Ta là Triệu Vân Chi tiểu nữ của Triệu Tĩnh Vương, một vương gia khác họ được tiên hoàng thân phong, vì ông nội ta có công phò tá nhà Trần dựng nghiệp. Năm ấy, Trần Diệu đăng cơ xưng đế, quốc hiệu là Đại Thịnh, niên hiệu An Dương. Nhà ta cũng vì thế mà được phong vương. Đến năm An Dương thứ mười, tiên hoàng băng hà. Một đêm cung biến nổi lên, thánh chỉ ban xuống, truyền ngôi cho thái tử Trần Khải, lấy niên hiệu mới là Bình Khải.
Năm Bình Khải thứ ba, ông nội ta qua đời. Cha ta Triệu Thành kế thừa tước vị và binh quyền. Ông là công thần trấn thủ biên cương, vừa được sủng ái vừa nắm thực quyền, trở thành vị vương gia khác họ có quyền lực và tiếng tăm nhất.
Nhưng thời thế xoay vần.
Năm Bình Khải thứ bảy, biên cương đại loạn. Kẻ xâm lăng là Bắc Thương một quốc gia hùng cường phía bắc do chính quốc chủ Hạ Phong Dực thân chinh cầm quân. Vị quốc chủ ấy nổi danh là chiến thần trẻ tuổi, khát máu, tàn bạo, mỗi bước chân là máu đỏ thấm đất. Cha ta giao chiến nơi sa trường, nhưng thất bại. Quốc thổ mất, tội danh giáng xuống.
Từ công thần, cha ta trở thành tội thần.
Hai huynh trưởng của ta cũng là bại tướng. Nhà họ Triệu từng một thời vinh hiển rực rỡ, trong khoảnh khắc đã trở thành tang môn chi địa. Cửa nhà bị niêm phong, tài sản bị tịch thu, ân sủng năm xưa giờ chẳng còn sót lại điều gì.
Phụ thân ta Triệu Thành khi bị áp giải về kinh, trên đường đi đã bị dân chúng quá khích vây đánh. Quan lại thì bạc nhược, binh sĩ thì hèn nhát, chẳng ai bảo vệ nổi ông toàn thây trở về.
Hai vị ca ca ta, mỗi người một kết cục thương tâm. Đại ca Triệu Quách vì thương thế quá nặng gục ngã nơi đất khách, thi thể cũng không thể đưa về quê nhà. Còn nhị ca Triệu Bách trước ngày cha ta bại trận, đêm ấy từng dẫn quân đánh tập hậu địch, nhưng không may trúng kế.
Từ đó bặt vô âm tín.
Mẹ ta mất từ sớm. Đến khi nhà tan cửa nát, chỉ còn lại một mình ta giữa kinh thành phồn hoa này.
Ta Triệu Vân Chi thân mang danh con gái bại tướng, sống lay lắt để trấn an lòng quân vương. Nhà chẳng còn, cha mất, huynh đệ thất lạc, thân cô thế cô, trở thành cái gai trong mắt bao người. Thiên hạ mặc sức chèn ép, không ai cần giữ lễ.
Năm Bình Khải thứ mười, ta mười sáu tuổi không nhà, không cửa, không thân thích chỉ còn lại một tấm thân mảnh mai giữa triều cục rối ren.
Cũng năm ấy, Đại Thịnh cầu hòa Bắc Thương. Hạ Phong Dực đưa ra những điều kiện trên trời: tài vật, đất đai, cống phẩm quý hiếm thậm chí một nửa giang sơn cũng phải dâng lên. Mà điều cuối cùng… lại là công chúa hòa thân.
Trong cung, các công chúa đã đến tuổi đều đã xuất giá, người còn lại thì quá nhỏ. Hoàng đế băn khoăn chọn lựa, cân đo đong đếm từng gương mặt. Rốt cuộc, người được chọn lại là ta.
Tháng tám năm ấy, một đạo thánh chỉ được ban xuống. Ta được phong làm công chúa, hiệu là Hảo An, định ngày mồng chín tháng chín sẽ khởi hành, lên đường sang Bắc Thương hòa thân.
Từ một nữ nhi mang thân phận tội thần, trong vòng một tháng, ta phải học thuộc lễ nghi cung đình, khuôn phép nghi thức, dáng đi, lời nói, cách cười, cả cách quỳ lạy cho đúng với thân phận công chúa Đại Thịnh.
