PHU NHÂN UBUYASHIKI AMANE VÀ “CÂY BẠCH DƯƠNG”
Tác giả: Anbelfreya
「あまりにも美しいので、僕は初め白樺の木の精だと思った」
Tạm dịch: “Chính bởi vì nhan sắc mĩ lệ đến không ngôn từ nào tả xiết ấy mà lúc mới gặp, mình đã những tưởng ngài ấy là tinh linh hóa thân từ cây bạch dương ghé thăm nơi đây.”
Khi chưa gia nhập Diệt quỷ đội mà vẫn ở cùng người anh trai song sinh Yuichirou nơi ngọn núi có lá cây rẻ quạt phiêu đãng trong không trung ấy, Muichirou đã gặp được phu nhân Amane. Lần đầu diện kiến phu nhân của vị thủ lĩnh đời thứ 97 của Diệt quỷ đội, rõ ràng nhan sắc của ngài đã khiến cậu bé con này phải choáng ngợp đến độ liên tưởng như là một “tinh linh cây bạch dương” ghé thăm chốn này.
Không phải đơn thuần dùng hình ảnh “cây bạch dương”, mà là “tinh linh cây bạch dương”. Có thể chỉ là suy đoán của mình thôi, nhưng chi tiết này khiến mình nghĩ, Cá Sấu muốn nhấn mạnh vẻ đẹp của phu nhân Amane đã không còn ở ngưỡng có thể dùng bất cứ hiện vật nào trên trần thế để so sánh. Không phải hoa, không phải lá, chẳng phải phượng, cũng chẳng phải công. Nhan sắc của ngài, phải dùng đến những khái niệm vô hình vô dạng đầy tính huyền huyễn, như là “tinh linh”, như là hóa thân của loài cây gợi nhớ về người thiếu nữ đầy nét trang nhã thanh tao như cây bạch dương, mới có thể khắc họa vẹn toàn.
Vì sao Cá Sấu lại chọn hình tượng “cây” để ví von thì cũng khá dễ hiểu (không phải “rất thích cây” như chú Tanjurou đâu nhó). Muichirou là con trai của tiều phu, tức nghề đốn củi trên rừng để mưu sinh ấy. Bản thân cậu cũng thường xuyên phụ giúp đỡ đần bố mỗi khi đi kiếm củi, cộng với những lời kể cùng kiến thức do ông truyền đại lại thì hiển nhiên, Mui sẽ có một mức độ am hiểu, thông thạo nhất định về mảng thực vật trong rừng, đặc biệt là về các loài cây thân gỗ có thể cho củi tốt. Bởi thế, việc để Mui dùng cây cối để so sánh sẽ hợp lí hơn hẳn bất kì hình tượng hoa mĩ nào khác, nhất là khi cậu vẫn luôn sống ở vùng núi mà chưa từng đặt chân tiếp xúc với thế giới thành thị ngoài kia.
Giả sử, Mui lại liên tưởng phu nhân Amane với bạch ngọc, hay với một con mèo Ba Tư lông trắng, thì nó lại phá hỏng thiết lập “con trai tiều phu sống ở núi rừng” ban đầu mất rồi =))))))))
Ừm, nếu Tokitou vẫn là một quý tộc samurai như đời cụ Michikatsu thì cái này cũng không hẳn là quá sai, nhưng cái họ Tsugikuni đã sớm thất truyền nên chẳng có quý tộc nào ở đây cả, chỉ có cậu bé Muichirou “trần trụi với thiên nhiên, (không) hồn nhiên như cây cỏ” mà thôi.
Vấn đề tiếp theo, cớ gì lại là “cây bạch dương” trong hằng hà sa số cây cối chốn rừng sâu?
Cái lý do phổ biến và được nhiều người suy nghĩ đến nhất, chính là vì sắc trắng của cây bạch dương tương đồng với sắc trắng của phu nhân Amane.
