Cậu Tôi
Tác giả: JohnssacLouis
Gia đình
Trong dòng họ nhà tôi, con cái khi xưa được sinh ra đông đúc. Cụ cố tôi ngày trước sinh năm người con, tôi không rõ nhà mình có bao nhiêu người, thứ tôi thuật lại chỉ là nghe qua lời kể.
Tôi, con trai cả trong nhà, với những đứa nhỏ, tôi là đứa lớn nhất. Ngày bé tôi hay nghịch trò không màn hậu quả, nên sinh ra nhà tôi ai cũng từng là tác giả của mỗi vết roi mây trên người.
Trong nhà họ hàng, bà con. Đối với tôi là cháu thì cậu hay chú, dì, thím, mợ gì đều là nhiều vô kể. Tốt với tôi cũng nhiều, cũng chiều tôi vô điều kiện.
Nhưng thế nào thì... người đàn ông mang cho tôi cái sợ lớn nhất, không phải từ đòn rồi, vì người ấy chưa ra tay đánh tôi bao giờ. Nhưng tôi vẫn e sợ, vẫn dè dặt mỗi khi phải ở gần người đó.
Ông ấy chính là cậu ruột của tôi. Cậu không già, ông ấy còn rất trẻ. Cậu chỉ hơn tuổi tôi mười mấy tuổi, là người con trai duy nhất của bà dì tôi, người con út của hai cụ nhà.
Lúc tôi bắt đầu biết nhớ mặt gọi tên, cậu đã sống một mình trong căn nhà nhỏ ở cuối xóm, nơi mà ban ngày nắng xuyên qua khe cửa, còn ban đêm thì lạnh đến nỗi nghe được tiếng gió lùa qua vách ván.
Mái tóc cậu lúc nào cũng rối, đôi mắt lúc nào cũng đỏ hoe, như người vừa khóc, hoặc vừa không ngủ.
Cậu không nói nhiều. Với ai cũng vậy, mà với tôi thì càng ít. Mỗi lần tôi được mẹ dẫn qua thăm, cậu chỉ gật đầu, hoặc nói vài ba câu không đầu không đuôi, rồi lại ngồi lặng thinh trước hiên nhà, chăm sóc đàn gà và bầy chó hoang lạ hay lãng vãng quanh sân.
Lũ trẻ trong xóm đồn rằng cậu từng đánh người, là tội phạm, cũng từng yêu ai đó dữ dội, rồi mất tất cả, trở về như kẻ bị bỏ rơi bên bờ lề thế giới. Mấy người lớn không nói gì, chỉ bảo "chuyện cũ của cậu bay không cần biết."
Nhưng với một đứa bé như tôi hồi ấy, cái gì càng bị giấu, tôi lại càng tò mò.
Cậu không đánh tôi thật, cũng chưa bao giờ lớn tiếng hay nặng lời. Nhưng cái cách cậu đối xử với bọn trẻ thường rất lạnh nhạt, hay chúng cố tình tránh xa cậu hoặc cậu đã quen với những chuyện này.
Tôi luôn cảm thấy mình như đứng trong làn sương mù lạnh, tim cứ co lại, chân cứ muốn rút lui.
Có lẽ vì đôi mắt cậu, đôi mắt nhìn tôi như xuyên qua cả lớp thịt da, như đang nhìn chằm chằm cảm xúc của đứa trẻ như tôi mà tôi còn chưa kịp nhận ra. Hoặc cũng có thể vì tôi nghe được, trong một lần lén nép sau cánh cửa, tiếng cậu nói với mẹ:
"Thằng bé trông thật giống ông nó..."
Khi cậu nói ra câu nói ấy, tôi thấy giọng cậu hơi nghẹn ngào, mắt cậu đỏ hoe, chất giọng run run như muốn tràn ra máu.
Ông ngoại à... là người thương cậu nhất đấy. Lúc nhỏ nhà còn nghèo, tiền mua gạo còn không có, cậu tôi cao lớn được ngần này là do một tay ông ngoại, đi ra ngoài làm lụng, tích góp được mấy đồng mua cháo mua gạo cho cậu ăn.
