Tôi tên là Hồ Thanh Thủy, 23 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học chưa đầy một năm. Không chút chần chừ, tôi xách vali rời khỏi vòng ta ba mẹ, một mình tiến về phương Nam để tìm kiếm cơ hội và tương lai.
Thành phố mới rộng lớn, xa lạ nhưng đầy hứa hẹn. Nhờ một chút may mắn, tôi nhanh chóng tìm được công việc văn phòng ổn định. Năm tháng trôi qua, khi tôi vừa quen với nhịp sống công sở thì một tin bất ngờ đến tôi được đề cử sang Đức tu nghiệp một năm. Điều kỳ diệu là, nước Đức ấy chính là giấc mơ tôi vẫn luôn ấp ủ.
Hai tuần sau, tôi lên chuyến bay rời khỏi quê hương, lòng rộn ràng lẫn hồi hộp. Bầu trời châu Âu lạnh hơn tôi nghĩ, nhưng khi đặt chân đến nơi, điều khiến tôi choáng ngợp hơn cả là mức độ chịu chi của công ty: thay vì ở ký túc xá hay khách sạn tập thể, chúng tôi những nhân viên trẻ được sắp xếp ở hẳn nhà riêng. Mỗi căn rộng rãi, tiện nghi, và tôi thì may mắn được chọn một căn hộ có tầm nhìn hướng ra dòng sông thơ mộng, đẹp như bước ra từ một bộ phim Pháp cổ điển.
Cuộc sống mới dần ổn định, tôi học cách yêu cái lạnh se sắt, yêu những buổi sáng tràn ánh nắng châu Âu và cả những đêm dài mặt trời mãi chưa chịu lặn. Mọi thứ đều yên ả cho đến cái đêm định mệnh đó.
Hôm ấy, sau bữa tiệc nhỏ cùng các anh chị đồng nghiệp, tôi rảo bước về nhà giữa ánh sáng lờ mờ của thành phố. Đồng hồ đã điểm mười một giờ khuya, nhưng trời vẫn sáng như chập tối. Khi đi ngang qua một con hẻm nhỏ, một tiếng động lạ khiến tôi giật mình. Bản năng mách bảo tôi nên bỏ qua, nhưng sự tò mò của một Song Tử như tôi lại khiến đôi chân rẽ vào.
Chỉ vài bước, tôi vấp phải thứ gì đó. Cúi xuống, tim tôi bất giác thắt lại một người đàn ông, dáng vẻ châu Á, nằm gục bên tường, sắc mặt trắng bệch như sáp nến. Tôi lo lắng cúi xuống, tay nhẹ chạm vào vai anh ta.
"Anh ơi... anh có nghe tôi nói không?"
Mí mắt anh khẽ động, rồi hé mở. Tôi thở phào nhẹ nhõm.
"Anh không sao chứ?"
Anh nhìn tôi, ánh mắt mờ mịt, dường như chưa kịp phân biệt mộng hay thực.
Tôi lấy trong ba lô chai nước, đưa cho anh. Thấy anh không phản ứng gì thêm, tôi định rời đi cho đến khi nghe một giọng nói yếu ớt sau lưng.
“Đợi chút.”
Tôi quay lại. Anh đang cố gượng ngồi dậy, tay khẽ run, rồi bất ngờ đưa ra một chiếc thẻ tín dụng đen tuyền.
“Trong đây có hai trăm triệu. Cô giúp tôi tìm nơi nghỉ tạm đêm nay.”
Tôi ngẩn người. Một người đàn ông xa lạ, nằm giữa đêm khuya, đẹp trai đến khó thở… và đang đưa cho tôi một khoản tiền lớn? Lý trí réo gọi tôi nên tránh xa, nhưng trái tim lại xúi giục bước tiếp. Vả lại, tôi chưa bao giờ từ chối một gương mặt đẹp.
Tôi đỡ lấy tấm thẻ, định dìu anh dậy thì chợt khựng lại ... máu... Một vết thương ngay bên hông anh, máu rỉ qua lớp áo sơ mi trắng. Tôi rùng mình.
