Điểm dừng chân mới

Từ cành cây cao ở ven đường, chiếc mũ quai rộng màu nâu đỏ ló ra khỏi ánh xanh của lá. Một người thợ săn trông tầm thước, quỳ gối vững vàng trên chạc cây. Đôi mắt anh ta cương trực và sáng rực, nhìn thẳng phía trước với sát ý lộ rõ. Gương mặt góc cạnh, vết sẹo dài trên má chứng tỏ đã kinh qua nhiều nguy hiểm, dựa trên dấu vết có thể thấy đó là tích cào của thú dữ. Lấp ló dưới chiếc mũ quai rộng là mái tóc đen đã cháy nắng đi đôi chút, hơi ngả màu vàng cam ở rìa. Sống mũi cao nhưng vành mũi to, môi dày và lông mày rậm, trông có vẻ cục cằn nhưng lại khá phúc hậu.

Sẽ là nói dối nếu Đại Hùng bảo rằng anh không bất ngờ trước hình thể của thợ săn vừa xuất hiện. Trông anh ta có vóc người nhỏ thó, nhìn từ xa trông có vẻ quá khổ, nên anh vẫn nghĩ con người này thuộc dạng thích đặt bẫy xa rồi ung dung đến nhặt chiến lợi phẩm sau một thời gian nhất định. Tuy nhiên, người thợ săn này lại khác: áo thun bó sát với khoác da bò bên ngoài, đôi tay được bao bọc kĩ bằng găng da bóng; quần ôm sát co giãn thoải mái với ủng màu đen cao đế đinh. Thắt lưng dày, có lớp túi đựng đồ nghề kĩ lưỡng, phần chốt thắt lưng cũng móc sẵn một con dao gấp đa dụng. Phía gót giày nếu nhìn kĩ còn giắt một lưỡi lê nhỏ. Từng du hành qua nhiều vùng đất khô cằn và hàng trăm khu rừng ẩm ướt, Đại Hùng có thể nhận ra được sự chuyên nghiệp thông qua cách một thợ săn ăn vận. Có thể nói rằng kẻ đối địch với anh thuộc dạng lão làng trong việc săn bắn.

Người thợ săn đáp xuống đất từ những chạc cây cao hơn hai mét một cách điệu nghệ. Lớp bụi mù dưới chân anh ta chỉ hơi xốc lên một chút. Anh tiến lại, nhặt những mũi tên rơi dưới đất rồi đặt chúng lại vào khung đựng.

– Hai người không sao chứ?

Giọng người thợ săn khá trầm, anh ta nói chuyện cũng khá nhỏ và rụt rè. Khi hỏi chuyện, người thợ săn nọ chẳng hề nhìn thẳng mặt anh và Dạ Thảo lấy một lần.

– Siêuuuuu quá!!!

Dạ Thảo thét lên phấn khích. Hai mắt con bé sáng rực. Nó quên hẳn cơn sợ hãi vừa qua, nhảy nhót đến bên cạnh người thợ săn, nhìn anh ta với ánh mắt thần tượng.

– Tuyệt quá, con lợn siêu bự mà anh có thể hạ gục nhanh chóng thiệt luôn. Anh nhảy từ trên cây xuống như Peter Pan vậy đó!

Anh chàng thợ săn trông có vẻ bối rối trước phản ứng của Dạ Thảo. Anh ta kéo sụp mũ, dè dặt lùi lại về phía sau lắc đầu tỏ ý khiêm nhường. Thấy vậy, Đại Hùng bèn bước lại nắm cổ áo bé Thảo kéo lui con bé về để giải vây cho người thợ săn. Trông gương mặt anh ta đỏ bừng, có vẻ là người hay nhạy cảm và dễ xấu hổ.

– Thật cám ơn anh. Nếu không có anh chắc tôi với con bé đã chết mất rồi.

– Không…không có gì! Không có gì!

Anh ta đưa hai tay lên xua vội, hai vai so lại ngại ngùng.

– Tôi tên Hùng, con bé này là Thảo. Không biết anh là…

– Tôi…Quý Dậu. Vì sinh năm con gà…Nên người ta hay gọi tôi là Kê.

– Vậy thì anh Kê, cám ơn anh lần nữa.

