Với khẩu hiệu phù Lê diệt Trịnh, sau khi lật đổ họ Trịnh, anh em nhà Tây Sơn giao lại quyền quản lý Bắc Hà cho vua Lê (1786), rồi rút quân về Nam. Vua Lê lúc ban đầu là Lê Hiển Tông, sau khi qua đời, Lê Duy Khiêm (Lê Duy Kỳ) được kế vị và lấy hiệu là Chiêu Thống, năm ấy mới 21 tuổi.
Nhưng Lê Chiêu Thống không đủ uy tín và tài năng để cai quản đất nước. Bắc Hà rơi vào loạn lạc, Lê Chiêu Thống phải hết dựa vào thế lực này đến thế lực khác, từ Đinh Tích Nhưỡng đến Nguyễn Hữu Chỉnh. Khi Nguyễn Hữu Chỉnh bị Võ Văn Nhậm diệt, Lê Chiêu Thống lại bỏ chạy sang Quảng Tây, Trung Quốc để cầu cứu nhà Thanh. Nhân cơ hội ấy, quân Thanh do Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sỹ Nghị cầm đầu kéo sang xâm lược nước ta.
Ai đã bày cho quân Tây Sơn đưa vàng bạc đút lót cho Hòa Thân? - Ảnh 1.
Lê Chiêu Thống bị người đời sau cười chê vì rước quân Thanh vào nước ta. Ảnh minh hoạ.
Ngay khi vào Thăng Long, chúng đã chẳng coi Lê Chiêu Thống ra gì. Thân là vua nhưng hằng ngày Lê Chiêu Thống phải vào chực ở bản doanh của Tôn Sỹ Nghị để nghe lời sai bảo. Không những vậy, khi ấy Lê Chiêu Thống đã được phong vương, nhưng giấy tờ đưa đi các nơi, đều dùng niên hiệu Càn Long, vua của nhà Thanh. Sách "Hoàng Lê nhất thống chí" có đoạn viết về việc này như sau:
- Ngày ngày sau buổi chầu, vua lại tới chờ ở bản doanh của Nghị để nghe truyền việc quân, việc nước. Vua cưỡi ngựa đi trước, Lê Quýnh cưỡi ngựa đi sau, quân lính hộ vệ chỉ vài chục người. Người trong kinh có kẻ không biết là vua. Hoặc có người biết, thì họ nói riêng với nhau rằng: Nước Nam ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế. Tiếng là làm vua, nhưng niên hiệu thì viết là Càn Long, việc gì cũng do viên tổng đốc, có khác gì phụ thuộc vào nhà Thanh? Lại có hôm, vua tới yết kiến, Nghị không buồn tiếp, chỉ cho người đứng ở dưới linh rồi truyền bảo: Hôm nay không có việc quân, việc nước gì. Hãy về cung yên nghỉ! Còn đối với quân lính nhà Thanh thì y lại dung túng cho chúng mặc sức làm điều phi pháp. Vua Lê tuy biết sự tệ hại ấy, nhưng đã trót mời quân Thanh sang, chỉ sợ vì việc đó mà làm mếch lòng chúng, nên không dám nói gì.
Quân Thanh đại bại, Lê Chiêu Thống cùng gia quyến và các bề tôi trung thành lại chạy theo sang Trung Quốc, hy vọng cầu viện nhà Thanh một lần nữa. Nhưng lúc này, tình hình nước ta và cả ở nhà Thanh khi đó đã khác. Quân Thanh, mà thực chất là quân của 4 tỉnh gần Việt Nam (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu), sau những trận Ngọc Hồi, Khương Thượng, Đống Đa,... đã trở nên khiếp sợ vua Quang Trung và quân Tây Sơn. Tôn Sỹ Nghị bị cách chức, vua Càn Long cử Phúc Khang An làm tổng đốc Lưỡng Quảng, thay mặt triều đình lo việc kinh lý với An Nam. Ở triều đình thì việc này giao cho Hòa Khôn (tức Hòa Thân, viên quan nổi tiếng tham nhưng lại được vua Càn Long tin dùng) trực tiếp phụ trách. Cả hai tên này đều không thích gì việc đánh Việt Nam.
Mặt khác, sau đại thắng, vua Quang Trung tìm cách hòa hiếu. Ông sai Ngô Thì Nhậm thảo thư gửi Phúc Khang An, nói rõ ta không có ý đánh nhau mà thực ra lỗi thuộc về Tôn Sỹ Nghị. Sau đó, Phúc Khang An bày cho quân Tây Sơn đưa vàng bạc đút lót cho Hòa Khôn. Sau đó, Hòa Khôn liền tâu với vua Thanh xin bãi việc binh và phong vương cho Quang Trung. Về việc này, trong sách "Hoàng Lê nhất thống chí" có đoạn chép như sau:
- Hòa Khôn tâu rằng: Từ xưa đến nay, chưa có đời nào làm nên công trạng ở cõi Nam. Nhà Tống rồi nhà Nguyên, nhà Minh, rốt cuộc đều bị thua trận, gương ấy hãy còn rành rành.
Cũng khi ấy, Ngô Thì Nhậm đã cho Phạm Quang Nghị, là người cháu gọi Nguyễn Huệ bằng cậu đóng giả làm vua Quang Trung, sang yết kiến vua Thanh và dâng thêm hai thớt voi đực làm quà. Dọc đường, người Thanh phải phục dịch chuyển vận rất khó nhọc. Trong ngoài ai cũng biết là giả dối, mà không ai dám nói. Khi đến Yên Kinh, vua Quang Trung giả được nhà Thanh đón tiếp rất chu đáo. Vua Càn Long khi ấy chẳng hiểu là có biết hay không, nhưng vẫn vui vẻ phong vương cho vua Quang Trung.
Lời bàn:
Lời của nhân vật Hòa Khôn trong giai thoại trên quả không sai. Không chỉ là một viên tướng thiện chiến, Quang Trung còn là một nhà cai trị tài ba. Ông giỏi chiến thuật quân sự, giỏi về ngoại giao với kế sách mềm dẻo, khôn khéo nhưng kiên quyết và lại biết thu dụng nhân tài để xây dựng đất nước. Ngô Trọng Khuê, một đại thần cũ nhà Hậu Lê, trước đó từng chối từ lời mời của Tây Sơn đã viết về Quang Trung như sau: Vị vua sáng đẹp hơn ngũ đế, lòng nhân hiếu cảm động đến trời... với các sĩ phu thì cuốn vào máy, thu vào lồng, tìm trong hang núi, hỏi chốn thôn quê, tìm hết người tài ra giúp nước.
Chính vì vậy mà sự ra đi của Nguyễn Huệ là tổn thất không thể bù đắp và là điều không may cho nhà Tây Sơn. Cơ nghiệp ông để lại không được người thừa kế xứng đáng bảo tồn, nên đã nhanh chóng mất về tay Nguyễn Ánh. Cái chết đột ngột của ông khiến đời sau còn tiếc cho nhiều dự định lớn lao chưa thành hiện thực. Và dù sau này, nhà Nguyễn mà trực tiếp là Nguyễn Ánh (vua Gia Long) đã tìm nhiều cách để bôi nhọ và xóa bỏ những chứng tích liên quan tới Nguyễn Huệ nói riêng và nhà Tây Sơn nói chung, nhưng tên tuổi ông không hề bị mai một. Người đương thời cũng như hậu thế hôm nay và mãi mãi về sau tôn vinh Nguyễn Huệ là người anh hùng áo vải của dân tộc, là một trong những vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử nước nhà.