Giữa ánh nắng gay gắt đến vắt ra nước mắt của miền Trung, cậu học
sinh lững thững đi bộ về nhà.
Bình thường, nếu tiết trời oi bức thế này, Gia Bách sẽ nhanh chân
một chút. Nhưng đột nhiên hôm nay có người nhắc tới Uyên Ý, cậu cân nhắc một
chút rồi chọn đi đường vòng.
Thực ra hôm nay là lần thứ hai đầu óc mù mờ của cậu chú ý tới Uyên
Ý.
Lần đầu tiên cách đây vài tháng, khi thời tiết dễ chịu hơn thế
này, vào dịp Tết Âm lịch.
Mùng Một Tết, tiết trời mát mẻ, bầu trời xanh cao và những cơn gió
mơn man khẽ làm tóc rối. Ở cái đất cằn cỗi này, hiếm khi không khí dễ chịu như
vậy.
Tết nhất, Gia Bách cũng theo lệ diện bộ đồ đẹp nhất mà cậu có. Năm
nay tuổi của cậu hợp năm và mệnh của bố - chủ nhà. Nên Gia Bách đảm nhận việc
xông đất đầu năm. Sáng sớm Gia Bách bước ra khỏi cổng nhà, chờ giờ lành để tự
xông đất nhà mình. Chẳng có việc gì làm trong lúc chờ đợi, cậu cúi mặt xuống
đất đi qua đi lại, lẩm nhẩm mấy lời hay ý đẹp để lát nữa chúc bố mẹ.
Chờ mãi sinh nản, Gia Bách xem giờ trên điện thoại. Còn 7 phút
nữa.
Cậu ngẩng đầu nhìn trời mà thở dài, đúng lúc ấy, trong tầm mắt của
cậu xuất hiện một bóng hình.
Là Uyên Ý.
Dù cô đang quay lưng về phía cậu, dù chỉ là nhìn từ phía sau, dù
hai người không hề thân quen, thậm chí chưa từng tiếp xúc, chưa từng nói
chuyện. Thoáng một cái, Gia Bách đã biết đó chính là Uyên Ý.
Cô mặc áo dài màu đỏ tươi, một màu sắc có tính thách thức cực lớn
với phái nữ. Nhưng khí chất cùng dung mạo của cô hoàn toàn áp chế sắc màu rực
rỡ đó xuống, khiến tấm áo trở nên nền nã, nữ tính mà vẫn không mất đi nét sang
trọng vốn có. Phải nói Uyên Ý có dáng người sinh ra để mặc áo dài. Cô mặc kiểu
áo dài truyền thống, vải lụa mềm mại ôm sát thân trên. Phía dưới tà áo cùng
quần lụa mượt mà, làm người ta không khỏi liên tưởng. Thân hình mảnh mai, những
vị trí thể hiện nét đẹp của phái nữ thì đầy đặn, eo thon nhỏ. Uyên Ý bước đi
uyển chuyển, tà áo dài nhẹ bay trong gió xuân. Mái tóc đen buông dài, lượn theo
đường cong tự nhiên sau lưng.
Uyên Ý đứng quay lưng về phía Gia Bách, cách cậu chừng 10 mét. Lờ
mờ cảm thấy có ánh mắt đang dõi theo, cô người lại.
Quên, còn một điều nữa, Uyên Ý được mệnh danh là cô gái đẹp nhất
vùng.
Bây giờ cậu mới nhận ra cô không mặc áo dài trơn. Trước ngực áo
thêu hoa văn Phượng ổ tinh xảo. Đó là loại hoa văn truyền thống của cung đình
Đại Việt, xưa kia thường được thêu trên trang phục của phi tần có phẩm vị cao.
Tuy nhiên hoa văn Phượng ổ không phổ biến, nếu không phải người nghiên cứu hay
quan tâm tới lịch sử phục trang thì mấy ai để ý tới. Hơn nữa hoa văn Phượng ổ
chỉ được tái hiện và số hóa gần đây. Gia Bách không khỏi đề cao sự tinh tế và
hiểu biết của Uyên Ý thêm vài phần.
