- Ông 81 mới đổi mặt hàng. Có cái rượu hay lắm.
Trước cái chõng, ngọn đèn hoa kỳ nhoè nhoẹt. Cũng không ai để ý những bày biện mới, lọ lạc rang lại lọ kẹo bi xanh đỏ nhờn nhợt, quà dỗ tiền trẻ con. Ông lão đương cù rù, lẩn mẩn bóc củ hành khô. Vỏ hành kêu tanh tách như bật ngón tay. Cái chảo mỡ bắc ngay cạnh. Đậu nghệ chấm muối hay đậu rán, những mặt hàng mới. Thêm mấy cái ghế lõi giấy ép cuộn chỉ nhà máy sợi bên gốc cây đã xây vuông viền quanh thành cái bàn. Bập bênh như chiếc ghế ngất ngưỡng trước quầy rượu, cũng hay hay.
Tôi nói:
- Ra cái ông 81 này đã làm bồi cho Grapphơi ở Huế, ông Nguyễn ạ.
Nguyễn Tuân gật gật:
- Grapphơi công sứ Trung Kỳ.
- Tôi mới nghe ông ấy kể.
Chờ đợi sự ngạc nhiên, nhưng Nguyễn Tuân chỉ ừ thế rồi nhìn bộ quần áo nâu bạc của ông lão đồng chiêm xa lạ. Ông lão mọi khi cứ lặng lẽ lúc có khách, tự dưng bỗng bật nói:
- ở Huế làm bồi, tôi kiêm cả chân bếp. Chả là mỗi lần cả nhà nó đi pích ních, Bạch Mã tôi phải lo các thứ, đâm ra thạo. Miếng giăm bông hun khói tôi cũng làm lấy được, khét bỏ mẹ lại khen ngon. Người Tây lắm cái ngược đời, còn An Nam mình thì khôn ngoan, hay xỏ ngầm. Thế mới chết chứ. Tôi làm ăn lương gấp rưỡi. Nấu nướng cho Tây chẳng khó như cao lâu Tàu. Hành mỡ phi thơm lừng, Tây nở mũi, thế là khen buồng. Các ông để ý xem, hèn nhất là cái mặn muối, thế mà Tây ăn cứ phải có lọ muối trắng như bát hương mả tổ nhà nó để giữa bàn. Động một tý lại rắc muối, thế thì mất hết mùi vị, các cụ nhà ta kén đến hàng chục loại nước mắm vẫn còn chưa bằng lòng kia mà.
Câu chuyện của ông lão quê mùa mỗi lúc một sang trọng phố phường, bắt đầu từ Huế lên Bạch Mã đến khi Grapphơi hết hạn ở Đông Dương về Pháp đem theo cả thằng bếp giỏi. Thế là tôi phú bà đầm nhà tôi về quê, bảo là cho tôi đi kiếm cái vốn. Tôi đi xêlibạt ba năm bôông bêêng bên Tây. Các ông ạ, nói thực chứ ngủ với đầm chán bỏ xừ. Nó bắt phải đùa cả đêm, nhọc lắm.
Thế là ông lão hơn đứt chúng tôi rồi. Cao hứng, Nguyễn Tuân chốc lại hỏi một câu về núi Bạch Mã, chén rượu để vào vè gốc cây sấu đã cạn từ lúc nào. Phong tục và khách khứa ở những quán còm cõi chủ hàng hay đuổi khéo khách không uống thêm mà còn bè nhè, thế mà ông lão vẫn để yên. Những câu chuyện của ông 81 đã làm chúng tôi lẫn lộn gốc sấu, gốc xà cừ, gốc cây sữa với những gốc thông và bậc đá tảng boongalô trên Bạch Mã. Tôi ngồi hớp những chuyện trên vùng núi nghỉ mát ấy và chuyện chơi bời bên Tây mà tôi chưa được biết đến bao giờ, chỉ nghe cũng như thuộc. Ông lão 81 vẫn bóc hành. Bây giờ tôi mới để ý bàn tay bồi bếp suốt đời ấy to bè bè, mỗi ngón như trái chuối mắn khác hẳn khổ người thấp bé, gày úa. Gia vị chuyên có củ hành Cái hành củ già mới hăng, không như hành hoa, hành lá nhạt thếch. Rồi khách hàng cũng đâm ra nghiện hành khô theo chủ quán. Các ông ạ, hôm nay có ngầu pín. Từ dạo chú khách ngoài phố Huế đóng cửa món cháo ngầu pín, thỉnh thoảng ông 81 xuống lò mổ mua chui được mấy cái. Da bò, thịt tái và dái trâu dái bò hồi này hiếm hẳn. Nghe nói mậu dịch thu mua, da thì vào nhà máy thuộc da, còn ngầu pín để xuất khẩu đi Hồng Công. Lão 81 hay khoe của lạ, mà không bao giờ vui chén với khách.
