Trong một công trình nằm sâu dưới lòng đất, nơi mà ánh sáng mặt trời không thể chiếu tới, năm con người đang bước đi. Họ mang theo khao khát đi xuyên qua bóng tối và lịch sử để khám phá ra những câu chuyện, những con người và những sự thật bị vùi lấp. Đó là những thành viên của đội khảo cổ tại Viện nghiên cứu thành phố Thanh Hải.
Dẫn đầu là một giáo sư già với cơ thể vẫn còn rất khỏe mạnh, ông toát lên khí chất của một học giả uyên thâm. Tên của ông là Tống Thiên, những ai có quan tâm đến khảo cổ học đều biết đến cái tên này. Cuộc thám hiểm hầm mộ này là do chính ông đã đề ra. Nơi này thuộc diện được bảo tồn nên họ không thể đào xới quá nhiều tại đây, ông đã chọn những người giỏi nhất để tiến hành một cuộc khám phá những điểm trọng tâm.
Đi bên cạnh ông là Thi Tiến, trợ lý lâu năm của Tống Thiên. Ông ta đã theo giáo sư Tống từ những năm đầu tham gia viện nghiên cứu và làm việc tại phòng khảo cổ. Nhờ giáo sư Tống mà Thi Tiến có được những thành tựu lớn trong công việc của mình, phần lớn đều là những dự án chung của hai người.
Một chàng trai trẻ cầm theo đèn pin siêu sáng soi đường đi phía trước, anh ta là Đoàn Hưng Vinh, một thiên tài trong giới khảo cổ. Dù chỉ mới ra trường chưa lâu, Đoàn Hưng Vinh đã có được nhiều thành tựu và có kiến thức sâu rộng không hề thua kém bất kì người nào trong phòng khảo cổ. Anh ta vẫn tự cao rằng mình chỉ chấp nhận thua một người duy nhất là Tống Thiên. Tính khí tự cao đó khiến cho Thi Tiến không mấy thích anh ta, nhưng Tống Thiên lại vô cùng hứng thú với tài năng của cậu trai trẻ. Lần này ông cũng chọn Đoàn Hưng Vinh làm thành viên đầu tiên cho đội thám hiểm. Với quy mô lần này, từ thám hiểm thích hợp hơn là khai quật.
Đi phía sau ba người họ là Đỗ Mạnh Duy, một thành viên lâu năm của phòng khảo cổ. Trái với Đoàn Hưng Vinh, Đỗ Mạnh Duy không phải người có trí thông minh vượt bậc, Tống Thiên chọn ông ta theo là bởi vì kinh nghiệm lâu năm. Đỗ Mạnh Duy vốn là người trầm lặng ít nói, không mấy người biết ông ta đang nghĩ gì. Đối với Tống Thiên, chỉ cần ông ta làm được việc, không quan trọng tính cách ông ta ra sao. Ông ta phụ trách mang vác các dụng cụ nặng nề cho đội.
Thành viên cuối cùng của đội khảo cổ là Trần Long. Anh ta là con trai của viện phó Trần, do đam mê khảo cổ nên được sắp xếp vào phòng khảo cổ làm việc với sự chỉ dạy của Tống Thiên. Ông không hề coi trọng Trần Long, đối với ông thì anh ta chỉ là một đứa trẻ thích chơi trò khảo cổ. Năng lực chuyên môn của anh ta không tốt, nỗ lực cũng không đến đâu, Tống Thiên và Thi Tiến luôn nhủ thầm rằng Trần Long là gánh nặng của phòng khảo cổ. Thế nhưng ai cũng hiểu rõ rằng không nên chống lại người có gia thế như Trần Long, tất cả đều giả vờ coi trọng anh ta.
Đoàn Hưng Vinh quan sát những bức tường và nhận xét “Những hình ảnh và chữ viết này cho thấy hầm mộ được xây dựng từ những năm 1600, nơi này không phải là hầm mộ của vua chúa nhưng chắc chắn là của một người có thế lực rất lớn.”