Tháng chín, trời trong như gương, gió nhẹ như tơ. Thành Vĩnh Châu chìm trong sắc đỏ rực rỡ. Cờ xí phần phật theo gió, nhạc trống vang rền, quan quân giăng kín hai bên bạch đạo, từ Hoàng Môn kéo dài đến tận đại điện Long Thịnh.
Hôm nay là ngày Triệu Vân Chi ta quận chúa danh nghĩa hành đại lễ phong hàm trước hoàng đế và bá quan, chính thức trở thành công chúa hòa thân, đại biểu cho hòa hiếu giữa hai quốc triều.
Nàng bước ra từ điện Phượng Hoa, thân vận xiêm y gấm đỏ thêu rồng phượng, đai ngọc ôm sát eo thon, mũ phượng cẩn châu ngọc khẽ ngân vang theo từng bước chân. Ánh nắng đầu thu chiếu lên người nàng, dịu dàng mà chói mắt, khiến cả dáng hình như phủ một tầng sáng mờ ảo, thanh lệ mà tĩnh lặng.
Mười sáu tuổi, dung mạo như ngọc, đoan trang khiến người phải ngoảnh nhìn. Nhưng tiếc thay, số phận lại chẳng ban cho nàng một cuộc đời bình an như bao nữ tử khuê phòng khác.
Vì thân phận của nàng, và cũng bởi Đại Thịnh trong trận chiến này đã mất quá nhiều, nên ngay cả hoàng đế cũng chẳng còn cho nàng một sắc mặt tử tế. Lễ nghi gì có thể giản lược đều bị giản lược, danh nghĩa là công chúa hòa thân, nhưng nghi lễ lại không khác gì một cuộc tiễn đưa vội vã.
Không có ban chiếu cáo thiên hạ, không có đại lễ rình rang kéo dài ba ngày ba đêm như thường lệ. Mọi thứ đều được sắp xếp gấp gáp và lạnh nhạt, như thể chỉ mong nàng sớm rời khỏi kinh thành, để mọi chuyện theo đó chấm dứt.
Sau lễ phong hàm, nàng được nâng lên kiệu.
Đội ngũ đưa công chúa hòa thân lặng lẽ rời khỏi cổng thành, không kèn không trống, không hoa không pháo. Đám người đưa tiễn đứng hai bên, người cúi đầu tiễn biệt, nhưng cũng không ít kẻ ngoảnh mặt làm ngơ.
Có người biết ơn nàng vì nàng đã dùng chính thân mình đổi lấy một chút bình yên tạm bợ cho giang sơn này. Nhưng cũng có người oán hận bởi nàng là con gái của bại tướng, là cốt nhục nhà Triệu, gia tộc từng bị quy là mang tai họa đến cho quốc gia.
Ngày ấy nàng gả đi, của hồi môn đem theo chỉ vỏn vẹn mấy món đơn giản một rương y phục lễ nghĩa, một số vật dụng thân cận, vài món trang sức cũ.
Không phượng liễn dát vàng, không tráp ngọc nạm châu.
Chỉ có một cỗ kiệu đỏ, lặng lẽ lăn bánh giữa sắc trời trong vắt tháng chín, mang theo một thiếu nữ mười sáu tuổi đi xa khỏi quê hương, về phía một cuộc đời mà chính nàng cũng không biết sẽ đi về đâu.
Kể từ ngày rời khỏi kinh thành, ta ăn gió nằm sương, ngồi kiệu dập dềnh theo đoàn đưa dâu suốt mấy nghìn dặm, vượt núi băng rừng, ngày đi đêm nghỉ, không một phút thảnh thơi. Những cung cách công chúa từng được dạy, trong gió bụi đường dài đều hóa thành phù phiếm.
Đến khi tiến sát biên giới Bắc Thương, đoàn đưa dâu dừng lại. Tại trạm giao nhận giữa hai quốc thổ, tướng quân Đại Thịnh dẫn ta ra giữa đất trời mênh mông, nơi không còn là lãnh thổ của một riêng ai.
Ta được giao lại cho sứ đoàn Bắc Thương trong một nghi thức đơn sơ nhưng nặng nề.
Trước khi rời đi, ta quỳ xuống hành lễ lần cuối dập đầu ba lạy tiễn biệt cha mẹ, ông bà tổ tiên nơi suối vàng, kính một chén rượu tiễn biệt non sông Đại Thịnh, rồi cúi người gom một nắm đất quê hương, gói lại trong tấm lụa gấm, giấu trong ngực áo.
