Tháng 2 năm Giáp Thìn (1784), Nguyễn Ánh sang Xiêm La hội kiến với vua Xiêm La là Chất Tri (Chakri, Rama I) tại Vọng Các (Bangkok). Vua Xiêm sai hai tướng là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 2 vạn quân thủy cùng 300 chiếc thuyền sang giúp. Ngoài ra còn có 3 vạn quân bộ tiến sang Chân Lạp với danh nghĩa giúp vua Chân Lạp, nhưng thực chất ý đồ nhằm tạo gọng kìm phía Tây, chờ cơ hội tiêu diệt quân Tây Sơn. Quân Xiêm nhanh chóng lấy được Rạch Giá, Ba Thắc, Trà Ôn, Mân Thít, Sa Đéc và ra tay cướp phá bừa bãi. Tướng Tây Sơn giữ đất Gia Định là phò mã Trương Văn Đa thấy quân Xiêm thế lực mạnh, bèn cố thủ tại Gia Định và sai người về Quy Nhơn báo. Vua Tây Sơn sai Nguyễn Huệ đem binh vào chống giữ.
Nguyễn Ánh đã "cõng rắn cắn gà nhà" như thế nào? - Ảnh 1.
Chân dung Nguyễn Ánh. Hình minh họa.
Sau khi vào Gia Định, Nguyễn Huệ đánh mấy trận nhưng không thắng nên có ý rút binh, nhưng sau đó gặp dịp là trong số hàng binh có một tướng của Nguyễn Ánh tên là Lê Xuân Giác đã bày mưu phục binh. Mưu hợp với Nguyễn Huệ nên ông nghe theo liền cho bố trí trận địa và nhử quân Xiêm đến gần Rạch Gầm và Xoài Mút (ở phía trên Mỹ Tho) để đánh một trận lớn tiêu diệt quân Xiêm.
Đêm 19 rạng 20 tháng 1 năm 1785 (đêm mồng 9 rạng 10 tháng 12 năm Giáp Thìn), quân Xiêm lợi dụng thủy triều xuôi theo dòng sông để tấn công Mỹ Tho nhằm phá vỡ đội thuyền phòng thủ của Tây Sơn. Quân Tây Sơn giả thua rút dần về hướng Mỹ Tho, nhằm nhử đối phương lọt vào trận địa mai phục ở đoạn sông Rạch Gầm - Xoài Mút. Quân Xiêm quen mùi thắng nên tiến vào trận mai phục của Tây Sơn. Khi quân Xiêm lọt vào trận mai phục, bất ngờ quân Tây Sơn sử dụng pháo bắn uy hiếp dữ dội ở cù lao Thới Sơn và bờ sông Tiền, khóa chặt hai đầu, dồn quân Xiêm vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Bên cạnh đó, hỏa hổ ở hai bên bờ nã đạn tới tấp vào đội hình làm quân Xiêm rối loạn, tinh thần hoang mang rồi bỏ chạy. Cùng lúc đó, một đội thuyền cảm tử chở đầy rơm và những vật liệu dễ cháy đâm thẳng vào thuyền quân Xiêm làm cho số bị chìm, số bị cháy. Trong khi đó, cánh quân bộ Xiêm La ngay từ đầu đã bị quân Tây Sơn chặn đánh không cho cứu viện.
Một trận quyết chiến diễn ra trong không đầy một ngày đã tiêu diệt gần như hoàn toàn 2 vạn quân Xiêm, số còn sống sót chỉ được vài ngàn người chạy theo đường thượng đạo trốn về nước. Cánh quân bộ nghe tin thất trận cũng tan rã và tháo chạy. Nhị vương Xiêm La Chiêu Tăng, Chiêu Sương chạy theo đường bộ về Xiêm; còn Nguyễn Ánh phải chạy ra đảo Thổ Chu rồi về Cổ Cốt được Cai Cơ Trung đón sang Xiêm.
Sau trận đánh này, quân Xiêm khiếp đảm trước sức mạnh của Tây Sơn, “sợ Tây Sơn như sợ cọp”. Đánh dẹp xong quân Xiêm, Nguyễn Huệ đem quân về Quy Nhơn để đô đốc là Đặng Văn Trấn ở lại trấn giữ vùng đất Gia Định.
Lời bàn:
Cứ theo sử cũ thì sau mỗi lần thất bại, Nguyễn Ánh đều cầu xin người ngoài vào giúp sức. Và việc ấy chẳng khác nào “đưa hổ vào nhà” hay “cõng rắn cắn gà nhà”, gây ra hậu quả cho vận mệnh dân tộc. Sử gia Phan Huy Lê đánh giá việc cầu cứu Xiêm La của ông là “đi vào con đường phản bội dân tộc” và “bán nước”. Riêng về việc định đô ở Huế của Nguyễn Ánh, hậu thế nhiều người cho rằng: Phú Xuân là một mảnh đất gầy, dân thưa, của ít; về phương diện quân sự nơi này là một vị trí chiến lược bất lợi cả về thủy lẫn bộ. Trái lại Bắc Hà là cội rễ của dân tộc,... ruộng đất phì nhiêu, dân cư đông đảo, anh hùng hào kiệt đời nào cũng sẵn chống xâm lăng nhiều phen như trúc chẻ, ngói tan. Vậy mà vua Gia Long bỏ thật là uổng. Đấy chẳng là sự vụng tính của vua Gia Long vì đã bỏ gốc lấy ngọn đó sao?
Đúng hay sai từ những việc làm của Nguyễn Ánh thì người đương thời và cả hậu thế nhiều đời nay đều đã biết và có nhận xét khác nhau. Song, điều mà cả người xưa cũng như ngày nay đều không thể chấp nhận, không thể không phê phán Nguyễn Ánh với hành vi “rước voi về giày mả tổ”. Chỉ vì quyền lợi của cá nhân, gia đình và dòng tộc mà Nguyễn Ánh đã cố tình quên đi cuộc sống lầm than của trăm họ và nỗi nhục mất nước về sau, thật là đáng trách. Nguyễn Ánh đã để lại bài học về giữ nước cho hậu thế với cái giá quá đắt.