Một người cha chuyên sống về nghề ăn trộm,ông ta cảm thấy hài lòng với việc mình làm. Có người thân biết được ra sức khuyên can nhưng ông gạt phắt đi. Đôi lúc ngồi rung đùi bên ly rượu, ông ta ngâm nga:
"Con ơi nhớ lấy lời cha
Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm."
Tuy nhiên, ít ai để ý đến cái cười khẩy của ông ta. Đó là cái cười khinh bỉ vào cuộc sống của mình, vào cái nghề nghiệp đáng nguyền rủa kia. Lâu nay đã quen trộm cắp, bây giờ nếu bỏ đi thì biết làm gì mà sinh sống. Thôi thì cứ để mặc, xem cuộc đời đưa đẩy tới đâu! Chính vì cái suy nghĩ đó mà ông ta sống nghênh ngang, bất cần đời. Ban đêm thì đi đào tường khoét vách nhà người, tảng sáng về đến nhà thì ngủ vùi. Lúc tỉnh dậy thì uống rượu, có hơi men vào ông thấy đò ngượng ngùng trước mặt mọi người. Cái vẻ ngang tàng bề ngoài không đù che cái mặc cảm tội lỗi trong con người ông. Vì vậy chỉ có rượu mới giúp ông tự tin hơn.
Một hôm, đứa con trai duy nhất của ông lên tiếng đề nghị:
- Cha ơi! con không thích đi học nữa, có học vất vả thì cũng chẳng bằng ăn trộm. Người ta làm tích cóp trong ba năm lại chỉ bằng cha khoắng trong một giờ, như vậy rõ ràng nghề ăn trộm dễ sống hơn. Cha dạy nghề ấy cho con đi, kẻo mai mốt cha già thì lấy ai nối nghiệp.
Người cha nghe con nói thì giật thót mình. Ông ta định nói gì nhưng rồi lại làm thinh. Tuy vậy ông ngồi nghĩ ngợi dữ lắm.
Đến lúc trời tối mịt, ông ta đánh thức con trai dậy rồi cho phép nó đi theo học nghề. Trước khi ra khỏi nhà, ông bắt con trai thề độc, không được nói một tiếng nào, cho dù gặp phải bất kỳ tình huống gì. Ông dắt đứa con trai đi loanh quanh trên những con đường vắng trong làng, ở đó có nhiều nhà giàu có. Sau một lúc rình mò, họ tìm được cách lọt vào căn nhà có sân rộng. Người cha ăn trộm chỉ cho con trai đường thoát thân khi nguy cấp.
Ông ta nhẹ nhàng cạy khóa cửa và nhanh nhẹn hòa mình vào bóng tối của căn phòng. Dắt con đến một cái tủ đứng, ông mở cánh cửa rồi bảo đứa con xem có gì ở trong đó. Khi thằng con ngó vào tủ thì ông đấy nó vào rồi đóng sập cảnh của tủ và khóa lại. Ông ta gây tiếng động trong phòng rồi nhanh nhẹn thoát thân. Chủ nhà nghe động thức dậy tìm kiếm. Đứa con trai ngạc nhiên và tức giận, không hiểu sao cha mình lại làm điều trái khoáy như vậy. May sao nó này ra một sáng kiến, nó bắt chước tiếng mèo kêu "meo, meo". Khi chủ nhà mở cửa tủ ra xem thì nó nhảy phóc ra ngoài rồi ù té chạy. Mọi người trong nhà rượt đuổi theo. Đến con mương, đứa con ném mạnh tảng đá xuống nước để đánh lạc hướng, khi mọi người lo tìm kiếm dưới mương thì nó nhanh nhẹn lẩn vào trong bóng đêm. Vừa chạy thục mạng, nó vừa tức giận cha nó, vừa mừng rỡ vì đã thoát nạn. Nếu nó không nhanh trí thì đã bị chủ nhà bắt mất rồi.
Khi về đến nhà, nó thấy người cha ngồi rung đùi uống rượu. Nó định nói thì ông ta đưa ngón trỏ lên miệng ra dấu nhắc phải im lặng. Nó nhớ đã thề độc với cha nên đành chịu làm thinh, nhưng nó cứ cục cựa không yên. Cha nó lúc này mới lên tiếng:
- Đừng có kể lể cho cha nghe chuyện gì cả. Con về được đến nhà thì cha mừng lắm rồi. Con thấy đó, làm nghề ăn trộm nhục nhã và nguy hiểm lắm, chẳng sung sướng gì đâu. Những lúc con thấy cha ngồi rung đùi ca hát thì chẳng qua là để khỏa lấp cái nhục nhã của kẻ đào tường khoét vách mà thôi. Nếu như lúc chiều cha can gián thì chưa chắc con đã nghe. Lâu nay cha may mắn thoát nạn được vài lần giống như con hôm nay, thế nhưng trong lòng cha buồn muốn đứt ruột. Vì vậy cha phải bày ra cách này để con thấy cái nguy hiểm và xấu xa của nghề này. Từ nay cha cũng hứa với lòng mình sẽ từ bỏ nghề ăn trộm. Cha con mình cùng nhau đi học lấy một cái nghề nuôi thân con ạ.
HẾT
Bạn đọc quyển "Tình cha" chưa?