Tống Thiên gật gù đồng tình với nhận định đó. Trần Long lại không cảm thấy lời Đoàn Hưng Vinh vừa nói có gì đáng khen “Không phải là người có thế lực làm sao mà xây dựng được một hầm mộ hoàng tráng như vậy, kết luận đó có hơi thừa thãi đấy. Nếu anh chịu khó quan sát kĩ hơn thì sẽ thấy có rất nhiều hình ảnh hoa hướng dương tại đây, có thể suy đoán rằng chủ nhân của nơi này rất thích hoa hướng dương.”
“Vào những năm 1600, hoa hướng dương là loại hoa biểu tượng của thành phố Thanh Hải, nó xuất hiện trong rất nhiều vật phẩm thời đó. Đây là nét đặc trưng, không liên quan gì đến sở thích cá nhân của chủ nhân hầm mộ cả.” Đoàn Hưng Vinh thấy suy nghĩ của Trần Long quá ấu trĩ.
“Nhưng chủ nhân nơi này vẫn phải thích hướng dương mới trang trí hầm mộ như vậy chứ. Đâu phải cứ là biểu tượng thì ai cũng sử dụng đâu.” Trần Long vẫn thấy suy nghĩ của mình có lý.
“Đừng tranh cãi nữa.” Giáo sư Tống lên tiếng. Mặc dù một người thì tự cao, một người thì ỷ vào xuất thân của mình, Đoàn Hưng Vinh và Trần Long vẫn có sự kính trọng nhất định với Tống Thiên, họ lập tức nghe lời ông.
Đỗ Mạnh Duy bỗng dừng chân và gọi mọi người “Ở đây có tiếng động.”
“Chú nói cái gì nghe ghê vậy. Hầm mộ này ngoài chúng ta ra còn có ai được nữa mà lại có tiếng động được.” Trần Long nói.
“Chắc chỉ là chuột thôi, nhưng chúng ta cũng nên thử đi sang phía đó xem thế nào.” Thi Tiến đề nghị.
Sau khi cân nhắc về vấn đề an toàn, Tống Thiên theo gợi ý của Thi Tiến dẫn mọi người đi qua lối đó. Do đường chật hẹp nên họ đi theo hàng dọc với người đi đầu là Đoàn Hưng Vinh.
“Tôi không nghe thấy tiếng động nào cả, chắc chú Đỗ nghe nhầm thôi.” Anh ta lên tiếng.
Phía trước hiện ra một hang động lớn, Đoàn Hưng Vinh đưa đèn pin quét qua một lượt và dừng lại ở một thứ vô cùng nổi bật. Đó là một bức tượng với tỉ lệ một phần tư của một người đàn ông. Ông ta mặc trang phục của quý tộc thời xưa, và đặc biệt là gương mặt của ông ta toát lên vẻ hung ác rợn người.
Tống Thiên ra hiệu cho Đoàn Hưng Vinh chiếu đèn vào bức tượng, ông quan sát nó một cách thật cẩn thận. Trần Long có chút bất an trong lòng “Trong hầm mộ sao lại có bức tượng ghê rợn này cơ chứ? Quả là làm người khác giật mình.”
“Làm nhà khảo cổ mà lại sợ ma sao? Cậu không biết là chúng ta đã và sẽ đào bới bao nhiêu ngôi mộ, phá tan giấc ngủ ngàn thu của bao người thiên cổ à? Chuẩn bị tinh thần đi, chúng ta là những kẻ bị những bóng ma ngàn năm nguyền rủa đấy.” Đoàn Hưng Vinh cười nhạo thái độ sợ sệt của Trần Long. Anh ta là người duy nhất dám có thái độ như vậy với con trai viện phó.
“Tôi chỉ bảo là giật mình thôi, ai bảo là tôi sợ chứ. Đoàn thiên tài, tôi nghĩ anh mới là người đang che giấu nỗi sợ bằng cách tỏ ra mạnh mẽ đấy.” Trần Long cãi lại.
“Hai cậu trật tự chút đi, giáo sư đang nghiên cứu đấy.” Thi Tiến lên tiếng nhắc nhở.
