"Sao không mở đèn lên, ngồi trong phòng tối thui muỗi cắn bây giờ!"
Nghe ba gọi, nhỏ Dung giật mình, theo thói quen đáp một tiếng dạ cho ba yên tâm. Tháng mười chưa cười đã tối, hai mươi bốn giờ một ngày dường như ngắn lại, đầu tắt mặt tối sớm hôm chưa việc gì nên hồn thì trời đã sập tối. Nhưng đối với nhỏ Dung thì khác, gần tuổi băm, thất nghiệp, chưa chồng càng không con - thì một ngày dài như sông như biển.
Cách đây tám năm, Dung là nhỏ sinh viên ngành kỹ thuật năng nổ, hoạt bát. Trong kí ức của bạn bè cùng lớp, nhỏ Dung ngày ấy có dáng người cao ráo, gầy nhom, tóc ngắn ngang vai ôm trọn khuôn mặt bầu bĩnh và đôi mắt biết cười. Nhỏ đặc biệt ghét làm toán, đến mức thầy dạy toán đã vò đầu bứt tóc khi thấy tên của nhỏ học lại môn toán tận ba lần vẫn trượt.
Sau khi ra trường, Dung xin vào làm công nhân tại một phân xưởng gần nhà. Sáng sớm, nhỏ đi làm khi trời chưa hửng nắng, chiều tối về nhà, phố xá đã lên đèn. Những ngày đầu đi làm, nhờ cô tổ trưởng cầm tay chỉ việc, cô chú anh chị công nhân giúp đỡ, chỉ bảo, nhỏ quen dần với công đoạn của mình.
"Thông báo cho toàn thể anh chị công nhân viên, phân xưởng mình sẽ dời địa điểm về công ty mẹ. Công ty hiểu rằng việc sáp nhập này sẽ làm xáo trộn cuộc sống của các anh chị, nên quyết định đợi đến khi kỳ lương tiếp theo được thanh toán đầy đủ thì phân xưởng mới tiến hành di dời địa điểm".
Khỏi nói cũng biết, sau màn thông báo của chị thư ký, bên dưới phân xưởng bắt đầu rộ lên những tiếng xì xào to nhỏ.
"Đang yên đang lành tự nhiên sáp nhập?"
"Bình thường sáng đưa con đi học rồi mới đi làm mà còn tới trễ, xưởng mình dời thật chắc phải nghỉ thôi!"
"Đời công nhân bất công mà, người ta là chủ có quyền quyết định chứ cần gì hỏi ý ai!"
"Chắc là tính quỵt thưởng tết chứ gì? Phân xưởng ở đây còn được tiền trợ cấp, sáp nhập về công ty mẹ là bị cắt luôn khoản đó. Một công đôi chuyện!"
Chị tổ trưởng đi từ đầu dãy nhắc nhở công nhân tiếp tục công việc cho tới cuối dãy. Nhỏ Dung tay vừa làm, trong lòng thầm cảm thán cái vận xui của mình "Mình ở khu này từ nhỏ tới lớn, phân xưởng này khéo còn lớn hơn tuổi đời của mình. Thế quái nào vừa vào làm được một năm thì lại dọn đi. Lại phải lết cái thây đi xin việc!"
Ba của Dung đã nghỉ hưu, cả một đời khói lửa gánh vác gia đình, cũng có của để dưỡng già. Hai chị em Dung được học hành đến nơi đến chốn, không áp lực cơm áo gạo tiền. Biết là thế, nhưng nghĩ đến cảnh lại về ăn bám ba má, nhỏ gãi gãi đầu, tặc lưỡi thở dài.
Đã ba tháng kể từ ngày nghỉ việc, Dung rải hồ sơ trên khắp các trang tìm việc làm. Giờ thì nhỏ lại sinh ra cái tật khó chịu mỗi khi nghe âm báo email đến. Cùng một âm thanh, nhưng khơi gợi lên cả mớ cảm xúc? Là thất vọng khi đó là email rác? Là tuyệt vọng khi hồ sơ bị từ chối? Là một niềm vui nho nhỏ khi "may mà cái công ty đấy không nhận mình"?
"Phải đổi âm báo khác mới được" - Dung tự nhủ, đảo qua đảo lại cái danh sách nhạc chuông mà nhỏ sưu tầm được. Đúng lúc này, thằng Hoàng - em trai Dung đặt rổ táo vừa mới rửa sạch lên bàn, kéo ghế ngồi bắt chéo chân gọt táo. Lắm lúc, vỏ táo nó gọt bị đứt giữa chừng, nó chu mỏ tức tối rồi lại dán mắt vào gọt tiếp.
