[BL- cổ đại]: Ân hận còn kịp không.
Tác giả: Lục Cô Nương
BL;Cổ đại
Những năm cuối cùng của cuộc đời tôi thường mơ thấy người đàn ông đó. Anh ta đứng dưới gốc cây gạo ven bờ sông, cả người ướt nước bùn, ngượng ngùng đem hai con cá chép to bằng bắp chân dâng tới: “Cô Vân, năm nay cá chép được mùa lắm. Tôi bán dư, cô cầm về mà kho giềng.”
Tôi nhìn bộ dạng lúng túng ấy, chỉ nhịn cười đáp: “Bán dư thì anh mang về nhà. Cho tôi làm gì? Tôi cũng không biết nấu.”
Anh chàng gãi tai: “Người ở đợ trong nhà cô nhiều như vậy chả nhẽ không ai biết nấu cá kho sao?”
“Biết thì biết. Nhưng bà Tám mấy nay về quê, người khác nấu không ngon lắm.”
Cha tôi đi đằng trước, thấy tôi cứ dây dưa với anh mãi liền hắng giọng gọi: “Cái Vân, có chuyện gì thế. Nhanh chân kẻo không kịp đò nào.”
Tôi cũng cuống theo, hấp tấp dặn: “Anh đem cá qua nhà tôi đi. Sẵn tiện thì nấu luôn nồi cá kho. Tôi trả công cho anh.”
Ngày ấy gặp gỡ, trong lòng liền thương. Ấy là tôi nói về cái nồi cá kho tộ của anh trai nghèo bán cá, mê lắm, đang ngủ còn giật mình vì thèm. Cha thấy tôi dăm ba bữa lại mướn người ta tới nấu ăn, nghĩ cũng kì đành mở lời nhắc khéo: “Muốn ăn ngon thì mướn hẳn người ta về làm bếp cho nhà mình. Dăm ba bữa gọi tới gọi lui, sắp đi xem mắt đằng trai bên kia đừng để người ta hiểu lầm.”
Tôi cười khì, nhào tới nắn nắn, bóp bóp vai cho cha: “Con có hỏi rồi! Mà anh ta nói sợ cha.”
Cha tôi ngạc nhiên lắm: “Sợ, sợ cái gì? Ta nổi tiếng là người hiền lương nhất vùng.”
“Vâng. Lạ cha nhờ?” “Con cũng nói y vậy đó. Mà anh ta cứ lảng tránh sang chuyện khác. Hay anh ta thích con nên sợ cha mắng nhỉ?”
Người cha tuổi tam thập bát của tôi trầm ngâm thật lâu. Ông thương tôi lắm. Khi còn nhỏ mỗi lần sấm chớp đùng đoàng dẫu cho bận việc ở xa đến đâu ông cũng sẽ nhanh chóng trở về, dùng bàn tay ấm áp vỗ về tôi an giấc. Mẹ bỏ đi từ lúc tôi lên ba tuổi, khi đó nhỏ xíu nào nhớ được gì thế mà cứ hễ mưa rơi trong lòng lại bồn chồn khó tả. Thi thoảng vui vẻ hai cha con ngồi kể chuyện xưa, ông chẳng trách mắng nửa lời chỉ dịu dàng nói: “Cả hai hết duyên rồi! Không ở được với nhau.”
Sáng sớm, cha đã ra ngoài đến xế chiều mới về. Sắc mặt âm u lắm không nói gì cả, theo sau lưng cha là anh chàng bán cá nọ.
Tôi khoái chí ra mặt, vội lôi anh xuống bếp giao việc luôn. Hiếm lắm mới tìm được người nấu hợp khẩu vị hai cha con đến vậy. Chẳng mấy chốc nữa tôi gả đi xa rồi, việc cơm nước của cha phải ráng sức chuẩn bị chu toàn.
“Cha ơi! Tóc cha lại dài rồi này. Con cắt cho cha nhé!”
“Thôi… thôi.” Ông xỏ vội chân vào guốc.
“Tôi còn khiếp lần trước cô cắt đấy thây.”
Tôi bỉu môi: “Cha bày đặt kén cá chọn canh. So với bà Tám con cắt đẹp hơn mấy lần.”
