Sẽ khóc lóc van xin? Sẽ tức giận phản kháng? Hay sẽ giả vờ điềm tĩnh mà cố giữ lấy chút thể diện sau cùng?
Nhưng ta thì chẳng buồn diễn nữa.
Bởi ta biết, ta bây giờ chẳng khác gì cá nằm trên thớt. Cãi cũng thế, nhịn cũng vậy. Người cầm dao chưa ra tay, không phải vì thương hại, mà vì còn hứng thú quan sát.
Gia tộc ta Triệu thị ba đời tận trung báo quốc, lấy máu giữ biên ải.
Phụ thân ta chết thảm trên đường bị áp giải. Đại ca gãy chân rồi mất mạng. Nhị ca trước ngày bại trận đã mất tích không dấu vết. Nhà tan. Người mất. Danh tiếng từng rực rỡ, phút chốc chỉ còn là vết tích trên bia đá.
Đến ta… là đốm lửa cuối cùng của một dòng tộc đã cháy rụi.
Giờ đây, sống thêm được ngày nào, là sống. Không ai để gọi, không chốn để về, thì cố gắng để làm gì?
Nếu có thể lặng lẽ trôi qua vài năm trong nơi cung lạnh này, rồi một ngày kia chết đi vì tâm bệnh cũng là một cái kết.
Ta không cần ai thương. Cũng không còn gì để mất.
Thế nên, ta không phản kháng. Không mong chờ. Không cố gắng lấy lòng hay chứng minh giá trị.
Bởi lẽ… với một kẻ đã mất gốc rễ, gió đến bao nhiêu cũng không làm ta ngã được nữa.
Cứ như thế, từng ngày của ta lặng lẽ trôi qua, chẳng ai hỏi đến, chẳng ai đoái hoài.
Ta dậy sớm khi trời còn sương, tự tay nấu trà, thêu dệt một ít hoa văn giản đơn. Lúc rảnh rỗi thì vẽ tranh, giấy mực đơn sơ nhưng ta vẫn kiên trì tô vẽ – như thể mỗi nét cọ là cách níu giữ chút gì đó của những ngày cũ.
Ta xin một mảnh đất nhỏ ở góc viện, không ai ngăn cản, cũng chẳng ai bận tâm. Thế là ta cuốc đất, gieo vài nhánh hoa, trồng thêm chút cỏ dại. Hoa chẳng rực rỡ, nhưng cũng có màu. Cỏ không đẹp, nhưng vẫn sống.
Buổi tối, ta ngồi dưới hiên, ngẩng đầu nhìn trăng.
Trăng phương Bắc lạnh hơn trăng quê nhà. Ánh sáng bàng bạc phủ lên mặt đất một lớp bạc xám mờ, như phủ lên ta một tầng ký ức không thể gột rửa. Ta ngồi đó rất lâu, không nói, không nghĩ, chỉ để mặc ánh trăng gội qua những tháng ngày chẳng ai hay.
Phương Bắc trời chưa sáng hẳn, sương lạnh vẫn còn đọng trên mái điện, thế nhưng trong Long Cảnh điện triều đường Bắc Thương Hạ Phong Dực đã an tọa trên long vị.
Áo bào đen viền bạc, giáp vai đúc từ thép ô kim, sắc mặt hắn tái nhợt nhưng lạnh như băng ngầm, ánh mắt hẹp dài như lưỡi dao tẩm độc. Hắn ngồi đó, không nói một lời, chỉ lạnh lùng lật từng tấu chương một, tựa hồ đang đọc danh sách những kẻ sống chết.
Chư thần dưới điện không ai dám ngẩng đầu.
Viên đại tướng đứng đầu chấp tay bước ra, giọng rõ ràng nhưng hạ thấp:
“Khởi bẩm bệ hạ, ba vạn bao lương thực đã gom đủ ở Hắc Phong quan. Đội hộ tống vận tải từ biên giới Tĩnh Tây cũng đã hợp quân. Kho muối và thảo dược chia theo hành trình, sẵn sàng tiến đến tiền tuyến bất cứ lúc nào.”