Anh cao hơn tôi gần hai mươi phân, khi đứng dậy gần như cả thân thể đổ lên người tôi. Tôi loạng choạng, ánh mắt dừng lại nơi vết máu.
“Sợ sao?” Giọng anh vang lên nhẹ như gió thoảng.
“... Không.” Tôi nuốt nước bọt.
“Ở gần đây không có bệnh viện hay trạm xá. Nhà tôi cách đây chỉ vài bước.”
“Cô chắc chứ?”
“Nhận tiền phải làm việc, anh nói đúng không?” Tôi đáp, giọng thản nhiên hơn tôi nghĩ.
“Được. Làm phiền cô vậy.”
Chúng tôi gần như không nói gì trong suốt đoạn đường ngắn ngủi ấy. Về đến nhà, tôi đưa anh vào phòng ngủ căn phòng duy nhất tôi có. Nhìn gương mặt anh hơi nhăn lại vì đau, tôi biết mình vừa bước vào một chuyện lớn hơn cả sự tưởng tượng.
Nhưng cũng chính trong khoảnh khắc ấy… tôi đâu ngờ được, người đàn ông ấy không chỉ là khách qua đêm, mà là khởi đầu của một định mệnh chẳng ai đoán trước được.
Sau khi giúp anh nằm ổn định trên giường, tôi rời đi để tìm một chậu nước cùng vài chiếc khăn bông loại khăn giá rẻ mười lăm ngàn năm cái mà tôi đã chuẩn bị sẵn từ Việt Nam mang theo.
Chuẩn bị xong, tôi đặt tất cả ở tủ đầu giường rồi quay ra phòng khách lấy hộp y tế. Bên trong hộp có đủ loại thuốc và dụng cụ sơ cứu. Tôi vốn là người cẩn thận quá mức. Dù ít khi bệnh hay bị thương, nhưng những thứ như băng gạc, kim khâu, sát trùng… tôi luôn mang theo bên mình. Thấy anh vẫn im lặng nằm đó, tôi hơi ngại ngùng hỏi:
“Cái đó… anh tự xử lý hay để tôi giúp?”
“Tự tôi làm được.”
“Vâng.”
Tôi định lùi ra ngoài nhưng chưa kịp quay lưng đã nghe anh cất tiếng:
“Cô có thể giúp tôi khử trùng dụng cụ này không?”
Tôi hơi khó hiểu nhưng vẫn bước lại. Anh đưa ra một chiếc nhíp. Dù tò mò nhưng tôi không hỏi nhiều, chỉ im lặng nhận lấy rồi ra ngoài hơ lửa khử trùng. Tôi hiểu, người có thể chịu đựng vết thương nặng như vậy mà không rên la hẳn không phải người tầm thường. Với cả tôi biết nguyên tắc "nói ít sống lâu" nên được áp dụng.
Trở lại phòng, tôi đưa chiếc nhíp đã khử trùng cho anh. Lúc này, anh đã cởi bỏ áo vest và chiếc sơ mi xám dính máu, để lộ phần cơ bụng rắn chắc. Nhưng ánh mắt tôi lại bị hút chặt vào vết thương bên sườn trái, máu vẫn rỉ ra dù đã lau qua.
Anh nhận nhíp rồi không chút do dự đưa nó tới gần vết thương, từ từ gắp ra một mảnh kim loại dính đầy máu. Tôi đứng bên quan sát mà lạnh cả sống lưng. Anh không thuốc tê, không khăn cắn miệng, động tác gọn ghẽ, không một chút do dự.
Khi mọi thứ xong, anh ngước lên, bình thản nói:
“Cô giúp tôi khâu lại được không? Tay tôi không tiện.”
Tôi lúc ấy mới phát hiện tay anh cũng bị thương, một vết cắt khá dài. Không nhiều lời, tôi ngồi xuống bên giường, lấy kim chỉ khâu trong hộp y tế, cẩn thận khâu từng mũi ở bụng anh rồi băng luôn vết thương ở tay.
