khi ấy mình bé lắm, đợt đó nhà trên Hà Nội đang xây, lại vào đúng dịp hè nên mình có có hội về quê chơi. Nói là về chơi chứ thực ra là ở nhờ nhà ông bà.
Nhà mình trên Hà Nội trông rách nát, nghèo nèn lắm, nhưng có lẽ vẫn còn là "may mắn". Khi về quê mình mới được tận mắt trông thấy những nhà xung quanh còn cơ cực hơn nhà mình nhiều.
Bố mình theo ông ngoại đi lái tàu kiếm tiền trả nợ xây nhà, còn mẹ mình ở nhà nuôi 2 con bò, chục con lợn, một đàn gà to. Mẹ dậy từ bốn giờ rưỡi năm giờ sáng đi bât cua, bắt ốc để mang bán cho kịp phiên chợ sáng.
Mình hồi ấy chưa ý thức được cái nghèo đang đeo bám dai dẳng khiến gia đình mình khổ cực như thế nào, chỉ thấy bạn bè có quần áo đẹp hay được mua quà vặt là thèm muốn. Mà trẻ con thường hay thích ăn cái này cái kia, biết xin tiền mẹ vì cơm còn chẳng đủ mà ăn, nên mình thường nhổ tóc sâu cho bà để vồi tiền tiêu vặt, theo cả chị H hàng xóm đi nhặt giấy rồi sắt vụn linh tinh đem đi bán.
Quen biết với chị H mới thấy nhà mình còn sướng chán. Bố chị ấy bị tai nạn lao động, gia đình mất đi nguồn lao động chính, mẹ thì đi cày thuê, nhà có năm bảy mẫu ruộng mấy mẹ con chia nhau làm. Nhà chị lại còn đông người, hẳn năm anh chị em, chị ấy là út nhưng trộm vía lại xinh đẹp nhất. Đã nghèo còn đông con, nhìn mẹ chị vât vả cùng đàn con nheo nhóc trong căn nhà xập xệ mà thương. Mẹ chị H tầm ấy hơn bốn mươi mà nhìn già nua, khắc khổ lắm, mọi sự tần tảo nhừng như hiện hết trên khuôn mặt.
Những ngày nắng nóng còn may, chứ cứ mưa là nhà chị bị dột phải thay nhau hứng nước cả đêm. Thậm chí có thời gian bão lũ, nhà chị bị cuống bay cả nóc nhà, nước gập đén eo, toàn bộ đồ đạc trôi theo dòng nước. Mẹ chị khi ấy bấy lực lắm, ánh mắt phẫn uất, chán chường, chỉ muốn buông mình theo dòng lũ. Mình vẫn bị ám ảnh và kí ức đó còn đeo bám mình đến tận bây giờ.
Cùng cực đến mức có nhà hiếm muộn đến xin con nên chị H suýt bị cho đi, nhưng chị khóc lóc như xé vải, năm chị em quyết ôm chặt lấy nhau nên mẹ không cho chị đi nữa. Nhưng từ đấy giữa chị và mẹ dường như có khoảng cách vô hình nào đó, chị tránh né không nói chuyện với mẹ.
Mình hay sang nhà chị chơi đồ hàng, mình thích chơi với chị nên có quà vặt gì là mang sang ăn chung. Quà vặt của bọn mình khi đó là quả chuối, quả cam, hay gối muối mì tôm đổ ra tay chấm, khi thì là hói mì sáng ăn còn dư mang ra đóp nát, hay sắn khô được nghiền nát, thậm chí là dăm ba lá quả dại gì đó chua chua mà bọn mình hay gọi là " lá me chua"... sang chảnh hơn thị tụi mình sẽ đi đổi gạo lấy mì tôm về ăn xước cả mồm.
Chị H hay mặc lại đồ thừa của anh chị nên lúc nào trông cũng luộm thuộm, cái quần chun rộng thùng thình đã bị dãn nên đi ba bước lại phải kéo quần một lần. Mẹ chị lúc nào cũng tự cắt đầu Mỹ Linh lởm chởm đầy vết kéo cho chị vì:
- không có tiền mua bồ kết gội đầu và tiền đâu mà mua nơ cột tóc cho mày?
Năm nào được mùa thì mẹ chị H mang hết gạo ngon bán lấy tiền trả nợ, còn gạo xấu thì để ở nhà nấu độn thêm sắn, khoai vào ăn kèm. Những năm mất mùa, nhà có mỗi hai ống gạo, mẹ chị sẽ nấu một nồi cháo to rồi cả nhà chia nhau.
