Mùa thu vừa mới tới hôm qua, nắng vẫn chưa nhạt bớt đi phần nào. Mới 6 giờ sáng, trời đã xanh trong sạch sẽ không gợn mây. Nhiệt độ hơi giảm xuống, thời tiết có phần mát mẻ hơn. Quanh đi quanh lại, năm học mới lại sắp bắt đầu.
- Chồng ơi, anh quên sữa cho con rồi. Đợi đợi.
Lão chồng đầu óc trên mây của tôi đang chuẩn bị mở cửa bước ra ngoài, đã bị kéo lại, dúi vào tay hộp sữa dâu vội vàng lấy ra từ hộp giấy trong nhà bếp. Sáng nào cũng đưa con đi học. Nhưng sáng nào cũng phải để vợ nhắc.
- Anh đội mũ cho con bé kiểu gì thế? Lệch tóc rồi. Phải đội thẳng như thế này chứ.
Nói xong, tôi lại phải tự tay đội lại mũ cho con gái. Do thấp hơn lão chồng rất nhiều, nên tôi phải kiễng chân lên mới có thể đội mũ cho con gái tươm tất. Lão chồng cau mày khó chịu, nhưng vẫn cố gắng chùng gối giúp tôi.
- Mẹ ơi, Bắp đi học đây ạ. Chúc mẹ ngày mới vui vẻ nhé.
- Được rồi được rồi, em bé mau đi học đi. Đi học ngoan nhé, tối về mẹ làm bánh quy cho ăn.
- Anh đi làm đây. Lát nữa em đi làm thì nhớ khoá cửa nẻo cẩn thận đấy nhé. Anh nghe bảo phòng nào ở tầng 1 bị trộm leo vào lấy mất laptop hay gì đấy rồi ấy.
- Được rồi được rồi. - Tôi nhỏ giọng đáp, sau đó đứng trước cửa- 2 bố con đi cẩn thận nhé. Anh tới nơi nhắn tin cho em.
Lão chồng ừ một tiếng rồi lui ra ngoài. Sáng nào cũng bịn rịn với nhau như thế. Chồng con đi rồi, tôi mới quay vào nhà chuẩn bị công việc của mình.
Mở cửa sổ. Nắng sớm vui vẻ tràn vào bên trong. Bên ngoài là âm thanh ồn ào quen thuộc từ khu chợ nhỏ vài chục năm tuổi. Trời vẫn còn rất sớm, mới chỉ tầm 6 giờ 30. Nếu là ở nhà với mẹ, có khi giờ này tôi vẫn đang ngủ, chứ không phải thức sớm dọn dẹp bãi chiến trường do "bố con nó" bày bừa ra đó. Tôi vặn vòi nước. Trong bồn có quả dưa hấu màu xanh mướt. Tiếng reng reng từ chuông xe đạp vọng tới khiến đám chim bồ câu béo mập trên nóc chợ giật mình bay lên loạn xạ.
Dọn dẹp xong nhà cửa, tôi xách túi nhỏ, ra cửa chuẩn bị đi làm.
Mới đi được vài bước đã suýt va vào Phương Chi cũng vừa mới đẩy cửa đi ra. Tôi đang định cất tiếng chào buổi sáng thì cô ấy đã nở nụ cười ngọt ngào trước:
- Chị Lam đi làm sớm thế ạ? Ăn sáng chưa chị Lam?
Tôi mỉm cười chào xã giao đáp lại. Phương Chi là một cô gái đặc biệt xinh đẹp, tóc xoăn lơi buông xoã xuống vai, mắt to, mũi cao, da trắng, dáng thon... Trông cô ấy rất giống một em búp bê nhỏ.
Phương Chi là hàng xóm mới nhà tôi.
- Em bé nhà chị đi học rồi ạ?
- Ừm. Bố nó đưa đi từ nãy, chị dọn nhà xong mới đi làm sau. - Tôi cười, vuốt lọn tóc xuống trước 2 vai. Đi bên cạnh Phương Chi, bản thân lại cảm thấy chính mình có phần lép vế. Cô ấy trẻ trung xinh đẹp như vậy, còn mình thì đầu tóc ăn mặc lôi thôi chẳng ra làm sao. Cũng may là gặp nhau lúc đi làm, ăn mặc còn chỉn chu đôi chút đó nha. Không thì...