Xong việc, tôi dọn dẹp, mang chậu nước và khăn đi giặt, trả hộp y tế về phòng khách, không quên khép cửa phòng lại.
Nếu ai hỏi vì sao tôi thuần thục như vậy, tôi sẽ thẳng thắn trả lời: tôi mê phim hình sự, thích ngành pháp y. Nếu năm đó thi đủ điểm, chắc giờ tôi đang mổ tử thi ở đâu đó rồi.
Loay hoay một hồi, nhìn lại đồng hồ đã hai giờ sáng. Ngày mai còn có tiết học sớm, tôi do dự một lát rồi đi vào bếp. Pha một ly sữa nóng, rồi rón rén mang vào phòng ngủ.
Tôi lịch sự gõ cửa rồi mở hé nhìn vào. Anh vẫn nằm im, không phản ứng. Tôi đi vào đặt ly sữa ở đầu giường, lặng lẽ đi tới tủ lấy một bộ đồ ngủ và chiếc chăn mỏng, rời khỏi phòng mà không phát ra tiếng động nào.
Ra ngoài, tôi trải chăn trên ghế sofa, nhanh chóng tắm rửa rồi chui vào chăn, đánh một giấc đến sáng.
Cùng lúc đó, trong phòng ngủ, khi cánh cửa khép lại, người đàn ông vẫn nhắm mắt bỗng mở ra, lặng lẽ nhìn trần nhà rồi chuyển ánh mắt sang ly sữa còn bốc hơi. Anh cười khẽ, tự giễu:
“Đến người thân ruột thịt còn chẳng bằng một người xa lạ.”
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm để đến lớp. Trước khi đi, tôi nấu một bát cháo, đặt cạnh một tờ giấy nhắn:
"Buổi trưa tôi sẽ về." Anh vẫn còn ngủ, tôi không làm phiền.
Tan học, bạn bè rủ đi ăn nhưng tôi từ chối. Trên đường về, tôi ghé siêu thị mua nguyên liệu nấu ăn. Lúc thanh toán, nhớ đến chiếc thẻ đen hôm qua, tôi lấy ra thử đưa cho thu ngân. Không ngờ thẻ vẫn dùng được. Tôi hí hửng xách túi về nhà.
Về đến nơi, tôi gõ cửa phòng ngủ. Không có tiếng trả lời, tôi khẽ đẩy cửa, thò đầu nhìn vào và bắt gặp ánh mắt anh đang nhìn mình từ giường.
Tôi gượng cười. Anh vẫn trong trạng thái như tối qua, nửa thân trên chỉ quấn băng gạc.
“Hi hi…”
Chợt nhớ ra điều gì, tôi vội quay ra rồi trở lại với mấy túi giấy trên tay trông nhỏ nhưng sang trọng.
“Tôi mua chút đồ cho anh.”
Anh nhìn tôi, ánh mắt pha chút nghi hoặc:
“Cô dùng tiền tôi đưa để mua đồ cho tôi à?”
“Không phải. Tiền anh cho tôi, tôi tiêu rồi. Còn mấy thứ này, là tiền của anh.”
“…?”
Tôi kéo ghế ngồi cạnh giường, lần lượt lấy từng món ra:
“Tôi không biết gu anh ra sao nên chọn theo cảm tính. Dù không đắt đỏ bằng bộ anh mặc hôm qua, nhưng lúc này chắc chắn cần thiết.”
Tôi vừa nói vừa sắp đồ, còn anh chỉ im lặng nhìn tôi, không lên tiếng.
“Vải mềm, form rộng, sẽ không chạm vào vết thương. Tạm thời mặc được.”
Vẫn không thấy phản hồi, tôi gom đồ lại, chỉ để lại một bộ trên giường rồi mang bát cháo anh đã ăn ra ngoài.
Trước khi đi, tôi đặt lại chiếc thẻ ngân hàng lên đầu giường. Tôi biết rõ giới hạn của mình. Dù hai trăm triệu rất hấp dẫn, nhưng làm người không thể tham lam. Giúp là giúp, không nên biến nó thành lợi dụng.