Nắm đất ấy, ta mang theo bên mình suốt quãng đời còn lại không phải để giữ thân phận, mà để nhắc mình, mình từ đâu đến, và đã từng thuộc về nơi nào.
Khi chén rượu cạn, lễ tiễn biệt hoàn tất, cũng là lúc đoàn người Đại Thịnh khẽ khàng rút lui.
Kẻ hầu người hạ, thái giám, cung nữ, binh sĩ theo hộ tống suốt mấy tháng qua, tất cả đồng loạt xoay người, không ai dám ngoái đầu lại nhìn.
Chỉ có ta, một mình đứng đó, gió thổi bay tà áo đỏ thẫm như máu, nhìn theo bóng lưng họ xa dần rồi biến mất nơi đường chân trời phía Nam.
Từ đó, ta không còn là người của Đại Thịnh nữa.
Đoàn sứ Bắc Thương dàn hàng chỉnh tề, người cưỡi ngựa đi đầu cất giọng lạnh nhạt: “Hảo An công chúa, thỉnh lên kiệu.”
Ta không nói một lời, chỉ lặng lẽ bước lên kiệu, ngồi vào chiếc phượng liễn phủ lụa xanh xa lạ, để mặc cho đoàn người chưa từng gặp gỡ hộ tống ta tiếp tục đoạn hành trình còn lại.
Gió phương Bắc thổi mạnh hơn gió phương Nam. Càng tiến về đất khách, lòng ta càng trở nên mông lung, bất an, tựa như giấc mộng dài đang chầm chậm lật sang trang mới, mà bản thân lại chẳng biết mình là ai trong giấc mộng đó.
Người Bắc Thương chỉ phái cho ta vài thị nữ biết tiếng Hán sơ sài để tạm thời hầu hạ, còn lại không ai nói chuyện, cũng không ai giải thích điều gì. Tất cả đều tuân theo nghi thức cứng nhắc, xa cách lạnh lùng.
Đoạn đường này, ta đi qua bao nhiêu rặng núi chập chùng, non xanh nước biếc, mây trắng vắt ngang đỉnh đá như dải lụa trời buông hờ. Núi cao sừng sững, cây rừng chen chúc mọc tràn, vách đá dựng đứng như có bàn tay trời đẽo gọt, hùng vĩ mà thâm nghiêm.
Dưới chân núi là dòng suối uốn lượn quanh co, nước trong vắt, đá cuội lấp lánh dưới ánh dương nhàn nhạt đầu thu. Xa xa là những triền đồi thoai thoải, cỏ dại lay động theo gió, từng đàn chim sà xuống rồi lại vụt bay lên như những nét vẽ sống động trong một bức họa cổ.
Đẹp đến mức khiến người lạc loài như ta cũng không nỡ rời mắt.
Đôi khi ta tự hỏi, nếu không có chiến tranh, nếu không có cừu hận, liệu nơi đây có thể trở thành chốn an cư? Liệu một người con gái như ta, có thể bình thản sống một đời trong thung lũng yên lành giữa núi non này, thay vì bị đưa đi như món hàng, gả về đất lạnh phương Bắc?
Nhưng rồi kiệu vẫn lăn bánh. Và ta, chỉ có thể lặng lẽ thu hết cảnh đẹp ấy vào đáy mắt, như thu lại chút ánh sáng cuối cùng của tự do, trước khi bước vào cõi cung đình xa lạ, lạnh hơn cả tuyết đầu mùa.
Đi thêm vài ngày, đường núi dần thoai thoải, thay vào đó là đồng bằng trải rộng đến tận chân trời.
Hai bên đường, ruộng lúa óng vàng sắp vào mùa gặt, những cánh cò trắng bay lượn lả lơi như cánh tay mềm vẫy gọi trời thu. Người dân quê chất phác, đàn ông cày cuốc, đàn bà gánh nước tưới rau, lũ trẻ con chân trần đùa nhau giữa lối đất đỏ. Nhà cửa thấp thoáng sau rặng tre, mái ngói rêu phong mà bình yên. Tiếng chó sủa, tiếng gà gáy vọng ra từ xa, hòa cùng tiếng suối róc rách, như một khúc ca đồng nội an lành.
