Chương 2.2

Ả Yu
Ả Yu
truyện tận phết
____________
Chẳng ai bảo đảm người vào tổ 18 ấy là một bọn hay một cánh, nhưng cứ ang áng biết thế, và cái kiểu hiểu như bên Trung Quốc kiểm thảo nhóm Đinh Linh đã xuất hiện cụm từ đầu mày cuối mắt thì dù chẳng nói một câu, cũng là cánh, cũng cho được vào xiếc một bọn rồi. Cùng liên quan, liên quan một nỗi buồn mà thôi. Nhiều hôm tan họp tối, đạp xe về trong thành phố, tạt vào cái Hà Nội 36 phố phường ăn chơi cũ, lông bông khuây khoả đôi chút, sáng mai lại lóc cóc xuống lớp học dưới ấp sớm. Chẳng ai dư dật, nhưng thời ấy đồng bạc có giá, hôm nào cũng đóng vai khách hẩu của gánh cháo gà lão giải phóng quân, gói cơm rang bọc lá sen quán Tiểu Lạc viên, phở Lâm rồi cà phê lão Ca. Cái khu lúc nhúc này vẫn riêng một phong vị, dẫu cho những năm gần đây đã tàn tạ nhiều. Những cao lâu lớn Đông Hưng, Tây Nam, Nhật Tân không còn cái nào. Các chủ hiệu sang trọng này trước kia hẳn là đặc vụ Tưởng Giới Thạch, là cánh Uông Tinh Vệ là mật thám hai mang bên Tàu bên Nhật. Hàng quán và cả con người bị xoá đi theo giông bão của lịch sử. Chỉ còn lại cao lâu Mỹ Kinh mới mở vài năm trước đảo chính Nhật, cùng với những quán cơm tám của người ước Lễ, thì nay Mỹ Kinh đã hoá nhà hàng quốc doanh, được đeo cái tên của thời cũ, còn nhớ thời ấy trộm cắp như rươi, chiếc đĩa đựng bánh ngọt phải bắt đinh vít xuống khay. Mấy năm Tây vừa trở lại, tửu quán Siêu Nhiên, Lục Quốc và Nguyên Sinh mới mở. Siêu Nhiên đặc sản món óc đậu nhồi, ngon được tiếng. Chủ đã di cư, cũng như nhà Lục Quốc phố Huế, cánh nhà bàn nhà bếp đứng ra hùn vốn. Nhưng cũng chẳng mấy khi vào Siêu Nhiên, Lục Quốc, chúng tôi chỉ ngồi vỉa hè tường rạp Chuông Vàng, nghe tiếng phèng la tích cải lương La Mã diễm huyền. Như cảnh la cà hàng quán dưới ngã sáu dốc Hàng Kèn mà bây giờ đêm hôm người qua lại nhiều, không ngồi lan xuống lòng đường được nữa, ông 81 thụt hẳn vào trong nhà, gánh cháo bác Chữ thì quảy về cạnh cửa chợ Hôm, cũng tan trò. Nhưng ở vùng ăn chơi lâu năm trên này, hè và đường lẫn lộn, người đi dong đông hơn khách xem cải lương Kim Phụng, chèo Lạc Việt. Tiệm cà phê Phúc Châu như đám chọi gà. Cô Tàu ngồi két váy đen, thắt lưng to bản đen bóng nhoáng mết Đài Loan đương thịnh hành. Khói thuốc lá lùa ra cửa sổ như ống khói tàu thuỷ phun xanh mờ. Bốn bên trong nhà cũng như ngoài phố, la liệt lao xao, đàn sáo nhị réo rắt, cò cử, tiếng rao bát bảo lèng xà, lục tào xá, người nườm nượp, nhiều nhất cán bộ miền Nam tập kết.