Tống Thiên quan sát thêm một lúc rồi bảo với Đỗ Mạnh Duy “Cậu hãy đem theo bức tượng này, chúng ta đã có thu hoạch. Tạm thời hãy đưa bức tượng này về viện nghiên cứu, việc khám phá tiếp hầm mộ sẽ để sau.”
Đỗ Mạnh Duy không nói lời nào và lập tức nghe lời, ông ta vác bức tượng lên và theo chân Tống Thiên rời khỏi hầm mộ.
Đoàn Hưng Vinh cảm thấy thất vọng “Giáo sư, dù bức tượng đó đúng là một cổ vật đáng giá nhưng đó chưa chắc là thứ đáng giá nhất chúng ta có thể tìm được. Những báu vật cổ xưa thường sẽ nằm ở nơi sâu nhất trong hầm mộ. Chúng ta còn chưa tìm được quan tài của người được chôn ở đây nữa.”
“Phải đấy, chúng ta đã đi được bao xa đâu. Như thế này đâu có phải đi tìm cổ vật, rõ ràng chỉ là lấy đại một thứ rồi đi ra.” Trần Long cảm thấy cứ như vậy mà về thì thật là nhàm chán.
Thi Tiến tỏ vẻ không hài lòng ra mặt với hai chàng trai trẻ này, tuy nhiên trong bóng tối họ không thấy được vẻ mặt đó của ông ta. Nhưng dù có thấy được, Đoàn Hưng Vinh và Trần Long cũng không quan tâm ông ta nghĩ gì.
Tống Thiên biết hai người họ muốn tìm thứ đáng giá hơn, thú vị hơn, ông giải thích cho bọn họ “Giá trị của cổ vật không đơn thuần nằm ở thời gian hay độ quý hiếm mà là câu chuyện gắn liền với nó. Một đồng tiền cổ bình thường không thế so sánh được với một cái ấn được nhà vua sử dụng. Bức tượng này cũng vậy, nếu đó là bức tượng bình thường thì đúng là giá trị không cao, nhưng nó có một câu chuyện gắn liền vô cùng đáng giá.”
Ông im lặng một lúc để hai người họ dự đoán, Trần Long là người nhanh miệng hơn “Có phải đây là một cống phẩm của nước ngoài được dâng tặng cho một nhà quý tộc ở nơi đây? Nó đáng giá bởi vì là hàng ngoại quốc đúng không ạ?”
Đoàn Hưng Vinh phì cười với lối suy nghĩ đó, anh ta không ngờ có người nghĩ cổ vật cũng có chuyện hàng ngoại đáng giá hơn, quả là đỉnh cao của sính ngoại. Anh ta đưa ra một nhận định sâu sắc hơn “Nhìn vào cách chạm khắc, rõ ràng đây là nét đặc trưng của các thợ điêu khắc trong nước vào thế kỷ 17. Nếu thu hẹp phạm vi hơn thì chỉ xung quanh thành phố Thanh Hải này. Nếu nó đáng giá hơn những bức tượng bình thường thì có lẽ đây là tác phẩm của một nhà điêu khắc nổi tiếng.”
Anh ta nêu vài cái tên nhưng Thi Tiến nhanh chóng nhận định đây không phải là tác phẩm của họ. Thấy thế, Trần Long không bỏ lỡ cơ hội để cười nhạo lại “Tưởng thiên tài là thế nào, hóa ra cũng không biết phân biệt tay nghề của các nghệ sĩ xa xưa.”
Trước khi lại có một cuộc tranh cãi diễn ra, Tống Thiên đưa ra đáp án cho câu hỏi của ông “Bức tượng này là về một người đàn ông sống vào những năm đầu thế kỉ 17. Ông ta tên là Cốc Tử Long, một nhà quý tộc đầy quyền thế tại thành phố Thanh Hải này. Theo các ghi chép lịch sử thì nhà họ Cốc này có quyền lực không thua kém gì nhà vua, người ta hay gọi họ là lãnh chúa phía đông.”
“Quả là một nhân vật lớn, em có nghe qua về một số thành viên nhà họ Cốc, nhưng về Cốc Tử Long thì lại không rõ. Ông ta là ai và sao lại có ít tư liệu về người đó như vậy?” Đoàn Hưng Vinh thắc mắc, một nhân vật như thế tại sao anh ta lại không biết tới suốt thời gian qua.