Ta hé rèm kiệu, lặng lẽ nhìn những nếp sống tưởng chừng giản đơn ấy. Bọn họ có thể không biết triều đình đổi vua, không biết ai đang cầm quân, cũng chẳng cần quan tâm tới chuyện có một công chúa đang bị đưa đi làm vật hi sinh. Họ chỉ sống như cây cỏ, như đất đai bền bỉ, âm thầm.
Chính ta cũng suýt quên mất rằng ngoài những ván cờ quyền mưu, thế gian vẫn còn có những ngày tháng như thế.
...----------------...
Ngày thứ mười ba, đoàn hộ tống dừng chân tại một trạm dịch giữa núi đồi và rừng rậm.
Khi ta đang dùng bữa lạt bên kiệu, thì phía ngoài vọng vào tiếng xôn xao.
Một binh sĩ Bắc Thương cưỡi ngựa từ xa trở về, mang theo tin báo. Đám người xung quanh rì rầm bàn tán, vẻ mặt vừa hưng phấn vừa dè chừng. Ta không định tò mò, nhưng tiếng nói lớn dần, cuối cùng lọt vào tai ta:
Hoàng đế bệ hạ đã hạ lệnh! Quân Bắc Thương đánh chiếm thành Tề An, nước Túc đã đầu hàng!
“Cái gì? Lại thêm một nước nữa? Không phải vừa kết thúc chiến sự với Đại Thịnh hay sao?”
“Hừ, ngươi không hiểu. Hòa thân chỉ là kế hoãn binh, bệ hạ đâu bao giờ dừng lại.”
Ta cúi đầu, chén canh trong tay lạnh ngắt, như thể nước sông phương Bắc đã chảy vào lòng ta, buốt đến tận tim gan.
Nghĩ đến cha ta, hai vị huynh trưởng, và biết bao binh sĩ Đại Thịnh đã ngã xuống nơi biên ải… lòng ta lại quặn thắt. Họ chết để giữ lấy bờ cõi, chết vì một cuộc chiến tưởng là chính nghĩa nào ngờ, đến cuối cùng, tất cả chỉ là quân cờ nằm trong bàn tay của kẻ khác.
Thì ra… cái gọi là chấm dứt binh đao chỉ là lời ngụy trang, là lớp khói mỏng phủ lên dã tâm bành trướng. Thì ra cái giá của hoà bình ấy không phải để ngừng đánh, mà là để kịp đánh thêm một hướng khác.
Một đạo thánh chỉ, một cuộc hôn nhân, một danh hiệu công chúa hòa thân… chẳng qua là khúc dạo đầu trong bản đại nhạc của chinh phạt.
Còn ta con gái của bại tướng là người được chọn để gánh lấy vai diễn ấy.
Ngoài lều trại, tiếng người Bắc Thương cười nói vang vang, mừng thắng trận ở nước Túc, như thể máu đổ, đầu rơi chỉ là chuyện trò trà dư tửu hậu.
Còn ta, ngồi lặng trong kiệu, tay siết lấy vạt áo, chỉ thấy lòng mình trống rỗng đến đáng sợ.
Lần đầu tiên, ta thật sự muốn biết dung mạo của hắn, Hạ Phong Dực, có xứng đáng với bao máu xương mà hắn đã lạnh lùng chà đạp hay không.
Một kẻ có thể khiến cả triều đình Đại Thịnh phải khuất phục, khiến trăm họ rơi vào loạn thế, khiến phụ thân ta chết không toàn thây, huynh trưởng ta người vùi thây, người mất tích giữa đêm.
Và ta tự hỏi: liệu trong mắt hắn, ta là hòa thân công chúa, là quân cờ, là chiến lợi phẩm… hay chỉ là thứ vô hình trong cuộc cờ hắn sắp đặt?
Dù thế nào đi nữa, lần gặp mặt đầu tiên ta sẽ nhìn thật kỹ.
Nhìn xem, một đế vương sinh ra để máu nhuộm áo bào, rốt cuộc là người… hay là sói.
Ngày thứ mười bảy, ta đặt chân đến biên thành đầu tiên của Bắc Thương.
Ngay khi kiệu vừa lăn bánh qua cột mốc đá khắc chữ cổ, trời đất như đổi sắc. Gió lạnh tạt vào mặt, mang theo mùi tuyết tan và cát khô, phảng phất thứ mùi tanh tưởi của máu từng thấm vào đất.
Trước mặt ta là những dãy núi cao phủ sương, sắc đá xám lạnh như dao, án ngữ hai bên đại lộ. Thành trì Bắc Thương không rực rỡ như cung đình Đại Thịnh, mà u trầm, lạnh lùng, được xây bằng đá xanh ngàn năm, tường thành cao vút, đổ bóng dài như che khuất cả ánh trời.
