Tại sao lại là tôi?
Tác giả: Arany
Bạn sẽ không bao giờ có thể hiểu được nỗi đau mà người khác phải chịu, trừ khi chính bạn đã trải qua nỗi đau đó.
Ngày trước, khi tôi đọc những bài báo, tin tức về các cô gái bị hãm hiếp lúc đi ra ngoài vào buổi tối, mặc dù rất phẫn nộ với những kẻ ác xấu xa, nhưng trong tôi vẫn sẽ xuất hiện những suy nghĩ: “ Sao thân con gái lại ra đường một mình buổi tối như vậy? Dẫu sao cũng nên tự mình bảo vệ mình, tránh gặp phải kẻ xấu…” văn văn và văn văn.
Tuy nhiên, sau khi trải qua một việc tương tự, tôi mới thấy những suy nghĩ của mình, suy nghĩ đổ lỗi cho nạn nhân là một việc đáng sợ và kinh khủng như thế nào?
Năm tôi hai mươi bốn tuổi, lúc đó tôi vừa kết hôn được một tháng, sếp thông báo cho vài nhân viên đi ra quê sếp chơi một chuyến. Chuyến đi có chín nam và năm nữ. Thực sự nếu là lúc tôi còn con gái tôi sẽ không bao giờ dám đi chơi xa nhà như vậy đâu. Mặc dù là đi tập thể, tôi cũng có phần lo lắng cho sự an toàn của mình. Tôi nghĩ mình đã có chồng, và mọi người trong đoàn đều đã có gia đình, con cái hết rồi, chắc người ta sẽ biết giữ ý tứ và không đụng chạm gì đến mình đâu. Bình thường mấy người nam ở công ty tôi khá tỏ ra thân thiết với phái nữ, nói chuyện đứng gần, kề vai bá cổ. Cái kiểu đó làm tôi cực kỳ khó chịu, vài lần tôi đã hất tay ra và nói thẳng là đừng có đụng vào người tôi rồi. Nên đi với một vài người như vậy tôi cũng có chút lo lắng, sau khi suy nghĩ đắn đo thì tôi vẫn quyết định đi và đó là một trong những quyết định sai lầm trong cuộc đời tôi.
Ngày đầu tiên mọi chuyện trải qua khá bình thường. Thật ra đây không phải là chuyến đi du lịch đơn thuần, mà là đi để tham gia các hoạt động xã hội của sếp, chạy tới chạy lui rất nhiều và rất mệt. Nhưng đi để trải nghiệm nên tôi cũng khá hào hứng và không hề than phiền gì. Ngày thứ hai, sau khi chạy xong các chương trình thiện nguyện thì cả đoàn đi về xóm nhà sếp. Trong đoàn, ai cũng cùng quê với sếp, nên họ rất vui vì được về nhà, gặp lại người thân. Chỉ có duy nhất một mình tôi là dân nơi khác đến. Tôi không quen biết một ai, lại là người hướng nội, những bữa tiệc rượu ăn mừng chỉ khiến tôi thấy cô đơn, lạc lõng vô cùng.
Chiều ngày thứ ba, cả đoàn đi lên cửa khẩu chơi. Đi đường đèo dốc và dài, tài xế là dân địa phương nên chạy khá nhanh. Tôi bị say xe đến nổi không thể mở mắt ra nhìn, cảm giác thật kinh khủng, đoạn đường dài hơn hai mươi ki lô mét khiến tôi sống dở chết dở. Nôn không được mà cứ nghẹn lại cổ, không lời nào diễn tả được cái cảm giác kinh dị đó. Tôi thầm thề: “Ông bà ơi, cho con về nhà đi, con không bao giờ đi du lịch kiểu này nữa đâu”. Đoàn lên tới cửa khẩu, chụp vài tấm ảnh tập thể rồi lại đi về. Tôi kiểu không nói nên lời, hành xác chỉ để chụp vài tấm hình, xong giờ lại phải lên xe ngồi thêm hai mươi cây số nữa để về. Đoạn đường về cũng kinh khủng y như khi đi, tôi chỉ muốn về ngay phòng khách sạn để nằm bẹp, nhưng nào được dễ như vậy. Đoàn về thẳng nhà của một thằng trong đoàn – cái kẻ khiến tôi ám ảnh đến giờ, để ăn tiệc tối.
