-Sau này ai hái được lá diêu bông, tao sẽ lấy người đó làm chồng.-Chị nhìn tôi, nở nụ cười đẹp đến ngây người trong làn nắng hạ.
-Chị nói rồi đấy nhé. –Tôi đáp lại nụ cười chị, lòng rộn ràng chút dư vị khó tả.
-Nhóc phải mang được nó về cho chị. –Chị vừa nói, vừa bỏ đi.
Tia nắng vàng ươm của chiều hạ chiếu lên làn tóc chị, hòa quyện cùng màu xanh mơn mởn của cây bàng già trước ngõ. Chị đã gieo vào lòng tôi một cơn say, cơn say của thứ rượu ái tình vốn đậm đà, nồng nàn vị tình yêu, dù thực lòng tôi chẳng biết “lá diêu bông” là gì và tình ở đâu. Tôi đi tìm nó, cắm đầu cắm cổ mà tìm nhưng khắp chân trời góc bể, tôi vẫn không cách nào tìm ra.
Hạ qua đi, thu tới, rồi đông về. Thời gian cứ chầm chậm trôi qua như bản nhạc buồn không tên. Tôi vẫn tìm “lá diêu bông”, tìm hoài, tìm mãi dù tấm chân tình hy vọng cớ sao cứ nhỏ dần trong tôi. Liệu rằng người ấy có rủ lòng thương xót mà yêu, mà thương tôi vô điều kiện hay không?
Lời chị nói cứ thế biến đứa trẻ mười lăm tuổi trở thành cậu thanh niên “bẻ gãy sừng trâu”. Chấp niệm về ba tiếng “lá diêu bông” vẫn le lói trong từng hơi thở. Tôi vẫn thích chị, thích đến điên cuồng mụ mị. Nhưng tôi sợ rằng, những tháng ngày yên bình sắp chẳng còn nữa. Xa xa, tôi nghe thấy tiếng bom đạn của kẻ thù, tiếng bộ đội ta anh hùng chiến đấu.
Mười tám tuổi, tôi quyết định nhập ngũ. Buổi chiều trước ngày tôi lên đường, chị hẹn tôi ra gốc bàng năm xưa, trao cho tôi chiếc khăn tay màu hồng nhạt.
-Em đi mạnh giỏi, chị đợi em về! –Chị thỏ thẻ vài lời với tôi, nước mắt cứ trực trào tuôn ra.
-Chị đừng đợi em. Chuyến này đi lành thì ít, dữ lại nhiều.
-Nhưng chị chỉ có em thôi. Không đợi em, chị biết phải đợi ai? –Chị ôm mặt khóc, trông hệt như đứa trẻ lên ba đòi quà.
Tôi chẳng biết phải làm gì, chỉ lẳng lặng ngồi nhìn chị khóc hồi lâu. Vì tôi biết mình không thể hứa rằng bản thân sẽ trở về khi ánh bình minh chiếu rọi những ngày tháng hòa bình thưở mà có hoa, có lá, có tiếng chim ca khúc khải hoàn chiến thắng nhưng chưa chắc rằng ngày ấy có tôi, có đôi mình cùng hò hẹn thêm lần nữa.
Cổ họng tôi nghẹn ứ lại, cố thốt ra vài lời vô tình sau cuối rồi bỏ đi:
-Em không là gì của chị cả.
Ánh hoàng hôn ló rạng, làm cho con đường làng tỏa ra một thứ màu gì đó nom mà thê lương. Tôi nắm chặt chiếc khăn tay chị tặng, nó đã thấm đẫm giọt lệ tôi từ lúc nào chẳng hay. Nhưng tôi phải đi thôi, vì mảnh đất quê hương đang gọi tôi và vì cả những cánh đồng đang vươn mình. Tôi không thể cứ yếu lòng thêm nữa, không thể cứ tuôn giọt sầu thêm nữa bởi cánh chim bồ câu ngoài kia cần tôi.
Ngày hôm sau, tôi không thấy chị xuất hiện. Sáu giờ sáng, xe bắt đầu lăn bánh. “Có lẽ chị không đến rồi” – tôi thầm nghĩ, giấu đi hơi thở dài sườn sượt của mình. Quả là kì lạ, chính tôi là người đã phũ phàng với chị, đã tuyệt tình trong những giây phút có thể là cuối cùng được gặp nhau nhưng cũng chính tôi là người đau lòng, là kẻ đợi chờ chị chào tạm biệt mình. Người ta gọi đó là “lời từ biệt chưa nói” sao, là hình phạt cho những kẻ mải mê vương vấn bóng hình nào đó sao?
Sáu tháng huấn luyện cấp tốc qua đi nhanh như một cơn gió, cả một trung đội nhỏ gồm hai mươi bảy người chúng tôi được điều động vào chiến trường Quảng Trị. Hành quân trong rét buốt đến mức mất hết khái niệm về thời gian, cuối cùng chúng tôi cũng đến tiền tuyến. Thành Cổ Quảng Trị trong đêm tối ngập tràn những tiếng bom, tiếng đạn pháo, tiếng gầm rú của những khẩu M16A1 xen lẫn tiếng chống trả quyết liệt của những khẩu AK-47. Lính trẻ chúng tôi run run nhìn nhau, chúng tôi sợ sẽ nằm lại như bao anh em đồng chí đã ngã xuống phía kia. Nhưng ngay khi được lệnh vượt sông Thạch Hãn, tấn công vào Cổ Thành thì không một bàn tay nào còn run rẩy cả. Cả bọn bảo nhau viết thư để lại cho người thân vì chẳng biết rồi chiến tranh khốc liệt sẽ lấy đi những gì.
