tản văn

Sông quê, đối với tôi nó là một thứ gì đó thuộc về ký ức xa xăm của tuổi thơ. Một quãng thời gian yên bình trên những cánh đồng lúa đang bước vào vụ gặt, hay nhiều buổi trưa hè trốn học đi chơi. Hoặc rong ruổi theo một ông lão bán kem nào đó vô tình đi qua với chiếc chuông đồng leng keng.

Tất nhiên đối với tôi chẳng thể thiếu cái bộ môn thể thao dân dã nơi miền quê, “cởi chuồng tắm sông”. Khi ấy đám con trai tụi tôi lại có dịp để thi thố, xem ai có thể đứng trên cái thành cầu xây bằng đá, lao mình xuống dòng nước một cách đẹp mắt nhất. Cũng có thể là cuộc đọ sức lặn xem ai lặn lâu nhất... vân... vân và mây mây. Nói chung là đủ thứ trò có thể nghịch với dòng sông vào những ngày rảnh rỗi.

Với cái bản tính vô lo nghĩ của lũ trẻ chúng tôi, thì con sông ấy là nơi vui chơi giải trí bù đắp cho những quãng thời gian phải cắm mặt vào những con số, hoặc phải nhẩm đi nhẩm lại một bài thơ nào đó cả chục, trăm lần cho thuộc làu trước khi lên trên bảng trả bài cho cô. Lúc ấy tôi cảm tưởng mình như chú chim non tập hót.

Với thế cha ông, con sông ngoài vẻ đẹp mà tôi chẳng thể tả hết bằng lời, thì nó còn cho tôm cá nuôi sống họ qua bao năm tháng khó khăn đói kém. Nội tôi thường kể cho chúng tôi về cái đói năm Ất dậu ấy, “năm ấy khổ, khổ lắm! Người làng ta cũng may có chút tôm cá từ dòng sông, mà cầm cự được qua cơn đói. Nhưng rồi đến cá tôm cũng chẳng còn, bấy giờ người làng ta đành phải vác thuổng, cuốc đi dọc bờ sông đào bới từng gốc cây ngọn cỏ, thậm chí cả rong rêu, bất cứ cái gì có thể bỏ vào mồm, họ đều ăn hết cốt để cho qua cơn đói lòng. Rồi cách mạng về, các giống cây lương thực được trồng ở mọi nơi. Vỉa hè, khoảng sân đất.... Tất nhiên hai bên bờ sông làng ta cũng phủ một màu xanh ngắt của những cây rau, cây lúa.” Nhìn ông hào hứng kể lại, tôi cũng chỉ biết lắng nghe, chứ chẳng thể hiểu được ý nghĩa của nó. Mà kỳ thật lúc đó tôi cũng không biết, mà nói đúng hơn là không để ý đến câu chuyện nạn đói mà nội tôi kể. Thứ duy nhất tôi thấy, là mỗi lần nhắc về sự kiện đó, mắt bà lại dưng dưng như muốn khóc. Đó sông quê tôi đó, nó đã trải qua năm tháng khổ đau, rồi lại chứng kiến không biết bao nhiêu lần chiến sĩ phòng không bắn pháo hạ máy bay địch. Qua những câu chuyện của ông Long, một người hàng xóm là thương binh sống cách nhà tôi một khu vườn.

Ông thường kể cho tôi nghe về lần mình tự tay bắn rơi một cái máy bay địch, rồi khoe đem cho tôi với thằng bạn thân những tấm huân chương ông, ông luôn lấy làm tự hào cho quãng đời sống hết mình cho đất nước. Tôi cũng biết được rằng để có được niềm tự hào đó, chính ông cũng phải bỏ lại một cánh tay trái dưới đáy của con sông làng tôi.

Sông chứng kiến làng xóm qua khúc bi tráng theo dòng chảy của đất nước, đến khi thái bình lập lại, nó không chỉ nuôi sống mà còn làm giàu cho người dân quê tôi. Tất nhiên nhờ vào kiến thức của những người dám học hỏi cái mới cái tiến bộ từ nơi khác. À cái tư duy tiến bộ tôi nói đến ở đây cụ thể là bè cá, vâng đúng là mô hình nuôi bè cá ấy đã giúp nhiều ngư dân thoát nghèo mua được nhà trên bờ.

