Phan Khôi, đi sau xe tang, chỉ có bác gái và các con với một mình chị Hằng Phương - cháu gọi bằng cậu. Trần Dần và Lê Đạt ra khỏi cơ quan, chuyên dịch không ký tên cho nhà xuất bản Văn Học. Nhà xuất bản Sự Thật thuê Trần Đức Thảo duyệt dịch sách lý luận kinh điển. Ban chấp hành Hội Nhà văn quyết định truất ba năm hội tịch Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán đăng tin trên báo Văn Học, cơ quan của Hội. Tôi không nhớ việc ở các hội nghệ thuật khác.
Nhưng đằng đẵng ba mươi năm không hội văn học nghệ thuật nào lôi ra xem xét lại. Sợ sệt, phấp phỏng không phải chỉ ở tâm trạng mấy ông Nhân Văn cả nước, mà tràn lan đến những Nhân Văn phố, Nhân Văn xóm, chẳng bị kỷ luật gì, nhiễu người không phải vì bài văn câu thơ, mà bởi lời nói bông lông, bốc trời chẳng hạn, cũng bị quy chụp luôn. Hữu Loan không ở nhóm nào cũng bỏ làm báo Văn Nghệ về Thanh Hoá. Nghe nói sinh nhai bằng nghề đi xe thồ và vào núi đập đá bán. Những cây bút trẻ, như Vũ Bão, như Lê Bầu, có mấy truyện in sách, đăng Văn nghệ Quân đội tươi mát lắm, cũng chột luôn. Triền miên lẳng lặng bề ngoài bình thường như đã xoá đi, nhưng bên trong thì khác. Người có vấn đề thì lo đối phó.
Người canh gác thì cảnh giác. Tập ký của Nguyễn Tuân đưa nhà xuất bản Văn Học lần nào cũng được trả lời: Phát hành người ta chưa lấy được đủ số lượng. Nhà xuất bản có nhã ý gửi tác giả ít tiền ứng trước, thỉnh thoảng lại ứng trước. Nhưng rồi cũng không hẳn yên ổn. Đôi khi lại tòi ra Đống rác cũ, lại Vào đời, lại Cái gộc, lại chuyện Bác Hồ đi tắm bãi Titốp ngoài Hạ Long...
Những người theo dõi lại vất, lại nhộn nhịp. Mấy năm đầu, đôi khi Lê Đạt, Phùng Quán cũng viết ký tên khác cho sách bướm sở Văn hoá, Công Uẩn, Lê Đạt hay Phùng Quán truyện dự thi về Lênin, truyện cho thiếu nhi Tâm Trọc về thăm nhà, nhà xuất bản Kim Đồng in, Trần Dần dịch tiểu thuyết Những người chân đất không ký tên. Chỉ vài người quen có biết. Sau có lẽ cũng buồn, vì tên tuổi chẳng đi đến đâu, các anh thôi. Hoàng Cầm thì vẫn thế. Ai bảo thơ Hoàng Cầm hai mặt, một mặt, không, Hoàng Cầm có thể cắt nghĩa thành ba mặt, bốn năm mặt cũng được. Chỉ có tâm hồn thơ và cái giọng vàng mười hát thơ trên đài Tiếng nói Việt Nam, là không ai quên với vẻ đẹp thơ lấp lánh vàng mã trang kim - nhận xét của Lê Đạt. Đặng Đình Hưng dịch tài liệu cho hội nhạc, buôn rượu lậu và làm thơ. Từ dạo làm cái bài hát theo thời Nông dân là quân chủ lực. Đặng Đình Hưng chán nhạc. Oái oăm như Văn Cao chỉ được sinh hoạt ở hội nhạc, thì lại kiếm ăn bằng vẽ bìa. Văn Cao làm bìa độc đáo, có nét riêng. Đặng Đình Hưng viết một tập thơ Nhân, có chỗ buồn tay làm mấy trang đánh dấu chấm như mưa. Hiện nay, tập thơ ô mai của Đặng Đình Hưng cũng nhiều bài lấy ở tập Nhân thơ đầu tay. Ông cử Hưng - như người làng gọi, túng kiết lắm. Xách bị buôn chuyến rượu trong quê Chương Mỹ ra để được uống ghé vào đấy. Nhưng vẫn những tưng bừng bất thường. Đặng Đình Hưng rủ tôi lo đêm Trần Khánh hát. Đặng Đình Hưng biết tôi thích cái giọng sạn sạn của Trần Khánh, người hát hay mà chưa học hát bao giờ và lận đận vì lý lịch. Đêm ấy, cả buổi tối, một mình Trần Khánh hát. Hai đứa con lớp năm, lớp ba chi đó ngồi chầu hẫu dưới này rồi rối rít giơ tay đánh nhịp theo bố hát. Tôi tặng Trần Khánh bó layơn hồng - Trần Khánh chẳng thể biết tôi không chơi hoa mua hoa bao giờ. Đặng Đình Hưng kèm vào bó hoa một chai rượu. Chắc cái bị khoác vai đeo rượu đi bán để ngoài cửa. Đặng Đình Hưng ôm tôi, thì thào:
- Thành công, thành công, Trần Khánh!
