàn tay xương xẩu, hỏi một vị quỷ sai:

“Bẩm ngài, có chăng hôm nay là ngày gì mà nơi lạnh lẽo này lại huyên náo vậy ạ?”

Tuy mặt các vị đều lạnh như tiền, nhưng có mấy kẻ vẫn còn cái thói lanh lảu khi còn làm người, chép miệng khen lấy khen để cái áo mới của một quỷ sai. Thế là hắn ta nom thấy mình cũng có cái chất để cao ngạo lắm, ngửa mặt lên cao như đang giảng chuyện với bề tôi: “Hôm nay, là một hỉ sự lớn của một vị Ám Quan.”

Chỉ vậy đã khiến bao kẻ trầm trồ. Ám Quan là một chức vụ đặc biệt do chính Diêm Vương ngài lựa chọn, các ngài hoạt động trên tử lộ, nơi mà hai vị Hắc Bạch Vô Thường không thể lui tới. Nhưng Ám Quan cũng đâu phải chỉ có một ? Vậy là vị nào mới được ? Lại có kẻ mon men hỏi chuyện, rồi kẻ này truyền cho kẻ khác, một đến mười, mười đến trăm, trăm đến ngàn, ngàn đến vạn. Thế là cả âm phủ đều đã rõ là vị nào rồi.

Tuy là đồn thổi lớn, kẻ nào cũng phóng đại một chút lên cho câu chuyện thêm li kì, nhưng cái cốt yếu khiến kẻ nào cũng háo hứng rạo rực, đó là ngài Diêm Vương đã đại xá toàn âm giới, hạ một bậc hình phạt cho các tội vong và mở cửa dương thế để cô hồn trở lên trần gian hưởng hương quả cũng như về thăm cố hương trong bảy ngày với sự giám sát nghiêm ngặt của các quỷ sai. Vốn chỉ mong một ngày thoát kiếp bị đày đọa đã là may phước trời ban, nay lại tới bảy ngày để thỏa mối chờ mong thì thật là sự chấn động rất lớn. Một phần vì ngày đại hỉ độc nhất vô nhị, lại vì một phần khác còn đặc biệt hơn.

Mãi đến sau này, ẩn sâu trong bóng tối mờ mịt, vẫn còn những thanh âm vang vọng truyền nhau nghe về câu chuyện ngày hôm ấy, tiếng kèn trống rền vang của một hôn lễ linh đình, chiếc kiệu hoa tám người khiêng đỏ rực một khoảng trời, dẫn trước là một con hắc mã thiện chiến cài cương đỏ, đằng sau là một đoàn vong linh mặc áo tấc đỏ tươi, vung lên những tờ tiền giấy cho những kẻ đứng bên ngoài tranh nhau cướp đoạt.

_____________________

Chương 1: Rước dâu

Nén nhang nghi ngút khói lượn lờ trong gian nhà cũ thời ông bà tổ tiên để lại. Người phụ nữ trạc chừng hơn bốn mươi, mặt mày ủ rũ, hai tay bấu chặt, chốc chốc đưa mắt nhìn đồng hồ rồi nhìn ra cổng.

Gió đìu hiu thổi ngoài sân vườn rộng thênh thang, xáo động những tán cây già rậm rạp, tiếng xào xạo như những tiếng thì thầm, mang đến cảm giác gai người vì lạnh và rờn rợn. Trước cánh cổng sắt cũ, đèn chớp chớp vài cái rồi tắt ngúm, trả lại cái màu đêm nguyên thủy cùng ánh trăng bàng bạc.

Đôi mày người phụ nữ nheo lại, ánh mắt đầy vẻ lo lắng, bất an. Tiếng côn trùng kêu vang trong không khí cùng tiếng gió trời và làn nước sông nổi sóng dào dạt càng làm trái tim bà đập loạn liên hồi. Bàn tay chuyển sang nắm lấy gấu áo bà ba đỏ giản dị, chân đeo guốc vội bước vào nhà, đánh lộp cộp rõ to. Cả người bà run rẩy, chắp tay vái lạy bàn thờ tổ tiên, miệng lẩm bẩm những lời thì thầm khấn vái.

“Má ơi.”

Người phụ nữ giật mình, mở to mắt nhìn về phía phòng trong, đáp lời: “Chưa tới giờ đâu, mày ngủ một giấc đi, có gì thì má gọi.”

“Dạ.”

Người phụ nữ không nói gì. Bà nhìn lên di ảnh chồng đặt thấp hơn so với ông bà, ba má, hình ảnh người chồng còn quá trẻ khiến bà không khỏi chạnh lòng. Mùi nhang đã xông khắp nhà, quyện vào mùi gỗ tràm khiến bà chỉ có thể thở dài. Giờ chẳng còn gì để bà phải do dự.

Bà ngồi phịch lên tấm phản gỗ phòng khách, lại đăm chiêu, hỏi: “Nhựt này, mày có hối hận không con?”

