Tiếng Việt
NovelToon NovelToon
KIẾN THỨC NHẬP MÔN KHÔNG THỂ BỎ QUA

Những lỗi sai thường gặp của tác giả mới, bạn mắc những lỗi nào?

Số người tham gia 2238

I. Những lỗi sai thường gặp của tác giả mới, bạn mắc những lỗi nào?


1) Sử dụng sai dấu câu


Có lẽ rất nhiều tác giả mới cho rằng dấu câu không quan trọng, thường xuyên dùng lẫn lộn thậm chí không dùng dấu câu. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến trải nghiệm đọc của độc giả. Sử dụng nhiều dấu phẩy, không biết cách ngắt câu, chứng tỏ bạn không nắm bắt thật đầy đủ mối quan hệ logic giữa các câu cũng như sự chuyển đổi hình ảnh của cốt truyện. Người đọc sẽ cảm thấy rất mệt mỏi. Một câu không ngắt nghỉ, đọc muốn hết hơi. Đề nghị tác giả nào không biết ngắt câu có thể tham khảo kỹ xảo phân đoạn trong điện ảnh. Gặp những tình tiết đối thoại giữa các nhân vật, nếu không sử dụng dấu ngoặc kép "" sẽ khiến người đọc không phân biệt được lời thoại của ai, dẫn tới việc bỏ qua tình tiết quan trọng. Hơn nữa, dấu câu mang ngữ khí cũng rất quan trọng, đối thoại không có ngữ khí chẳng khác gì nhân vật mất đi linh hồn, độc giả cũng khó lòng phán đoán tâm trạng của nhân vật.


2) Trần thuật đoạn văn dài, ý tứ trùng lặp dài dòng


Văn học mạng yêu cầu tiết tấu nhanh, điều này làm cho độc giả đọc lên cảm thấy sảng khoái, vui vẻ. Người đọc muốn xem một câu chuyện chứ không phải triết lý sống dài dòng hay miêu tả phong cảnh, giới thiệu nhân vật; những thứ đó quá khô khan so với một câu chuyện. Một số tác giả thích xây dựng mạch truyện và bối cảnh tiểu thuyết bằng cả một đoạn văn dài. Tuy nhiên, tốc độ đọc của độc giả mạng rất nhanh, rất nhiều độc giả đã bỏ qua cả một đoạn văn dài dòng như vậy bởi nó quá khô khan nhàm chán. Tình tiết sau đó chắc chắn sẽ có chỗ không hiểu và độc giả sẽ bỏ qua cả tác phẩm. Tác giả viết cả một đoạn dài rất vất vả, nhưng lại là những thứ mà độc giả chẳng hề muốn xem, chỉ liếc một chút rồi bỏ qua luôn. Cho nên, nhất định phải chú ý viết nhiều câu ngắn, từ ngữ rõ ràng, đơn giản dễ hiểu.


3) Tình tiết hỗn loạn


Rất nhiều tác giả không thích viết dàn ý, mà viết chuyện luôn. Nếu như kết cấu câu chuyện hiện lên rất rõ trong đầu, thì cho dù không có dàn ý vẫn có thể viết ra một câu chuyện hợp tình hợp lý mà không gặp vấn đề gì. Thế nhưng, rất nhiều tác giả mới không làm được điều này. Vì vậy đã dẫn đến hiện tượng, tiểu thuyết có tình tiết hỗn loạn, không logic, tác giả chẳng thể triển khai câu chuyện một cách hợp lý. Đến tác giả còn không sắp xếp được mạch truyện thì làm sao hy vọng độc giả hiểu được cơ chứ. Cho nên, trước khi đặt bút viết cần phải suy nghĩ thấu đáo, viết sao để câu chuyện được hoàn chỉnh và hợp logic.


