Tiếng Việt
NovelToon NovelToon

Duệ Tư [FULL]

Chương 1: Gia phả nhà cô Tư

Sự kiện, tình tiết, nhân vật đều là hư cấu. Đây là lần đầu tiên mình viết truyện với đề tài về Việt Nam xưa, mong các bạn đọc truyện hoan hỉ ạ!

Lưu ý: Truyện lấy bối cảnh và tình tiết của làng quê Việt Nam thời xưa, vì bị ảnh hưởng bởi chế độ phong kiến và dưới nếp sống của nho giáo nên số phận người phụ nữ mà mình đề cập trong truyện thường có phần nghiệt ngã, trọng nam khinh nữ, mong mọi người đọc truyện có cái nhìn thoáng hơn. Do lấy bối cảnh thời xưa và cũng là lần đầu tiên viết về đề tài này nên mình còn nhiều sơ sót, mình luôn lắng nghe và tiếp thu những gì chưa tốt ạ, mình cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc <333

__________________

Chuyện rằng, ông Dương là tri phủ đứng đầu một phủ lỵ rất quyền lực, gia phả họ hàng có nhiều người làm quan, ai ai cũng chức cao quyền trọng rạng danh cả dòng họ. Đã thế nhà ông Dương còn đề huề vợ con, có hẳn bảy bà vợ, đến cả mười đứa con, hai trai tám gái, đủ nếp đủ tẻ. Gia phả đông con là thế nhưng ông thờ ơ với đám con nhà mình lắm, duy chỉ ưu ái ba đứa con của bà vợ cả hơn một chút.

Bà cả mất lâu lắm rồi, tính đến nay cũng ngót nghét mười năm không hơn không kém, bà cả ngày xưa là út nữ của tri huyện trấn này, đẹp như tạc tượng đã thế còn rất uyên bác, chính vì thế nên ba đứa con của bà đều được thừa hưởng nhan sắc từ bà, ngũ quan thanh tú, sắc xảo vô cùng. Ôi, cứ mỗi lần nhắc đến ba cục vàng cục ngọc của vợ cả là ông Dương mát lòng mát dạ. Chỉ tiếc là bà cả sống không thọ, yểu mệnh mất sớm, chẳng ai dạy dỗ chăm lo con cái thành ra tính tình chúng trầm lặng, đầu óc chẳng được thông minh như hai bên nội ngoại.

Nhà ông Dương con cái đều lớn cả, mấy đứa con gái tầm mười ba, mười bốn tuổi là ông gả đi hết để tạo thêm mối quan hệ cho sự thăng tiến của ông rồi, hai cậu ấm thì một cậu đã có vợ còn một cậu vẫn cô đơn lẻ bóng, dự tính năm sau ông sẽ mai mối cho cậu thứ hai một tiểu thơ con nhà quan quyền thế xứng đôi vừa lứa.

Riêng cô Nguyễn Bảo Duệ Tư thì ông nhất quyết không gả cho bất kì một ai ngỏ lời, nó đẹp, nó ngoan, nhìn phát là yêu liền! Ông quyết năm sau nhờ vả họ hàng, nạp nó vào cung làm tì, nhỡ đâu được vua để mắt tới thì quá vinh hạnh cho cả một gia đạo.

Suy tính chuyện nên vợ nên chồng cho con của ông kín kẽ lắm, ông chưa hé răng kể cho một bà lẽ nào trong nhà nghe, các bà đó tính xấu, âu cũng là muốn con mình được cái lợi, ông ghét, ông cứ im lìm chẳng nói câu nào.

Cứ ngày qua tháng lại, một hôm tiết trời thanh tao ông Dương ra ngoài dạo chơi, trở về thì phát hiện trong phủ đường có sư thầy đang tụng kinh hành lễ trừ tà, đám gia nhân con cái ông chúng nó tụ tập đông đủ trước gian phòng Tư không ra một thể thống gì, ông quát:

-"Chúng mày rỗi hơi ăn no rửng mỡ dám xúm vào làm trò gì ở phòng cô Tư hử? Hỗn! Hỗn quá rồi."

