Tần Thủy Hoàng chính là vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc. Ông là người đã chấm dứt thời kỳ Chiến quốc, thống nhất Trung Quốc. Nhiều người gọi ông là vị minh quân, nhưng không ít người nói rằng ông là một vị bạo chúa trong triều đại của mình.
Ngày này năm xưa: Hoàng đế khét tiếng nhất lịch sử Trung Quốc ra đời, có nhiều công lao với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới
Theo sử liệu, hoàng đế Tần Thủy Hoàng sinh ngày 18 tháng 2 năm 259 TCN. Ông kế vị cha vào năm 13 tuổi và lên ngôi hoàng đế vào năm 38 tuổi.
Trung Quốc thời bấy giờ là nơi có nền văn minh nông nghiệp phát triển. Trong thời Chiến quốc, ít nhất 7 nước đã tranh giành quyền lực để thống trị khu vực này. Nước Tần cuối cùng đã giành chiến thắng vào năm 221 TCN. Vị Hoàng đế lãnh đạo nhà Tần ấy đã tự phong danh hiệu là Tần Thủy Hoàng, người đầu tiên thống nhất Trung Quốc.
Với tính cách độc đoán, Hoàng đế Tần Thủy Hoàng bắt đầu “nhào nặn” lãnh thổ ông cai trị thành một đất nước duy nhất theo ý mình. Ông chia các vùng đất thành nhiều khu vực, mỗi khu sẽ có một người đứng đầu chỉ huy và báo cáo lại cho ông.
anyconv.com__gettyimages-479696009-5c532b41c9e77c00015996ac.jpg
Vạn Lý Trường Thành được đặt nền móng từ thời hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Ảnh: Getty Images
Vũ khí khi ấy bị tịch thu và nấu chảy. Một loại tiền tệ mới đã được ban hành. Các đơn vị đo lường đều được tiêu chuẩn hóa. Tần Thủy Hoàng cũng ra lệnh thống nhất chữ viết ở Trung Quốc, sao cho tất cả những từ đồng nghĩa trong các ngôn ngữ khác nhau được thể hiện bằng những ký tự giống nhau.
Hàng trăm nghìn người đã phải phục vụ trong quân đội nhà Tần để chinh phạt phương nam mở rộng lãnh thổ. Hàng trăm nghìn người khác làm việc cật lực để xây dựng cung điện, kênh đào và đường sá. Trong đó có một đại dự án chính là trường thành ở phía bắc, đặt nền móng cho Vạn Lý Trường Thành.
Những chính sách này của ông trở thành nền tảng cho nước Trung Hoa rộng lớn sau nhiều năm chia cắt và chiến tranh, nhưng cái giá đắt phải trả là sự lao dịch và nỗi oán giận của người dân. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Tần Thủy Hoàng trở thành mục tiêu của nhiều vụ ám sát.
anyconv.com__xian-soldiers-horses-tomb-qin-emperor-shihuangdi.jpg
Đội quân đất nung được khai quật. Ảnh: Getty Images
Chính vì thế, Tần Thủy Hoàng luôn bị ám ảnh bởi cái chết và sự bất tử. Công trình vĩ đại nhất trong các dự án lại chính là lăng mộ khổng lồ của chính ông, chôn theo cả một đội quân đất nung hùng hậu. Hàng nghìn tượng lính đất nung có kích thước như người thật, bao gồm lính bộ binh, cung thủ, quan chức, người hầu và thậm chí có cả những nhạc sĩ để mua vui giải trí.
Được xếp thành hàng như một đội quân, những bức tượng lính từng mang dấu vết của lớp sơn láng mịn sống động như thật. Mỗi tượng được hoàn thiện hoàn toàn bằng tay để không bức tượng nào giống nhau. Đội quân đất nung này sẽ theo bảo vệ hoàng đế sang thế giới bên kia.
anyconv.com__gettyimages-53042940-5c532d4346e0fb00013a1b1d.jpg
Đội quân đất nung được khai quật. Ảnh: Getty Images
Lăng mộ và các bức tượng vẫn đang được xây dựng vào thời điểm Tần Thủy Hoàng qua đời (210 TCN). Ngày nay, lăng mộ với đội quân đất nung khổng lồ trở thành biểu tượng cho một thời kỳ thịnh vượng của triều đại Tần Thủy Hoàng, cũng như những nỗ lực của ông để làm nên một Trung Quốc thống nhất.
Cho đến ngày nay, lăng mộ của Tần Thủy Hoàng vẫn còn nguyên niêm phong và bất khả xâm phạm, vì các nhà khảo cổ học sợ những sai lầm trong lúc mở ngôi mộ có thể sẽ phá hủy những thông tin lịch sử quan trọng.