Khi đến nơi, đầu óc tôi choáng váng, không thể ngồi tám chuyện nổi nữa. Chị kế toán hỏi chủ nhà xem có chỗ nào nằm nghỉ được không. Rồi chị ấy đưa tôi vào một buồng ngủ nhỏ, bảo tôi nằm nghỉ một lát. Khi nằm một mình, tôi lúc nào cũng khóa chốt cửa phòng để an tâm. Trời xui đất khiến thế nào, căn buồng ấy có cửa mà không có chốt khóa. Tôi mệt quá, cũng không nghĩ gì nhiều, nằm co người trên giường, nhắm mắt nằm nghỉ. Được một lúc, thằng đó đột nhiên đẩy cửa đi vào, chắc đi một mình sẽ gây chú ý nên nó ẵm một đứa nhóc tầm hai tuổi trên tay. Nó hỏi han sao vậy này nọ, rồi sờ sờ tóc tôi. Cảm thấy rất khó chịu mà chả hiểu sao lúc đó tôi mệt nhoài đến mức không có phản ứng gì đáp lại. Đột nhiên nó đưa tay sờ ngực tôi, tôi kinh hoàng và sốc, sốc đến mức đơ cả người. Thấy tôi không nói gì, nó đưa tay lại gần cơ thể tôi một lần nữa. Tôi hoảng hồn lấy chân mình đạp vào chân nó và la lên một cách yếu ớt: “Đi ra ngoài!”. Nó nghe vậy mới rời đi, tôi nằm đó khóc tức tưởi, tôi muốn được về nhà ngay lập tức, tôi không muốn ở lại nơi này một giây phút nào nữa. Cảm giác sợ hãi, tủi thân và nhục nhã một mình nơi đất khách quê người thật đáng sợ.
Lau khô nước mắt, giả vờ như không có chuyện gì, tôi cố gắng bước nhanh ra ngoài và đi đến bàn ăn của phụ nữ, tôi nói nhỏ với chị kế toán:
- Em mệt quá, em muốn về phòng nghỉ để ngủ.
- Giờ mấy ông đang nhậu, không ai đưa mình về được. Em ăn gì đi rồi ngồi thêm một lát, tí chị kiếm người chở chị em mình về phòng khách sạn sớm.
Tôi cũng chẳng ăn nổi nữa, đành ráng ngồi chờ đến khi được về. Chỗ ngủ cho đoàn là một trang trại nhỏ bên đồi núi, nằm khá xa khu dân ở. Vả lại ở đây tầm tối cũng không có taxi hay xe ôm, mà đi một mình tôi cũng không dám. Tầm hơn hai tiếng đồng hồ sau, mọi người bảo về. Ơn trời, cuối cùng tôi cũng được về phòng để có thể bình tĩnh lại rồi, nhưng không, xe của đoàn chạy một đoạn ngắn thì tấp vào quán karaoke. Thật là hết sức bực bội và mệt mỏi. Đầu tôi vẫn đang bị nhức, choáng váng, chân đi không vững vì cơn say xe, tâm lý thì đang khá sợ hãi và bất an. Tôi ước mình có cánh cửa thần kỳ, mở ra là được về nhà ngay lập tức. Ở nơi xa hàng ngàn cây số thế này, tôi nhớ nhà lắm, tôi hối hận vì đã đi chuyến này lắm.