Nghe tiếng ông quát, đám người đang xì xầm to nhỏ lập tức im bặt hết. Ông Dương trợn mắt, trông rất dữ dằn. Trong đám gia nhân đang cúi đầu ấy, bà hai giàn giụa nước mắt chạy một mạch ra quỳ sập xuống như muốn lạy ông Dương:

-"Giời ơi ông ơi, thầy nó ơi, là lỗi của em, là lỗi của em...huhu.."

Thấy bà hai khóc tu tu, ông nôn nóng hỏi :"Làm sao, con Tư bị làm sao?"

-"Thầy nó ơi, cô Tư bị thần che mắt rồi, cô Tư không còn nhìn thấy những gì ở xa được nữa thầy nó ơi.."

Cái gì? Chẳng khác nào bị mù à?

Trời ơi cành vàng lá ngọc nhà ông! Năm sau chuẩn bị nạp vào cung mà!!!!

Ông Dương kinh ngạc, chắc cũng tại bất ngờ quá, phẫn uất quá, ông không chịu được mà lăn ra xĩu cái đùng tại chỗ.

-"Mình ơi mình sao thế này?" Bà hai hét toáng.

-"Giời ơi chồng tôi!!!!" Bà năm gào lên.

Ông xĩu, đám gia nhân vợ con chúng nó nháo nhào lên như sắp chết đến nơi, đám người càng bu đông hơn, nhìn chung như một vở tuồng đầy lời ca thán, tất cả đều hiện rõ trong đôi mắt đượm buồn của cô Duệ Tư. Bấy lâu nay Tư che giấu căn bệnh ở đôi mắt này cuối cùng cũng bung bét cả rồi, Tư không biết có phải thật sự mình đã bị thần che mắt rồi không nhưng Tư thấy sao số mình khổ quá à!

Sư thầy nói Nguyễn Bảo Duệ Tư, cái tên nghe thì hay nhưng mà số này không trèo cao làm phi tần được đâu, chỉ gả được cho người bình thường thôi. Đã thế số cô Tư sinh ra là để gánh nghiệp tổ tiên, bị thần che mắt, không phải mù loà nhưng để nhìn rõ mọi thứ thì rất khó khăn, tóm lại nhanh nhất là năm sau ông Dương phải gả cô Tư đi sớm, kẻo phải gặp vận hạn, xui xẻo ập đến.

Ông Dương tin vào tâm linh ghê gớm lắm, một năm chắc phải đi xem thầy bà chục lần, biết tin cô Tư bị sư thầy phán cho cái số oan nghiệt mà ngán ngẩm, đến ăn cũng bỏ bữa tự làm khổ mình.

Giời ơi, làm ông lỡ biết bao nhiêu buổi trầu cau, ăn hỏi, biết vậy lúc nó mười ba mười bốn ông đã gả nó đi như mấy đứa em gái nhà nó cho rồi!

Sự đời xoay vần, biến đổi khó lường. Đấy, quyết cho ghê lắm cuối cùng đổ sông đổ biển.

Cũng vì chuyện đó mà ông mặc kệ cô Tư luôn, xem cô như thứ xui xẻo trong nhà, đến cả liếc ông còn chả thèm liếc đợi đến ngày lành tháng tốt thì ông gả đi cho khuất mắt ông.

Đấy, kệ bỏ xừ nó, mặc nó sống sao thì sống!

Lại nhắc đến cô Tư, từ khi bị sư thầy phán cho cái mệnh lạ lùng cô mặc kệ, không được thầy yêu thương cô chẳng thèm để bụng, cô Tư suốt ngày chỉ quanh quẩn bên đống sách của người anh cả để lại, đọc hết chồng này sang chồng khác rồi lại ăn rồi lại ngủ. Cái nhà này bề ngoài nhìn đức hạnh, mọi người đùm bọc lẫn nhau thế thôi chứ bên trong đấu đá nhau ầm ầm, Tư không muốn dính vào kẻo gặp phải hoạ, mệt chết đi được!