Cũng nhờ vào chúng mà con bạn thân của tôi, nhỏ Yến có thể tiếp tục công việc học của nó. Bây giờ ngồi trước cái laptop với cả đống hợp đồng ngập mặt cho cái doanh nghiệp nhỏ của mình, không biết liệu có một lúc nào đó nó nhớ về con sông quê. Về những đêm thâu thức trắng cùng cha thả lưới xuôi theo dòng nước, rồi lại buồn hiu khi chẳng có con đòng đong nào nằm lại trong tấm lưới cũ kèm một vài câu than vãn của mẹ nó: “Cứ như thế này rồi chết đói mất thôi!"

Tôi còn nhớ vào một buổi chiều xuân, tôi cùng với Yến ngồi trên đám cỏ non nhìn về phía dòng sông. Nơi đó có đám trẻ bằng tuổi hoặc mấy anh lớn hơn tôi bơi lội dưới nền trời trong xanh, bên cạnh những chiếc xuồng nhỏ dọc ngang đi về. Tôi thấy mắt nó đỏ hoe vì mới nghe người lớn nói sắp tới đây sẽ phải từ giã mái trường.

Lúc đó với sự suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ thì nghỉ học cũng không có gì đáng lo lắm, thậm chí không đến trường còn là một niềm hạnh phúc, nên tôi cũng chỉ an ủi nó mấy câu cho có lệ rồi thôi. Vả lại thằng bé chưa đến chục tuổi như tôi, thì làm sao mà nói ra được mấy câu triết lý như trong sách để an ủi một đứa con gái chứ. Mà kể cũng may cái việc bạn tôi phải nghỉ học cũng không kéo dài, nó chỉ phải nghỉ ở nhà hơn một năm, rồi lại được bố mẹ cho trở lại trường để tiếp tục đi học.

Sông quê tôi đã giúp cho người biết nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế là thế. Xong không ít kẻ lợi dụng món quà thiên nhiên ban tặng để tàn phá và hủy hoại con sông.Họ hút cạn tài nguyên bằng những chiếc sà lan hút cát với công suất lớn. Hậu quả để lại,chắc phải hỏi mấy hộ dân sống ở ven sông thì mới biết được. À mà hỏi làm gì nữa, giờ còn ai sống ở đó nữa đâu mà hỏi, họ chuyển nhà đi nơi khác hết rồi còn đâu. Bởi vì sạt lở, nhà họ đều thi nhau lặn sâu xuống nước hết rồi còn đâu.

Mà nói về hút cát, thì bây giờ cũng hạn chế nhiều rồi, chẳng còn những chiếc sà lan nặng nề hút cát nữa. Nhưng bây giờ khi về lại quê, tôi và đám bạn, hay tụi con nít cũng chẳng thể bơi lội vui vẻ như ngày xưa nữa, bởi con sông bây giờ, toàn là rác, sự ô nhiễm khiến nước sông trở nên tanh hôi và đục. Nói không quá chứ nếu liều mình nhảy xuống sông vung sải tay vài cái, có thể tóm vào một bịch rác của ai đó ném xuống sông gọi là cho tiện....

Thật tình sông quê tôi bây giờ chẳng còn là con sông quê trong xanh mà tôi hay tắm nữa rồi, nó bây giờ là nơi mọi người xả rác, vứt bỏ những thứ không cần đến nữa. Nhìn dòng sông, tôi thật sự mong nó có thể trở lại trong xanh như ngày xưa. Chỉ mong mỗi người có thể có một chút ý thức để trẻ em có một dòng tuổi thơ êm đẹp như thế hệ của chúng tôi.

Download

Bạn thích tác phẩm này? Tải APP để không mất lịch sử đọc.
Download

Phúc lợi

Người dùng mới tải APP nhận mở khóa miễn phí 10 chương

Nhận
NovelToon
Step Into A Different WORLD!
Download MangaToon APP on App Store and Google Play