Mọi người kêu tôi vào ngồi nghe hát một chút thôi là được về rồi. Không gian phòng hát kín mít, tối tăm và ồn ào, chưa kể trong đó toàn những kẻ say xỉn và dê xồm, đương nhiên là tôi từ chối. Tôi ngồi một mình ở phòng khách quán karaoke, mọi người bên trong hát nhảy linh đình. Tôi vẫn chưa hết hoảng sợ, tôi mặc áo khoác dày và dùng hai tay ôm chặt cơ thể, thấy người đàn ông nào lại gần, tôi đều chạy sang chỗ khác, tôi sợ bị chạm vào người. Trong lúc ngồi chờ, tôi điện thoại cho chồng, vừa khóc vừa kể lại việc bị sàm sỡ. Chồng tôi nói một câu chắc cả đời tôi cũng không quên được: “Tại sao em biết tính nó như vậy mà em còn đi chung?”. Tôi như chết lặng, làm sao tôi biết trước được sự việc, tôi biết tính nó hay quàng vai này nọ nhưng tôi nghĩ dù gì cũng là đồng nghiệp, chắc nó cũng không làm gì quá đáng đâu, tôi làm sao biết mình sẽ bị say xe vật vờ phải ở riêng, làm sao tôi biết được căn phòng đó sẽ không có khóa... Chồng tôi không hề chửi thằng đó một câu nào, mà chỉ trách móc tôi. Tôi đau lòng tắt máy, tại sao người tôi tin tưởng và yêu thương lại nói với tôi những lời như vậy? Cảm giác niềm đau nhân lên ngàn lần nữa.
Ngày hôm sau, tôi hoàn toàn không còn chút tinh thần nào nữa, chỉ mong mau tới lúc được bay về nhà. Tôi không dám kể với ba mẹ, sợ họ sẽ lo lắng và phiền lòng, cũng sợ bản thân sẽ nghe thêm những câu trách móc.
Cuối cùng, tôi đã được về nhà. Tôi trốn trong căn phòng nhỏ thân thương của mình, cuộn tròn người trong chăn khóc thút thít. Cảm thấy mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần. Tôi xin nghỉ phép thêm một ngày. Thật sự tôi muốn nghỉ việc ngay lập tức, bởi tôi và nó làm cùng một bộ phận, nó còn ngồi ngay kế bên tôi, nghĩ tới việc thấy cái bản mặt nó là tôi cảm thấy ghê tởm, căm hặn vô cùng. Tôi cũng không ít lần tự trách bản thân, tại sao lại đi chuyến đó, tại sao lúc nó đụng chạm tôi không phản ứng dữ dội hơn, giá như tôi luôn ngồi chỗ đông người thì đã không bị như vậy…Tôi cảm thấy cơ thể bị vấy bẩn, cảm giác bẩn thỉu làm sao. Còn chồng tôi thì không nhắc lại chuyện đó nữa, cũng không một lời an ủi hay có một hành động nào để bảo vệ tôi.
Ngày đi làm lại, tôi có kể cho hai chị đồng nghiệp nghe, để họ né nó ra, nhưng có vẻ phản ứng của họ không như tôi mong đợi. Họ nói vài câu hời hợt, có khi họ nghĩ tôi làm quá mọi chuyện lên, chỉ bị sờ một chút thôi mà. Tôi cũng đâu muốn làm quá lên, nhưng việc đó làm tôi bị ám ảnh thật sự, nhìn thấy mặt nó là tôi muốn đấm vài phát, ngày nào tôi cũng cầu cho nó phải trả giá thật đắt, cầu cho nó biến mất thì càng tốt. Ngày ngày giáp mặt, chẳng khách gì cực hình với tôi, ký ức về cái ngày kinh hoàng đó rõ mồn một trong trí nhớ của tôi. Tôi không nói chuyện với nó, ngoại trừ liên quan đến công việc, luôn tỏ thái độ chống đối nó. Tôi muốn đổi việc ngay, nhưng đã cận Tết, không có công ty nào tuyển nữa. Tôi đành cắn răng đi làm, ráng đợi cho qua Tết. Tôi chẳng dám thoa son, xịt nước hoa khi đi làm nữa, lúc ngồi làm luôn mặc áo khoác. Ngày đi làm cuối cùng trước Tết, nó lì xì cho văn phòng, tôi để lại trên cặp nó, không nhận cũng không nói năng gì. Thế rồi nó nhắn tin cho tôi: “ Em giận gì anh à? Qua năm mới anh em vui vẻ làm việc nhé”. Đọc tin nhắn tôi càng thêm căm phẵn, tôi hận không thể lao vào cấu xé nó. Nó thậm chí còn không biết bản thân đã làm gì sai, không hề biết đã làm người khác tổn thương thế nào? Thật bất công và trớ trêu làm sao, trong khi nạn nhân cố gắng vượt qua nỗi đau tinh thần, thì thủ phạm lại sống ung dung tự tại.
