Vĩnh Xương quốc năm Diên Khánh thứ ba mươi.
Tại Đông cung, thái tử phi Cố Cửu Tư diễm sắc thiên hương đang ngả lưng ngồi bên thành giường. Chợt cơ thể nàng run lên từng hồi, không kìm được cơn nhộn nhạo đang trào lên nơi phế quản, Cửu Tư thổ huyết, ôm ngực đau đớn gập người, phủ phục.
“Mị Xuyên?”
Nàng thều thào gọi cung nữ thân cận nhưng không có tiếng hồi đáp.
Mùi máu tươi tanh nồng trong cuống họng thôi thúc nàng gượng dậy tìm ly nước ấm. Đường đường thái tử phi Đông Cung thế mà phòng Cửu Tư không có lấy một bóng người hầu.
Kì quái, mọi lần Mị Xuyên đều túc trực cạnh nàng, giờ sao cô ấy lại biến đâu mất dạng.
Căn phòng chẳng khá khẩm hơn lãnh cung là bao. Cửu Tư gượng đứng lên trong cơ thể gầy yếu nhiễm phong hàn đã lâu của nàng, đi về hướng ngự phòng.
Nào ngờ lính canh kéo từ đâu đến bao vây lấy nàng. Cửu Tư nhíu mày, kể cả khi bệnh, ở nàng vẫn toát ra vẻ đoan chính điển hình của một chính cung thái tử phi.
“Lưu công công, thế này là thế nào?”
Nàng đang hỏi người dẫn quân thình lình xông vào tiểu viện của nàng, Lưu Bồn.
Ông ta nở một nụ cười man di, quất cây phất trần.
“Các ngươi còn trơ mắt ra đó, không mau bắt lấy tội thần phản quốc!?”
Cửu Tư bàng hoàng điếng lặng. Sức vóc nam tử của thị vệ Đông cung dễ dàng chế ngự một nữ tử đang lâm trọng bệnh như nàng.
Nàng vẫn không tin vào tai mình, một đời gia tộc nàng liêm chính, một đời nàng là hiền thê kính cẩn, đoan trang làm dâu nhà Đế Vương chưa từng đắc tội ai, đột nhiên đem tội phản quốc trời đất bất dung đổ lên đầu nàng. Nàng không can tâm vẫy vùng.
Đám thị vệ thừa hiểu nàng đến hồi sa cơ lỡ vận, chúng ép nàng xuống, bả vai yếu ớt của Cửu Tư cũng vì thế mà lệch khớp, “rắc” một tiếng. Nàng đau đớn, ho không ngừng.
Còn đâu một đóa phù dung hoa của đế quốc?
Tiếng vỗ tay vang lên từ phía cửa ngoài, thái tử Yến Trác Vũ đột ngột xuất hiện, đó là phu quân nàng.
Ngỡ tưởng hắn chìa tay ra cứu Cửu Tư nào ngờ khi nhìn thấy Lưu Đổng Ngạc- biểu muội nàng tay trong tay cùng phu quân, Cửu Tư chết lặng. Đôi mắt hắn giờ đây chỉ còn sự thương hại đáng ghê tởm, nhìn nàng như một món đồ chơi bị ruồng rẫy.
Chỉ trong thoáng chốc, thế giới của Cửu Tư sụp đổ.
Nàng nhớ lại tháng trước, kể từ sau khi Đổng Ngạc đến thăm nàng liền đổ bệnh. Phu quân nàng lạnh nhạt. Giờ tra nam tiện nữ tay trong tay đến xem trò vui của nàng.
Uổng cho một đóa phù dung thanh cao, công dung ngôn hạnh, uổng cho một đại gia tộc với những công trạng lẫy lừng hiển hách...
Tiếng Lưu Bồn đọc thánh chỉ vạch tội nàng và gia tộc cứ thế dội vào trong trí óc Cửu Tư.
Mẫu tộc nàng giờ khắc này đều đã bị treo đầu làm gương cho thị chúng. Nương tình nàng đã đi cùng thái tử từ thuở hàn vi, Hoàng Đế ban cho nàng rượu độc, một cái chết không đau đớn.
Không đau đớn làm sao khi bị phu quân ruồng rẫy, khi bị phản bội, khi bị bán đứng và khiến gia tộc bị liên lụy?