Lão chỉ nhìn người ta uống và đợi được khen hành phi thơm sực mũi. Lão giữ đúng quy lát nhà bếp nhà bàn có cái thú ở sự ngắm người ta thưởng thức - Nguyễn Tuân bảo thế. Nhưng vẫn rôm rả chuyên Bạch Mã và bên Tây. Mỗi câu đối đáp như nói cho mình nghe. Lão ấy cũng khoái nhớ chứ! Nhớ vui hay nhớ buồn, nào biết được với lão. Có lần tôi nói với Thanh Tịnh khi đọc những hồi ký ông viết về thời làm nghề hướng dẫn du lịch rằng ông nhớ lâu quá, Thanh Tịnh sáng tác ra một câu ngạn ngữ, nhớ lắm, khổ nhiều. Ôi tội cho những người nhớ lâu.
Chúng tôi đưa một khách Ba Lan ra ngồi gốc cây ở đấy. Nhà văn Dukôpsky đã lên mặt trận Điện Biên nhưng A.Covanepsky, nhà văn Ba Lan này đến Việt Nam khi hoà bình đã lập lại. Ông nhà văn hình thù cổ quái ấy chuyên viết phóng sự về đời sống loài vật. Covanepsky đã ở rừng châu Phi, đã qua suốt mùa hè trên ngọn sông Amagiôn và ở cả năm trong vùng muỗi rừng đương khai hoang mở đồn điền chuối bên Braxin. Ông đã lặn lội hầu khắp rừng núi thế giới, chụp ảnh và viết về những con vật kỳ lạ. Cơvanepsky đã bảy mươi lăm tuổi, thế mà bạn đọc ông nhiều nhất lại là thanh thiếu niên.
Ông đến làm khách của Hà Nội cuối tháng chạp. ở lại tết Nguyên Đán, mấy khi được ăn cái tết cổ truyền mùa đông ở một thành phố nhiệt đới, nhưng Cơvanepsky lại muốn đến xem mùa xuân tận nơi rừng thẳm có muông thú hoang dã. Ông lên Lai Châu. ở tỉnh lỵ, tết xoè Mường Lay trên các nhà sàn cũng không quyến rũ nổi ông. Ông đã cưỡi bốn ngày ngựa lên Mường Tè. Những địa danh Mường Thanh, Lũng Cú, Mường Tè, Mèo Vạc, ngay đối với người Việt Bắc cũng tận đâu đâu.
Trời rét ngọt, gió cuốn dưới lòng đường lên như cắn vào mặt. Chúng tôi vác đến một chai rom Sanh Giam mua ở khách sạn Mêtrôpôn. Uống cà phê bít tất pha rượu hảo hạng Nhưng không ai lưu tâm cà phê hạt muồng với cái rượu ngon nhất nước Pháp mà là ngồi ở chỗ này để tưởng tượng ra đồng không mông quạnh cho ông nhà văn rừng rú quê ở châu Âu ấy trò chuyện. Ông kêu chán phòng ăn, phòng ngủ khách sạn từ hôm ở Mường Tè về. Ông đòi đổi khách sạn Mêtrôpôn cho ông đi ở nhà sàn. Kiếm đâu ra của hiếm ấy ở đây.