"Ba má mà thấy cái tướng ngồi của mày, là mày tàn canh gió lạnh à"
Nhỏ Dung trêu nó, thế nhưng nó cũng không phản ứng, vẫn chăm chú gọt táo, đáp lời chị nó:
- Tui mà xả hai cẳng chân ra là lại quen thói rung đùi, không rung thì chịu không được, mà rung thì không gọt táo được, khéo còn liếm dao vào tay!
Dung nghe thế, phì cười, tay nhỏ lướt nhẹ trên màn hình điện thoại một cách chậm rãi hơn lúc nãy. Bạn trai cũ của Dung vẫn thường tỏ ra ghét bỏ mỗi khi thấy tên đàn ông nào đó ngồi bắt chéo chân. Nhỏ bĩu môi, tặc lưỡi "Cũng may là buông đôi tay nhau ra sớm".
Thằng Hoàng ngó cái bộ dạng của chị nó, hỏi:
- Lại đổi nhạc chuông à?
Nhỏ hí hửng vì cuối cùng cũng đã chọn được nhạc chuông phù hợp với tâm trạng, nghe thằng Hoàng hỏi, đáp ngay:
- Ừ, sưu tầm về chẳng lẽ không xài, phí của giời.
- Như nhau cả, ngựa ngựa! - thằng Hoàng cười nắc nẻ, vẫn hí hoáy gọt táo.
Nó nói cũng đúng, không phải có mỗi nó, mà bạn bè cũng góp ý rằng nhỏ dành quá nhiều thời gian để nghe những "bản nhạt như nước ốc". Không chỉ dành thời gian để nghe, Dung còn dành thời gian rảnh rỗi để kéo đàn, bỏ ngoài tai lời rủ rê đi chơi của nhóm bạn. Chẳng giấu gì, vì mỗi khi cầm vào cây vĩ, nhỏ say sưa kéo đàn quên cả thời gian, quên đi mất mình là ai, quên đi những nỗi phiền muộn thường nhật. Âm thanh du dương của tiếng đàn lấp đầy tâm trí nhỏ, những đầu ngón tay chai sần và bong tróc đến tứa máu như một liều dopamine vỗ về thân xác mệt mỏi sau một ngày đi học, đi làm về.
Dung chỉ biết đến nhạc cụ khi lên 5 tuổi. Trước đó, nhỏ rất thích gõ phách, dù cho thời khóa biểu ở trường hôm đó không có môn âm nhạc, nhỏ vẫn lén bỏ đôi phách vào cặp táp, mang theo như một món đồ chơi ưa thích. Tình cờ, trong một lần được đến chơi nhà thiếu nhi ở khu phố, nhỏ mắt tròn mắt dẹt khi thấy cây đàn organ. Đứng trố mắt nhìn một hồi lâu, cô giáo đương dạy lớp đàn nhận ra sự hiện diện của Dung.
"Con có muốn học đàn không?" - giọng cô giáo trong trẻo mang ý cười, hỏi Dung.
Nhỏ hơi sượng vì bị phát hiện, lúng túng, không nói không rằng chạy trốn một mạch. Về nhà, Dung lôi cặp táp ra, dốc ngược xuống, lắc lắc cho đến khi thấy được đôi phách. Nhỏ quẳng cái cặp sang một bên, vồ ngay lấy đôi phách và bắt đầu gõ. Quái lạ, tại sao không thể gõ nốt được? Chẳng phải đều là nhạc cụ à?
Từ trong gian bếp đi ra, thấy con gái ném cặp sách tung trời lên, ba của Dung hắng giọng:
- Quậy hả? Tập sách chứ có phải đồ chơi đâu?
Nhỏ vẫn ngồi gõ phách lóc cóc, không trả lời ông. Đây không phải là lần đầu Dung ngó lơ mọi thứ xung quanh, nói chính xác hơn, bác sĩ kết luận nhỏ bị tự kỷ. Nhìn vào những con điểm thấp lè tè của con gái, ông chỉ biết thở dài. Ông và má Dung nên duyên vợ chồng, sống với nhau hơn bốn năm trời mới đẻ được một mụn con gái. Thế mà cho dù, cả hai vợ chồng dành thời gian mỗi tối để trò chuyện, kèm cho con gái học, thì nhỏ vẫn chả hiểu mô tê gì, vẫn khẳng định chắc nịch 1+1\=5. Nhiều lúc không thể kiềm chế được cơn giận, ông cầm chổi lông gà quất mạnh vào mông nhỏ, hy vọng nhỏ biết sợ mà tập trung học hơn. Ông ném cây chổi sang một bên, quát nó:
- Con biết lỗi chưa?