Bạch dương được xem là cây có vỏ trắng nhất trong số các loài cây ở Nhật Bản, cái này mọi người hỏi bác Google là thấy ngay, vỏ cây trắng như phấn vậy á (cơ mà xen lẫn nhiều vệt đen nên mình thấy như màu lông chó đốm ). Phu nhân Amane lại sở hữu làn da trắng sứ cùng mái tóc trắng bạc bẩm sinh từ thuở lọt lòng, thế nên đây chính là điểm tương đồng rất lớn giữa ngài và cây bạch dương này.
Lý do thứ hai do mình suy đoán ra: vì cây bạch dương ra hoa vào mùa xuân.
Trong chương 118, dòng hồi tưởng của Mui có đề cập: 「春頃に人が訪ねて来た。お館様の御内儀だ」
Tạm dịch: “Vào mùa xuân, có người đã ghé thăm bọn mình. Người đấy chính là phu nhân của ngài Chúa công.”
Phu nhân Amane tìm đến anh em Tokitou vào mùa xuân, thời điểm trăm hoa đua nở, muôn cây đâm chồi nảy lộc, vạn vật trở mình hồi sinh. Đây cũng là lúc những chùm hoa như bắp ngô non của cây bạch dương nở rộ khắp núi rừng.
Làn da mái tóc trắng như vỏ cây bạch dương, xuất hiện giữa mùa hoa bạch dương đương kết thành từng chùm. Những chi tiết này chính là nguyên nhân khiến Muichirou hình dung phu nhân như hóa thân của “cây bạch dương” để bộc bạch việc tâm hồn non nớt chưa trải sự đời của mình đã bị nhan sắc phu nhân làm cho choáng váng đến bực nào.
(Tuổi nào thì cũng đều biết thưởng thức cái đẹp cả hoy, chỉ thương bé Mui chưa gì đã gặp phải tường thành nhan sắc của KnY nên hơi sang chấn tí )
Nhưng, đây mới chỉ là lý giải cho sự xuất hiện của “cây bạch dương” dưới góc nhìn của Muichirou.
Lối ví von với “白樺の木の精” gần như đã trở thành biểu tượng riêng của phu nhân Amane mà Cá Sấu có thể là cố ý khắc họa nên. Đa số các trang viết về tiểu sử của phu nhân mà mình đọc được, bên cạnh thông tin phổ biến như “vợ của Chúa công” thì đều sẽ có riêng một phần nhắc đến cách so sánh với cây bạch dương đầy nét đặc trưng này.
Thế cho nên, mình đã nghĩ, để nhân vật của mình gắn liền với hình tượng “cây bạch dương” như thế, liệu Cá Sấu có ẩn ý nào khác đằng sau sự liên tưởng này ngoài điểm tương đồng về màu sắc đã nêu ở trên hay không? Mình cũng đã thử nghiên cứu ghi chép về cây bạch dương ở nhiều ngôn ngữ khác nhau, chủ yếu là tiếng Nhật (thực ra đang đọc tài liệu bằng tiếng Nhật thì dẫn sang link nguồn tiếng Anh nên tiện tay ). Ừm… kết quả là một dấu chấm hỏi cực lớn và đầy hoang mang từ mình gửi đến não bộ của Cá Sấu =))))))))
Dưới đây là những phân tích cùng suy đoán của mình về nét tương quan giữa phu nhân Amane cùng cây bạch dương mà Cá Sấu đã (cố ý) xây dựng, có lẽ sẽ hơi dài nên mọi người kiên nhẫn tí nhé.