Cha tôi bất lực lắc lư: “Nói mà không thấy ngượng, bà Tám đã 70 tuổi rồi!”
“Này, anh Điền. Qua đây tôi nhờ. Anh cắt thử cho tôi xem nào.”
Anh chàng vui vẻ tiến lại, ban đầu hồ hởi lắm mà lúc cầm kéo liền run rẩy hỏi cha tôi: “Ông chủ có giận không?”
Tôi cười khì: “Cứ cắt đi. Tôi bảo kê cho.”
Thấy mãi anh ta không dám nhúc nhích, cha mới thở dài mắng: “Phiền phức, lẹ lẹ cái tay lên. Nếu xấu cắt lương tháng này.”
Ai mà ngờ được. Anh chàng bán cá tay to, chân thô thế kia mà vừa nấu ăn ngon vừa cắt tóc giỏi. Tôi ngẩn ngơ nhìn cha hồi lâu, vỗ tay đen đét khen: “Trẻ ra tận mười mấy tuổi luôn đấy ạ. Hay hôm đi xem mắt cha đừng đội mấn nữa để nguyên thế này cho đàng kia loá mắt luôn.”
Cha ném cái quạt mo về phía này mắng: “Tôi đi lấy chồng hay cô đi lấy chồng. Ăn nói luyên thuyên.”
Ngày xem mắt diễn ra rất thuận lợi, tôi và chồng tương lai còn sẵn tiện tính toán luôn việc sính lễ trầu cau. Cha với bà thông gia thong thả hơn hẳn, vui vẻ rủ nhau ra quán bà Lài làm một chầu chim rừng, dê núi. Người ngoài nhìn vào còn tưởng hai người thắng được bạc to mới ghê chứ. Một bà say thêm một ông khướt, chén chú chén anh rõ nhức cái đầu.
“Hu hu hu” cha tôi khóc tu tu trên lưng anh Điền vừa dãy đành đạch vừa đánh người : “Con gái sắp gả đi. Không cần cha nữa rồi!”
Tiếng khóc của cha tốt thật, to hơn cái mỏ báo cháy canh ba. Gọi được cả làng thắp đuốc ra dòm ông phú hộ khóc nhè, khiến tôi bất lực che mặt căn dặn: “Anh cõng ông vào gian trong. Tôi chạy về nấu nước ấm, lát anh thay đồ rồi trông ông hộ tôi. Cuối tháng, thưởng thêm cho anh.”
Nói rồi tôi liền vọt lẹ, bên tai chợt văng vẳng câu hát “cha thương con mấy núi cho vừa, mấy sông mới đủ…”
Đêm khuya, tôi bưng canh giải rượu tới, ánh nến chập chờn soi tỏ nét mặt vui cười của cha. Lúc này, cha ngồi trên giường, cả người quấn chăn mỏng, lưng hơi cong xuống nói chuyện gì đó với anh Điền đang quỳ dưới sàn. Được dăm ba câu vui vẻ bỗng ông xị mặt tát bốp một phát vào mặt anh. Cả người ông liêu xiêu tưởng ngã, may mà anh Điền đỡ kịp đem ông gói chặt trong chăn đẩy vào góc giường.
“Sao thế? Ông vẫn chưa tỉnh à?”
Anh Điền lắc đầu: “Hôm nay, chắc không tỉnh được đâu.”
“Ừ. Vậy canh giải rượu tôi để ở đây. Khi nào ông tỉnh thì nhớ hâm nóng lại.”
Thắc mắc hỏi thêm: “Sao vừa nãy cha tôi đánh anh thế?”
Anh ngại ngùng gãi tai: “Tôi lỡ khen cô.”
“Khen tôi? Khen thế nào?”
“Khen cô lớn lên xinh đẹp, giỏi giang giống ông vậy.”
“Ha ha” tôi bật cười: “Tôi sắp lấy chồng. Chắc ông sợ có tin đồn thất thiệt. Ông đang say anh đừng nói gì cả, lỡ đánh người, mai chẳng nhớ gì đâu.”
