Thể loại: Boylove, Việt Nam, thời chiến, bi kịch, SE, hiện thực, trưởng thành, đau thương.
---
Minh Hải sinh năm 1954 ở một xóm nhỏ nơi ven sông Nhật Lệ, vùng đất gió Lào cát trắng, người dân cắm mặt vô ruộng đồng mà sống. Ba Hải mất sớm năm cậu mới lên chín, sau một trận bom rải xuống đầu làng. Còn lại mẹ với hai chị em côi cút. Mạ cậu – bà Nguyễn Thị Thược – là người đàn bà gầy đét, lưng cong như vành nón, tay lúc nào cũng dính bùn đất, đầu quấn khăn mỏ quạ bạc màu, chắt chiu từng lon gạo, từng củ khoai để nuôi con.
Năm 1972, sau đợt tổng động viên, Hải tình nguyện đi bộ đội. Cậu giấu mạ, tự mình lặn lội lên huyện ghi danh, xin vô đội quân y. Ngày biết tin, mạ không khóc, chỉ đứng nhìn cậu gói ghém mấy bộ đồ rách, dúi vào tay một túi vừng rang và chiếc khăn tay thêu: "Ra ngoài đó, nhớ chớ có dại dột. Gặp ai thương mình, ráng mà giữ. Người hiền, hay đoản mệnh, con ơi..."
Cậu ôm lấy mạ, mùi khói rơm ám áo, nghe mằn mặn nơi sống mũi. Nhưng cậu không khóc. Miền Trung, đàn ông ít khóc. Nhất là trước giờ chia tay.
Tàu rời ga Đồng Hới lúc ba giờ sáng, lăn bánh trong tiếng còi dài hun hút như xé tim gan người tiễn. Hải ngồi nép bên cửa, thấy bóng mạ mờ dần trong khói bụi, cái dáng lom khom ấy như in vào tận ký ức.
Ra chiến trường, cuộc đời không như mơ. Ngày đầu vào trận, thấy đồng đội trúng pháo, cậu đơ người, máu văng đầy mặt, tay run cầm cập. Đêm đó, Hải ngồi bên xác người lính trẻ, rút khăn tay mạ đưa mà lau máu, miệng cứ thì thào: "Xin lỗi nghen… giá mà tui không sợ…"
Từ đó, cậu không cho phép mình sợ nữa.
Ở trạm quân y đồi Ba Thê, mỗi ngày cậu khâu hàng chục vết thương, hút đạn, rửa mủ, tiêm thuốc. Tay nhỏ nhưng chắc, ánh mắt kiên định. Ai cũng quý Hải. Mấy ông lớn gọi đùa: “Con cáy đất Quảng Trị” – nhỏ mà lì.
Rồi Hải gặp anh – Phạm Văn Lâm – trung đội trưởng bộ binh, người gốc Huế, rắn rỏi, da đen sạm, giọng ồm ồm như sấm. Lần đầu thấy anh là giữa trận bom, anh xông vô hầm cứu thương binh, vai rướm máu mà miệng vẫn quát lớn: “Còn ai trong ni không, ra mau! Mau lên!”
Hải vừa khâu vết thương cho người lính, mồ hôi nhễ nhại, tay dính máu. Anh nhìn cậu chằm chằm, rồi hạ giọng: “Cậu làm được đó. Ráng nghen.”
Từ bữa đó, lòng Hải như có lửa âm ỉ. Không phải thứ lửa của chiến tranh, mà là thứ làm tim người ấm lên giữa đêm dài khói súng.
Anh hay ghé trạm quân y, lấy cớ kiếm thuốc mà đưa cho Hải củ khoai, miếng đường, có khi là khúc thơ con cóc. Cậu cười: “Anh mà làm thi sĩ là tui chớt vì cười.” Anh nạt: “Chớ cười. Mai mốt hết chiến tranh, tui đi trồng rau. Cậu có chịu làm vợ ông nông dân không?”
Hải nghe mà đỏ mặt, bật tay anh một cái nhẹ tênh. Đêm ni, trăng lên muộn, gió hun hút. Hai người ngồi lưng tựa nhau, không nói, mà cũng chẳng cần nói chi.
Ngày 28 tháng 6 năm 1972, lệnh hành quân giữ cao điểm 402. Trận càn ác liệt chưa từng có. Đêm trước trận, Hải lén viết thư để trong túi áo, phòng bất trắc. Cậu không sợ chết, chỉ sợ không kịp nhắn mạ một lời, không kịp nhìn anh lần nữa.
Khi bom rơi như mưa, Hải vẫn lao ra, băng bó, dìu người, bế từng thương binh chạy khỏi hầm sập. Trong số đó có anh – chân bị thương, máu đầm đìa. Lúc kéo anh ra, Hải thở dốc, cười: “Anh nặng quá trời. Ăn bao nhiêu mà chắc dữ vậy?”
Anh chưa kịp trả lời, pháo dội tới. Hải đẩy anh ngã xuống rãnh, còn mình thì lao tới che cho cả nhóm. Bùng một cái, khói bụi mù mịt.
Khi mọi người tỉnh dậy, chỉ thấy một thân người đè lên anh Lâm. Là Hải. Cậu đã dùng thân mình che cho bốn người. Mặt tái nhợt, máu rỉ từ tai, mũi. Dù thân thể không còn nguyên vẹn,cháy rụi.... Nhưng cậu vẫn ôm chặt cái túi thuốc.
...
Tại làng ven sông Nhật Lệ, mạ của Hải nhận được giấy báo tử. Bà đứng yên như hóa đá. Cán bộ trao giấy, đưa thêm một bọc nhỏ có khăn tay thấm máu và bức thư:
> "Mạ ơi,
Nếu mạ đọc được thư ni, chắc con không còn nữa. Con xin lỗi mạ vì ra đi mà không kịp ôm mạ lần cuối. Con làm y tá, cứu được nhiều người. Con yêu một người – ảnh không biết, nhưng ảnh tốt bụng lắm. Mạ từng dặn con phải biết thương người thương mình. Con nhớ. Con không hối hận.
Nếu kiếp sau được làm người, con vẫn xin làm con của mạ.
– Thằng Hải của mạ."
Bà ôm thư, ngồi bệt giữa sân đất, mắt nhìn ra sông. Nước lấp lánh ánh chiều, sóng vỗ rì rào như tiếng con trai bà gọi từ bên kia bờ thế giới.
...
Năm 1976. Lâm xuất ngũ. Một chân anh què hẳn. Anh sống trong căn nhà nhỏ giữa đồi cát Quảng Trị. Không vợ, không con, chỉ có bàn thờ nhỏ với di ảnh người con trai có ánh mắt hiền lành.
Tối nào anh cũng rót một chén rượu, ngồi nhìn trăng:
“Hải ơi… Em coi, trăng vẫn còn đó. Còn anh, còn sống, mà lòng rỗng như xác pháo…”
Gió lùa qua mái lá, làm tấm ảnh rung nhẹ. Trăng soi qua tấm kính, hắt bóng anh lên vách. Một mình.