Mỗi lần nhắc đến ông, cậu tôi đều im lặng. Không phải kiểu im lặng gạt đi như người chẳng thiết tha, mà là thứ im lặng cất giấu nghẹn ngào, như thể nỗi đau đã nằm sâu trong lồng ngực, chỉ cần gợi nhắc là lòng người lại vỡ thành trăm mảnh.
Tôi từng thấy một lần, vào ngày giỗ ông ngoại. Nhà khi ấy đông đủ, ai cũng cười nói, thắp hương xì xụp, đĩa trái cây còn thơm mùi chín. Nhưng cậu tôi lại ngồi tách biệt ở hiên sau, mắt nhìn vào khoảng sân trống hoác, nơi ngày trước ông hay mắc võng nằm.
Tôi rón rén bước tới, ngồi cạnh cậu, không dám hỏi gì. Cậu không quay sang nhìn, chỉ khẽ nói: "Lúc ông mất, cậu mày không có mặt."
Câu đó rơi xuống như cục đá nhỏ giữa mặt hồ tĩnh lặng trong tôi. Tôi nhìn cậu, thấy rõ sống mũi cậu đang run. Lòng tôi chợt nhói, không hiểu vì sao lại buồn đến vậy.
"Ông dặn đừng đi xa, nhưng tao vẫn đi... Muốn trốn khỏi cái xó nghèo nàn này, muốn sống lớn, muốn chứng tỏ với ổng là tao giỏi hơn tao tưởng..."
Cậu im, đưa tay quệt ngang mắt, giọng bỗng trầm đục: "Tới lúc quay về, chỉ còn kịp ôm hũ tro."
Tôi không biết nên an ủi ra sao. Tôi chỉ biết tay tôi, nhỏ xíu so với bàn tay thô ráp của cậu, cứ thế đặt lên đầu gối cậu mà nắm lấy. Cậu khẽ rút tay ra, rồi xoa đầu tôi thật nhẹ.
Lần đầu tiên. Từ nhỏ đến lớn, đó là lần đầu tiên cậu xoa đầu tôi. Cảm giác ấy, không ấm áp như mẹ, không mạnh mẽ như ba, mà là thứ dịu dàng khô ráo như gió giữa trưa... nó khiến tôi gần như bật khóc.
Tôi nghĩ… có lẽ cậu không ghét tôi.
Có lẽ cậu sợ, sợ rằng nếu thương tôi quá nhiều, rồi một ngày nào đó lại mất đi như đã từng mất ông ngoại.
Sợ tôi giống ông, mà rồi một lần nữa cậu không thể giữ.
Và cũng có lẽ...
Trong tôi, máu của ông vẫn còn đang chảy.
Và điều đó, vừa khiến cậu đau, vừa khiến cậu thương, theo cái cách lặng thầm của một người đàn ông từng sống sót qua quá nhiều mất mát.
...
Sau ngày ông mất, tính tình cậu tôi thay đổi rất nhiều. Không còn ít nói, có vẻ hoạt bát hơn. Nhưng... cũng nóng tính hơn rất nhiều.
Cậu tôi bắt đầu trở nên đáng ghét, giống với mấy người cậu khác thôi. Cậu bắt đầu la tôi khi tôi trở nên nghịch ngợm, nhưng cậu vẫn không ra tay đánh tôi, như những người lớn khác.
Và rồi, đến khi tôi học tiểu học, lớp 1, lớp đầu tiên, cũng là lớp mở đầu. Cậu tôi quyết định chuyển ra ở riêng - cùng với gia đình, không sống chung một xóm với ông bà ngoại và cậu mợ tôi nữa.
Cậu dẫn gia đình đến Bình Thuận, bắt đầu vừa học vừa đi làm kiếm tiền. Lúc đó, mọi người trong nhà, mỗi người một suy nghĩ. Có người bảo cậu tôi lớn rồi, quyền quyết định là ở cậu, có người cũng bảo cậu tôi vô tình, hay quá cố.