4) Tiêu đề sặc mùi văn học


Dòng sách văn học, độc giả có thể tìm đọc sách xuất bản. Dòng sách đó có triết lý đời người, văn phong tao nhã, nhưng tiểu thuyết mạng thì lại chú trọng đến tình tiết câu chuyện. Đây là điểm khác nhau giữa văn mạng và văn xuất bản. Dòng sách mang tính chất văn học rất khó có được thành tích tốt trong giới văn học mạng, bởi đây không phải những gì mà độc giả mạng tìm kiếm. Chi bằng chiều lòng độc giả, viết những chủ đề hợp khẩu vị độc giả mạng thì truyện mới có khả năng "nổi" và "chạy". Tiêu đề có hấp dẫn thì độc giả mới tiếp tục xem.


5) Trình bày, sắp xếp đoạn văn quá dài



Việc trình bày tiểu thuyết mạng rất quan trọng. Trình bày hợp lý khiến người đọc cảm thấy dễ chịu. Gặp phải đoạn văn đến vài chục dòng chữ chen chúc nhau, người đọc chán ngán, hoa mắt, vì thế rất dễ bỏ qua cả đoạn văn, và sẽ không theo kịp tình tiết phía sau. Cho nên, trình bày đơn giản, tránh để cả đoạn văn quá dài dòng. Một thao tác tưởng chừng không quan trọng, nhưng lại có ảnh hưởng tương đối lớn đến trải nghiệm và cảm giác đọc của độc giả.


II. Cách khắc phục lỗi trình bày cơ bản thường gặp

I. Cách trình bày chương

Có rất nhiều tác giả thắc mắc nên tạo chương thế nào, mỗi chương viết bao nhiêu chữ là được.

Đúng vậy, viết một bộ tiểu thuyết là cả một quá trình, và việc tạo chương, đặt tên chương, cũng như xác định độ dài chương đều là những yếu tố quan trọng. Trước tiên, bạn cần phải xác định nội dung cốt truyện, độ dài truyện dài hay gắn. Với mỗi yếu tố khác nhau, thì việc tạo chương sẽ có sự thay đổi nhất định. Nhưng NovelToon có thể đưa ra vài điều cần lưu ý.


1. Đặt tên chương

Tên chương nên phản ánh nội dung chính hoặc tóm tắt ý chính của chương đó.

Hãy sử dụng ngôn ngữ hấp dẫn và mê hoặc để thu hút sự chú ý của độc giả.

Tránh đặt tên quá dài hoặc quá phức tạp.

Ví dụ:

Chương 1: Cuộc gặp gỡ bất ngờ

Chương 12: Ngã rẽ định mệnh

Chương 25: Bí mật được tiết lộ

Nếu thực sự quá khó để đặt tên chương thì bạn cũng nên để tiêu đề rõ ràng, để độc giả dễ dàng phân biệt các chương.

Ví dụ:

Chương 1

Chương 2

Chương 3

Chương 4

*Lưu ý: khi đặt tên chương, hãy viết hoa đầu câu, và có thể sử dụng dấu chấm "." hoặc hai chấm ":" ghi liền phía sau chữ "Chương", và đặt khoảng cách và ghi tên chương.

👍ĐÚNG

Chương 1. Cuộc gặp gỡ bất ngờ

Chương 1: Cuộc gặp gỡ bất ngờ

👎SAI

chương 1 : cuộc gặp gỡ bất ngờ

Chương 1 .cuộc gặp gỡ bất ngờ

chương 1 cuộc gặp gỡ bất ngờ


2. Độ dài của mỗi chương

Kiến nghị tốt nhất cho số chữ của mỗi chương khoảng 1000-1500 chữ, theo nhu cầu của cốt truyện, nó có thể dao động một chút.

Cố gắng duy trì sự cân nhắc về độ dài chương sao cho đủ để trình bày nội dung một cách rõ ràng và không làm độc giả cảm thấy quá dài.

Ngoài ra trong một chương, các đoạn văn nên xuống dòng thành các đoạn vừa phải. Một đoạn văn quá dài sẽ ảnh hưởng đến việc theo dõi chi tiết nội dung của độc giả, cũng như khó nhấn mạnh được ý quan trọng tác giả muốn truyền đạt. Khi hiển thị trên thiết bị di động, đoạn chỉ nên dài khoảng 1-7 dòng (phần hiển thị ở soạn thảo cũng là hiển thị trên giao diện đọc của độc giả). Và cũng không nên viết dẫn thoại cùng thoại quá nhiều trong cùng một đoạn.