Chỉ cần liếc mắt qua tấm thẻ, anh đã hiểu rõ ý tôi mà không cần hỏi thêm điều gì. Là người thông minh, anh không cần nhiều lời.
Mười lăm phút sau, tôi quay trở lại phòng với một mâm cơm đơn giản ba món mặn và một món canh, được sắp xếp gọn gàng, ấm áp. Trước khi nấu, tôi đã cẩn thận tra cứu những thực phẩm cần kiêng kỵ đối với vết thương cần khâu, mong có thể giúp anh nhanh chóng hồi phục.
Vừa dọn xong, tôi định rời đi thì giọng anh vang lên từ phía sau:
“Cô không ăn sao?”
“Tôi ăn ở ngoài.”
“…”
“Anh cứ dùng bữa đi, ăn xong tôi vào dọn.”
“Cùng ăn đi.”
“Hả?”
Bắt gặp ánh mắt anh, tôi bỗng chững lại, rồi như hiểu ra điều gì, liền bưng mâm cơm trở ra bếp, sau đó quay lại đỡ anh xuống giường.
Bữa cơm diễn ra trong yên lặng, không lời thừa thãi. Cả hai chỉ tập trung vào từng đũa cơm. Đột nhiên, anh lên tiếng:
“Tên cô là gì?”
Tôi thoáng ngạc nhiên, nhưng khi nhìn vào ánh mắt chân thành không chút phòng bị ấy, tôi thả lỏng rồi đáp:
“Windy. Tôi tên Windy.”
“Du học sinh?”
“Không. Tôi đi tu nghiệp… vừa học vừa làm.”
“Ừm.”
Thời gian sau đó, mọi chuyện cứ thế lặng lẽ trôi đi. Đến ngày thứ ba, một người đàn ông mặc đồ đen gõ cửa. Trên ve áo anh ta là chiếc khuy giống hệt cái tôi từng nhặt được từ bộ vest của anh hôm bị thương. Họ nói chuyện ngắn gọn. Sau đó, người đàn ông đưa anh rời đi. Trước lúc đi, anh ta đặt lại chiếc thẻ ngân hàng vào tay tôi, nói một câu: “Vì cô xứng đáng,” rồi rời khỏi, không ngoảnh lại lấy một lần.
Cuộc sống của tôi dần trở về quỹ đạo cũ. Nhờ vào số tiền anh để lại, tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc đến chuyện khởi nghiệp. Tôi thử đầu tư vào chứng khoán, bất động sản… với tâm niệm: lời thì là duyên, lỗ cũng không thiệt gì, vì đó vốn không phải tiền của mình kiếm được.
Tôi luôn giới hạn đầu tư trong số tiền đó, không mạo hiểm quá mức. Bởi nếu lỡ mất hết, ba mẹ tôi ở nhà chắc chắn không thể gánh nổi hậu quả.
Thấm thoắt đã gần đến cuối năm, ngày về nước cũng không còn xa. Một buổi tối, tôi về trễ. Không phải vì la cà như trước, mà do bị ép tăng ca ở công ty. Trong thời gian tu nghiệp, ngoài học ở trường, tôi còn phải đến trụ sở công ty để làm việc. Nhờ khả năng làm việc tốt, tôi được ưu ái, nhưng điều đó cũng khiến một số người cảm thấy khó chịu. Tôi bị cô lập, bị chèn ép từ những người không muốn tôi ở lại sau kỳ tu nghiệp.
Hôm ấy, khi mệt mỏi lê bước về đến trước nhà, tôi bắt gặp một người đàn ông cao gầy đang dựa lưng vào cột điện, ngẩn ngơ nhìn bầu trời đêm. Không cần nhìn kỹ, tôi cũng biết đó là anh. Khó ai có thể lẫn được “ông chủ lớn”.
Khi ánh mắt chúng tôi chạm nhau, cả hai khẽ mỉm cười. Không lời, không ồn ào. Tôi đi trước mở cửa, anh theo sau.