Sợ một ngày cậu không chịu nổi, rồi cũng giống như ông, chết vì làm việc quá sức.
…Tôi khi đó còn nhỏ, chẳng hiểu hết những điều người lớn nói. Chỉ biết, ngày tiễn cậu đi, tôi đã chạy loanh quanh cả nhà, vừa tìm cậu, vừa khóc hu hu như thể ai lấy mất món đồ chơi yêu thích. Tôi bám áo mẹ, hỏi:
"Cậu đi rồi, ai chở con đi học?"
Mẹ tôi cười cười, bảo:
"Có người khác chở con được mà, không phải chỉ mình cậu đâu con."
Nhưng tôi không muốn người khác. Tôi chỉ muốn cậu.
Vì chỉ có cậu là chẳng bao giờ trễ giờ đón tôi tan học. Chẳng bao giờ để tôi mang cái bụng đói đến lớp học thêm tối nay. Dù biết cậu lúc ấy chưa có tài chính riêng, tiền cậu cho tôi là tiền cậu làm thêm ở nhà sách.
Nhưng lúc đó tôi chỉ là một đứa trẻ háu ăn, xiên que đưa trước mặt tôi chỉ biết nhanh nhảu nhận lấy và ăn nó một cách thật ngon. Mà chẳng biết... cậu tôi cũng đang rất đói, khi vừa từ trường và nhà sách trở về.
Vậy mà giờ, cậu dọn đi.
Một cái dọn thật đột ngột. Không lời tạm biệt. Không ôm, không nói "ở lại ngoan".
Chỉ là hôm trước còn thấy cậu đứng giữa sân, hôm sau đã là khoảng trời trống hoác không còn bóng người cao lớn ấy nữa.
Thời gian sau đó, tôi vẫn nghe mẹ nói chuyện điện thoại với cậu. Lúc thì cậu kể học hành ra sao, lúc thì hỏi thăm nhà cửa. Giọng cậu nghe mỏi mệt lắm. Mẹ bảo cậu học ban ngày, làm thêm buổi tối, rồi cuối tuần lại chạy Grab hoặc bán thêm đồ ngoài chợ.
Tôi nghe vậy, trong lòng tự dưng thấy giận cậu kinh khủng.
Tôi không thèm nói chuyện khi mẹ đưa điện thoại, cũng không chịu viết thư dù cậu gửi quà về. Tôi nghĩ… nếu cậu thương tôi thì cậu đã không bỏ đi.
Nếu cậu thương ông thì cậu đã không sống tách biệt như thể chối bỏ quá khứ.
Nhưng càng lớn, tôi lại càng hiểu.
Hiểu rằng mỗi người đều có những vết thương không muốn lặp lại.
Cậu rời đi, không phải vì chán ghét chúng tôi… mà là vì muốn thoát khỏi nỗi sợ, nỗi sợ mất thêm ai đó nữa khi mình bất lực nhìn họ dần gục ngã.
Rồi một tin dữ truyền về...
Cậu tôi ở Bình Thuận bị tạm giam, cả nhà tôi hoang mang lắm. Đến khi ông ngoại tôi gọi lên xã, mới biết chuyện cậu tôi đánh người.
Bà tôi kể lại rằng, cậu tôi trên Bình Thuận, sáng tối đều bận việc, cha mẹ - ông cậu bà dì cậu tôi sống và bán buôn trên đó.
Buổi chiều đó, lúc cậu tôi chưa về. Một đám trẻ trâu hổ báo, lái xe phân khối lớn chạy nổ ầm ầm trên xóm.
Chúng dùng súng pháo, bắn nỏ đùng đùng trước sân. Bà dì tôi bên trong nhà nghe bên ngoài ầm ĩ, ra xem sao, thấy bọn trẻ trâu phá phách, bà lớn tiếng đuổi đi, bảo chúng về học hành đàng hoàng đừng ra ngoài gây mất trật tự xóm làng.
Chỉ vài câu thôi, không đến mức chửi. Nhưng bọn nó coi lời bà dì tôi như lời thách thức chướng tai. Bảo bà dì im miệng đừng lải nhải, nghe đến chuyện học hành chúng lại càng làm quá hơn.