Cờ hiệu Bắc Thương treo kín các vọng gác màu đen điểm huyết văn đỏ, tung bay như từng vết chém giữa không trung.
Dân chúng hai bên đường không reo hò, không tiễn nghênh. Họ chỉ đứng đó, lặng lẽ nhìn ta ánh mắt tò mò, nghi kỵ, và lãnh đạm. Trong mắt họ, ta không phải công chúa, không phải khách quý. Chỉ là một vật phẩm đến từ nước bại trận yếu đuối trước Bắc Thương và hoàng đế của bọn họ.
Ta ngồi yên trong kiệu, tay vẫn ôm chặt lấy gói vải nhỏ bọc nắm đất quê nhà.
Bên ngoài, đội ngũ dẫn ta tiến sâu hơn vào lãnh thổ Bắc Thương, mỗi bước đi là một nhịp thở trở nên nặng nề hơn. Đến trưa, chúng ta dừng chân ở hành cung ngoại thành nơi ta sẽ nghỉ tạm vài ngày, chờ sắc phong từ hoàng đế Bắc Thương.
Không ai đến đón.
Không có trống nhạc, không có nghi lễ.
Chỉ một viên quan trẻ, sắc mặt lạnh nhạt, bước ra đọc một câu ngắn gọn: “Hảo An công chúa, thỉnh vào cung. Bệ hạ sẽ gặp ngài sau… khi người thấy phù hợp.”
Hắn không nói là khi nào.
Cũng không nói trong trường hợp nào.
Ta lặng lẽ nhìn vị quan viên trẻ tuổi, khẽ gật đầu, không nói một lời.
Không phải vì ta cam chịu. Mà bởi vì nơi này từ khi đặt chân vào đã không còn là đất để ta cất tiếng đòi hỏi.
Ta bước vào hoàng cung Bắc Thương qua cổng chính, đường thẳng dài như không có điểm tận, lát bằng đá xanh sẫm lạnh đến tê chân. Hai bên đường, lính canh mặc giáp sắt đen đứng bất động, ánh mắt như lưỡi dao quét qua từng hơi thở người đi ngang.
Cổng cung cao vút, dựng bằng gỗ lim cổ thụ bọc sắt rèn dày, khắc họa hình sói dữ và chiến giáp. Cờ Bắc Thương bay phần phật trên cao, nền đen viền huyết vừa lạnh, vừa nặng, vừa như rỉ máu.
Khác với Đại Thịnh nơi ta sinh ra, nơi có hoa viên trăm loài, có lan can ngọc thạch, điện vàng mái ngói lưu ly… nơi này là một thế giới khác.
Mọi thứ đều xám. Lặng. Cứng.
Tường đá cao, điện đài xây bằng trầm mộc và đá vân thép, hoa văn là những đường chém thô ráp, không lấy một nét mềm. Thậm chí đến hành lang cũng chỉ lát đá đen, phản chiếu bóng người méo mó dưới nắng chiều lạnh lẽo.
Ta không ngửi thấy hương trầm, không nghe tiếng đàn sáo, chỉ có tiếng bước chân vọng dài và tiếng gió rít qua mái điện.
Trung điện nơi ở của quân vương sừng sững phía trước, mái cong sắc lạnh như móng vuốt chụp xuống trời đất. Trên đỉnh, long kỳ Bắc Thương vẽ hình thần sói, vằn đỏ như máu mới nhỏ.
Ta ngước nhìn, lòng không rõ đang run vì gió lạnh, hay vì cảm giác bản thân đang bị nhìn xuyên qua lớp da thịt.
Họ đưa ta đến một viện vắng nằm sâu trong nội cung không bảng hiệu, không người đón, chỉ vài cung nữ trầm mặt dẫn đường, không hé lấy nửa lời.
Nơi ấy yên tĩnh đến đáng sợ.
Phòng ốc sạch sẽ nhưng lạnh lẽo, nội thất đơn sơ, không có lấy một vật thể hiện thân phận công chúa hòa thân. Bàn ghế gỗ đen không chạm trổ, trướng mành chỉ là vải thô, hương trầm nhạt như sắp tắt. Ta thậm chí không thấy nổi một cái trâm bạc, một pho tượng thần, hay một bình hoa có màu.
