Con người có xu hướng luôn e sợ và dè chừng với những thứ họ không biết, không hiểu, hoặc không đủ kiến thức, đặc biệt là dính dáng đến âm giới. Bùa ngải là một trong những thứ như vậy. Lịch sử hàng ngàn năm nay đã thêu dệt nên không ít câu chuyện huyền bí, liêu trai, thậm chí khủng khiếp đáng sợ về những thứ này, làm cho nỗi sợ càng thêm nhuốm màu ma quái.
Lại nói lúc nhỏ, nhà tôi là thợ mộc. Ba tôi được ông truyền nghề lại. Trong xóm bọn nhỏ đồn râm ran rằng ông tôi là thầy Lỗ Ban, có đứa lại nói là thầy ngải, ôi cứ loạn cào cào lên hết cả. Nghe kể, lúc tôi còn bé tí, gần nhà tôi có ông nọ, tính tình ban đầu rất tốt đẹp, hòa nhã. Bỗng dưng trở tính, thành người keo kiệt, bủn xỉn, nhà đang ở bình thường cứ đòi đập đi xây lại, lúc xây nhà mới cứ kì kèo đôi co với thợ cả suốt từ sáng đến chiều, trong xóm ai cũng lấy làm lạ nhưng chẳng biết sự tình.
Một hôm ông tôi đi ngang nhà đó, thấy thợ đang trát xi măng, mới đánh bạo bước vào, vỗ nhẹ vai của thợ làm người này giật mình. Ông tôi nói:
“Như vậy không tốt, cậu đừng lún vào con đường nghiệp ác!”
Người thợ giật mình, vái lạy ông tôi, nói:
“Con xin ông, con xin ông, con lỡ dại, đừng báo với chủ nhà, để con gỡ...”
Tức thì, người thợ kéo trong góc tường ra ba cây đinh được buộc chéo lại nhau bằng chỉ đỏ, giữa ba cây đinh là một mảnh giấy màu vàng được vo lại. Ba cây đinh nhỏ, đút vào lỗ gạch, xong rồi trát xi măng lại ngay, dễ gì phát hiện được. Đây là cách thợ xây dựng có tà tâm hay sử dụng để trừng phạt gia chủ, làm cho họ sống không yên ổn, gia đình cứ lục đục suốt. Người thợ xây mà ông tôi gặp, có lẽ lần đầu làm chuyện ác nên mới có ý quay đầu hối cải. Nhưng khi ông tôi nhìn thấy ba cây đinh thì liền đanh mặt:
“Cậu còn giấu tôi, rõ ràng nhà này không phải chỉ có thứ này!”
Người thợ tái mặt, quỳ thụp xuống, lạy:
“Con thề là con không có làm cái gì khác nữa đâu ông ơi… Con thề con vừa mới bỏ cây đinh này vào thôi!”
Ông tôi giật mình, bèn đứng ngoài đường nhìn vào căn nhà lại lần nữa, thấy ám khí rất dày, tỏa ra không ngớt, làm cỏ cây xung quanh cũng không tươi tốt nổi, chứng tỏ âm khí đã ở đây lâu ngày, ắt không phải là do cây đinh mới bỏ vào. Ông tôi nghĩ ngợi giây lát, sau đó bảo thợ hãy về hết, ông thì đi xung quanh, kiếm một mảnh vải đỏ và một cục than. Ông tìm được một cái áo thun con nít cũ và một mẩu gỗ cháy. Đám thợ tuy vâng dạ, bảo là sẽ về, nhưng cũng tò mò nên đứng ở gần đó, sau một bụi dâm bụt, ngóng xem ông tôi làm gì. Thấy đám thợ tụm năm tụm bảy, người dân hiếu kỳ xung quanh cũng đã thấp thỏm sau hàng rào, chưa dám ra đường xem hẳn.