Đã căn dặn vậy rồi. Ấy thế mà sáng mai anh Điền vẫn vác cái mặt sưng vù như ong chích chạy tới chạy lui từ nhà trên xuống dưới bếp tất bật công việc.
Tôi khều nhẹ vai cha, nuốt không trôi cơm nói: “Cha xem, tật xấu uống rượu này phải làm sao đây. Đánh người ta thành ra vậy rồi không nhẽ chối bỏ trách nhiệm.”
Cha lườm tôi lại lườm anh Điền đang gánh nước bên sân giếng. Ông trưng ra bộ mặt kệch cỡm, cân đo sĩ diện mãi cũng đứng dậy, giấu sau lưng lọ thuốc quý, hiếm hoi lắm mới dùng để làm quà bồi thường tổn thất. Tôi mà như anh Điền thấy thái độ lồi lõm của ông nhất định phải làm oang lên ăn vạ, thế quái nào anh chàng còn cảm động đến nước mắt tuôn rơi. Tôi thở dài, hảo cảm với anh tăng lên không ít.
Đầu tháng 4 mưa phùn hiu hắt, bà mối Hợp làng Đông ngỏ ý làm mai cho cha cùng cô Thắm goá bụa nức tiếng xinh đẹp. Cha không nói gì, tôi ngược lại hào hứng lắm, nếu cha gặp được người để thương thì tốt biết mấy. Dưới sự nhõng nhẽo làm mình làm mẩy của tôi, ông cũng phải khăn gói cùng anh Điền một chuyến qua bên ấy. Giữa trưa mưa nặng hạt sang chiều bỗng thành giông, tôi cầm theo hai cái áo cỏ tranh, lật đật ra đầu đình chờ đợi. Vừa đến nơi đã thấy thấp thoáng bóng dáng hai người đàn ông lời qua tiếng lại.
Cha tôi trước giờ không phải người hống hách nhưng xét về địa vị lẫn gia thế, ông có lên mặt với thiên hạ chắc cũng chả ai buồn bắt bẻ gì. Lúc này, ông chửi rất hung, chẳng thèm để cho đối phương chút mặt mũi. Lôi từ bản thân, đến xuất xứ rồi tặng kèm mấy câu ca dao, tục ngữ đạp người ta đến không dám ngóc đầu phân trần.
Cuối cùng ông chốt hạ một câu: “Một kẻ khố rách áo ôm lại vọng tưởng hoang đường, càn rỡ. Nhà tôi không chứa nỗi cậu, từ nay về sau đừng xuất hiện trước mặt tôi cũng đừng tỏ bộ đáng thương lấy lòng cái Vân nữa.”
Ngày ấy về, cha cảm lạnh cả tuần, ai nấu gì cũng chỉ ăn tí xíu, chắc do đắng miệng. Tôi chọn vài trái lê to xách vào phòng cha, thấy ông đang ngồi bần thần nhìn ra ngoài cửa sổ, trong lòng cũng buồn theo.
“Cha đang nghĩ gì đó?”
Ông lười biếng, chả thèm quay lại: “Không có gì. Cha cảm thấy khoẻ hơn thôi.”
Ngoài song cửa, lá trúc chao nghiêng, nắng mới lên đã có chim sẻ về làm tổ, chúng nghịch lắm, ríu rít cả ngày.
Tôi tỉ mẫn cắt lê thành từng miếng nhỏ đưa đến trước mặt ông: “Con nghe kể lại, ả Thắm kia tính bắt vạ cha. Cũng may hai người chạy kịp.”
“Ừ!” Ông chẹp miệng mắng: “Gặp phải thứ đàn bà độc địa.”
“Ha ha” tôi bụp miệng cười khì: “Rõ xui cha nhỉ?”
Ông khẽ ngẩng đầu lên, bộ dạng lười biếng vuốt tóc tôi hỏi: “Con muốn cha đi thêm bước nữa hả?”
Lòng tay nhỏ nhắn nhẹ nhàng xoa ấm những đốt tay gầy gò: “ Để vơi bớt sự hổ thẹn của mình mà suýt nữa đẩy cha vào hố lửa. Đáng lẽ, cha nên mắng con mới đúng.”