1. Bạch dương và hình tượng người thiếu nữ.
Bạch dương là loài cây thân gỗ phổ biến ở vùng khí hậu ôn đới. Thân cây mọc thẳng tắp, cao khoảng 25m nhưng đường kính chỉ tầm 50cm. Chính vì đặc điểm này mà dáng vẻ mảnh mai của bạch dương được ví với một người thiếu nữ trang nhã yêu kiều, mang theo nét đẹp tinh khôi cùng nước da trắng ngần, còn cành bạch dương như những cánh tay thiếu nữ rủ xuống vai lữ khách không biết đến tự phương trời nào để giữ chàng lại trong vòng ôm dịu dàng.
Cây bạch dương có biểu tượng khá linh thiêng. Ở một số nền văn minh cổ đại, ví dụ như người Celt và Slav tôn thờ nữ thần, nhưng là thờ dưới dạng cây bạch dương. Này cũng là một trong những lí do mà cây bạch dương cũng gắn liền với hình ảnh nữ giới.
Quay lại với phu nhân Amane, tuy xuất hiện không nhiều nhưng qua từng cử chỉ, dáng đứng, cách ngồi của ngài, ta đều có thể cảm nhận được đây là một vị phu nhân vừa cứng cỏi, vừa ngay thẳng, lại vừa mềm mại thanh tao, duyên dáng như hình tượng người thiếu nữ mà cây bạch dương họa nên. Việc cây bạch dương được xem như hóa thân của nữ thần cũng khá là tương đồng với chi tiết phu nhân Amane xuất thân từ gia tộc có dòng dõi Tế tư Thần Đạo lâu đời. Nếu Tế tư Thần Đạo là trung gian giữa thần giới và nhân giới, thì cây bạch dương cũng là trung gian giữa nữ thần và người dân.
Cánh tay thiếu nữ của bạch dương giữ lấy chàng lữ khách, còn cánh tay của phu nhân thì ôm trọn người chồng yểu mệnh vào lòng bằng tất cả thanh xuân, nồng đậm lưu luyến cùng toàn bộ chân tình của mình.
2. Ngôn ngữ của cây bạch dương
Đã nhắc đến cây cối thì không thể bỏ qua thứ gọi là 花言葉 aka “ngôn ngữ của các loài hoa” nhỉ. Tuy bảo là ngôn ngữ loài hoa nhưng thực ra là chỉ chung ngôn ngữ của toàn giới thực vật luôn ấy, chứ không phải chỉ mỗi hoa thôi đâu.
Bạch dương là loài cây có mối liên hệ chặt chẽ với ánh sáng. Cây đặc biệt ưa thích những nơi có nhiều ánh nắng. Càng được tắm mình trong ánh nắng mặt trời, lá cây càng xum xuê xanh tốt. Vì đặc tính này mà cây mới được ưu ái cho hàm ý 光と豊富 (ánh sáng trù phú) trong ngôn ngữ của các loài hoa.
Mình thích cụm 光と豊富 này cực, vì xét theo một khía cạnh nào đó thì nó có liên quan đến tên của Chúa công đấy. Tên của Chúa công là 耀哉 /Diệu Tai - Kagaya/, trong đó từ 耀 – Diệu có nghĩa là “soi sáng”, “chiếu rọi”, “rực rỡ”. Từ đây có thể liên tưởng bắc cầu thành, “ánh sáng" từ Chúa công Kagaya “chiếu rọi” đến cây bạch dương của phu nhân Amane, khiến nó đắm chìm trong muôn vàn tia nắng “rực rỡ” mà vươn mình giữa thời không”.