Tôi nhớ ngày xưa cũng đông na ná thế. Năm tôi sáu bảy tuổi, ngày Tết, thường theo các dì tôi ra Kẻ Chợ xem hát bói tuồng đầu năm ở rạp Quảng Lạc - mà ngõ Sầm Công, quen gọi là ngõ Quảng Lạc, cái quán Tiểu Lạc viên bây giờ ở trong hẻm này. Mồng hai, mồng ba tết năm nào rạp Quảng Lạc cũng diễn tuồng tích Giang tả cầu hôn cho người năm sớm bói lấy may. Trên cửa vào trong rạp, bàn thờ thần tài dán giấy điều trang kim khói hương ám đen kịt cả vành khám. Tuồng có vai Quan Công mặt đỏ bồ quân, râu đen từng chòm tuôn xuống. Quan Công ra, cả rạp im rùng rợn, thành kính đốt vàng hương vái lên sân khấu. Khi lớn, tôi một mình đi xem phim kiếm hiệp Tàu chiếu ở rạp Hiệp Thành, rồi rạp Tố Như, bây giờ là Chuông Vàng Thủ đô, trước cửa, gắn tấm bảng đá ghi chiến tích đội quyết tử liên khu 1 đã được thành lập ở đấy giữa 60 ngày đêm Hà Nội chiến đấu trong vòng vây. Phía Hàng Da, ngõ Yên Thái, cũng như ngõ Sầm Công, những phố hẻm có nhà chứa, không hiểu tại sao lại gọi là nhà thổ, mà người ta nói lóng tiếng Tây bồi là medông đờ te (nhà đất). Trên tương đầu phố treo hộp đèn kính sơn đỏ nhoè nhoẹt. Khách chơi biết đấy là dấu hiệu trong phố có ổ gái điếm. Đi nhà thổ trả tiền giờ, nửa giờ, trò tiêu khiển mạt hạng, người đứng đắn không dám bước chân vào cái dãy phản bày bán người ấy. Cô nào cũng lông lá cạo nhẵn, trắng nhễ nhại, hãm tài lắm. Bần cùng, cánh thợ xẻ, thợ nề cũng chỉ thậm thụt chốc lát, chứ chẳng mảy may ham hố, đắm đuối. Chập tối, các cô nhà thổ quần áo trắng hồ lơ, mặt bệch tròn chảy trễ, ngồi một loạt trên cái ghế dài trước cửa ngóng ra, vây vây ơi ới người đi qua. Thấy quen thì chạy ra, kéo lại ở làng tôi, những anh thợ còn táo tợn, ngày phiên có tiền xuống phố chơi nhà thổ, hôm sau về phải nghỉ dệt, nằm đờ cả ngày, con ruồi đậu mép không buồn xua. Tôi không dám lảng vảng đến những cái ngõ nhầy nhụa ấy. Chỉ vì sợ bệnh. Nghe nói thuốc nớp xăng cát tó hiệu nghiệm, nhưng đắt. Cũng chưa thấy bao giờ, chỉ nghe nói phải đâm mũi tiêm vào dái, đau lắm. Thời áy, tim la, lậu, giang mai, ai mắc những bệnh xấu hổ thì chỉ muốn chết. ừ, Nguyễn Tuân hay dạo mấy phố này lại có thể cũng vì những cái nhớ. Nguyễn Tuân được sinh ra và nhớn nhao lên ở Hàng Bạc. Phố Hàng Bạc, số nhà 49, năm 1910 - Nguyễn Tuân ghi lại như thế ở mép một quyển sách Hướng dẫn du lịch Ba Lan, có lẽ vì đương đọc chợt nghĩ đến một kỷ niệm. Trong quyển Đường phố Hà Nội của Nguyên Vinh Phúc tặng, chỗ phố Hàng Bạc và ngõ Gạch, Nguyễn Tuân đề bút chì đình Cổ Lương ngõ số 28 án sát Siêu và câu ca dao về phố phường ấy, dễ chừng ông đã thuộc từ tuổi thơ. Nên ra thì múa tứ linh Không nên thì lại nằm đình Cổ Hương Lão hàng cháo gà giải phóng quân, cũng là cái tên của Nguyễn Tuân đặt cho. Ông Tàu ấy to cao, khệ nệ, đội đúng cái mũ ka ki của Bát lộ quân ố vết mỡ đã úa vàng màu nước dưa. Hàng ông bán muộn, nhiều tôi ở dưới ấp về vẫn còn gánh hàng sáng đèn giữa mấy chiếc ghế xếp lỏng chỏng trên hè. Lão giải phóng quân lầm lì chẳng mấy khi hé răng. Cũng hợp, chúng tôi lặng lẽ. Chẳng ai nói một câu, thế mà lúc nãy ở tổ, gay go đốp chát nhau ra trò. Vẻ mệt mỏi hiện nên nét mặt từng người. Tôi nhận ra Nguyễn Tuân đến hàng cháo gà này còn vì ông giải phóng quân có lọ xắng xấu Nam Ninh chính hiệu thơm và béo ngậy mùi vừng. Bát cháo lót cải cúc của Nguyễn Tuân được lão cầm lọ xắng xấu vảy lâu hơn bát của tôi. Rồi nở nụ cười nhà hàng, lão đút lọ xắng xấu vào trong ngăn kéo - ai không biết thì thôi chứ chẳng phải ai cũng được nhà hàng cho nếm mùi đâu. Vẫn là chăm chú cái mình thích, mình muốn, một giọt xắng xấu hợp khẩu vị, một câu văn hay gạch đít, một chuyến đi... Có hôm, vào Tiểu Lạc viên ăn cơm rang bọc lá sen. Ông chủ Tiểu Lạc viên này là tay nhà bàn hảo hạng. Khách đông cũng vì cái duyên lão ta. Hỏi các món khách dùng, rồi nhanh nhanh đũa bát thìa đũa và gia vị ra bày trước mặt từng người. Đôi mắt kính lấp lánh, cái câu có ngay, có ngay luôn miệng như hát. Thực khách vào bàn, tuy chẳng thấy có ngay ở đâu, nhưng được cái cảm tưởng món ăn món nhắm sắp bưng ra.