“Chắc là tên vô danh tiểu tốt trong dòng họ chứ gì? Hiểu rồi, đây là hầm mộ của Cốc Tử Long không có gì giá trị nên chúng ta lấy tạm bức tượng về là được.” Trần Long đưa ra kết luận.
“Đừng ăn nói vớ vẩn.” Thi Tiến nhắc nhở.
Tống Thiên đã quen với tính cách của những thành viên trong phòng khảo cổ nên không để tâm đến những câu nói lạc đề của Trần Long, ông tiếp tục giải thích cho các thành viên còn lại “Cốc Tử Long là người bị cả gia tộc và toàn bộ những người trong khu vực tìm cách xóa bỏ khỏi lịch sử. Bởi lẽ ông ta chính là một ác ma, một kẻ cực kì nguy hiểm. Cốc Tử Long đã luyện tà thuật đến một trình độ thượng thừa và xây dựng một thế lực cho riêng mình. Lúc bấy giờ người ta hay gọi Cốc Tử Long với một cái tên khác là Tà Thần.”
“Tà Thần, việc này nghe thật vớ vẩn.” Đoàn Hưng Vinh và Trần Long cùng kêu lên, rất lâu rồi họ mới có cùng một ý kiến như vậy.
“Chúng ta là nhà khảo cổ, cần tiếp cận lịch sử dưới nhiều góc độ, cả về góc độ tâm linh.” Thi Tiến giải thích thay cho giáo sư Tống.
“Giáo sư, đừng bảo ông tin vào chuyện tà thuật nhé. Cốc Tử Long, Tà Thần, nghe như chuyện tâm linh trong tiểu thuyết của Đường Mộc Nhi vậy.” Trần Long cảm thấy chuyện này thật điên rồ. Anh ta rất thích những câu chuyện ma, thế nhưng để nói ma quỷ hay tà thuật thật sự tồn tại thì anh ta không tin nổi.
“Tin hay không tùy thuộc vào niềm tin, đã có những ghi chép bí mật viết về Cốc Tử Long. Có nhiều ghi chép khác nhau từ những nguồn không hề liên quan đến nhau, dù khó tin nhưng chúng ta cần phải đánh giá một cách khách quan nhất.” Mặc dù Tống Thiên có niềm tin vào khoa học, ông vẫn không hoàn toàn bác bỏ chủ nghĩa duy tâm.
“Chú Đỗ, chúng ta tìm được bức tượng kì quái này là nhờ công của chú đấy. Nhưng mà rốt cuộc là chú nghe thấy tiếng động gì ở đó vậy?” Đoàn Hưng Vinh hỏi.
“Là tiếng gọi. Một tiếng gọi từ xa xăm của một người đàn ông. Giọng nói của ông ta vừa như ra lệnh, vừa như dụ dỗ, khó mà chống lại được tiếng gọi đó.” Đỗ Mạnh Duy đáp.
Một thoáng im lặng trôi qua, Đoàn Hưng Vinh bật cười lớn “Chú Đỗ nghiêm túc hôm nay cũng biết bày trò hù dọa cơ đấy.”
Năm người bọn họ chưa về ngay viện nghiên cứu mà ở lại trại qua đêm. Họ dự tính sẽ dựng trại ở lại trong vòng một tuần để khám phá từng ngóc ngách của hầm mộ này, thế nhưng chỉ vừa mới ngày thứ ba thì Tống Thiên đã cho ngừng việc tìm kiếm. Lúc này trời đã về khuya, họ quyết định sáng mai sẽ quay về sau.
Bức tượng được Đỗ Mạnh Duy đặt trong lều, Trần Long có chút khó chịu về việc đó “Chỗ mọi người ngủ nghỉ lại đặt bức tượng đáng sợ này vào, không phải là không được tốt hay sao?”
“Cậu đang sợ nửa đêm tỉnh dậy gặp ác mộng đấy à?” Đoàn Hưng Vinh thưa cơ chế giễu “Bức tượng quý thế này chẳng lẽ lại đem vứt ở ngoài, lỡ bị trộm hay thú vật tha đi mất thì sao?”