Thấy Gia Bách, cô mỉm cười, vén một bên tóc ra sau tai rồi gật đầu
thay cho lời chào. Cậu sững người một cái rồi luống cuống gật đầu đáp lại.
Đó là lần đầu tiên Gia Bách chú ý tới Uyên Ý.
Đó là lần đầu tiên một kẻ luôn sống mơ hồ như cậu phải giật
mình.
Nhâm nói thầy toán buồn cười là có lý do. Uyên Ý vốn không phải
người vùng này, mà chuyển tới từ thủ đô Hà Nội hoa lệ. 4 năm trước, Uyên Ý
chuyển vào lớp 11 trường Phước Ninh, lập tức thi được giải nhì văn cấp tỉnh.
Như vậy hoàn toàn là do nền tảng được xây dựng từ trước, chứ đâu phải nhờ thầy
cô trong trường tôi luyện. Thầy nhận công như vậy là không đúng.
Sự xuất hiện kỳ lạ của hai cha con cô đã khuấy đảo cái xã nhỏ suốt
một thời gian dài.
Uyên Ý, tên đầy đủ là Vương Uyên Ý. Nghe nói tên của cô được đặt
theo một Hoàng nữ thuộc Hoàng thất nhà Nguyễn. Chưa cắt nghĩa, mới nghe thôi đã
cảm thấy cái tên đầy ý vị.
Cha cô tên Vương Khiêm, là một nhà thơ nổi tiếng. Tuy rằng ông có
nổi hơn nữa thì chắc Gia Bách cũng không biết, chỉ biết rằng ông rất có ảnh
hưởng trong giới nghệ sĩ.
Đối với một người sợ văn như Gia Bách, cái mác “nhà thơ nổi tiếng”
càng khiến cậu thêm sùng bái hai cha con ông Khiêm . Không chỉ riêng cậu, hầu
hết người dân trong xã đều vậy.
Ở Phước Ninh, nhà ai ăn mấy bơ gạo, gà đẻ nhiêu quả trứng cả xã
đều biết. Nhưng cha con Uyên Ý là ngoại lệ. Cuộc sống của họ nằm trong bức màn
bí mật.
Đương nhiên, chuyện về hai cha con họ Vương được bàn tán rất
nhiều. Còn về tính xác thực của thông tin thì Gia Bách chẳng dám chắc.
Mẹ Uyên Ý mất từ khi cô còn nhỏ. Ông Khiêm không đi bước nữa, chỉ
có hai cha con sống với nhau. Đang yên ổn nơi thành thị tiện nghi, chẳng hiểu
vì cớ gì chuyển về nông thôn. Không giống mấy người giàu chọn nơi thanh tịnh
sống những ngày hưu trí nhàn hạ, hai cha con họ chọn một xã nghèo xa trường,
trạm, bệnh viện, thời tiết quanh năm khắc nghiệt. Điện nước lắm lúc bập bùng,
chẳng có lấy một người họ hàng thân thích nhờ cậy. Nhất là Uyên Ý khi đó học
lớp 11 lại chuyển về, từ bỏ cơ hội học tập lợi thế ở Hà Nội để về một trường
làng trước kỳ thi đại học. Người ở Phước Ninh thì khao khát bằng mọi giá rời
quê lên Hà Nội. Còn cha con họ chuyển về đây.
Lạ thay.
Cha con Uyên Ý thậm chí còn xây nhà, định cư tại xã Phước Ninh.
Suy đi tính lại, dù là đối với ông Khiêm hay Uyên Ý, việc chuyển
tới cái xã hẻo lánh này sống đều bất hợp lý. Tại sao họ lại làm vậy?
Gia Bách nghĩ ngợi một hồi rồi dừng chân trước một hàng rào phủ
đầy hoa mai xanh.
Cậu ngẩng đầu nhìn ngôi biệt thự kiểu Pháp trước mắt, vẻ mặt vẫn
thản nhiên vô tư lự, không hề giống như một người có ngàn vạn suy nghĩ chạy
trong đầu.
Biệt thự hai tầng của cha con họ Vương được xây dựng theo lối kiến
trúc của Pháp, sơn vôi vàng để giữ sự thoáng mát chống lại cái khắc nghiệt của
dải đất miền Trung. Xung quanh biệt thự được bao bọc bởi hàng rào sắt mỹ thuật,
hàn nan hoa uốn hình những cánh hoa mềm mại cân xứng. Yểu điệu mà chắc chắn.