Lão Tiểu Lạc viên tri kỷ vì chúng tôi biết thưởng thức món cơm rang bọc lá sen lão khoe nhất Hà Nội, không nhà nào còn làm được đúng kiểu cách thế. Lão chỉ mới ngước kính, chưa hỏi, Nguyễn Tuân đã gật đầu, đưa thưởng một điếu thuốc lá Thủ Đô hiếm. Thế là đã biết khách lại xơi món quen. Lão hô có ngay, có ngay rồi đặt bát đũa bày ra bàn. Nguyễn Tuân nói, vừa nghiêm vừa đùa: - Này, không cần có ngay đâu nhé! Lão cười, nheo mắt. Sang bàn bên, hỏi khách xong, chưa bước vào cửa bếp, đã: Có ngay! Có ngay! Có ngay! Phải, cơm rang bọc lá sen thì có ngay sao được. Xong một tuần rượu suông, món nhắm mới ra - chỉ gọi độc một món ăn, cũng như nhắm. Kể thì người ăn xô bồ bây giờ chẳng mấy ai thiết chờ đợi các thức lích kích này. Gạo tám thổi niêu đất chín rồi đổ vào chảo rang, được rồi lấy chiếc lá sen khô lót xà xíu, vịt quay gỡ xương chặt miếng rồi đổ cơm rang vào, buộc khéo cái lạt. Nhà bàn bưng ra túm lá đặt trên đĩa. Mở ra, hơi cơm, các thứ xì dầu, thức ăn toả lẫn mùi lá sen già đầu thu. Một năm, về Hưng Yên, tham quan đào kênh thấy sân kho các hợp tác xã phơi đầy lá sen, hỏi bảo lá sen khô để xuất sang Hồng Công (Nguyễn Tuân xin về mấy cặp lá). Những chiếc lá sen già sẽ được xuất đi Hương Cảng để gói món cơm rang bọc lá sen ở các hiệu cao lâu. Cũng có thể ấy là những lúc Nguyễn Tuân nhớ khi xế trưa vắng khách ngồi trên lầu nhà Đông Hưng thang gác vàng giữa phố Hàng Buồm. Nguyễn Tuân kê giấy lên bàn ăn, những tờ giấy trên góc in cánh buồm Gió đã lên. Tiểu thuyết Thiếu quê hương đăng báo Hà Nội Tân Văn của Vũ Ngọc Phan được viết từng kỳ một ở cái bàn ấy. Người tuỳ phái đến lấy bài đã đứng trực. Nhà in Trung Bắc ở phố này, bên kia đường. Viết xong chữ cuối, người tuỳ phái cầm tờ bản thảo xuống khuất, cũng là lúc nhà văn gọi phổ ky đem đến bữa trưa, be rượu bồ đào uống mấy chén ngữ và gói cơm rang bọc lá sen. Lại một sự mang mang hoài cổ. Cái cơm rang lá sen thơm tối nay ở Tiểu Lạc viên còn có thể bắt đầu từ gói cơm rang thập cẩm ở những quán ăn cò con trên đường Cáo Đạo giữa cái phố khúc khuỷu bậc đá bên Cửu Long Hương Cảng đêm ba mươi tết Đinh Sửu 1938. Chúng tôi chỉ quý và chiều nỗi nhớ của Nguyễn Tuân mà chịu khó bắt chước kề cà với các món cầu kỳ ấy. Nguyên Hồng đã sinh sống ở thành phố cảng có cả một phố Khách, tỏ vẻ thành thạo khen mùi lá sen, đoán già là những cái lá sen hồ Tây. Mỗi đêm dưới ấp về, bộ dạng Nguyên Hồng cũng chẳng khác đi đâu ban ngày. Trên ghi đông đặt cái cặp đúp chứa bản thảo. Sau yên xe buộc một chồng báo Văn. Mọi khi, chỉ kè kè cặp bản thảo, giờ thêm lô báo Văn từ số 1. Nét mặt hăm hở lẫn lộn đăm chiêu với những tờ báo Văn như một lá đơn để trình bày các nơi. Nhiều cuộc phê Nguyên Hồng, tôi không thể nhớ xiết lần nào cụ thể. Chỉ nhớ báo Văn đã phải xỉ vả là hữu khuynh, bị lũng đoạn. ở đâu, họp tổ hay liên tổ hay lên hội trường; Nguyên Hồng từ từ, cẩn thận, trịnh trọng đặt tập báo trước mặt. Nguyên Hồng nói: - Tôi làm báo không kể giờ giấc, không quản thức đêm thức hôm, tôi bỏ hết sáng tác, cố làm cho kịp. Suốt tuần tôi bận bịu về nó hơn con mọn, bỏ ăn bỏ uống vì nó... thế thì làm sao tôi lại có thể sai... Tôi đấu tranh thực hiện đường lối văn học nghệ thuật của Đảng... Tôi hết tâm hết sức vì nó, tôi không