“Dạ không. Nếu nói có thì cũng có, nhưng giờ con không cảm thấy vậy.”

Nhựt ngồi ở phòng trong, căn phòng cũ mà cậu từng ở lúc nhỏ hồi nghỉ hè tiểu học, tay mân mê cái nón vành rộng khá cầu kì mà đêm qua Hắc Bạch Vô Thường đem tới. Không chỉ cái nón này, mọi thứ lễ vật, trầu cau, trang phục, lễ nghi đều đã được cầu toàn đâu vào đấy. Thật ra, lúc này Nhựt vẫn còn ngờ ngợ, chưa thể hoàn toàn tin được đây là hiện thực. Chỉ mới mấy tháng trước, cậu chỉ là một học sinh cấp ba, học hành chẳng tới đâu, bạn bè chẳng có lấy một mống người, rồi như một vận đen đủi, cậu bị vướng phải mấy vụ ma quỷ vì cái khả năng tâm linh chết tiệt. Đó cũng là lúc cậu gặp Tịch Dương.

Nhựt vội lấy tay che gương mặt nóng bừng vì nhớ lại cái ngày mình và anh ta đồng ý hợp tác, sau đó bằng một cách nào đó, một người, một vong, gắn bó suốt thời gian không ngắn cũng chẳng dài, dần dần nảy sinh một điều gì khó nói, cả cậu và anh ta.

“Má chẳng muốn mày đi đến đó, ba mày, ổng đi rồi, giờ lại đến mày. Số tao đúng là số khổ.” Bà Xuyến - má của Nhựt thở dài thườn thượt. Bà không khỏi than trách số phận bà, số phận chồng con thật chẳng có phước. Từ quá khứ đến hiện tại, chưa bao giờ bà cảm thấy hạnh phúc sau khi chồng ra đi. "Bất đắc dĩ" là ba từ khiến bà đau từng khúc ruột.

Nhựt hiểu lòng má. Cậu hoàn toàn có thể tưởng tượng ra gương mặt dần già đi của bà vì thời gian và những biến cố cuộc đời, những nếp nhăn nhiều hơn trên mắt và làn da lão hóa vàng vọt. Cậu không dám bước ra khỏi phòng, nếu chứng kiến những điều tàn nhẫn ấy sẽ khiến cậu bất chấp từ bỏ mọi thứ đã định đoạt, rồi lại đổ sông đổ bẻ, rồi lại tồi tệ hơn. Điều ấy má cậu càng không muốn. Cậu cảm nhận rõ khóe mắt mình đã muốn trào ra thứ nước nóng hổi, sống mũi cay cay, cổ nghẹn lại, run run. Chân chỉ mang có đôi giày đỏ nhưng không hiểu sao lại có sức nặng như đeo chì.

"Tao chỉ mong mày sống tốt thôi, con à.”

Hai má con không nói gì nữa, cứ thế mà thinh lặng đến canh ba...

Tiếng kim đồng hồ tanh tách kêu đều đều.

Tinh !

Đồng hồ treo tường chỉ vừa điểm mười hai giờ, một đợt gió lạnh buốt thổi mạnh vào nhà, nén nhang đang thắp ngọn lửa nhỏ chợt bùng lên cháy rụi. Tiếng chó tru rú lên khắp nẻo vắng, tiếng mèo kêu meo meo như tiếng trẻ con khóc đêm, trong bụi rậm hiện lên những ánh mắt sáng xanh quắc như đang trông chờ, phấn khích. Bà Xuyến giật mình vội lùi lại gần phòng trong, bà hoảng hốt nhìn quanh rồi chạy vào phòng, giật lấy cái nón trên tay con trai, đội lên gọn gàng cho cậu. Hai bàn tay bà nắm chặt tay cậu, mồ hôi lạnh túa ra như tắm, cả người run lên cầm cập như người mới mắc mưa to. Nhựt ngạc nhiên nhìn bà, rồi ánh mắt cậu trầm xuống, vòng tay ôm chặt má.

Tiếng kèn trống xa xa vang lại, gió thổi càng lúc càng lớn, bẻ cong những thân cây èo uột mới lớn được mấy năm. Tiếng cười nói thoang thoảng, râm ran như ngày hội lớn nơi đình miếu thời xưa cũ. Dần dần, tiếng cười the thé của một người đàn bà vang lên rõ ràng trong không gian.

Cheng cheng !!!

Tiếng chiêng đánh vang trước cổng nhà. Con ngựa đen đi sau kẻ đánh chiêng liền dừng lại, vung hai chân trước, hí dài một tiếng vang trời. Một người đàn ông mặc hỉ phục đỏ ngồi trên yên ngựa, tay nắm chặt dây cương, đưa ánh mắt vàng rực sáng như chiếc hoa tai anh ta đang đeo, nhìn vào trong căn nhà cũ tối tăm, đằng sau là kiệu hoa và đoàn vong linh mặc áo tấc đỏ tươi, tay vung những tờ tiền âm phủ khiến chúng tung bay tán loạn, vong ma lưu lạc trên dương thế cũng từ đó lao vào giành giật, rồi bu thành mấy đám, bàn tán xôn xao.

