Tôi vẫn còn nhớ rõ cái bàn cuối lớp, góc bên trái – nơi tôi ngồi cạnh Ánh suốt năm lớp 12. Đó là khoảng thời gian mà chúng tôi gọi là "năm quyết định cuộc đời". Ai cũng nói vậy. Nhưng với Ánh, nó còn hơn cả một sự quyết định. Nó là gánh nặng, là nỗi ám ảnh, là khúc quanh mà không ai ngờ đến.
Tôi ngồi cạnh Ánh hồi lớp 12. Bàn học của chúng tôi nằm gần cửa sổ, nơi ánh nắng thường rọi vào mỗi buổi sáng, làm nổi bật những bụi phấn bảng lơ lửng trong không khí. Ánh lúc nào cũng chỉn chu — tóc gọn gàng, áo đồng phục được ủi thẳng, sách vở sắp xếp theo thứ tự rõ ràng, bút viết không bao giờ để lệch khỏi mép bàn.
Ánh không phải người hay nói. Nhỏ luôn giữ nét mặt nghiêm túc, đôi mắt lúc nào cũng chăm chú nhìn vào sách vở, tay luôn cầm bút ghi ghi chép chép, không hề ngơi nghỉ. Ban đầu tôi nghĩ đó là do tính cách nó là kiểu người ham học, tự giác. Nhưng dần dần, tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn ở nó. Tôi có cảm giác nó sẽ ngủ mãi mãi bất cứ lúc nào.
Ánh học giỏi, cực kỳ giỏi. Nó luôn đứng nhất khối, được thầy cô nhắc đến như hình mẫu lý tưởng. Nhưng những lúc ít người để ý, tôi hay thấy Ánh thở dài khi úp mặt vào cuốn sách, đôi mắt lơ đãng nhìn ra ngoài trời. Đôi khi, khi giáo viên nhắc, nó thậm chí còn chả nghe thấy.
Ánh không bao giờ tham gia vào các cuộc nói chuyện tán gẫu đầu giờ. Nhưng càng tiếp xúc lâu, tôi biết nó không phải lạnh lùng, chỉ là mệt. Giờ ra chơi, trong khi lũ bạn ùa ra sân trường, Ánh vẫn cắm cúi ở bàn, mắt thâm quầng, tay run run cầm cây bút. Có lần tôi nhìn thấy đôi bàn tay ấy nứt nẻ vì lạnh, dính chút máu ở đầu ngón – chắc là do nó cắn móng tay trong vô thức.
Ba mẹ Ánh là người nghiêm khắc. Họ không đánh đập, không mắng chửi — mà nghiêm khắc bằng kỳ vọng. Ánh từng kể, tối nào cũng có lịch học riêng ở nhà: toán, lý, hóa, tiếng Anh, kỹ năng sống, luyện đề và vài cái nữa mà tôi quên mất. Lúc tôi đi chơi với bạn bè vào cuối tuần, Ánh vẫn cặm cụi học trong phòng. Có lần tôi nhắn tin hỏi "Mai đi trà sữa không?", Ánh trả lời một chữ: "Không." Rồi thôi.
Một hôm, nó kể cho tôi là nó nhận được một tin nhắn từ mẹ nó. Tin nhắn sau đó là hình bài kiểm tra toán 9.75 điểm của ai đó. Bên dưới là dòng tin từ mẹ nhỏ: "Chỉ cần sai một chút thôi là trượt đại học đấy con ạ."
Đại học. Hai chữ nghe thật nặng nề khi phát ra từ miệng Ánh. Nó không mang theo sự háo hức, chỉ có sự sợ hãi và gấp gáp. Tôi từng thấy mẹ Ánh đến đón nó sau buổi học thêm – người phụ nữ nghiêm nghị, ăn mặc chỉnh tề, ánh mắt sắc lạnh, lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại: “Đừng để bố mẹ thất vọng. Con phải đỗ Y Dược.”
Ánh từng mơ làm kiến trúc sư – nó kể tôi nghe hồi đầu năm. Nhưng bố Ánh bảo nghề đó không ổn định, ông nói: "Vẽ vời không nuôi nổi ai, con gái thì phải học Y hoặc làm nghề nhà Giáo.", nên Ánh gấp bản vẽ lại, cất rồi không bao giờ mở ra nữa.
Áp lực bắt đầu hiện rõ vào giữa học kỳ hai. Ánh thường xuyên ngủ gục trên bàn, thi thoảng thức dậy với vẻ mặt hoảng loạn như thể vừa mơ thấy ác mộng. Có lần tôi thấy Ánh bật khóc khi bài kiểm tra chỉ được 9 điểm, mặc dù cả lớp đứa nào cũng lèo tèo 6-7 điểm. Tôi lặng im, không biết nên nói gì.
– “Mày biết không?” – Ánh thì thầm – “Tao chỉ muốn được thở. Chỉ một lần thôi.”
Tôi không biết lúc ấy "được thở" đối với Ánh là gì. Với tôi, một điểm 9 là cao ngút trời rồi. Với Ánh, đó là thất bại, một sự sỉ nhục. Một bước trượt dài khỏi cái kỳ vọng không tưởng của gia đình. Tôi bắt đầu thấy sợ. Không phải sợ thi đại học. Mà sợ cái cách mà người ta có thể dồn ép một đứa trẻ thành cái xác biết học.
Sau tất cả, Ánh không phàn nàn về người đã nuôi nấng nó. Không một lời oán trách nào về ba mẹ hay việc học. Nhưng tôi thấy, mỗi ngày, đôi mắt A thêm thâm quầng, giọng nói khàn hơn, tay run hơn khi viết bài. Trong thâm tâm nó muốn gì, tôi không rõ nữa, nhưng chắc chắn nó muốn được nghỉ ngơi.
