Mùa hạ năm ấy, gió thổi ngang qua con đường làng đầy bụi đỏ. Quang Anh từ Sài Gòn trở về, sau một chặng đường dài bỏ lại tất cả phố thị, mối tình dở dang, vài hoài bão lưng chừng. Cậu về để sống chậm, và vì cha mẹ già, những người chưa từng đòi hỏi gì ngoài một bữa cơm đủ người.
Làng quê nhỏ, yên như một bức tranh không người vẽ thêm. Và trong cái yên đó, cậu gặp Duy.
Duy hay ra đình làng mỗi chiều, ngồi giữa đám trẻ con và kể chuyện. Hôm ấy, Quang Anh đứng xa xa nhìn, tay cầm ly chè bưởi tan đá, thì nghe Duy kể:
| “Xưa có con cóc đi thi hát với con ếch. Ếch mang micro xịn, có loa có đèn. Còn cóc thì chỉ biết… ộp ộp… nhưng hát bằng tim.”
- “Ai thắng ạ?” một đứa nhỏ hỏi.
Duy nghiêng đầu, nheo mắt suy nghĩ, rồi trả lời:
- “Ếch thắng. Vì có loa. Nhưng cóc được nhớ lâu hơn, vì nó hát không ai quên được.”
Lũ nhỏ vỗ tay rần rần. Duy cười hì hì, nghiêng đầu, lộ ra cái lúm đồng tiền nơi má trái. Gió thổi qua mái tóc lòa xòa của cậu, làm rối tung vài sợi nhưng không thổi bay được cái trong trẻo nơi giọng kể.
Quang Anh đứng đó một lúc, rồi không hiểu sao lại bước tới, ngồi thụp xuống mé chiếu như thể quen biết ai đó trong nhóm. Cậu xé bịch bánh đậu xanh đang cầm, vừa nhai vừa nhìn Duy hỏi nhỏ:
- “Ê Duy, em khờ thật hả? Hay là giả vờ vậy?”
Duy liếm mép, quay sang, đáp tỉnh bơ:
- “Khờ giả thì em đâu có nhớ khi nào nên giả.”
Quang Anh ngẩn người mấy giây, rồi bật cười. Đám trẻ con nhìn cậu lom lom.
- “Cho anh chơi chung với. Anh cũng… hơi khờ chút.”
Bọn trẻ ré lên, vỗ tay:
- “Dạaaa! Anh làm con cóc nha!”
Duy ôm bụng cười khúc khích, còn Quang Anh thì…
lần đầu tiên thấy mình muốn làm con cóc thiệt.
Duy sống một mình sau khi cha mẹ mất. Cậu khờ, nhưng là kiểu khờ khiến người ta muốn lại gần. Cậu hay lẩm bẩm với mèo, hay cắm hoa rụng vào vỏ chai cũ, hay nói những câu không ai hiểu nhưng vẫn khiến người nghe phải bật cười.
Ban đầu, Quang Anh chỉ thấy Duy thú vị.
Về sau, là dễ mến.
Rồi một hôm, là… không quên được nữa.
“Anh có tính về lại thành phố không?” Duy hỏi, khi hai người ngồi dưới gốc sung cuối làng.
Quang Anh mỉm cười, quay sang nhìn cậu:
“Không. Ở đây bình yên.”
Duy gật đầu, rồi nói nhỏ, như thể sợ câu nói trôi đi:
- “Nếu sau này anh quay lại… thì nhớ mang em theo nữa nha.”
Câu nói nghe khờ khạo, nhưng mắt Duy lúc đó không có chút đùa nào. Quang Anh im lặng, chỉ khẽ đặt tay lên tóc cậu một cái xoa nhẹ, dịu dàng hơn cả gió đầu mùa.
Tối đó về, Quang Anh nằm trằn trọc.
Có lẽ mình thương một người không nên thương mất rồi.
Một hôm, Duy đem hộp bánh cam đến nhà. Định gõ cửa thì nghe tiếng Quang Anh từ trong vọng ra, đang nói chuyện với người bạn trong làng:
- “Thằng Duy á? Khờ thật đó. Ngây ngô, dễ thương thiệt, nhưng mà... yêu sao nổi. Ở gần thì vui, chứ gắn bó chắc ngột ngạt chết.”
Duy đứng lặng sau rào. Hộp bánh rơi xuống đất.
Cậu không khóc, cũng không giận.
Chỉ nhặt bánh lên, phủi nhẹ lớp bụi, rồi quay lưng.
Từ hôm đó, Duy không còn tới nữa.
Quang Anh vẫn ngồi bên hiên đợi. Có hôm đứng giữa chợ, thấy Duy đi ngang cậu đội nón, tay ôm mèo, mắt nhìn thẳng nhưng không chạm vào ánh mắt cậu.
Cái lướt qua ấy đau hơn cả một cái tát.
Quang Anh cố gọi: “Duy!”
Duy quay lại, gật đầu một cái, xã giao đến tàn nhẫn.
Rồi quay đi, như thể chưa từng thân quen.
Một chiều, trời đổ mưa. Quang Anh đứng dưới mái hiên chợ, bắt gặp Duy đứng phía bên kia đường, dưới cơn mưa lất phất. Cậu vội chạy qua, túm lấy tay Duy:
- “Sao em tránh mặt anh?”
Duy ngẩng lên, ánh mắt không còn trong veo như trước. Mưa thấm đẫm vai áo cậu, giọng nói khe khẽ:
- “Nếu một ngày anh quên em, em cũng sẽ tha thứ cho anh. Vì em biết, chỉ có một người ngốc nghếch như em, mới mãi nhớ một người như anh thôi…”
Nói rồi, Duy gỡ tay ra, bước đi chậm rãi, để lại Quang Anh đứng trong mưa như người vừa đánh rơi một điều gì đó không thể nhặt lại được
Hôm sau, Duy vẫn ra đình, vẫn kể chuyện cóc ếch cho đám trẻ. Nhưng không còn nhìn về phía Quang Anh nữa.
Quang Anh thì vẫn đứng ở góc cũ, tay cầm ly chè bưởi đang tan đá.
Tối hôm đó, Quang Anh mở tủ gỗ cũ, lấy ra chiếc khăn tay Duy từng đưa góc khăn còn thêu dòng chữ xiêu vẹo:
- “Nếu một ngày anh quên em, em cũng sẽ tha thứ.”
“Không phải vì em cao thượng đâu… mà vì em biết, chỉ có một đứa ngốc như em, mới ngồi đếm từng lần anh nói nhớ… rồi học cách quên anh bằng chính khoảng lặng đó.”