Ngọc Sâm lấy hai thanh sườn ra khỏi tủ lạnh trong sự tò mò của mọi người, rồi nhanh tay dùng bữa, sau đó cắm cúi chế biến.
“Con đang tính làm gì vậy? Cơm vừa mới ăn xong mà?” Bà Hoa đứng bên cạnh mắt nhìn cách con trai cho gia vị.
“Lúc dâng lễ cho Thần bếp mẹ thường làm những nghi thức gì?” Anh đặt món thịt lên bếp, bật ga, miệng hỏi.
Bà Hoa kinh ngạc, đến ông Tấn đang ngồi ăn hoa quả trên bàn ăn cũng liếc tới.
“Sao con lại hỏi về vấn đề này?” Bà Hoa nói.
“Nhập gia tùy tục, con về nước sống cùng ba mẹ, nên cần phải biết cách thờ cúng vị thần trong nhà.”
Bà Hoa vui mừng ôm chầm lấy con trai. “Ông thấy chưa, cuối cùng con nó cũng hiểu tôi rồi.”
Ông Tấn cười, đứng lên. “Hai mẹ con cùng tham gia thờ Thần bếp đi, tôi trở về phòng chơi với Thần tài.”
Ngọc Sâm bật cười. “Ba đi trước đi, tí con lên chơi cùng ba.”
Ông xua tay. “Ở đó nói chuyện với mẹ con chút đi, công việc hôm nay không làm thì mai làm, Thần tài ngày nào cũng có không lo mất.”
Bà Hoa thích thú vỗ vai con trai một cái. “Nào để mẹ nói nguyên tắc cho con nghe.”
Ngọc Sâm đứng thẳng nhìn bà, tỏ vẻ đã sẵn sàng cùng bà gia nhập hội thờ Thần bếp.
“Dâng lễ cho Thần bếp không nhất thiết phải là tín đồ lâu năm hay làm lễ gia nhập nào đó trong chùa mới được, con chỉ cần có lòng thành và mong muốn cầu xin ngài một điều gì đó là có thể dâng lễ.”
Bà nhấn mạnh. “Điều quan trọng hơn hết đó là niềm tin, con phải tin trên đời này có thần linh, chỉ cần con tin thì lễ của con sẽ tới được tay ngài.”
“Chỉ cần vậy thôi à?” Ngọc Sâm thấy hơi dễ. “Thế lời khấn nguyện thì sao? Con có thấy mẹ đọc, rất có thứ tự.”
“Đương nhiên,” bà Hoa cao giọng. “Trước khi dâng lời khấn, con cắm cho ngài ba nén hương(1), quỳ xuống xưng tên tuổi của mình, của lễ và lời khấn nguyện.”
Tiếng nước thịt sôi sùng sục có vẻ đã che lấp mất cuộc hội thoại của hai mẹ con hay vì một nguyên nhân gì đó mà An Khải không nghe thấy. Ngọc Sâm nhiều lần liếc mắt xung quanh vẫn không thấy cậu lai vãng gần đây, anh cảm thấy hơi tiếc, rồi âm thầm tự suy đoán liệu khi nghe được những lời này của anh cậu có vui sướng không, khuôn mặt thanh thoát kia sẽ có biểu cảm gì...
Càng nghĩ anh càng hồi hộp, trái tim đập rộn trong lồng ngực, tâm trí vì thế cũng bay về phòng thờ không tập trung vào cuộc nói chuyện với mẹ mình.
“Con nhớ kĩ chưa?” Bà Hoa đập vào tay con trai một cái.
Ngọc Sâm giật mình, lấy lại tinh thần gật đầu. “Chỉ có nhiêu đó quy tắc, con nhớ được.”
Bà Hoa cười. “Nó đơn giản không như những con số mà ba và con hay làm,” rồi bà chỉ vào nồi thịt. “Đừng nói với mẹ, con làm món này để dâng cho Thần bếp nhé?”
Ngọc Sâm gật đầu. “Đúng vậy, đây là món tủ của con, lần đầu ra mắt ngài con không dám làm món khác.”
Bà Hoa nhíu mày hơi băn khoăn.
“Sao vậy mẹ?” Ngọc Sâm hỏi ngay.
“Lúc sáng chúng ta đã dâng đồ lễ, bây giờ dâng nữa e là hơi nhiều, sợ ngài ăn no quá không nhận lại uổng công con.”