Sở dĩ cái nết cô cam chịu, an phận thủ thường là vì thời thơ ấu Tư mất bu từ hồi lên năm, thuở ấy bu mất thầy khóc lóc kinh thiên động địa, hứa với bu trong nhà chỉ có hai bà không dắt thêm một bà nào về hết, vậy mà chưa hết một năm thì ông đã dắt bà tư, bà năm,... Gần đây ông còn dắt thêm bà bảy về, đã vậy bà bảy còn kém hơn cô Duệ Tư một tuổi.

...Áo dài chẳng nệ quần thưa...

...Bảy mươi có tuổi cũng vừa mười lăm....

Cô Tư cũng chẳng hiểu nổi thầy mình, lấy về cũng để làm cảnh chứ ông chẳng đả động gì tới là bao, việc gì phải lấy thêm vợ lắm thế!

Chương 2: Cô Tư xuất giá

Người ngoài tưởng Tư được chiều, được cưng thật ra cũng chỉ là bức bình phong bên ngoài, từ nhỏ đến lớn là chuỗi ngày bị đánh bị mắng, hai anh ruột người có vợ làm quan xa nhà, người vốn đã không chung sống từ lâu, ông Dương giao toàn bộ việc chăm lo cho bà hai, cô Tư phải nhìn mặt mụ ta mà sống. Việc cô bị căn bệnh lạ lùng này chỉ duy nhất mụ ta biết, lúc ấy mụ tỏ ra thản nhiên chờ thời, bấy giờ thời đã đến, mụ liền biên lên vở kịch này.

Làm đúng như lời thầy phán, một năm sau vào giữa tháng Giêng tri phủ nhà ta liền làm một cái lễ ăn hỏi lớn chuẩn bị tống khứ cô Tư, tống khứ cái mệnh xui xẻo ra khỏi nhà ông.

Nhà mà cô Tư được gả cách xa cái trấn phồn hoa này nhiều, có lẽ ông Dương muốn vứt bỏ cô Tư lắm rồi. Nghe bảo chồng cô tính tình lầm lì, cần kiệm đã thế còn rất hay đi, phiêu bạt khắp nơi, mặt mũi không được ưa nhìn vì có nước da ngăm đen, quan ông chịu gả con gái cho là vì nhà đó giàu nức vách đổ tường, họ cho ông rất nhiều của hồi môn, mấy đứa em bản tính vốn ghen tị với cô từ nhỏ nên khi hay tin về con người chồng cô thì hả dạ vô cùng. Hôm ăn hỏi Tư mặc váy lĩnh, tóc buộc đuôi gà, đầu vấn khăn nhung đen trông diễm lệ lắm nhưng đợi mãi chẳng thấy chàng công tử kia đâu càng làm tụi em gái hào hứng, chúng nó cố tình chọc nhau cười cợt to tiếng để chọc quê Tư, Tư cúi gằm mặt, đứng trơ trọi một mình giữa quan viên hai họ mà đớn hết cái lòng.

...Thân gái bến nước mười hai...

...Gặp nơi trong đục may ai nấy nhờ....

Nó tủi, tủi ơi là tủi!

Cũng do gia thế nhà Duệ Tư là quan, ăn bổng lộc từ triều đình từ họ nội đến họ ngoại, dù bị thầy ghẻ lạnh và bu mất sớm nhưng cô vẫn được người đời kiêng nể, dè chừng. Sau khi thực hiện đủ lục lễ từ nạp thái đến thân nghinh thì Duệ Tư chính thức bước chân vào nhà chồng với cái danh là mợ cả. Nhà chồng Tư là một tay cự phú, người ta đồn nhà ấy ho ra bạc khạc ra vàng, ruộng đồng bao la bát ngát, trong nhà trưng bày toàn là vật phẩm quý giá đắt đỏ, đặc biệt là gốm sứ với những nét trạm trổ tinh hoa và công phu, đống đồ quý giá ấy tìm nát cái phủ đường của cô cũng chẳng thấy được.