– Đừng…đừng ngại…

Dạ Thảo cười khúc khích trước phản ứng của người thợ săn. Con bé kéo áo choàng của anh, ra hiệu cho Đại Hùng cúi xuống rồi thì thầm.

– Ảnh bảo em với anh đừng ngại, mà dòm mặt ảnh ngại muốn chết kìa hehe

Đại Hùng cũng suýt bật cười vì lời nói đùa của con bé. Quả thật là nếu đã nhìn thấy cuộc bạo chiến giữa thợ săn và dã thú lúc nãy, thì chẳng ai ngờ được anh chàng Quý Dậu này lại nhút nhát đến thế. Tuy vậy, Đại Hùng cũng cố gắng giữ cho vẻ mặt mình bình thản vì không muốn gây bối rối thêm cho người bạn mới gặp. Cả ba người cùng tiến về phía thành phố khi Quý Dậu đã đánh dấu lại con lợn rừng và gọi điện cho người trong hội thợ săn thông báo về vị trí của nó, xác con thú sẽ sớm được xử lý. Qua trò chuyện, anh biết được Dậu là người sinh sống tại thành phố Trảng Bom. Sau ngày Đại nạn, thành phố này bị bao quanh bởi trùng điệp các khu rừng nguyên sinh, khiến đời sống người dân khá khó khăn. Nhưng sau vài năm thích ứng, họ đã bắt đầu canh tác các loại củ quả vẫn còn giữ nguyên gene và hình thành nghề săn bắn, buôn bán gỗ và thiết kế nội thất bằng gỗ. Kê là một trong những người giữ nghề thợ săn từ thời ông nội đến giờ.

Có lẽ vì vậy mà anh ta rất lão luyện trong việc sử dụng súng, cung và các loại bẫy. Thời đại ngày nay với việc dân số suy giảm nghiêm trọng do thực phẩm khan hiếm và môi trường, hệ sinh thái thay đổi cũng khiến ngành sản xuất vũ khí trì trệ mà thay vào đó là nền nông – công nghiệp thực phẩm, chăn nuôi phát triển hơn. Tại Trảng Bom hiện nay cũng có hơn 60% cư dân lựa chọn nông nghiệp làm nghề, sản phẩm chủ yếu của họ là củ cải trắng, cải thảo, gà lôi và dê. Với vị trí lọt thỏm giữa những cánh rừng, dịch vụ du lịch thiên nhiên tại đây cũng phát triển hơn. Địa chất thay đổi sau ngày Đại nạn cũng giúp hình thành một số khu vực sông, suối ngầm đẹp và nên thơ. Tuy nhiên trong các khu rừng vẫn có nhiều dã thú biến dị nên việc du lịch cũng bị hạn chế ít nhiều ở một vài địa điểm cố định.

Dậu nhanh chóng làm quen với Dạ Thảo, con bé có vẻ rất hâm mộ anh chàng với tài bắn cung đối đầu với con lợn lòi khi nãy. Dạ Thảo tíu tít hỏi Kê những điều thú vị khi đi săn hoặc bẫy thú. Anh chàng thợ săn dù vẫn còn e dè, nhưng vẫn giải thích cặn kẽ những thông tin về nghề săn bắt. Đại Hùng trầm ngâm đi theo sau, thỉnh thoảng pha vào câu chuyện một vài hội thoại. Có lẽ nếu như không có Dạ Thảo đồng hành, thì chuyến đi này sẽ trở thành một hồi im lặng chết chóc. Nghề thợ săn vẫn còn phát triển tại Trảng Bom, trước đây khi vừa mới bùng nổ nạn đói kém, thợ săn là một ngành được đa số trai tráng lựa chọn. Nhất là ở thành phố này với khu rừng bao bọc cùng hàng trăm loài thú, nó từng được xem là nghề nghiệp có tương lai nhất trong bối cảnh hiện tại. Ngay khi thông tin về sự biến dị của gần 90% động – thực vật được xác nhận, những người chọn nghề này đã sút giảm đôi chút. Nhưng hiện tại với sự phát triển về du lịch và canh nông, thợ săn trở thành những người bảo vệ đắc lực trước sự tấn công đột ngột của những con dã thú biến dị. Quý Dậu cũng là một trong những người nương vào ngành du lịch địa phương để kiếm sống, tuy không đến mức dư dả, nhưng cũng không phải lâm vào cảnh đói ăn.