Ông vỗ về tôi: “Thực ra, cha cũng từng mong ước con mãi nhỏ bé. Loanh quanh luẩn quẩn bên cạnh cha thế này. Nhưng nhỏ Vân của cha lớn thật rồi. Tìm thấy người con thương, bình an nương tựa nhau cả đời, ấy mới là điều khiến cha vui vẻ.”
“Cha ơi!” Tôi gục đầu vào người ông khóc lớn: “Con không lấy chồng nữa đâu. Chẳng ai thương con bằng cha hết.”
“Lại nói bậy. Đứa nhỏ ngốc này.”
Năm tháng cứ dần lấy hết đi những gì cha trân quý, có rất nhiều câu “giá như” mà tôi từng than vãn với trời xanh. Sắp rời xa cái nôi thơ, tôi chẳng thể để lại gì cho cha ngoài những chiếc ôm thật chặt.
Mùi thức ăn thơm nức mũi toả ra từ gian bếp khiến tôi giật mình, rõ ràng hồi sáng dặn cái Nụ ra quán bà Lài mua cháo rồi mà. Tôi tò mò xem thử, chỉ thấy tấm lưng rộng ướt nước của anh Điền cặm cụi đảo thịt xay trên bếp lửa.
“Anh nấu cái gì mà thơm thế?”
Anh quay lại, bộ dạng thấp thỏm: “Cô Vân, cô đừng báo với ông. Tôi nấu xong sẽ đi ngay.”
Tôi cười ngại: “Anh cứ làm cho xong đi. Ông còn ngủ ở nhà trên.”
Ánh mắt người đàn ông hơi cụp xuống, khó khăn hỏi: “Ông đỡ nhiều chưa cô?”
“Ừ… Trời thương. Chắc nay, mai ông dậy được rồi!”
“À… này.” Tôi tủm tỉm hỏi khéo: “Anh không giận cha tôi hả? Bữa nọ mắng anh té tát thế mà.”
Anh Điền lắc đầu: “Không đâu. Ông nói đúng mà cô. Tôi còn phải nỗ lực nhiều.”
Sự nhiệt tình và rộng rãi của người đàn ông khiến tôi kinh ngạc. Không phải ai sinh ra ở nơi lấm lem bùn đất cũng bị trói buộc nhận thức trong mảnh ruộng, cái ao.
Tôi vừa giúp anh nhặt hành vừa từ tốn hỏi: “Anh Điền có biết chữ không?”
Anh quyệt qua mồ hôi trên trán, gật đầu: “Tôi cũng học lén được vài chữ của thầy Bính cuối làng.”
“Khiếp. Anh giấu làm gì? Tôi có việc tính bàn, anh nói rõ xem vài chữ là những chữ nào.”
Chàng trai nghèo ngập ngừng, nhìn về hướng nhà trên lại nhìn tôi, mãi cũng quyết tâm đáp: “71 điều luật trong An Cư Định Pháp đều đã đọc cả rồi.”
“Thấy chưa, nói anh khéo giấu cũng chả sai đâu. Mai anh qua tiệm trà, tôi bảo bác Phúc dạy việc cho.”
Đem bó hành nhặt xong đưa qua: “Anh học việc ở tiệm, trưa và tối nấu cơm cho ông. Mùa đông năm sau tôi gả tới Thành Đô, trong nhà bận rộn, anh ở lại phụ giúp ông đi.”
Cái rế mây trong tay anh rơi cái bụp xuống nền đất, hai mắt ngạc nhiên, lấp lánh sáng ngời.
“Tôi vẫn được ở lại à cô Vân. Tôi… tôi cảm ơn cô nhiều lắm!”
“Sẽ vất vả hơn trước đây. Anh ráng học cho tốt, ông có bắt bẻ gì cũng phải nhẫn nhịn. Anh làm được không?”
Người đàn ông dứt khoát gật đầu tỏ rõ lòng mình, mà tôi khi ấy chỉ đơn thuần nhìn vào biểu hiện tốt đẹp của anh ta mới dốc lòng bồi dưỡng.
Nào ngờ…
Tôi ngửa đầu nhìn lên trời xanh, khoé mắt cay nóng rơi xuống từng giọt lệ.