Thầy Cường bu Trúc là cha mẹ chồng của Tư, họ đều xuất thân là nông phu nên tính tình chất phác, hào sảng, giản dị và phóng khoáng. Cơ nghiệp mà họ nắm trong tay hiện tại chính là năm tháng vất vả họ cùng nắm tay nhau đi lên. Thầy Cường với Bu Trúc trẻ lắm, năm nay mới chỉ ngoài tứ tuần chút, ở cái tuổi này mà chỉ có một mặt con là cậu Sang, lý do là vì thầy Cường không cho bu Trúc đẻ tiếp tại sợ bu đau, đấy, đàn bà con gái người ta hơn nhau tấm chồng cả.

Lại nói đến cậu Sang là chồng của Tư, sau khi đã xong cử hành xong lục lễ, đêm tân hôn cậu chẳng chịu vào phòng ngủ cùng làm Tư mong mỏi chờ đợi suốt đêm, Tư vừa bồn chồn vừa lo lắng vì bản thân mình sắp thành "đàn bà" tới nơi, nào có ngờ... Đêm ấy cậu không tới phòng Tư, sáng hôm sau chỉ báo với thầy bu rằng mình đi buôn rồi đi biệt tăm biệt tích cả năm không về.

_____________

Cô Tư nhà mình không phải là bị thần che mắt đâu nhé, sở dĩ là vì ngày xưa khi bị cận thì ông bà ta vẫn chưa có nhận thức đúng về căn bệnh này nên mới phán đoán về vấn đề tâm linh ấy, với lại thời xưa thì không được tiếp cận với điện thoại ti vi như ngày nay nên tỉ lệ người bị cận cũng rất ít, số ít người bị cận nhưng việc này cũng không đáng lo ngại cho lắm, đọc truyện hoan hỉ hoan hỉ nha mọi người!

Chương 3: Cậu Sang về nhà

Mợ cả nhà ta chẳng biết gì, hồi hộp mong chờ đến giữa đêm mới chợp mắt, sáng ra thì nghe bọn người làm trong nhà bảo cậu đi buôn rồi, mợ tự hỏi bộ mình sai ở đâu à? Từ nhỏ được cho học chữ cùng anh cả thì thầy đồ đã căn dặn mợ rằng đàn bà con gái phải tam tòng tứ đức, chồng mình phải đặt lên hàng đầu, phải phục tùng chồng mình, thế nhưng chỉ mới qua đêm động phòng cậu Sang đã vội bỏ đi, người mợ cậu chẳng thèm đụng, cũng chẳng dẫn mợ trở về phủ đường làm lễ lại mặt, có phải cậu không vừa lòng với mợ nên mới bỏ đi không, mợ còn chưa kịp hầu hạ cậu như những gì được dạy dỗ nữa...

Khổ thân mợ.

...Lấy chồng chẳng biết mặt chồng...

...Đêm nằm mơ tưởng, nghĩ ông láng giềng....

Bởi mang cái danh là con gái tri phủ trấn bên, được hay chữ từ nhỏ nên Tư biết làm thơ, hay đối đáp với bu Trúc còn giỏi tính toán sổ sách cho thầy Cường nên được họ quý, coi trọng, một phần cũng vì xuất thân nên người trong làng từ dân đến quan thêm phần kiêng nể, nhưng mợ Tư không để ý lắm, mợ cũng ít ra ngoài chỉ toàn ru rú ở nhà, khi nào được thầy Cường giao việc coi sóc đồng áng thì mới ra ngoài. Nhưng mợ ghét lắm, mợ không thích ra ngoài, mỗi lần ra đồng thì mợ lại nghe thấy dăm ba tiếng xì xào bàn tán về mình, mắt mợ thì trông từ xa không rõ, cứ mờ mờ làm cho công việc thêm trở ngại hơn, nhất là bọn đàn ông trong làng, đi ngang qua mợ mắc gì phải đứng như trời chồng thế.