Cửa gỗ vang lên từng hồi kẽo kẹt gai người, Cửu Tư vô hồn nhìn ly rượu độc mà lòng không có lấy tia cảm xúc.
Nàng thương cho phụ mẫu vì sự xuẩn ngốc của nàng mà bị liên lụy. Nàng thương Mị Xuyên và hơn mấy trăm, mấy ngàn mạng người vì Cố gia sa sút mà mất đi chốn dung thân thậm chí bỏ mạng. Nàng thương chính mình.
Nàng làm dâu nhà Đế Vương đến nay tròn tám năm. Không có lấy mụn con, bao giờ cũng chịu sự chỉ trích đến từ Kế Hậu Tiêu Cẩm Nguyệt. Nhưng đâu phải lỗi nàng, phu quân nàng chưa từng đụng vào nàng.
Hóa ra là do hắn không yêu nàng, đàn điếm sau lưng nàng. Tên khốn tra nam.
Vậy mà trước kia gia tộc nàng bợ đỡ hắn, cữu cữu nàng lời ngon tiếng ngọt trước Hoàng Đế, nâng hắn lên chức Thái Tử. Giờ đây tại ngoại thì qua cầu rút ván, đẩy cả gia tộc nàng đến cảnh diệt môn.
Tiếng cười khúc khích sảng khoái của tiện nữ và tra nam ngoài kia văng vẳng bên tai. Nàng đã sống một đời đầy uổng phí. Nàng quá tin người và nhu nhược, quá an phận thủ thường.
Một giọt huyết lệ lăn dài trên gò má người phụ nữ, nàng chầm chậm nâng ly và nốc cạn.
Nếu có thể cho nàng cơ hội được quay lại, nhất định nàng sẽ không giẫm vào vũng bùn lầy này một lần nào nữa. Nếu thời gian có thể đảo ngược, nàng nhất định sẽ khiến tên khốn Yến Trác Vũ phải trả giá.
Ông trời có đức hiếu sinh, không để phụ bạc đóa phù dung một đời lương thiện, bao trăn trở, uất hận của nàng đã được lòng trời thấu tỏ.
Tiếng cành lá lay động, tiếng những cơn gió khẽ khàng thổi qua gợi lại niềm thổn thức.
Bỗng có đóa hoa mai khẽ đáp xuống gò má Cửu Tư. Trong khuê phòng quen thuộc thuở nào, trên chiếc chõng tre mà buổi thiếu thời Cửu Tư mê mẩn, chợt tiếng Mị Xuyên vang lên, cô gái nhỏ thình lình xuất hiện trước mắt nàng;
“Tiểu thư, người mơ ác mộng sao?”
Nàng choàng tỉnh dậy và lao đến ôm chầm lấy tì nữ hầu cận.
Cô ấy còn sống.
“Tiểu thư, người đừng làm em sợ”, không hiểu chuyện gì đang diễn ra, song Mị Xuyên vẫn cẩn trọng vỗ về nàng.
Có phải nàng đang ở âm ti không? Làm gì có âm tào địa phủ nào lại đẹp thế này. Làm gì có âm ti nào lại bày trí như khuê phòng của nàng khi xưa.
Những cơn đau thường trực không còn xuất hiện nơi lồng ngực, không còn là bốn bức tưởng chật hẹp thiếu sức sống ở Đông Cung, đây là Cố phủ của nàng. Nếu như đây là mơ, xin hãy mong cho nàng đừng tỉnh lại.
“Có phải đây là món quà cuối cùng trước khi ta đầu thai chuyển kiếp?”, nàng run run hỏi.
Mị Xuyên đần mặt, cô xoay người Cửu Tư xem xét trên dưới:
“Hỏng rồi, tiểu thư, người đụng đâu rồi? Sao lại ăn nói linh tinh hồ đồ thế này?”
Chân thật thế này thì không phải mơ. Đón lấy chiếc gương nơi cạnh bàn, nàng bàng hoàng khi thấy gương mặt mình của ngày trước. Không bệnh tật, không có dấu vết của năm tháng phôi pha...
“A Xuyên, năm nay đã là Diên Khánh thứ mấy?”