Chi tiết này làm mình nhớ đến câu hát trong bài やさしさで溢れるように (Yasashisade Afureru youni):
「私の生きる世界が光で満たされるように。あなたの生きる時間を私が輝かせるから。」
(Tạm dịch: Dường như thế giới nơi ta tồn tại ngập tràn trong muôn vàn tia sáng rực rỡ. Như vậy thì ta có thể chiếu rọi đến tận thời không nàng đang sống rồi – À, bài này lẽ ra ngôi xưng sẽ là “em-anh” vì lyrics nói về tâm tình của người con gái đang yêu cơ mà vì để phù hợp với nội dung bài viết nên mình chuyển thành “ta-nàng” ớ hớ hớ 💅)
Cây bạch dương tuy ưa nắng nhưng đồng thời cũng chịu hạn, chịu lạnh cực kì tốt. Nơi bạch dương thường sống là vùng khí hậu ôn đới phương Bắc nên mùa đông khá là khắc nghiệt, thế nhưng nó vẫn có thể bám trụ vững vàng và sống khỏe đến tận lúc nở hoa vào mùa xuân năm sau nên trong ngôn ngữ loài hoa, nó còn tượng trưng cho 忍耐強い (lòng nhẫn nại).
Nói đến phu nhân Amane nhé, mình nghĩ trong cả dàn nhân vật KnY, tính nhẫn nại của phu nhân cũng phải thuộc hàng top đấy. Từ việc một lòng chăm sóc Chúa công triền miên trên giường bệnh không hề ngơi nghỉ, một tay quán xuyến gần hết việc nội trợ, hỗ trợ Chúa công chủ trì họp trụ cột, đôi khi còn đích thân đi chiêu mộ những mầm non có triển vọng, điển hình như Muichirou, và nhất là thực hiện nghi lễ Misogiharai để cầu phúc cho chồng con không sót ngày nào bất kể đông hè.
Misogiharai là một nghi thức thanh tẩy trong Thần Đạo, thực hiện bằng cách vừa tắm nước lạnh để tiêu trừ đi chướng khí trần tục trên thân thể vừa thành tâm cầu nguyện (theo như info từ Cá Sấu). Mùa hè thì không nói gì, nhưng hẳn mọi người cũng cảm giác được cái tư vị tắm nước lạnh giữa mùa đông nó như thế nào rồi nhỉ. Ấy thế mà phu nhân Amane ngày nào cũng làm nghi lễ này kể cả trong mùa đông buốt giá đó. Thế này mà không gọi là nhẫn nại thì còn là gì nữa. Việc phu nhân kiên trì với nghi lễ Misogiharai bất kể đông hè hệt như cái cách cây bạch dương chịu đựng qua mùa đông tuyết phủ trắng xóa cả đất trời vậy. Bạch dương nhẫn nại, và phu nhân cũng chẳng hề kém cạnh dù chỉ đôi chút.
Trong ngôn ngữ loài hoa, cây bạch dương còn có một ý nghĩa khác là 柔和 (nhu hòa). Mình vẫn chưa tìm được cách giải thích vì sao cụm từ này lại được gán cho cây bạch dương, có lẽ là do dáng cây trông rất mềm mại chăng. Nhưng bất kể như thế, “nhu hòa”, “ôn nhu hòa nhã”, “ôn uyển dịu dàng” vẫn rất khớp với hình tượng của phu nhân Amane. Phu nhân cứng cỏi, mạnh mẽ, nghiêm túc nhưng đồng thời vẫn hết sức dịu dàng, nhu thuận. Điều này thể hiện rõ qua cách phu nhân đối đãi Chúa công và các con của mình.
Chẳng những là người vợ hiền săn sóc Chúa công tỉ mỉ từng li từng tí, phu nhân Amane có thể xem như một đóa “giải ngữ hoa” luôn sẵn lòng bàn luận chuyện chính sự với phu quân của mình. Khi Chúa công kích động vì cuối cùng Diệt quỷ đội cũng tiêu diệt được Thượng Huyền, người kề bên ngài chính là phu nhân. Phu nhân không khuyên nhủ ngài phải thế này thế kia mà chỉ thuận theo đáp lời, dù rằng Chúa công quá yếu nên chỉ kích động đôi chút cũng đủ khiến ngài hộc máu mất nửa cái mạng rồi.