Một người đàn bà vấn cao mái tóc bạc phơ, gương mặt phúc hậu, ánh mắt sáng ngời, chống cây gậy đi đến trước cửa nhà, hô to: “Nhà trai đã đến, mời tân nương lên kiệu !”

Tiếng rì rầm như bùng nổ, nghe như những tiếng bất ngờ, hoảng hốt vì một chuyện lạ lùng bất khả thi. Nhưng sau mấy tiếng thét của mấy quỷ sai, tất cả lại im thóc, còn lại là tiếng rào rạo của lá cây và tiếng tiền giấy bay sột soạt.

Bà Xuyến càng run rẩy kịch liệt. Bà bấu chặt áo tấc đỏ mà con trai đang mặc, trong trí bà thoáng lên ý nghĩa xé nát chiếc áo này và cố thủ trong nhà, không muốn giao con trai ra. Dù sao cái áo này chỉ là áo giấy, mấy thứ khác cũng không phải thật.

“Nhà trai đã tới, mời tân nương lên kiệu.”

Trong nhà vẫn im lìm như ban đầu, chẳng có ai đáp lại.

“Nhà trai đã tới, mời tân nương lên kiệu.” Người đàn bà vẫn kiến nhẫn gọi to, mỗi lần gọi là một lần chờ đợi, sự khẩn trương đã dần hiện hữu trong thanh âm khàn nhẹ của bà.

“Bẩm Ám Quan đại nhân, tân nương của ngài không chịu bước lên kiệu, qua giờ lành thì sẽ không tốt đâu ạ.” Người đàn bà lắc đầu, khom lưng bẩm với người đàn ông trên ngựa.

Người đàn ông cau mày, mắt dán vào căn phòng trong, sâu trong căn nhà. Sự kiên nhẫn của anh ta dần mất, cũng giống như đoàn vong linh đang sốt ruột thì thầm phía sau.

“Vậy thì cứ mở cổng đi, trễ giờ lành là xem như mất điềm tốt, chúng ta còn việc quan trọng phải thực hiện.” Tiếng nói của một người đàn ông khác vang lên the thé, người đàn bà ngó ra phía sau, bên cạnh chiếc kiệu hoa là Bạch Vô Thường phất phất tay ra lệnh cho hai tên quỷ sai.

Bà nhìn người trên yên ngựa nhưng anh ta lại chẳng phản đối gì, vậy là xem như anh ta cũng đồng tình với vị Bạch Vô Thường kia.

Hai tên quỷ sai cao to ở đằng sau, nắm lấy thanh sắt lạnh lẽo, đánh bật ra một cách thô bạo, cánh cổng đập vào tường tạo thành tiếng va đập kim loại chói tai.

Nhựt khẩn trương nhìn ra cửa phòng, lại nhìn xuống má đang ôm chặt mình, cậu đành tự mình rút tay khỏi lưng bà, đối diện với ánh mắt đỏ hoe, sưng lên, ầng ậc nước mắt, cậu chỉ lắc đầu. Hôm nay, cậu phải lên kiệu hoa rồi.

Bà Xuyến lau nước mắt vào vạt áo, hít một hơi thật sâu rồi lấy dải khăn đỏ đã chuẩn bị từ trước, đeo lên mắt. Người dương cấm kị nhất là gặp người âm, âm thịnh dương suy, hồn phách không ổn định sẽ khiến tinh thần không được minh mẫn, sức khỏe suy yếu, giảm dương thọ và có nguy cơ bị xác hội. Đeo một dải khăn trên mắt cũng là muốn phong ấn nhãn lực, tịnh tâm, tịnh khí. Xong xuôi, bà chỉnh lại quần áo con trai, kéo thấp nón xuống một chút, mở cửa phòng, dắt cậu ra trước nhà. Một cơn gió lạnh ở ngoài thổi vào khiến bà không khỏi lo sợ, tiếng khàn khàn và bóng dáng mờ mờ qua tấm vải trông vô cùng quen thuộc.

Người đàn bà thoáng thấy bóng dáng tân nương mặc hỉ phục liền cười thành tiếng, nhanh chóng đến đỡ lấy tay cậu từ tay bà Xuyến, ra lệnh cho hai tiểu đồng bằng giấy vén rèm trước kiệu ra. Khoảnh khắc tay con trai rời khỏi tay mình thì tim bà Xuyến đã như bị ai đó bóp nghẹt, treo lơ lửng, mặt mày bà trắng bệnh không còn một giọt máu.