Cô nhóc xòe tay ra đếm rồi ngoan ngoãn gật đầu, trả lời:
“Dạ tiểu thư, Diên Khánh thứ hai mươi mốt ạ.”
Nàng đã trùng sinh, trở về thời điểm trước khi gả vào phủ đại hoàng tử Yến Trác Vũ.
Gương mặt thiên tư tuyệt sắc khẽ nở một nụ cười có phần chế giễu lại có chút nhẹ nhõm thở phào. Có thù tất báo, nàng không muốn sống một đời nhu nhược, an phận nữa.
Sinh ra ở thế gia, nếu không tự bảo vệ mình rồi sẽ có ngày người ta đâm sau lưng cũng chẳng biết. Kiếp này, nàng nhất định khiến hắn sống không bằng chết.
Vĩnh Xương quốc năm Diên Khánh hai mươi mốt.
Năm đó Cố gia vẫn là một trong những đại gia tộc hiển hách của đế quốc.
Thế giới nơi Vĩnh Xương quốc tồn tại có cả người và yêu. Yêu quái không phân chính tà, chỉ phân đẳng cấp. Cấp càng cao sẽ càng âm hiểm, sống dựa vào tim gan và máu người.
Bởi đó, người và yêu không chung một cõi. Con người để tồn tại đã học chú thuật, cách để trừ yêu. Những thợ trừ yêu được gọi là các phương sĩ.
Không phải ai cũng có thể trở thành phương sĩ ngoại trừ con cháu của tứ đại gia tộc, trong đó có Cố gia. Người không thuộc các gia tộc có thể làm phương sĩ khi đã qua đào tạo, kẻ thành tài tuy có song rất hạn chế.
Tứ đại gia tộc không có gốc rễ hoàng thất, họ chỉ đơn thuần lớn mạnh nhờ tài năng xuất chúng và là lực lượng không thể thiếu của một đế quốc.
Số lượng phương sĩ so với dân số không nhiều. Đứng đầu quản lí các phương sĩ gọi là Vĩnh Sinh Các. Vĩnh Sinh Các được cai quản bởi những người đứng đầu của tứ đại thế gia và sứ giả của vương thất.
Vĩnh Sinh Các sinh ra không đơn thuần để quản lí phương sĩ trên dưới Vĩnh Xương quốc mà còn nhằm ngăn chặn quyền lực khuếch trương trong tay các gia tộc lớn, đưa các gia tộc nằm dưới quyền quân chủ của Hoàng Đế, phục tùng Hoàng Đế.
Đổi lại, các gia tộc cũng có quyền lợi riêng và tiếng nói nhất định trong triều chính.
Không ngoa khi nói Cố gia đứng đầu Vĩnh Sinh Các khi mà phu nhân Cố Gia là đích nữ phủ thừa tướng. Bản thân Cố gia chủ cũng là một phương sĩ tài ba bậc nhất thời bấy giờ, chuyên nhận ủy thác đến từ hoàng thất, thậm chí góp mặt trong các trận đánh lớn nơi biên cương. Số phương sĩ dưới trướng Cố gia cũng không dưới nghìn người, chiếm một phần ba phương sĩ toàn đế quốc.
Cố Cửu Tư vì thế sinh ra thân phận cao quý hơn người, công chúa, quý tộc gặp nàng cũng phải kính nể vài phân. Cữu cữu nàng năm đó đã làm đến quốc công, quyền lực khuynh đảo triều chính.
Năm đó khi mẫu thân sinh ra nàng, Thái Hậu trước khi mất đã ban hôn nàng- một đứa trẻ mới cất tiếng khóc chào đời, với người trong hoàng thất.
Cửu Tư có quyền chọn sẽ thành thân với ai. Song điều đó không có nghĩa nàng xem đó như diễm phúc.
Rõ ràng, việc ban hôn nàng với một thành viên hoàng tộc cũng chỉ để nhằm kiểm soát quyền lực trong tay Cố gia không hơn không kém.
Sau khi sinh nàng, mẫu thân băng huyết. May mắn mỉm cười khi bà vẫn giữ được mạng sống. Song từ đó không còn khả năng mang thai.
Phụ thân nàng không nạp thiếp, cả hai chấp nhận chỉ có một mụn con và yêu thương nàng vô mực. Nàng lớn lên trong sự đủ đầy cùng tình yêu thương vô ngần, là đóa phù dung hoa cao quý và trong trắng chưa từng trải chút bụi hồng trần.