Trông kìa, mặt con bé vẫn bình chân như vại. Ông nhìn vào vết lằn trên mông nhỏ, hoài nghi rằng lẽ nào nó không đau, hay mình nương tay? Nhỏ Dung khều khều cái góc quăn của trang vở, nghe ba hỏi thì lấy cục gôm tẩy đi. Nhưng hỡi ôi, nhỏ không những tẩy đi cái kết quả tính sai, mà nhỏ hì hục tẩy luôn cả trang bài tập. Mặt ông chuyển từ đỏ tía sang trắng bệch như gặp phải ma, ông thầm nghĩ, lỡ như sau này mình đánh nó chết luôn mà mình không hay thì sao. Buông người dựa vào ghế, ông hít vào, thở ra, chậm rãi hỏi:
- Con có hiểu ba đang nói gì không, Dung?
Vừa dứt câu, ông thật sự tuyệt vọng vì sực nhớ ra, ngay cả tên nó nó cũng không biết nữa mà. Dung xòe ngón tay ra, đếm từ một đến mười, xong reo lên "hết". Ông nhăn nhó, hỏi nó:
- Vậy 6+5 bằng bao nhiêu?
- Bằng 5! - Nhỏ đáp, nhưng tay lại xòe mười ngón cho ông xem. Ông cau mày, cố giữ bình tĩnh tặc lưỡi:
- Sao bằng 5 mà giơ mười ngón tay?
Dung khựng lại, xoay lòng bàn tay mình lại nhìn chằm chằm, ngước mặt lên nhìn ông gật gù:
- Đều bằng 5! - Nói đến đây, nhỏ hét toáng lên, tỏ rõ thái độ không đồng ý xen lẫn cáu gắt. Thấy con gái mất bình tĩnh, ông mắng:
- Cho mày ăn học, mà tới trường không tập trung nghe cô giảng bài. Giờ không biết làm bài còn bướng, muốn ăn chổi không?
- Ăn rồi! - Nhỏ hét lên và lúc này nước mắt trào ra. Ba của Dung nghe câu trả lời, đột nhiên thấy buồn cười không chịu nổi. Ông đứng dậy bỏ ra ngoài, hé hé cửa phòng nhìn xem phản ứng của con gái. Lần này cũng thế, nó khóc mà không ra tiếng, chỉ chảy nước mắt, không nấc loạn lên mà chỉ chớp chớp mắt, gãi gãi đầu xong lật cái áo lên chùi lem cả nước mắt nước mũi.
- Nó khóc nó cũng không biết đó là cảm xúc gì đâu - bác sĩ ôn tồn giải thích cho ba của Dung hiểu - Anh đánh nó, nó đau thì nó khóc. Anh không hiểu ý nó, nó cũng chẳng hiểu ý anh, thậm chí, nó còn chẳng hiểu chính nó. Dạy dỗ những đứa trẻ như thế này sẽ rất vất vả, anh hãy dạy con từ những thứ mà nó thích.
Tiếng lách cách của đôi phách trên tay Dung như đưa ông về thực tại. Ông tiến đến ngồi cạnh nó, dò hỏi:
- Con thích gõ phách à?
Nghe ba hỏi, Dung dừng tay lại suy nghĩ đăm chiêu rồi thắc mắc với ông "Sao người ta gõ ra nhạc mà con gõ không ra nhạc?"
Ồ, hóa ra con gái ông chỉ nảy sinh tò mò, suy nghĩ và hành động khi nghe được tiếng nhạc. Trẻ con thì đứa nào chẳng thích nhạc, từ lúc chưa mở mắt đã ghiền nghe mẹ ru ngủ, đến khi biết bò lại lôi nồi niêu xoong chảo đánh trống, nghe nhạc trên đài vô tuyến là lắc lư theo nhịp, nhất là giai điệu quen thuộc của một bộ phim hoạt hình nào đó, con gái ông cũng không ngoại lệ. Có vài lần, ông bắt gặp nó hiên ngang bê nguyên chồng đĩa nhạc CD vào phòng vợ chồng ông.
- Rồi bê đi đâu vậy? Đó đâu phải đĩa hoạt hình của con?
- Đúng vậy! - nhỏ đáp lời ông chắc nịch, leo lên bàn nơi mà ông đặt máy chạy đĩa CD cùng dàn loa, ấn giữ nút mở khay đĩa một cách thành thạo, rồi hí hửng đặt đĩa CD vào. Nhìn bàn tay nhỏ xíu của Dung dạng ra hết cỡ để cầm đĩa CD cho khỏi trầy, ông phì cười, nhắc khéo:
- Ba nói con có nghe không, đây toàn là đĩa CD nhạc của ba má, nhạc tiếng Anh, con nghe không hiểu đâu.
Nom cái dáng người nhỏ bé thường ngày đụng đâu đổ đó, nay lại ngồi nâng niu từng cái đĩa CD, ông không khỏi ngạc nhiên. Chiếc đĩa bắt đầu xoay, nhỏ Dung nghe được tiếng nhạc thì vặn loạn xạ cái nút âm lượng để xem là vặn bên nào thì tiếng nhạc phát ra vừa phải. Nhỏ hát la la theo giai điệu, nhịp nhịp bàn chân phải, nhưng sắc mặt thì như mất hồn, đăm chiêu như bà cụ non.