Nhưng rồi vài hôm đã quen lại dần. Cây sáng kiến ăn chơi Nguyễn Tuân nghĩ ra cách tối ấy đưa khách ra ngã sáu. Vừa đẹp trong ý nghĩ chúng tôi. Cái lão nhà văn thế giới Cơvanepsky này có thể được gợi hứng thú khác. Rằng ở giữa nơi chơ vơ trông nghiêng qua mặt đường nhựa phẳng lặng bóng ngọn cây cao cao đằng xa, ánh đèn lốm đốm nhứ đêm sa mạc. Tôi đã cưỡi lạc đà qua sa mạc Gô bi, vào Mông Cổ. Nhưng chưa được tới nơi nào như Mường Tè - Ông cười, một chiếc răng hổng. Có điều không nơi nào như Mường Tè, ông vừa kể lại và đưa tấm ảnh chụp ở sân huyện uỷ.
Cơvanepsky vịn vai một con gấu ngựa, gấu thật. Con gấu áng chừng hai ba tuổi cao to bằng người. Hai chân sau đứng, một chân trước đặt lên vai áo. Một tay ông nhà văn, ông già tuyết Nôen để trên đầu con gấu.
- Không phải gấu độn rơm của thằng thợ ảnh ở vườn hoa các nước châu Âu. Gấu thật. Tôi chưa được thấy đâu nuôi gấu trong nhà. Đến bữa ăn, gấu ngồi chầu gầm bàn, nhặt cơm vãi. Lạ nhất thế giới!
Tôi không dám nói, làm ông cụt hứng. ở giữa thành phố này người ta cũng nuôi gấu, mua bán gấu như chó con. ít lâu sau, tôi trông thấy con gấu Mường Tè ấy ở một trang họa báo Ba Lan của một ông nghề chào hàng phụ tùng ô-tô đem đến. Nguyễn Tuân vốn thích tranh áp phích Ba Lan. Ông chào hàng mới quen này lại là một ông Ba Lan. Cũng chuyện thường ngày mà lạ, cái ông chào hàng bỗng nhiên chúng tôi quen. Hôm ấy, sân khấu ngoài trời Nhà hát Nhân dân diễn tuồng hồ quảng tích Lương Sơn Bá Trúc Anh Đài của một đoàn hát Quảng Tây sang. Chúng tôi đi xem, tình cờ ngồi cạnh một người Âu. Trong lúc đợi mở màn, ông ấy đã mau miệng tự giới thiệu. Biết tiếng Pháp, tiếng Anh, Mariam Stvensky người của hãng sản xuất phụ tùng ô-tô du lịch chuyên đi chào hàng. Nghe đệm họ Mariam, đã biết là một người Do Thái Ba Lan. Ông nói lần đầu tôi đến Việt Nam. Lần thứ hai tôi đi xem nghệ thuật kịch Việt Nam. Nguyễn Tuân bảo là tuồng Trung Quốc. Ông Stvensky nhất định rằng đây là kịch hát Việt Nam. Hôm nọ tôi được xem rồi. Có những người tốt bụng, nhưng tính ương bướng thế. Không thể lay chuyển được cái điều lão đã đinh ninh.
Nhưng lão rất vui, nhận lời hôm sau lại gặp nhau để tiếp tục tranh luận xem vở kịch hát là của Trung Quốc hay của Việt Nam Gặp cái lão gàn dở vô lý cù không cười kiểu Saclô, Nguyễn Tuân tỏ ra thú vị. Chúng tôi hẹn Mariam đến nhà Buđa. Buđa ở phố Hồ Xuân Hương yên tĩnh, lại ở một mình, tha hồ nói to. Thực đơn: chai rượu vang của Nguyễn Tuân, lão kia sẽ đem đến rượu vốt ca Ba Lan và xúc xích hun khói - đúng khẩu vị Nguyễn Tuân và kết thúc bằng bát cháo gà ở ngã sáu dốc Hàng Kèn gần đấy. Buđa không biết lão Mariam, nhưng tôi đến đặt tiệc thế, Buđa nhận lời ngay.
Comments