Có thể khi xem những đoạn phim, video,…nhiều người sẽ thấy nạn nhân không phản ứng gì lại với hành động bị quấy rối, họ sẽ bảo “nhỏ này thật ngu, bị vậy mà đứng im cho nó sờ, hay đang tê sướng quá nên im luôn, gặp tao thì thằng đó xác định bầm mặt rồi,…”. Thật sự thì tôi đã thấy rất nhiều bình luận như vậy dưới một đoạn phim ngắn, tôi đọc mà sót xa cho nạn nhân thật sự. Khi ở trong tình cảnh đó bạn mới hiểu được, một phần nạn nhân bị sốc, họ chỉ có một mình, họ rất sợ, tâm lý đang cực bất ổn thì làm sao có thể dùng lí trí để hành động nhanh chóng và chuẩn xác được. Và hơn nữa, sức của một phụ nữ làm sao so được với những thằng đàn ông mất tính người, đang dùng hết sức lực để tấn công. Chưa kể những kẻ sàm sỡ còn rất khốn nạn và đê tiện, chúng sẽ giả vờ như vô tình chạm phải, chỉ hai đến ba giây, bạn chưa kịp phản ứng lại thì hắn đã xem như không có chuyện gì, lúc đó nếu la lên thì ai sẽ làm chứng cho bạn, hay mọi người sẽ nhìn săm soi bạn và coi bạn như kẻ tội đồ. Tôi từng bị sờ đùi và mông khi ở đám đông, nhưng khi kịp định thần và quay lại ngay thì đã không thấy những kẻ đó đâu, cảm giác tủi nhục và bất lực đó kinh khủng lắm mọi người ạ. Rồi tôi lại nghĩ đến những cô gái bị hiếp dâm tàn bạo, những em bé bị yêu râu xanh cướp mất tương lai,…Họ còn cảm thấy kinh khủng như thế nào nữa, đã vậy họ còn bị đổ lỗi và bị bôi nhọ.
Niềm an ủi duy nhất của tôi là được cô bạn thân hiểu. Khi tôi kể ra, bạn tôi hùng hổ chửi rủa nó, tức thay cho tôi. Lúc đó thật sự tôi thấy vui lắm vì cũng còn có người đứng về phía mình. Cô ấy an ủi tôi, bảo tôi không phải là người có lỗi, tất cả là lỗi của tên khốn kia. Thật sự, những câu nói tưởng chừng đơn giản như vậy, mà đến giờ tôi mới được nghe, những câu nói đó khiến tôi được cứu rỗi, tôi lại khóc, nhưng khóc vì mừng, vì được đồng cảm.
Đã qua ba tháng trôi qua, tôi nộp hồ sơ cũng gần mười công ty, mà không nơi nào gọi. Muốn trốn chạy cũng không được, không đi làm thì không có tiền để trang trải cuộc sống. Thế nên hàng ngày tôi vẫn phải đến công ty, đối mặt với nỗi sợ. Nhiều lúc tôi nghĩ rằng: Chắc là do mình từng có suy nghĩ đổ lỗi cho nạn nhân, nên mới gặp phải chuyện như vậy, để bản thân nhận ra mình từng tàn nhẫn như nào. Cũng may là tôi chỉ suy nghĩ thoáng qua khi đọc bài báo, chứ không thốt ra lời, cũng không để lại một bình luận nào như vậy trên mạng xã hội. Chứ nếu như nạn nhân đọc được, thì tôi đã trở thành đồng phạm đẩy họ đến đường cùng.