Ông dường như hiểu được tại sao con gái ông lại hỏi vậy. Lần này, ông không bực tức về những câu hỏi không đầu không đũa của nó nữa, vội vàng hỏi nó:
- Con thấy người ta gõ ra nhạc ở đâu? Trông cái đó ra làm sao?
Như vớ được cọng rơm cứu mạng, nhỏ tuôn ra một tràng bập bẹ không chủ ngữ vị ngữ. Đại khái, nhỏ miêu tả đó là một cái bàn dài, có nhiều nút để gõ nhạc, phải dùng cả hai bàn tay để gõ. Ông đương nhiên hiểu ra ngay con gái ông đang nói đến nhạc cụ nào, nhưng ông giả vờ bày ra vẻ mặt ngạc nhiên, hùa theo câu chuyện của nhỏ:
- Đó là cái gì ha? Hay con vô đó học đi, rồi về kể cho ba với.
Nghe đến từ "học", Dung gãi gãi cổ, cảm giác như có cái gì đó chèn ở cổ làm chữ nghĩa định thốt ra bị nghẹn lại:
- Có phải làm cộng trừ không ba?
- Không, không có - Ông xua tay lia lịa - Nhưng con phải đọc được nốt nhạc, phải nhớ nốt nhạc nằm ở dòng kẻ nào, là nốt gì, bấm ngón nào và khi nào bấm, khi nào nghỉ.
Dung cau mày, lần này, nhỏ lại gãi gãi mông:
- Con không nhớ hết đâu, nhiều quá - Giọng nhỏ chùng xuống, không còn hào hứng nữa. Ông không khỏi xót xa khi nhìn thấy con gái nhỏ của mình - mới mấy tuổi đầu đã phải đắn đo lượng sức. Bọn trẻ độ này vô tư vô lo, tự phong mình là siêu nhân Gao rồi chạy khắp xóm trêu mèo chọc chó, bị đuổi đến ngã lăn ra vẫn đứng dậy phủi bụi, hò reo khí khái, tự tin vào sức mạnh cuồng phong của bản thân, hẹn quái vật "chó mèo" ngày mai tái đấu. Cũng vì chậm nói, chậm hiểu, Dung luôn bị từ chối bởi bạn bè cùng lứa. Ban đầu, nhỏ rất tức giận, nhưng bực tức mãi cũng không thay đổi được gì, nhỏ bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc mỗi khi bị người lớn la rầy. Dần dần theo thời gian, Dung như ý thức được rằng đầu óc mình có vấn đề, nên chủ động tránh né mọi người, và cả môn Toán.
- Ngày mai có môn Toán, ba mua thêm que tính cho con đi.
Ông chớp chớp mắt, ngẩn người ra một lúc rồi thắc mắc:
- Ba thấy bộ que tính của con còn nguyên mà, sao phải mua thêm?
Dứt câu, ông đã thấy con gái nước mắt nước mũi giàn giụa, nó lấy tay quệt nước mũi, ấm ức nói:
- Cô con nói ngày mai học đến số hàng chục, mà bộ que của con có mười cái, đếm không được nữa, ba phải mua thêm cho con đếm mới đủ.
Ông cười xòa, ngồi bệt xuống nền nhà, mặt đối mặt với nhỏ:
- Chẳng phải đáp án của con lúc nào cũng bằng 5 sao? Sao bây giờ lại lo đếm không đủ?
- Tại con thấy ra bằng 5 thì con dễ đếm hơn, bàn tay có 5 ngón, dễ nhớ lắm.
Hóa ra là ý này, không nghĩ đến trí tưởng tượng của trẻ con lại phong phú đến vậy, xưa nay ông cho rằng trẻ con hành động rất bản năng. Buồn thì khóc, vui thì cười, yêu ra yêu và ghét ra ghét. Có những điều tưởng chừng như đơn giản, cô giáo dạy 1+1\=2 thì cứ ghi nhớ vào đầu rồi thực hành nhiều lần, giơ hai ngón tay ra đếm 1+1\=2. Nhưng con gái ông lại không nhớ con số nào cả, chỉ nhớ số 5 nên chả trách, con bé phang tất cả các đáp án đều bằng 5.
Dung với tay bật đèn phòng lên, mở hé một cánh cửa sổ rồi ngó ra ban công. Gió rít nhẹ từng cơn, tràn vào phòng nô đùa trên những bản nhạc vương vãi dưới nền nhà. "Có vẻ lạnh nhỉ"- nhỏ ngao ngán. Cây đàn vĩ cầm đón gió lùa thì "kẽo kẹt" một tiếng.
