Tiếng Việt
NovelToon NovelToon

Dẫu Trăm Năm Ta Vẫn Chờ Người Về.

Chương 1: Vòng gốm kì lạ.

Lách cách.

Tiếng mở cổng sắt vang lên. Ngọc bước vào sân nhà nhanh tay khóa trái cửa, ánh mắt không quên liếc người bố đang ngồi ở góc sân kế thềm nhà.

Không biết bố đang làm gì mà ngay cả tiếng mở cổng to như thế cũng không nghe thấy. Dáng người ngồi xổm hơi lắc lư, mái đầu điểm hoa râm hơi nghiêng, trông ông như đang nhìn ngắm vật gì trước mặt.

Toàn bộ hành động đó của bố khiến Ngọc tò mò, cậu xốc lại ba lô đeo vai đi tới.

“Bố đang làm gì vậy?”

Ngay khi nghe thấy tiếng cậu, ông quay đầu, nụ cười tươi hiện lên trên khóe môi.

“Con về rồi đó à! Thế lấy được giấy đăng kí xét tuyển của trường chưa?”

Ngọc nhón người nhìn vật bố mình đang ngắm, không quên đáp lời ông:

“Con lấy được rồi bố ạ!”

Cậu im lặng ngay khi nhìn thấy cái bình gốm tròn tròn, miệng rộng hình nửa oval kì lạ trước mặt ông. Màu sắc của gốm khá quen, gần giống như vòng gốm ngoài nâu trong trắng mà cậu tìm được cách đây vài ngày.

Ngọc nhíu mày.

“Từ đâu bố có cái bình gốm này vậy?”

Bố cậu cười khoái chí:

“Hôm nay nhân được ngày nghỉ giữa tuần, bố tranh thủ phụ mẹ con dọn khu đất trống sau nhà. Bố nhớ hai hôm trước con có đào được cái vòng gốm lạ, nên bố thử đào sâu hơn xem sao, không ngờ đào ra được nó.”

Nói rồi ông chỉ vào bình gốm có vỏ ngoài màu nâu bên trong màu trắng như vôi sáng bóng:

“Con xem, ai lại làm cái màu gốm lạ ghê ấy, miệng gốm cũng lạ nữa, dạng hình oval nhưng hơi lệch không quá cân xứng. Không biết nó có nắp không, bố tìm không thấy, nếu có, chắc cái nắp cũng lạ lắm đây.”

Ngọc nhíu mày, bước chân hơi lùi lại. Cậu cảm thấy khó chịu khi nhìn bình gốm này, nó đem tới cảm giác lành lạnh rợn da gà y như khi cậu cầm vòng gốm hai hôm trước.

“Bố cứ đào lung tung coi chừng rước họa cho cả nhà bây giờ!” Ngọc không hài lòng trách nhẹ.

Nghe vậy bố cậu quát:

“Bậy bạ, họa nào dễ rước thế!”

Rồi như chợt nhớ ra điều gì, ông hỏi Ngọc:

“Thế vòng gốm hai hôm trước đâu?”

Ngọc bĩu môi:

“Con ném rồi.”

Ông hơi tiếc rẻ:

“Tiếc thế, bố tính đem ra phố đồ cổ giám định xem là gốm thời nào, biết đâu kiếm được một mớ-”

“Ông đừng có làm ba cái chuyện dại dột đó, gốm cổ làm gì chôn nông cho ông đào ra như bát sành bát sứ người ta vứt mấy năm trước vậy hả? Đừng có làm ba cái việc gây cười cho thiên hạ đó!”

Mẹ Ngọc bước ra từ trong nhà, trên tay vẫn cầm cái môi múc canh, bà quát ngay khi nghe thấy cái ý định điên khùng của ông nhà, buộc ông im lặng.

Ngọc tán thành gật đầu liên tục.

Cái bình gốm như lọ đựng hài cốt này khiến cậu phát lạnh, nó chắc chắn không phải là đồ lành lẹ gì đâu.

Cậu khuyên bố:

“Thôi bố đem cho hàng xóm hay vứt đi, để lại trong nhà có khi chả lành.”

Không biết bố mình có nghe không, nhưng lúc này Ngọc đã bận tâm đến câu hỏi của mẹ.

“Con lấy được phiếu đăng kí chưa? Trường có xa không? Đi mấy tuyến xe buýt thì tới?”

Ngọc cười cười bước lên kéo bà vào nhà, còn không quên ngoái cổ lại dặn bố mình lần nữa:

“Bố coi ném nó đi nhá!”

Ông bĩu môi không thèm quan tâm thằng con nói gì, tiếp tục lau chùi bình gốm.

Ông mân mê nó tưởng tượng xem, bình này làm ra để chứa cái gì và giờ mình có thể làm gì với nó.

Cuối cùng sau một thôi một hồi nghĩ ngợi, ông mang nó ra vườn đào đất bỏ vào, rồi đem vào sân tỉa chút hoa mười giờ trong chậu cảnh trồng vào, đặt ở góc sân, xong xuôi liền đi vào nhà.