“Đừng tranh cãi nữa, chúng ta sẽ để bắt tượng trong này, không ý kiến gì nữa hết.” Tống Thiên lên tiếng kết thúc cuộc cãi vã chưa kịp bắt đầu.
Năm người họ chui vào túi ngủ và say giấc. Đến nửa đêm, Trần Long tỉnh dậy để ra ngoài đi vệ sinh. Buổi tối ở một nơi hoang vắng như thế này thật đáng sợ, Trần Long không dám đi quá xa căn lều của họ. Nếu còn ở thành phố, dù là ba giờ sáng thì vẫn còn ánh đèn và người qua lại, nơi đây lại tuyệt nhiên không hề có. Nhìn về phía hầm mộ, Trần Long cảm nhận thấy sự chết chóc phát ra từ đó. Tất nhiên, hầm mộ vốn là thứ gắn liền với cái chết, nhưng cảm giác mà nó mang lại còn đáng sợ hơn, anh ta nghĩ câu chuyện của Tống Thiên đã ảnh hưởng đến tâm lý của mình.
Trở về lều, anh ta thấy Đỗ Mạnh Duy cũng đã thức giấc và đang nhìn chằm chằm vào bức tượng. Cách mà ông ta không rời mắt khỏi bức tường trông rất không bình thường.
“Này, ông không ngủ được sao?” Trần Long lại gần hỏi nhỏ.
“Tiếng nói từ bức tượng khiến tôi không ngủ được.” Đỗ Mạnh Duy thì thầm.
“Tiếng nói gì cơ? Ông không bỏ được trò đùa đó sao?” Anh ta khó chịu với trò đùa dai này. Đỗ Mạnh Duy không đáp lời mà vẫn tiếp tục hướng ánh mắt về một hướng nhất định như đang đấu mắt với Tà Thần.
Nhìn thấy gương mặt dữ tợn thấp thoáng trong bóng tối, Trần Long lại thấy rùng rợn. Không quan tâm đến Đỗ Mạnh Duy nữa, Trần Long trở về chỗ của mình và nằm xuống nhắm chặt mắt.
Thỉnh thoảng Trần Long lại hé mắt nhìn xem Đỗ Mạnh Duy có còn nhìn trân trối vào bức tượng hay không và luôn thấy ông ta không hề di chuyển. Đến khi cơn buồn ngủ quá mạnh anh ta mới thôi không hé mắt nữa.
Sáng hôm sau, tiếng động ồn ào khiến có Trần Long tỉnh giấc. Thi Tiến lay anh ta dậy và bảo “Đến giờ này vẫn còn ngủ được sao?”
“Tôi ngủ không ngon nên dậy muộn chút, có cần khó khăn thế đâu. Mà sao trông ông có vẻ hoảng hốt vậy?” Trần Long ngồi dậy và dụi mắt.
“Có kẻ đã vào lều và lấy cắp bức tượng rồi. Không ngờ bọn trộm lại lộng hành đến vậy, đáng lẽ chúng ta nên cử một người gác đêm mới đúng.” Đoàn Hưng Vinh đi đi lại lại trông rất rối trí.
Giáo sư Tống đứng một góc đầy trầm tư, không ai rõ ông đang nghĩ gì trong đầu.
“Bức tượng biến mất? À phải rồi, hôm qua Đỗ Mạnh Duy đã thức nhìn nó suốt đêm cơ mà, làm sao lại có người lấy mất được?” Trần Long lên tiếng.
“Tôi... sau đó tôi cũng buồn ngủ và không biết chuyện gì nữa.” Đỗ Mạnh Duy nói.
“Chuyện này thật là, chúng ta lại trắng tay rồi. Đành phải tiếp tục tìm kiếm cổ vật khác trong hầm mộ thôi.” Thi Tiến lắc đầu chán nản.
“Chúng ta vẫn sẽ trở về viện theo kế hoạch.” Tống Thiên không có ý định quay lại đó ngay “Còn vào lúc này, việc cần làm là báo cảnh sát.”
Download MangaToon APP on App Store and Google Play