- Chị Lam xinh thật đấy. Sinh một bé rồi mà vẫn đẹp thế này... Như Bạch Nguyệt Quang ấy. Đúng là gái 1 con trông mòn con mắt nhỉ?
- Hahahaah... - Tôi được khen thì sướng nổ mắt, cười toe toét đáp lại Phương Chi- Cô này quá khen rồi. Thật là dẻo miệng quá đi.
- Đâu. Em nói thật mà. Em chưa nói dối ai bao giờ.
Tôi cười cười, được khen thì sướng lắm mà vẫn phải giả bộ ngầu ngầu không quan tâm cho đỡ mất giá. Đi đến tầng 1 thì quay đầu chào khách khí, nói hôm nào rảnh rỗi thì qua chơi với anh chị và cháu. Phương Chi cũng rời đi ngay sau đó. Chắc là vội đi làm.
Sáng mùa thu. Khu tập thể cũ ồn ào náo nhiệt như dáng vẻ vốn có. Vài người già đang lắc hông dưới sân sinh hoạt chung, nhìn vào có cảm giác các khớp xương đang kêu lên răng rắc.
Hôm nay là thứ Hai, tất cả mọi người đều phải đi làm. Học sinh vừa trở lại sau kỳ nghỉ hè dài dặc 3 tháng, phụ huynh thở phào, trẻ con thở dài, tính ra tôi đã qua cái thời gian ấy được chục năm nay rồi.
- Lam ơi. Nay phần mày xôi ngô đây này. Mua đi ăn cho nóng không lại để bụng đói đi làm.
Tiếng bà cụ bán xôi dưới tầng 1 với lại. Tôi sực tỉnh, lật đật chạy tới chỗ bà ấy. Xôi trắng bọc trong lá chuối màu xanh. Ghế nhựa xanh đỏ. Điếu cày. Vài ba món nước giải khát. Trà xanh. Bao thuốc lá. Trứng luộc. Đúng rồi đúng rồi. Đây đích thị là hình ảnh điển hình quen thuộc trên mỗi con phố nhỏ ở Việt Nam.
Tôi khịt mũi một cái, muốn đưa tay chụp 1 tấm ảnh, nhưng cuối cùng thay vì chụp ảnh lại vội vã đón lấy gói xôi. Bà lão cười, khen nay da mặt mày sáng sủa thế. Mấy ông chú nghiện thuốc lào, răng vàng khè, ề à bên bàn cờ tướng đã cũ tới sắp mục nát gãy gập. Vài bà vợ béo mặc đồ bộ sặc sỡ hoa bông đứng sau lớp cửa, vừa quét nhà vừa nhìn ra với ánh mắt hình quả bom. Chẳng biết sau này tôi với lão chồng có như thế hay không. Nhưng nhìn tình hình trước mắt thì có khả năng lắm rồi đấy.
Tôi vội chào bà cụ bán xôi rồi đi tới cổng khu tập thể. Ngoài đường, ánh nắng ấm áp đã đổ dài trên mặt lộ.
Sáng sớm mùa thu.
Ai ai cũng vội vã.
Tôi nên kể về cuộc sống của mình như thế nào?
Tôi là Lam, 28 tuổi. Chồng tôi là Hiếu, bằng tuổi tôi. Chúng tôi có con gái 5 tuổi, tên Bắp. À quên. Tên Mẫn Nhi. Chúng tôi kết hôn là do bác sĩ bảo cưới, nếu không bây giờ tôi vẫn còn bay nhảy dài dài. Tên con gái là lão chồng dở hơi nọ đặt cho. 2 bên nội ngoại, cả tôi cũng không ai ý kiến gì. Chỉ có con gái ý kiến.
- Bố đặt tên cho con kêu quá, đi học đến giờ khảo bài cô giáo cứ gọi con lên.
Ừa. Là thế đấy. Chúng tôi đang sống trong một khu tập thể cũ, giữa lòng thành phố lớn. Tôi nên nói về nơi đó như thế nào nhỉ?
Trên đầu là một vòng tròn chỉ toàn nhà là nhà, kéo bầu trời mùa thu rất nhanh lên cao vút, y như trong miệng giếng. Thỉnh thoảng sẽ có vài gợn mây trắng như bông chậm chạp bò qua miệng giếng, rất lề mề.