Bộ hộ, bộ công, rồi cả bộ dân lần lượt dâng tấu:
Lương thảo đủ, tuyến hành quân đã trải, dân cư quanh vùng chiến sự đang được di dời. Quân đội hai cánh sườn cũng đã âm thầm dịch chuyển.
Không ai dám nói dư một chữ.
Hạ Phong Dực nghe hết, ngón tay thon dài gõ nhẹ lên đầu rồng của long ỷ, Không vội vàng, không tức giận, chỉ là giọng nói trầm khàn vang lên như tiếng cầm gãy dây:
“Ba ngày nữa khởi binh. Quân trung đạo đánh thẳng vào Túc thành. Hai cánh sườn chẻ từ biên Tây Bắc và dãy Long Nguyệt! Dân không được đụng. Nhà không được cướp. Ai trái lệnh chém.”
Lời ít, ý tuyệt đối. Tàn nhẫn mà rõ ràng.
Một vị quan trẻ tuổi do dự rồi đánh bạo hỏi:
“Bệ hạ… nếu nước Túc chịu hàng, dân chúng có giữ lại hay…”
Ánh mắt Hạ Phong Dực chợt liếc đến. Sắc như đao tẩm băng:
“Dân thuận…. Lưu!
Dân nghịch…. Diệt!.”
Chỉ bốn chữ, mà vị quan ấy toát mồ hôi lạnh, lui vội về chỗ.
Sau khi triều tan, đám đại thần dần tản ra khỏi Long Cảnh điện. Có kẻ im lặng, có kẻ âm thầm cúi đầu thì thầm với nhau giữa hành lang đá:
“Công chúa hòa thân Đại Thịnh… còn sống không?”
“Kỳ lạ thật, đã mấy năm rồi hậu cung chẳng hề có người mới.”
“Đã thế nàng ta lại là người đầu tiên do chính bệ hạ mở miệng xin về.”
“Cẩn thận, bệ hạ đâu phải người dễ sinh lòng với nữ tử.”
Bởi ai cũng biết, trong hậu cung Bắc Thương, có vào mà chẳng mấy ai sống để bước ra.
Nhiều năm về trước, hậu cung từng có phi tử, có mỹ nữ. Nhưng chẳng ai sống nổi quá ba năm.
Có người chết không rõ nguyên nhân. Có người phát điên, tự đập đầu vào tường đến vỡ sọ. Lời đồn lan ra, hậu cung thành nơi âm trầm hơn cả lãnh cung. Không đại thần nào dám dâng tấu xin tuyển tú nữ. Ngay cả đại thái giám thân cận cũng không dám nhắc tới chuyện phong hậu.
Vì hoàng thượng không cần nữ nhân.
Sau triều, Hạ Phong Dực không dừng bước. Áo bào phấp phới trong gió, hắn rời Long Cảnh điện, băng qua hành lang dài lát ngọc, đến thẳng Ngự Thư Phòng nơi hắn sẽ tiếp tục bàn bạc về trận chiến!
Bên trong đã bày sẵn bản đồ nước Túc. Địa hình cao thấp, sông ngòi, binh trạm đều đánh dấu rõ ràng bằng mực son đen. Ba vị tướng lĩnh thân cận đã chờ sẵn. Không ai ngồi. Hắn cũng không bảo họ ngồi.
Hắn không cần nhiều lời, chỉ đưa tay chỉ lên bản đồ:
“Cửa ải Nam Túc có thể vượt đèo Hổ Long, nhưng phải có người cắt đường tiếp lương từ phía Đông.
Đội Du Lang đóng giả làm dân chăn súc, trà trộn từ cửa ngầm ba ngày trước. Đến nay chắc đã vào sâu được một trấn nhỏ.”
Tướng quân Thương Chiêu thấp giọng: “Bệ hạ, nếu dân chạy loạn, dễ gây náo động. Có cần dời trước vài ngàn dân quanh vùng để tránh tai mắt?”
Hạ Phong Dực không nhìn hắn, chỉ nhàn nhạt nói:
“Không cần.”