Vào nhà, tôi rót cho anh ly nước. Anh vừa bước vào, đảo mắt nhìn khắp căn phòng rồi hỏi:
“Cô để người lạ vào nhà không sợ à?”
“Nếu sợ, chẳng phải tôi nên sợ anh từ lần đầu tiên rồi sao?”
“…”
Tôi đặt ly nước lên bàn, thả người xuống sofa, ôm gối nghỉ ngơi. Mệt đến mức chẳng buồn để ý đến anh nữa. Trong lòng cũng chẳng còn chút cảnh giác nào, dù đây mới chỉ là lần thứ hai gặp lại. Có lẽ vì những ngày sống cùng nhau trước đó, tôi đã thật sự tin tưởng anh.
Anh nhìn tôi nằm dài, ánh mắt thoáng hiện lên chút khó chịu vì sự bất cẩn của tôi, nhưng rồi lại dịu xuống. Có lẽ anh hiểu, chỉ khi ở cạnh người mình tin tưởng tuyệt đối, con người ta mới có thể buông bỏ phòng bị như thế.
“Làm gì giờ này mới về?”
Không giấu giếm, tôi kể hết. Ở đất nước xa lạ này, ngoài anh ra, tôi không có ai để tâm sự.
“Bị sếp lớn để ý, bị cấp trên chèn ép, đồng nghiệp cô lập.”
“Nghỉ việc đi.”
“Nghỉ rồi lấy gì mà sống?”
“Về làm với tôi.”
Tôi mở mắt nhìn anh. Anh ngồi đối diện, ánh mắt kiên định.
“Công ty anh là công ty thiết kế hả? Tuyển cả kiến trúc sư chưa có giấy phép hành nghề luôn à?”
“Cô là kiến trúc sư?”
“Ừ. Tôi tốt nghiệp cử nhân kiến trúc. Dù chưa có chứng chỉ hành nghề, nhưng sớm muộn gì cũng có.”
“Khi nào?”
“Chưa biết nữa…”
Câu chuyện lửng lơ, nhưng chúng tôi lại hiểu nhau đến lạ. Không cần nói hết, cũng hiểu người kia đang nghĩ gì.
Ọt ọt ọt
Chiếc bụng nhỏ của tôi biểu tình. Tôi định đứng dậy thì anh đã đi thẳng vào bếp:
“Cô ngồi đó. Tôi nấu.”
“Hả…”
“Đợi đấy.”
Tôi ngồi lại, để mặc anh lục tủ lạnh, xắn tay nấu ăn. Chợt nhớ ra điều gì, tôi gọi với:
“Tôi không ăn cay, cũng không ăn hành đâu nhé!”
“…”
Không ai đáp lại, nhưng tôi thấy lòng ấm áp. Có người nấu cho ăn, thế là đủ rồi.
Chẳng lâu sau, anh mang ra hai món đơn giản nhưng thơm lừng. Không phải ba món một canh như tôi từng làm cho anh, nhưng thế này cũng quá đủ.
Thấy tôi còn nằm co ro trên sofa, anh khẽ chạm vai tôi:
“Nào, dậy ăn rồi ngủ.”
Tôi quay lại, nhìn anh cùng mâm cơm nhỏ trên bàn. Nước mắt bất chợt trào ra. Anh ngơ ngác, luống cuống chẳng biết làm gì, chỉ ngồi cạnh im lặng chờ tôi khóc xong.
Tôi vốn quen kiểu “tự khóc, tự lau, tự đau, tự chịu”. Khóc đủ rồi thì ngồi dậy, cầm bát cơm lên ăn. Tưởng sẽ khó nuốt, ai ngờ lại rất vừa miệng. Không cay, không hành đúng như tôi dặn.
Vừa ăn, tôi vừa khẽ nấc, vừa mỉm cười cảm ơn. Lần đầu tiên trong nhiều tháng xa nhà, tôi thấy lòng mình dịu lại.
Download MangaToon APP on App Store and Google Play