Thực ra ấy, biểu hiện của phu nhân không phải là không quan tâm đến sức khỏe Chúa công đâu, ngược lại là đằng khác, mà vì có đôi khi, con người chỉ muốn được giãi bày nỗi lòng của mình chứ không muốn nghe bất kì khuyên nhủ thừa thãi nào khác, họ chỉ muốn được lắng nghe, không phải muốn điều ngược lại. Trường hợp của Chúa công chính là như vậy, ngài muốn chia sẻ cảm xúc của mình cho phu nhân, vậy nên phu nhân thuận theo, chỉ hồi đáp những lời cần thiết, tuyệt nhiên không chèn thêm những câu dư thừa về sức khỏe, dù rõ ràng diễn biến ngay sau đó cho thấy tình trạng Chúa công không cho phép cảm xúc của ngài có dao động quá lớn. Có điều ở đoạn này, việc phu nhân Amane vội vã sai bảo các con lấy nước nóng cũng cho thấy ngài quan tâm đến người chồng của mình như thế nào rồi nhỉ, không quan tâm thì chẳng hốt hoảng gấp gáp đến mức đó đâu ha.
Với năm đứa con do mình mang thai chín tháng mười ngày sinh ra, phu nhân Amane vừa nghiêm khắc lại vừa dịu dàng, mà mình khá chắc dịu dàng chiếm phần hơn. Chúa công thì 「父は厳しかった。長く生きられないので子供たちを早く大人に育てなければならなかった」 (Phụ thân nghiêm khắc lắm. Vì bản thân không thể sống thọ nên đành phải nuôi dạy các con trưởng thành sớm). Chúa công và phu nhân đúng kiểu một đôi “nghiêm phụ từ mẫu” điển hình ấy. Cha nghiêm khắc mẹ dịu dàng, hẳn vì có sự hài hòa cân bằng này mà năm đứa con của hai người đều là “hạc trong bầy gà”, là “rồng trong biển người”, ai nấy cũng đều ưu tú xuất chúng, vượt trội hơn hẳn những gì một đứa trẻ ở độ tuổi đó nên có.
Vậy mới nói, cả cha lẫn mẹ đều đóng góp rất quan trọng trong việc nuôi dạy con trẻ nên người đó.
3. Bạch dương và hình tượng “người mẹ”
Link bài viết mà mình dùng để tham khảo: http://www.kinomemocho.com/sanpo_Mother_Tree.html
Ở phần này, theo như lời người viết thì có “đôi chút khác biệt so với văn hóa Nhật Bản” vì khái niệm “mẫu thụ” aka “mother tree” của cây bạch dương phổ biến ở châu Âu hơn. Tuy nhiên, vì nhiều trang web Nhật cũng dùng cách gọi này nên người viết, và cả mình đều sẽ sử dụng đưa vào đây để tham khảo, và cũng coi như là “hội nhập văn hóa” (dù người viết có bảo “tự nhiên có cái tên chả liên quan vẹo gì đến văn hóa Nhật nên thấy sai trái vỗn lài”).