Bọn nó bắt đầu nhặt đá xung quanh, ném liên tiếp vào người bà dì. Bà dì tôi sợ hãi co rúm lại, may mắn tránh được vài viên gạch to bay tới, nhưng một cục đá lớn bằng quả tennis ném trúng đầu.
Phần da ấy rách ra, máu từ trên thái dương chảy ròng ròng xuống. Chảy ướt cả vai bà, mặt bà dì tái mét, trắng bệch đi trông thấy, bà dì tôi cố hết sức chạy nhanh vào trong nhà, đóng cổng lại.
Ở ngoài đó bọn nó cười vang vọng hết cái xóm này, bên trong nhà còn nghe thấy cái tiếng cười chua chát sằng sặc của bọn nó. Tiếng cười chó má đến cả xúc vật cũng không bằng!
Mười mấy phút sau, cậu tôi về đến nhà. Vào trong phòng thấy bà dì tôi băng cái đầu đầy máu, thấy cậu tôi bà vội giấu, nhưng tay không nhanh bằng mắt, cậu tôi thấy hết cả rồi.
Gặn hỏi thật lâu, lúc đầu bà kiên quyết không nói chuyện gì xảy ra cho con trai. Nhưng lúc sau, không biết cậu tôi nói gì, làm gì, chỉ biết cậu tôi hốc mắt đỏ hoe, giọng khàn đặc mà ôm chặt mẹ.
Đến cuối cùng, bà dì tôi cũng mềm nhũn, bật khóc trong lòng con trai. Bà kể hết, kể hết mọi chuyện xảy ra với mình. Cậu tôi chỉ hỏi bà ngoại hình và khuôn mặt chúng ra thế nào. Nghe xong liền bỏ đi.
Không biết cậu đi đâu, chỉ biết rằng cậu tôi giận dữ lái con xe tay ga ông cậu cho cậu để đi học. Cậu phóng đi rất nhanh, chạy quên cả đậu mũ bảo hiểm.
Lúc đó an ninh còn lỏng, cậu không bị bắt vì tội vi phạm luật giao thông... mà cậu bị bắt vì tội đánh người.
Cả nhà không ai biết trong khoảng thời gian khuất vắng bóng cậu ấy, cậu đã làm gì và đã đi đâu. Nhưng cậu biến mất cả buổi chiều hôm đó.
Đến chập chững tối, lúc nhà ai cũng đã dọn cơm canh đầy đủ, cả nhà xum họp quây quần.
Nhưng gia đình cậu tôi lại thiếu mất cậu trong bữa cơm tối ấy. Bảy giờ tối, ông cậu tôi nhận được một số điện thoại lạ.
Nghe máy xong mới biết là công an.
Chú công an ấy bảo cậu tôi gây gỗ với người khác, gây thương tích rất nặng.
Hiện tại họ đang ở đồn công an, cậu tôi bị tạm giam, còn những người cậu tôi đánh đều đã nhập viện để điều trị.
Ông cậu tôi khi đó không nói gì. Ông chỉ đứng lặng người bên điện thoại, mặt trắng bệch như vôi. Bà dì tôi ngồi bên, nghe lén vài câu cũng bật khóc, rồi trách mình mãi:
“Tại tôi… tại tôi không chịu nhịn… để thằng nhỏ nó làm liều…”
Cả nhà như bị ai kéo tắt hết đèn, im phăng phắc. Chỉ còn tiếng thở dài, tiếng chén dĩa khua nhẹ trên mâm cơm đang nguội dần.
Mẹ tôi lập tức thu xếp, cùng ông bà ngoại đi xe đò xuống Bình Thuận ngay trong đêm. Tôi thì bị để lại nhà người quen, không được đi cùng. Lúc đó tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ thấy hoang mang tột độ.
Ba ngày sau mẹ tôi về, mặt bà vắng lặng như nhà có tang. Mẹ tôi chần chừ có nên kể cho tôi hay không, nhưng bà vẫn chọn nói ra.