Hết xuân lại đến hè, qua hè rồi tới thu, những ngày ấy mợ chăn đơn gối chiếc, dù không có chút cảm tình với cậu nhưng một lòng một dạ chờ cậu về. Hôm ấy trời tối, mợ đang nằm trong phòng thì thấy có một người nữ đứng ở ngoài cánh cửa phòng dòm vào, mợ tưởng đấy là con Bưởi nhất thời đang nhức mỏi cái chân liền gọi nó vào:

-"Bưởi ơi, mày vào bóp cho mợ cái chân cái."

Người nữ đứng ngoài cửa không nói gì, mợ thấy cứ kì kì nom cái dáng không giống con Bưởi cho lắm, tiến đến gần thì tá hoả khi biết đó là bu Trúc, mợ gấp rút xin lỗi:

-"Ối! Bu ạ, con xin lỗi bu, mắt con kém con không nhìn rõ là bu đang đứng ở đó ạ... Con xin lỗi.."

-"Tư này, bu hỏi con." Bu Trúc nhíu mày.

Tư cúi đầu lo lắng:"Dạ?"

-"Mắt con yếu từ khi nào?"

-"Tầm vài năm trước ạ..."

-"Thảo nào..."

Bu Trúc chậc lưỡi, vội khua tay bảo mợ ngủ sớm đi bà sẽ gọi con Bưởi vào bóp chân cho mợ. Tối đó, dù có cố nhắm mắt, làm cho đầu óc thư thái thế nào mợ cũng không thể ngủ được, cảm giác lo sợ bản thân sẽ giống như hồi ở trong phủ đường đột nhiên ập đến.

Họ đánh mợ, quát mợ, mợ vừa đau, vừa tổn thương...

Sau đêm hôm đó mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường, bu Trúc và thầy Cường vẫn bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra, hình như họ không ghét mợ thật, chỉ là mợ thấy lần này họ thương mợ hơn mấy lần trước.

Hết thu rồi đến đông, qua đông thì lại đến xuân. Dịp cuối năm, cậu Sang trở về, sau chuyến đi buôn gần một năm trời cậu mang về vô số quà quý, nào là bình gốm, chén sứ, đồ gỗ với hoa văn trông rất mượt mà. Cậu về, thầy bu mừng lắm, giết bò giết trâu để ăn mừng cậu trở về, hôm cậu về Tư cũng ra cung kính chào cậu mà cậu chẳng thèm quan tâm cứ lẳng lặng đi vào nhà. Tư lại làm sai điều gì rồi đó à?

Không khí Tết ở cái làng Ất này nhộn nhịp lắm, sáng sớm bu Trúc kéo mợ ra chợ phiên mua rất nhiều đồ ăn về nhà, cứ đi vài bước là bu Trúc thấy vài thanh niên trai tráng trong làng quay qua nhìn mợ cả nhà bà, quả thật mợ cả nhà bà dung mạo quá là đẹp đi, từng xém xíu nữa là tiến cung đấy, nhưng mà bà cấm nhé, cấm thằng nào cướp con dâu nhà bà nhé. Thế là cứ đi vài bước bu lại liếc ngang liếc dọc mấy chàng thanh niên làm chúng nó vội né đi hết.

Vừa đi bà vừa dặn dò:

-"Bu dặn con này, thằng Sang nó nghiêm túc lắm, cái gì ra cái đó, cách nó nói chuyện cũng khó nghe, thôi thì dù sao cũng là vợ chồng, con nhường nhịn nó xíu cho êm nhà êm cửa."

Bà dặn, mợ Tư liền nhanh nhảu gật đầu nghe lời. Đến lúc về nào có ngờ người dặn dò con dâu lại chính là người cãi nhau to nhất với cậu Sang.

-"Bu, sao bu lấy ấm chén sứ này của con để rót trà?"

