Tôi là một cô điều dưỡng đã gần bước qua cái tuổi 30. Người ta hay gọi tôi là cô y tá, nhưng thực ra điều dưỡng với y tá cũng có khác nhau chút đỉnh. Nhưng thôi, mấy chuyện đó để mấy ông giảng viên giảng bài cho sinh viên y khoa lo, còn bệnh nhân gọi tôi là gì cũng được, miễn là đừng gọi tôi là “bác sĩ” là được rồi.
Bệnh viện tôi làm là một bệnh viện lớn, trực thuộc một trường đại học y dược C.T , nghe tên ai cũng biết. Cái bệnh viện này ngày nào cũng đông, bệnh nhân ra vô nườm nượp, bác sĩ chạy như con thoi, còn điều dưỡng tụi tôi thì chạy gấp đôi. Làm điều dưỡng không có chuyện ngồi yên. Một ngày của tôi xoay quanh từ việc thay băng, phát thuốc, tiêm thuốc, ghi hồ sơ, dỗ bệnh nhân khó tính, an ủi thân nhân, … . Chưa kể còn bị bác sĩ mắng, bị bệnh nhân quạu, có hôm đi làm tám tiếng mà tưởng như đi đánh trận tám năm.
Tự nhiên hôm nay những ngày giữa bộn bề công việc, tôi lại chợt nhớ về một nơi xa trong ký ức sâu thẩm của mình. Một khu chợ nhỏ ở quê hương Phan Rang đầy nắng và gió, nơi có một đứa con gái hay ngồi bệt xuống nền đất, chăm chú xếp những chiếc kẹp tóc, dép nhựa nhiều màu lên tấm bạt nhựa xanh dương.
Hồi đó, nhà tôi nghèo. Nghèo đến mức ba tôi phải làm đủ thứ nghề, mà có nghề nào là nhẹ nhàng đâu. Sáng sớm, ba chở một bao tải dép nhựa, kẹp cài cột tóc, ra chợ, dựng cái sạp nhỏ, xếp dép ngay ngắn rồi rao bán. Lúc đó tôi còn nhỏ xíu, chắc mới học lớp một lớp hai gì đó, mỗi lần đi học về là tôi chạy ù ra chợ với ba. Không phải vì siêng phụ ba bán đâu, mà là chợ vui lắm.
Chợ có những cô bán trái cây hay dúi cho tôi một trái mận, một trái xoài chín. Có mấy chú bán đĩa CD mở nhạc ầm ầm, lâu lâu thấy tôi lượn lờ là mở mấy bài nhạc thiếu nhi “Bé Châu”, “Bé Xuân Mai” cho tôi nghe. Ngày nào tôi cũng theo ba ra chợ, phụ ba sắp dép, kẹp cài cột tóc, rồi lượn qua mấy sạp hàng quen, ăn ké miếng ổi, miếng xoài. Ba tôi thấy vậy không la, còn cười cười nói: “Con gái mà lanh lẹ vậy lớn lên chắc bán hàng mát tay lắm đây”. Ai mà ngờ, lớn lên tôi đi làm điều dưỡng chứ có bán buôn gì đâu.
Nhà tôi nghèo vậy, nhưng chưa bao giờ ba mẹ để tôi với anh trai chịu thiệt thòi. Muốn ăn gì mẹ cũng ráng nấu, muốn mặc gì ba cũng ráng dành dụm mua cho. Chỉ có anh tôi là khác. Anh tôi lớn hơn tôi bốn tuổi, hồi nhỏ ít khi nào đòi hỏi thứ gì. Có lần thấy anh nhìn chằm chằm mấy chiếc xe đạp X Game gì đó, loại nhỏ nhỏ mà có 2 cái ống sắt để người sau đứng lên á, chứ không có yên sau, nhưng hỏi có thích không thì anh lắc đầu, nói không thích. Sau này tôi mới hiểu, không phải anh không thích, mà là anh biết nếu nói ra, ba mẹ sẽ ráng mua cho, mà mua thì lại tốn tiền.
Hồi nhỏ tôi với anh hay cãi nhau lắm. Nhiều khi chả có chuyện gì cũng gây nhau được. Có bữa tôi ăn xong quên rửa chén, anh la tôi lười, tôi tức quá cự lại, rồi hai đứa đánh nhau um sùm. Đánh xong thì giận, không thèm nhìn nhau cả buổi, nhưng tối ngủ vẫn nằm chung giường. Có lần tôi đi học đem về một sắp hình, (hình Pokemon hay gì á tôi đã không còn nhớ rõ nữa rồi) thì anh giật lấy, tôi khóc ré lên méc ba, ba bắt anh trả lại, cuối cùng anh giấu đi mấy tấm rồi đưa tôi. Tôi lại cầm lấy ngon lành, quên mất là mới khóc xong.
Giờ nghĩ lại, những trận cãi vã ngày xưa lại thành ra kỷ niệm đẹp. Lớn lên, anh tôi vẫn vậy, cái gì cũng im lặng chịu đựng, chẳng bao giờ nói thích gì, muốn gì. Chỉ có tôi, sau bao nhiêu năm, vẫn còn nhớ như in những buổi chiều ngồi bệt xuống nền chợ, xếp kẹp tóc lên tấm bìa cứng, còn anh thì đứng đó, chống nạnh nhìn tôi rồi càu nhàu: “Lớn rồi mà cứ như con nít!”.
Ừ, hồi đó tôi đúng là con nít thật. Nhưng ai mà viết những dòng này như tôi, chắc cũng đều mong ước chỉ có thể quay lại khoảng thời gian vô tư vô lo đó. Mãi mãi là một đứa con nít mà thôi.