Ngày nào đi làm hay về nhà cũng phải đi qua sân sinh hoạt chung, có đủ loại hàng quán linh tinh. Một cái sân chơi cho trẻ con be bé trong hố cát, tái chế từ lốp xe cũ vứt ngổn ngang mà chẳng đứa nào thèm chơi. Trên đầu là đủ các loại cây cảnh, quần áo của các gia đình treo chìa ra phơi phóng, có khi đi qua, quần áo chưa róc hết nước còn rơi tong tỏng xuống đầu mình. Mấy nhà ở tầng 1 nếu không bán quán cũng cả ngày mở cửa rộng hết cỡ. Đám trẻ con nô đùa trong sân, chơi trốn tìm còn chạy thẳng vào như nhà của mình. Trong sân sinh hoạt chung, ngoài tiếng mấy ông đánh cờ lọc cọc còn có tiếng mấy bà lớn tuổi đang oang oang kể chuyện.
- Bà dùng thuốc khớp loại gì? Cuối tuần này lại phải bảo con đưa đi viện kiểm tra xem chân tay thế nào. Thời tiết thay đổi lại đau nhức quá.
Người bị hỏi lại trưng ra bộ mặt buồn buồn, chỉ đành nhắc lại:" Con cái tôi đi nước ngoài hết cả rồi. Có đi thì tự đi mua, mà cũng chả nhớ được là thuốc thang loại gì..."
Mặt đất và bờ tường qua thời gian có chỗ đã lên rêu mốc. Cửa sổ nhỏ hẹp, gần như ánh sáng không bao giờ lọt tới. Ngày nào tôi cũng phải mở toang cửa sổ tới tận lúc 6 giờ chiều mới bắt đầu bật đèn trong nhà. Trồng cây định đuổi muỗi, ai ngờ còn kéo muỗi đến nhiều hơn. Thỉnh thoảng vẫn có người tới phun thuốc, nhưng cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Con gái ngày nào cũng bị muỗi đốt sưng đỏ cả chân.
Chính là một cuộc sống như vậy.
Không quá vật chất. Cũng không quá nghèo nàn. Tôi đã sống như vậy với chồng kể từ khi kết hôn, bố mẹ hai bên cũng không cần giúp đỡ nhiều, do lương tháng của 2 đứa cũng đã ổn định, thừa sức sống ở thành phố lớn mà không cần lo nghĩ quá nhiều. Tôi không biết lão chồng nghĩ thế nào. Nhưng bản thân lại cảm thấy rất hài lòng với cuộc sống hiện tại. Tôi đã sống ở đây 5 năm. Đủ để quen thân hết tất cả những gương mặt nổi bật trong khu cư xá.
Có điều, thời gian có thể gặp mặt nhau cũng không kéo dài lâu nữa.
Năm ngoái, lão chồng có ngắm được một căn hộ trên khu chung cư mới xây. Chúng tôi có tiền tích cóp, ngoài ra vay thêm gia đình nội ngoại 2 bên 1 chút ít, cũng đã mua được một căn, cửa sổ hướng ra công viên xanh sạch sẽ. Chỉ chờ tới cuối mùa hạ sang năm, con gái lên lớp 1 sẽ chuyển tới. Hiện tại con gái đang học mẫu giáo, chuyển đi chuyển lại 1 năm, phải làm quen bạn mới rồi lại chuyển, chồng tôi không đành lòng.
Mỗi lần nhắc tới chuyện mùa hè sang năm tôi sẽ chuyển đi, bà lão bán xôi dưới tầng 1 lại thở dài thườn thượt. Bà kêu, tôi đi rồi thì bà biết bán xôi cho ai, còn dặn nhất định phải tới thăm bà và mua xôi thường xuyên đấy. Tôi cười, gãi đầu bảo đương nhiên rồi, đương nhiên rồi. Thật ra chuyển đi cũng buồn lắm. Dù gì tôi cũng đã gắn bó với nơi này tận 5 năm rồi, cũng chẳng ít ỏi gì.
- Thôi, chuyển đi là đúng con ạ... Nói vậy chứ, trẻ con lớn lên trong môi trường tốt, vẫn phát triển tốt hơn so với mấy đứa bé sống trong môi trường quanh năm ẩm thấp, chửi rủa liên miên...- Bà lão thở dài, sau cùng lại ngẩng lên nhìn tôi- Con ạ. Kể cả cha mẹ không hạnh phúc, suốt ngày đánh chửi nhau cũng ảnh hưởng tới đứa trẻ lắm đấy.