II. Cách trình bày lời thoại

Có nhiều cách để trình bày lời thoại của nhân vật, nhưng có hai cách đang được sử dụng phổ biến hiện đang được nhiều tác giả cũng như nhà xuất bản đang sử dụng.

Lưu ý: Cho dù bạn dùng cách nào đi chăng nữa, hãy chỉ thống nhất dùng một cách trình bày cho một tác phẩm, không đồng thời sử dụng hỗn hợp các phương thức biểu đạt trong một tác phẩm.


1. Gạch đầu dòng câu thoại

Cách đơn giản nhất là sử dụng gạch đầu dòng cho mỗi lời thoại. Lưu ý: tác giả sử dụng dấu gạch đầu dòng "-", sau đó cần có một khoảng cách trước khi bắt đầu lời thoại, và cần viết hoa chữ cái đầu tiên.

Ví dụ:

Sợ mẹ lo lắng, nên tôi chỉ còn cách an ủi:

- Mẹ yên tâm đi, chúng con không sao.

Mẹ tôi thở phào nhẹ nhõm khi nghe điều này, bà ấy chuẩn bị quay về phòng và nói:

- Hai đứa ngủ sớm đi, mai còn đi làm.


2. Dùng dấu ngoặc kép

Tác giả có thể sử dụng dấu ngoặc kép (") để bao quanh lời thoại của nhân vật, và có nhiều cách để phân tách giữa câu thoại của nhân vật và lời kể chuyện.

Cách 1

Sợ mẹ lo lắng, nên tôi chỉ còn cách an ủi: "Mẹ yên tâm đi, chúng con không sao."

Mẹ tôi thở phào nhẹ nhõm khi nghe điều này, bà ấy chuẩn bị quay về phòng và nói: "Hai đứa ngủ sớm đi, mai còn đi làm."

Cách 2

Sợ mẹ lo lắng, nên tôi chỉ còn cách an ủi:

"Mẹ yên tâm đi, chúng con không sao."

Mẹ tôi thở phào nhẹ nhõm khi nghe điều này, bà ấy chuẩn bị quay về phòng và nói:

"Hai đứa ngủ sớm đi, mai còn đi làm."

Cách 3

"Mẹ yên tâm đi." Sợ mẹ lo lắng, nên tôi chỉ còn cách an ủi: "Chúng con không sao."

Mẹ tôi thở phào nhẹ nhõm khi nghe điều này, bà ấy chuẩn bị quay về phòng và nói: "Hai đứa ngủ sớm đi, mai còn đi làm."


III. Cách đặt dấu câu

Có lẽ bạn không biết, rất nhiều độc giả đã bỏ truyện ngay sau khi đọc hết chương đầu vì dấu câu tác giả đặt loạn xạ, gây khó chịu cho người đọc. Việc đặt dấu câu là một phần quan trọng trong việc viết truyện, giúp xác định cấu trúc câu, ý nghĩa và cách diễn đạt chính xác. NovelToon sẽ giúp các bạn tác giả có thể hiểu rõ được định nghĩa, quy tắc và những ví dụ cụ thể về cách đặt dấu câu trong quá trình viết truyện nhé!


1. Định nghĩa:

Dấu câu là những ký hiệu được sử dụng để đánh dấu kết thúc hoặc phân chia các yếu tố ngôn ngữ trong văn bản, như câu, cụm từ, ngữ cảnh hoặc ý nghĩa. Dấu câu giúp làm rõ ý nghĩa, giúp câu chữ rõ ràng và dễ hiểu hơn.


2. Quy tắc:

A. Dấu chấm (.)

Dấu chấm (.) được sử dụng để kết thúc câu hoàn chỉnh, giúp độc giả phân biệt được ngắt đoạn của một câu hoặc một vấn đề. Dấu chấm (.) phải đi liền với chữ của câu trước và có một khoảng cách với chữ của câu tiếp theo, và phải viết hoa chữ cái đầu tiên của câu tiếp theo.