thể, tôi không thể sai... Như người ốp đồng, không biết đương còn tỉnh bay đã mê, Nguyên Hồng để một bàn tay lên chồng báo, to giọng đến bật khóc, vừa mếu máo vừa nói tiếp, nước mắt ròng ròng, hai tay mê mẩn xót xa vuốt mép tập báo. Cái lý lẽ cùng đường và những dòng nước mắt đã khiến những ai đương phê bình anh cũng không biết tiếp tục phân tích thế nào nữa. Bảo dối trá thì không ai nỡ, không ai dám hạ đòn ấy. Cuộc nào cũng tương tự, những chữ boong ke, ngoan cố, không đúng với quang cảnh sầu não thiết tha của người bị phê bình.
Chúng tôi ngồi góc bàn đằng kia. Lão Tiểu Lạc viên đã đem bát đũa, thìa với tương ớt đến. Lão này vừa là chủ, vừa là tớ trong cái phòng ăn con con kê ba chiếc bàn nhỏ. Chim quay Tiểu Lạc viên cũng được tiếng. Chẳng biết nhà hàng vô tình hay cố ý để những cái bàn khập khểnh tạm bợ. Chắc là cố ý thôi. Các hàng quán này cứ chập chờn chưa biết lúc nào bị đóng cửa. Trễ nải, tàn tạ, người ta chỉ bày biện qua loa, cốt làm ra thế. - Có ngay! Có ngay! Lão Tiểu Lạc viên bước ra, bỗng im bặt, quay lại, nhìn quanh, rồi hỏi: - Các ông có cái mùi... Không ai bảo ai, mọi người chú mục vào Nguyên Hồng vừa đặt lên góc bàn mở gói giấy báo bọc thịt chó và lập cập nói: - Nhắm cái này trước đã! Nhắm cái này đã! Thoạt trông cũng biết không phải là gói nguyên: Chắc trưa nay Nguyên Hồng đã đánh chén ngoài ấp còn thừa thì cầm đi nốt. Hổ lốn thịt luộc, lòng gan trộn với húng, riềng, cả đùm con con muối tiêu. Lão Tiểu Lạc viên đã nhìn rõ gói thịt cầy. Lão cau có hầy một tiếng, tan biến cả vẻ hớn hở có ngay vừa rồi. Lão chắp tay, rầu rĩ như khấn: - Ông ơi, ông mang nó ra ngoài kia, mang ngay ra ngoài kia... Chúng tôi biết những người buôn bán kỵ cái thịt hãm tài này - nhất là người Trung Quốc. Dường như thấy nó thì đã đánh hơi được cái mùi con ma xúi quẩy. Lão lại nhăn nhó: - Giết nhà hàng rồi. Các ông không được, không được lớ! Lúc ấy, hai bàn bên cũng quay sang. Cười nhăn nhở rồi họ lại cúi xuống ăn. Lão Tiểu Lạc viên đến góc nhà cầm một nắm hương châm cắm vào men tường trong chỗ dán tờ giấy điều trang kim đã xạm xỉn một nạm chân hương. Khói hương bốc mù căn phòng chật chội. Rồi lão bước lại phía chúng tôi, xốc kính, mặt hầm hầm, không hiểu lão định làm gì. Nguyên Hồng, đứng lên, giơ tay: - Phổ ky! Câm đi! Nguyên Hồng lật đật gói lại bọc thịt chó, bỏ vào cặp. Nước mắt lưng tròng, nói: - Lúc nãy ở tổ chúng nó đòi đuổi ông, bây giờ thằng Tàu này lại đuổi ông, tỉu cái nhà ma lớ! Nguyên Hồng cung cúc bước ra, lấy xe đạp. Cũng chẳng ai buồn gọi lại. Đã biết tính nhau nhiều. Mấy năm sau, một lần Bùi Hiển, Nguyên Hồng và tôi chén thịt chó Chữ Hàng Bè rồi vào quán cà phê lão Ca. Vẫn Nguyên Hồng cầm bọc giấy gói mấy miếng thịt chó thừa, đặt lên góc bàn. Lần này, cái gói kín đáo, nhưng tôi vẫn ngài ngại. Lão cà phê Ca không có nhà. Vợ lão trông hàng. Tự nhiên, bà ấy đứng lên đến chỗ cửa nách châm nén hương vào khám thờ thần tài dán giấy điều. Linh tính tôi đoán người đàn bà Tàu đã đánh hơi thấy mùi lạ. Như chọt nhớ ra, Nguyên Hồng đã tinh ý bỏ gói vào cặp. Mấy hôm sau, trở lại Tiểu Lạc viên, lão có ngay lại ngước mắt kính cười cười, đưa ra bát đũa và chén tương ớt - Nguyễn Tuân bao giờ cũng gọi là lạp chíu chương. Lão xoay cái đuôi thìa