Vừa vào tới phòng khách ông đã nghe thấy cuộc hội thoại bàn về ngành nghề Ngọc chọn của hai mẹ con.

Ông chen miệng:

“Con tính học ngành hội họa thật đấy à?”

Ngọc cười:

“Vâng, ngành hội họa cũng gần với ngành điêu khắc của bố mà. Sau này khi con tốt nghiệp, hai bố con ta thử mở xưởng nghệ thuật điêu khắc làm cùng nhau xem sao, có khi lại ngon hơn nơi làm việc bây giờ của bố cũng nên!”

Ông lườm cậu một cái, tay cầm ly lấy nước:

“Thôi cho tôi xin! Anh tự lo lấy thân mình đi, bố và mẹ làm vài năm nữa sẽ về hưu lúc đó không ai lo tiền cho anh vẽ vời nữa đâu.”

Nghe vậy Ngọc đáp:

“Bố yên tâm, đến lúc đó bố và mẹ chỉ việc ở nhà hưởng phúc, hưởng danh con trai mang tới thôi.”

Mẹ Ngọc nghe cậu khoác lác bật cười:

“Thôi, anh lên phòng thay đồ đi, đứng đó mà chém. Đi nhanh còn xuống ăn cơm.”

Ngọc đáp vâng với mẹ mình, xin phép trở lại phòng lấy đồ đi tắm, rồi xuống nhà dùng cơm tối cùng hai người.

Sau bữa tối cậu trở lại phòng bắt đầu lấy phiếu đăng kí xét tuyển của trường mỹ thuật thành phố ra tiến hành điền.

Sau khi điền đầy đủ thông tin cá nhân, Ngọc bắt đầu chăm chú đọc kĩ ngành nghề trường đào tạo.

Cậu nhíu mày khi nhìn tới cụm từ “ngành gốm dân tộc” nằm sau ngành hội họa.

Trước kia Ngọc rất ít khi tiếp xúc với các mẫu đồ gốm lạ, đặc biệt là gốm cổ, nên không có cảm giác gì với nó, nhưng kể từ hôm đào được vòng gốm kì lạ ở vườn sau, cậu bắt đầu có cảm giác không thích đồ gốm đặc biệt là những mẫu gốm cổ.

Nói tới vòng gốm, Ngọc lại nhớ tới cái bình gốm như dùng đựng tro cốt bố mình tìm được kia, liền vọt tới cửa sổ kéo ra nhìn xuống sân nhà.

Bóng đèn ngoài sân chiếu sáng lờ mờ, hắt bóng lũ hoa kiểng in lên tường bao. Dưới ánh sáng yếu ớt ấy Ngọc căng mắt tìm bình gốm, nhưng không phát hiện ra nó.

Cậu cười thầm, nghĩ bụng, chắc bố đã nghe mình ném nó đi rồi.

Cậu an tâm quay lại bàn học, tiếp tục điền thông tin.

Cậu đánh vào mục ngành mình muốn theo học, điền thêm thông tin rồi kí tên. Xong xuôi, cậu để tờ giấy mỏng trên bàn, đi tới tủ quần áo lấy đồ chuẩn bị đánh răng rửa mặt.

Lúc lục tìm đồ trong tủ Ngọc bất ngờ thấy vòng gốm mà cậu vứt cách đây hai hôm giờ lại nằm gọn giữa đống khăn tắm.

Ngọc nhíu mày, lôi nó ra.

“Lạ thật, hôm đó rõ ràng mình đã ném nó vào thùng rác trong bếp, sao giờ nó lại ở đây?” Ngọc lầm bầm khó hiểu.

Thoáng sau cậu chợt nghĩ:

“Có khi nào do mẹ thấy đẹp lôi nó ra rồi để lẫn vào khăn tắm của mình không?”

Ngọc lật vòng gốm nhìn qua lại vài vòng rồi ném nó lên bàn. Cậu tính chờ rửa mặt xong sẽ đem xuống nhà hỏi mẹ, rồi đem thẳng ra thùng rác ngoài đường vứt cho chắc ăn.

Cậu ung dung đi vào phòng tắm.

Bấy giờ, gió bất ngờ nổi lên hất tung mành che cửa màu trắng, len vào phòng, thổi tới nơi vòng gốm đang nằm đẩy nó trượt đi một đoạn ngắn.

Bị gió đẩy đi, vòng gốm bắt đầu di dịch va vào hộp bút trên bàn, thân vòng hơi nghiêng, đảo nhẹ vào đường lăn tới tờ giấy Ngọc để trên bàn, trượt qua vị trí cậu tích chọn ngành hội họa, kéo lê ra mép bàn liền dừng lại.

Bên trong Ngọc cũng vừa đánh răng rửa mặt xong, cậu đi ra với khăn mặt vắt trên cổ.

Gió thổi vào từ cửa sổ hơi lạnh, nhưng Ngọc không quá để ý. Cậu cầm vòng gốm lên nhìn lại nó lần cuối.