Có lẽ vì thế mà kiếp trước Cửu Tư mới tin lầm người, trao tương lai xán lạn của bản thân cắm vào bãi phân trâu.
Lại nói về hôn ước giữa nàng với con trai Hoàng Đế. Diên Khánh Đế chỉ có ba người con trai và hai nàng công chúa. Hai cô công chúa người xuất giá làm đích thê phủ thượng thư, người gả cho Hoàng Đế nước láng giềng.
Trong ba người con trai, có một người đã chết yểu, y là đích tử của cố Hoàng Hậu Thục Nhiên.
Hai người còn lại, một là đại hoàng tử con trai của Kế Hậu, Tốn Vương Yến Trác Vũ. Và cuối cùng là Khang Vương Yến Tư Thành, sinh mẫu y là một phi tần thất sủng mất trong lãnh cung chưa lâu.
Éo le cho Vĩnh Xương quốc, ngoài bãi phân trâu Tốn Vương Yến Trác Vũ thì người còn lại là một chàng khờ. Dù đã đầu hai mươi, Yến Tư Thành sở hữu trí lực của một đứa trẻ tám, chín tuổi.
Trong các yến hội, lễ nghi hoàng thất, vị Khang Vương này chưa từng góp mặt, sống khép mình, kín đáo. Kiếp trước nàng chọn Tốn Vương cũng vì biết người còn lại là một chàng khờ.
Nhưng ngẫm lại khờ cũng tốt. Người ngốc có cái phúc của người ngốc. Một đứa trẻ cũng sẽ không biết tranh giành với đời, không biết phản bội và cũng không biết ăn cháo đá bát.
Ngày Cửu Tư trùng sinh vừa hay ngay sát sinh thần tuổi mười sáu, tuổi cập kê của nàng. Ngày diễn ra lễ cập kê cũng là ngày nàng đưa ra quyết định phải chọn ai giữa hai hoàng tử.
Nàng không có quyền từ chối, đây là di nguyện của Thái Hậu, đến Hoàng Đế cũng không thể bất tuân. Vậy thay vì một bãi phân trâu, chẳng bằng chọn một chú ong vô tư hồn nhiên bầu bạn.
Nàng có hạnh phúc hay không do nàng quyết định, chẳng phải dựa dẫm vào ai, cũng chẳng ai định nghĩa được hạnh phúc cho nàng.
Trước ngày cập kê diễn ra, Cố Cửu Tư đã phân trần lòng minh với phụ mẫu. Tống Di Văn tỏ ra e ngại, đỡ nữ nhi dậy:
“Con chắc chứ? Cưới gả là chuyện cả đời, không thể hứa hôn bừa bãi.”
Cố Viêm Chước gật đầu phụ họa thê tử:
“Phải đấy, không phải con có giao hảo với Tốn Vương sao? Không nhầm, ngày trước con bị phong hàn vương gia gửi rất nhiều thư hỏi thăm, quà cáp.”
Cũng chính vì lẽ đó mà kiếp trước nàng mới nhìn nhầm con người hắn. Chẳng qua chỉ là lớp mặt nạ hào nhoáng che đi nội tâm xấu xí, đáng ghê tởm của hắn.
Cửu Tư dõng dạc nói:
“Phụ thân, mẫu thân, Cố gia chúng ta là một thế gia hiển hách lâu đời. Sinh mẫu của đại hoàng tử là Kế Hậu, tiềm lực trong tay Tốn Vương vốn đã rất lớn, nếu có thêm sự hậu thuẫn của Cố gia, việc Tốn Vương trở thành Thái Tử dường như là chuyện sớm muộn. Con không muốn gia tộc trở thành bàn đạp để người ta vụ lợi, cũng không muốn phụ thân phải cung phụng ai.”
Cố Viêm Chước kinh ngạc nhìn con gái:
“Ở tuổi con có những suy nghĩ này thì thật đáng khen.”
Mẫu thân nàng vẫn tỏ ra quan ngại:
“Ta rất vui vì con hiếu thảo, nhưng trên hết ta muốn con cân nhắc tương lai của mình hơn là tương lai của gia tộc. Cái chúng ta cần là con một đời an nhiên hạnh phúc con à.”