Con đường đi vào thành phố Trảng Bom trở nên ngắn hơn bởi tiếng cười đùa tíu tít của Dạ Thảo, và cũng nhờ việc hai người họ đã có được một hướng dẫn viên lành nghề. Sau khi bộ hành được tầm nửa tiếng đồng hồ thì mọi người đã nhìn thấy chóp nhọn của nhà thờ Trảng Bom vươn lên phía trên những ngọn cây cao vút. Thành phố xanh Trảng Bom nằm im lìm giữa khoảng rừng bao bọc xung quanh, phần bìa rừng cách con đường mòn vào khu dân cư một trảng cỏ xám. Loại cỏ này sau ngày Đại nạn mọc lên ở khắp nơi. Chúng có màu xám nhạt, cao quá gối, phần đầu trông như cỏ may như không gây bám dính vào quần áo. Đa số các con vật ăn cỏ đều có thể thưởng thức món cỏ này, kể cả những vật nuôi không biến dị. Qua các thực nghiệm trên loài vật, người ta xác định được cỏ xám không gây biến đổi gene hoặc gây độc cho con người và động vật. Chúng chỉ đơn giản là phát triển mạnh mẽ trên những vùng đất khô cằn. Cũng chính vì tính kinh tế của loại cỏ này mà đa số các thành thị, thành phố chuyên về nông nghiệp – chăn nuôi đều để mặc chúng hình thành từng trảng lớn xung quanh các khu dân cư và nông trại, nhằm tiết kiệm chi phí thức ăn cho vật nuôi.

Những chóp nhà nâu nhạt, xám trắng, tím khói…lần lượt hiện ra như một bức tranh đầy màu sắc. Trảng Bom trước đó vốn là một thị trấn nhỏ, thì giờ đây trông như một thành phố cổ tích, một vương quốc của loài Tiên giữa rừng sâu. Sự thay đổi địa chất đã giúp thành phố này phát triển mạnh mẽ hơn các vùng khác, về du lịch lẫn nông nghiệp. Theo địa đồ cho thấy khu trung tâm với hàng trăm mái nhà đủ màu sắc là vùng thương mại dịch vụ, nổi bật nhất vẫn là các trung tâm mua sắm, lưu niệm và nhà hàng khách sạn. Các homestay; hostel nằm rải rác khắp nơi trong thành phố, trên những cung đồi uốn lượn rồi đổ xuống dọc men theo đường vào Cát Linh – Khu du lịch gần thành phố nhất. Tiếp giáp với vùng trung tâm thành phố là khu quy hoạch dành cho các công ty, ngành hoạt động khá đa dạng. Có một vài công ty đặc biệt chuyên sản xuất hương liệu và gia vị bởi với vị trí đắc địa, Trảng Bom thường xuyên thu được các nguồn nguyên liệu thô và tươi từ các khu rừng lẫn trang trại cây trồng. Dãy nhà dân nằm xen kẽ giữa hai phân vùng trên, kéo dài ra tận vùng ven thành phố. Một đặc điểm thủ vị mà có lẽ chỉ tại Việt Nam mới có, đó là dù một thành phố nào có phát triển đến mấy, thì sự quy hoạch của nó cũng nằm ngoài tính từ gọn gàng. Chúng không thường được phân vùng rõ ràng mà bị xen kẽ với nhau. Đa số hộ dân tại vùng trung tâm thường đăng ký kinh doanh tạp hóa, quán hàng lưu niệm nhỏ lẻ. Còn những hộ nằm xen kẽ giữa các tòa nhà công ty lớn thì cho thuê nhà đất và phòng trọ. Ở vùng ven thành phố khá yên tĩnh, đa số người dân ở đây sinh sống bằng nông – lâm nghiệp và ngành chăn nuôi, phần còn lại hướng đến việc kinh doanh cũng như đầu quân cho các công ty thương mại dịch vụ.

Chapter

Download

Bạn thích tác phẩm này? Tải APP để không mất lịch sử đọc.
Download

Phúc lợi

Người dùng mới tải APP nhận mở khóa miễn phí 10 chương

Nhận
NovelToon
Step Into A Different WORLD!
Download MangaToon APP on App Store and Google Play