“Nay là ngày vui, sao cô ủ rũ thế ? Chậm trễ quá thì qua mất giờ lạnh, cổng âm dương mà đóng là xem như hôn lễ này phải hủy mất.”

Người đàn bà nhẹ giọng trách bà Xuyến, dù bà ta hiểu tâm ý người mẹ không muốn con đi xa nhưng Diêm Vương đại nhân đã quyết, sính lễ, thủ tục đã hoàn thành, chỉ còn chờ tân nương nữa mà thôi. Bà ta đi từng bước chậm rãi, dắt Nhựt bước qua bệ cửa, tiến gần đến kiệu hoa.

Ngay lập tức, tiếng xì xào từ những bóng đen mờ mờ ảo ảo trở nên ồn ào khi cậu chỉ vừa qua khỏi cổng, nghe như hoảng hốt tột cùng.

Nhựt mím môi bỏ ngoài tai tết tất cả, nhưng cậu lại cảm thấy hơi rờn rợn khi bàn tay của bà già kia đỡ lấy tay mình. Một bàn tay trắng toát, lạnh như băng, sần sùi, gầy trơ xương khiến cậu không khỏi dựng tóc gáy. Bà ta dường như hiểu ý tứ bài xích được thể hiện mơ hồ của cậu, từ trong họng cất lên tiếng cười khùng khục, sau đó nâng tay cậu đưa lên phía trước.

Người đàn ông đã xuống khỏi lưng ngựa. Anh ta mặc bộ hỉ phục đỏ mới tinh, được dệt từ tơ tằm của Nguyệt Lão. Dáng vẻ cao lớn, tôn lên một thân áo vải trang trọng, chỉnh tề, thứ đã làm tốn biết bao tâm tư, công sức của đến năm chu nữ. Anh ta nở một nụ cười thỏa mãn khiến Minh Nhựt giật mình, đón lấy tay cậu, theo nghi thức, đưa tân nương của mình lên kiệu một cách dịu dàng, chu đáo nhất. Nhựt ngơ ngác theo từng hành động của anh ta, đầu ngoái lại mấy lần nhìn má, đến khi đã yên vị trong kiệu thì lòng vẫn còn một mớ hỗn độn, vừa ngượng vừa lo.

Bà Xuyến nắm chặt tay, cúi đầu, đứng yên trong sân nhà, mặc cho tân lang đến cúi lạy xin đưa dâu, cho đến khi hai tiếng the thé của Bạch Vô Thường hô to: “Khởi hành.”.

Đoàn rước dâu vội vã sắp lại hàng ngũ, nhường lại lối đi cho ngựa đen và chiếc kiệu hoa. Bà già nán lại một lát, vuốt vuốt bàn tay đang run rẩy của bà Xuyến rồi thở dài, rời đi. Tiếng chiêng, kèn, trống lần nữa vang vang ing ỏi trong đêm khuya thanh vắng, hòa cùng tiếng chó tru mèo gọi đến thê lương. Những vong ma xì xầm to nhỏ rồi cũng vãn dần, trả lại trước cổng nhà đơn sơ là người mẹ đang cố kiềm chế giọt nước mắt dần thấm đẫm khăn che mắt và gió lạnh đìu hiu thổi tốc những tờ tiền âm phủ tung bay tán loạn.

Bà Xuyến ủ rũ bước vào nhà. Cổng sắt sau lưng theo làn gió mạnh từ từ khép lại rồi tự động khóa.

“Này, bà Xuyến ! Bà nãy giờ có nghe gì ồn ào không ?”

Đó là giọng ông Tư, nói vọng qua bên hàng rào nhà bên.

“Chả hiểu đêm hôm khuya khoắt mà đứa chết tiệt nào cứ khua chiêng gõ trống chỗ nào ấy, xa lắm ! Bọn chó mèo tru tréo ghê quá nên nãy giờ tôi chỉ dám ở trong nhà, điên thật chứ !”

Ông Tư là hàng xóm nhà Nhựt, tính ông nóng nảy, bạo dạn, có gì làm ông khó chịu là ông chửi rất hăng. Hồi chiều hôm qua ông về trễ sau một chuyến làm ăn trên huyện. Thức đêm mấy ngày liền làm tinh thần ông đi xuống rất nhiều, qua loa một bữa cơm rồi tắt đèn đi ngủ sớm. Thế mà đang đêm lại bị đánh thức bởi mớ âm thanh hỗn tạp rợn người.

Mặc cho ông chửi đổng lên mấy câu tục tĩu, xua chó đuổi mèo, bà Xuyến chỉ đáp lại ngắn ngủn: “Tôi chẳng nghe thấy gì hết, ông Tư về cho tôi khóa cửa.” Hôm nay bà đã quá mệt mỏi và kiệt quệ, tai ù đi và đầu óc chẳng thể tỉnh táo nổi.