Dây đàn co lại, sắp đứt tới nơi.
Vào một buổi trời chiều mây đen dày đặc, mưa tuôn như thác đổ, sấm sét xé toạc cả bầu trời, dòng người vội vã trong cơn mưa đầu mùa như bầy ong vỡ tổ. Trong lớp nhạc, thầy hiệu trưởng gằn giọng, nói lớn:
- Thầy sẽ báo cho bố mẹ là em đã cúp học quá nhiều lần rồi. Nếu em hứa với thầy, từ nay học hành đàng hoàng, thầy sẽ xem xét lại.
- Con xin nghỉ luôn - nhỏ Dung cáu bẳn, cố tỏ ra lễ phép, mắt nhìn sang cây đàn organ, liếm liếm đôi môi khô tróc.
Không đợi thầy hiệu trưởng phản ứng lại, nó cúi chào thầy rồi xoay người đi ra khỏi lớp học. Chưa đi được dăm bước, tóc nó thấm đẫm nước mưa và bắt đầu bết lại, bám chặt vào cơ thể nó thật ngứa ngáy. Sau khi leo lên yên xe sau của ba, nó nhét đống sách vở vào tà áo mưa. Còn nó, để đầu trần, mặc cho mưa dội gió lùa, nó cố gắng thu vào tai những âm thanh quen thuộc.
Là chất giọng trong trẻo của cô giáo, là tiếng hát ê a đọc nốt, là những bản nhạc của mấy đứa học trò vẫn đang tấu dở dang, là giai điệu của bài luyện ngón hôm nào.
Ba của nhỏ rất tức giận vì quyết định nóng vội đó. Về đến nhà, ông giũ thật mạnh cái áo mưa còn vương nước, quát nó:
- Sao tự dưng lại nghỉ?
Dung cúi gằm mặt, nó cắn cắn lớp da môi tróc ra cho đỡ căng thẳng. Đợi ba xếp áo mưa xong, nó tuột khỏi yên xe, chạy một mạch vào nhà, đóng cửa nhốt mình trong phòng. "Chết tiệt!" - nó rủa chính bản thân mình.
Nó tống luôn cây đàn organ của mình vào kho. Mặc cho ba má nói nặng nói nhẹ như thế nào, nó vẫn không trả lời. Sự quan tâm của ba má dành cho nó bị xén đi một nửa rồi, vì thằng Hoàng vừa vào lớp một. Má của Dung hết mực cưng chiều cậu con trai sinh sau đẻ muộn này, bà thường đánh đập Dung mỗi khi nghe cậu con trai cưng khóc ré lên vì tưởng nó vào trêu em. Tần suất ăn đòn ngày một nhiều, càng đánh, nhỏ Dung càng bướng bỉnh, xấc láo, thậm chí lao vào đánh lại má nó như kẻ thù. Ba nó thấy thế, liền can ngăn, thế là hai vợ chồng cãi nhau tơi bời khói lửa.
Người vợ trước của ba Dung cũng biết chơi đàn!
Nó hé cửa phòng nghe lỏm. Ba nó là một người đàn ông thành đạt, tuấn tú, sống chan hòa và hay giúp đỡ chòm xóm láng giềng. Nói ba nó có một chục bà vợ trước, nó cũng tin sái cổ thôi.
Từ khi nghỉ việc ở phân xưởng đó, Dung thất nghiệp. Thời gian rỗi, nhỏ lướt tìm những bản nhạc cũ, nhạc mới, nhạc âu, nhạc á đủ cả. Đương nhiên là nhỏ đã thấy cây vĩ cầm, nhưng nhỏ không thích vì đơn giản - nhiều dây, chả nhớ nổi!
- Có bốn dây à, nhiều đâu mà nhiều? - cô ruột ngồi nghe Dung than thở về cuộc đời sóng gió của nó.
- Nhưng lắm nốt! - Nó nhăn nhó, gục đầu xuống bàn uể oải.
Cô của Dung dùng đũa trở con cá đang chiên trên bếp, an ủi nó:
- Cứ thử sức đi.
Dung ngẩng đầu lên, gật gù, thất thiểu đi về nhà rồi leo vào bàn học, bắt đầu tìm hiểu về vĩ cầm.
Thoáng cái, nhỏ tìm hiểu hơn một năm trời!
Không có nghề ngỗng, suốt ngày lông bông ngoài chợ mua bánh trái, chiều về nhốt mình trong phòng kéo vĩ cầm. Má Dung rất không hài lòng về đứa con gái này, bà nặng nhẹ:
- Gần ba mươi tuổi rồi, còn trẻ đâu, tuổi này má đã mang bầu sinh con. Không lo đi ra ngoài kiếm tiền đi, ba mày chiều hư mày không à. Tối ngày ôm đàn, bày cái vẻ yếu đuối đó ra cho ai coi?