Cái cảm giác vòng gốm này đem lại cho cậu không dễ chịu một chút nào, rất lạnh lẽo. Nhưng cũng khiến cậu khá tò mò, không biết vòng gốm này được làm ra cho ai, để làm gì. Trông kiểu cách tròn như thế này thì chắc là dùng làm đồ trang sức.

Vừa nghĩ Ngọc vừa đưa tay lên ướm thử, để ước xem vòng này dùng cho giới tính và lứa tuổi nào. Khi các ngón tay của cậu vừa luồn vào liền cứ thế đi tuột qua vòng gốm, đeo vào cổ tay cậu, vừa khít.

Ngọc hốt hoảng, cậu rít qua kẽ răng một tiếng chửi bậy, “Khỉ thật!”, rồi cố gắng lôi vòng gốm ra khỏi tay mình, nhưng không được.

Cậu vọt vào phòng vệ sinh, cho xà bông rửa tay lên chà mạnh, cố gắng lôi vòng gốm ra. Nhưng cố tới khi cả cánh tay đều đỏ rần vẫn không tài nào lấy nó ra được.

Ngọc suy nghĩ chốc lát, nhìn vòng gốm đeo trên cánh tay đỏ rực, quyết định nện.

Cộc… Cộc...

Cậu vung mạnh tay nện vòng gốm xuống mặt đá trên bệ gương, nhưng sau khi cố gắng nhiều lần vòng gốm vẫn không có dấu hiệu nứt ra, cả mặt gốm nâu vẫn trơn mượt như ban đầu, thậm chí nhờ một vòng xà bông Ngọc vừa chà qua mà sáng bóng dị thường.

Người cậu bắt đầu đổ mồ hôi. Ngọc ý thức được không một vòng gốm nào khi va đập mạnh mà lại không bể, trừ khi nó được làm bằng chất liệu đặc biệt hoặc mang tính chất đặc biệt.

Cậu nhăn mặt, khuôn mặt chàng trai trẻ vừa tròn mười chín căng lên, lớp da trắng hồng giờ đây đỏ chót lạ thường.

“Một vòng gốm không thể nào chai lì thế được!” Ngọc lẩm bẩm, rồi đi nhanh ra khỏi phòng tắm, giật mạnh cửa chạy xuống nhà.

Vừa xuống cuối bậc cầu thang Ngọc toan cất lời gọi nhờ bố mình, thì thấy ông và mẹ đang chụm đầu cùng nhau xem chương trình tivi buổi tuổi, cả hai vui vẻ nói cười bàn về nội dung chương trình.

Ngọc không muốn phá vỡ bầu không khí đẹp đẽ ấy nên thay vì gọi nhờ cậu chuyển qua hỏi ông:

“Bố cái búa làm nghề của bố để đâu rồi ạ? Con mượn dùng chút.”

Bố cậu vừa cười nói cùng mẹ vừa chỉ tay vào phòng.

“Trong phòng chứa đồ ấy, con tự lấy đi.”

Ngọc đi vào phòng chứa đồ lấy búa nhỏ vừa tay mang lên phòng. Cậu dùng nó đánh mạnh vào vòng gốm. Ngọc không tin một cái búa sắt không làm được gì nó.

Nhưng đáng tiếc cho cậu, cái búa sắt ấy đúng là không hành nổi vòng gốm quái dị kia.

Sau cả tiếng đồng hồ, trên tay tụ không ít vết bầm do va đập, vòng gốm vẫn không sứt mẻ gì, im lìm nằm bất động nơi đó, còn thích loáng lên dưới ánh đèn như trêu chọc cười nhạo cậu.

Ngọc bất lực ném chiếc búa xuống gầm bàn, ngồi thừ ra trên nền nhà, nhìn chằm chằm vòng gốm trên cánh tay bầm tím.

Cả người cậu đều ướt đẫm, mồ hôi lấm tấm phủ kín khuôn mặt cậu, đôi ba giọt tích tụ lăn xuống yết hầu đang trượt lên xuống không ngừng của cậu.

Nó rốt cuộc là thứ gì?

Cậu hướng ánh nhìn ra ngoài cửa sổ, gió lạnh đang tốc nhẹ vào, lạnh buốt cả người.

***

Sau một đêm không mấy ngon giấc, Ngọc thức dậy khá sớm, tranh thủ chạy bộ nhằm giải tỏa bớt căng thẳng, rồi trở về nhà.

Nhân lúc bố đã đi làm, mẹ thì đang cắm cúi dọn vườn ở sau nhà, Ngọc dùng nhanh bữa sáng.

Xong xuôi, cậu khoác áo, trùm mũ vòng ra vườn sau báo cho mẹ mình một tiếng, bắt xe tới trường nộp đơn đăng kí.

Chương 2: Bốn giờ ba mươi phút sáng.

Kể từ sau ngày nộp đơn Ngọc dần bình tĩnh hơn, thay vì tiếp tục đập phá vòng gốm, cậu chuyển sang tra thông tin trên Internet với hy vọng tìm được giải pháp. Nhưng rất tiếc, không có.