Tiếng cành cạch của khóa cửa của nhà bà Xuyến vang lên một cách lạnh lùng. Ông Tư cũng biết điều, ngó nghiêng khắp xóm rồi cũng vội vào nhà, chốt kĩ càng hết các cửa. Nhưng dù vậy, không hiểu sao vẫn có gió lạnh thổi qua khe hẹp, tạo nên thứ âm thanh u u như tiếng huýt sáo ngân nga của một người con gái.

________________

Chương 2: Lễ nghi

Mấy ngày trước, không biết từ đâu, một người đàn bà tướng tá tròn đầy, gương mặt phúc hậu, tay chống gậy, đứng trước cổng nhà Nhựt nói huyên thuyên gì đó. Đúng lúc bà Xuyến đi chợ về, nhìn thấy nghĩ là một bà già lẩm cẩm nên chỉ nói mấy câu mời bà ta đi nơi khác. Bà già cười cười, chỉ vào trong nhà, nói: “Nhà này phần âm át phần dương, có cậu con trai nhưng dương khí không thịnh, hồn chỉ còn một chỉnh, nửa đôi, sớm hay muộn cũng về với tiền nhân mà thôi.”

Bà Xuyến nghe thế liền giật mình, thiện ý dành cho người đàn bà lạ mặt đã chẳng còn bao nhiêu. Bà thẳng tay đuổi bà già, miệng hằn học càu nhàu: “Đúng là bà già lẩm cẩm, về quê mới có mấy ngày mà gặp người gì kì quá ! Nhà người ta đang yên lành mà nói quở chi không biết !”

Bà hậm hực vào sân trong, khóa cổng. Nhưng mới quay lưng đi đã nghe người đàn bà lạ mặt cười hì hì, nói với tông giọng trầm khàn: “Cô cứ nhìn kĩ con trai mình, phần dương của cậu ta chẳng còn bao nhiêu cả.” Bà Xuyến lạnh gáy quay phắt lại, nhưng người đàn bà đã biết mất tăm, dù có ngó nghiêng đến bao lâu cũng đều không thấy một bóng dáng già nua nào.

Một người già có thể đi nhanh thế ư ?

Đến tận giờ ăn trưa, trong đầu bà vẫn quanh quẩn lời nói kì lạ của bà già. Khẽ sờ tay lên trán, bà vội lau đi mấy giọt mồ hôi lạnh, trong lòng tự trấn an sẽ chẳng có chuyện gì cả, mọi thứ gì là một trò đùa quái gở mà thôi.

“Con dọn cơm nha má ?”

“Ờ..ừ.”

Bà Xuyến đáp lời con trai một cách gượng gạo. Bà uể oải xuống bếp phụ Nhựt. Nhưng ngay khi cậu con trai đi ngang qua, bà liền đứng hình, bất động. Ánh mắt hoang mang mở trừng trừng, từ chân tơ kẽ tóc dựng hết cả lên, đầu run rẩy từ từ quay về phía cậu đang cặm cụi sắp chén, so đũa ra mâm. Hình như...bà mới thấy một cái bóng lướt qua bên cạnh Nhựt. Bóng của một người đàn ông.

Bà vội dụi mắt vài lần, chớp chớp mấy cái, nhưng chẳng thấy gì nữa. Chẳng lẽ bà gặp ảo giác ? Nghĩ thế, bà lắc đầu, đem bỏ hết mấy thứ suy nghĩ bậy bạ trong tâm trí.

Nhưng sau lần ấy, bà bỗng có thói quen quan sát Nhựt. Dường như có một linh cảm khiến bà không thể yên tâm. Từng giây từng phút, mỗi khi nhìn vào gương mặt cậu con trai, bà liền nhận thấy một dấu hiệu xấu ẩn hiện xung quanh cậu. Tuy Nhựt khá trầm tính và cô đơn, nhưng trước giờ mọi biểu hiện đều chỉ ra, đó đơn thuần chỉ là một căn bệnh về tâm lý. Bây giờ tuy không còn ủ rũ như trước, nhưng quầng thâm dưới mắt đậm hơn, mặt hốc hác hơn, tiểu tụy hơn. Đôi lúc, bà giật mình thon thót vì Nhựt nói chuyện một mình vào ban đêm, mộng du, cười cười với ai đó. Ấy vậy mà khi bà hỏi, Nhựt liền từ chối không chớp mắt.

“Má hỏi thật con, Nhựt này, con có giấu má chuyện gì không ?

Bà Xuyến thực sự không thể chịu nổi cậu con trai luôn hành động như một người điên. Thà rằng nói nó điên thì cũng được, đằng này...lời nói của bà già kia luôn quanh quẩn trong tâm trí làm bà không thể bình tĩnh nổi.

“Con không có dấu má cái gì cả.” Nhựt quả quyết nói.