Khi nói, đôi mắt Tống Di Văn không giấu được niềm tự hào, hạnh phúc đan xen chút đắn đo, lo lắng.
Cửu Tư ôm chầm lấy mẫu thân:
“Con thực sự đã cân nhắc rất kĩ thưa nương.”
Nàng lí giải:
“Gả vào hoàng thất vốn đã là một cuộc mạo hiểm, trèo càng cao càng nhiều kẻ lăm le nhắm tới. Muốn an nhiên một đời vậy chẳng bằng nữ nhi gả cho Khang Vương. Sau này, cũng không phải chịu cảnh tam cung lục viện, nhìn phu quân tay ấp gối cùng nữ nhân khác. Với lại, nếu là Khang Vương, con cũng sẽ dễ có dịp về thăm hai người hơn.”
Nàng vừa nói vừa trấn an bậc sinh thành.
“Với lại, Khang Vương gia thế không bằng đại hoàng tử, sau này nếu có muốn hưu phu, cũng dễ dàng.”
Cố Viêm Chước là người đầu tiên bị thuyết phục:
“Nha đầu xem chừng đã lớn rồi.”
Bên cạnh đó là vẻ mặt nghiêm nghị vẫn có chút đắn đo của Cố phu nhân. Suy cho cùng, trưởng thành quá sớm có thực sự tốt?
Bà rất vui khi con gái biết cân nhắc cho hôn nhân của mình. Song xưa nay những cuộc hôn nhân sắp đặt vốn đã là một màn đánh cược mạo hiểm. Đã là đánh cược làm sao biết được chính xác đúng sai, thành bại? Cân nhắc quá kĩ lưỡng đôi khi trở thành gò bó nhốt mình trong một góc lều chật hẹp.
Nhưng thôi vậy...
Tống Di Văn thở hắt ra, mỉm cười nhìn con:
“Tư Tư lớn rồi, có những chuyện ta sẽ không cấm cản, ép buộc con.”
Lễ cập kê của Cửu Tư rồi cũng đến. Đích nữ của một thế gia lẫy lừng đương nhiên sinh thần phải được trang hoàng hào nhoáng hơn bất kì ai khác.
Khách khứa nườm nượp kẻ ra kẻ vào, quy mô không thua gì yến hội trong hoàng cung.
Các đại gia tộc không dám xem nhẹ, thay vì cử người đi cho có lệ thì với ngày lễ trọng đại của nữ nhi họ Cố, đích thân các gia chủ đều đến chúc mừng. Quà cáp vì thế cũng rất nhiều.
Trong khách mời tham dự hôm nay, Tốn Vương đương nhiên góp mặt, theo cùng hắn còn là Lưu Bồn, kẻ mà kiếp trước đã dẫn quân xông thẳng vào tiểu viện của nàng, khinh thường nàng ra mặt.
Thời còn đỉnh cao thì dẻo mép bợ đỡ, ngày sa cơ lỡ vận thì thay đổi chóng mặt. Cửu Tư thấy ghê tởm những kẻ như hắn.
Đã thiếu đi bảo vật quý giá còn thiếu đi tư cách làm người.
Kiếp trước hai kẻ này là kệch cỡm khuếch trương nhất. May cho cái sự kênh kiệu đó là nàng cũng hào nhoáng không kém, khiến cho sự kệch cỡm đó trở nên hợp thời, hợp hoàn cảnh.
Nhưng khi ấy lại có một chuyện thú vị xảy ra. Cô biểu muội Lưu Đổng Ngạc năm đó cũng góp mặt.
Gọi là biểu muội bởi Lưu gia là một nhánh nhỏ của nhà họ Cố. Nhánh này nhỏ đến mức còn không được ghi vào gia phả.
Sáu năm trước, phụ thân nàng ta lâm bệnh nặng rồi qua đời, thương tình cho cô gái nhỏ mới mười tuổi không có nơi nương tựa, Cố Viêm Chước mới nhận về Cố phủ nuôi dưỡng.
Đổng Ngạc kết thân với nàng, trở thành bằng hữu của Cửu Tư. Trước đó, đương nhiên Cửu Tư có hội nhóm riêng, trong đó nàng thân nhất là Nghiêm Tử Hương nhị tiểu thư của Nghiêm gia.