Như chuyện Kim Kiều tái hợp, đời người cũng có hậu, những năm sau này Đặng Đình Hưng được con trai gửi tiền nuôi. Mua một căn hộ 23 thước vuông, thuê một máy điện thoại. Cứ chặp tối lại nghe giọng rè rè 44639, 201 C4 Hưng Giảng Võ đây Đặng Đình Hưng bày ra chiếu giữa nhà cả chục hũ thuỷ tinh rượu ngâm tắc kè, rắn, ba kích, dái dê, quất hồng bì, bẩn gớm chết. Hôm này nếm rượu nhà Đặng Đình Hưng về tôi cũng bị tào tháo đuổi. Khách ghé gẩm uống nhiều nhiều. Ông chủ đã để những chai rượu chợ ra phía ngoài. Cho người ta uống chạc, ngồi nhìn mà trong bụng khinh. Bây giờ Đặng Đình Hưng lại bỗng thấy trong văn nghệ thì nhất hội hoạ. Đặng Đình Hưng vẽ lụa, sơn dầu, sơn mài... Đăng Đình Hưng nguệch ngoạc xuống giấy rồi thuê người làm sơn mài. Đặng Đình Hưng bảo tôi:
- Em vẽ ông anh ngồi uống rượu đấy.
Rồi trỏ vào mấy chấm vàng và một nét nửa chữ V trên nền sơn then. Trần Lưu Hậu và Trọng Kiệm gật gật, giơ chén.
Tiểu thuyết Người người lớp lớp về Điện Biên Phủ của Trần Dần, bắt chước giọng như tiểu thuyết Trung Quốc đương bày bán ở các hiệu sách của Triệu Thụ Lý, của Mã phong, những Anh hai Đen lấy vợ và ánh lửa đằng trước, cũng chương hồi, cũng: Lại nói về chỉ còn thiếu có câu hồi sau phân giải. Và cái kiểu nhân vật tên kép hai ba chữ Hùng Sinh, Trần Hoàng, Ngô Thiên Lý của Trần Dần đã được nhiều người bắt chước theo. Trong khi, theo cách từng thời của văn ta, tên người chỉ một chữ và khi dùng hai, ba chữ đều do những yêu cầu riêng. Đến thời văn chương Tự Lực đã dọn lại thành Mai, Chương, Tuyết, cần lắm mới thêm chữ tú, chữ hai, hay hai ba chữ tiếng lóng. Năm Sà Goòng, Bảy Sẹo... Tên hai ba chữ là trở ngược lại một giai thoại văn học đã qua. Mấy năm ấy, Trần Dần loay hoay với một tiểu thuyết - mà tôi được đọc bản thảo, không nhớ tên, hay là chưa có tên. Kết quả công phu Trần Dần đi vùng phố Khâm Thiên làm quen với những người thời pháp đi lính nguy và viết về họ.
Cuốn tiểu thuyết ấy như tác phẩm của các nhà văn phái tiểu thuyết mới của văn học Pháp hiện nay, những tiểu thuyết Năm ngoái ở Marinba của A.R.Griê, Người lạ mặt của N.Sarôt, Thay đổi của M.Buto... Các ông này viết khó hiểu, mỗi quyển trên đằng cuối in thêm một trang hướng dẫn người đọc Mới đây, trên một tờ phụ san văn nghệ ở thành phố Hồ Chí Minh, Dương Tường có trao đổi về một bài báo tôi viết về vấn đề những cái dấu trong câu văn. Dương Tường không đồng ý với luận điểm của tôi. Vấn đề này chúng ta còn tiếp tục bàn nhưng tôi đọc của Griê, của Buto loại in phổ thông, thật có tờ chỉ dẫn cách xem ở trang cuối Tôi không bịa dựng đứng ra đâu.
Lời tựa tiểu thuyết mới này của Trần Dần đại để: Nông nghiệp nước ta đương tiến lên công nghiệp, những cánh đồng đã bờ vùng bờ thửa, văn tôi cũng bờ vùng bờ thửa. Trang sách bờ vùng bờ thửa của Trần Dần, một chương chữ như kiến bò đều đều từ đầu tới cuối không xuống dòng. Nhân vật trò chuyện và câu văn không có dấu. Người ta nói có ngừng lại để đánh dấu đâu. Rất nhiều tiếng lóng hủi, hủi - Văn tiếng lóng, văn hiện đại nhất. Thơ văn tiền phong hướng về tương lai, phải chôn hết cái cũ để cái mới xuất hiện. Trần Dần bảo thế.
Tuần báo Văn của Hội Nhà Văn mà Nguyên Hồng phụ trách vẫn ra đều. Nhưng hầu như số nào cũng lọt những bài mà các cơ quan trách nhiệm cảm thấy ẩn ý sao đấy. Kể cả một truyện ngắn của Nguyên Hồng. Truyện rất ngắn ấy, câu chuyện một con hổ người nuôi ở nhà như con chó. Phường săn kia bắt được trong rừng một con hổ bé tý tẹo. Con hổ được đem về nuôi trong nhà, cho đến khi con hổ to đùng. Hổ hiền lành bè bạn với con cún, con mèo, con gà. Nguyên Hồng đã có lần kể cho tôi nghe về nguồn gốc truyện này.