“Má thấy hết rồi, má nghe luôn rồi ! Mới hôm kia có bà già nào đứng trước nhà bảo con gì mà dương khí không còn nhiều... Nói thật đi con, con đang gặp chuyện gì hả Nhựt ? Hay con thấy...gì đó ?” Bà Xuyến xoa trán, cố gắng tịnh tâm nhất có thể để mong con trai sẽ thú nhận với mình.

Có lẽ bà đã đúng. Nhựt bất động mất mấy phút, tay nắm chặt vào gấu quần, môi cắn muốn bật máu.

“Có...có má ơi.”

Chỉ nghe giọng thỏ thẻ ấp úng của con trai mà cảm tưởng như sét đánh ngang tai. Bà bàng hoàng mình cậu con trai đang cúi gằm mặt mà muốn ngất đi tại chỗ. Toàn bộ nội tạng và máu như ngừng hoạt động và bà thấy trời đất trước mắt mình như quay cuồng, tứ chi lạnh buốt đến tận xương tận tủy.

Mãi một tiếng ngồi vừa kể vừa giải thích chuyện mấy tháng qua cho má, Nhựt căng thẳng như thể mình là một tội nhân mang trọng án tử hình. Nhìn sắc mặt má từ hoang mang đến trắng bệch, tái xanh rồi tím tái như người bệnh lâu năm mà cậu chỉ muốn chạy ngay vào phòng, đóng chặt cửa. Nhưng tuy hối hận vì đã dại dột thú nhận gần như tất cả thì may thay, vẫn còn một chuyện cậu chưa dám kể ra.

“Vậy...người đàn bà kia...” Bà Xuyến chợt nhớ ra về hồi gặp mặt lạ lùng kia, bà ngước mặt lên, lườm Nhựt: “Còn chuyện gì giấu má, kể hết ra đi !”

Nhìn ánh mắt đằng đằng nộ khí của má mà Nhựt muốn thót tim ra ngoài, lúc này cậu đã mất đi bình tĩnh để kiểm soát lời nói của mình, cậu nhìn sang bên cạnh, thấy gương mặt âm trầm của Tịch Dương mà vô cùng khó xử. Bà Xuyến vô tình nhìn thấy cảnh này thì không kiềm chế nữa, đứng phắt dậy, đập mạnh xuống bàn: “MÀY KHAI HẾT RA CHO MÁ !”

Cơn thịnh nộ của bà Xuyến chính là điều Nhựt biết không thể tránh khỏi, cậu nhắm chặt mắt, lắp bắp đem tất cả những gì giấu trong lòng khai hết ra.

Chuyện gì đến cũng đến. Sáng hôm sau, bà già ấy lại xuất hiện, tuy những nếp nhăn đã làm biến dạng gương mặt nhưng vẫn nhìn ra sự đắc chí.

“Sao nào ? Nó nói hết rồi đúng không ?”

Bà Xuyến bơ phờ gật đầu, hay tay nắm lấy nhau, giọng điệu đầy sự cẩu khẩn: “Hôm đó cháu sai, thưa bác, mời bác vào nhà.”

Bà già cười khùng khục, đánh cây gậy chống tay lộp cộp xuống đất. Khi vào đến phòng khách, thấy một bóng người mặc áo tấc xanh đang ra hiệu với mình, bà già hiểu hôm nay người phụ nữ kia sẽ có phản ứng mạnh đến thế nào. Trong lòng thầm nghĩ sao cái thân già này lại phải chống đỡ mấy duyên phận rắc rối này nhỉ ?

“Mời bác uống chén nước chè, có chuyện hôm nay cháu muốn thưa với bác. Cho cháu hỏi tên bà là gì ạ”.” Bà Xuyến rót chén nước, dâng lên bằng hai tay, đặt trước mặt bà già.

“Người ta gọi tôi là Mạnh Bà, tên lạ nhỉ ?” Người đàn bà đáp, hàm ý bà cũng chẳng phải người dương. Bà Xuyến tất nhiên hiểu điều đó, ngón chân bà lạnh toát, run rẩy.

Bà già nhìn nét mặt xanh xao, nhợt nhạt của người phụ nữ mà cũng bất lực thở dài. Bà nói thẳng thừng, không có chút gì gọi là kiêng kị:

“Chuyện con người là cái duyên cái phận, muốn tránh cũng tránh không được. Nay con trai cô dương khí không còn nhiều, ắt dương thọ suy giảm, cậu bé còn giao thiệp với người âm nên càng lúc càng yếu đi. Người đi theo nó cũng không phải vong ma dữ gì, gặp nhau trong vô tình nhưng lại ở cùng nhau trong một thời gian và nảy sinh những rung động, đó là duyên, hay nói là duyên âm đấy.”

“Duyên âm ?! Nó...nó không thể...x...xảy ra được ! Bác, bác coi cắt dùm cháu nó được không bác ?!” bà Xuyến nghe lùng bùng cả tai. Không bao giờ có chuyện bà để con trai mình qua lại với một người đàn ông, mà đó còn không phải người. Điều đó thật kinh khủng. Dẫu bà có đồng ý đi chăng nữa thì Nhựt cũng sẽ không thể sống như một người bình thường.