- Vào kỷ Băng hà, giới thực vật gần như đang đứng trước bờ vực suy vong. Theo truyền thuyết kể lại, ngay thời điểm ấy, cây bạch dương chính là loài đã tiên phong mở đường vực dậy các thung lũng và bình nguyên đang trong tình cảnh trống trải không một bụi cây. Vì đem lại môi trường sống tươi mới cho các loài cây thiếu hụt khả năng chịu đựng cùng năng lực tiên phong nên cổ nhân gọi cây bạch dương là “mẫu thụ” – “mother tree”. (treewerks.com)
- Ở thời cổ đại, cây bạch dương được gọi là “The Mother Tree”. Nguyên nhân vì đây là loài cây tiên phong, có khả năng chống chọi cực tốt ngay khi đất đai cực kì cằn cỗi hay môi trường không thích hợp cho thực vật sinh trưởng. Trên thực tế, sau khi các sông băng trong Kỷ Băng Hà rút đi, bạch dương là cây ổn định sự sống trước nhất trong tất cả các loài. Trong thần thoại Bắc Âu, bạch dương có nghĩa là linh hồn của Nữ thần Đất Mẹ Freya vĩ đại. (bio.brandeis.edu)
- Có rất nhiều truyền thuyết liên quan đến cây bạch dương. Bạch dương là loài cây bén rễ đầu tiên sau khi Kỷ Băng Hà kết thúc nên nó được biết đến với tên “Mother tree”. Cũng vì nguyên nhân này mà bạch dương còn gắn liền với khả năng sinh sản và sự phì nhiêu màu mỡ. (stonelanegardens.com)
Với những thông tin phía trên, hẳn mọi người cũng thấy được sự tương đồng giữa phu nhân Amane và cây bạch dương rồi nhỉ? Phu nhân vốn dĩ là một người mẹ danh xứng với thực, còn cây bạch dương cũng được mệnh danh là “mẫu thụ - Mother tree” trong văn hóa châu Âu bởi khả năng sinh trưởng và dẫn đường cho các thực vật khác của mình.
Ngoài ra, cây bạch dương còn đại diện cho tháng mở đầu năm mới theo niên lịch Bắc Âu (người Scandinavia) nên từ đó mang theo hình tượng “khai sinh”, “trao tặng sinh mệnh mới”. Mà như thông tin mình dịch ở trên, vì “là loài cây bén rễ đầu tiên sau khi Kỷ Băng Hà kết thúc… mà bạch dương còn gắn liền với khả năng sinh sản…”. Nói đến khả năng sinh sản thì phải nói đến cú sinh năm vô tiền khoáng hậu trong lịch sử hộ sản của bác sĩ lẫn bà đỡ khi phu nhân lâm bồn rồi nhỉ. Chưa kể, hôn nhân giữa phu thê Chúa công vốn dĩ cùng là để kìm hãm một phần lời nguyền và tránh cho gia tộc Ubuyashiki rơi vào cảnh đoạn tử tuyệt tôn. Thế nên á, cái hình tượng “khai sinh” của cây bạch dương đưa vào phu nhân Amane là chuẩn đét luôn.
Bạch dương dẫn đường cho thảm thực vật hồi sinh sau Kỷ Băng Hà, phu nhân Amane góp phần giúp gia tộc Ubuyashiki không bị tuyệt hậu về sau.
Có một số thông tin nhỏ bên lề khác. Như mình đã nói ở trên, vì bạch dương đại diện cho thánh thần nên bản thân nó là một loài cây rất linh thiêng. Ở Bắc Âu người ta còn tin rằng đập cành bạch dương vào người có công dụng xua đuổi tà ma oán khí, khá là dễ liên tưởng đến việc phu nhân xuất thân từ gia tộc Tế tư Thần Đạo và thường xuyên thực hiện nghi lễ thanh tẩy nhỉ.
Nói về tuổi thọ, vòng đời trung bình của cây bạch dương khoảng dưới 100 năm, tức tương đương tuổi thọ con người. Nhìn con số 100 năm thì hẳn mọi người thấy cũng lâu đúng không? Nhưng cây thân gỗ có xu hướng sống cực kì thọ, thậm chí là vài nghìn năm tuổi nên trong toàn giới cây thân gỗ, nhất là cây đào, cây ngân hạnh và cây Tùng La Hán lá dài (inumaki) mà mình từng đề cập trước đó thì tuổi thọ trung bình của bạch dương chả thấm tháp vào đâu cả. Cây bạch dương có tuổi thọ ngắn, cũng như nói lên số mệnh của phu nhân chẳng thể sống được lâu dài.
Bạch dương có liên kết chặt chẽ với ánh sáng. Khi ánh sáng chiếu rọi từ Chúa công vụt tắt, cũng là lúc sinh mệnh cây bạch dương trong phu nhân cũng đoạn tàn.