Chỉ cần liếc mắt qua tấm thẻ, anh đã hiểu rõ ý tôi mà không cần hỏi thêm điều gì. Là người thông minh, anh không cần nhiều lời.
Mười lăm phút sau, tôi quay trở lại phòng với một mâm cơm đơn giản ba món mặn và một món canh, được sắp xếp gọn gàng, ấm áp. Trước khi nấu, tôi đã cẩn thận tra cứu những thực phẩm cần kiêng kỵ đối với vết thương cần khâu, mong có thể giúp anh nhanh chóng hồi phục.
Vừa dọn xong, tôi định rời đi thì giọng anh vang lên từ phía sau:
“Cô không ăn sao?”
“Tôi ăn ở ngoài.”
“…”
“Anh cứ dùng bữa đi, ăn xong tôi vào dọn.”
“Cùng ăn đi.”
“Hả?”
Bắt gặp ánh mắt anh, tôi bỗng chững lại, rồi như hiểu ra điều gì, liền bưng mâm cơm trở ra bếp, sau đó quay lại đỡ anh xuống giường.
Bữa cơm diễn ra trong yên lặng, không lời thừa thãi. Cả hai chỉ tập trung vào từng đũa cơm. Đột nhiên, anh lên tiếng:
“Tên cô là gì?”
Tôi thoáng ngạc nhiên, nhưng khi nhìn vào ánh mắt chân thành không chút phòng bị ấy, tôi thả lỏng rồi đáp:
“Windy. Tôi tên Windy.”
“Du học sinh?”
“Không. Tôi đi tu nghiệp… vừa học vừa làm.”
“Ừm.”
Thời gian sau đó, mọi chuyện cứ thế lặng lẽ trôi đi. Đến ngày thứ ba, một người đàn ông mặc đồ đen gõ cửa. Trên ve áo anh ta là chiếc khuy giống hệt cái tôi từng nhặt được từ bộ vest của anh hôm bị thương. Họ nói chuyện ngắn gọn. Sau đó, người đàn ông đưa anh rời đi. Trước lúc đi, anh ta đặt lại chiếc thẻ ngân hàng vào tay tôi, nói một câu: “Vì cô xứng đáng,” rồi rời khỏi, không ngoảnh lại lấy một lần.
Cuộc sống của tôi dần trở về quỹ đạo cũ. Nhờ vào số tiền anh để lại, tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc đến chuyện khởi nghiệp. Tôi thử đầu tư vào chứng khoán, bất động sản… với tâm niệm: lời thì là duyên, lỗ cũng không thiệt gì, vì đó vốn không phải tiền của mình kiếm được.
Tôi luôn giới hạn đầu tư trong số tiền đó, không mạo hiểm quá mức. Bởi nếu lỡ mất hết, ba mẹ tôi ở nhà chắc chắn không thể gánh nổi hậu quả.
Thấm thoắt đã gần đến cuối năm, ngày về nước cũng không còn xa. Một buổi tối, tôi về trễ. Không phải vì la cà như trước, mà do bị ép tăng ca ở công ty. Trong thời gian tu nghiệp, ngoài học ở trường, tôi còn phải đến trụ sở công ty để làm việc. Nhờ khả năng làm việc tốt, tôi được ưu ái, nhưng điều đó cũng khiến một số người cảm thấy khó chịu. Tôi bị cô lập, bị chèn ép từ những người không muốn tôi ở lại sau kỳ tu nghiệp.
Hôm ấy, khi mệt mỏi lê bước về đến trước nhà, tôi bắt gặp một người đàn ông cao gầy đang dựa lưng vào cột điện, ngẩn ngơ nhìn bầu trời đêm. Không cần nhìn kỹ, tôi cũng biết đó là anh. Khó ai có thể lẫn được “ông chủ lớn”.
Khi ánh mắt chúng tôi chạm nhau, cả hai khẽ mỉm cười. Không lời, không ồn ào. Tôi đi trước mở cửa, anh theo sau.