“Làm sao mà cắt ? Duyên âm mà cắt một cách miễn cưỡng là xem như duyên số ở đời sẽ vô cùng lận đận, chưa kể con trai cô không sống được bao lâu nữa.” Mạnh Bà lắc đầu, ra chiều không hài lòng về cách giải quyết vấn đề của bà Xuyến.

“Nó còn tương lai, thời gian của nó còn rất dài...” Bà lẩm bẩm, lòng cầu xin tất cả chỉ là một giấc mơ. Mạnh Bà chỉ đồng cảm bởi chính bà cũng không thể làm gì hơn được, nhất là khi, trong tối nay, hai vị Hắc Bạch Vô Thường sẽ ghé thăm nơi này.

“Ai bảo nó không có tương lai ? Chỉ cần nó nguyện ý phục vụ cho Diêm Vương đại nhân thì xem như tích được công đức, được ngài hậu ái cho mối duyên phận này, số mạng nó khi đã thuộc về phần âm thì lo gì thọ mạng nữa, thêm nữa, đã là duyên khi đã se lên rồi thì dù Nguyệt Lão muốn cắt cũng lực bất tòng tâm. Chuyện đôi trẻ phía Thập Điện Diêm La đều đã biết hết cả, hôm nay tôi tới đây, cũng là muốn khuyên cô thôi.”

Cuộc nói chuyện của hai người diễn ra rất lâu, không biết đã qua mấy tiếng đồng hồ. Bà Xuyến phản đối rất nhiều lần, tâm trạng cực kì xấu, bà muốn phát điên lên ngay lúc đó, muốn chết ngất đi, thiếu điều lên cơn đau tim mà thôi. Mãi sau khi biết mọi sự không thể thay đổi được gì thì đành nuốt nước mắt, gục đầu trên bàn xem như phó mặc số phận.

...

Chuyện nghi lễ cưới xin từ xưa đã rất phức tạp, nếu để nói rõ thì sẽ là một văn bản dài không thể đọc hết. Có những điều tất yếu phải làm, những điều kiêng kị phải tránh, những nghi thức dài dòng, những quan niệm mà các vị trưởng bối lúc nào cũng nhất nhất tuân theo. Theo tục cũ từ thời ông cha có mười hai lễ, sau vì nhiều lễ không thể hoàn thành thì rút lại còn chín lễ, sau nữa thành sáu lễ gọi là “Chu Công lục lễ”.

Sang hôm sau, khi bàn bạc, hai bà hỏi ý Nhựt đàng hoàng tử tế xong xuôi tất cả thì cũng quyết định nên phận cho mối lương duyên này, dù sao cũng chẳng còn đường khác ngoài chết trẻ. Như nghe được quyết ý của bên đàng dâu, có hai con chim nhạn bay từ ngoài đậu lên cửa sổ, Mạnh Bà nói đó là dành cho lễ nạp thái, xem như cậu con trai nhà này đã được ấn định làm tân nương cho vị Ám Quan kia rồi. Để nói về lễ này, từ xưa, khi hai gia đình đính ước, đôi chim sẽ được đem biếu nhà gái, ý chỉ đã chọn con gái nhà đấy làm dâu. Đôi chim nhạn ý chỉ phu thê không bao giờ lỗi hẹn, bởi nhạn là loài chim chung thủy, chung tình, con này chết thì con còn lại cũng u sầu đi theo. Cũng vì vậy, lễ nạp thái còn có tên khác là lễ Điện Nhạn.

Tiếp đó là lễ vấn danh. Lễ này là để xin tên họ, ngày tháng năm sinh của tân nương để xem quẻ xét tính hợp trong tuổi tác với tân lang, nhưng thực tế rằng sinh thần bát tự của Nhựt đều nằm trong sổ nam tào của Phán Quan đại nhân nên giờ chỉ xin tóc máu để tết cùng tóc tân lang, như một hình thức gắn kết phần âm của tân lang và phần dương của tân nương.

Lễ nạp cát là lễ thứ ba, lễ này là để thông báo cho nhà gái biết rằng đã xem bói được quẻ tốt, nam nữ hợp tuổi nhau thì lấy được nhau, nếu tuổi xung khắc thì thôi. Đây là hình thức mang tính tâm linh của người xưa, tuy nhiên Tịch Dương là người âm, còn Nhựt khi gả qua cũng hưởng phần âm đó nên lễ này được bỏ qua.

Ba lễ trên được tính là thăm hỏi qua lại của hai nhà, xét tính hợp tình hợp lý, xứng đôi vừa lứa nên diễn ra nhanh chóng trong một buổi sáng.