👍Đúng: Tôi do dự không biết có nên ra ngoài hô ngừng hay không. Tuy là anh ta gian dối nhưng tôi cũng không muốn hại anh ta.

👎Sai:

Tôi do dự không biết có nên ra ngoài hô ngừng hay không.tuy là anh ta gian dối nhưng tôi cũng không muốn hại anh ta.

Tôi do dự không biết có nên ra ngoài hô ngừng hay không . tuy là anh ta gian dối nhưng tôi cũng không muốn hại anh ta.


B. Dấu phẩy (,)

Dấu phẩy (,) được sử dụng để phân tách các thành phần trong câu, hoặc dùng để ngắt hơi của một câu dài, hoặc dùng trong liệt kê. Ví dụ: "Anh ấy yêu thích đi du lịch, đọc sách, và nấu ăn."

👍Đúng: Tôi nhớ là bà ta cũng có chồng, tuy gầy như một cây tre, cũng không có năng lực gì, nhưng khi ly hôn vẫn có thể được chia một ít tài sản.

👎Sai:

Tôi nhớ là bà ta cũng có chồng , tuy gầy như một cây tre , cũng không có năng lực gì , nhưng khi ly hôn vẫn có thể được chia một ít tài sản.

Tôi nhớ là bà ta cũng có chồng,tuy gầy như một cây tre,cũng không có năng lực gì,nhưng khi ly hôn vẫn có thể được chia một ít tài sản.


C. Dấu hỏi (?)

Dấu hỏi (?) được sử dụng để đặt câu hỏi hoặc ở những câu nghi vấn. Dấu hỏi (?) cũng dùng để kết thúc một câu, nên phải đi liền với chữ của câu trước và có một khoảng cách với chữ của câu tiếp theo, và phải viết hoa chữ cái đầu tiên của câu tiếp theo. Ví dụ: "Bữa tối em muốn ăn gì?"

👍Đúng:

Câu nghi vấn: Rốt cuộc Lý Sinh đang âm mưu làm gì?

Câu hỏi: "Em có muốn đi cùng anh không?"

👎Sai:

Câu nghi vấn: Rốt cuộc Lý Sinh đang âm mưu làm gì

Câu hỏi: "Em có muốn đi cùng anh không"


D. Dấu hai chấm (:)

Dấu hai chấm (:) sử dụng để liệt kê, trích dẫn, thuyết minh hoặc giải thích cho phần trước, và đặc biệt dùng để dẫn lời của các nhân vật trong đối thoại. Và dấu hai chấm (:) phải đi liền với chữ của câu trước và có một khoảng cách với chữ của câu tiếp theo.

👍Đúng: Hắn nhấc máy lên nghe: "Alo, mẹ, có chuyện gì vậy?”

👎Sai:

Hắn nhấc máy lên nghe : "Alo, mẹ, có chuyện gì vậy?”

Hắn nhấc máy lên nghe:"Alo, mẹ, có chuyện gì vậy?”


E. Dấu ba chấm (...)

Dấu ba chấm (...) thường được dùng khi người viết không muốn liệt kê hết sự vật, hiện tượng trong chủ đề, đồng nghĩa với từ "vân vân". Ngoài ra trong viết truyện, dấu ba chấm (...) còn thể hiện nhân vật có lời khó nói, ngậm ngừng. Dấu ba chấm (...) phải đi liền với chữ của câu trước và có một khoảng cách với chữ của câu tiếp theo, và phải viết hoa chữ cái đầu tiên của câu tiếp theo.

👍Đúng: "Thành thật khai báo ra, nếu không... Ngay cả vị trí quản lý của anh cũng mất đấy."

👎Sai:

"Thành thật khai báo ra, nếu không ... Ngay cả vị trí quản lý của anh cũng mất đấy."

"Thành thật khai báo ra, nếu không...ngay cả vị trí quản lý của anh cũng mất đấy."

"Thành thật khai báo ra, nếu không ... ngay cả vị trí quản lý của anh cũng mất đấy."


