nhà Johnson
Tác giả: Shuu Rin An
*Lưu ý: truyện giả tưởng, tất cả tên, tình huống và sự kiện trong truyện đều là từ tưởng tượng của tác giả, giống với hiện thực chỉ là trùng hợp.
Có nhiều người nói, nhà Johnson chỉ toàn những kẻ tâm thần của nghệ thuật. Nhưng thầy tôi lại bảo, thực chất họ chỉ là những con én khao khát được thoát khỏi thể xác đến phát điên.
Tôi đã nói điều đó, và anh ta chỉ cười.
…
Johnson là một gia đình mang đậm dòng máu nghệ thuật. Không ai rõ nó bắt đầu từ đâu, nhưng chỉ cần nhìn lại lịch sử giới nghệ thuật, ta sẽ thấy rất nhiều tác phẩm kinh điển đều có tác giả thuộc nhà Johnson.
Máu nghệ thuật của nhà Johnson bao trùm rất nhiều lĩnh vực, thơ văn hay nhạc kịch cũng có nhưng đa số là các dòng nhạc cổ điển và hội họa. Phong cách nghệ thuật của nhà Johnson cũng khá đặc trưng. Phần lớn họ thích khai thác và đánh sâu vào những cảm xúc nặng nề của con người, những khoảnh khắc cao trào hay bùng nổ một cái gì đó. Nó thường dữ dội và gây được tiếng vang lớn.
Từ lâu, các thành viên nhà Johnson đã được nhắc nhở và dạy bảo rất kỹ về dòng máu nghệ thuật của mình. Người ta bảo nhà Johnson hoàn toàn tin rằng tài năng của họ là một đặc ân, thiên bẩm mà thượng đế ban tặng. Người nhà Johnson cũng luôn dặn con mình phải đánh thức và làm cho dòng máu thiên liên này trỗi dậy thật mạnh mẽ. Nhà đó tin rằng mỗi thành viên đều chỉ có một lần “bộc phát” trong đời,và nhiệm vụ của họ là phải tạo ra cái “bộc phát” kỳ diệu đó.”
Gia giáo nhà Johnson rất nghiêm khắc. Nếu một người đã già đi mà vẫn chưa tìm được “bộc phát” của riêng mình thì sẽ phải bị khai trừ khỏi dòng họ. Người nào bộc lộ “bộc phát” càng sớm thì sẽ càng nhận nhiều coi trọng. Và mọi người nhà họ, thường sau khi đã tìm được “bộc phát” rồi đều luôn muốn tìm kiếm “bộc phát” lần nữa trong tương lai. Họ khao khát được tạo ra lịch sử một lần nữa.
- Khoan đã! - Tôi cắt ngang. - Ý anh là nó giống một tác phẩm để đời? Nhưng làm sao để chắc được tác phẩm đó có thật sự để đời hay không? Sẽ có người thích - người không một cái gì đó mà?
- Cô nói đúng. - Anh ta cười. - Nhưng người nhà Johnson không lấy tiêu chuẩn của người khác để làm mốc đo. Họ lấy chính bản thân của sản phẩm đó.
Một sản phẩm sẽ được coi là “bộc phát”, nếu nó mang lại ấn tượng và tác động mạnh mẽ đến tâm can người xem. Tức là, nếu dòng máu Johnson của họ bừng lên và đổ dọc khắp cơ thể chỉ trong một lần gặp, có nghĩa nó chính là “bộc phát”.
- Thật kỳ quặc. - Tôi cảm tháng.
- Hừm. Rồi cô sẽ thấy họ có thể làm nhiều thứ kỳ quặc hơn nữa. - Anh ta cười.
Chúng tôi đi qua cửa lớn và bước vào đại sảnh của căn biệt thự. Tiếng piano vang vang hết trọn căn nhà, toàn bộ không gian tầng trệt là để trưng bày đủ loại tranh vẽ của nhà Johnson, khách đến xem cũng kha khá, không hẳn đông.
Mỗi thế hệ nhà Johnson, không phân biệt chi chính hay phụ, đều sẽ có một tháng đặt biệt để trưng bày lên toàn bộ sản phẩm suốt cuộc đời họ. Chỉ cần người đó chưa qua 50 tuổi mà chưa có “bộc phát”, một tháng đó sẽ được tổ chức khi thế hệ sau đã trưởng thành và thế hệ họ đã mất hoặc máu nghệ thuật không còn chảy được nữa. Như đây chủ yếu là trưng bày các sản phẩm của ba anh em Johnson, thế hệ thứ 17 nhà Johnson.