Mẹ tôi bảo tôi rằng, cậu tôi trên đó đánh người ta suýt chết. Chuyện là bọn nó ném đá rách đầu bà dì, trong buổi chiều hôm đó, cậu xách con xe tay ga của ông cậu.
Đi tìm nhà từng thằng một, không biết cậu tìm ra được kiểu gì, nhưng đến trước cửa nhà, cậu liền chạy vào nhà thằng đó xách cổ nó ra.
Lúc đó cậu tôi thuộc dạng cao lớn, trai tráng trong nhà còn chưa đến nỗi 1m65. Cậu tôi đã hơn mét bảy. Tay cậu thô ráp, từng thớ cơ trên người là do làm lụng vất vả mà hình thành nên.
Mấy cánh tay rẻ tiền của lũ vô lại chỉ biết cầm nắm múa may thì sao có sức chống chọi lại cánh tay lực lưỡng của cậu.
Mẹ nó ra ngăn cản, nhưng bị cậu tôi nắm đầu chửi, chửi đến mức bà ấy cũng câm nín chẳng biết nói gì. Thấy cha mẹ dạy con không được, thằng trẻ trâu trong tay còn không biết sợ, lại lớn tiếng khiêu khích:
"Này mày ngon, mày giỏi thì đánh đi, mày đánh tao thử xem, tao gọi anh em tao ra băm nát cả đầu mẹ mày."
Nó khích tướng thường thì được, nhưng nó dám lôi mẹ cậu tôi ra để chửi. Không biết thằng não tàn ấy nghĩ thế nào. Chỉ thấy mắt cậu tôi lay mạnh, chuyển thành màu đỏ, từng đường gân máu trong mắt đỏ lên, mặt cậu cũng đỏ bừng vì tức giận.
Cậu tôi xông tới, nắm mặt thằng đấy mà vật mạnh xuống nền nhà, vật xong lại nắm cổ nó lên, từng cú từng cú như muốn lấy mạng người nện thẳng gáy nó vào nền đất.
Chưa dừng lại, cậu giật lấy cái ghế gỗ kế bên, liên tục đập vào chân nó, tiếng đập rầm rầm vang lên. Đến mức, thân ghế cũng chịu không nổi mà gãy tan tành.
Hàng xóm kéo đến đông nghẹt trước cổng nhà. Tiếng la hét, tiếng chửi rủa lẫn tiếng khóc của bà mẹ thằng đó vang lên inh ỏi. Có người can, có người quay clip, có người chỉ dám đứng xa mà nhìn. Nhưng không ai dám lại gần.
Bởi lẽ, lúc ấy cậu tôi không còn là một người bình thường nữa.
Trong mắt cậu không có ai cả, chỉ còn lại hình ảnh bà dì tôi ôm một vũng máu trong tay, máu từ đầu chảy xuống cổ.
Cậu tôi như hoá thú, như gồng hết mọi đau đớn và tức giận trong lòng mà trút xuống thằng đó. Từng đòn, từng cú đánh không đơn thuần là để trả đũa, mà là trừng phạt.
Là nỗi uất ức tích tụ từ bao năm trời bị khinh thường, bị coi là con nhà nghèo, là thằng học hành ít chữ, bị đè đầu cưỡi cổ bởi đám con nhà có máu mặt trong xóm chợ.
Đến khi mấy ông công an xã chạy tới, cậu tôi vẫn không chịu dừng. Họ phải kéo cậu tôi ra bằng ba người đàn ông lực lưỡng, trói tay bằng dây thừng, rồi xốc nách khiêng lên xe.
Lúc ấy, cậu vẫn còn gào lên, cổ họng khản đặc, chỉ kịp ném lại một câu:
"Chúng mày đánh mẹ tao, chúng mày đáng chết!"
Mẹ tôi kể đến đó thì khóc. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ khóc vì em trai mình.
Mẹ không giận, chỉ lẩm bẩm:
"Tao biết nó thương má nó, nhưng nó đi đường sai rồi con à… Nó chọn cách không quay đầu lại được nữa."