Tuổi trẻ quá đơn thuần, nhìn không rõ “dã tâm” con người.
Ba năm sau ngày tôi đi lấy chồng, tiệm trà gia đình đã rục rịch mở chi nhánh xuống phía Nam. Tôi nhận được thư của cha, muốn năm nay tôi về sớm vài tháng giúp ông quyết toán lại sổ sách.
Tôi còn nhớ rất rõ ngày trăng vàng nhạt vắt vẻo trên ngọn trúc tưởng đèn lồng tháng bảy. Cha bày năm mâm cỗ, nói nhỏ với tôi, lần này để anh Điền vào trong đó chắc phải rất lâu mới có thể gặp lại. Tôi chẳng dám đoán tâm tư của ông, có lẽ thời gian đã dần khiến cha coi trọng anh chàng chất phác ấy.
Vào tiệc chưa lâu tôi đã không thấy bóng dáng người đâu, quan khách đông đúc chỉ vội sai cái Nụ ngóng xem ông thế nào. Trời đất vào đêm mang theo hơi lạnh làm tê đầu mũi, ánh trăng chạy tới hiên liền bị mái ngói cong giữ lại vương vấn không rời. Cha tôi lúc này ngồi co mình trên sập gỗ, dáng người mảnh khảnh gục đầu nơi khuỷu tay. Ánh sáng hắt hiu của ngọn đèn dầu chợt soi tỏ một bên sườn, anh Điền ngồi khuỵ bên dưới sập gỗ, tay trái nâng đèn, tay phải nắm gấu quần cha giật giật.
Anh cất lời hỏi: “Tôi biết ông chủ chán ghét tôi. Nhưng ngày mai tôi phải đi xa rồi. Hai, ba năm chắc chưa trở về được. Chả nhẽ muốn nghe một câu chúc bình an ông cũng không nỡ cho à?”
Kì lạ, quan hệ của hai người tệ đến vậy sao?
Ông yếu ớt đáp trả: “Cút ra ngoài.”
Khoé miệng người đàn ông hơi kéo lên, giống như sự việc này đã trải qua rất nhiều lần, thành quen thuộc.
“Vâng. Nhưng ngoài trời đang trở lạnh, tôi chuẩn bị giường xong xuôi cho ông chủ rồi sẽ đi ngay.”
Anh vừa xoay người định rời đi liên bị bàn tay gầy của cha nắm lấy. Ông hơi ngước lên, cả mặt ướt nhẹp, sưng đỏ. Anh Điền vươn tới nâng niu đôi gò má nóng, vuốt đi dòng nước mắt lăn dài.
“Sao ông khóc thế? Ai làm gì ông đâu?”
Cha cắn vào ngón tay anh, vừa cắn vừa nghiến.
“Ông chả thương Điền, ngày nào cũng mắng cũng đuổi. Sau này, lấy ai cho ông cắn nữa đây.”
Anh cúi xuống, thành kính mong chờ: “Hay là…”
Cha giật mình bịt chặt miệng anh, hai người cứ nhìn nhau như vậy, chẳng ai nói thêm lời nào.
Lúc cha khép cửa cài then, anh Điền vẫn đứng ở bên ngoài hiên. Dáng người cao lớn, tựa đầu lên ván gỗ. Anh gõ nhẹ trên đó ba tiếng: “Ông ơi! Ngày mai, cuối giờ Mão thuyền sẽ rời bến. Ông tiễn Điền một đoạn được không?”
Không gian tĩnh mịch, bóng trăng dần lui vào mây, tôi nấp sau bức tường rêu, cả người rụng rời, gục xuống. Sự sợ hãi này rất mãnh liệt, giống như bạn bất ngờ nhìn thấy tương lai không tốt đẹp, dù nó chưa xảy ra nhưng bạn biết chuyện đó thật sự sẽ đến.
Giữa giờ Mão, tôi hí hửng xách con cá chép to đùng từ chợ trở về liền thấy cha ngập ngừng đứng trước cổng nhà.
Tôi cười hỏi ông: “Cha ơi! Hôm nay, mình nấu canh chua nhé!”