Ba ngày. Không ai đến hỏi han, không ai nhắc đến lễ tiếp giá, cũng không một lời từ hoàng đế.
Ta ăn cơm nguội, uống canh loãng, bị vây trong tường đá mà không biết rốt cuộc bản thân đang bị giam lỏng… hay bị thử thách.
Người hầu được cử tới thì nhiều hơn canh phòng, ít hơn trò chuyện. Họ chỉ biết cúi đầu và bước thật khẽ. Mỗi câu ta nói, mỗi ánh nhìn ta trao, đều chìm vào im lặng như nước rơi xuống giếng cạn.
Chẳng mấy chốc, ta nhận ra mình đang bị quan sát. Lặng lẽ. Không lời.
Không phải bị quên lãng.
Mà là cố ý bị lờ đi.
Hạ Phong Dực chưa gặp ta, không phải vì không để tâm. Mà là vì hắn muốn nhìn xem: Một công chúa mất quốc thổ, mất nhà, bị vứt vào đất lạ… sẽ phản ứng ra sao khi chẳng còn gì để bám víu?
Sẽ khóc lóc van xin? Sẽ tức giận phản kháng? Hay sẽ giả vờ điềm tĩnh mà cố giữ lấy chút thể diện sau cùng?
Nhưng ta thì chẳng buồn diễn nữa.
Bởi ta biết, ta bây giờ chẳng khác gì cá nằm trên thớt. Cãi cũng thế, nhịn cũng vậy. Người cầm dao chưa ra tay, không phải vì thương hại, mà vì còn hứng thú quan sát.
Gia tộc ta Triệu thị ba đời tận trung báo quốc, lấy máu giữ biên ải.
Phụ thân ta chết thảm trên đường bị áp giải. Đại ca gãy chân rồi mất mạng. Nhị ca trước ngày bại trận đã mất tích không dấu vết. Nhà tan. Người mất. Danh tiếng từng rực rỡ, phút chốc chỉ còn là vết tích trên bia đá.
Đến ta… là đốm lửa cuối cùng của một dòng tộc đã cháy rụi.
Giờ đây, sống thêm được ngày nào, là sống. Không ai để gọi, không chốn để về, thì cố gắng để làm gì?
Nếu có thể lặng lẽ trôi qua vài năm trong nơi cung lạnh này, rồi một ngày kia chết đi vì tâm bệnh cũng là một cái kết.
Ta không cần ai thương. Cũng không còn gì để mất.
Thế nên, ta không phản kháng. Không mong chờ. Không cố gắng lấy lòng hay chứng minh giá trị.
Bởi lẽ… với một kẻ đã mất gốc rễ, gió đến bao nhiêu cũng không làm ta ngã được nữa.
Cứ như thế, từng ngày của ta lặng lẽ trôi qua, chẳng ai hỏi đến, chẳng ai đoái hoài.
Ta dậy sớm khi trời còn sương, tự tay nấu trà, thêu dệt một ít hoa văn giản đơn. Lúc rảnh rỗi thì vẽ tranh, giấy mực đơn sơ nhưng ta vẫn kiên trì tô vẽ – như thể mỗi nét cọ là cách níu giữ chút gì đó của những ngày cũ.
Ta xin một mảnh đất nhỏ ở góc viện, không ai ngăn cản, cũng chẳng ai bận tâm. Thế là ta cuốc đất, gieo vài nhánh hoa, trồng thêm chút cỏ dại. Hoa chẳng rực rỡ, nhưng cũng có màu. Cỏ không đẹp, nhưng vẫn sống.
Buổi tối, ta ngồi dưới hiên, ngẩng đầu nhìn trăng.
Trăng phương Bắc lạnh hơn trăng quê nhà. Ánh sáng bàng bạc phủ lên mặt đất một lớp bạc xám mờ, như phủ lên ta một tầng ký ức không thể gột rửa. Ta ngồi đó rất lâu, không nói, không nghĩ, chỉ để mặc ánh trăng gội qua những tháng ngày chẳng ai hay.
Phương Bắc trời chưa sáng hẳn, sương lạnh vẫn còn đọng trên mái điện, thế nhưng trong Long Cảnh điện triều đường Bắc Thương Hạ Phong Dực đã an tọa trên long vị.