Từ đó, trong xóm nhỏ quê tôi, ai cũng biết chuyện. Có người nói cậu tôi "bảo vệ gia đình như một người đàn ông đúng nghĩa". Có kẻ khác lại bảo "thằng đó đánh người dã man như vậy, đúng là thành phần côn đồ, là dã thú, tội phạm!"
Nhưng với tôi, cậu vẫn là người đã từng bế tôi ngủ trên võng, đã lưng ướt mồ hôi vì dạy tôi chạy xe đạp. Người cậu ấy… từng rất hiền. Và cũng chính vì quá hiền, nên khi nổi giận… mới trở thành bão tố.
Kết quả ra sao, ai cũng biết.
Bọn nó có năm thằng, nhưng sau hôm đó không còn thằng nào lành lặn để đi phá xóm làng nữa.
Bốn thằng được chuyển thẳng vào bệnh viện ngoại khoa để xem chấn thương bên ngoài. Thằng còn lại bị cậu tôi đánh nát hai chân, mãi mãi trở thành người tàn phế.
Xong vụ đó cậu tôi bị kiện ra tòa, nhà tôi mời luật sư, ông tôi nhờ quan hệ, giảm nhẹ tội cho cậu.
Phiên tòa ấy dài đến 4 tiếng đồng hồ, mất cả buổi sáng. Hai gia đình trong đó biết chuyện tình bên trong, dù hơi xót con nhưng nhà cũng đông người, họ đòi ít tiền viện phí và tiền bồi thường, xong chuyện hai gia đình ấy ký giấy xác nhận đã bồi thường rồi không can thiệp chuyện này nữa.
Ba gia đình còn lại trong đó có người mẹ ấy lẫn người chồng của mình, ánh mắt họ nhìn chằm chằm như muốn ăn tươi nuốt sống cậu tôi.
Người chồng của bà mẹ ấy, cha của thằng bị đánh nát hai chân, đập bàn rầm một cái giữa phiên tòa, gào lên:
“Không phải! con tôi sai… nhưng nó có đáng bị đánh thành ra như vậy không?! Nó đáng bị phế suốt đời à?!”
Cả phòng xử im lặng. Chỉ còn tiếng bút của thư ký toà sột soạt ghi lại từng lời khai.
Luật sư bên tôi ngồi lặng, không đáp. Cậu tôi thì đứng đó, vai run lên nhẹ nhẹ. Không biết là vì tức, vì mệt, hay vì kìm nén thứ gì đó đã sắp trào ra khỏi lồng ngực. Nhưng cậu vẫn im.
Thẩm phán nhìn xuống tập hồ sơ, mắt nhíu lại. Ông ấy cũng là dân trong huyện, biết ít nhiều chuyện trước sau. Cuối cùng, ông chỉ nhẹ giọng:
"Tòa sẽ xem xét kỹ yếu tố tự vệ vượt quá giới hạn. Nhưng cũng không thể bỏ qua việc nhóm nạn nhân đã có hành vi bạo lực trước. Ở đây không ai vô tội cả."
Vài ngày sau, bản án được tuyên.
Ông tôi vận dụng quan hệ, luật sư cũng dốc hết sức. Kết quả là, cậu tôi được cho là có hành động tự vệ quá mức và gây thương tích trong tình trạng không nhận thức được vấn đề, không kiểm soát được hành vi. Và vì nạn nhân trước đó còn dùng lời lẽ và hành động khiêu khích, kích động cậu tôi.
Nên cậu tôi chỉ phải bồi thường tiền thương tích cho thằng đó và đi cải tạo ba năm không giam giữ.
Nhưng tiền bồi thường rất lớn, hơn 100 triệu, lúc ấy thì lấy đâu ra nhiều tiền vậy. Ông cậu và bà dì tôi tuy mừng vì mọi chuyện được giải quyết êm xuôi nhưng đống nợ đột ngột đè nặng xuống sẽ làm gia đình phải chật vật nhiều điều.
Nhưng đau nhất không phải là tiền.