Ngọc Sâm nhớ lại vẻ mặt ước ao của Thần bếp khi đứng bên khung cửa sổ, mạnh dạn lắc đầu. “Con nghĩ không uổng đâu, hơn nữa con là tín đồ mới chắc chắn ngài sẽ nhận.”
Bà Hoa vẫn không yên tâm, nói thêm: “Thật ra những món mặn chỉ nên dâng khi có lễ lạt hoặc khi cần cảm tạ trịnh trọng, ngày thường chúng ta cứ việc dâng hoa quả và rượu nhạt là được, điều quan trọng là lòng thành của mình thôi con.”
Ngọc Sâm nghĩ tới khuôn mặt tham ăn của cậu Thần bếp tự ý phản bác lời nói của mẹ mình. Anh không biết Thần bếp nhà người ta thì thế nào, chứ Thần bếp nhà này kiểu phải có ăn mới vui, không có ăn là mặt lại xị ra ngay.
Anh gật đầu tỏ ý đã ghi nhớ lời này, mở vung kiểm tra thịt trong nồi. “Hôm nay con sẽ dâng lễ với ngài xem như ra mắt, sau đó thì nhìn xem tình hình trong nhà, nếu có việc cần con sẽ dâng lễ tiếp, còn không thì cứ theo cách mẹ mà làm.”
Bà Hoa tán thành. “Như vậy là tốt nhất.” Bà nhìn nồi thịt, nước đã sít lại, các miếng thịt bóng ngậy rung rinh trong nồi, khen ngợi: “Tay nghề của con đúng là không tệ.”
Bà dặn thêm: “Khi nấu đồ cúng không được nếm bằng miệng mình, thêm gia vị bằng mắt và cảm giác thôi, nghe không con.”
Ngọc Sâm gật đầu. “Con nhớ rồi mẹ.” Anh tắt bếp, nhanh ta múc thịt ra đĩa. “Hôm nay không thể cho mẹ thưởng thức được, mai con làm cho mẹ phần khác.”
“Không sao, mẹ mới dùng bữa tối xong bụng đang no, ăn nữa cũng không nếm ra mùi vị gì.”
Ngọc Sâm bưng nó vào phòng thờ. An Khải đang lim dim mắt ngồi xếp bằng trên bếp lò giật mình, mở to mắt nhìn chằm chằm đĩa thịt trên tay anh, hút nước miếng một cái.
Tất cả mọi biểu cảm của cậu đều rơi vào mắt Ngọc Sâm, anh cố nén cười đi tới để đĩa thịt xuống trước mặt cậu. Bà Hoa đi theo lấy cho anh ba nén hương, cũng tiện tay thắp luôn cho mình ba nén.
“Con để mẹ giới thiệu con trước, như vậy ngài sẽ ưng hơn.” Bà Hoa nói nhỏ, cúi lạy cắm hương vào bát, nói nhỏ: “Người bên cạnh con đây là con trai con, hôm nay nó muốn dâng lễ cho ngài, mong ngài thương đoái nhìn tới nó.”
Bà nhìn qua Ngọc Sâm. “Được rồi đó, con dâng lời khấn nguyện đi.”
An Khải trố mắt nhìn Ngọc Sâm, thậm chí còn ngoáy tai không tin vào những gì mình vừa nghe được. Ngọc Sâm bước lên cắm ba nén nhang vào bát hương.
Mùi hương thơm phần của anh lập tức bay vào mũi An Khải. “Anh ta thành kính tin tưởng thật ư?” Cậu thốt lên, lưng thẳng tắp, mắt mở to nhìn theo từng cử chỉ của Ngọc Sâm.
Ngọc Sâm làm y chang mẹ mình, chắp tay đọc nhỏ: “Tôi là Quách Ngọc Sâm, xin ra mắt Thần bếp, trước mặt thần là lễ vật tôi dâng, ngài mau hít đi.”
Giọng anh lạnh tanh, biểu cảm bình thường kiểu không vui cũng chẳng buồn, trông mặt không có vẻ gì là thành kính, ấy thế mà mùi hương của món ăn lại xộc được vào mũi An Khải.
“Con nói vậy đó à, thành tâm một chút đi.” Bà Hoa nhắc.
Ngọc Sâm đứng thẳng lưng nhìn chằm chằm vào bếp lò, ánh mắt của anh vừa sâu lại rất hút người đối diện khiến An Khải hơi bồn chồn.
“Thầy bếp nhận được chưa?” Ngọc Sâm hỏi, khá vẩn vơ.