Tôi vâng vâng dạ dạ, sau đó lại xách túi về nhà như chưa có chuyện gì xảy ra.
Lúc về tới nhà sẽ thấy lão chồng đang mặc tạp dề nấu cơm trong bếp. Con bé Bắp ngồi phòng khách, lê la chơi với mấy con búp bê cũ đầu tóc rối xù. Tôi thò đầu vào, dơ ra bịch chè mới mua dưới cổng:
- Chồng già chồng già. Chè hông?
Lão chồng ngẩng đầu lên, lau mồ hôi, mặt hơi hồng hồng, hài hước nói:
- Đợi chừng nào tôi mọc ra thêm 1 cánh tay nữa thì ăn.
- Để em đút cho.
- Bà đút vào mũi tôi nữa hả? Khỏi đi khỏi khỏi đi.
Tôi đặt bịch chè lên bàn bếp, định bụng đi tắm cho con gái, không ngờ vừa mới quay đi quay lại đã nghe tiếng bịch chè từ trên bàn bếp rơi úp ngược xuống mặt đất. Lão chồng la lên oai oái, hỏi tại sao tôi lại bỏ chè ngay sau cùi trỏ của hắn ta.
- Bà không muốn tôi ăn đúng không? Cố ý để đó để tôi va vào, cho nó rơi xuống. Cho tôi khỏi ăn đúng không??? Ghét nhau thì bảo nhau 1 câu, cần gì phải làm vậy?
- Khà khà khà...
Tôi cười the thé, nhìn lão chồng chật vật dọn dẹp bịch chè rơi dưới đất chưa được ăn miếng nào, cảm thấy hơi tội nghiệp, nhưng cũng kệ. Biết sao.
Tôi bận đi tắm cho con gái iu ời.
Bé Bắp nhà tôi đi chơi ở ngoài cả ngày, nghịch ngợm đến mức đầu tóc bù rối, mồ hôi chảy đầy đầu, không tắm thì không ngửi nổi.
Tôi còn chưa kịp lấy quần áo mới, con bé đã nhanh chóng cởi đồ, nhảy vội vào chậu nhựa trong góc nhà vệ sinh. Ngoài tắm rửa, con gái tôi cũng rất thích nghịch nước. Tắm được 1 lát, bên ngoài sẽ lại nghe tiếng ông chồng la làng:
- 2 má con tắm cho nhau lâu la dữ zị? Tắm xong ra ăn cơm.
Có một khoảng thời gian con gái tôi nghiện xem phim hoạt hình trên kênh thiếu nhi tới quên cả ăn cơm. Những siêu anh hùng mạnh mẽ, vài chú gấu với hình dáng đơn giản thu hút ánh mắt con bé, khiến nó từ một em bé ngoan, lại trở thành đứa trẻ bỏ cơm để xem ti vi. Vậy là tôi đành ra tối hậu thư, chỉ cho phép con bé xem tivi 20 phút trên ngày. Đủ thời gian cho tập phim nó yêu thích nhất và không trùng giờ ăn cơm. Ban đầu con bé khóc ghê lắm. Nhưng giờ ngoan rồi. Dọa cho nhịn cơm là ngoan ngay. Được cái nhỏ này giống bố. Đói thì không chịu được. Nên cũng không khó khăn lắm trong việc rèn giũa. Chỉ cần cho con bé ăn ngon là được.
Bây giờ con bé hết nghiện xem tivi rồi. Bây giờ nó quay sang nghiện tắm. Chúng tôi vật lộn trong cái nhà tắm vẻn vẹn 5 mét vuông, với cái chậu đầy bọt xà phòng. Bắp nghịch nước khiến bọt trong chậu dây đầy ra sàn. Mỗi khi tôi bế con bé ra khỏi chậu để tráng người qua nước sạch, nó đều ỉu xìu ủ dột mà nắm tay tôi hỏi xem có được chơi thêm chút nữa không. Nhưng cũng chỉ là ỉu xìu 1 chút. Sau khi tắm xong, Bắp vẫn nói với tôi câu:" Yêu mẹ Lam nhất" sau đó mới vào nhà ăn cơm với bố. Chỉ là hôm nay con bé không chịu quay vào nhà trong lúc tôi đang dọn lại nhà tắm cho tươm tất sạch sẽ.
- Con làm sao thế? Vào nhà với bố chuẩn bị ăn cơm thôi.