- Chờ chốc. - Tôi lại cắt ngang. - Nhỡ đâu thế hệ trước lại sinh muộn một người, thì chẳng nhẽ phải chờ đến khi thế hệ sau già rồi, người sinh muộn đó chết đi thì mới tổ chức tháng trưng bày?
- Đúng vậy. - Anh ta cười. - Nhưng thật ra cũng không quá tệ như cô nói. Bởi vì nhà Johnson đều chỉ toàn những kẻ kỳ quặc.
Nhà Johnson, tức tất cả những người sinh từ gia đình mang dòng máu nghệ thuật Johnson, hết thảy đều rất kỳ quặc. Người ta không thể nói rõ sự kỳ quặc đó đến từ đâu, nhiều người bảo đó là lời nguyền đi kèm với phước lành của nhà đó. Nhưng theo khoa học thì có lẽ nó do môi trường sống hoặc một kiểu gen.
Điều kỳ quặc nhất của nhà Johnson là họ có thể đeo đuổi nghệ thuật bằng tất cả hình thức điên rồ nhất. Trong mắt nhà Johnson, chẳng có gì có thể vượt qua mục tiêu được thăng hoa trong nghệ thuật của đời họ. Họ có thể vẫn làm kinh tế, vẫn thành đạt, vẫn kết hôn, sinh con và có một tình yêu thật nồng cháy, nhưng thực chất nó đều chỉ để phục vụ cho cái mạch cảm hứng sáng tác vô tận của họ. Tức là, với nhà Johnson, trừ việc tạo ra nghệ thuật thì những hoạt động sinh hoạt thường nhật khác đều chỉ là bước xúc tác. Nên họ vẫn sẽ yêu đương để tìm kiếm cảm hứng, kết hôn để không ai dị nghị và sinh con để nối dõi máu mình. Họ gọi đó là trách nhiệm xã hội nên sau khi đã hoàn thành hết, tự nhiên sẽ không muốn làm nữa và bắt đầu dồn hết tâm ý vào nghệ thuật.
Để tạo ra được “bộc phát”, người nhà Johnson có thể thử làm rất nhiều thứ. Họ hiểu rõ nghệ thuật là đến từ trái tim nên họ cũng tự biết cần phải thuộc nằm lòng trái tim của con người. Và thật buồn cười là những kẻ tiếp cận tình cảm con người một cách lí trí và vị kỷ như thế lại vẫn đủ thông minh và lãng mạn để đón nhận mọi xúc cảm một cách nhạy cảm và tha thiết. Nên ngoại trừ việc họ tự lợi dụng cảm xúc của chính mình để vinh danh, nhìn qua chẳng ai nghĩ rằng họ kì dị.
Người nhà Johnson vì vốn không mang tâm thế bình thường để đón nhận cảm xúc nên họ có thể tìm kiếm và tiếp nhận từ rất nhiều nguồn tình cảm khác nhau. Tức là không cần phân biệt nó đúng sai, miễn sao họ cảm thấy mình cần thử để tạo được “bộc phát”, họ sẽ làm tất cả.
- Có nghĩa là… - Tôi hơi ngờ ngợ.
- Đúng. - Anh ta cười. - Họ có thể gϊếŧ người nếu cần.
Chúng tôi đến gần góc tường bên trái trong lúc tôi còn đang miên mang suy nghĩ về đống thông tin mà mình mới nhận được, người hướng dẫn đã chỉ vào bức tranh trước mặt tôi.
- Đây là một ví dụ của Johnson II. Anh ta trước hai người anh em sinh ba của mình đã bộc lộ rõ đam mê vẽ vời từ nhỏ. Đây cũng là một trong số các tác phẩm đầu tiên của anh ta khi 13 tuổi. Anh ta đã khoe với mọi người về một phần ruột non của con chó cưng nhà họ đã nuôi. Anh ta đã đập chết nó bằng đá, mổ bụng ra và minh họa lại những gì mình thấy trong đêm đó. Mọi người ai cũng hoảng hồn về cái sự hung bạo này.