An Khải gật đầu, lẩm bẩm: “Tôi nhận được rồi.”
“Con nói chi đó.” Bà Hoa đánh vào lưng anh. “Sự thành tâm đâu, như này sao thần nhận được.”
Ngọc Sâm quay qua bà, nói chắc nịch: “Nhận được rồi mẹ.”
“Sao con dám khẳng định như thế?” Bà Hoa buồn bã, cứ tưởng hôm nay sẽ đưa được con trai nhập hội, không ngờ.
An Khải cúi xuống hít một hơi tới căng bụng, mặt mày nhăn nhó than thở: “Hai người không nghe được tôi nói, chứ thực ra muốn xác định xem Thần bếp nhận được chưa rất đơn giản, chỉ cần đặt tay vào món ăn mình vừa dâng lên, nếu nó nguội ngắt thì đã nhận, còn không thì chưa nhận.”
Ngọc Sâm bước tới gần bếp lò khiến An Khải giật mình, anh chạm tay vào món ăn trước con mắt lo lắng của bà Hoa. “Thức ăn nguội rồi.”
“Con nói gì?” Bà Hoa tiến lại gần, nhìn vào món thịt kho coca óng ả trên đĩa. “Màu sắc còn tươi mới thế này cơ mà, hơn nữa con mới đặt lên bàn thờ chưa đầy ba phút, trời đang mùa nóng sao nguội nhanh thế được.”
“Mẹ chạm thử mà xem.” Ngọc Sâm đề nghị.
Bà Hoa hơi chần chừ vì sợ xúc phạm đến Thần bếp, Ngọc Sâm nắm lấy tay bà đặt vào đĩa thịt. “Thấy chưa, nguội lạnh như thể đã để ở ngoài một ngày.”
Bà Hoa kinh ngạc, nhìn bếp lò rồi nhìn Ngọc Sâm. “Con dám chắc như này là thần đã nhận?”
Ngọc Sâm cười. “Nếu không có sức mạnh siêu nhiên tác động, một món ăn vừa mới ra lò sao có thể nguội nhanh đến vậy?”
Bà Hoa gật đầu. “Con nói đúng.”
“Mẹ có biết thần ăn kiểu gì không?”
“Thì hút khí,” bà Hoa vội nhìn tới đĩa thịt, nếu hít khí thì đúng rồi.
“Vậy là được rồi đúng không mẹ?” Ngọc Sâm cao giọng.
Bà Hoa hoang mang gật đầu. “Có lẽ thế.”
Ngọc Sâm phì cười, nắm lấy vai mẹ mình kéo bà ra ngoài. “Được rồi, giờ thì nhường lại không gian cho Thần bếp, hai mẹ con ta đừng nói chuyện ở đây nữa, ảnh hưởng tới tâm trạng thưởng thức món ngon của ngài.”
An Khải nhìn theo bóng lưng hai người, cửa dần khép lại, ánh sáng trắng biến mất, bóng đỏ bàn thờ bùng lên, căn phòng nhỏ hôm nay trông có vẻ ấm cúng hơn nhờ món sườn coca đang nằm trước mặt cậu.
Khóe môi An Khải cong lên. “Anh trông bớt đáng ghét hơn một chút rồi đấy.”
...
Chú thích (1).
Người Việt Nam ta khi thắp nhang thường chọn số lẻ (1, 3, 5, 7, 9) cho số nén hương dâng lên. Hoặc có thể người ta cũng đốt cả nắm hương chứ không chọn số chẵn (2, 4, 6, 8). Theo lý giải của nhà Phật, số lẻ mang nhiều ý nghĩa. Số lẻ là số âm và số chẵn là số dương. Số lẻ là âm nên nó phù hợp hơn với tổ tiên (người dương thắp cho người âm).
Lý giải việc người Việt Nam thường thắp ba nén hương, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Quang Khang giải thích: Ba nén nhang thể hiện ý nghĩa là tâm nhang (lòng thành), giới nhang (theo lời răn dạy của Phật thánh tổ đường) và định nhang (tuyệt đối không thay lòng đổi dạ). (Theo yeutre.vn)
Updated 82 Episodes
Comments
Mèo Ú
❤️❤️❤️❤️❤️ Đáng yêu quá!
2023-09-05
0
🥑jimmysea💝
hóng
2022-02-24
2
Lotus
bé Khải bắt đầu có thiện vs Sâm òi
2022-02-24
4