Tử Hương tính tình thẳng thắn bộc trực, có gì nói đó. Cô không thích Đổng Ngạc và sẵn sàng biểu lộ điều đó thẳng ra mặt.
Đóa phù dung hoa Cửu Tư kiếp trước lại là người mềm mỏng, đoan trang, chọn cách dĩ hòa vi quý, song không đến mức quá thân mặt với biểu muội này.
Đổng Ngạc cùng tuổi Cửu Tư, sinh thần không rõ, vì thế lễ cập kê được phụ thân nàng đề cử tổ chức chung.
Kiếp trước Cửu Tư hồn nhiên ăn mặc lộng lẫy, trang trọng trong bộ váy đỏ. Còn Đổng Ngạc không biết vứt não đi đâu chọn bộ váy trắng nhạt nhòa ngồi co rúm một góc trông như tiểu bạch thỏ đáng thương.
Vậy là người ta quay ra chỉ trích nàng, nói nàng không để tâm tới biểu muội, lại nói nàng kênh kiệu, giả tạo. Đương nhiên không nói thẳng mặt song vẫn truyền đến tai nàng.
Tâm lý của một thiếu nữ tuổi mười sáu sẽ thấy tổn thương và day dứt. Cũng vì day dứt mà về sau nàng xuẩn ngốc, ngu ngục chọn cách bù đắp cho cô tiểu bạch thỏ tâm cơ, bụng một bồ dao găm và dần tự đưa mình xa cách với Tử Hương hơn.
Lần đó, mẫu thân Cửu Tư giận dữ trách mắng An ma ma vì đã không đưa lễ phục bà dặn. Giờ ngẫm lại, có lẽ An ma ma cũng là vô tội bị cuốn vào trong vòng toan tính. Rõ ràng, cô ta đã được chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng.
Đương nhiên vì đã trùng sinh, Cửu Tư sẽ không ngu ngốc để quá khứ lặp lại.
Đêm đến, hơn một trăm chiếc đèn lồng đủ màu sắc được thắp lên khiến cả Cổ phủ rực rỡ như ngọn hoa đăng khổng lồ. Mị Xuyên trang điểm cho Cửu Tư rất tốt, đôi tay nhỏ của nàng tì nữ thực khéo léo vô ngần.
Cửu Tư gật đầu hài lòng:
“Không hổ là Mị Xuyên.”
“Tiểu thư, thế này được chứ? Chỉ nhạt nhòa như vậy liệu có ổn không? Đây là một ngày lễ trọng đại.”
Cửu Tư mỉm cười:
“Một con thỏ đứng giữa một trăm con công, em thấy con nào sẽ nổi bật hơn?”
Mị Xuyên cười toe toét, hồn nhiên đáp:
“Tiểu bạch thỏ đương nhiên dễ thương rồi ạ!”
Phải đó, kiếp trước nàng cũng lòe loẹt như thế, thành thử r vô tình tạo cơ hội cho kẻ tâm cơ chuộc lợi. Một người ăn vận đơn giản sẽ trở thành điểm khác thường đặc biệt chú ý trong một yến hội trang trọng.
Khách khứa đến đã đủ cả chỉ còn chờ nhân vật chính. Cửu Tư nhã nhặn bước vào nơi thiên điện Cố phủ.
Tiếng người bàn tán xôn xao lập tức vang lên không dứt. Cửu Tư không chỉ cao quý mà sinh ra nàng cũng sở hữu tư sắc kiều diễm không kém cạnh các mỹ nhân kinh thành. Không phải tự dưng người ta gọi nàng là đóa phù dung của đế quốc.
Lần này, Cửu Tư dụng tâm đến muộn hơn một chút. Và quả như tính toán của nàng, Lưu Đổng Ngạc đầy bỡ ngỡ khi thấy nàng đi tới từ cửa lớn, vừa là thời gian không chuẩn, vừa là trang phục xa với dự tính ban đầu.
Kiếp trước, sự xuất hiện muộn màng của Đổng Ngạc khiến mọi người đều chú ý đến nàng ta. Kiếp này, xem như nàng vay mượn diệu kế này một chút.