Thời gian cứ thế trôi đi, vòng gốm vẫn nằm trên tay cậu, Ngọc cố giấu bố mẹ nên cả hai người không ai hay biết gì, cộng thêm chẳng có gì bất thường xảy ra nên cảm giác lo lắng, sợ hãi ban đầu của Ngọc cũng dần lắng xuống.

Sau một tuần lễ nộp đơn, hôm nay vào khoảng chín giờ sáng ngày thứ hai đầu tuần, mẹ Ngọc nhận được bưu phẩm gửi tới từ trường Ngọc đăng kí, bà tự ý mở xem.

Ngay khi nhìn tới ngành nghề cậu trúng tuyển, bà không khỏi ngạc nhiên hét lớn lên lầu trên:

“Ngọc phiếu xét tuyển của con có rồi này. Mẹ tưởng con đăng kí ngành hội họa chứ, sao giờ lại trúng tuyển ngành gốm thế này!”

Ngay khi nghe được câu đó, Ngọc phóng vội xuống nhà, chạy tới bên mẹ mình, hấp tấp giật đi phiếu báo.

Ở mục ngành trúng tuyển, quả nhiên là ngành “gốm dân tộc”.

Tay Ngọc phát run, cậu nuốt vài hơi đắng chát qua cổ họng:

“Không phải... rõ ràng... con đăng kí... ngành hội họa mà!”

Nhìn mặt mày con trai trắng bệch, bà vội trấn an:

“Không sao, bình tĩnh đi con, con gọi lại cho trường hỏi thử xem, có khi nào họ có nhầm lẫn gì ở đây không!?”

Ngọc vội vã gọi điện theo lời mẹ.

“Xin chào, là phòng tuyển sinh của trường mỹ thuật phải không ạ!” Ngọc vội vã nói ra yêu cầu của mình. “Vui lòng kiểm tra giúp em thông tin của Lê Ngọc. Tại sao em đăng kí hội họa lại trúng tuyển nghề gốm dân tộc vậy ạ!?”

Bên kia yêu cầu cậu chờ đợi. Thời gian chờ đợi lúc này tuy chỉ mấy phút nhưng đối với Ngọc lại như qua cả thế kỉ.

Và kết quả cậu nhận lại khiến tim Ngọc như rớt ra ngoài.

“Em chỉ chọn mỗi ngành gốm dân tộc, ngoài ra em không có tích chọn thêm một nguyện vọng nào khác.”

Ngọc bàng hoàng, cậu nhớ rõ là mình đã kiểm tra kĩ càng trước khi nộp rồi kia mà!

Ngọc cố lấy lại bình tĩnh hỏi tiếp:

“Vậy em có thể đổi ngành khác được không?”

Bên kia báo về.

“Rất tiếc hiện tại không thể, vì số lượng sinh viên các ngành khác đã đầy. Nếu muốn thuyên chuyển, em phải chờ qua năm sau.”

Ngọc không biết mình đã kết thúc cuộc gọi như thế nào, người cậu thừ ra. Cậu không buồn vì không tuyển đúng ngành, mà cậu sợ, sợ những điều kì quái đang lần lượt xảy ra.

Bắt đầu từ vòng gốm, bình gốm, và giờ đây là chuyên ngành gốm. Gốm! Tất cả đều có liên quan đến gốm!

***

Sau hai ngày điều chỉnh tâm trạng Ngọc quyết định sẽ nhập học tại trường với ngành gốm dân tộc.

Cậu muốn thông qua một năm này tìm hiểu xem có loại gốm nào như cái vòng cậu đang đeo không. Đồng thời cũng hy vọng việc mình vô tình rớt vào ngành này sẽ cho cậu lời giải về cái vòng gốm kì lạ trên tay.

Sáng sớm hôm nay, theo lịch trình được gửi kèm trên tờ thông báo trúng tuyển, Ngọc tới trường vẫn trong bộ dạng quen thuộc: Áo gió che chắn kín kẽ, khẩu trang che kín mặt, đầu trùm kín.

Khoa gốm dân tộc tọa lạc trên lầu ba của trường, khá vắng lặng, ít người qua lại hơn so với hai lầu dưới. Cả hành lang dài vậy mà không một bóng người lai vãng, các phòng học đóng cửa kín như bưng.

Ngọc bước chân đi nhanh, đôi mắt khuất dưới mũ trùm khẽ nhìn quanh. Những mô hình phôi gốm nằm trong các phòng dựng bằng kính im lìm nhìn ra đây như đang dõi theo Ngọc.

Cậu siết chặt cánh tay đang nhét trong túi quần, bước đi như bay cho đến khi cậu nghe thấy tiếng nói chuyện xì xào vọng ra từ một căn phòng.

Ngọc nhìn vào và trông thấy nhóm người hơn mười người ngồi trong phòng, tụm ba tụm bảy nói chuyện rất rôm rả.

Cậu bước vào không câu chào, đi thẳng xuống cuối lớp, lật mũ trùm ra nhìn một vòng các bạn. Không một lời nào mà ngồi phịch xuống, bất cần tựa lưng vào ghế khoanh tay nhìn ra cửa, hy vọng ông thầy chủ nhiệm nhanh nhanh cút vào đây giải quyết nhanh buổi đầu để cậu còn về.