“Loạn càng dễ che mắt. Dân sẽ chạy. Nhưng khi quân ta vào dân đã không còn ở đó.”
Không giận dữ, không cười, cũng chẳng tán thưởng. Hắn ra quyết định như thể đang nói về thời tiết. Nhưng từng mệnh lệnh lại chặt đứt đường sống của một quốc gia khác.
Chỉ là, ở trong mắt Hạ Phong Dực thêm một nước, hay bớt một nước, chẳng khác gì xóa một chữ thừa trên tờ giấy trắng.
Ngự thư phòng chỉ có bốn người, nhưng không khí ngột ngạt chẳng khác gì giữa trận tiền. Hạ Phong Dực đứng trước bản đồ, ngón tay chậm rãi vạch lên các tuyến hành quân, phân bổ binh lực như đang chẻ từng mạch máu trên da thịt kẻ địch.
Ba vị tướng Thương Chiêu, Viên Dực và Lục Hàn đều là tâm phúc theo hắn từ thuở dựng nghiệp, nay giữ chức thống lĩnh ba đạo quân chủ lực. Trong lòng bọn họ đều có cùng một nghi vấn, nhưng chẳng ai dám hỏi.
Cuối cùng, vẫn là Viên Dực lên tiếng, giọng cố giữ sự kính cẩn:
“Bệ hạ, thần có điều chưa rõ… Lúc trước ta đang chiếm thế áp đảo với Đại Thịnh, quân địch tan tác, thành trì sắp sụp. Nhưng bệ hạ lại đột ngột nghị hòa, rồi lập tức dời binh đánh Túc quốc. Thần… không dám trái lệnh, chỉ muốn hiểu rõ vì sao lại bỏ con mồi trước mắt.”
Lời vừa dứt, Thương Chiêu và Lục Hàn liền nhìn sang. Bọn họ cũng muốn biết vì sao bệ hạ đang như hổ đói trước miếng thịt lại quay đầu, không nuốt?
Hạ Phong Dực vẫn không quay đầu. Hắn cầm lấy một cây bút gỗ, dùng mực đỏ khoanh tròn một vùng núi hiểm trở giữa bản đồ, chính là biên giới Túc. Thịnh, rồi hắn mới chậm rãi lên tiếng:
“Đại Thịnh… sắp tự loạn. Không cần ta ra tay, bọn họ cũng chẳng giữ nổi lòng dân. Tướng tài bị nghi kỵ, bị vắt kiệt rồi bỏ rơi dẫn đến bại trận. Đánh nữa chỉ tổ hao binh tổn tướng.”
“Ta chỉ cần lấy đi thứ khiến họ đau nhất: sĩ diện, đất đai, tiền bạc… và công chúa.
Rồi lùi lại đứng nhìn xem bọn họ tự chia bè kéo cánh, tranh quyền đoạt vị. Đến lúc ấy… không cần một binh một tốt, Đại Thịnh cũng sẽ tự tay dâng mình lên.”
Hắn xoay người, ánh mắt rơi vào Viên Dực ánh mắt sâu và sắc như đêm tuyết, vừa tàn nhẫn vừa lạnh lùng.
“Ngược lại, nước Túc thì khác. Binh ít, thành yếu, nội bộ bất ổn. Lại nằm giữa hai trục thương đạo. Ăn gọn một lần, là cắt cổ hai nước liền kề.”
Hắn dừng lại, đặt bút xuống, giọng đều đều như đang tuyên bố một việc đã rồi:
“Bốn mươi ngày. Ta đã lấy được mười tám thành. Vậy thì… còn cần gấp gáp với Đại Thịnh làm gì?”
Cả ba tướng đều cúi đầu, im lặng.
Không ai nói thêm. Bọn họ hiểu người trước mặt không phải chỉ là một hoàng đế, mà là một chiến lược gia máu lạnh, lấy quốc gia làm bàn cờ, lấy con người làm quân tốt. Chỉ cần một cái nhấc tay, sinh mệnh hàng vạn người cũng chẳng đáng hơn một con chữ trên tấu chương.
Updated 31 Episodes
Comments