Người ta xuýt xoa cho nhan sắc động lòng người của nàng mà không chú ý đến nàng tiểu bạch thỏ rúm ró bên kia.
Nàng không ăn mặc cầu kì, cũng chỉ là một bộ váy hồng thanh thoát nhẹ nhàng, nơi vạt áo có thêu đóa phù dung nhỏ bằng sợi cước màu đào.
Lụa đẹp vì người, minh châu có ném xuống bùn thì vẫn là bảo vật vô giá, ngọc đã trong thì không cần mài cũng quý.
Cùng một cách ăn vận trang điểm, một người tỏa sáng như ánh ban mai, như bầu trời thu trong vắt. Một người lại trở nên thô thiển thiếu tinh tế thay vì nhận được thiện cảm của mọi người.
“Đã là phù dung hoa, làm thế nào ta cũng thấy Cố tiểu thư thực đẹp.”
“Cố phu nhân chăm con khéo quá! Quá ra dáng đi!”
“Bao nhiêu điều đẹp đẽ, mỹ lệ nhất xem chừng đã đổ hết vào nữ nhi Cố phủ rồi.”
“Và nhìn cô ta kìa... ngày trọng đại lại mặc như nhà có tang.”
“Thô thiển!”
“Ai đó lên kéo cô ta xuống đi. Đến lễ nghi cũng không học đoàng hoàng thì đã vội cập kê cái gì? Chưa lớn đâu.”
“Làm cứ như thế giới thiếu nợ cô ta.”
Nhìn Đổng Ngạc lúng túng, nàng rất hài lòng. Mười sáu tuổi đầu đã bày trò toan tính mà cũng không biết chừa đường lui cho mình, còn liên lụy đến người vô tội, có bị chỉ trích ngược nàng cũng không mảy may thương cảm.
Nghĩ đến kiếp trước cô ả thờ ơ trước cảnh Cố gia suy vong, còn gian díu thông dâm với phu quân của con gái ân nhân, Cửu Tư chỉ thấy con người này còn nhiều cái độc địa hơn cả thế.
“Tốn Vương Yến Trác Vũ tới!”, tiếng Lưu Bồn rành mạch vang lên cắt đứt bầu không khí huyên náo. Người người đứng dậy để hành lễ với đại hoàng tử của đế quốc.
Đương nhiên nàng cũng phải hành lễ. Cửu Tư cúi gập người. Nàng biết sau đó hắn sẽ làm gì. Điều này cũng để lại không ít rắc rối cho nàng về sau.
Yến Trác Vũ tới đỡ tay nàng, nam nữ thụ thụ bất thân, hành động ân cần thân mật trong hoàn cảnh nàng có toàn quyền quyết định hôn ước thật khiến người ta được phen dị nghị dòm ngó một phen.
Hắn không chỉ đỡ nàng mà còn nắm lấy nhành tóc mai và hôn lên đó với vẻ phong lưu tình tứ. Cửu Tư của tuổi mười sáu sẽ rung động. Nhưng Cửu Tư của hiện tại thì không.
Ngay khoảnh khắc hắn nâng nhành tóc, Cửu Tư đã lùi ra sau hai bước:
“Vương gia, thỉnh tự trọng.”
Nàng cụp mắt xuống mũi giày với vẻ bẽn lẽn và hơi khó chịu. Sự khó chịu này nàng không cố tình phô ra.
Chỉ là nhớ đến vẻ đê hèn của hắn, nụ cười đểu thương hại với nàng trước lúc lâm chung, nàng chỉ hận không thể lao đến vả cho hắn mấy cái bạt tai cho đã đời cơn tức.
Người ngoài nhìn vào sẽ lập tức cảm giác Tốn Vương như tra nam gạ gẫm gái nhà lành, vì thế có kẻ không kìm được tiếng cười bụp miệng đầy chế giễu.
Một mũi tên trúng hai đích, chính việc ăn mặc tối giản lại càng khiến Yến Trác Vũ trở nên kệch cỡm rõ rệt. Hắn ăn diện như thể đây là “lễ mừng thọ” hắn.
Ngẫm lại Cửu Tư cũng không hiểu nổi mình, kiếp trước nàng thích điều gì ở con công lòe loẹt này?
Download MangaToon APP on App Store and Google Play