Thái độ lạnh nhạt bất cần, khiến các bạn học cảm thấy khó chịu. Họ liếc nhìn Ngọc một cái không ai buồn bắt chuyện với cậu.

Ngay lúc này thầy chủ nhiệm khoảng ba mươi bước vào, cười cực kì ôn hòa với tất cả học sinh của mình.

Mở màn quen thuộc diễn ra, sau khi giới thiệu tên mình, thầy yêu cầu mọi người tự giới thiệu về bản thân để cùng làm quen.

Ngọc là người cuối cùng, thái độ của cậu khá hờ hững khiến thầy không mấy hài lòng.

“Tôi biết các em vào ngành này đa số đều không thích hoặc không tự nguyện, nhưng khi đã vào dù mang theo thái độ nào tôi cũng hy vọng các em hãy nghiêm túc với gốm dân tộc.” Thầy cố ý nói cho Ngọc nghe, đồng thời cũng nói với hơn mười bạn còn lại.

Cả lớp yên lặng.

Sau câu nói của thầy không khí phòng học liền chùng xuống. Để khuấy động lại không khí, thầy mỉm cười mở lời báo một tin vui.

“Năm nay trường chúng ta sẽ thay đổi cách thức dạy với nghề gốm. Thay vì nhập học thẳng như các năm, năm nay trường sẽ tổ chức một buổi tham quan khu di tích gốm trước khi vào học, thời gian là vào đầu tuần sau, chúng ta sẽ đi ba ngày hai đêm.”

Nghe xong cả lớp xôn xao, một vài bạn nữ lên tiếng.

“Chúng ta sẽ đi thăm quan ở đâu vậy thầy?”

Thầy cười tươi cực kì tự hào nói lớn:

“Chúng ta sẽ đi tham quan khu di tích gốm Chu Đậu ở Hải Dương.”

Ngay khi thầy dứt câu cả lớp ồ lên sung sướng. Mới mở màn trường đã cho họ đi xa đến vậy không ai là không thích.

Trong khi Ngọc lại khác, cái tên Chu Đậu như một cái búa gõ mạnh vào tim cậu vang lên cái thịch.

Chu Đậu… nó quá quen, quen một cách lạ lùng. Cậu chưa từng đến đó, thậm chí nghe về nó, đây là lần đầu tiên cậu nghe về nó, vậy tại sao lại có cảm giác quen như thế?

Mặt cậu hơi tái đi, Ngọc cúi gằm mặt xuống bàn hòng che lại mọi cảm xúc của mình.

Trên kia ông thầy tiếp tục nói về nơi họ sẽ tới và kinh phí di chuyển.

“Chuyến đi lần này được tài trợ hoàn toàn bởi ban giám hiệu nhà trường và trưởng khoa gốm dân tộc của trường ta, các em không mất chi phí nào cả ngoại trừ chi phí cá nhân. Cơm ngày ba bữa, phòng được sắp xếp ngay trong khu di tích cổ siêu đẹp.”

Lũ bạn quanh cậu nghe vậy ồ lên sung sướng vô cùng.

Thầy giáo cười tươi trấn át tiếng ồ sung sướng của học sinh, tiếp tục vấn đề cần phải nói của mình.

“Để các em hiểu hơn về gốm Chu Đậu, thầy sẽ nói thêm cho các em vài thông tin về khu di tích đó.”

Thầy tằng hắng giọng.

“Chu Đậu vốn là một làng gốm lớn tồn tại cách đây hơn ba trăm năm, theo nhiều nguồn tài liệu cổ tìm được, làng gốm này từng làm ra các loại gốm dùng trong hoàng cung. Đặc biệt...!”

Nói tới đây thầy nhấn giọng tỏ ra thần bí.

“Đặc biệt có vài tài liệu còn ghi lại rằng họ có làm ra một loại gốm có tên là Gốm Chu Giữ Bảo, một loại gốm có công dụng y như tủ lạnh chúng ta đang dùng bây giờ. Loại gốm này có thể giữ nguyên dạng một vật khi để vào trong đó ít nhất mười năm, thần kì đến mức trở thành huyền thoại thời đó.”

Nghe tới đây không ít bạn học rối rít bàn luận, không ai để ý Ngọc đang cúi mặt ở góc phòng, tay run run.

Gốm Chu Đậu, Gốm Chu Giữ Bảo, hai cụm từ ấy không ngừng đua nhau lặp đi lặp lại vang lên inh ỏi trong đầu cậu.

Tại sao cậu lại thấy hai cụm từ này quen vậy chứ?

Phía trên, ông thầy tiếp tục luyên thuyên với gốm Chu Đậu.

“Nhưng rất tiếc, do làng gốm Chu Đậu biến mất một cách li kỳ nên các tài liệu về loại gốm này còn rất ít, rất khó để phục chế lại. Theo một vài ghi chép để lại không ai biết làng gốm Chu Đậu vì sao lại biến mất, thậm chí đến những người dân hiện tại đang sống trên đất Chu Đậu cũng không hay biết gì về làng này và họ cũng không biết làm gốm.”

