Ký ức của tôi về gia đình khi còn nhỏ đã chẳng còn nhiều, mà dần lu mờ đi. Có lẽ một phần vì tôi không phải người có trí nhớ tốt, một phần nữa là vì nó không phải những kỷ niệm đáng nhớ. Khi còn nhỏ, tôi khá cứng đầu. Tôi sẽ nghe theo lý trí của riêng mình, luôn cho rằng bản thân đúng. Dẫu vậy, không phải tôi không ngoan.
Với anh chị đồng trang lứa hay vài người ít tuổi hơn trong gia đình, tôi có phần ương bướng. Nhưng với cha mẹ và những người lớn, tôi vẫn ngoan ngoãn và đặc biệt nhạy cảm. Có lẽ, tôi nhạy cảm từ khi còn rất nhỏ, vì đã từng khóc rất nhiều – chỉ vì những điều nhỏ nhặt.
Tôi không nhầm thì, năm tôi mới vài tuổi, đã từng khóc nhè vào ngày Tết. Chẳng vui chút nào. Dù tôi không muốn khóc, nhưng cảm xúc cứ thế trào ra. Chỉ vì anh họ trêu tôi điều gì đó, tôi đã nghĩ sâu xa hơn, cảm thấy xấu hổ và bật khóc giữa đông người.
Hồi bé, bố mẹ tôi hay đi làm xa. Vì là chị cả nên tôi cũng phải ra dáng hơn. Em trai tôi thì hay khóc, khó dỗ, nên mỗi lần bố mẹ đi, mẹ sẽ mua đồ nó thích, rồi bảo tôi dỗ dành nó giúp bố mẹ. Tôi cũng nghe lời, dù chẳng biết dỗ thế nào. May mà có bà nội giúp nên tôi đã không phải lúng túng nhiều.
Mỗi lần bố mẹ đi, ban đầu tôi còn khóc một mình. Nhưng dần dần, tôi chỉ thấy nhói một chút, tủi thân một chút… và rồi quen. Trong khoảng từ 10 đến 13 tuổi, tôi tưởng rằng mình đã trưởng thành hơn. Tôi đã nghĩ vậy. Nhưng… tôi vẫn mang trong lòng sự oán trách với bố.
Tôi từng nghĩ bố là người cổ hủ, hay áp đặt, thường trút giận vô cớ và không bao giờ chịu lắng nghe người khác. Mà đúng là như vậy – nhưng không hoàn toàn. Tôi chợt hiểu, ai cũng có nỗi khổ riêng. Mà những nỗi khổ đó, họ chẳng nói ra. Và khi không hiểu rõ, ta chỉ có thể đoán – rồi đôi khi, ta đoán sai.
Bố tôi có những lúc rất tốt, có tình thương… nhưng thương sai cách, sai thời điểm. Những lúc bố đi làm về, nếu không hài lòng điều gì, chỉ cần tôi chưa làm xong một việc nhỏ, hay vô ý làm sai, tôi sẽ nhận về những lời mắng chửi thẳng thừng.
Không phải một lần. Nhưng chưa lần nào trái tim tôi không nhói lên.
Tôi vẫn rất nhạy cảm. Nghe những lời ấy, tôi tủi thân, lặng lẽ, và rồi nước mắt cứ thế rơi. Nhưng thay vì hỏi han, bố chỉ quát:
> “Mày khóc à? Tao chưa đánh mà đã khóc. Mày định giở trò với tao à? Muốn tao cho khóc thật luôn không?”
Câu nói đó, chưa lần nào nghĩ lại mà không thấy đau lòng.
Mắt tôi đỏ hoe, nhưng tôi vẫn cố kìm nén. Có lúc, tôi oán hận bố. Tôi muốn rời khỏi căn nhà đó càng sớm càng tốt. Nhưng vẫn không thể, vì tôi chưa đủ khả năng, và cũng vì… đó vẫn là nhà mình.
Tôi từng nghĩ bố ghét nhà ngoại. Cấm tôi và em sang chơi nhiều. Thỉnh thoảng, bố sẽ quát tháo, lẩm bẩm những lời không vui. Tôi thấy tức, muốn phản bác. Nhưng tôi không dám. Tôi quá nhát gan, nên chỉ chọn cách im lặng.
Tôi từng nghĩ bố không tôn trọng mẹ, không tôn trọng nhà ngoại. Vì bố hay nói mợ không biết nuôi con, để cậu chăm, rồi bảo cậu nghiện điện thoại, lười biếng, không ra gì. Tôi thấy điều đó nặng lời… nhưng giờ thì cũng thấy, có phần đúng.
Những lời than phiền như:
> “Nhà mẹ mày chẳng coi tao là gì cả.”
“Tao bị làm bẽ mặt, phải nhịn đủ điều.”
Tôi từng rối bời khi nghe. Nhưng giờ, tôi chợt nhận ra – hình như nhà ngoại thật sự không mấy quý gia đình mình. Cậu, bá, ai cũng thân nhau hơn. Nhà tôi như phần " ngoài lề "
Một lần, bố không xuống ngoại mà bảo tôi đi thay. Đêm hôm, tôi vừa sợ vừa ngại. Khi ấy, tôi còn nghe thấy bác tôi (anh trai mẹ) nói rằng:
> “Không ai thương cháu A như chị T (chị họ tôi). Còn con B(tôi) với thằng C(em trai tôi).
thì làm như nghĩa vụ. Bố nó nữa, chắc không coi ai ra gì nên mới để con đến thay.”
Nghe vậy, tôi buồn. Buồn rất nhiều. Người tôi từng tin tưởng lại nói về tôi và bố như vậy. Hụt hẫng, thất vọng.
Những lần xuống nhà ngoại, bố tôi luôn đưa tôi xuống sớm để giúp nấu nướng. Ăn xong ,dọn xong là về. Và rồi bố lại than vài câu, vẫn nghe nhưng chẳng nói gì. Nhưng bây giờ, tôi hiểu.
Có lẽ… bố tủi thân thật. Có lẽ bố áp lực thật. Bố không biết cách thể hiện cảm xúc, nên chỉ biết mắng. Và tôi – tôi cũng đã sai khi chỉ nhìn bố qua cơn tức giận, mà quên rằng, bố cũng là một con người đầy mỏi mệt.
Tôi từng nghe ai đó nói:
> “Bạn và tôi khác nhau. Bạn có nỗi khổ của bạn. Tôi có nỗi khổ của tôi.”
Đúng thật. Sự tỉnh ngộ đến nhẹ nhàng như vậy đấy. Tôi chợt thấy thương bố. Chợt thấy có lỗi.
Tôi ngồi học mà nghĩ ngợi, rồi nhận ra mình đã sai rất nhiều. Bố vì gia đình, vì mệt mỏi nên mới thế. Và tôi – đã không chịu lắng nghe, không chịu hiểu.
Giờ thì tôi biết rồi. Mọi thứ, mọi con người, mọi mối quan hệ – đều có nhiều khía cạnh. Nếu ta chỉ nhìn một phía, sẽ dễ lạc đường.
Tôi thật sự mong… bạn cũng sẽ “chợt hiểu ra” điều gì đó – trước khi quá muộn !
Và cũng biết đâu rằng, nhờ những sự nhìn nhận từ nhiều phía... lại giúp ta nhận ra những điều ấm áp ...chưa từng biết !
( Nếu sai sót hoặc nêu ý kiến xin hãy góp ý!)