Vào nhà, tôi rót cho anh ly nước. Anh vừa bước vào, đảo mắt nhìn khắp căn phòng rồi hỏi:
“Cô để người lạ vào nhà không sợ à?”
“Nếu sợ, chẳng phải tôi nên sợ anh từ lần đầu tiên rồi sao?”
“…”
Tôi đặt ly nước lên bàn, thả người xuống sofa, ôm gối nghỉ ngơi. Mệt đến mức chẳng buồn để ý đến anh nữa. Trong lòng cũng chẳng còn chút cảnh giác nào, dù đây mới chỉ là lần thứ hai gặp lại. Có lẽ vì những ngày sống cùng nhau trước đó, tôi đã thật sự tin tưởng anh.
Anh nhìn tôi nằm dài, ánh mắt thoáng hiện lên chút khó chịu vì sự bất cẩn của tôi, nhưng rồi lại dịu xuống. Có lẽ anh hiểu, chỉ khi ở cạnh người mình tin tưởng tuyệt đối, con người ta mới có thể buông bỏ phòng bị như thế.
“Làm gì giờ này mới về?”
Không giấu giếm, tôi kể hết. Ở đất nước xa lạ này, ngoài anh ra, tôi không có ai để tâm sự.
“Bị sếp lớn để ý, bị cấp trên chèn ép, đồng nghiệp cô lập.”
“Nghỉ việc đi.”
“Nghỉ rồi lấy gì mà sống?”
“Về làm với tôi.”
Tôi mở mắt nhìn anh. Anh ngồi đối diện, ánh mắt kiên định.
“Công ty anh là công ty thiết kế hả? Tuyển cả kiến trúc sư chưa có giấy phép hành nghề luôn à?”
“Cô là kiến trúc sư?”
“Ừ. Tôi tốt nghiệp cử nhân kiến trúc. Dù chưa có chứng chỉ hành nghề, nhưng sớm muộn gì cũng có.”
“Khi nào?”
“Chưa biết nữa…”
Câu chuyện lửng lơ, nhưng chúng tôi lại hiểu nhau đến lạ. Không cần nói hết, cũng hiểu người kia đang nghĩ gì.
Ọt ọt ọt
Chiếc bụng nhỏ của tôi biểu tình. Tôi định đứng dậy thì anh đã đi thẳng vào bếp:
“Cô ngồi đó. Tôi nấu.”
“Hả…”
“Đợi đấy.”
Tôi ngồi lại, để mặc anh lục tủ lạnh, xắn tay nấu ăn. Chợt nhớ ra điều gì, tôi gọi với:
“Tôi không ăn cay, cũng không ăn hành đâu nhé!”
“…”
Không ai đáp lại, nhưng tôi thấy lòng ấm áp. Có người nấu cho ăn, thế là đủ rồi.
Chẳng lâu sau, anh mang ra hai món đơn giản nhưng thơm lừng. Không phải ba món một canh như tôi từng làm cho anh, nhưng thế này cũng quá đủ.
Thấy tôi còn nằm co ro trên sofa, anh khẽ chạm vai tôi:
“Nào, dậy ăn rồi ngủ.”
Tôi quay lại, nhìn anh cùng mâm cơm nhỏ trên bàn. Nước mắt bất chợt trào ra. Anh ngơ ngác, luống cuống chẳng biết làm gì, chỉ ngồi cạnh im lặng chờ tôi khóc xong.
Tôi vốn quen kiểu “tự khóc, tự lau, tự đau, tự chịu”. Khóc đủ rồi thì ngồi dậy, cầm bát cơm lên ăn. Tưởng sẽ khó nuốt, ai ngờ lại rất vừa miệng. Không cay, không hành đúng như tôi dặn.
Vừa ăn, tôi vừa khẽ nấc, vừa mỉm cười cảm ơn. Lần đầu tiên trong nhiều tháng xa nhà, tôi thấy lòng mình dịu lại.
Updated 255 Episodes
Comments