Yếu đuối? Về cái khái niệm này, nhỏ không đồng tình với má. Bởi trước đây, khi nhỏ đưa cho má cầm thử cây vĩ kéo, bà ấy cầm bằng một tay không nổi.
Mà yếu đuối thì làm sao?
Ai trong đời chẳng có lúc yếu đuối?
Vả lại, nhỏ cũng đã quen với cách nói chuyện khó nghe của bà. Cũng chỉ vì nó cùng giới tính với bà.
Dung cúi xuống lấy cây vĩ cầm ra khỏi hộp, vặn chốt chỉnh dây vào phía trong để nới lỏng dây đàn. Nó phải bảo quản cây vĩ cầm cho thật kỹ, vì số tiền tiêu vặt ba cho hằng tháng sẽ không đủ cho nó mua một bộ dây mới.
Đúng lúc nhỏ đang ngẩn ngơ lau chùi cây đàn, gió rít lên, lật tung những bản nhạc trên bàn. Cục nhựa thông đặt trên đó rơi cộp xuống nền nhà, bể vụn, nằm chịu trận trong ánh mắt ngỡ ngàng của nhỏ Dung.
Nhỏ thở dài thườn thượt, đi đến gom những mảnh vụn nhựa thông lại, bỏ vào hộp cất vào ngăn bàn. Ngày mai, nhỏ sẽ đi mua cục mới!
Cơn gió lụi dần, êm ả luồn qua tóc của nhỏ như một lời xin lỗi, lùa nhẹ vào lòng nhỏ khiến nhỏ chợt nhận ra một khoảng trời trống rỗng trong tâm trí.
Dung tốt nghiệp loại khá ngành kỹ thuật, trình độ học vấn thuộc tầm trung, không có gì nổi trội, nhưng cũng không tệ, trừ môn Toán. Thất nghiệp quá lâu là vì nhỏ cảm thấy mình "đầu óc tiêu", không dám đảm đương những chức vụ quản lý trong ngành. Trong ngành công nghệ nói chung và ngành của nhỏ nói riêng, thì những đức tính như tỉ mỉ, tập trung cao độ, an toàn luôn luôn đặt hàng đầu. Sai sót trong vận hành máy móc có thể gây thiệt hại về vật chất và tính mạng con người.
Ba của Dung cũng làm trong ngành kỹ thuật. Từ nhỏ, nó đã đi theo xem ba sửa điện đóm, máy móc trong nhà. Mỗi lần ba nó cầm hộp đồ nghề đi ngang, là kiểu gì nhỏ cũng hất tung mấy món đồ chơi trong tay ra để rảnh tay đi theo ba.
- Cái núm này là cái gì?
- Cọng dây dài này gọi là gì?
- Cái máy kêu tạch tạch như vậy là hư rồi hả?
Và một nghìn lẻ một câu hỏi dồn dập, ba nó mồ hôi nhễ nhại, vẫn kiên nhẫn ôn tồn giải thích cho nó, mặc dù ông biết, con gái ông chả hiểu gì hết. Hồi đó, mỗi khi nghe nó hỏi, ông liền cáu bẳn lên và đuổi nó vào trong nhà. Nó nghe lời ông đi vào nhà, thế mà trời xui đất khiến, lúc ngồi ăn cơm chung, nó lại hỏi dồn dập tới tấp.
Mãi sau này, ông rút ra kinh nghiệm xương máu: nó không biết thì nó hỏi, mình giải thích cặn kẽ cho nó, nó mới hiểu được sâu sắc rằng nó không đủ trình để hiểu và không dám thắc mắc nữa! Ông cảm thấy, dập tắt sự tò mò của một đứa trẻ đương lớn về thế giới xung quanh là không hay. Nhưng ông cũng hết cách!
Con mèo mướp xòe đôi bàn chân, cấu vào tay Dung. Thấy cô chủ tỉnh giấc, nó vui vẻ cạ thân mình vào tay cô chủ. Như một thói quen, Dung gãi cằm nó, giọng ngái ngủ lầm bầm:
- Đau nha con quỷ! Bà già mày, đi đâu cả đêm giờ mới mò về?
Những hạt bụi và cả lông mèo thả mình trôi theo tia nắng sớm một cách khoan thai. Ngoài ban công, từng tốp chim sẻ, con thì nhảy nhót kêu ríu rít, con thì đu ngược như dơi đung đưa hót theo. Xung quanh nhà nơi nhỏ ở, có những cây trứng cá rất cao lớn, tốt tươi, lá xanh mơn mởn quanh năm suốt tháng. Bê tông hóa đô thị đang là trào lưu, thế là người ta chặt hết cây xanh, đổ mấy lớp nhựa đường san phẳng đất để làm một sân bóng tennis. Bởi vậy, mấy chú chim trời bay tán loạn, nép mình vào mấy hàng cây ăn trái mà ba Dung trồng. Hai ba con mua thóc về rải xung quanh sân nhà, ban công để cho mấy chú chim có một nguồn thức ăn ổn định.