Tôi nhìn bức tranh trước mặt, tôi không rõ lắm về hội họa nên chỉ thấy nó như một đống bầy nhầy những màu rượu vang và nguệch ngoạc những nét dài đen nhẻm. Nhưng khi nghĩ đến đó là cách mà một kẻ - như tâm thần - vui vẻ tái hiện ruột của chú cún con, bỗng dưng tôi lại thấy bụng mình nhộn nhạo.
- Rồi cô sẽ thấy còn rất nhiều bức tranh giống vậy. - Người hướng dẫn như hiểu được nét mặt tôi, cười cười. - Nhà Johnson có thể làm mọi thứ để tìm kiếm trải nghiệm và cảm hứng, không hề từ điều gì.”
Người ta kể, những thế hệ đầu của nhà Johnson vì để theo đuổi nghệ thuật, thậm chí họ còn kết hôn và sinh con với người trong họ mình vì nghĩ rằng dòng máu phước lành không thể để tạp chất lẫn vào. Và điều đó thậm chí còn kéo dài đến mấy đời con cháu sau, cho đến khi cái tác hại của giọt máu chung huyết thống dần dần bị lộ rõ thì tục này mới phải được loại bỏ. Nhưng dù thế thì ở những thế hệ sau vẫn có nhiều người vì tìm kiếm “bộc phát” mà không ngại thử chuyện đó lần nữa. Tuy họ sẽ không để đứa trẻ được sinh ra, nhưng điều đó cũng cho thấy họ với những người anh chị em mình không hề có kiêng kị.”
Về anh em nhà Johnson, như đã nói từ ban đầu thì họ là ba anh em sinh ba, thuộc dòng chính nên có nhiều người vẫn nghĩ họ tài giỏi vì thế. Cha họ là Johnson Menlla, một nhạc sĩ đại tài với “bộc phát” mang tên “Phiên khúc Menlla” được rất nhiều người săn đón. Ba anh em nhà Johnson giống cha mình ngoại trừ gương mặt ra thì cũng chỉ có tài năng nghệ thuật trỗi dậy từ thuở bé. Còn việc cả ba người họ cùng theo đuổi hội họa thì chẳng ai biết nguyên do là đâu.
Tình cảm của ba anh em nhà Johnson rất khắng khít. Có lẽ do họ là sinh ba có cùng niềm đam mê nên có thể nói họ gần như coi nhau là một. Từ thuở còn ấu nhi anh em nhà Johnson đã cùng nhau tô chung một bức tranh và hợp lại để vẽ chung một con vật hay một bức chân dung nào đó. Ông Johnson Menlla cũng chẳng có ý cấm cản việc đó. Ông ta nói đó sẽ là một chất xúc tác quan trọng để khi “bộc phát” đầu tiên ra đời chỉ bởi một cá nhân, nó sẽ khiến cho hai đứa còn lại phải điên cuồng và sống chết vì nó.
- Vậy là ba anh em đó có thể cùng vẽ chung một bức họa? - Tôi thắc mắc.
- Đúng vậy. Dưới tầng trệt này là trưng bày toàn bộ tác phẩm của họ từ nhỏ đến năm 17 tuổi. Trừ những bức bập bẹ đặt bút ra, cô sẽ thấy hầu hết đều lấy tác giả là “Anh em nhà Johnson”.
Tôi gật đầu, nhìn một lượt xung quanh rồi cùng người hướng dẫn đi đến cầu thang lên lầu hai.
Lầu hai là nơi trưng bày toàn bộ tác phẩm của anh em nhà Johnson từ tuổi 18 đến thời điểm bộc phát. Dễ thấy là đã có vài tác phẩm tách tác giả ra và các đường nét thì chỉnh chu, rõ ràng hơn nhiều.
Có thể nói là từ nhỏ cho đến tuổi 24, anh em nhà Johnson hầu như chẳng có một chút sứt mẻ hay chia cắt gì về mặt tình cảm. Họ đã sớm quen với việc cùng ăn, cùng uống, cùng suy nghĩ và quyết định một điều gì đó giống nhau. Họ coi nhau như một thân thể và đón nhận mọi thứ với nhau như một điều hiển nhiên. Nên điều đặc biệt trong các tác phẩm giai đoạn này của họ là nó luôn đặc sắc, ấn tượng và chặt chẽ đến bất ngờ. Nhìn vào ta sẽ thấy ngay sự đa dạng của ba người và cũng sẽ bất ngờ trước sự khắng khít, hợp nhất của một thể.”