Chỉ cần nhìn từng mấu hàn sắc gọn khéo léo là đủ thấy.
Ở vùng nông thôn giản dị, chẳng cần rào cao hào sâu, cũng không
nhiều người có điều kiện kinh tế để xây dựng nhà ở kiên cố. Vì thế biệt thự của
hai cha con họ càng thêm nổi bật, thu hút biết bao con mắt. Gia Bách vẫn nhớ 4
năm trước cậu học cấp 2 thì tòa biệt thự này hoàn thành. Khi đó chủ nhà còn
chưa dọn tới, cửa đóng then cài. Trong xã từ trẻ con tới người lớn đều không
khỏi choáng váng, đoán già đoán non xem chủ nhân của ngôi biệt thự này là người
thế nào. Khi cha con Uyên Ý xuất hiện, tình trạng của biệt thự cũng không khác
“cửa đóng then cài” lúc chưa có người là bao. Họ sống khép kín, lối sống nhà
nào biết nhà nấy của người thành phố chứ không giống nông thôn cả ngày mở cửa,
gọi nhau í ới, đầu làng cuối xóm nếu không phải người quen thì cũng có tí dây
mơ rễ má họ hàng.
Cũng không thể trách hai cha con ông Khiêm. Ở đây họ đâu có quen
biết ai. Thiết nghĩ, lâu dần chắc sẽ khác. Nhưng trong suốt 4 năm, cha con họ
vẫn giữ lối sống cũ. Tuy thân thiện với bà con lối xóm, nhưng đời sống ngày
thường của họ vẫn là một dấu hỏi đối với dân trong xã.
Lâu đài hoa mai xanh, Gia Bách thầm đặt tên cho biệt thự của Uyên
Ý như vậy.
Gia Bách luôn cảm thấy Uyên Ý giống như một nàng công chúa kiêu
sa, mà công chúa thì đương nhiên phải sống trong lâu đài rồi.
Dưới nắng hè, Gia Bách nhíu mày nhìn giàn hoa mai xanh chăng từ
ban công tầng hai, vươn dài, giăng mắc lên hàng rào quanh sân. Sau mấy năm,
giàn hoa mai xanh thân leo chịu nắng gió khắc nhiệt, sinh trưởng tốt ngoài
tưởng tượng. Dường như nó biến thành một tấm rèm hoa dày kín, mắc từ ban công
tầng hai, phủ xuống hàng rào tầng một, che kín khoảng sân của ngôi biệt thự.
Lúc trước từ ngoài còn nhìn thấy cái sân, giờ thì cái gì cũng không thấy. Theo
đó mà ngôi biệt thự cũng như hai cha con ông Khiêm càng trở nên bí hiểm hơn
trong mắt mọi người.
Mà những người nổi bật nếu không được ngưỡng mộ thì là bị ghét.
Uyên Ý và cha khéo léo, chẳng làm gì để phật lòng ai, vì thế người
ta chỉ có thể âm thầm nói xấu cha con họ.
Có biết bao nhiêu phiên bản truyền miệng về cha con ông Khiêm ,
Gia Bách đều không để lọt tai câu nào. Thậm chí sau sáng mùng Một Tết gặp Uyên
Ý, cậu cũng không ghi trong lòng, chỉ lâu lâu bỗng dưng nhớ lại mà thôi.
Gia Bách hạ mắt xuống nền đất nóng rực, chậm rãi bước đi. Cậu
nghĩ, mình để ý lâu đài hoa mai xanh đôi phần chỉ vì nó có chút lộng lẫy và độc
đáo, thế thôi.
Tự nhủ vậy, Gia Bách ngẩng đầu nhìn tòa biệt thự thêm lần chót.
Bỗng cậu thấy cánh cửa sổ ban công tầng hai khép hờ. Cửa sổ tầng hai luôn đóng
chặt, quanh năm đều vậy.
Cửa mở, có nghĩa là...
...Uyên Ý đã trở về.
Updated 33 Episodes
Comments