- Đất lành chim đậu. - Ông cười híp mắt nhìn đàn chim ríu rít tranh thóc
- Chim chưa đậu đã nhậu mất chim! - Dung đối lại thơ, cười nhăn nhở.
Ông khịt mũi, giục nhỏ mau mau đi học kẻo trễ giờ.
Nhỏ Dung ghi danh vào lớp nấu ăn.
Chẳng giấu gì, má của Dung chỉ biết nấu vài món cơ bản. Bà có niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn "luộc": thịt luộc, rau luộc, trứng gà luộc. Có lần, nhỏ phải hét lên vì má nó luộc rau ăn cả tuần. Cứ vào bếp, là mẹ nó bắc một nồi nước, đợi nước sôi sùng sục lên thì tống hết tất cả nguyên liệu vào chung.
- Món gì vậy má? - nhỏ rít lên khi thấy bà đang khuấy một nồi nước lỏng bỏng, có huyết heo hấp chín và củ cải trắng.
Bà tiếp tục khuấy đều như bà phù thủy trong văn học phương Tây, màu nước trong nồi càng ngày càng đục.
Nhỏ đứng bên đường, vẫy vẫy tay ra hiệu khi chiếc xe buýt đang trờ tới. Ngồi trên xe, Dung nhìn qua kính cửa sổ, thấp thỏm vì thấy đường xá khá đông, không khéo trễ giờ mất thôi. Không khí trong xe buýt ngột ngạt, tiếng động cơ của xe cứ ồ ồ đều đều, bác tài huýt sáo xoay vô lăng chầm chậm. Chẳng biết được đây có phải là nghề mà chú ấy thích không, nhưng cái cách chú tận hưởng những niềm vui nho nhỏ trong công việc, nhỏ Dung tấm tắc ngưỡng mộ.
Sau nửa tiếng ngồi xe, nhỏ đã tới lớp học nữ công gia chánh. Ở giữa phòng học đặt một cái tủ bàn lớn bằng inox, dám cá đây là chỗ học viên sẽ thực hành sơ chế nguyên liệu. Cô giáo đứng lớp vẫn chưa đến, đa phần học viên là các cô đứng tuổi đang ngồi trò chuyện làm quen với nhau. Ai ai cũng hào hứng về tiết học sắp diễn ra.
Dung lách qua cánh cửa, luồn sang bên hông căn phòng, khom khom người lẻn vào lớp. Nhỏ lấy một cái ghế nhựa rồi nhanh chóng ngồi vào như bao người.
Khi đã yên vị, lúc này, nhỏ mới cẩn thận quan sát. Học viên khá đông, không ngoài dự đoán, tất cả đều là phụ nữ. Đang gật gù tâm đắc về tài dự đoán của mình, nhỏ giật nảy người khi nhìn sang phía đối diện.
Là một nam thanh niên có nước da trăng trắng, nói thế là bởi vì ở cái thời tiết oi bức của Sài Gòn, cho dù có trùm kín mít như các chị các cô còn không trắng nổi. Huống hồ, đây còn là một anh con trai. Dung nhìn lướt qua rồi mau chóng đảo mắt sang chỗ khác.
Nam thanh niên dường như không hay biết có người vừa thầm bình phẩm mình, vẫn đang xem điện thoại chăm chú. Ngón tay hắn không lướt liên tục, chắc là hắn đọc truyện, đọc báo hay xem một thước phim nào đó. Hắn thu nhanh điện thoại vào túi quần khi thấy cô giáo bước vào lớp.
Nhưng hắn không phải là phái mạnh duy nhất, vì trong lớp học, có vài chú bác cũng đi theo vợ mình đăng kí học nấu ăn, có vài cậu thanh niên vào học để theo nghề phụ bếp. Thế tại sao lại gọi là hắn, mà không gọi là cậu? Hắn lớn tuổi hơn cô nhiều chăng? Chắc chắn là vậy rồi!
Tiết học kéo dài 3 tiếng đồng hồ, ai nấy mồ hôi lấm tấm vì hơi nóng của khói bếp. Nhỏ Dung được giao cho công đoạn thái hành lá, đứng hí hoáy một hồi lâu, bàn tay của nhỏ căng ra hết cỡ để giữ lấy bó hành lá quá khổ, tay kia chậm rãi dùng dao bào xuống. Ở nhà Dung chỉ có vài người, mỗi bữa cơm dùng có vài cọng hành. Bữa nay phải thái một bó khổng lồ, nhỏ hơi lọng cọng, nhưng cũng thái xong.