F. Dấu ngoặc kép (" ") hoặc ngoặc đơn (' ')

Như trên, tác giả thường sử dụng dấu ngoặc kép (") hoặc dấu ngoặc đơn (') để bao quanh lời thoại của nhân vật, tuy nhiên rất nhiều tác giả sử dụng chưa hoàn toàn chính xác dấu ngoặc kép (") hoặc dấu ngoặc đơn ('). Dấu ngoặc kép (" ") hoặc ngoặc đơn (' ') phải đi liền với chữ được bao trong dấu và có một khoảng cách với chữ của câu tiếp theo, và phải viết hoa chữ cái đầu tiên của câu tiếp theo.

👍Đúng:

"Thành thật khai báo ra, nếu không... Ngay cả vị trí quản lý của anh cũng mất đấy."

"Ừ ha, em quên mất anh còn có vợ." Cô ấy nghi hoặc.

👎Sai:

" Thành thật khai báo ra, nếu không... Ngay cả vị trí quản lý của anh cũng mất đấy. "

"Ừ ha, em quên mất anh còn có vợ."-cô ấy nghi hoặc


G. Dấu chấm than (!)

Dấu chấm than (!) thể hiện sự cảm xúc mạnh mẽ hoặc thể hiện lời thách đố. Dấu chấm than (!) phải đi liền với chữ được bao trong dấu và có một khoảng cách với chữ của câu tiếp theo, và phải viết hoa chữ cái đầu tiên của câu tiếp theo. Ví dụ: "Trận đấu diễn ra gay cấn và kết thúc bằng chiến thắng ngoạn mục! Tất cả khán giả đều rất mong đợi và hồi hộp."

Lưu ý rằng việc đặt dấu câu đúng và chính xác rất quan trọng để truyền tải ý nghĩa chính xác nội dung tiểu thuyết. Hãy chú ý cách sử dụng dấu câu trong quá trình viết và luôn kiểm tra lại trước khi đăng tác phẩm.


IV. Lỗi chính tả

Chính tả đúng là một yếu tố quan trọng để đảm bảo tác phẩm dễ đọc và không bị hiểu lầm ý. Các bạn hãy đảm bảo kiểm tra chính tả trước khi đăng truyện của bạn nhé. Đặc biệt là các từ viết tắt, từ ngoại lai, và tên riêng.

Từ viết tắt: Các bạn chỉ nên sử dụng các từ viết tắt phổ biến và chấp nhận được trong ngôn ngữ tiếng Việt. Tránh sử dụng quá nhiều từ viết tắt không rõ ràng, và chỉ phổ biến trên mạng mà không được công nhận.

👍Nên sử dụng: được, không, đang, ừ, ừm.

👎Không nên sử dụng

đc, dc

kh, kg, hok, ko

đg, đag

ừk, ukm, umk


Đánh sai chữ: Kiểm tra chính tả cẩn thận trước khi xuất bản. Dùng các công cụ kiểm tra chính tả và ngữ pháp nếu cần thiết.

Ví dụ: "Anh ấy đang đi đạo tới đó."

👍Đúng: Anh ấy đang đi dạo tới đó.


Tên riêng: Tên riêng phải được viết hoa chữ cái đầu tiên. Kiểm tra các tên riêng và xác minh chính xác trước khi viết, đặc biệt là nếu bạn sử dụng tên có nguồn gốc nước ngoài hoặc tên hiếm.


Để giữ cho tác phẩm của bạn chính xác và chuyên nghiệp, hãy đầu tư thời gian vào việc kiểm tra chính tả, cách trình bày và đảm bảo rằng bạn sử dụng các từ viết tắt và tên riêng một cách chính xác. Cẩn thận và tập trung là yếu tố quan trọng trong việc viết và xuất bản một truyện tiểu thuyết chất lượng.

Lưu ý rằng việc đặt dấu câu đúng và chính xác rất quan trọng để truyền tải ý nghĩa chính xác nội dung tiểu thuyết. Hãy chú ý cách sử dụng dấu câu trong quá trình viết và luôn kiểm tra lại trước khi đăng tác phẩm.

NovelToon
Step Into A Different WORLD!
Download MangaToon APP on App Store and Google Play