Câu chuyện về ngôi làng gốm này càng nói càng thần kì, giống như một câu chuyện kinh dị luôn hấp dẫn người nghe. Các bạn học sinh im thin thít, ngoan ngoãn ngồi yên lắng nghe ông thầy trên kia múa miệng.

“Cách đây hơn sáu năm, một số giáo sư đã tìm ra truyền nhân Chu Đậu tại làng gốm Bát Tràng, nhưng rất tiếc không ai trong họ biết gì về Chu Đậu. Một số người thì đã từng nghe ông cha họ nói về hai từ này, nhưng sau khi nói ra, cha ông họ lại dặn con cháu không bao giờ được tìm hiểu về hai từ này, cũng tuyệt đối không được nhắc tới nó...”

Câu chuyện gốm Chu Đậu biến mất thần kì vô tình khơi gợi lòng tò mò của tất cả học sinh trong phòng, mọi người hồ hởi đăng kí và chờ đợi ngày để được về cái nơi thần bí ấy.

Chỉ riêng Ngọc, khi thầy vừa rời khỏi phòng là cậu liền rời theo, đi như chạy vọt qua hành lang vắng bóng người lao ra khỏi trường.

Bên ngoài không khí thoáng đãng hơn mới khiến cảm giác tai lùng bùng của Ngọc giảm bớt.

Cậu bắt xe buýt về nhà, suốt cả chặng đường đều im lặng trầm tư.

***

Sau buổi nhập học Ngọc phần nào suy đoán được nguồn gốc của vòng gốm trên tay mình, nó chắc chắn có liên quan đến nơi được gọi là Chu Đậu kia.

Không ít lần Ngọc tính nói chuyện này cho bố mẹ nhờ họ giúp đỡ, nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại Ngọc vẫn quyết định giữ kín mọi chuyện, để mình tự tìm cách giải quyết trước xem sao.

Cứ thế thời gian trôi qua, ngày họ xuất phát đi tham quan đã tới, Ngọc quyết định không tham gia buổi tham quan nên không buồn nói với bố mẹ chuyện này. Bên nhóm chat của lớp cậu cũng không online nhắn tin trả lời gì cả, mặc cho cô lớp trưởng vừa nhận chức réo tên cậu liên tục.

Cứ thế cậu yên tâm ở nhà. Nhưng những thứ quỷ quái lại luôn thích đến những lúc không ngờ nhất.

 

 

Vào khoảng bốn giờ ba mươi phút sáng ngày xuất phát, đang khi Ngọc say ngủ cái thứ quỷ quái ấy đã len vào phòng cậu.

Cốc!!! Cốc!!!

Tiếng gõ cửa vọng vào phòng đánh tỉnh Ngọc, cậu bật dậy, mơ màng nhìn ra cửa.

Cánh cửa vào phòng vẫn đóng kín, không gian xung quanh chỉ nghe thấy tiếng quạt gió quay, ngoài ra không một tiếng động nào khác.

Ngọc hơi hãi, cậu lo lắng nhìn xuống vòng gốm trên tay. Bất ngờ nó không còn ở nơi đó, để cho chắc cậu chạm tay lên sờ thử ở cổ tay, không còn cộm, cũng chả có dấu hiệu lạnh lẽo của vòng gốm.

Khi Ngọc vẫn còn không hiểu chuyện gì đang xảy ra thì ngay lúc này, cậu nghe thấy tiếng đẩy cửa ken két.

Ngọc giật mình nhìn qua, ngay tức khắc người cậu cứng lại, cơn ớn lạnh chạy dọc từ xương cụt đâm thẳng lên đầu tê buốt.

Cánh cửa phòng ngủ vốn đóng kín vậy mà giờ đây lộ ra một khe hở, ở ngoài khe hở một bóng người nữ mặc áo đỏ đang đứng đó.

Hình ảnh ấy thật hãi hùng, nhưng không hiểu sao tầm mắt cậu lại cứ bị chú định vào khuôn mặt không mắt không mũi, chỉ lộ rõ đôi môi đỏ chót của bà ta ngoài cửa.

[Hãy đến Chu Đậu!]

Giọng nói lạnh lùng như gió rít vang lên, sượt qua vành tai Ngọc lạnh buốt.

Bà ta chỉ nói đúng câu đó rồi biến mất, trả lại cánh cửa phòng đóng kín, tiếng quạt gió quay lần nữa vang lên.

Trên giường lúc này Ngọc dần lấy lại hành động, cậu đưa tay lên.

Vòng gốm đã trở lại nằm nơi cổ tay cậu. Ngọc phát hoảng, cậu lao xuống giường, đôi chân tê cứng ngay khi chạm nền gạch liền quỵ xuống tha cả người Ngọc ngã sấp ra sàn.

Cơn đau do cú ngã không đủ để trấn át nỗi sợ trong lòng, bất chấp tất cả cậu cố gắng bò dậy lết nhanh tới mở sáng đèn phòng.

