Đến câu chuyện thầy Tàu đặt đất
Bên cạnh truyền thuyết về thầy phong thủy Việt tìm được ngôi huyệt phát kết, trong dân gian còn lưu truyền một thuyết khác về thầy địa lý Tàu. Câu chuyện này được chép khá rõ trong sách Công dư tiệp ký tiền biên của cụ Vũ Phương Đề. Chuyện kể rằng, ông tổ họ Trần là Trần Kinh đến hương Tức Mặc (Nam Định ngày nay) rất thạo sông nước, sống bằng nghề chài lưới. Sau cụ lấy người con gái ở hương ấy, sinh ra Trần Hấp. Bấy giờ có một thầy địa lý Trung Quốc sang nước ta xem đất. Cứ xét theo long mạch thì thấy hướng long mạch chạy từ núi Tam Đảo đi xuống, qua Thăng Long rồi qua các xã Kệ Châu và Cao Xá (thuộc huyện Kim Động, Hưng Yên) thì thấy có nhiều đống đất hoàn tụ. Thầy Tàu bèn cười nói rằng: Đây là chỗ đóng quân và nấu cơm, huyệt phát kết chắc cũng ở gần đây. Nói rồi tiếp tục đi theo tiếp đến gần huyện Ngự Thiên (nay thuộc huyện Hưng Hà, Thái Bình) thì không thấy vết tích đâu nữa. Ngắm nghía hồi lâu, thầy Tàu nói: “Nước sông chảy mạnh, không lẽ huyệt lại ẩn tàng dưới đáy sông”.
Nói xong bèn vượt qua sông, tìm đến chỗ phát tích tại xã Nhật Cảo và chỗ kết cục tại xã Thái Đường mới hạ la bàn để xem xét và cứ say mê quanh quẩn mãi ở đấy không đi được. Chợt có Nguyễn Cố - người xã bên đi đến đấy, thấy người lạ tay cầm la bàn cứ quanh quẩn không đi bèn hỏi nguyên do. Thấy vậy, thầy Tàu bèn than thở: “Không ngờ ở nơi bình địa mà lại có đất đế vương. Đáng chê các thầy địa lý thời nay không có nhãn lực”. Nghe vậy thì Nguyễn Cố liền năn nỉ: “Nếu quả là đất quý như vậy thì xin thầy cho tôi. Thầy muốn được tạ lễ bao nhiêu, tôi cũng xin nộp đủ”. Thầy Tàu ra giá 100 quan tiền và đòi chia nửa nước nếu Nguyễn Cố lấy được. Hai bên cùng thỏa thuận rồi đem mộ tổ táng vào huyệt tốt mà người thầy Tàu đã mách.
Thế nhưng, dù đã hứa hẹn như vậy nhưng thầy Tàu lại sợ Nguyễn Cố phản trắc nên dặn: “Táng xong tất có điềm lành. Nhưng trong hạn trăm ngày, thỉnh thoảng phải đến thăm nom. Nếu sau cơn mưa gió, sấm sét, thấy có sự lạ, thì lành ít dữ nhiều, phải táng đi chỗ khác ngay”. Sau khi táng xong mấy ngày, một đêm nọ bỗng có một tiếng sét rất to, làm kinh động nhân dân và súc vật ở vùng ấy. Sáng hôm sau đi xem thì thấy ở các xã Tây Vệ và Thái Đường có nhiều hòn đá nhô lên, gọi là đá tai mèo, mọc khắp vườn tược ao chuôm, nơi nào cũng có. Nguyễn Cố biết là được đất rồi, rất lấy làm mừng rỡ. Thế nhưng, vợ Cố lại bảo rằng: “Ngôi đất ấy dầu cho là phát phúc, nhưng nay làm thế nào lo được 100 quan tiền”. Hai vợ chồng định bụng không tạ lễ cho thầy Tàu nữa nên hẹn người này đến nhà rồi bắt trói lại. Đêm hôm đó, đem vứt thầy Tàu xuống sông cho chết.
May thay, nơi vứt thầy Tàu đó vốn là một bãi phù sa, khi thủy triều rút xuống thì trơ lại một bãi đất khô. Lúc đó, chợt có một chiếc thuyền đánh cá của họ Trần đi ngang qua đấy, nghe có tiếng người hô hoán, vội tới cứu đem lên thuyền, rồi hỏi duyên cớ. Thầy Tàu bèn đem đầu đuôi sự việc này thuật lại cho họ Trần nghe và nói thêm rằng: “Nhờ có ông mà tôi được sống lại. Tôi xin đem ngôi đất quý ấy biếu ông để tạ ơn cứu mạng của ông. Tôi biết vận nhà ông sắp tới, nếu sau này có thành công thì xin đừng quên tôi”. Sau đó, người họ Trần thực hiện kế hoạch của thầy Tàu để chiếm lại ngôi huyệt đế vương đó và thành công. Sau khi táng mả được mấy chục năm, họ Trần quả nhiên lấy được nước và mở ra một vương triều rực rỡ trong lịch sử Việt Nam.
Updated 34 Episodes
Comments