Không phải là nợ hay sự thiếu vắng con trai.
Mà là những ánh mắt.
Từ một người thanh niên được cả xóm khen là "đứa con trai có hiếu, siêng năng, làm gì cũng giỏi", cậu tôi trở thành cái gai trong mắt hàng xóm. Đi đâu cũng thấy người ta thì thầm, nói cậu là "thằng đó", "thằng điên", "thằng vô học chỉ biết dùng nắm đấm".
Mấy đứa nhỏ trong xóm không còn dám tới gần nhà tôi như trước. Có đứa còn được cha mẹ dặn:
"Đừng chơi với nhà đó, không khéo có ngày bị đánh què chân."
Dần dà, bọn chúng hình thành cách gọi mới, chúng gọi cậu tôi là..."tội phạm".
Sau khi cậu tôi đi cải tạo, ông cậu bà dì tôi đã đi vay mượn khắp nơi để trả tiền viện phí. Cái nợ 100 triệu một lần trả hết là không thể, góp lắm mới chỉ mượn được 45 triệu. Cộng với tiền tích góp cũng chẳng được bao nhiêu.
Ông cậu tôi muốn bán mảnh đất cụ cố tôi cho ông để trồng trọt, bán mảnh đất đó đi để trả cho cái nợ kia.
Nhưng vừa nghe ông cậu nói tới chuyện bán đất, bà dì tư tôi đã quăng cái chổi xuống sân, nước mắt trào ra:
"Bán đất à? Bán đất thì có khác gì cắt từng miếng da, miếng thịt của ông bà tổ tiên tụi bây không?!"
Mảnh đất đó, ông cố tôi để lại, chẳng rộng gì mấy nhưng là chỗ tựa cuối cùng của gia đình. Đất đó không chỉ là chỗ cắm dùi, mà còn là ký ức, nơi những mùa lúa nối tiếp nhau như hơi thở, nơi cậu tôi từng lội ruộng bắt ốc, từng cõng tôi chạy giữa cơn mưa dầm.
Tôi còn nhớ hôm đó, bà dì tư ngồi phệt xuống đất, vừa khóc vừa run giọng nói:
"Tụi bây hết nợ thì rồi sao? Còn gì để sống? Còn chỗ nào mà về?"
Cả nhà lặng đi. Không ai nói được gì.
Từ ngày cậu tôi đi cải tạo, nhà trở nên vắng lặng hơn. Ông cậu và bà dì tôi thì lao ra ngoài làm thuê làm mướn, ai kêu gì làm nấy, miễn có tiền để từng đồng, từng cắc mà gửi vô trả nợ.
Có bữa tôi thấy ông cậu đi làm khuân vác ở ngoài bến tàu, tay chân trầy trụa, vai hằn đỏ cả vết dây thừng. Người đàn ông từng tự hào vì mảnh ruộng của mình, giờ gục xuống bàn ăn, tay cầm chén cơm nguội, ánh mắt vô hồn.
Tối đó, mẹ tôi nói nhỏ với bà ngoại:
"Hay để con gửi thằng bé lên thành phố, học hành tới nơi tới chốn, ở đây không được nữa đâu má. Người ta cứ nhìn nó như tội đồ nhỏ vậy."
Một tuần sau, tôi được đưa lên Sài Gòn, sống nhờ nhà cô. Ngày tiễn tôi đi, bà ngoại dúi vào tay tôi một nắm tiền lẻ, mấy đồng bạc cũ, vừa dúi vừa run:
"Lên đó… nhớ giữ mình. Đừng như cậu mày."
Bà không nói thêm, nhưng tôi hiểu: Đừng đánh người. Đừng nổi điên. Đừng để đau một người rồi cả dòng họ phải trả giá.
Nhưng trong lòng tôi, dù thời gian có trôi đi, dù mọi thứ dần phai nhòa, thì bóng lưng cậu tôi ngày xưa, người từng che nắng cho tôi, người từng lưng ướt mồ hôi vì tập xe đạp cho tôi, vẫn là một ký ức không thể xóa nhòa.