Đến tối, ngay canh ba, Mạnh Bà cùng hai bóng đen trắng và một bóng xanh xuất hiện trước cổng, bà Xuyến vội đi ra, đích thân mở cồng mời cả bốn vào nhà, nếu không thid sẽ bị ngăn bởi phép trấn đất của Thổ Địa. Trong các sứ giả của địa phủ chỉ có hai vị Hắc Bạch Vô Thường có quyền hạn lui tới dương gian nhất, vì thế thuận tiện đến “dọn điềm xấu” trong quá trình thực hiện hai nghi lễ nạp tệ và lễ thỉnh kỷ. Ngoài Mạnh Bà và Hắc Bạch Vô Thường, còn một người đàn ông cao lớn theo sau, mặc áo tấc xanh dương, trước ngực đeo một thứ như lệnh bài ngọc trắng, gương mặt trắng toát, mắt vàng kim sáng ngời, tai đeo đôi khuyên vàng, tóc buộc ra phía sau. Nhìn tổng thể là một dáng vẻ trưởng thành, chín chắn, khác hoàn toàn với ý nghĩ của bà Xuyến về một hình dạng xấu xí, ốm yếu, máu me khi bà nhìn thấy thân ảnh mờ nhạt của anh ta bên cạnh Nhựt . Ấn tượng về lần gặp đầu tiên của nhạc mẫu với “con rể tương lai” chính là như vậy.

Lễ nạp tệ là nghi lễ thứ tư, lễ này còn có tên khác là lễ ăn hỏi, nói đơn giản là nghi thức thách cưới của nhà gái, sính lễ do nhà gái quyết định, nhà trai lo được thì mới cho cưới. Ngày xưa, các cụ bên đàng gái sẽ thách thật nhiều, như bao nhiêu cau, bao nhiêu trầu, bao nhiêu rượu, bao nhiêu tiền bạc,...nói tích cực là xem quyết ý lấy con gái của đàng trai có đủ hay không, nói tiêu cực là để thu lời từ sính lễ nhà trai, gần giống như bán con vậy. Nhưng đối với bà Xuyến thì bà chẳng thách gì, gả con đi mà đổi được cho nó cái mạng sống lâu hơn thì đó là cái lễ vật lớn nhất mà bà muốn. Nhưng ít nhất, để trọn lễ, Mạnh Bà vẫn đem những thứ trầu cau, tư trang quan trọng cho lễ sau cùng.

Đến lễ thứ năm là lễ thỉnh kỷ, là lễ xin định ngày giờ làm rước dâu tức lễ cưới,lễ xin cưới. Đến đây thì Mạnh Bà khuyên nên chọn ngày gần nhất để thuận tiện đúng giờ cho một sự kiện khác, được thì mốt, mà tốt nhất là mai, càng để lâu, việc quan trọng lại càng không được chu toàn tốt. Tuy nhớ nhưng cũng xót con nên bà Xuyến cũng theo ý Mạnh Bà, chọn luôn ngày mai làm lễ thứ sáu.

Định xong năm lễ thuận lợi, thở phào một hơi, nhìn sang vị Ám Quan sắp được rước tân nương vào cửa thì Mạnh Bà thầm hiểu ngài ta đang vui như mở cờ trong bụng.

Vì là người âm rước dâu nên lễ thứ sáu là lễ thân nghênh, còn gọi là lễ Nghênh hôn, được tiến hành vào ban đêm, đúng ngày giờ đã định, họ nhà trai mang lễ đến để rước dâu về. Tuy đến gần cuối vì gia quyến tân nương còn quyến luyến nên qua thời gian rước dâu một chút, nhưng may thay, cửa âm dương vẫn còn thì giờ, chưa hoàn toàn đóng.

Sáu lễ cưới cổ truyền đã xong, tuy nhiên, tân nương là người dương nên vẫn phải qua bảy ải của âm giới để đến Thập Điện Diêm La, như thêm một nghi thức để con dâu “qua cửa” nhà chồng.”

Tiếng kèn trống vang dội khắp bầu trời đen, mặt trăng đỏ quạch chiếu sáng rực đường trải vải lụa đỏ mọc đầy bỉ ngạn hoa, phản chiếu huyết sắc kinh diễm của sông Vong Xuyên. Vong ma, cô hồn dạ quỷ tụ tập như ngày lễ hội lớn rình rang, kẻ hô hào vui sướng, kẻ nhặt tiền giấy mỏi cả tay.

Ngồi trong kiệu, Nhựt nắm chặt tay một cách hồi hộp, hơi thở gấp gáp, một nỗi lo cùng tò mò khiến cậu đứng ngồi không yên. Vậy là cậu đã tới nơi u ám, dị biệt nhất tam giới, nơi khắc nghiệt nhất chôn vùi bao kiếp người, bao tội trạng không thể dung tha – Âm giới.

___________________________

Download MangaToon APP on App Store and Google Play

novel PDF download
NovelToon
Step Into A Different WORLD!
Download MangaToon APP on App Store and Google Play