Áo bào đen viền bạc, giáp vai đúc từ thép ô kim, sắc mặt hắn tái nhợt nhưng lạnh như băng ngầm, ánh mắt hẹp dài như lưỡi dao tẩm độc. Hắn ngồi đó, không nói một lời, chỉ lạnh lùng lật từng tấu chương một, tựa hồ đang đọc danh sách những kẻ sống chết.
Chư thần dưới điện không ai dám ngẩng đầu.
Viên đại tướng đứng đầu chấp tay bước ra, giọng rõ ràng nhưng hạ thấp:
“Khởi bẩm bệ hạ, ba vạn bao lương thực đã gom đủ ở Hắc Phong quan. Đội hộ tống vận tải từ biên giới Tĩnh Tây cũng đã hợp quân. Kho muối và thảo dược chia theo hành trình, sẵn sàng tiến đến tiền tuyến bất cứ lúc nào.”
Bộ hộ, bộ công, rồi cả bộ dân lần lượt dâng tấu:
Lương thảo đủ, tuyến hành quân đã trải, dân cư quanh vùng chiến sự đang được di dời. Quân đội hai cánh sườn cũng đã âm thầm dịch chuyển.
Không ai dám nói dư một chữ.
Hạ Phong Dực nghe hết, ngón tay thon dài gõ nhẹ lên đầu rồng của long ỷ, Không vội vàng, không tức giận, chỉ là giọng nói trầm khàn vang lên như tiếng cầm gãy dây:
“Ba ngày nữa khởi binh. Quân trung đạo đánh thẳng vào Túc thành. Hai cánh sườn chẻ từ biên Tây Bắc và dãy Long Nguyệt! Dân không được đụng. Nhà không được cướp. Ai trái lệnh chém.”
Lời ít, ý tuyệt đối. Tàn nhẫn mà rõ ràng.
Một vị quan trẻ tuổi do dự rồi đánh bạo hỏi:
“Bệ hạ… nếu nước Túc chịu hàng, dân chúng có giữ lại hay…”
Ánh mắt Hạ Phong Dực chợt liếc đến. Sắc như đao tẩm băng:
“Dân thuận…. Lưu!
Dân nghịch…. Diệt!.”
Chỉ bốn chữ, mà vị quan ấy toát mồ hôi lạnh, lui vội về chỗ.
Sau khi triều tan, đám đại thần dần tản ra khỏi Long Cảnh điện. Có kẻ im lặng, có kẻ âm thầm cúi đầu thì thầm với nhau giữa hành lang đá:
“Công chúa hòa thân Đại Thịnh… còn sống không?”
“Kỳ lạ thật, đã mấy năm rồi hậu cung chẳng hề có người mới.”
“Đã thế nàng ta lại là người đầu tiên do chính bệ hạ mở miệng xin về.”
“Cẩn thận, bệ hạ đâu phải người dễ sinh lòng với nữ tử.”
Bởi ai cũng biết, trong hậu cung Bắc Thương, có vào mà chẳng mấy ai sống để bước ra.
Nhiều năm về trước, hậu cung từng có phi tử, có mỹ nữ. Nhưng chẳng ai sống nổi quá ba năm.
Có người chết không rõ nguyên nhân. Có người phát điên, tự đập đầu vào tường đến vỡ sọ. Lời đồn lan ra, hậu cung thành nơi âm trầm hơn cả lãnh cung. Không đại thần nào dám dâng tấu xin tuyển tú nữ. Ngay cả đại thái giám thân cận cũng không dám nhắc tới chuyện phong hậu.
Vì hoàng thượng không cần nữ nhân.
Sau triều, Hạ Phong Dực không dừng bước. Áo bào phấp phới trong gió, hắn rời Long Cảnh điện, băng qua hành lang dài lát ngọc, đến thẳng Ngự Thư Phòng nơi hắn sẽ tiếp tục bàn bạc về trận chiến!
Bên trong đã bày sẵn bản đồ nước Túc. Địa hình cao thấp, sông ngòi, binh trạm đều đánh dấu rõ ràng bằng mực son đen. Ba vị tướng lĩnh thân cận đã chờ sẵn. Không ai ngồi. Hắn cũng không bảo họ ngồi.
Hắn không cần nhiều lời, chỉ đưa tay chỉ lên bản đồ:
“Cửa ải Nam Túc có thể vượt đèo Hổ Long, nhưng phải có người cắt đường tiếp lương từ phía Đông.
Đội Du Lang đóng giả làm dân chăn súc, trà trộn từ cửa ngầm ba ngày trước. Đến nay chắc đã vào sâu được một trấn nhỏ.”