Trong lúc Dung đang dùng dao gom nốt mớ hành lá thái nhỏ còn sót lại trên mặt thớt, một bà cô học viên tầm U50 sà vào bên cạnh nhỏ, tếu táo bình phẩm:
- Thái mấy cọng hành hết nguyên buổi, tui mà có cô con dâu như bé này chắc tui chết.
Dung vẫn thoăn thoắt gom mớ hành lá, nghe bà cô trêu mình thì khựng lại. Nhỏ tròn mắt, vui vẻ hỏi:
- Quào, cô có anh con trai nào không?
- Không, chị có hai đứa con gái.
Vừa dứt lời, bà cô khẽ nghiêng đầu, cau mày đăm chiêu. Hình như bà vừa sa vào một cái bẫy tưởng chừng quá vô tri, hay có thể bà nhạy cảm vì mình vừa đi trêu nhỏ cơ mà? Có điều, sao trông vẻ mặt nhỏ vẫn vui vẻ, không có ý đáp trả bà mà thái độ rất hòa nhã. Hay là nó ngốc thật?
Nghe tiếng cô giáo hỏi cả lớp hành lá đâu, nhỏ Dung vội vàng cầm tô hành lá đưa cho một cô học viên phụ trách công đoạn xào nấm. Nhỏ lui người ra, nép một bên cùng các học viên khác quan sát thao tác xào nấu.
Mỗi học viên được chia một chén, ai nấy đều ngồi ngay ngắn vào bàn để thưởng thức món ăn do mình tham gia chế biến. Nhỏ Dung cố ăn được nửa chén con vì không thích hành lá, nhưng vẫn cố tỏ ra bình thường và ăn như thể cô đã quen ăn hành lá.
- Bỏ hành lá qua đây. - Giọng nói ấm áp, trầm bổng êm ả đến lạ từ một nam thanh niên ngồi cạnh Dung tự lúc nào. Bàn tay hắn đưa chén con của mình đến trước mặt Dung.
"Là cái tên da trắng châu Á!" - Dung nghĩ thầm trong đầu, đấy là cái biệt danh khi cô không biết tên một ai đó. Cũng như cách chúng ta miêu tả một người lạ, đó là dựa trên đặc điểm nổi trội của họ mà đặt biệt danh.
Nhỏ Dung lắc đầu lia lịa, khẽ xua tay
- Tui...à không...mình, mình ăn được.
Hắn nhìn vào mắt nhỏ Dung, trong lòng chắc chắn rằng cô ả này không ăn được hành lá. Nhưng như thế thì có liên quan gì đến hắn? Định làm anh hùng cứu mỹ nhân sao? Cô không phải là một mỹ nhân, dẫu hắn có làm gì cũng không trở thành một anh hùng được.
- Tui thích ăn hành, cho xin đi. - Hắn vẫn nhìn cô, nhìn cơ mặt của cô biến hóa ra sao khi nghe lời đề nghị kỳ quặc của hắn.
Nhỏ Dung không tin vào tai mình, mắt chớp chớp. Gì đấy nhỉ? Muốn ăn thêm hành lá thì bước qua kệ bếp mà lấy, lúc nãy cô thái hẳn một tô cơ mà, vẫn còn dư rất nhiều. Thế quái nào lại xin đồ ăn dở của người khác, lại còn trưng ra cái vẻ mặt cầu khẩn thế kia?
Đắn đo một lúc, nhỏ chọc đôi đũa vào chén mình, xới lên gắp từng miếng hành lá ra nhưng khi đặt vào chén hắn, nó lại hơi chần chừ. Nó sợ rằng, có thể người ta chỉ trêu nó, mà nó lại thật thà ngây ngô gắp đồ ăn cắn dở cho người ta thì sao. Chẳng mấy chốc, trong chén nó chỉ còn lại vài miếng thịt, vài cọng nấm trắng nhởn, trông tổng thể món ăn không còn đẹp mắt nữa. Hắn vẫn lặng thinh vừa ăn vừa xem điện thoại, không hỏi cô thêm câu nào, cũng không có ý định làm phiền cô nữa.
Là đi xin ăn thật?
Dung chua chát cầm chén đũa đi rửa cho sạch, gác ngay ngắn lên kệ chén rồi ra về. Cô hy vọng điều gì ở hắn? Một lời cảm ơn? Cô phải cảm ơn hắn hay là hắn phải cảm ơn cô? Dòng suy nghĩ rong chơi của cô chỉ thật sự chấm dứt khi cô bước lên chiếc xe buýt quen thuộc, ngã người vào ghế ngồi rồi đánh một giấc về đến nhà.
Download MangaToon APP on App Store and Google Play