Có rất nhiều tác phẩm chung của anh em Johnson thậm chí còn tạo được ấn tượng hơn cả các tác phẩm cá nhân của họ. Những bức tranh họ vẽ ra có thể là con người, sự vật, sự kiện hay một dạng cảm xúc nào đó được cụ thể hóa bằng màu sắc và hình ảnh. Tất cả đều được thể hiện ở một góc nhìn thứ ba rất hoàn hảo. Nó nói lên ý chí và suy nghĩ của cả ba, một cách khách quan và nhất quán đến kì diệu.
Người hướng dẫn dẫn tôi đến trước một căn phòng, mỉm cười.
- Cô có thể vào xem. Trong đó là tác phẩm tiêu biểu nhất và cũng là kinh điển nhất trong khoảng thời gian này của ba anh em.
Tôi mở cửa, bước chân vào căn phòng trống đó.
Nó thật sự là một căn phòng trống, khá nhỏ, như một phòng để đồ được sửa lại. Duy nhất ở bức tường đối diện, một bức tranh sơn dầu được treo lên hút toàn bộ ánh đèn sáng bừng và lấp lánh.
Đó là một cô gái. Cho dù tôi không có mắt nhìn tốt lắm về hội họa nhưng tôi vẫn có thể nhìn ra, đó là một cô gái, thậm chí còn rất đẹp.
Nói sao nhỉ, thay vì nói là đẹp, cô gái kia giống một bông hướng dương đang nở rộ, tươi tắn và rực rỡ.
Trong tranh chỉ là bóng lưng của một cô gái cùng mái tóc suôn thẳng đang xõa tung. Gương mặt cô gái đó không được nét vẽ nào để khắc họa ngũ quan cả nhưng bằng một cách nào đó tôi vẫn biết cô ấy đang cười. Một cảm giác gì đó rất kì lạ bỗng dâng lên khi tôi nhìn sâu vào bức tranh. Nó làm tôi có cảm giác như cô gái đó rất gần gũi, rất đáng yêu và thậm chí thân thuộc với tôi đến kỳ lạ. Rõ ràng tôi còn không chắc những cái mình hiểu trong tranh có đúng không nhưng tôi lại cảm nhận thật như mình từng biết về cô gái đó.
Cảm giác như đang nhìn lại một bức ảnh cũ của mối tình đầu, ta không còn nhớ mặt nhưng cảm giác bồi hồi đều là thật.
- Rất kì diệu đúng không. - Anh ta đến bên cạnh tôi, cười cười. - Đó là mối tình sâu đậm và duy nhất của ba anh em nhà Johnson. Họ cùng yêu một cô gái và đây là bức tranh họ vẽ lại cô gái đó, cũng vẽ ra một thế giới cảm xúc thân thuộc đến bất ngờ cho những người nhìn thấy. Đây là một tác phẩm tuyệt diệu.
- Khoan đã. - Sự chú ý của tôi rơi vào chi tiết khác. - Ý anh là họ cùng yêu và cùng vẽ ra cô gái này?
- Đúng vậy. - Anh ta cười. - Họ cùng tỏ tình và cùng tiến đến mối quan hệ yêu đương với cô gái đó, như cách một người đàn ông yêu một người phụ nữ. Thậm chí sau vài tháng yêu thì họ còn chuẩn bị một căn phòng trong nhà và hoàn toàn nhốt cô gái đó lại đến khi cô gái đó chết đi.
- Khoan nữa! - Tôi thấy hơi rờn rợn. - Ý anh là cô gái đó yêu hết ba người họ, và ba người họ đều nhốt cô gái đó lại mà không có gì cấm cản?
- Gia đình Johnson thì chẳng còn lạ gì cái đó nữa. - Anh ta cười. - Còn cô gái đó, thật ra cũng là con của một nhà nghệ thuật có tiếng. Cha cô ta là nghệ sĩ dương cầm, mẹ là thầy dạy vũ công, và khả năng viết nhạc, độc tấu piano của cô ấy cũng vô cùng ấn tượng. Nói chung, gia đình bên đó cũng làm bên nghệ thuật nên hiểu được ý nghĩa các hành động của nhà Johnson, và ba anh em nhà Johnson thì chủ yếu là rất thích tài hoa múa lượn trên phím đàn của cô gái. Họ giữ cô ấy lại, đơn giản vì nghĩ âm nhạc của cô ta sẽ xúc tiến bọn họ thăng hoa và chạm được đến điểm “bộc phát”.