Ánh sáng chiếu tỏ mọi góc phòng khiến Ngọc thấy yên tâm hơn. Cậu cố điều hòa từng nhịp thở nặng nề của mình, cánh tay đeo vòng gốm run rẩy vươn lên, khó khăn gạt đi mớ mồ hôi rịn đầy trên trán.

Ngọc nhìn ra phía cửa, nuốt từng hơi khô khốc qua cổ họng. Cậu có cảm tưởng như bà ta vẫn đang đứng ngoài kia, chăm chăm nhìn vào đây, chực chờ để được lần nữa cùng cậu đối mặt.

Ngọc cứ vậy nhìn cánh cửa canh chừng.

Chốc sau khi tinh thần dần ổn hơn, Ngọc bắt đầu mò xuống bàn lôi ra cái búa nhỏ mình lấy của bố đã nhiều ngày, điên cuồng đập vào vòng gốm.

“Tao phải đập nát mày! Tất cả là tại mày! Cái vòng tay quỷ ám gớm ghiếc! Tao phải nghiền mày thành bụi!!!”

Ngọc mang ý định điên cuồng đó không ngừng nện vào vòng tay, nhưng rất tiếc nó vẫn ở đó y nguyên như vậy.

Chương 3: Tới Chu Đậu.

Thời gian lẳng lặng trôi trong sự hoảng loạn của Ngọc, kim đồng hồ trên cao điểm dần tới năm giờ mười lăm phút sáng, điều kinh khủng Ngọc tưởng đã đi lần nữa quay trở lại, đến với người cậu không ngờ nhất.

"Á!!!!"

Tiếng hét thất thanh của mẹ cậu vọng lên từ dưới nhà. Ngọc giật mình ném bay cây búa khỏi tay bật dậy, lao ra khỏi phòng vọt xuống nhà nhanh nhất có thể.

Ngay lúc vừa đặt chân xuống khúc cua của cầu thang, giữa những khe hở nhỏ cậu đã nhìn thấy mẹ mình đứng ngay cửa phòng ngủ mở toang, mặt mày tái mét.

Khuôn miệng mở lớn hét không ra tiếng, chỉ còn ú ớ những âm tiết lạ. Cả người bà run rẩy, mắt trợn trừng, cánh tay chỉ về hướng phòng khách run lẩy bẩy.

Ngọc vọt tới ôm lấy bà, khàn khàn gọi:

“Mẹ ơi…! Mẹ làm sao thế này!”

Ngay sau đó cậu nương theo cánh tay chỉ thẳng hướng phòng khách của bà nhìn tới.

Nơi đó là bóng người nữ mặc áo đỏ đã xuất hiện trước cửa phòng cậu cách đây mấy phút.

Trang phục thời cổ phủ trọn từ trên xuống dưới, vải đỏ phất phơ mặc dù không gió. Ngọc phát run, khóe miệng lắp bắp không nói nên lời. Cậu ôm siết lấy mẹ mình, cả thân mình cậu lạnh toát, não tê rần.

Bà ta đứng đó im lặng nhìn cậu, âm trầm không nói gì. Ngọc nuốt khan vài hơi lấy hết can đảm lên tiếng:

“Bà... muốn gì!?”

Người nữ đứng ở kia im lìm nhìn cậu, khóe môi đỏ chót mở ra một khe nhỏ. Vẫn là lời nói ấy, lạnh tanh thoang thoảng trong không khí đưa tới tai cậu lạnh lẽo sắc bén như mũi dao.

[Trở về Chu Đậu!]

Có lẽ sự chống cự của cậu đối với yêu cầu của bà ta khiến bà ta phát điên chuyển mục tiêu nhắm vào mẹ cậu, nếu giờ đây cậu còn từ chối, người đàn bà ma quỷ này chắc chắn sẽ không bao giờ để yên cho cậu.

Ngọc khô khốc trả lời:

“Được... tôi đi!”

Nói rồi cậu nhìn xuống mẹ mình, toàn thân bà vẫn run rẩy, đôi mắt trợn trắng nhìn cậu. Ngọc lo lắng gân cổ hét lên với bà ta:

“HÃY ĐỂ MẸ TÔI YÊN!!!”

Tiếng hét ấy to đến mức đủ đánh tan ảo ảnh bà ta ở phòng khách, trả lại không gian vốn có của nó.

Ánh đỏ chợt loé trên tay cậu, vòng gốm trở lại lạnh lẽo vòng trên tay cậu.

Ngọc cười khan vài tiếng, cố trấn tĩnh lại bản thân ôm chặt người mẹ đã ngất lịm đi sau tiếng hét của cậu.

***

Vài phút sau khi đã lấy lại được bình tĩnh, Ngọc dìu mẹ vào trong. Bố cậu vẫn ngủ ngon lành không hay biết chuyện gì. Cậu đặt mẹ lên giường đắp lại chăn cho bà rồi nhanh chân trở lại phòng.