Vừa bước chân đến gian chính, cậu Sang lập tức phàn nàn trách móc bu Trúc ngay, cậu ngồi vắt chân lên cái sập gụ được khảm ốc, cặp chân mày nheo lên trông rất khó ưa.

Bu Trúc vừa về đến nhà mệt rũ rượi, mồ hôi ướt đẫm hết cả trán, bà vội khua tay :"Không ai xài thì lấy ra xài, mày hà tiện với bu đến cỡ đó à?"

-"Đúng là già sinh tật như đất sinh cỏ."

-"Mày nói cái gì, mày nói tao già đó à?" Bà quát.

Thấy tiếng cãi cọ, thầy Cường đi ra giải vây:

-"Thôi được rồi bà nó ơi nó mới về còn mắng nó làm chi, còn thằng Sang nữa, mày không biết kính trên nhường dưới à?"

May mà thầy Cường là người quyền lực nhất trong nhà, lời nói của thầy một là một hai là hai cuối cùng cũng dập được hai mẹ con nhà này. Bị thầy mắng, cậu Sang đứng chống hông dò xét xung quanh nhanh chóng hướng cặp mắt về mợ, cậu đưa tay gọi mợ về phía mình.

Cái mợ Tư này thân hình nhỏ bé như hạt tiêu, cái gì cũng nhỏ, đứng với cậu chẳng khác gì cặp đũa lệch, anh Cả nhà mợ hô mưa gọi gió, thời xưa còn học cùng hắn lúc nào cũng ỷ văn hay chữ tốt mà chèn ép cậu Sang vô tội vạ, cậu bực lắm, thôi thì không lật đổ hắn được thì bắt nạt em gái hắn vậy, dẫu sao thì cũng là vợ cậu mà.

-"Khâu áo cho cậu."

Giọng cậu lành lạnh, nét mặt cương nghị đanh thép làm cho mợ dụt dè, mợ thút thít kêu dạ rồi vội vàng cầm áo cậu về phòng khâu vá. Tối đến, mợ đang miệt mài khâu áo cho chồng thì cửa mở, ra là cậu vào phòng. Lần này thì cậu chịu ngủ chung với mợ rồi, có phải cậu muốn mợ thành "đàn bà" chăng?

Không.

Cậu duỗi thẳng chân trên giường nhắm hờ mắt, lát sau bảo mợ hạ bấc đèn dầu cất áo đi đừng khâu nữa, nằm ngủ với cậu. Mợ nghe lời, ngừng khâu áo, cởi cái vấn trên đầu xuống rồi đến bên giường.

-"Mợ xài dầu thơm à?" Cậu hỏi.

-"Dạ ban nãy em gội đầu với quế ạ, mùi hơi nồng hả cậu, cậu không thích thì em không gội nữa ạ."

Mợ trả lời, hai mắt mở to hết cỡ người chồm lên ngắm nhìn cậu Sang. Cậu nhắm mắt, chẳng thèm đáp lại, cái mặt nom chẳng thể hiểu được là ưa hay ghét. Đợi mãi mà chẳng thấy hồi âm, mợ Tư nhận ra cậu đã bơ mình rồi, mợ hơi hơi buồn, hạ mình nằm xuống.

Ngoại hình cậu Sang không hề giống trong lời đồn, người ta đồn cậu đen như bọn tộc, mũi tẹt, mặt mày thì chẳng sáng sủa nhưng mợ thấy khác, sai hoàn toàn, người đang nằm cạnh mợ đây là một người có sống mũi cao, trán cao, mặt chữ điền, nước da ngăm là minh chứng cho sự phong trần phiêu bạt khắp nơi của cậu.

Đâu có đúng, cậu đâu có xấu, cậu đẹp, đẹp theo kiểu trưởng thành.

Download MangaToon APP on App Store and Google Play

novel PDF download
NovelToon
Step Into A Different WORLD!
Download MangaToon APP on App Store and Google Play