Tôi nghe đến váng đầu, nâng tay day day hai thái dương.
- Vậy đây là cái “bộc phát” gì đó của ba người họ?
- “Bộc phát” thì vẫn chưa. - Anh ta vẫn cười, nhưng tôi phát hiện giọng anh ta đã trầm xuống. - Bức tranh này rất đẹp, nhưng thật đáng tiếc là chưa tới.
- Có lẽ nói cô sẽ bất ngờ. Nhưng mà trong cái tháng trưng bày này, trong cái biệt thự được dùng để bày ra toàn bộ sản phẩm của anh em nhà Johnson, thực chất chỉ có duy nhất một tác phẩm “bộc phát” tồn tại.
Ba anh em nhà Johnson, chi chính nhưng chỉ có duy nhất một tác phẩm “bộc phát” cho đến khi thế hệ của họ đều kết thúc. Thậm chí người ta còn chưa chắc chắn được tác phẩm đó rốt cuộc là của ai. Và họ cũng là những người duy nhất, được nêu tên trong danh sách nhà họ Johnson vẫn chưa tìm được “bộc phát” của mình vì chết trẻ khi chưa đầy 30.
- Duy nhất? - Tôi ngơ ngác. - Chẳng lẽ trong họ chẳng có ai chết sớm?
- Hiển nhiên là có, nhưng nếu chưa 16 tuổi thì không được tính vào. Còn lại những người trong gia phả đều phải có “bộc phát”. - Anh ta lại cười. - Anh em nhà Johnson vẫn được nhắc tên vì họ được đánh giá là chết khá trẻ, có tài, và quan trọng hơn là cái tác phẩm “bộc phát” duy nhất lại không tìm được người chủ nhân thật sự.
Tác phẩm “bộc phát” duy nhất nhưng lại mang cái danh “tội đồ”, nó vốn là một bức tranh gia đình bình thường nhà Johnson thế hệ thứ 17 với cha Johnson Menlla và ba anh em sinh ba do các anh em cùng vẽ từ hồi mới 17. Nhưng sau một đêm định mệnh, nó bị coi như là bức “bộc phát” chấm hết cho gia đình Johnson.
Chuyện kể, vào đêm sinh nhật thứ 24 của ba anh em Johnson, nhà họ đã tổ chức một buổi tiệc vô cùng long trọng và mời rất nhiều người khắp nơi đến dự. Nhưng đến giữa buổi thì họ phát hiện cha Johnson Menlla chờ mãi vẫn không thấy. Trong lúc tìm kiếm thì đột nhiên có tiếng thét lớn của em út nhà Johnson ở trên phòng treo tranh. Khi mọi người cùng chạy đến thì trong đó chỉ còn xác cha - người đầy máu, lạnh ngắt ngồi yên tĩnh trên ghế và em út, phát điên la hét lao ra khỏi cửa phòng chạy về lại phòng mình. Và bức tranh gia đình vốn dĩ rất bình thường, giờ lại bỗng kinh dị đến đáng sợ.
Được kể, trong phòng lúc đó tối om, chỉ có ánh trăng chiếu qua cửa sổ đang mở toanh cuối phòng là vừa đủ để soi mờ mờ ở trong đêm. Còn bức tranh đen trắng bình thường của gia đình Johnson lúc trước, giờ lại bỗng được đổ bóng đậm hơn, đi nét rõ hơn bằng cái màu đỏ sẫm của máu người cha Johnson Menlla. Chỉ có tiếng đàn của bản “bộc phát” “Phiên khúc Menlla” là liên tục vang vọng trong phòng kín, tấu vào bầu không khí yên tĩnh và lạnh lẽo đến đáng sợ.
Không ai rõ rốt cuộc đã có chuyện gì xảy ra trong đêm đó và bức tranh gia đình đó rốt cục là bị ai động vào, nhưng sau hôm đó nhiều người thấy được bức tranh trở về đều có dấu hiệu khủng hoảng nặng. Họ dường như đã bị bức tranh ấn tượng đến ám ảnh và bị hoảng loạn một thời gian. Họ nói có cảm giác như từng gương mặt Johnson trong ảnh đều trở nên rõ nét, chân thật hơn rất nhiều. Rồi sau khi những người mang họ Johnson cùng đến và thẩm định thì bức tranh đó chính thức trở thành một “bộc phát” đầu tiên của thế hệ ba anh em. Nhưng bởi vì vẫn không biết là ai là kẻ gϊếŧ cha và ai đã chỉnh sửa bức tranh nên danh xưng “bộc phát” với cái bức tranh đó đã trở thành một điều nhạy cảm.”