Tay cậu phát run giật mạnh cửa tủ, lôi ra vài bộ đồ, tiếp đó kéo mạnh ba lô trên đầu tủ xuống ném ra giường. Cậu vo tròn từng cục quần áo, khăn mặt mọi thứ có thể cần nhét vào ba lô. Cánh tay đưa qua đưa lại liên tục nhưng không thể nào che đi sự run rẩy nơi đó, đặc biệt nơi cánh tay có vòng gốm, các ngón tay tím bầm lạnh ngắt.

Rẹt.

Ngọc kéo mạnh khóa kéo trên ba lô mang lên lưng, trùm mũ áo khoác chạy thẳng xuống nhà.

Đồng hồ ngoài phòng khách điểm đúng sáu giờ sáng. Ngay lúc cậu đi qua gian bếp liền thấy mẹ mình đứng trong đó, bóng lưng bà loay hoay bận rộn như thường ngày.

Ngọc gỡ mũ trùm lẳng lặng quan sát bà, dáng người vẫn nhanh nhẹn như thường, không có dấu hiệu kinh hoảng như lúc nãy.

“Ngọc con làm gì mang ba lô đứng đực ở đây vậy?”

Tiếng của bố cậu bất ngờ vang lên khiến Ngọc giật mình, cậu nhìn qua thở hắt một hơi, nói với ông:

“Dạ, hôm nay trường con tổ chức buổi tham quan khu di tích, thời gian là ba ngày hai đêm, địa điểm tại Hải Dương. Ban đầu con tính không đi nên không nói với bố mẹ. Nhưng sáng nay thầy gọi sớm, bảo là nếu không đi sẽ ảnh hưởng tới việc xin chuyển ngành sau này tại trường, vậy nên con phải đi.”

Nghe cậu nói vậy, mẹ cậu vội ngừng việc trên tay nói lớn:

“Con nói gì? Đi bây giờ luôn à? Chi mà vội vậy trời!”

Ngọc cười hối lỗi:

“Đúng vậy giờ đi luôn ạ, thầy và các bạn đang đợi ở trường. Con xin lỗi vì tới giờ này mới báo cho bố mẹ.”

Thấy con mình áy náy, bà tặc lưỡi không biết tính sao, rồi nhìn qua ông nhà:

“Anh mau đưa cho thằng bé ít tiền.”

Ngọc vội xua tay:

“Không cần đâu ạ, trường bao hết rồi mẹ.”

Trong khi bố Ngọc đã đi nhanh về phòng khi được vợ mình yêu cầu. Ông nhanh chóng trở ra dúi vào tay Ngọc một tấm thẻ ngân hàng, đọc nhanh mật khẩu cho cậu, còn không quên nói nặng vài lời:

“Anh hay lắm, cứ thích để ông bà già này lo lắng anh mới chịu. Mau đi đi đi, có điện thoại đó, có gì nhớ gọi về, lớn đầu rồi đừng lúc nào cũng như trẻ con thế!”

Ngọc ái ngại nhìn ông:

“Con xin lỗi, con tính không đi nhưng—”

“Thôi thôi, đi đi kẻo muộn.” Bố Ngọc cắt ngang câu nói của cậu, xua tay ra hiệu cho Ngọc rời đi.

Ngọc mỉm cười cúi đầu với họ một cái thật nhẹ rồi xoay người chạy đi.

Điệu bộ cúi đầu của cậu khiến hai người cha mẹ khó hiểu, họ nhìn nhau rồi nhìn theo bóng con trai mình khuất sau cổng sắt lòng bồn chồn.

“Không được tôi phải gọi cho trường nó hỏi rõ chuyện này mới được." Ông lo lắng, "Nó nói đi Hải Dương phải không bà?"

Mẹ Ngọc vội gật đầu.

Ông than ngay:

"Trời sao lại đi xa vậy từ Sài Gòn ra tới tận Hải Dương! Không ổn rồi tôi phải hỏi xem thế nào mới được!"

Ông đi nhanh vào phòng, theo sau là mẹ Ngọc.

“Đúng đó, ông gọi nhanh đi, hỏi tình hình xem thế nào, tôi thấy lo lo sao ấy.”

***

Ngọc để lại hai vị phụ huynh bắt xe buýt chạy tới trường, suốt quá trình ngồi xe cậu luôn nhìn chằm chằm vào vòng gốm.

Chốc sau bất ngờ cậu lên tiếng nói với nó:

“Bà có việc nhờ tôi phải không? Bà sẽ không hại tôi chứ?”

Ngay khi câu hỏi vừa dứt, vòng tay vốn đang nằm im vậy mà xoay nhanh một vòng như đáp lời Ngọc.

 

.....

Tình hình là cái bìa truyện nó đã được đổi, tui khá ưng ý, nhưng tiếc thay bạn ấy viết đầy đủ tên tác giả là An Ca 181092 - đây là khi tui đặt tên trên Ap chỉ để An Ca không thì không được nên phải cho thêm cái số dài phía sau.

Cho nên tên tác giả chỉ có một thôi nhé: Tác giả: An Ca.

Download MangaToon APP on App Store and Google Play

novel PDF download
NovelToon
Step Into A Different WORLD!
Download MangaToon APP on App Store and Google Play