Giai đoạn gần thi đại học, trường tôi như một lò áp suất. Mọi người đều căng thẳng, giáo viên thì nhồi nhét kiến thức như thể ngày mai là tận thế. Nhưng Ánh - giống như người đã sống trong cái lò đó từ rất lâu, chỉ là giờ nhiệt độ được vặn lên tối đa.
Có hôm, tôi thấy Ánh ngủ gục trên bàn, tay vẫn cầm cây bút, mặt úp vào sách. Tôi lay nó dậy, A ngước lên, mắt đỏ ngầu: “Tao ổn.” Rồi cậu ấy cố cười. Một nụ cười nhợt nhạt đến mức tôi thấy rùng mình. Nó nói tiếp: “Tao hơi mệt.”. Rồi lại gục xuống bàn sau đó, gần như ngay lập tức.
Tôi là một thằng con trai, nhưng chỉ một ngụm nhỏ cà phê nguyên chất đã đủ khiến tôi xanh mặt rồi. Nhưng Ánh, một đứa con gái, lại ngày nào cũng uống cái thứ nước đắng nghét đó. Mỗi khi tôi hỏi tại sao nó lại uống nhiều thế, nó chỉ trả lời: “Để tỉnh táo”, hỏi làm thế nào mà nó có thể chịu đựng được hương vị khó nuốt của nó, nó cũng chỉ trả lời ngắn gọn: “Tao quen rồi.”
Chuyện gì tới cũng sẽ tới. Ánh không phải thần thánh, nó chỉ là một con người bình thường, bị áp lực đè nặng trên vai. Tối hôm đó, nó đang ôn toán ở nhà, nó cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Nó gục xuống, chỉ, đúng rồi, chỉ chợp mắt một chút.
Như đã đề cập, ba mẹ nó kỳ vọng vào nó rất nhiều, tôi không biết tôi có đang nói quá không nhưng cái mức độ đó có thể được gọi là cực đoan. Nó phải thức xuyên đêm, có ngủ thì 1-2 giờ sáng là phải dậy rồi. Hôm đó, vào khoảng 4 giờ sáng, mẹ nó ra phòng khách thì thấy nó đang nằm gục trên bàn, chiếc đèn nhỏ vẫn sáng, sách vở, bút viết vẫn đầy đủ. Vì Ánh không tiếp tục học nên bà ta rất tức tối, nhưng lay mãi, Ánh vẫn không dậy. Thấy không ổn nên bà ta đưa nó vào bệnh viện.
Kết quả, vì kiệt sức, lượng caffein mà Ánh đã tiếp thu vào cơ thể quá nhiều, tim nó đã ngưng đập từ lâu. Khi biết tin, ba nó ôm mặt khóc nức nở, liên tục tự trách bản thân. Nhưng mẹ nó thì lại nói một câu khiến tất cả người xung quanh câm nín: “Có xíu áp lực mà cũng không chịu được. Đúng là đồ vô dụng không bằng thằng anh nó.”
Ánh có một người anh là Thành, và anh ta cũng bị thúc ép học quá mức và cũng phải từ bỏ ước mơ để làm ngành Y như em gái ảnh. Biết tin ba mẹ là người gián tiếp hại đứa em gái mình luôn yêu thương, Thành tức lắm. Từ lâu, vì bị ba mẹ đối xử quá nghiêm khắc, tình yêu anh dành cho ba mẹ không còn nhiều. Nhưng Ánh – đứa em gái chung cảnh ngộ, là người mà Thành yêu thương nhất. Việc này đã khiến Thành vô cùng phẫn nộ
Tôi nghe bảo Thành đến dự đám tang của Ánh xong thì bỏ đi đến một vùng đất khác xa để sống vì giận ba mẹ. Tôi thậm chí không dám đến tang lễ. Tôi không biết phải đối mặt thế nào với gương mặt lạnh lẽo của người từng ngồi cạnh tôi mỗi ngày. Tôi chọn đến lớp sớm hôm sau, mở ngăn bàn của Ánh vẫn còn vài tờ giấy vẽ dang dở, những đường nét còn dang dở như chính cuộc đời nó.
Cả lớp im lặng. Cô giáo chủ nhiệm bước vào, mắt đỏ hoe. Cô không giảng bài hôm đó. Chỉ nhìn từng đứa học trò và nói:
– “Ánh không yếu đuối. Em ấy chỉ quá mệt mỏi vì đã cố gắng quá nhiều... một mình.”
Câu nói ấy khiến tôi gần như phát khóc. Lần đầu tiên trong suốt thời gian dài tôi cảm thấy lạnh lẽo và sợ hãi – không phải vì điểm số, không phải vì kỳ thi, mà vì một người bạn, một người đã gục ngã giữa con đường mà lẽ ra chúng tôi phải bước đi cùng nhau vì áp lực điểm số.
Sau ngày đó, tôi không còn nhìn việc học giống như trước. Tôi vẫn ôn thi, vẫn học bài, nhưng tôi học với sự tôn trọng dành cho bản thân. Tôi nhớ về Ánh mỗi khi mệt mỏi – để nhắc mình rằng, đôi khi, điều cần thiết nhất không phải là điểm số, mà là được thở, được sống.
_____________________________________
Bây giờ, mỗi khi ai đó hỏi tôi sợ gì nhất thời học sinh, tôi không nói "sợ rớt đại học" nữa. Tôi nói: "Tôi sợ bạn tôi chết vì học."
Và đó là sự thật. Một sự thật đau lòng, nhưng cần được kể lại – để không ai khác phải trở thành một Ánh thứ hai.