Về phần ba anh em, sau đêm đấy thì người con út đã phải nhập viện để điều trị gấp về tâm lí. Nhà đó nhanh chóng chỉ còn hai người Johnson I và II. Nhưng khác với anh cả Johnson I tính cách hay suy xét và vô cùng cẩn trọng thì Johnson II lại tỏ ra thích thú đặc biệt với bức tranh kì dị đó. Anh ta luôn nhốt mình hàng tiếng đồng hồ trong phòng chỉ để nghiên cứu bức tranh bằng toàn bộ sư say đắm và đam mê nghệ thuật. Thậm chí cô gái với tài năng âm nhạc thiên bẩm mà họ nhốt về dần cũng chẳng còn ý nghĩa gì với họ. Người ta kể lại là Johnson II đã nhìn cái bức tranh đó rất lâu đến mức hình như anh ta cũng phát điên. Bởi vì khi đã bị xoáy vào những con mắt sâu hút trong tranh đó một lần, tất cả mọi người đều cảm thấy ớn lạnh và như có gì đó vuốt dọc sống lưng mình.
Cho đến một đêm, đó là một đêm mưa tầm tã, không ai thấy Johnson II và cô gái người yêu của họ ở đâu hết. Sau hàng giờ đồng hồ tìm kiếm, và sau khi dùng hết can đảm phá tung cửa căn phòng bày tranh bị khóa trái, người ta phát hiện cả Johnson II và cô gái cùng nằm chết trên một vũng máu cạnh cây piano, và ở trên vẫn là bức tranh kì dị đó với bốn con người như đang trừng trừng nhìn tất cả. Vị trí nạn nhân chết lại hệt như vị trí của Menlla. Và bốn con người trong tranh, tuy cách đứng ngồi thì vẫn thế nhưng sâu trong đó như có gì lóe lên.
Theo như điều tra thì người ta nói có vẻ Johnson II đã dùng hơi quá liều thuốc, và khi cố tìm kiếm cảm giác do cái bức tranh đó tạo ra, anh ta đã dắt cô gái kia vào phòng, tự tắt đèn, bắt cô gái đàn bản nhạc của cha, rồi trở nên quá khích và hạ sát cô gái.
Mà gϊếŧ người xong thì cũng tự anh ta bị sốc thuốc mà chết nên người ta khá chắc lúc đó anh ta cũng bị ám ảnh đến phát điên, giống như em trai mình. Chính bức tranh kì dị đó đã gϊếŧ chết tương lai của ba người trong căn nhà, và không hiểu sao, người ta nói dường như bức tranh sau đêm đó còn thêm đáng sợ nữa. Lâu dần thì trừ người nhà Johnson có ghé qua tán thưởng, cũng không ai dám đến đó xem một lần.
Mà người nhà Johnson, thực chất đa số, không ai khác chính là người anh cả Johnson I.
Người ta nói không như em trai II, Johnson I chỉ đến đều đặn một lần mỗi cuối tuần. Thế nhưng vẫn còn nhiều người e ngại anh ta sẽ dần giống hai em mình, cũng bị ám ảnh bởi cảm giác “bộc phát” rồi hóa điên mà chết, nhưng thật may mắn là có vẻ anh ta thì khác hẳn.
Anh cả Johnson I, mặc dù cũng là sinh ba và ra chung một ngày nhưng tính cách anh ta lại có vẻ chững chạc và trầm tính hơn hẳn. Sau hàng loạt tai nạn đáng tiếc đó, Johnson I vẫn có thể tự mình gánh vác hết mọi việc trong nhà, thậm chí anh ta còn mở một công ty và nâng tầm ảnh hưởng của cái họ Johnson chi chính thêm một bậc. Những người họ hàng khác trong nhà dần dần cũng không còn xem thường người đàn ông này mà còn có vài phần kiêng dè anh ta. Người ta nói anh ta rất chỉn chu đến lí trí và đáng sợ. Và cạnh đó thì anh ta cũng có một cái lòng tự tôn về họ Johnson cũng rất cao. Johnson I sẽ không để cho ai vượt mặt mình một cách trắng trợn hay có ý định khinh thường anh ta dầu chỉ một chút. Nhà Johnson đời 17 chi chính chỉ còn lại vài người nhưng dưới sự quản trị của anh ta dường như còn phát triển hơn nữa.