Đời tôi chưa bao giờ viết những nét bút nặng nề đến thế. Tôi viết về nỗi nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ quê hương và thoang thoảng đâu đó có cả nỗi nhớ “nàng” và cả lời hẹn ước “lá diêu bông” mà tôi vẫn chưa tìm được. Đánh trận này chẳng biết liệu có toàn mạng trở về hay không nữa, nhưng đường lui đã không còn nữa rồi.
Ba giờ mười hai phút đêm, từng tốp lính bắt đầu bơi vượt sông. Có vài tay “mơ” không biết bơi nhưng vẫn liều lĩnh bám vài bờ vai đồng đội mà qua sông. Nhưng chiến tranh nào có chuyện dễ dàng đến thế. Loạt đạn quân thù xối xả bắn xuống, thậm chí là cả những loạt pháo kích liên hồi nã vào đoàn người ấy. Máu nhuộm đỏ cả nước sông, Thạch Hãn như trở thành tử địa chỉ trong tức khắc. Một người rồi hai, rồi ba, rồi bốn…người chìm dần xuống dòng sông lạnh. Vài tiếng kêu thảm thiết gọi mẹ, gọi cha cứ ám ảnh tôi. Thần kinh tôi căng như chão, gắng sức bơi lên bờ. Vậy mà ôi thôi! Chân trái của tôi trúng đạn, đau đến điếng người. Người đồng đội phía sau thấy vậy, bèn khoác tay tôi dìu tôi bơi tiếp. Chúng tôi chẳng kịp hỏi han gì nhau, chỉ biết nương tựa vào nhau mà tiếp tục.
Tôi thành công lên bờ. Người kia vội vàng dùng chiếc nhíp mang theo, gắp vỏ đạn còn găm vào chân tôi, anh băng bó tạm bợ cho tôi rồi chỉ kịp vỗ vai tôi một cái:
-Cố lết vào nhé. Đi trước đây.
Anh vừa dứt lời chẳng kịp đi thì viên đạn tỉa từ đâu bay tới, bắn xuyên qua ngực anh. Người lính ấy đổ gục xuống. Tôi hãi hùng kéo anh vào một mỏm đá gần đó. Lúc ấy anh mới trối rằng:
-Nhờ cậu ngày hòa bình…đưa giúp tôi thư này…
Anh đã hi sinh. Tôi chỉ còn cách bỏ anh lại, cố lê lết bước đi. Những âm thanh kinh hoàng vẫn không dừng lai, tra tấn tinh thần tôi một cách tàn bạo. Tôi cầm súng chiến đấu, bảo vệ lí tưởng của mình, bảo vệ quê hương, Tổ quốc thương yêu của mình. Tôi hét lên “Việt Nam anh hùng”, rồi lao vào trong Cổ Thành, không một chút khoan nhượng với kẻ thù.
Chúng tôi chẳng thể giữ được Thành Cổ và Thị xã Quảng Trị, nhưng cũng đã gây ra tổn thất nặng nề cho kẻ thù. Cả trung đội của tôi, chỉ một mình tôi trở về. Tôi đã mất tất cả những người bằng hữu của mình giữa tháng ngày đau thương, mất mát. Người lính trẻ này chẳng còn gì dù rằng vẫn còn cơ hội để được thấy hòa bình tươi đẹp. Mất mát ấy đã khắc ghi sâu vào tim tôi một bài học, một bài học thật lớn lao mà cũng thật cao cả. Tôi cất lá thư đồng đội gửi lại mình, nâng niu, trân trọng nó như báu vật. Với tôi, nó không đơn thuần còn là một lá thư nữa rồi…
Hòa bình lặp lại sau mùa xuân năm 1975 đại thắng, tôi trở về thôn cũ, xóm xưa. Cảnh vật đẹp đẽ đón chào tôi. Cây bàng già khi xưa nay vẫn tỏa bóng mát, vỗ về tâm hồn đau đáu nơi trái tim tôi sau những giờ phút vào sinh ra tử. Vết thương chiến tranh cứ nhẹ nhàng được xoa dịu, nhẹ nhàng được yêu thương. Thế nhưng, tôi chẳng thấy người con gái ấy, người mà đã gieo vào lòng tôi chiếc “lá diêu bông” năm nào. Chị đã đi đâu mất rồi?
Tôi gõ cửa nhà chị, định bụng sẽ chào hỏi vài câu. Gió đẩy cánh cửa ken két mở ra, trong nhà chẳng có bóng người nào. Mạng nhện bám chằng chịt trên vách nhà như thể đã lâu không có người dọn dẹp. Tôi đưa mắt nhìn lên ban thờ, chị đã chẳng còn nữa, đã chẳng đủ kiên nhẫn đợi tôi được nữa. Tôi ngồi thụp xuống, đờ đẫn nhìn khắp nơi. Nơi này trống vắng quá! Vắng chị quét sân, chăm gà, bếp núc… “Chị à, em về rồi đây. Em đã về với chị rồi đây, sao chị lại không đợi em nữa, không chờ em nữa. Em đây rồi mà, chị ơi!”… Hóa ra, ngày hôm đó chị không đến không phải do chị không muốn tiễn tôi đi mà là bởi chị đã bị một cơn tai họa ập đến, mang “thiên thần” trở về với mây của trời xanh. Bầu trời năm ấy, giờ biết ngắm nhìn cùng ai?
Tôi đến thăm một ngọn đồi nhỏ, ngôi nhà mới của chị, gửi lời chào từ biệt rồi dùng phần đời còn lại của mình đi tìm “lá diêu bông”…