Tiếng Việt
NovelToon NovelToon
KIẾN THỨC NHẬP MÔN KHÔNG THỂ BỎ QUA

Trong đầu có sẵn ý tưởng, nhưng viết không ra, phải làm sao?

Số người tham gia 2509

Trong đầu có sẵn ý tưởng, nhưng viết không ra, phải làm sao?


Rất nhiều người mới thử sức trong lĩnh vực sáng tác, cũng như các cây bút mới đều gặp phải tình trạng như vậy. Tôi nghĩ ra rất nhiều thứ, có rất nhiều ý tưởng, nhưng tôi không thể viết ra thành lời, phải làm sao bây giờ?" Trong trường hợp này, trước tiên chúng ta cần xem xét mình đang ở giai đoạn nào, phân tích xem vấn đề đang nằm ở đâu.


(1) Bạn chưa viết tiểu thuyết bao giờ, bạn mới chỉ lóe lên ý nghĩ muốn sáng tác, những cảm hứng hay ý tưởng của bạn chỉ là từng đoạn ngắn, không trước không sau, không quan hệ logic, không đủ để tạo nên một câu chuyện. Ý tưởng không hoàn chỉnh, tất nhiên, không thể viết ra được.


Cách giải quyết: Hãy tăng thêm cảm hứng, viết dàn ý trước, biến dàn ý thành một câu chuyện gần hoàn chỉnh.


(2) Bạn chưa viết tiểu thuyết bao giờ, cũng không có thói quen viết lách. Bạn luôn trì hoãn, muốn đợi tới khi nào tất cả mọi thứ sẵn sàng rồi mới đặt bút viết. Nhưng khi cầm bút lên, bạn chẳng biết viết thế nào.


Cách giải quyết: Chiến thắng tật trì hoãn, không được lãng phí động lực và cảm hứng sáng tác trong bạn, thời gian sẽ dập tắt động lực ấy. Nếu bạn cảm thấy mình phải đợi tới khi tất cả chuẩn bị sẵn sàng mới viết, có lẽ bạn vẫn sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề. Lúc đó, bạn sẽ buồn hơn trước rất nhiều, bởi rõ ràng mình đã chuẩn bị bao nhiêu thứ, thế mà sao vẫn không viết được. Bạn phát hiện ra rằng, hóa ra viết tiểu thuyết khó hơn mình tưởng tượng. Và rất có thể sau đó bạn sẽ từ bỏ. Quá đáng tiếc...


Cách làm đúng đắn là, lúc nào muốn viết hãy viết ngay và tạo thành thói quen viết lách. Cho dù bạn viết không hay cũng không sao, coi như tập viết. Bạn sẽ thu được nhiều kinh nghiệm sau mỗi lần viết, dần dần sẽ tiến bộ. Mỗi ngày học được một chút, viết văn sẽ không còn đáng sợ với bạn. Viết nhiều thì tự nhiên sẽ dễ dàng hơn mỗi lần muốn viết.


(3) Bạn đã thai nghén câu chuyện hoàn chỉnh, thế nhưng mãi không hài lòng, có thể bạn quá cầu toàn.


Cách giải quyết: Bài văn hay đều phải sửa đi sửa lại. Ngay từ đầu, bạn đã không nên quá cầu toàn mà hãy mạnh dạn viết. Đến nhà văn nổi tiếng và vĩ đại như Hemingway mà còn miễn cưỡng, không hài lòng với bản thảo tác phẩm của mình, thì bạn còn ngần ngại gì mà không viết? Cứ viết ra đi, không hài lòng thì sửa. Đừng bao giờ yêu cầu bản thân quá hà khắc, nhất định phải viết ngay ra một tác phẩm xuất sắc. Kỹ năng viết văn không thể nhanh chóng có được trong một sớm một chiều. Cầu toàn một cách mù quáng chỉ làm cho bản thân cảm thấy đau khổ, và sẽ chẳng thể nào cảm thấy sự vui sướng khi sáng tác.


(4) Ý tưởng của bạn thật hoàn chỉnh và tuyệt vời nhưng bạn không thể diễn đạt được hoặc diễn đạt rất nhàm chán, khiến bạn rất thất vọng, nản chí.


Cách giải quyết: Điều này chứng tỏ bạn viết quá ít, khả năng diễn đạt kém, khả năng diễn đạt không theo kịp tư duy. Không có đường tắt, chỉ có cách đọc nhiều viết nhiều. Hoặc có thể do bạn đã từng học một vài kỹ xảo viết, nhưng không luyện tập, cho nên không vận dụng được những kỹ năng mà bạn đã được học.


(5)Một vài tình tiết hoặc chi tiết không thể viết ra được.


Phương pháp: Vấn đề này có 2 tình huống sau:


Tình huống thứ nhất là do bạn không quen với tình tiết mà mình định miêu tả; bạn chưa từng trải qua nên bạn không thể cảm nhận được và vì vậy mà không thể viết ra. Nhưng thực tế thì tình huống này không khó giải quyết, nhà văn chưa từng yêu vẫn cứ có thể viết về tình yêu rất hay, rất thật. Bạn có thể tận dụng phim ảnh, cho dù là bạn viết về đề tài gì đi chăng nữa, bạn đều có thể tìm xem những tác phẩm điện ảnh liên quan, đặc biệt là miêu tả về bối cảnh. Bạn có thể nhìn thấy môi trường, bối cảnh một cách trực quan và chỉ cần miêu tả chân thực là được. Nếu bị bế tắc khi miêu tả tình tiết, bạn cũng có thể dùng cách này. Bởi cuộc sống của bạn không có những tình huống để bạn tham khảo hay trải nghiệm. Những tình tiết tương tự trong phim ảnh, ít nhất cũng có thể cung cấp bối cảnh cho bạn tham khảo. Bạn hãy biến nhân vật trong tình huống ấy thành nhân vật trong tiểu thuyết của mình, rồi tưởng tượng trong đầu, sắp xếp cho họ làm gì, nghĩ gì, nói gì theo mạch truyện và hướng nhân vật mà bạn thiết kế; đồng thời miêu tả họ từ nhiều góc độ, giống như chuyển đổi góc chụp hoặc ống kính trong kịch vậy.


Một tình huống khác, là trong đầu đã có tình huống nhưng không biết miêu tả như thế nào. Thực ra điều này liên quan tới kỹ xảo miêu tả cụ thể. Chẳng hạn như “miêu tả ngũ cảm", nghĩa là bắt đầu miêu tả từ 5 góc độ lớn: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Điều này dường như có thể giúp bạn miêu tả về tất cả mọi hoàn cảnh và tình huống. “Miêu tả ngũ cảm” là một thủ pháp rất hữu dụng, bởi vì nó mở rộng từ góc độ con người, có thể giúp người đọc nhập vai, cảm thấy mình như đang ở trong chính hoàn cảnh đó.

NovelToon
Step Into A Different WORLD!
Download MangaToon APP on App Store and Google Play