Mỗi khi mình không chịu ăn, mẹ mình hay bảo:
- Tao bán mày cho nhà chị H
Ấy thế mà mình lại rất thích ăn chực nhà chị ấy, bởi gia đình đông vui. Mẹ mình toàn phải mang gạo sang cho mình ăn ké, mỗi lần như thế mình ăn được ba bốn bát no căng cả bụng.
Chị H lớn lên trong tiếng chửi rủa, tiếng bố mẹ cãi nhau vì " hết tiền", tiếng bát đũa ném thẳng ra sân tan nát rồi hôm sau phải ăn bốc, tiếng chủi rủa của những người cho nhà chị vay nợ, còn cả tiếng anh chị em trong nhà đánh nhau tranh giành miếng ăn nghe mà chua chát.
Những ngày chị đói nhợt cả mặt vì ăn cháo loãng, nhiều lần người ta thấy chị ngất xỉu trên đường đi chăn trâu về. Chị hay cho trâu ăn cỏ ở gần nghĩa trang, rồi chị ăn cả đồ cúng ở đấy cho hết cơn đói mới có sức chạy theo trâu.
Rất nhiều lần chị bị cô giáo đuổi về vì không chịu đóng tiền học, hay bị bạn bè cười cợt vì mặc quần rách đít, mỗi lần như thế chị lại chạy ra gốc cây cạch nghĩa trang khóc lóc. Chị nói chị muốn bỏ học quách đi cho xong.
- Mày có muốn trốn nhà vào Nam với tao không?
- Thôi, mẹ đánh em chết.
- Ừ, nhà mày sướng nhỉ? Tao ước gì được làm con của mẹ mày.
- Mẹ chửi em suốt ý.
- Còn hơn là suýt bị bán như tao.
Mẹ chị thương yêu các con cũng không đồng đều, đôi khi có cái gì ngon sẽ đem giấu cho đứa này đứa kia ăn thay vì đem chia, nhưng đứa được yêu thương không bao giờ là chị H. Trong mắt mẹ thì chị là đứa ngang bướng, hay cãi, không biết nghe lời:
- Biết thế hồi đẻ ra mày tao bóp chết cho xong.
Làm cha mẹ mà nói với con những lời như thế, lâu dần sẽ để lại vết thương lớn trong lòng chúng. Bởi vậy khi ở nhà chẳng bao giờ mình thấy chị vui đùa. Thậm chí trông chị lầm lì, có khách đến còn tưởng chị bị câm.
Chị H cứ vậy mà lớn lên như cỏ dại ven đường, vứt lăn lóc mà vẫn sống bền bỉ. Chị sống với quyết tâm được thoát khỏi vùng quê này, chị muốn đổi đời.
Nhiều năm sau lớn lên, khinh tế nhà chị ổn hơn và có phần khá giả, chị H lên Hà Nội làm, thời gian đầu bố mình giúp chị tìm phòng trọ và cho vay tiền mua con xe cũ để tiện đi lại. Chị rất hay đến nhà mình ăn cơm, có lần còn ở lại cả tuần ăn ngủ với mình.
Chị không đậu đại học nên đi làm phục vụ ở nhà hàng. Chị H rất khôn khéo, đảm đang lại thông minh nên nhanh chống có thu nhập ổn định, vì làm ở nhà hàn Hàn Quốc nên chị đi học tiếng Hàn để có được mức lương cao hơn. Chị còn trau dồi thêm tiếng Anh và tiếng Hàn vào buổi tối nen nhanh chống được lên làm quản lí.
Thay vì ở trọ thì giờ chị đã thuê được cả chung cư, mua xe Vision, rồi ăn diện lên. Chị đã xinh sẵn nên có tí son phấn lại càng xinh, không hề kém cạnh ai cả.
Ấy thế mà có lẽ chị né tránh mình, hồi đó còn hay qua nhà mình chơi nhưng bây giờ lại không thấy đến, mình nghĩ do chị bận. Nhưng một ngày chị huỷ kết bạn Facebook với mình, mình mấy liên lạc hẳn. Có lần duyên số sao đó mà mình bắt gặp chị đi với đám bạn ở siêu thị, mình hớn hở vẫy tay chào chị, chị hờ hững bước đi như không quen.
Tối hôm ấy, mình nhận được tin nhắn của chị, nội dung làm mình nhớ mãi:
" Tao không muốn ai biết về quá khứ của tao, còn mày thì biết quá nhiều."