Tôi không nhớ rõ ngày mình phát hiện mắc ung thư bạch cầu là khi nào. Mọi thứ đến quá nhanh, như một vết cắt sâu nhưng lại không cảm thấy đau. Mới tuần trước tôi còn đi học, tươi cười và hoạt bát. Tuần này tôi ngồi trong phòng bệnh, nhìn ống truyền dịch cắm vào tay mình.
Bác sĩ nói tôi cần hóa trị ngay, ung thư cấp tính nên không thể chậm trễ. Tôi gật đầu như một cái máy. Lúc đó tôi không hiểu “ngay” nghĩa là gì, đầu óc tôi trống rỗng như một chiếc hộp. Đến sáng hôm sau y tá đến và cắm kim tiêm vào tay tôi.
Buổi truyền dịch đầu tiên dài như cả mùa đông. Tôi nằm trên giường, cố tưởng tượng mình đang ở một nơi khác. Nhưng tiếng máy truyền dịch trong tích tắc kéo tôi về lại thực tại. Mùi thuốc sát trùng, ánh đèn trắng, người bên giường gầy gò và trong tình trạng nôn mửa không thôi. Tôi nhận ra mình đang dần giống họ.
Tuần thứ hai, tóc bắt đầu rụng, tần suất nôn mửa ngày càng dày đặc. Tôi soi gương, không khóc. Tôi chỉ nhìn mình lâu hơn thường ngày, cố tìm xem đâu là tôi của những ngày xưa cũ - trong khuôn mặt phờ phạc kia. Không thấy. Có lẽ đã rơi theo tóc mất rồi.
Tôi quen một người bạn cùng phòng tên Khánh. Anh ấy lớn hơn tôi, anh Khánh 22 tuổi. Anh rất thích vẽ. Một hôm, anh hỏi tôi rằng:“Em thật sự không sợ à?” Tôi nhoẻn miệng nhẹ cười: “Em có sợ chứ, nhưng sợ không chữa được bệnh, nên em không muốn sợ.” Đến lượt tôi hỏi anh rằng: "Anh không sợ ạ?" Anh cũng cười rồi đáp: "Anh sợ, nhưng anh có gia đình, bạn bè động viên anh nên anh chẳng sợ gì nữa. Anh chỉ sợ xa họ, vì vậy nên anh chọn cách vẽ tranh như một cách duy nhất để lưu lại chút gợi nhớ về anh cho họ." Bức vẽ cuối cùng Khánh để lại là một đồng cỏ trắng xoá, giữa đồng cỏ trắng ấy có một người con gái đứng quay lưng lại, tóc bay trong gió. Anh ấy mất vào tháng tháng bảy. Tôi gập bức tranh lại, để trong túi áo khoác ngày đầu tiên gặp mặt Khánh, tôi bật khóc.
Có những đêm tôi tỉnh dậy, toàn thân đau nhức. Tôi không nói cho mẹ biết. Mẹ cũng chẳng đến thăm mỗi sáng như các bệnh nhân cùng phòng với tôi, phụ huynh của họ tay luôn mang theo cháo nóng, mắt luôn đỏ nhưng miệng vẫn cười. “Con ăn chút đi, cho có sức.” Họ ăn trong hạnh phúc
Ngày hóa trị cuối cùng, bác sĩ nói tế bào ác tính đã lui. “Tạm thời ổn.” Tôi không hiểu chữ “tạm thời” là bao lâu. Một tháng? Một năm? Nhưng lần đầu tiên sau nhiều tháng, tôi thấy gió ngoài cửa sổ thật dễ chịu. Tôi xòe tay ra, gió lùa vào lòng bàn tay như thể đời sống vẫn còn đang níu lấy tôi.
Tôi không biết chuyện gì sẽ chờ mình phía trước. Có thể bệnh sẽ tái phát, có thể không. Nhưng hôm nay, tôi vẫn ở đây. Tim vẫn đập, mắt vẫn mở. Và tôi viết những dòng này, để nhớ rằng mình đã sống qua một mùa nắng — nơi mọi thứ rụng đi, kể cả niềm tin, để rồi nảy mầm lại bằng thứ dũng cảm không cần tên gọi.
Sau hồi phục, tôi đã thầm thích một người bạn ở lớp học thêm.