cẩn thận đặt trước mặt Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng. Thêm hai miếng chanh cho Nguyên Hồng. Nhà hàng đã thuộc ông khách có thói quen vắt chanh, lại đổ dấm vào đĩa húng rau để sát trùng. Đến tận hồi chống Mỹ, Tiểu Lạc viên vẫn đông khách thế. Một lần kia, đến thầy bà Tiểu Lạc viên mọi khi đương nằm cái giường gấp ở gian trong. Tiếng trẻ mới sinh khóc oe oe. Hỏi thăm thì ra lão Tiểu Lạc viên đã ngất đi, chết nửa đêm giữa lúc máy bay ném bom cầu Long Biên cuối tháng trước. Người vợ đã lấy chồng khác. Ông Tàu này gày lom khom. Nào biết đứa trẻ ấy con ai. Đã lâu không đến, không tiện hỏi. Trên mặt kính cái tủ con đặt ngoài cửa vẫn ba chữ Tiểu Lạc viên sơn đỏ. Cửa hàng mở, nhưng hiu hắt, vắng vẻ. Đến năm nhiều người Trung Quốc bỏ thành phố đi, bà ấy với người chồng sau ra Cát Hải vượt biển. Nghe nói thuyền chuyến ấy đi bị đắm, chết cả. Những đêm mưa rả rích gợi cái thú quán cà phê lão Ca. Thường đến lão Ca vào lúc nào, chắc là khi đã ngà ngà ở Tiểu Lạc viên hay hàng bánh cuốn chú Hồng Lâm ra. Nhưng cũng có buổi chỉ đến đây. Trong ngõ ngách này, chúng tôi lui tói mấy quán, không đậu lại đâu. Phúc Châu tiếng tăm, nhưng tạp. Chen vai thích cánh, những võ sĩ đai đen thập đẳng, ngũ đẳng hay các ông cá mú trụ ở góc bao quát, hay một tay cướp ngày lẳng lặng ngồi xuống, rờ túi ngực, túi quần vờ tìrn cái bật lửa. Nó đang ngắm cô Phúc Châu thắt lưng đen bóng hay nó sắp rút dao găm dí xế dưới sườn rồi thản nhiên đưa con mồi ra ngách ngõ lên Hàng Đào, hỏi mượn cái ví và cái đồng hồ. Quán Lý Hảo thì ấm cúng hơn. Chỉ phải cái mụ Lý ăn nói đối đáp và cử chỉ như tập thể dục trước mặt khách. Chả là Lý Hảo, đương kim thể thao lướt ván nữ loại một. Hội hè nào cũng giật giải nhất đứng đầu sóng hồ Hoàn Kiếm. Thằng chồng mặt vuông Nhật Bản, như Ai Nguyên An Nghệ. Nhưng nó là người Quảng Châu, chỉ bưng cà phê và cười ruồi. Mất vui, cũng chẳng lý thú, bởi nhà này ít chuyện. Cà phê Ca chưa mấy quen như rồi sau chúng tôi đến nhiều hơn. Lúc đầu chỉ nghe mang máng trước kia lão Ca ở trên Hà Giang, làm nghề đuổi ngựa buôn cho nhà chúa đất Vương. Còn tôi để ý chỉ vì thấy ngồi trong hàng một người đàn bà luống tuổi, mặt buồn rười rượi. Có hôm thoáng sau chiếc bình phong con công đỏ gắt, cái áo xường xám xa xưa màu cánh chả xẻ tà xoè ngang đầu gối. Cứ hao hao người con gái ngày xưa ở nhà gác đầu đường Cổ Ngư hồ Tây mà sáng nào tôi cũng đi học qua. Ai khi tuổi ấy chẳng trông thấy bao nhiêu bóng đẹp thấp thoáng và mộng mơ. Không hỏi có phải trước kia nhà bà ở đầu ô Yên phụ, tôi chỉ lặng im cho mình được đinh ninh. Tưởng tượng vun thêm vào làm cho không phải cũng thành phải. Nếu bà ấy nói: Vâng, tôi là vợ tông Ca. Lại càng khó hiểu, thế thì phải từ Hà Giang xuống. Như vậy, lại hoá ra buồn. Thôi cứ mơ hão vậy. Cà phê phin nhà Ca nhạt đường, hợp chúng tôi mà Nguyễn Tuân khéo tưởng tượng là có vị rừng. Chưa biết rừng Hà Giang có cà phê hay không. Chỉ Nguyên Hồng đã bị hai năm an trí căng Bắc Mê rõ đôi chút chăng. Nhưng Nguyên Hồng chẳng khi nào kể lại về nhà tù chính trị đi đày ấy. Chỉ nghe một người tù Bắc Mê khác tả Nguyên Hồng đi làm cỏ vê, đi lấy củi cũng đeo mấy cái ống bơ đằng đít, cái đựng muối, cái để cơm nguội và lủi thủi một mình.