Con bé quay đầu lại, ngập ngừng nói:"Mẹ ơi, có phải cô hàng xóm là người xấu không ạ? Con thấy bác Loan hàng xóm bảo cô ấy là một con điếm. Con điếm là cái gì thế ạ? Con thấy bác Loan bảo đó là 1 hạng người rẻ mạt."
Tôi cau mày, con bé lại bị bà hàng xóm tiêm nhiễm vào đầu những câu nói xấu xí chẳng hay ho gì. Thật ra Phương Chi ăn mặc có chút thoải mái, nhưng không phải kiểu khoét xẻ trên dưới. Cô ấy giống 1 con búp bê nhỏ, những chiếc váy bông xoè nhích cao hơn đầu gối vài phân. Tôi đoán đó là lý do tại sao hàng xóm không mấy vừa mắt với cô ấy.
Tôi nhanh chóng giảng giải cho con bé hiểu, rằng đó là 1 từ không tốt và lần sau không được nhắc lại thêm nữa. Bắp ngoan ngoãn gật đầu, cũng không nhắc tới từ đó, chỉ chợt nhớ ra chuyện hồi chiều, bèn bảo tôi:
- Mẹ ơi, cô ấy cho nhà mình bánh quy. Hình như vị oải hương. Bố bảo sau khi ăn cơm mới cho con ăn. Tí ăn cơm mẹ cho con ăn nhé.
- Có bánh quy hả?- Tôi ngơ ngác đưa đầu nhìn ra, thấy lão chồng đang xếp ra 1 đĩa bánh quy thật, bèn cau mày trêu- Sướng nhỉ? Được em hàng xóm xinh đẹp mang bánh sang cho đấy mà.
- Ừ. Sướng thật. Em ấy xinh đét. Tí phải sang xin in4 mới được.
Lão ta ngồi bên bàn ăn cơm, còn nhướng mày nhìn tôi cười cợt trông rõ đểu. Tôi chẳng buồn đôi co với lão, chỉ đưa mắt nhìn Bắp lon ton chạy về phía bố ôm chầm lấy chân. Bánh hoa oải hương rất thơm. Tôi cắn thử 1 miếng, rồi bảo lão chồng,
- Ê ngon he bố nó. Nào rảnh em làm thử.
- Rồi chừng nào mới được ăn. Thôi thôi, tôi ra tiệm mua cho nhanh.
Lão chồng lúc nào cũng tạt nước lạnh vào tôi. Nhưng tôi cũng chẳng giận dỗi lão. Quen rồi.
Ăn cơm xong, tôi đứng dậy định thu dọn bát đũa, nhưng bị lão chồng hét lên ngăn lại, bảo vào phòng đọc sách cho con. Lý do của lão là:" Bà động vào đống bát đĩa này, rơi vỡ có ngày. Đây không phải việc của bà, đi ngủ cho tôi nhờ."
Thực tình, cũng muốn dọn dẹp rửa bát giúp chồng lắm chứ... Nhưng mà đã ngăn thì cũng không nỡ tranh việc của chồng làm gì.
Nghĩ như thế, tôi đứng dậy, bế bé Bắp lên lật đật chạy vào phòng ngủ. Gần tới cửa thì quay lại, thấy chồng vẫn đeo tạp dề dọn dẹp bát đũa rồi đi vào bếp. Vừa đóng cửa lại con gái đã nằm dài ra giường, nói:
- Mẹ ơi, mẹ kể chuyện cho Bắp nghe đi. Hôm trước kể dở truyện Tấm Cám mà mẹ. Kết cục của con Cám độc ác như thế nào hả mẹ?
- Tất nhiên ác độc như vậy là bị đuổi đi rồi... Nghe nói còn bị sét đánh, biến thành 2 con bọ hung xấu xí hôi thối nữa cơ. Còn cô Tấm tốt bụng thì sống hạnh phúc bên hoàng tử trọn đời.
Tôi không thể kể cho con gái rằng, Tấm là người đổ nước sôi giết Cám. Không những thế, cô ta còn lóc thịt làm mắm... Trong mắt con trẻ, người xấu là người xấu, người tốt là người tốt... Sẽ không có chuyện người tốt biến thành người xấu, dù là bị ngoại cảnh tác động đi nữa.
Thật ra nếu như chúng ta có thể đơn thuần như con trẻ, yêu ghét phân minh, thì Thế giới này đã không trở nên phức tạp đến vậy rồi.
Download MangaToon APP on App Store and Google Play