Sắc mặt ông hơi tái, đáy mắt đỏ hoe: “Vân à. Cha có chuyện muốn bàn cùng con.”
Tôi nghiêng đầu cười phớ lớ: “Lạ ghê cơ. Thế cha đợi con làm sạch con cá này rồi mình nói chuyện.”
Ông lo lắng đáp: “Cha sợ không kịp.”
Hấp tấp mở lời: “Tiệm mới khai trương nhất định sẽ gặp nhiều khó khăn. Nên cha muốn…”
Tôi quàng lấy cổ cha, vùi mặt vào vai ông: “Cha phải gửi thư cho con mỗi tháng một lần. Sau khi ổn định con sẽ vào thăm cha. Hứa với con, phải thật khoẻ mạnh và vui vẻ.”
“Vân ơi!” cha ôm tôi thật chặt: “Cảm ơn nhỏ Vân của cha.”
Tôi ngồi xuống bên bậc cửa, nắng hôm nay đâu có gắt mà lại thấy khó chịu thế. Giá như tôi có thể nói với cha nỗi lòng của mình, xin ông đừng bỏ rơi tôi. Giá như tôi mãi ích kỷ và non trẻ.
Người ta trộm mất cha tôi rồi. Tự mình rước cáo vào nhà, trao chìa khoá cho kẻ gian. Trong lòng dẫu có cay tức đến đâu cũng chẳng thể làm gì ngoài bật khóc nức nở.
Rất nhiều năm sau tôi vẫn đem theo cơn hậm hực bùng cháy hỏi gã lừa gạt kia vô số lần. Hỏi rằng: “Anh trả cha lại cho tôi được không ?”
Vẫn ánh mắt hướng về nơi xa xăm, đầy vẻ cưng chiều: “Ông chủ mãi mãi là cha của cô Vân. Ai có thể cướp đi được chứ?”
Tôi bất mãn đáp: “Là anh chứ còn ai vào đây nữa.”
Anh ta cũng ngại, xoa xoa cái gáy đỏ chót nói: “Tôi ghen tỵ với cô Vân lắm! Cả thanh xuân của ông đều đã giành hết bên cô. Vậy nên đoạn đường kế tiếp xin hãy giao ông lại cho tôi đi ạ.”
Tôi nhếch mép mỉa mai: “Anh thật biết cách nói chuyện. Thế mà ban đầu cứ tỏ vẻ vô tội, hiền lương, ai có ngờ.”
Vài câu trách móc ngoài sướng miệng mình cũng chẳng thay đổi được gì. Nếu anh ta đánh trống lảng cho qua chuyện thì tôi đành phải đem cục tức này nuốt vào. Song, anh chàng ấy giống như đã coi tôi thành người có thể tâm sự mà thong dong nói: “ Cô Vân nghĩ thế, oan cho tôi lắm. Người hiền lành đến đâu cũng sẽ vì mục tiêu của mình mà nỗ lực giành lấy, hai thứ này ngay từ đầu đã tách biệt.”
“Với lại…” anh ta cười phì: “Ông nhà mình rất tinh tường. Tôi không ngoan hiền, giấu giếm tâm ý sợ rằng đã bị đuổi từ lâu rồi.”
Ghét cái mặt đắc thắng ghê. Tôi buông lời xỉa xói: “Bây giờ thì anh toại nguyện lắm nhỉ?”
“Vâng” anh chàng nửa cười: “Nhưng mấy hôm nay ông toàn bận bịu với cô và đám cháu nhỏ. Chẳng hay khi nào gia đình cô Vân tính quay về Thành Đô để tôi chuẩn bị ít đặc sản làm quà.”
“Hứ” tôi xoay ngoắt, chả treo y hệt đám con chồng gặp mẹ kế, trống không bảo: “Còn lâu.”
Cho dù anh ta chiếm được hoàn toàn thân thể và không gian của cha thì một nửa trái tim ông vẫn thuộc về tôi. Đồ lừa gạt, tôi sẽ ghét anh ta suốt đời.
***
Tui có viết tiểu thuyết BL nha cả nhà. Đang flop nên tui lên đăng truyện ngắn tăng tương tác xí 😂😂😂