Giáo Thịnh dạy trường Yên Thái ngày trước mà. Hôm nào đến chơi. Chỗ kia kìa, nhà bánh cuốn. Thế thì biết rồi, hàng bánh cuốn ấy gần cao lâu Tứ Kỳ. Chúng tôi đến quán ông Lâm. Nguyễn Tuân chẳng thiết cái bánh nhân thịt này - không chịu ăn tạp, vẫn nhớ thuở bánh cuốn Thanh Trì nước mắm Nghệ cà cuống, không pha dấm, không vắt chanh. Thế mà Nguyễn Tuân vào quán bánh cuốn ông Lâm. Cũng phải duyên cớ thế nào, như cái ông 81 cà phê bít tất dốc hàng Kèn với quan công sứ Grapphơi và núi nghỉ mát Bạch Mã Bà Nà. Như lão cà phê Ca đem rừng núi Hà Giang về thành phố. Nhưng Nguyễn Tuân bảo tôi: - Vào đấy cho thằng này về Kẻ Bưởi một tý. Hôm nào rủ chúng tớ lên Nghĩa Đô bắt chuột đánh chén nữa nhé. à ra ông ấy chiều tôi. Nói thế chứ ông chẳng dám xơi thịt chuột. Chả là đã có một năm, mùa tháng mười, ông Nguyễn với Kim Lân lên cánh đồng làng tôi đi bắt chuột với ông Ba Hĩ. Gác ngoài, bà Lâm ngồi tráng bánh. Thấy đi vào nhà trong, những cô cậu mặc xanh công nhân, chắc tan ca nhà máy về. Con cái không để mắt đến cái cửa hàng câu dầm của ông bà già. Bà Lâm gầy khô, đeo kính, mặc áo di lê hoa lốm đốm tím, nửa mái đầu bạc. Ông Lâm bảo: - Bà nhà tôi cũng người làng Bưởi cậu ạ. Bà Lâm cười nhợt nhạt, ngước mắt kính, hỏi tôi:
Chẳng bao lâu, Trần Đức Thảo run cầm cập sốt rét xanh tái. Sau cùng, Tú Mỡ đấu dịu: - Các anh phân tích thế tôi đã nghe hiểu, tôi đã nhận ra được cái mặt thằng bán nước ấy rồi. Chỉ lo trước một điều, quả đất tròn biết đâu việc đời thường éo le. Chẳng may lịch sử có cuộc xoay vần thế nào, một ngày kia ta bắt sống được thằng chết chém ấy mà tình cờ lại có Tú Mỡ ở đấy. Thì xin chính phủ đừng cử Tú Mỡ ra chém Nguyễn Tường Tam.