Lúc này trong nhà chỉ có người chồng, phần người vợ thì đang đi chợ, đứa con thì đi học. Ông tôi dùng cục than, viết gì đó lên cái vải đỏ cũ nát, lấy nhựa cây bình bát quẹt những đường rất dứt khoát, sau đó tiến vào nhà. Một số hàng xóm khi ấy thấy ông tôi có vẻ kỳ quặc, nhưng vẫn nể người lớn tuổi, nên đứng bên nhà hỏi vọng sang:
“Có chuyện gì hả ông Sáu ?”
Ông tôi chỉ đưa tay lên, ra dấu im lặng, nói:
“Mấy anh đừng để ai vào nhà cho đến khi tôi đi ra, mất mạng người như chơi đó!”
Ông tôi bên ngoài đạo mạo nghiêm trang, lời nói thâm trầm sâu sắc, dân trong xóm phục cũng một phần vì lý do đó, nên dù ông tôi hành xử lạ lùng, họ cũng không dám cản ra mặt. Một người kể lại, thấy ông tôi đi vào nhà, chốc sau thì nghe tiếng người chủ nhà hét lên một tiếng rất dài, dài đến kinh dị, cùng với đó là tiếng đồ vật rơi vỡ. Khi ông tôi đi ra thì cầm theo tấm vải đỏ cũ nát lúc nãy, quấn chặt vật hình như cái chum, đem về nhà.
Khi ba tôi hỏi, ông mới giải thích, lần ấy ông vô tình đi ngang căn nhà đang xây, thấy ám khí dày đặc, tưởng rằng do người thợ yếm thắng mới đến nói phải quấy, ai dè người thợ chỉ vừa mới ểm, vậy thì thứ gì làm căn nhà ra như vậy? Ông đoán người chồng vướng phải thứ âm gì đó, khi biết người chủ còn đang ở trong nhà, ông mới đi chuẩn bị một mảnh vải đỏ, là cái áo cũ, viết lên một số câu chú để biến tấm vải rách nát thành một thứ có thể đựng được điều tà ác.
Quả nhiên khi ông tiếp cận chủ nhà, mới phát hiện ông ta vướng phải một thứ ngải, gọi là ngải mắt heo. Ngải này gốc từ vùng biên giới Lào - Cam, theo dân buôn ma túy mà về Việt Nam. Ngải này không dùng con nít như nhiều ngải khác, mà dùng con khỉ con, lấy mắt heo đắp vào hốc mắt khỉ, thay lưỡi khỉ bằng lưỡi gà, đặt trong cái chum, bên ngoài chum có khắc hình kim tiền đẹp đẽ và mấy chữ như ý cát tường. Bên trong thì đặt xác con khỉ, quấn dây chỉ đỏ quanh cổ và trói tay chân nó lại, ngâm với rượu bắp. Ngải này độc địa ở chỗ, người bị ám sẽ thay đổi tâm tính, làm cho bị xã hội ghét bỏ, xa lánh, từ đó chết rất thảm!
Người chủ nhà không biết mua cái chum đó ở đâu, đem về để làm chậu kiểng, trồng cây nguyệt quới. Nguyệt quới hút nước thấm bên trong cái chum, ra hoa, chủ nhà thích hoa này nên thường ngửi, vô tình thành ra như vậy. Ông tôi điểm hỏa lại cho chủ nhà, ông ta nôn một hồi ra toàn thứ đen đúa bầy nhầy, hôi như lòng heo, ông tôi hứng lại hết bằng cái chum, sau đó gói chum vào áo vải đỏ, đem về, nhóm đống lửa lớn, cho gạo, muối vào đó trước rồi đốt luôn cái chum, nghe đâu lửa cháy đến chiều mới hết, hôi vô cùng.
Nếu nói về yếm thắng thì rất nhiều phương cách, vậy, yếm thắng thực ra là gì? Yếm thắng thuật chính là dùng bùa chú, pháp thuật hoặc cầu nguyện để trù ếm.