Tướng quân Thương Chiêu thấp giọng: “Bệ hạ, nếu dân chạy loạn, dễ gây náo động. Có cần dời trước vài ngàn dân quanh vùng để tránh tai mắt?”
Hạ Phong Dực không nhìn hắn, chỉ nhàn nhạt nói:
“Không cần.”
“Loạn càng dễ che mắt. Dân sẽ chạy. Nhưng khi quân ta vào dân đã không còn ở đó.”
Không giận dữ, không cười, cũng chẳng tán thưởng. Hắn ra quyết định như thể đang nói về thời tiết. Nhưng từng mệnh lệnh lại chặt đứt đường sống của một quốc gia khác.
Chỉ là, ở trong mắt Hạ Phong Dực thêm một nước, hay bớt một nước, chẳng khác gì xóa một chữ thừa trên tờ giấy trắng.
Ngự thư phòng chỉ có bốn người, nhưng không khí ngột ngạt chẳng khác gì giữa trận tiền. Hạ Phong Dực đứng trước bản đồ, ngón tay chậm rãi vạch lên các tuyến hành quân, phân bổ binh lực như đang chẻ từng mạch máu trên da thịt kẻ địch.
Ba vị tướng Thương Chiêu, Viên Dực và Lục Hàn đều là tâm phúc theo hắn từ thuở dựng nghiệp, nay giữ chức thống lĩnh ba đạo quân chủ lực. Trong lòng bọn họ đều có cùng một nghi vấn, nhưng chẳng ai dám hỏi.
Cuối cùng, vẫn là Viên Dực lên tiếng, giọng cố giữ sự kính cẩn:
“Bệ hạ, thần có điều chưa rõ… Lúc trước ta đang chiếm thế áp đảo với Đại Thịnh, quân địch tan tác, thành trì sắp sụp. Nhưng bệ hạ lại đột ngột nghị hòa, rồi lập tức dời binh đánh Túc quốc. Thần… không dám trái lệnh, chỉ muốn hiểu rõ vì sao lại bỏ con mồi trước mắt.”
Lời vừa dứt, Thương Chiêu và Lục Hàn liền nhìn sang. Bọn họ cũng muốn biết vì sao bệ hạ đang như hổ đói trước miếng thịt lại quay đầu, không nuốt?
Hạ Phong Dực vẫn không quay đầu. Hắn cầm lấy một cây bút gỗ, dùng mực đỏ khoanh tròn một vùng núi hiểm trở giữa bản đồ, chính là biên giới Túc. Thịnh, rồi hắn mới chậm rãi lên tiếng:
“Đại Thịnh… sắp tự loạn. Không cần ta ra tay, bọn họ cũng chẳng giữ nổi lòng dân. Tướng tài bị nghi kỵ, bị vắt kiệt rồi bỏ rơi dẫn đến bại trận. Đánh nữa chỉ tổ hao binh tổn tướng.”
“Ta chỉ cần lấy đi thứ khiến họ đau nhất: sĩ diện, đất đai, tiền bạc… và công chúa.
Rồi lùi lại đứng nhìn xem bọn họ tự chia bè kéo cánh, tranh quyền đoạt vị. Đến lúc ấy… không cần một binh một tốt, Đại Thịnh cũng sẽ tự tay dâng mình lên.”
Hắn xoay người, ánh mắt rơi vào Viên Dực ánh mắt sâu và sắc như đêm tuyết, vừa tàn nhẫn vừa lạnh lùng.
“Ngược lại, nước Túc thì khác. Binh ít, thành yếu, nội bộ bất ổn. Lại nằm giữa hai trục thương đạo. Ăn gọn một lần, là cắt cổ hai nước liền kề.”
Hắn dừng lại, đặt bút xuống, giọng đều đều như đang tuyên bố một việc đã rồi:
“Bốn mươi ngày. Ta đã lấy được mười tám thành. Vậy thì… còn cần gấp gáp với Đại Thịnh làm gì?”
Cả ba tướng đều cúi đầu, im lặng.
Không ai nói thêm. Bọn họ hiểu người trước mặt không phải chỉ là một hoàng đế, mà là một chiến lược gia máu lạnh, lấy quốc gia làm bàn cờ, lấy con người làm quân tốt. Chỉ cần một cái nhấc tay, sinh mệnh hàng vạn người cũng chẳng đáng hơn một con chữ trên tấu chương.
Download MangaToon APP on App Store and Google Play