Trước bước kiểm thảo, chúng tôi được nghiên cứu và phổ biến lại vấn đề Nhân Văn đã xảy ra năm trước. Sự việc ấy phức tạp cả trong nhiều tầng lớp xã hội ở thành phố, không phải chỉ có mấy cái truyện ngắn, bài thơ trên báo là tất cả. Trong những người dính líu không phải ai cũng đều biết tác động nhuốm màu chính trị lan truyền trong hoạt động đảng xã hội Pháp cũ (Sfio) và những người đang lo lắng lên tư sản hay những người liên quan, con cái và địa chủ các nơi lẻn về ẩn náu. Lại có ông tuỳ viên văn hóa Đuy răng con, tay chơi đồ cổ có hạng, nói tiếng Việt như ta, lại có thư luân lưu tổng giám mục Đuy lây địa phận Hà Nội dạy dỗ giáo dân sống với quỷ ác, biết nhẫn nhục, ép mình, thư luân lưu lan đến những vùng công giáo cơ sở du kích cũ ở Hà Nam - vẫn địa phận Hà Nội của bên đạo. Các nơi ấy, chín năm kháng chiến không có lễ cho người chết cho trẻ sơ sinh, cho các đám cưới, bây giờ cha cố về làm lễ dòng đã mấy tháng qua các làng chưa hết. Cái họ đạo xôi đỗ làng du kích Đại Hoàng của Nam Cao cũng trải những việc đạo việc đòi nhiêu khê thế. Những người nước ngoài vi phạm an ninh của đất nước đã bị trục xuất. Người có quan hệ với họ, Thuỵ An và Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo trên đường xuống Hải Phòng bị bắt ở ga Phú Thái. ở hội trường, được phổ biến thế.
- Anh có biết sao thuốc hiếm không? Trong viên rửa có thuốc phiện. Người ta mua, gửi cho thằng người nhà ở tù hãm nghiện, cai nghiện. Có đứa uống viên rửa, cả tháng không ỉa được, gãi tuột da, phát điên. Hôm ấy, chúng tôi đi ăn phở, Phùng Cung trả tiền rồi rủ lên cà phê bà Sính ở Cột Cờ. Tết, Phùng Cung đem biếu chai rượu thuốc. Tôi mừng, cái thằng chớm lao ngày ấy - bệnh lao đã nặng lên trong tù tuy ngày nay không phải là bệnh chết mấy nữa, nhưng vẫn là ho lao. Phùng Cung hỏi tôi: - Anh có biết tôi phải giam bao nhiêu năm? - Không biết. - Vâng, mười một năm tù biệt giam. Đã tù lại biệt giam, lại bệnh lao, thế mà không chết rũ tù. Thế nào, người tù biệt giam mười một năm vẫn hiện được về. Lại lâu lắm không gặp. Ngỡ như Phùng Cung đã làm sao. Nhưng, một hôm, có người sở Công an đến nhờ tôi ký chứng nhận quãng công tác ở cơ quan sau cùng Phùng Cung làm việc, trước khi phải bắt. Các anh phụ trách Hội Nhà Văn bây giờ đều là người các khóa mới không chịu trách nhiệm quãng thời gian ấy. Tôi lại phải làm cái việc qua đã lâu rồi. Tôi hỏi người công an trẻ tuổi cầm giấy. - Chứng nhận để làm gì? - Có liên tục công tác thì mới đủ năm cầm sổ hưu. Thủ tục thế ạ. - Liên tục cả ở cơ quan nhà tù? Anh công an cười hồn nhiên, chào cám ơn bác. Gần đây, nghe Phùng Cung đã chuyển lên ở một xóm trên Quần Ngựa. Nghe nói con cái nên người đã khấm khá, làm được nhà mới. Lại thấy bảo đương viết, viết hồi ký - hay tiếp tục Dạ ký sau hơn ba mươi năm, hả đời? Bảo có hôm nào lên chơi, vẫn chưa đi được. Tôi ngồi cạnh Nguyên Hồng. Kiểm điểm Nguyên Hồng một buổi chưa xong. Vẫn một chồng báo Văn, vẫn như mọi hôm. Cả tổ với nhiều người tổ khác đến viện trợ cũng không ai hỏi thêm Nguyên Hồng một câu nào nữa. Bây giờ mà đụng đến, lại phân tích, lại bổ sung, lại tôi xin góp với đồng chí thì chắc chắn lại như hôm qua, hôm kia, trông trước kìa kìa Nguyên Hồng xoè bàn tay lên chồng báo, vuốt vuốt, mếu máo nói, nước mắt như trút... tôi thức đêm thức hôm... tôi bỏ hết sáng tác, ngày đêm tôi chỉ nghĩ đến tờ báo... bài này đề tài công nhân... bài về kháng chiến... bài này về thống nhất... bài về sửa sai cải cách ruộng đất... tôi không... tôi không... Chẳng mấy lúc Nguyên Hồng lại khóc hu hu. Thế là không ai nói chen vào được nữa. Báo Văn nghỉ. Tuần báo Văn Học ra thay. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn sát nhập vào nhà xuất bản Văn Hoá, bộ phận văn học của nhà xuất bản Hội Nhà Văn do phó giám đốc Đồ Phồn phụ trách. Chúng tôi thì được chia vào các tổ đi thực tế lâu dài theo phong trào lúc ấy. Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao, Lưu Quang Thuận, Nguyễn Văn Tý lên nông trường Điện Biên. Nguyên Hồng về nhà máy xi măng Hải phòng. Có ảnh đội mũ thợ, đẩy xe goòng đăng báo Nhân Dân. Tôi đi với tổ trưởng Hoàng Trung Thông, xuống Thái Bình cùng văn Hoàng Cầm, Chu Ngọc, Trần Lê Văn, Phùng Quán. Chúng tôi về lao động và xây dựng hợp tác xã một thôn ở Thái Thụy, huyện Thái Ninh. Mỗi xã mới tổ chức hợp tác xã ở một làng làm thí điểm. Đi lâu, chuyển hẳn mọi chế độ sinh hoạt cơ quan và đảng về địa phương.