Nhưng thật đáng tiếc, dù có tài giỏi đến mấy thì chỉ cần chừng nào anh ta còn mang họ Johnson, thì cái danh “bộc phát” của bức tranh kì dị đó sẽ còn khóa chặt và xiềng lấy cổ anh ta lại. Thân là chủ nhân duy nhất của chi chính trong nhà Johnson, anh ta sau đó thậm chí còn không thể tạo ra được một tác phẩm nào ra hồn để so lại với một “bộc phát” không biết ở đâu ra. Người ta bảo anh ta đã cố tình yếm đi cái thanh danh của bức tranh đó không phải chỉ vì vẫn chưa biết rõ người làm ra mà bởi từng có lời đồn chính em út trong nhà trong lúc phát điên đã vẽ lại nó thêm một lần nữa. Nhưng thật đáng tiếc là cho dù anh ta có làm gì thì dường như cái máu nghệ thuật trong người anh ta đã bị nguội lạnh và không thể chảy lại lần nữa. Mà năm tháng càng qua thì cái áp lực cũng cứ thế càng lớn, cho đến một ngày, người ta nói anh ta không thể chịu được nữa, đã phóng hỏa hết căn nhà và đắm mình trong biển lửa.
Với nhà Johnson, chế tác một “bộc phát” là nhiệm vụ và cũng là sứ mệnh cuộc đời họ. Không có nó, họ coi như chẳng còn tồn tại và hoàn toàn mất đi ý nghĩa.
Tôi nhìn anh ta cười, không hiểu sao da gà cứ từng đợt nổi lên. Tôi thấy dựng tóc gáy, cũng tự nhiên thấy tò mò trước bức tranh lời nguyền đó.
- Vậy bức tranh đó vẫn ở đây? - Tôi chần chừ. - Tôi có thể được thấy nó chứ?
- Sẽ có thể. - Anh ta cười. - Nhưng hơi tiếc là nó không phải hôm nay. Chúng tôi chỉ trưng bày nó một lần duy nhất vào ngày đầu tiên. Ngày đó qua rồi, và chúng tôi cũng được cảnh báo là nó mang lại nhiều tác động không được tốt lắm. Thật đáng tiếc.
- Ừm. - Tôi thấy hơi tiếc nuối. - Thật sự đáng tiếc…
Chúng tôi đi xuống và trở ra lại quầy tiếp tân ở ngoài cổng vào để tôi lấy một số thứ. Sau khi chuẩn bị ra về thì tôi mới chợt nhớ ra vài thắc mắc, quay lại nhìn người đàn ông gần 40 kia.
- Anh nói tháng trưng bày là khi thế hệ trước không còn đủ sức và thế hệ sau đã trưởng thành rồi đúng không. Vậy chẳng lẽ đây là do con của Johnson I tổ chức? - Chẳng lẽ anh ta lại có con sớm vậy mà mình không nghe, tôi tự hỏi.
- Đúng là vậy, nhưng không phải là con của Johnson I. Con anh ta vẫn còn bé lắm, và mẹ nó thì dắt đi du học mất rồi. Đây là của người khác tổ chức.
- Người của họ Johnson?
- Cô có thể tin thế. - Anh ta cười.
- Thế còn bức tranh? - Tôi nghĩ nghĩ. - Rốt cuộc thì nó tên gì?
- Tên nó là Dark. Mỗi “bộc phát” nhà Johnson đều sẽ được lấy tên của chủ nhân nó. Thành viên nào chưa có “bộc phát” thì vẫn chưa được xướng tên trong lịch sử gia tộc. Nên cô mới nghe tôi cách tôi gọi anh em nhà Johnson theo thứ tự là thế.
- Dark? Vậy đó là tên của một người trong chi?
- Cô đoán xem. Tôi đến giờ vẫn chưa gọi tên ai?
Anh ta cười, nhưng nụ cười đó lại làm tôi rờn rợn.