Mẹ? Mẹ là gì vậy?
Mẹ là giấc mộng tuổi thơ dịu dàng rơi xuống từng trang vở trắng. Là nét bút tròn vo, nguệch ngoạc những ngày đầu. Mẹ là cơn gió nhẹ giữa trưa hè oi ả, là bóng râm mát rượi bên thềm nhà, nơi đứa trẻ con vẫn nằm lim dim ngủ khi chơi mệt. Mẹ là ánh sao đêm, là ánh sáng cuối cùng trước khi khép mi mắt lại, là những gì dịu dàng nhất, bình yên nhất dành cho con.
Nó, đứa luôn được điểm cao môn Văn.
Bài viết của nó luôn khiến cô giáo trầm trồ, lũ bạn ghen tỵ. Nhất là những bài tả về mẹ, nó viết bằng giọng văn hồn nhiên, trong veo như giọt sương đầu cỏ. Những câu chữ của nó ngọt như mấy viên kẹo ngũ sắc bán ở cổng căn-tin. Tôi từng tò mò, từng buột miệng hỏi trong một lần nó nhận bài văn điểm mười:
– Mày làm sao viết về mẹ hay vậy? Ở nhà chắc được mẹ cưng lắm hả?
Nó không trả lời ngay. Chỉ nhìn tôi bằng đôi mắt đen sâu hoáy, rồi đáp... bằng một giọng trong vắt mà tôi nghe xong lại thấy sống lưng mình lạnh đi:
– Vì cháu không có mẹ.
Tôi sững người.
– Cháu chưa từng nhìn thấy mặt mẹ. Cháu chỉ tưởng tượng thôi. Mà tưởng tượng trong đầu thì nghĩ sao chả được, đúng không chú?
Nó cười tươi, nụ cười phớ lớ đến kỳ lạ. Một đứa trẻ không có mẹ mà lại kể về mẹ bằng ánh mắt sáng rỡ, một nụ cười không chút mưu mô.
– Cháu từng thấy mẹ trong mơ. Mẹ có mái tóc dài, đen như trời đêm không sao, mắt mẹ ấm lắm, mẹ ôm cháu, chải tóc cho cháu, đọc truyện và hát ru. Mẹ rất đẹp. Cháu rất thích mẹ.
Có lần khác, nó kể trong một giấc mơ, mẹ buồn lắm, đôi mắt ngấn nước, giọt nước chảy dài tới tận cằm, mẹ vẫy tay với nó rồi quay lưng bỏ đi. Nó bảo không thích mẹ lúc ấy. Vì mẹ không mỉm cười. Vì mẹ khiến nó thấy lạnh.
Không có mẹ, nên nó tự tạo ra mẹ cho riêng mình, một người mẹ hoàn hảo, thánh thiện, hiền hòa như bức tranh cổ tích được vẽ nên bằng những sắc màu của phim ảnh, sách vở và trí tưởng tượng trẻ thơ.
Mẹ của nó không bao giờ la mắng, không bắt dọn nhà, không giận dỗi hay càm ràm vì chuyện điểm số. Mẹ của nó lúc nào cũng mỉm cười, dịu dàng như ánh trăng rằm rót xuống vườn đêm.
– Mẹ cháu đẹp lắm, đẹp hơn mẹ tụi nó nhiều. Mẹ cháu không la khi cháu lười học, mẹ không giận khi cháu nghịch phá. Mẹ luôn ôm cháu, luôn dịu dàng. Mẹ cháu như ánh mặt trời buổi sớm, như mùi lúa mới giữa cánh đồng quê.
Tôi hỏi nhỏ, như một phản xạ:
– Mày có muốn mẹ thật không?
Nó ngừng lại, đôi mắt nhìn xa xăm như xuyên qua bức tường lớp học, rồi thì thầm:
– Mẹ luôn ở đây mà. Nhưng nếu mẹ thật sự xuất hiện... chắc cũng tuyệt lắm...
Rồi nó lại tự lắc đầu, như phản bác lại chính mình.
– Không. Mẹ đừng đến.
Nếu mẹ xuất hiện, mẹ có thể sẽ không giống mẹ trong mơ. Mẹ có thể sẽ mệt mỏi, sẽ cáu gắt, sẽ không còn nụ cười dịu dàng như trong trí tưởng của cháu nữa.
Nó cúi đầu, nhỏ giọng như một lời nguyện cầu:
– Xin mẹ đừng đến... Hãy mãi là bóng mát che chở cho con.
– Xin mẹ đừng đến... Hãy là làn gió mơn man giữa mùa hè chói nắng.
– Xin mẹ đừng đến... Hãy đẹp mãi... đẹp mãi trong giấc mộng hằng đêm.
Tôi im lặng. Lần đầu tiên tôi hiểu rằng, đôi khi... những người không có mẹ lại mang trong tim hình bóng mẹ sâu đậm hơn bất kỳ ai. Vì mẹ trong họ không mang dáng hình của một con người bình thường, mà mang dáng hình của một giấc mơ, nơi mẹ không bao giờ tổn thương, không bao giờ bỏ rơi họ, không bao giờ khiến họ phải buồn lòng.
Giấc mơ đó, chỉ của riêng nó.
Một đứa trẻ không có mẹ, nhưng lại có cả một thế giới trọn vẹn gọi là “mẹ”.