Lực của kết quả thâm nhập cuộc sống đều tốt. Những ai sợ thực tế như con dơi sợ bóng sáng, trốn nấp sau cái lá chắn thực tế do mình mà ra đều cùng quẫn không viết được, tự mình thấy trống rỗng một cách xấu hổ và họ đã thất bại thảm hại. Với quan niệm trên, tôi đã đặt vấn đề sáng tác đơn thuần trên hình thức của công việc sáng tác mà không đặt vấn đề nội dung sáng tác thế nào (thật ra, đầu óc bám đặc tư tưởng lạc hậu mà cứ sáng tác thì cũng chỉ nghĩ ra được những cái tồi cái xấu mà thôi). Tôi không chú ý trạng thái đó đã không mảy may đặt vấn đề tổ chức học tập nghiên cứu chính trị, nghiệp vụ và trầm trọng nhất, đã không tổ chức đi vào thực tế lao động phấn đấu của quần chúng, chẳng những đã không giúp mà còn buông lỏng coi thường khả năng của người viết hoà mình vào quần chúng. Đó chính là một thiếu sót trầm trọng.
Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng đi chơi nhờ xe của thanh tra Vạn Lịch. Ra Móng Cái rồi theo đường Đình Lập, Bình Liêu lên Lạng Sơn. Chúng tôi nghỉ trọ ở cái quán cạnh chợ Kỳ Lừa. Xẩm tối, Nguyên Hồng đứng bên cửa sổ tha thẩn nhìn ra những mái cầu chợ ụp xụp, rêu đen. Bỗng kêu rối rít: - Bỏ mẹ rồi, bỏ mẹ! Chỗ khỉ ho cò gáy cũng có thằng tẩm quất! Đợi tớ xuống làm một quắn xúc miệng đã rồi hãy cơm nước nhé. Nguyên Hồng xông ngay vào cửa chợ. Người các làng bản xa về đêm đợi mai phiên đã đông dần, tiếng vó ngựa đập cộp cộp trước quán phở chua đã lên đèn. Trong cầu, trai gái hát đúm vừa cất giọng. Tiếng đàn tính rơi rơi như nước giọt gianh. Mặc kệ, Nguyên Hồng xà ngay vào một bác loà mắt đương ngồi bó gối mặt tây ngây ngoài thềm. Nếu không đã thạo, có thể nhầm là lão ăn mày. Không có chiếu, khách tẩm quất nằm xuống đất. Nhưng Nguyên Hồng đã cầm xuống sẵn hai tờ báo, trải ra. Lắc cổ, bẻ vai, tấn đầu gối lên lưng, khắp người xương cốt kêu lách tách, chẳng khác ở ga Hàng Cỏ. Hay vẫn là những lão loà ấy đã thuộc tàu các ngả, đúng phiên chợ Kỳ Lừa, lại mò lên đây làm ăn. Tôi bảo thế với Nguyên Hồng. Nhưng Nguyên Hồng xua tay: - Không phải, tớ ngấm đòn tẩm quất nhiều rồi, tớ biết. Thằng lão sư tẩm quất thổ mừ này tuyệt diệu. Đây gần biên giới, nó lồng cả võ Tàu vào. Mai phải làm quắn nữa. Chao ôi, có người khoái tỷ được cái tẩm quất tra tấn, cũng là cái thú Hà Nội. Nguyên Hồng ấy chứ còn ai, khi nào tôi cũng cứ ngờ ngợ có thật không. Nhưng tôi lại tin cái khí phách của con người một mình một tính ấy.
Hot

Comments

👽Wili-Little Seal🦭 !!🦑

👽Wili-Little Seal🦭 !!🦑

ra chap nhanh nha tg,hóng cựccc:33

2024-12-14

0

Toàn bộ
Chapter

Download

Bạn thích tác phẩm này? Tải APP để không mất lịch sử đọc.
Download

Phúc lợi

Người dùng mới tải APP nhận mở khóa miễn phí 10 chương

Nhận
NovelToon
Step Into A Different WORLD!
Download MangaToon APP on App Store and Google Play